Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nghịch Lý Của Cuộc Đời

§ Lm Jos Đinh Công Phúc

Chúng ta thường gặp rất nhiều những nghịch lý trong cuộc đời. Có những chuyện tưởng như thất bại, nhưng nó lại mang đến cho chúng ta hy vọng. Có những thứ tưởng như là hy vọng, vì nó đã được cân nhắc tính toán với đầy đủ những mưu mẹo và khả năng khéo léo nhất, thế nhưng lịch sử lại chứng minh rằng chúng không hề đưa đến cho con người một hy vọng nào, ngoài việc tạo ra những nghịch cảnh, những khốn khó. Cuộc đời được đan dệt bằng nhiều nghịch lý. Nó đòi buộc chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận và chín chắn hơn. Nó cũng cần được nhìn dưới nhiều khía cạnh để những vấn đề được giải quyết một cách thấu đáo. Những bài học từ sự kiện lịch sử luôn đưa đến những giá trị giúp chúng ta định hướng một cách rõ hơn cho tương lai.

Không ai có thể phủ nhận rằng chúng ta có thể học được rất nhiều từ những thành công của nhân loại. Thế nhưng kinh nghiệm cũng dạy chúng ta rằng trong rất nhiều trường hợp con người có thể học được nhiều kinh nghiệm sâu sắc hơn từ những thất bại của cuộc đời hoặc của chính họ. Những kinh nghiệm đau xót này có thể sẽ làm thay đổi triệt để cách suy nghĩ, hướng đi và tương lai của một đời người, thậm chí cho cả một tương lai của xã hội. Đó cũng có thể sẽ là những bài học xương máu cho những thế hệ tương lai. Xin được đưa ra vài điểm đáng chú ý trong những sự kiện đã và sẽ xảy ra để chúng ta cùng suy nghĩ.

1. Lầm tưởng

Nhiều người vẫn nghĩ rằng khi có được quyền là có tất cả. Đây là một lầm lẫn và cũng là một nghịch lý. Quyền bính có sự hiện hữu của nó vì nhu cầu của nhân loại. Không ai không biết rằng quyền bính là để phục vụ và bảo vệ con người cũng như những giá trị của nó. Chính Đức Giêsu đã hiến thân cả cuộc đời chỉ để chứng minh và kêu mời những người mang danh kitô phải phục vụ cho sự thật này. Ngài đã nhắc đi nhắc lại rằng: Ta đến để phục vụ chứ không để được phục vụ. Dường như không mấy ai không biết điều này. Cũng không mấy ai từ chối sự thật này. Rất tiếc rằng cũng lại chẳng mấy ai thực hiện. Địa vị, chức vị lại trở nên như mục đích tối hậu của đời người. Quyền bính để phục vụ, lại được dùng để hành, và được hiểu như là những nấc thang của danh vọng – thật đáng tiếc, thật nghịch lý, nghịch cảnh, nghịch tặc. Dân oan kêu thấu trời là thế.

Địa vị chỉ có giá trị khi mà con người dấn thân thực sự cho những đòi hỏi của nó. Câu hỏi tại sao có rất nhiều người đã tỏ lòng kính mến vị lãnh đạo của họ, thậm chí nhiều khi thái quá, nhưng nó cho chúng ta biết rằng con người đó phần nào đã diễn tả đúng những gì mà cái chức vị đã đòi hỏi nơi mình. Người xưa tâm niệm rằng: thà chết cho một minh quân còn hơn là sống sung sướng với một hôn quân. Vị TGM Hà nội rất chí lý khi diễn tả cái giá trị của một địa vị như là sự “đồng sinh, đồng tử.” Chính sự dấn thân cho đến chết này chứng tỏ giá trị thực của một con người và cái địa vị mà chính con người đó đang nắm giữ. Một khi mà sự dấn thân đó bị quên lãng hoặc tệ hơn được thay thế bởi những mưu mô xảo quyệt, hoặc bằng những tham vọng có tính cách cá nhân – không chỉ cái chức vị đã trở nên một nỗi nhục, mà dường như nó đã phá tan đi sự tin tưởng của nhiều thế hệ, thậm chí đưa đến sự thất vọng, lạc lõng, ghê tởm. (x. Lê Trần Luật, Từ Thái hà đến Bát nhã, VietCatholic News 17/Oct/ 2009; Nguyễn Ngọc Tỉnh, Lên núi nhặt thịt Chúa, Dcct.net 10/Jan/ 2010; Nguyễn Hoàng Đức, Sự kiện Đức cha Ngô Quang Kiệt, Dcct.net 12/May/2010, ect.).

