Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Món Nợ Duy Nhất

§ Lm Giuse Đỗ Vân Lực, OP

(Mt 18:15-20)

Công lý đang là vấn đề nổi cộm tại Việt Nam. Công lý đi đôi với chân lý. Thế nên, muốn trù dập công lý, trước hết người ta phải tìm cách che đậy hay xuyên tạc sự thật. “Từ vài tuần nay, Nhà nước đã và đang xử dụng công suất tối đa các phương tiện truyền thông như các Đài Truyền Hình, Truyền Thanh và báo chí tố cáo và buộc tội các Linh Mục và giáo dân Xứ Thái Hà vi phạm Pháp Luật khi đọc kinh & hát thánh ca trong khuôn viên khu bất đông sản số 178 Nguyễn Lương Bằng, Quận Đống Đa, đang tranh cãi nhằm kết án họ trước khi điều tra và trước khi Tòa Án ra phán quyết vụ việc.”[1] Ðó là đường lối giải quyết vấn đề của nhà nước vô thần.

Ðường lối đó hoàn toàn ngược hẳn với những gì Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay khi phải giải quyết vấn đề trong cộng đoàn. Trước khi công bố cho công chúng hay đem ra tòa án, Chúa muốn có những cuộc đối thoại và những chứng từ chắc chắn. Ðể có thể giải quyết ôn hòa và thỏa đáng, cần có những bước đi vừa hợp lý vừa hợp tình. Tất cả đều nhằm xây dựng một cộng đoàn bác ái trên nền tảng chân lý.

NHỮNG BƯỚC CẦN THIẾT

Trong cộng đoàn, mỗi người một ý, làm sao có thể hiệp nhất để thực hiện mục tiêu chung ? Không thể nhân danh cộng đoàn để triệt hạ cá nhân. Phối hiệp giữa cộng đoàn và cá nhân quả thật là một vấn đề rất lớn.

Vấn đề lớn nổi lên khi cá nhân muốn lấn át cộng đoàn. Ngược lại, vấn đề cũng không kém bi đát khi cộng đoàn lấn át cá nhân. Bởi vậy, khi cá nhân có vấn đề, cộng đoàn cần đối xử làm sao cho cá nhân có thể hòa nhập vào cộng đoàn, mà không đánh mất chính mình. Ðây là điều hết sức tế nhị và phức tạp. Không những đòi khôn ngoan, nhưng còn phải duy trì đức ái, mục tiêu tối thượng của cộng đoàn.

Ði vào cụ thể, Chúa Giêsu vạch ra ba bước phải tuân theo khi giải quyết vấn đề. Tội lỗi cá nhân cũng là một trong các vấn đề cộng đoàn.

Bước thứ nhất diễn ra trong một khung cảnh nhỏ hẹp, giữa cá nhân với cá nhân. Chắc chắn cuộc trao đổi thân mật này phải theo chiều hướng đối thoại. Nơi sâu kín này, Chúa muốn con người tôn trọng nhau và cứu xét các vấn đề trên một bình diện bình đẳng. Không thể giải quyết ngay vấn đề dựa trên luật pháp. Nhưng cũng không chỉ căn cứ trên tình cảm. Tình cảm cũng chỉ nhằm tìm cho con người có một bầu khí sâu lắng và tĩnh lặng hầu có thể dễ dàng và thoải mái suy nghĩ hơn. Quá tình cảm cũng nguy hiểm không kém quá nghiêng chiều về lý trí. Cuộc gặp gỡ riêng tư có thể đem đến kết quả nhanh chóng, nếu biết khai thác những khía cạnh tâm lý hay thiêng liêng của người có vấn đề. Nhưng giải quyết một vấn đề có liên quan tới cộng đoàn hay cá nhân, người có trách nhiệm cần phải sáng suốt và bình tĩnh.

Giải quyết vấn đề trong vòng thân mật ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì cá nhân có thể chủ quan. Chỉ cần một chút tự ái hay thiếu tế nhị cũng có thể làm cho vấn đề thêm trầm trọng.

