Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người hàng xóm

§ Vũ Văn An

Nhà tôi và các cháu sang đoàn tụ được hai năm, thì gia đình tôi dọn về căn nhà ở Wiley Park, vùng Tây Nam Sydney. Đây là khu lao động, nghèo nàn, ô hợp. Ngân sách eo hẹp chỉ cho phép chúng tôi mua được căn nhà gạch ba phòng ở khu này mà thôi. Được cái tiện: nó nằm cạnh trục giao thông lớn là đường King Georges, nối liền Bắc với Nam Sydney, giúp tôi có thể đáp xe buýt hàng ngày tới sở Thuế Liên Bang tại Hurtsville, nơi tôi phục vụ từ năm 1987. Gia đình chỉ có một chiếc xe, phải nhường cho nhà tôi đi làm theo hướng ngược lại.

Khu này chỉ được có thế. Chứ căn nhà chúng tôi mua lọt vào giữa một căn chung cư và mấy căn khác do các gia đình Li Băng sở hữu. Phía đối diện là một dẫy chung cư cũ kỹ, bẩn thỉu, rác rưởi và ầm ĩ. Được một điều: tôi không thuộc loại la cà, tán dóc hay tìm hiểu thiên hạ, thành thử khung cảnh chung quanh ít được tôi chú ý. Tuy thế, tuy tôi không chú ý tới khung cảnh chung quanh, nhưng khung cảnh chung quan vẫn cứ làm tôi thấy phiền. Những người đàn bà Li Băng ở tòa chung cư bên tay trái rất tự nhiên phơi đồ của họ lên hàng rào chung, ngay hướng bàn làm việc nơi tôi ngồi nhìn ra. Cảnh ồn ào huyên náo đêm ngày của họ làm tôi khó mà tập trung tư tưởng, dù tư tưởng của mình chẳng có là bao để mà tập trung. Ông hàng xóm bên tay phải, cũng người cùng nguyên quán với phần đông cư dân bên tay trái, thì tối ngày ở nhà, đàn đúm, truyện trò như pháo rang. Con cái ông ta tự nhiên nhẩy qua hàng rào lượm banh lượm cầu như cơm bữa trong sân nhà mình, tiện tay có thể ngắt dăm ba quả nectarine ăn chơi hay liệng bỏ không thương tiếc. Bạn bè ông ta đậu xe ngay đường vào xe của mình là chuyện hết sức thông thường. Mỗi lần muốn ra xe, phải qua “bên ấy” đạo đạt nguyện vọng.

Những điều ấy càng làm tôi cố thủ ở trong nhà nhiều hơn, ít khi giao tiếp với hàng xóm. Mà hàng xóm cũng chả quan tâm gì tới chuyện nói truyện với mình. Đèn nhà ai người ấy rạng. Cứ như thế cả hàng chục năm. Nhưng chục năm trời đâu có ngắn. Nên thế nào mà chả có lúc ngó sang nhau để thấy nhau dù là từ rất xa. Và cái thoáng nhìn vào một ngày tình cờ kia khiến tôi có cái nhìn hơi khác đối với người hàng xóm bên tay phải. Tôi thoáng nhìn thấy trên tường nhà anh ta như có một chữ gì giống như Miriam bên dưới một khung ảnh. Tôi bật lên một câu hỏi: chả lẽ người này trưng ảnh thân mẫu Đức Kitô? Câu hỏi ấy tôi đem hỏi chính anh ta. Anh ta tỉnh bơ trả lời: đúng! Tại sao? Tại vì Miriam là người đàn bà tuyệt vời. Câu sau cùng của anh ta buộc tôi phải đi tìm sách vở, nhất là kinh Kôrăng để tìm hiểu. Và tôi khám phá ra chỗ đứng thật vinh dự của thân mẫu Đức Kitô trong tâm hồn người Hồi Giáo. Có lúc họ ví Ngài với chính vị sáng lập ra tôn giáo của họ, một vị sáng lập được họ đặt trên Đức Kitô yêu qúi của tôi. Thực vậy sự “mù chữ” của Mohammad đã được họ ví như sự trinh trong của Đức Maria, cả hai đã được Allah Thiên Chúa sử dụng như một tờ giấy trắng, một tabula rasa, để viết ra trang sử mới cho hành động của Người nơi trần gian và trong vũ trụ. Sau này đọc thêm và nhất là khi tới Êphêsô, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có căn nhà tương truyền là của Đức Mẹ, tôi càng được thấy nhiều hơn về lòng sùng kính Đức Mẹ của tín hữu Mohammad. Jaroslav Pelikan, Giáo Sư Đại Học Yale, trong cuốn Mary Through The Centuries, vì thế, đã gọi Đức Maria là pontifex, người bắc cầu. Ý niệm này giúp tôi nhiều thanh thản trước bao nhiêu làn sóng bạo lực từng dấy lên trong những năm vừa qua do thế giới Hồi Giáo quá khích tạo ra cho nhân loại. Tôi hay chạy đến cùng Đức Mẹ Bắc Cầu xin Ngài cứu giúp. Ngài là Đấng đã cho người Hồi Giáo nhìn thấy đầu tiên trên nóc nhà thờ chính thống giáo Zeitoun, Cairo, Ai Cập, năm 1968, một biến cố sau đó được cả hàng trăm ngàn người chứng kiến, trong đó có Nasser. Chả lẽ Ngài lại quên không bắc nổi chiếc cầu nối liền với thế giới Hồi Giáo? Xin cám ơn người hàng xóm đã mang lại cho tôi niềm thanh thản.