Cũng có những người vẫn tưởng rằng khi ta đã được trao quyền, ta muốn nói sao cũng được. Điều này cũng thật sai lầm. Nhiều người đã đạt tới mức độ uyên thâm trong cách suy nghĩ, thuyết giáo, hành xử. Thế nhưng chỉ cần một nhận xét thiếu tính khách quan đã bộc lộ những sai lầm đáng tiếc. Nó gây ra những hoang mang và thất vọng cho rất nhiều người đã đặt hy vọng vào mình. Quả là các cụ chúng ta rất khôn khi nói rằng “hở miệng mắc quai,” “lời nói thì đi đôi với việc làm,” và nên “chép miệng ba lần trước khi nói,” etc.

Dù nói đúng, nói hay, nói cuốn hút – lời nói cũng ít khi lưu lại được lâu trong lòng con người. Chứng nhân thì hơn chứng ngôn rất nhiều. Đức hồng y John Newman đã đúc kết cả một cuộc đời nổi tiếng giảng thuyết của mình bằng kinh nghiệm sâu sắc này. Chúng ta sẽ không bao giờ thuyết phục được lòng người bằng những lý lẽ cho dù nó sâu sắc. Chúng ta cũng không thực sự thuyết phục họ chỉ bằng những chương trình có tính hệ thống và sách vở. Nhưng chúng ta có thể dễ dàng đi sâu vào tâm hồn và cuộc đời của họ, đơn giản bằng một cuộc sống chứng nhân của mình. Và chính cái chứng này sẽ tồn tại mãi mãi. Đây có lẽ cũng là kinh nghiệm tất cả chúng ta (x. VietCatholic News, Xã luận: Đức TGM Ngô Quang Kiệt như một chứng nhân…11/May/ 2010). Dù chứng nhân thì hơn chứng ngôn, rất nhiều người vẫn thích chỉ làm chứng ngôn. Cái còi thì to đã chiếm hết điện năng của của máy nên cỗ xe thì cứ ì ạch không chịu chạy. Thật là một nghịch cảnh. Ngôn chứng đã trở nên phản chứng. Tâm mà đen tối thì nói đã không sáng, hành lại còn tệ hơn!

Lại có những người vẫn nghĩ rằng dân đen thì phải tuân phục. Học hành không được mấy chữ, kinh nghiệm không đáng vào đâu, thôi thì im lặng mà nghe chứ cứ bình với luận chỉ làm cho vấn đề thêm phức tạp và thậm chí sai lạc. Đức cha Nguyễn Chí Linh dường như đã thấy rất rõ cái quan niệm sai lầm này. Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mọi thành phần trong xã hội và Giáo hội. Ngài cũng thấy giá trị và sự cần thiết của tiếng lòng và sự đóng góp bằng nhiều cách của mỗi con người với xã hội và Giáo hội, etc (x. Lê Quốc Quân, Bình luận về bài phát biểu…VietCatholic News 9/May/2010. Quả thật, không ai thời nay còn có thể từ chối sự quan trọng của vấn đề tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Cũng không ai có thể từ chối giá trị thực sự của mỗi con người, dù nhỏ bé. Nhiều góc nhìn khác nhau, cho dù có khiếm khuyết, chúng sẽ bổ túc nhau để làm sáng tỏ vấn đề. Mù mà sờ voi là sẽ có kết luận sai. Sự thật sẽ bị bóp méo, phẩm giá con người sẽ bị chà đạp bởi cá nhân chủ nghĩa, độc đảng, độc tôn cũng là thế (x. Wim Beuken and Karl-Josef Kuschel, Religion as a Source of Violence [Concilium 1997/4]).