Dù sao, không thể để cho bất cứ lý do nào làm tiêu tan công lý và chân lý trong cộng đoàn. Trong trường hợp cá nhân không nhận ra vấn đề hay cố tình phủ nhận sự thật, có phải cứ làm thinh, chúng ta sẽ tạo được bầu khí thuận lợi để lôi kéo họ ? Chúa không bảo phải làm thinh. Không giải quyết đến cùng có thể tạo cho họ cơ hội lấn lướt cộng đoàn và phá hỏng mục tiêu. Vấn đề cần phải được giải quyết tới cùng. Phải làm mọi cách cho tội nhân nhận ra sự thật. Bằng cách nào ?

Chúa dẫn chúng ta vào bước thứ hai trong tiến trình giải quyết vấn đề. Sau khi đã thất bại trong việc thuyết phục cá nhân, Chúa muốn chúng ta dùng các nhân chứng hay bằng chứng. Tới giai đoạn này, bước đường chinh phục bằng tình cảm cũng bớt đi, nhưng dù sao vẫn là những trao đổi trong vòng nhỏ hẹp. Bước thứ hai dùng lý chứng để thuyết phục chưa chắc đã làm cho tội nhân bừng tỉnh. Quả thật, không dễ lấy cái xà ra khỏi mắt để nhận định khách quan về những lỗi phạm của mình.

Trong giai đoạn hai, Chúa muốn cho mọi người thấy dù phải thông cảm và bao dung, nhưng cộng đoàn cũng phải cương quyết bảo vệ sự thật đến cùng. Dầu sao, nếu tội nhân nhận ra sự thật, mọi việc đã có thể giải quyết trong giai đoạn hai. Như vậy cũng đủ cho tội nhân thấy rõ sự kiên nhẫn và tình thương của cộng đoàn. Khi kêu đến các nhân chứng, cộng đoàn cũng chỉ muốn vừa mở mắt cho họ nhận ra vấn đề và phương cách giải quyết, vừa muốn cho thấy tình ấm cúng của anh em trong cộng đoàn. Bởi thế, các nhân chứng không được quá cứng rắn như quan tòa, mới hy vọng đạt đến điều cộng đoàn mong muốn. Nếu các nhân chứng cũng có giọng điệu như công tố viên, chắc chắn vấn đề sẽ trầm trọng thêm và tội nhân sẽ càng cố chấp trong đường lối của mình.

Nếu qua giai đoạn hai, tội nhân vẫn chưa chấp nhận sửa sai, cộng đoàn cũng không thể để vấn đề “chìm xuồng” luôn. Giai đoạn đối thoại và làm chứng âm thầm đã qua. Tình thương phải không thể che mờ chân lý. Ðến giai đoạn thứ ba, tất cả đều phải công khai nơi tòa án. Biện pháp mạnh nhất là loại trừ phần tử xấu ra khỏi cộng đoàn. Không thể có sự hòa hợp giữa cộng đoàn và cá nhân đó nữa. Nói khác, mục đích và quyền lợi chung sẽ tiêu trầm, nếu cứ để cá nhân đó đồng hành với mọi phần tử khác.

Khi phải dùng tới biện pháp mạnh, chắc chắn Hội Thánh cũng không được phép lỗi đức ái. Ðúng ra, khi không chấp nhận sai lỗi của mình, tội nhân đã tự loại ra khỏi cộng đoàn. Nếu có bó buộc phải dùng tới kỷ luật, chẳng qua Hội Thánh muốn công khai xác nhận tình trạng của họ mà thôi. Ðó là một điều bất đắc dĩ, nhưng cần thiết để bảo vệ cộng đoàn.

Khi phán quyết và hành động như thế, Hội thánh lấy quyền ở đâu ? Liệu phán quyết đó có đủ sức mạnh không ?

Dĩ nhiên, quyền tài phán của Hội thánh đã được Chúa bảo đảm. Hội Thánh có quyền ràng buộc và tháo cởi cho nhân loại (x. Mt 18:18). Tự bản chất, Hội Thánh là một sức mạnh giải thoát. Như thế, khi phải loại bỏ một thành viên ra khỏi cộng đoàn, phải chăng Hội thánh đã đánh mất bản chất ? Thực ra, Hội Thánh không hành động để tỏ uy quyền cho bằng muốn bảo vệ đàn chiên của Chúa. Khi thi hành sứ mệnh, Hội thánh không nhằm triệt hạ con người, nhưng chỉ muốn loại trừ tội lỗi.

