Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một câu liên quan tới tôn giáo đáng suy gẫm!

§ Alfonso Hoàng Gia Bảo

SAIGÒN - Hôm Chủ Nhật 7/9/08 vừa qua, rất nhiều nhà thờ trong giáo phận Sàigòn đã phổ biến là thư mục vụ của TGM Giáo Phận TP.HCM Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn. Như vậy mặc dù cách xa hàng ngàn km, nhưng hai chữ ‘Thái Hà’ giờ đây đã trở nên rất gần gũi với phần lớn giáo dân Sàigòn. Trước đó nhiều họ đạo cũng đã quan tâm theo dõi sát vụ việc, đặc biệt kể từ sau tối 28/8 khi nhiều giáo dân mặc dù chỉ phản đối việc bắt giữ người trong ÔN HÒA nhưng đã bị công an quận Hoàn Kiếm đáp trả bằng BẠO LỰC.

Cùng lúc với việc phổ biến Thư Mục Vụ Sàigòn trên, việc tất cả các Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ tại giáo phận Hà Nội và các Đức Cha các giáo phận miền Bắc đến tận giáo xứ Thái Hà thăm viếng cho thấy sự kiện Thái Hà đang đã trở thành mối ưu tư lo lắng lớn nhất của giáo hội hiện nay. Cũng nhờ vậy, giáo dân cả nước được biết sự thật về Thái Hà bằng thông tin trong giáo hội, nó hoàn toàn khác với những thông tin mà giáo dân nghe được ở nhà mình qua VTV hay qua truyền miệng nhau.

Và chúng ta hy vọng cũng từ vụ Thái Hà vấn đề thông tin nội bộ trong giáo hội cũng sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu của giáo hội. Bởi sống trong một xã hội thông tin một chiều như ở Việt Nam, thì chỉ có thông tin nội bộ thật hữu hiệu, mới có thể vô hiệu hóa tất cả những loại tin tức thiếu trung thực liên quan đến giáo hội. Mà những việc này cũng chẳng cần phải đầu tư tốn kém gì nhiều, càng không vi phạm luật pháp vì những thông báo cuối mỗi thánh lễ là một phần của thánh lễ và đã có từ bấy lâu nay.

Một việc làm hết sức cần thiết, bởi vì:

+ Từ lâu chúng tôi thấy rõ ràng có gì đó không ổn khi giáo hội luôn nhắc đến đến rao giảng lời Chúa, mà việc ấy xét cho cùng cũng là việc loan truyền tin tức cho nhau, làm sao có thể rao giảng lời Chúa trong khi việc rao giảng tin tức ngay chính trong giáo hội lại chưa được xem trọng?

+ Qua sự kiện Thái Hà (hay bất cứ nơi nào khác của giáo hội diễn ra những việc tương tự) thật khó tưởng tượng cảnh trong những ngày này có nhà thờ hay họ đạo nào đó ở các tỉnh thành, với phương tiện thông tin liên lạc không quá khó khăn mà hoàn toàn mù tịt hoặc biết không chính xác về những gì đang diễn ra ở Thái Hà, trong lúc giáo hội vẫn hằng cầu nguyện liên lỉ ngày đêm mong sao cho chân lý được sớm tỏa sáng trên quê hương.

Làm gì có loại chân lý nào mà ‘dễ tính dễ nết’ không mời mà cũng đến dễ dàng như vậy?

Xin thưa với các Quí Cha, chân lý ấy rất khó nếu chúng ta không muốn nói là không bao giờ tự dưng đến. Những gì đã và đang diễn ra trong thực tế với những người đấu tranh cho dân chủ tự do ngoài xã hội cho thấy rõ điều này, họ bị trù dập còn thẳng tay hơn Thái Hà nhiều chỉ vì đơn độc!

Cũng xin nói thêm sở dĩ đại đa số dân chúng trong nước bị tước đoạt hết các quyền tự do căn bản mà mặt mày ai nấy vẫn cứ ‘tưoi cười như huê’ chẳng hề ưu tư, bởi vì chuyện này cũng giống như việc một người trong lúc đi đường sơ ý bị kẻ trộm móc mất bóp mà anh ta vẫn chưa hề hay biết. Chỉ đến khi cần mua món hàng nào đấy mới phát hiện ra sự mất mát này, lúc ấy chắc chắn anh ta không thể còn vô tư được nữa, mà tùy theo món tiền không cánh mà bay kia nhiều ít bao nhiêu, mặt anh ta mới ‘méo xẹo’ bấy nhiêu.

Vấn đề nan giải của xã hội Việt Nam hiện nay là còn quá ít người nhận ra sự mất mát ấy, do khắp cả nước không có nơi nào được trưng bày các loại hàng hóa mua bằng ‘đồng tiền’ tự do dân chủ cả, vì thế mà đại đa số dân chúng chưa biết mình đang bị ‘móc túi’.