Đầu thế kỷ 21, nhờ tằn tiện, gia đình tôi có khả năng nghĩ tới việc di chuyển khỏi khu vực Wiley Park. Nhà tôi và các cháu muốn chúng tôi tới sống tại một khu tương đối yên tĩnh hơn, dù nhân số trong gia hộ chúng tôi giờ đây chỉ còn lại ba: tôi, nhà tôi và cháu trai chưa lập gia đình. Bốn cháu gái đều đã thành gia thất, có gia đình và nhà cửa riêng. Tìm một căn nhà “yên tĩnh” cho những người ít tiền như bọn tôi quả là không dễ, nhất là vì chúng tôi lại muốn có một căn nhà chỉ cần 2 phòng ngủ, nhưng phải có một phòng lớn cho gần 10 đứa cháu ngoại hàng tuần tới nô giỡn, nghịch phá “cho thỏa thích”. Sau gần nửa năm tìm kiếm, chúng tôi vẫn chưa tìm ra căn nhà lý tưởng ấy. Rồi một ngày kia, tình cờ người đại diện địa ốc tìm được một căn “vừa ý”: hai phòng ngủ với khá nhiều cơ sở phụ có thể biến thành một phòng sinh hoạt lớn. Nhưng thật ra đây là ý tưởng tượng của anh ta chứ không hẳn là ý thật sự của chúng tôi. Vì vừa tới mặt tiền căn nhà, chúng tôi đã khựng hẳn lại. Nó là một căn nhà đã bị bỏ hoang đến gần 8 năm nay, do một người Mã Lai, gốc Trung Hoa làm chủ. Sau một cơn nhồi máu cơ tim, anh ta dọn tới nhà người chị đâu đó ở nội thành Sydney, duy trì căn nhà này như một thứ đầu tư nhờ tăng trị giá. Các ống máng đều đã hư hại, nước mưa mặc tình vẽ nhiều thứ hình thù lên tường gạch, đường hông nhà cỏ cao tới đầu người, một mùi nồng nặc xông lên nghẹt mũi. Nhưng túi tiền eo xèo buộc chúng tôi phải vào bên trong quan sát. Thì ra người đại lý địa ốc đọc rõ hoàn cảnh của chúng tôi hơn chính chúng tôi. Dù nhiều chỗ dột nát, cũ kỹ, bụi bặm, nhưng đếm số cơ sở, chúng tôi mường tượng rõ gần 10 đứa cháu ngoại của chúng tôi tha hồ không gian để mà chơi đùa ngoài sân dưới mái. Thế là chúng tôi hạ quyết tâm mua lấy căn nhà này. Quyết tâm cao đến độ, để thuyết phục người bán, tiếng sau cùng tôi trả thêm là 10,000 dollars, trong khi trước đó, tôi chỉ nhích mỗi bước chưa quá 2,000 dollars. Người bán té ngửa, quyết định bán ngay, không còn cò kè bớt một thêm hai gì nữa, và sau cùng, anh ta còn “ái ngại” bớt cho tôi gần 5,000 dollars để gọi là “sửa lại ống máng”. Té ra, anh ta là một cựu chủng sinh “biết điều”, rất quen thân với vị tuyên úy trưởng của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Sydney lúc ấy.