Khi hành xử như thế, Hội thánh tự thanh luyện chính mình và tỏ cho mọi người thấy sự nhất trí của cả Hội Thánh. Sự nhất trí đó không dựa trên luật pháp như xã hội ngoài đời, nhưng hoàn toàn dựa trên quyền năng đầy tình yêu thương của Thiên Chúa. Nếu không kết hiệp với Chúa, Hội Thánh không thể có sức mạnh và quyền năng như thế.

Khi phải hành động để bảo vệ công lý, Hội Thánh càng cần phải cầu xin với Chúa hơn để có thể dung hợp giữa công lý và tình thương, để vừa khôn ngoan làm sáng tỏ sự thật, vừa bảo vệ tối đa bản chất tình yêu của mình. Khi họp nhau để cầu nguyện và phân xử như thế, Hội Thánh an tâm vì có Chúa Giêsu ở giữa (x. Mt 18:19-20). Thế nên, dù khi sốt sắng cầu nguyện hay khi căng thẳng cứu xét và phán quyết về một vấn đê trong cộng đoàn, Hội Thánh đều được Thánh Linh giúp thêm can đảm hầu hoàn thành sứ mệnh đưa nhân loại vào Nước Trời.

QUYỀN BÍNH GIÁO HỘI

Khi phạm tội, con người tự tách biệt khỏi Thiên Chúa. Ðó là lý do tại sao họ không thể nhận ra sự thật. Thực vậy, “Chúa tạo dựng con người để làm người bạn đàm đạo với Chúa. Chỉ trong cuộc đối thoại với Chúa, con người mới tìm ra sự thật. Từ đó, họ tìm được hứng khởi và tiêu chuẩn cho những chương trình tương lai của thế giới.”[2] Tội lỗi ngăn cản con người hiệp thông với Thiên Chúa và phá vỡ mọi kế hoạch.

Hơn thế, tội lỗi còn đưa đến những hậu quả khốc hại cho cộng đồng nhân loại. Có thể nói tội lỗi khiến con người trở thành xa lạ với nhau. Ngôn ngữ không còn là nhịp cầu thông cảm và trao đổi giữa con người với nhau nữa. Quả thế, “khi con người cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa, cuộc phân rẽ giữa anh em thật bi thảm. Như chúng ta thấy, “nguyên tội” vừa tuyệt giao với Giavê vừa phá tan tình bằng hữu đã từng liên kết gia đình nhân loại.”[3] Tương quan hai chiều đó xoắn xuýt với nhau như những sợi trong một giây thừng.

Tội lỗi luôn mang chiều kích xã hội. Thực thế, “vì trong thực thế và cụ thể tình liên đới nhân loại huyền nhiệm và không thể thấu hiểu, tội cá nhân cũng ảnh hưởng tới tha nhân cách nào đó.”[4] Ðó là lý do Hội Thánh coi tội lỗi như một vấn đề phải giải quyết. Hội Thánh phải tìm giải pháp tốt nhất để tìm con đường khai thông cho mọi bên.

Giải pháp tốt nhất đó chỉ có thể tìm thấy trong Ðức Giêsu Kitô. Quả thật, “ tội lỗi luôn tìm cách đánh lừa chúng ta và ngăn cản con người thực hiện công việc. Nhưng Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi và cứu chuộc con người khi thực hiện công cuộc hòa giải.” (Cl 1:20) Do đó càng kết hiệp với Chúa Kitô trong lời cầu nguyện, Hội thánh càng sáng suốt, khôn ngoan và can đảm giải quyết vấn đề cho tội nhân để mưu ích cho công cuộc cứu độ. Dù sao, cũng nên nhớ rằng “vì bị tội lỗi làm tổn thương, nhân loại phải trải qua một cuộc thanh tẩy tận căn (x. 2 Pr 3:10) để trở thành một thế giới mới (x. Is 65:17; 66:22; Kh 21: 1), sau cùng thành một nơi cho “người công chính cư ngụ.” (2 Pr 3:13) Như vậy, Chúa đã trao cho Giaó Hội quyền bính để tự thanh tẩy và biến thành nơi cho những công chính sống bình an và hạnh phúc trong ân sủng Thiên Chúa.