Trong thực tế đó là thực trạng nhiều người phải chạy vạy xin xỏ nhà nước điều này việc nọ, mà họ không biết rằng trong một xã hội tự do dân chủ, họ không bao giờ phải qụi lụy bất cứ ai trong những chuyện như vậy. Thậm chí có những việc như học hành của con cái, cả ở bậc tiểu và trung học nhà nước còn phải lo cho con cái họ miễn phí thay vì gia đình họ phải chạy vạy ‘sất bất sang bang’ lo chạy chọt mà lắm khi cũng không xong việc, mà học hành cũng chẳng ra làm sao.

Do vậy, theo suy nghĩ của chúng tôi việc phổ biến thông tin và kể cả chuyện phê bình công khai việc làm của chính quyền Hà Nội đối với giáo xứ Thái Hà trong các nhà thờ họ đạo trên cả nước, không nên hiểu một cách đơn giản đó là sự thách thức nhà nước mà cần phải hiểu ngược lại, giáo hội đang làm hết khả năng để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong tình huống căng thẳng hiện nay. Việc giáo xứ Thái Hà đã bị cắt hết tất cả các phương tiện liên lạc, bản thân việc làm cũng đủ cho thấy phiá chính quyền đánh giá thông tin quan trọng ra sao.

Chuyện ứng xử của ông Thủ tướng Ấn Độ

Trong lịch sử đàn áp tôn giáo thế giới, bạo lực cũng đã được đem ra sử dụng nhiều lần, nhiều thời đại và ở nhiều nơi. Cùng lúc với sự kiện Thái Hà, tại Ấn Độ một chuyện khác cũng liên quan đến số phận những người Kitô giáo xảy ra nhưng những dấu hiệu từ phiá chính quyền cho thấy nó sẽ kết thúc có hậu hơn Thái Hà ít nhất là so với những gì đang diễn ra cho đến thời điểm hiện nay.

Cách nay mấy ngày trên diễn đàn X-Café.vn, nơi qui tụ nhiều người trẻ ý thức về vận mạng dân tộc, có đăng bài viết Chuyện tôn giáo ở Ấn Độ [1] như sau:

“Trong cuộc gặp gỡ một phái đoàn gồm các đại diện cao cấp của các Giáo Hội Kitô giáo vào thứ năm, 28,8.2008, về những vụ tấn công và giết hại các Kitô hữu một cách dã man do những phần tử Ấn giáo quá khích gây ra, và ông đã hứa là nhà nước sẽ bồi thường cho mỗi gia đình nạn nhân số tiền vào khoảng 6.800 USD. Phái đoàn các vị lãnh đạo của các Giáo Hội Kitô giáo do Đức TGM Raphael Cheenath của giáo phận Bhuhaneshwar cầm đầu đã trao cho Thủ tướng Singh một thỉnh nguyện thư yêu cầu nhà nước cần phải can thiệp kịp thời những vụ tấn công các Kitô hữu đặc biệt trong tiểu bang Orissa.

Theo bản tường trình của cơ quan từ thiện Misereor của Giáo Hội Công Giáo Đức gửi cho đối tác của họ ở Ấn Độ vào thứ sáu, 29.8.2008, thì những cuộc tấn công các Kitô hữu của các phần tử Ấn giáo quá khích vào cuối tuần vừa qua, đã làm cho khoảng:

• 15.000 Kitô hữu đã phải bỏ lại nhà cửa để chạy thoát thân và đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất;

• 1.500 ngôi nhà của các Kitô hữu bị đốt phà hoàn toàn;

• 50 nhà thờ bị chiếm giữ và bị cướp phá;

• và theo các phương tiên truyền thông quốc tế cho hay thì có khoảng 9 người bị sát hại.

Các đối tác của cơ quan Misereor ở Ấn Độ cho hay là hiện chính phủ trung ương ở Tân Đề Li đã ra thông cáo tuyên bố miền đất các Kitô hữu bị tấn công là vùng bị nạn và thành lập một Ủy ban điều tra vụ việc. Các Linh mục, các Nữ Tu và các cộng tác viên nam nữ của các Giáo Hội bị lôi kéo ra khỏi xe và bị đánh đập dã man, các xe cộ của họ bị đốt cháy. Các phần tử Ấn giáo quá khích đã hiếp đáp đàn bà con gái và chặt các nạn nhân Kitô hữu ra từng khúc ngay trước sự chứng kiến của cảnh sát Ấn Độ. Về phía nhà chức trách Ấn Độ, họ chỉ tìm cách ngăn cản qua loa những vụ bạo hành như thế cho qua chuyện, nếu không nói là các cảnh sát còn vào hùa với bọn quá khích.” (hết trích)

Người viết đã kiểm chứng tin này trên The Indian Catholic [2] và Catholic Online [3] và dường như có một sự trùng hợp khá lạ kỳ về những gì đang diễn ra giữa Hà Nội và thủ phủ Bhubaneshwar (Ấn Độ) cả về thời gian lẫn dự gia tăng mức độ đàn áp đạo công giáo kể từ cuối năm 2007 đến nay. Bản tin trên tờ Agenzia Fides [4] viết “Một làn sóng tấn công chống người Thiên Chúa giáo lần thứ hai tại Orissa được báo cáo vào cuối Tháng 8/2008 còn tồi tệ hơn hồi Tháng 12/2007 nhiều” (Bhubaneshwar (Agenzia Fides) – The second wave of anti-Christian attacks in Orissa, reported in late August 2008, has been much worse than that of December 2007)