Tôi bỏ ra thêm hơn 40,000 dollars và gần 6 tháng trời để sửa sang lại căn nhà. Diện tích có mái che của nó hơn 200 mét vuông, tuy chính thức chỉ có 2 phòng ngủ. Kẻ thắng cuộc dĩ nhiên là mấy đứa cháu ngoại. Chứ mục tiêu “yên tĩnh” thì hơi đáng hoài nghi, vì căn nhà nằm ngay cạnh Motorway số 5 nối miền Tây Sydney với Phi Trường Quốc Tế và Quốc Nội của Thành Phố. Khúc Motorway chạy về hướng tây này khai mạc vào đúng ngày tôi đặt cọc căn nhà. Nên sáng sớm hôm đó, trước khi đặt cọc, chúng tôi tới bên ngoài căn nhà để nghe xem tiếng động phát ra từ lượng xe của M5 có thể chịu đựng được hay không. Nhờ bức tường ngăn và nhờ chiều dốc xuống khá sâu dưới mặt đất của khúc đường này, nên tiếng động của xe cộ trở thành tiếng vọng từ xa, không đến nỗi nào. Mà dù có đến nỗi nào đi chăng nữa, thiết tưởng khó có chọn lựa nào tốt hơn đối với “người nghèo mà ham” như chúng tôi.

Được một cái, dù phải nghe tiếng động vọng lại từ xa của xe cộ lũ lượt băng qua khúc Motorway này, chúng tôi quả được yên tĩnh về phương diện con người. Khu phố của chúng tôi chỉ gồm 6 căn nhà với nhà cửa một bên và là một “cul de sac” kết thúc với một công viên, nên xe cộ bên ngoài không xâm nhập được. Phần lớn cư dân ở đây là người về hưu hay vợ chồng không con. Bên trái chúng tôi là cặp vợ chồng trọng tuổi, người gốc Đức, ở Úc đã mấy đời. Bên phải chúng tôi là cặp vợ chồng trẻ không con, chồng gốc Ái Nhĩ Lan, vợ gốc Hy Lạp. Họ chào đón chúng tôi bằng những nụ cười thân thiện.

Dần dà, giữa chúng tôi và người hàng xóm phía tay mặt nẩy sinh một mối liên hệ chân tình. Khởi đầu, chúng tôi không mấy thích họ. Tôi còn nhớ có lần người chồng qua chơi, anh ta đứng gần dàn cửa kính của phòng sinh hoạt, nhìn ra bên ngoài, hỏi tôi một câu: ông có biết tại sao tôi mua căn nhà hiện nay của tôi không? Tôi đáp lại: không, tại sao? Anh ta hỏi tiếp: ông có thấy gì ở phía trước mặt không? Tôi trả lời: thấy gì đâu? Anh ta bảo: hai cây thánh giá trên hai tháp chuông nhà thờ kia kìa, chúng là lý do khiến tôi mua căn nhà hiện tại. Tôi thầm nghĩ: chà anh chàng này đạo đức dữ! Nhưng thật ra, tôi chưa thấy anh ta đi lễ Chúa Nhật bao giờ, kể cả Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh, đến nay cũng đã 8 năm trời! Khu phố chúng tôi ở chỉ cách nhà thờ Regina Coeli của giáo xứ Beverly Hills chưa đầy 1 cây số.

Thiếu lòng đạo, nhưng anh ta không thiếu lòng người. Và chỉ cần như thế cũng đủ để chúng tôi thường xuyên liên lạc và truyện trò. Người chồng hết sức vồn vã, vồn vã đến gần như có lúc làm phiền người khác. Anh ta làm nghề thợ ống nước. Nhưng nhìn bề ngoài không ai có thể nhận ra cái nét thợ ống nước nơi anh ta cả: quần áo lúc nào cũng bảnh bao, đầu tóc chải chuốt, thậm chí đồ nghề của anh ta cũng không bị ai nhìn thấy. Không biết anh ta dấu kỹ hay để chúng tận nơi làm việc? Người vợ thì làm bán thời gian cho David Jones. Giặt giũ có người hàng tuần đến lãnh. Cắt cỏ có nhà thầu. Hút bụi đã có ông già bà già vợ mỗi tuần đến giúp một ngày! Rảnh rỗi vì thế họ có khá nhiều. Người vợ bận lo trang điểm, ít khi ra ngoài mà lại không trang điểm lâu giờ, nên chị ít khi xuất hiện bên ngoài. Người chồng vì thế đảm nhiệm vai trò “ngoại giao” cho gia đình. Phải chịu anh rất am tường mọi việc xẩy ra tại khu phố này. Việc gì chúng tôi không hay, hỏi liền được anh cho biết hay đi tìm hiểu và “cho biết sau”. Anh là cuốn từ điển sống. Một hôm, anh ta hỏi tôi: ông có biết ông John mình thường gặp, ở cách nhà ông hai căn, xẩy ra chuyện gì không? Không. Ông ta vừa qua đời và đã được an táng! Trời đất ơi, ông John vẫn thường đi lễ và “lắc ống” cho nhà thờ hàng tuần ấy hả, qua đời rồi sao? Nhờ thế mà chúng tôi có dịp được gặp phu nhân ông John để chia buồn, không thất lễ với một người đồng đạo, đồng giáo xứ. Cám ơn người hàng xóm.