Không những tự thanh tẩy, Giáo Hội còn cộng tác với Thiên Chúa trong việc thanh tẩy trần gian khỏi những tội lỗi bất công và gian ác. Chính khi tranh đấu giành lại công lý cho con người, Giáo Hội đang thực hiện công cuộc thanh tẩy đó. Không có cuộc thanh tẩy này, con người không thể sống bình an với nhau và xây dựng cuộc sống tốt đẹp.

CUỘC THANH TẨY TẠI VIỆT NAM

Cuộc thanh tẩy nào cũng đòi nhiều hy sinh. Nếu không loại trừ những bất công ra khỏi xã hội, con người không bao giờ có thể sống bình an và hạnh phúc, dù có đầy đủ quyền bính và tiền rừng bạc bể. Hiện nay, xã hội Việt Nam đang trải qua những cuộc thanh tẩy đau đớn, vì căn bệnh bất công đã quá trầm kha. Nếu con người không tiêu diệt được bất công, bất công sẽ tiêu diệt con người.

Chính vì thế, GHVN đang cố gắng giành lại công lý cho dân tộc sống còn và phát triển. Giữa cảnh ồn ào vu vạ nơi các cơ quan truyền thông và những phương tiện đàn áp đủ loại của nhà nước, GHVN đang hành động ra sao qua vụ Giáo xứ Thái Hà ?

Trước hết là cuộc đối thoại về pháp lý và trưng dẫn bằng chứng. Trong lá thư gởi các linh mục Việt Nam, Dòng Chúa Cứu Thế xác quyết :

“Dòng Chúa Cứu Thế - Giáo xứ Thái Hà có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để chứng minh khu đất đó thuộc quyền sử dụng của mình và đã sở hữu, sử dụng từ khi chưa thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

Khu đất hiện đang tranh chấp là thuộc quyền sử dụng của Dòng Chúa Cứu Thế - Giáo xứ Thái Hà, không có bất cứ văn bản sang nhượng, chuyển quyền sử dụng, cho, biếu tặng bất cứ tổ chức hoặc pháp nhân nào. Bởi theo Giáo luật, không có ai, với tư cách cá nhân, được tự ý sang nhượng, chuyển đổi đất đai, tài sản Giáo hội Công giáo.

Chúng con khẳng định kiên quyết yêu cầu việc trả lại sự công bằng, công lý và lẽ phải với những tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế - Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, đúng với tinh thần hiến pháp, luật pháp Việt Nam đã qui định, cũng như những luật lệ quốc tế mà Việt nam đã cam kết và có nghĩa vụ tôn trọng (xem Đơn Khiếu Nại, số 06/2008/DCCTHN của các Linh mục tu sĩ DCCT tại Giáo xứ Thái Hà).

Chúng con kiên định đeo đuổi công lý và sự thật vì “sự thật sẽ giải thoát chúng con” như Chúa Giêsu đã nói.”[5]

Thật vui mừng khi có những môn đệ theo Chúa trên đường công lý Chúa đã vạch ra. Những lý chứng khách quan đó không lệ thuộc vào quan điểm của con người. Ở đây không phải là cuộc xung khắc giữa pháp luật và tình cảm, nhưng là những chứng cớ và sự thật lịch sử.

Ðến giai đoạn này, Dòng Chúa Cứu Thế không lẻ loi khi tranh đấu cho công lý. Các vị lãnh đạo GHVN bắt đầu nhập cuộc. Ít nhất hai giám mục Thái Bình và Hải Phòng, 82 linh mục tổng giáo phận Hà Nội, các dòng Mến Thánh Giá, Ða Minh v.v. cũng tham gia ủng hộ.

Ðặc biệt các nhà luật học cũng nhập cuộc để soi sáng vấn đề.

“Trong hành động cụ thể: người dân có quyền không tuân thủ các luật lệ vi hiền và vi luật. Luật Học gọi là désobissance civile.