Hai vụ việc gây thiệt hại cho cộng đồng Thiên Chúa Giáo ở hai quốc gia Châu Á vào cùng một thời điểm nhưng cách giải quyết của Việt Nam hoàn toàn ngược với Ấn Độ, chèn ép đạo công giáo trong khi chúng ta biết rằng tại Ấn Độ chỉ có 2,3 phần trăm dân chúng theo Thiên Chúa Giáo thì Việt Nam là gần 10% đứng vào thứ hai ở Châu Á chỉ sau Phillipnes.

Xưa nay các nhóm thiểu số thường hay bị xã hội bỏ quên nhưng quan điểm của thủ tướng Ấn chẳng những không mà ông còn mạnh mẽ bênh vực họ, vì sao?

Nếu Hà Nội tổ chức họp báo lần nữa về vụ Thái Hà và chẳng may bị tờ báo nước ngoài nào đó đem chuyện của Ấn Độ ra cật vấn ông Lê Dũng, Phát ngôn của Bộ Ngoại Giao chắc chắn ông này sẽ lại moi bài tủ ra trả lời mỗi dân tộc có đặc điểm riêng nên phải hành xử thế này thế này thế v.v…

Khốn thay! những thứ mà Hà Nội viện dẫn cần phải duy trì sự khác biệt ấy lại dính chặt vào sự độc quyền cai trị của họ. Ngược lại, khi làm ăn với ai lúc ‘lại quả’ họ chẳng bao giờ hỏi anh ở đâu đến, thuộc dân tộc nào để chúng tôi xem các thanh toán ở xứ các anh ra sao, đưa tiền cho chúng tôi như vậy có gì khó khăn hay thiệt hại cho các anh không v.v…?

Không bao giờ có chuyện đó mà duy nhất chỉ cần USD là xong, TIỀN, VÀNG, BẠC… mọi dân tộc đều cần giống nhau, xài như nhau chỉ mỗi QUYỀN TỰ DO thì …??? thế mới là sự kỳ quái của cộng sản.

Điều này có nghĩa gì? Lối chuẩn mực hóa nhân quyền mà Hà Nội hay viện cớ bấy lâu chỉ là sự ngụy biện. Có thể nhắm mắt nói cũng chẳng sợ sai là chẳng có sự khác biệt nào khác ngoài khác biệt về thể chế chính trị giữa Việt Nam và Ấn độ đã dẫn đến hai cách giải quyết tréo ngoe trên.

Một chính quyền không do dân bầu lên mà phải dùng đến bạo lực cướp lấy và cứ thế mà đè đầu cưỡi cổ dân tộc thì chính quyền ấy đã sẵn mang trên mình ‘gen’ bạo lực. Mà bạo lưc thì bao đời nay luôn gắn liền với tội ác, khác chăng chỉ là về cách thực hiện.

“Một sự nhục nhã cho cả dân tộc!” là lời phát biểu thủ tướng Ấn Độ trong vụ bạo hành ở Orissa, suy nghĩ mới thấy thật đáng hổ thẹn về cách xử sự của nhà cầm quyền Việt Nam trong vụ Thái Hà với hành vi bạo lực trên, khi mà Ấn Độ chỉ cách Việt Nam hai múi giờ, rất nhiều bang của nước này ở miền Bắc có mức sống còn thua xa so với Hà Nội.

Vậy chính quyền Hà Nội có nên tham khảo cách đối xử với tôn giáo của ông thủ tướng Ấn Độ, bởi dẫu sao họ cũng là cường quốc trong khu vực và đang có những quan hệ ngày càng gần gũi với Việt Nam về kinh tế và gần đây là cả về mặt quân sự, vì thế có thể học hỏi được nhiều điều.

Nếu không cứ tiếp tục dùng bạo lực, chính cái khoảng khắc ngắn ngủi vài chục phút đàn áp diễn ra tại trước cơ quan công an quận Đống Đa tối 28/8/2008 đã đẩy toàn bộ quãng thời gian 8 tháng phản đối trong ôn hòa kể từ cuối năm 2007 của giáo hội công giáo thủ đô rẽ sang một hướng mới hiện nay, biết đâu cũng sẽ là cuộc rẽ hướng định mệnh cho cả dân tộc Việt Nam.

Tham Khảo:

[1] Một sự nhục nhã cho cả dân tộc!
[2] Orissa limps back to normalcy, Church official says
[3] Orissa: More Churches and Homes Burned to the Ground
[4] ASIA/INDIA - Updated report from Archbishop Raphael Cheenath on the recent anti-Christian violence in Orissa

Alfonso Hoàng Gia Bảo

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.09.2008. 16:19