Dù mình không muốn tâm sự, anh ta cũng moi để mình tâm sự với anh ta. Do đó, hầu như có tâm sự gì, tôi cũng ngỏ với anh ta cả. Việc ngỏ này hầu như không vất vả gì, vì anh ta sẵn sàng đón đợi lúc tôi đi ra ngoài hay lúc tôi trở về nhà để hỏi truyện. Những ưu tư của vợ chồng tôi suốt thời gian xẩy ra biến động Tòa Khâm Sứ, rồi Thái Hà và nhất là gần đây việc đi ở của hai vị nguyên và đương kim Tổng Giám Mục Hà Nội đều được chúng tôi kể cho anh ta nghe. Anh ta rất quan tâm và hiểu biết Việt Nam, hiện đang giúp đỡ một bé gái Việt Nam ở Hải Phòng qua trung gian World Vision và cho rằng thăm Việt Nam chỉ còn là vấn đề sắp xếp thời gian. Tôi cho anh ta biết, giống mọi người Việt Nam khác, vợ chồng tôi rất buồn trước việc đi ở của hai vị này. Anh ta bảo: có gì mà buồn, vị này đi thì vị khác về thế, chứ có chi. Tôi bảo: anh đâu phải người Việt như chúng tôi, nên anh đâu biết nguyên lai cái buồn của chúng tôi. Nó đâu phải đơn giản chỉ là việc đi hay ở của vị này vị nọ. Anh cũng biết: trong đạo, truyện thuyên chuyển các chức sắc không những là điều thông thường mà còn cần thiết nữa để tránh cái cảnh coi nơi mình phục vụ là cái gì thuộc về mình mãi mãi. Dù các giám mục có lãnh chiếc nhẫn như biểu hiệu cuộc hôn nhân với giáo phận, nhưng cuộc hôn nhân này không hoàn toàn giống cuộc hôn nhân của anh và của tôi, nó đâu có vĩnh viễn, bất khả phân ly. Vì nhu cầu của Giáo Hội, các ngài vẫn có thể được yêu cầu thuyên chuyển tới nơi khác. Nhưng anh biết nhu cầu của Giáo Hội Việt Nam chúng tôi lúc này là không có việc thuyên chuyển ở tổng giáo phận Hà Nội. Việc thuyên chuyển đó và đưa người mới tới hoàn toàn là nhu cầu của nhà cầm quyền Việt Nam, của người Cộng Sản, kẻ thù của Giáo Hội, của chúng tôi. Tương lai của chúng tôi vì thế bị đe dọa trầm trọng.

Thấy tôi nói hăng quá, anh ta hơi khựng, rồi hỏi tôi: thật ra ông sợ cái gì? Tôi sợ mấy anh Cộng Sản khống chế Giáo Hội tôi. Anh ta mỉm cười rồi bảo tôi: hình như ông quên hẳn chuyện cũ ông từng kể cho tôi nghe về chính vị nguyên tổng giám mục Hà Nội. Hồi ấy ông bảo tôi rằng ông không hài lòng với việc cử nhiệm ngài về tổng giáo phận Hà Nội vì ông sợ ngài là lá bài của Cộng Sản, một lá bài mà hồi ấy ông bảo đi đường vòng, từ Long Xuyên của giám mục Bùi Tuần, người từng không hài lòng với lễ Phong Thánh 117 vị tử đạo Việt Nam vào đúng ngày kỷ niệm gì đó của “phe địch”, tới Lạng Sơn tăm tối, sau cùng mới là Hà Nội chói lọi. Hình như hồi ấy, ông còn bảo tôi là ông biết tin ngài về Hà Nội trước khi ngài về đó cả nửa năm, do một nguồn tin nói là người Cộng Sản sẽ không phản đối nếu ngài được cử về đó. Đúng không? Đúng. Vậy thì bây giờ ông sợ gì? Anh bạn ơi, bây giờ khác hẳn. Tôi không thấy có điều gì khác, nếu nói về viễn tượng tương lai. Truyện qua rồi, tôi không lạm bàn, vì có bàn thì cũng đâu có giải quyết gì được. Đàng nào thì vị nguyên tổng giám mục Hà Nội cũng đã nhất định ra đi rồi. Tôi chỉ nói về viễn tượng tương lai mà ông lo sợ thôi đó là việc người Cộng Sản khống chế Giáo Hội của ông. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi không ngờ Chúa Nhật nào ông cũng đi lễ nhà thờ và ông chê tôi không bao giờ chịu đi lễ Chúa Nhật, nhưng hình như ông quên mất Chúa Thánh Thần rồi đó. Chúa Thánh Thần đã biến lá bài cộng sản, như ông nói ngày nào, thành chứng nhân anh dũng của đức tin Công Giáo, mà ông mới kể cho tôi những ngày gần đây, chả lẽ lúc này lại đi ngủ? Cái ông nguyên tổng giám mục Hà Nội kia chả lẽ tự sức mình thoát được thế lá bài Cộng Sản để trở thành ngọn hải đăng như ông nói mà không cần nhờ đến Chúa Thánh Thần? Ông nên xem lại giáo lý của ông đi, ông ạ.