Đây mới chỉ là một vài cái lầm tưởng cố hữu, nhan nhản mọi nơi, mà cả xã hội và Giáo hội đã và đang lên án. Hy vọng rằng với những trải nghiệm mà chúng ta đang phải trải qua sẽ giúp mỗi người ý thức hơn về giá trị của mỗi con người, giá trị của tự do, giá trị của những tư tưởng. Không ai có thể nói mình bảo vệ và tranh đấu cho phẩm giá con người, nếu chính mình đã không tôn trọng sự khác biệt của anh em.

2. Thức tỉnh

Có lẽ hơn lúc nào hết trong lịch sử của nước ta sự ý thức về giá trị và phẩm giá con người đã đạt tới độ chín mùi cách rộng rãi như hiện nay. Những gì mà chúng ta thấy đang được thực hiện bởi những con người mà chúng ta gọi là nông dân, nhân dân, tín hữu đã chứng minh rằng việc ý thức về những giá trị và phẩm giá – không chỉ là những lãnh vực riêng tư. Nó không hề dành riêng cho những bậc được gọi là khôn ngoan, thông thái, danh giá. Nhiều người đã rất ý thức về vấn đề này. Có những người đã mỉa mai rằng thậm chí kẻ thường dân còn có những ý thức sâu hơn những bậc vị vọng mà tâm không sáng, địa không bạch, đức không thông! Thật là một nghịch lý. Đúng là đèn nào có ích gì cho những người khiếm thị. Nguyễn Ngọc Tỉnh đã không sai khi nói rằng chỉ một tấm hình đã có thể nói lên tất cả sự thật.

Những con dân ngày nay cũng không chỉ ý thức về phẩm giá con người và những giá trị của cuộc sống. Họ còn thấy rõ hơn nữa trách nhiệm, quyền lợi và bổn phận của họ trong cuộc sống, trong việc xây dựng tương lai của quốc gia, trong việc gìn giữ những giá trị tinh thần, giá trị thiêng liêng, và những giá trị của niềm tin tôn giáo. Đây thực sự là một điều đáng mừng. Tiếc rằng vẫn còn quá nhiều người vẫn chưa có thể nhìn thấy những giá trị này nơi con dân. Chúng ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng bất cứ một xã hội hoặc một tổ chức nào, nếu không khuyến khích và lắng nghe ý kiến của chính dân mình, cổ võ ý thức về phẩm giá, quyền lợi cũng như bổn phận của họ - cơ cấu của xã hội cũng như những tổ chức đó đã tự giết chính mình. Nhân phẩm và giá trị của con người cũng sẽ bị lạm dụng và chà đạp. Tương lai hy vọng của chính thể và của dân chúng cũng bị đánh cắp.

Phải nói ngay rằng càng ngày người dân càng ý thức về giá trị của chính họ. Con người thời nay ý thức rất sâu sắc rằng giá trị thực sự của một chính thể, một tổ chức, một tôn giáo không đơn thuần là bởi sự uyên thâm, cho dù là thánh của cái lý thuyết mà nó đưa ra. Cái giá trị thực của nó nằm ở cuộc sống của những con người đã đặt hết niềm tin tưởng và hy vọng của họ vào chính cái lý thuyết đó. Chính vì thế, mỗi một nhân vị, dù thấp hèn, đều có một giá trị cao cả vô biên. Họ cần phải được tôn trọng như những con người được cho là danh giá, với đầy đủ phẩm chất và chức vị. Luật không thiên vị ai là thế. Dù tội lỗi cũng không thể hủy diệt được bản tính nhân loại của con người. Dưới con mắt của Thượng Đế, không ai bị từ chối. Không ai bị lãng quên. Mọi người đều có giá trị và phẩm giá cao cả của một con người. Tôi nhớ rất rõ và thấm thía bởi một lời xác tín mãnh liệt của một vị giáo sư, đó là: dù chỉ một mình tôi phạm tội, Đức Giêsu vẫn đến để cứu độ tôi. Đức Giêsu đã khẳng định: ta không muốn ai phải chết, nhưng muốn mọi người đều được cứu rỗi.