Như chưa thỏa, anh ta còn bảo: cứ xem như tổng thống Hoa Kỳ với quyền “veto” (phủ quyết) các đạo luật của quốc hội, có phải vì vậy mà quốc hội trở thành bù nhìn của tổng thống đâu. Theo như ông kể thì đúng là vị đương kim tổng giám mục Hà Nội chỉ được nhậm chức, sau khi được sự thoả thuận của người Cộng Sản Việt Nam. Theo tôi, sự thỏa thuận đó chỉ có nghĩa trong phạm vi “veto”, chứ không có nghĩa trong phạm vi khống chế. Không thể nói họ khống chế được những người họ muốn khống chế trong trường hợp này. Không thể nói họ nắm cổ được người họ muốn nắm cổ. Tôi không nghĩ ông nên quá bi quan nếu quả ông có lòng đạo như ông vốn tự hào với tôi.

Tôi biết anh ta có ý móc họng, anh ta, một anh thợ ống nước, một người không đi nhà thờ! Nhưng việc anh ta móc họng khiến tôi nghĩ tới câu nói của một vị giám mục Việt Nam mới tạ thế cách đây không lâu, nay đã được truyền tụng khá sâu rộng và bỗng nhiên thấy câu này nên được nối dài thêm: người công giáo không đi nhà thờ hơn người công giáo đi nhà thờ. Và cứ thế mà tổng quát hóa và nối dài thêm mãi thì riết rồi ai mà đi nhà thờ, ai mà theo Công Giáo đây? Phải chăng thứ triết lý này, nhen nhúm từ sau Công Đồng Vatican II, khiến các nhà thờ Phương Tây nay mỗi lúc một vắng ngắt hơn? Nghĩ cho cùng, những người đi nhà thờ như tôi mà thua những người không đi nhà thờ như người hàng xóm đang góp phần làm cho Giáo Hội đi xuống. Phải chăng tôi cũng chỉ là một trong những con người nên can đảm đứng dậy mà thưa với Đức Cha Nguyễn Chí Linh khi ngài nói với phóng viên RFA rằng ngài không biết ai đang phá hoại Giáo Hội, rằng chính tôi, thưa Đức Cha, tôi đang phá hoại Giáo Hội.

Lời lẽ của người hàng xóm không làm tôi hết buồn, chỉ là một thứ an ủi của những kẻ ở bên ngoài đến “chia buồn” cùng con cái đang có đại tang, mà hình ảnh thân thương của người ân quá vãng vẫn còn nồng nàn trong tim trong óc. Nhưng bỗng nhiên chúng làm tôi nhớ tới lời nhắn nhủ cuối cùng trong cương vị tổng giám mục Hà Nội của vị nguyên tổng giám mục Hà Nội, người mà tôi kính mến, đối tượng của những mến nhớ tiếc thương da diết khôn nguôi, dưới một ánh sáng khác: “Xin anh chị em đừng níu kéo nhưng hãy để tôi ra đi theo ý nguyện. Tôi tin rằng việc tôi ra đi phù hợp với thánh ý Chúa và có ích cho anh chị em”. Câu ấy hình như càng thấm nghĩa hơn khi được đọc trong ngữ cảnh Gioan 16:6-8 “ Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập nỗi ưu phiền. Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và về việc xét xử”.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 18.05.2010. 07:33