Giá trị của một con người rất quan trọng trong một tập thể, một tổ chức. Tiếng nói của họ cần được lắng nghe. Những đóng góp của họ, dù dưới hình thức nào, cũng nên được trân trọng. Vì lẽ rằng tất cả chúng ta chia sẻ và hiệp nhất trong một Thân Thể thánh thiện là chính Đức Kitô (x. Corinthians). Một chi thể mà bị bệnh tật thì cần được chữa trị, chứ không thể bị loại trừ. Sự toàn vẹn của một thân thể luôn luôn có giá trị hơn là một số chi thể, cho dù chi thể đó là quan trọng. Hiệp nhất trong yêu thương, hiệp nhất trong sự khác biệt có giá trị là thế. Chủ nghĩa hoàn hảo, chủ nghĩa ưu sinh sẽ giết chết sự giàu có đa dạng của nhân loại và thế giới này. Giá trị tự nhiên và những đóng góp đơn sơ của mỗi cá thể trong cộng đoàn là thực sự cần thiết. Tiếng gào thét cho nhân phẩm, nhân quyền của dân ta đã “rành rành định phận tại thiên thư.” Hơn lúc nào, chúng ta cần phải lắng nghe những tiếng kêu gào thấu trời của dân chúng và cần có những câu trả lời thích hợp nhất. Đây không phải là ý thức mới của người dân, mà là thiên ý. Có lẽ, chúng ta không nghe ở đâu thiên ý rõ và thật cho bằng lắng nghe những tiếng kêu gào của những sự kiện lịch sử, cũng như những tiếng khóc thảm thiết oan trái, bất công của dân ta. Đúng thật ý dân là ý trời!

Không ai có thể phủ nhận rằng có quá nhiều thay đổi chóng mặt đã và đang xảy ra tại quê hương Việt nam. Nhiều thay đổi đã thực sự đem đến những hy vọng. Cũng không ít những thay đổi đã và đang gây xao xuyến, âu lo, thất vọng. Những biến chuyển này dĩ nhiên chứng tỏ những dấu hiệu của một sự phát triển. Mặc dù vậy chúng ta cũng không loại trừ khả năng ảnh hưởng tai hại của cá nhân chủ nghĩa, óc bè phái, những toan tính lợi dụng thấp hèn đang làm khuynh đảo nhiều mặt trong xã hội. Để có thể có được những cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn giúp chúng ta định hướng cho tương lai một cách vững chắc, thiết tưởng chúng ta không thể không chú ý đến một số bất cập trong cách suy nghĩ mà tôi gọi là những nghịch lý tiêu cực. Quan trọng hơn nữa chúng ta không thể nói đến quốc gia mà không có dân. Cũng không thể nói đến Giáo hội mà lại không nhắc đến dân Chúa. Có thể nói rằng, chính dân mới làm nên quốc gia. Chính dân Chúa mới làm nên Giáo hội. Sự văn minh, sự hiểu biết và đời sống của “dân” sẽ định hình và chứng tỏ giá trị của một quốc gia hoặc của một tôn giáo. Chính vì thế bất cứ một cơ cấu tổ chức nào hiện diện phải là để phục vụ cho những đòi hỏi căn bản của phẩm giá và quyền làm người của dân chúng. Vì lẽ đó, những người lãnh đạo không chỉ phải lắng nghe những tiếng kêu gào thống thiết của dân chúng, mà còn phải dâng hiến chính bản thân và những vụ lợi ích kỷ để nhờ đó mà người dân may ra có được sự sống thực sự và sống dồi dào trong ân sủng (x. Jn 10: 10). Đây có thể là một nghịch lý khác thường với những suy tính bình thường. Mặc dù vậy không một xã hội hoặc một tôn giáo nào đã được thiết lập ngoài nghịch lý này. Mạng sống và máu đào của những anh hùng tử đạo hoặc chết cho một lý tưởng cao cả hơn đã xây dựng một nền độc lập hoặc một Giáo hội là thế. Chúng ta vẫn có đủ lý do để sống trong hy vọng, để sống viên mãn.

Lm Jos Đinh Công Phúc

Đọc nhiều nhất Bản in 13.05.2010. 10:02