Về mặt Hình Sự, Chính quyền đã cố tình lẫn lộn hành vi dân sự với hành vi hình sự để áp đặt việc vi phạm pháp luật để bội nhọ, đàn áp đánh đập dã man bằng dùi cui, roi điện dân chúng tới cầu nguyện, đặc biệt xịt hơi cay vào các em nhỏ, phụ nữ và các cụ già với hình ảnh đăng trên các diễn đàn mạng (online).

Lý do rất dơn giản là việc đòi lại bất động sản bị chiêm dụng bất hợp pháp là hành vi dân sự. Việc tụ hội đọc kinh và ca hát các bài ca tôn giáo trên tài sản của Giao Xứ Thái Hà không vi phạm bất cứ một điều luật nào của luật pháp Việtnam.

Ngay cả việc có đâp phá vài hàng gạch bức tường siêu vẹo do Công ty May Chiến Thắng tự ý xây dựng trước đây, có nguy cơ an toàn cho dân chúng cũng không thể qui ghép họ về tội phá hủy tài sản công dân được vì người chủ đích thực là Giáo Xứ Thái Hà, người quản lý là Công ty May Chiến Thắng đẵ không hoạt động gần 10 năm nay, không một ai khiếu nại về hành vi trên.

Việc cầu nguyện và hát thánh ca cũng như việc phá hũy vài hàng gạch xây dựng trái phép trước sự chứng kiến cũa các viên chức chính quyền và công an là minh bạch rõ ràng.

Việc các quan chức chính quyền và công an không cản ngăn, không lâp biên bản, không khuyến cáo vi phạm pháp luật, phải được hiểu là chuyện bức xúc bình thường của người dân trước việc đòi hỏi chính đáng của bà con giáo dân.

Vụ việc trên xẩy ra trên đất tư nhân thưộc quyền sở hữu Giáo Xứ Thái Hà do Nha May Chiến Thắng quản lý đã bõ hoang từ nhiều năm nay và chính công ty May Chiến Thàng cũng đã đóng cửa từ lâu, chính quyền không có căn cứ pháp luật để truy tố họ về tội hũy hoại tài sản công dân và gay rối trật tự công cộng.

Nếu phải truy tố vế an ninh trật tự công cộng, theo chúng tôi, chính là công ty Thảm Len, nay là công ty may Chiến Thắng đã ngang nhiện chiếm 1/3 lòng đường xây bằng xi măng một nhà bán bia chai nươc ngọt cản trở lưu thông và an toàn cho người đi bộ như 2 tấm hình chụp ngày 3/9/2008 chứng minh.

Việc vi phạm nhiêm trọng này phải bi chế tài nhanh chóng, tức thì vì an toàn lưu thông, xây cất, chỉnh trang thành phố và nhất là an ninh trật tự công cộng. Trong một Nhà Nước Pháp Quyền, công dân cũng như Nhà Nước phải tôn trọng Luât Pháp. Một Chính quyền không tôn trọng Luật Pháp sẽ gây bất công, người dân mất sự tin tưởng vào công lý và vào chính quyền. Nguy hiểm hơn nhất là khi một Bộ Luật bị coi là vi hiến, bất hợp pháp, người dân có quyền bất tuân lệnh (désobéissance civile).”[6]

Một đầu óc bình thường phải nhận ra sự thật trong chứng từ và lý lẽ kể trên.

Tóm lại, cuộc hòa giải đích thực không bao giờ bắt đầu bằng những bước thô bạo như dùi cui, roi điện, hơi cay, hay những vu khống và đe dọa khủng bố tinh thần trên các báo đài. Chỉ có trần gian mới giải quyết vấn đề với nhau như thế. Ðể giải quyết vấn đề, Chúa đề nghị những giải pháp tế nhị hơn nhiều. Bắt đầu là cuộc đối thoại sâu xa giữa cá nhân và cá nhân. Kế tiếp là tiếng nói cộng đoàn. Sau cùng mới là phán quyết tối hậu của Giáo Hội. Vì muốn thanh tẩy Giáo Hội thành một hình ảnh Nước Trời giữa trần gian, Chúa Giêsu đã ban quyền tài phán cho Giáo Hội. Quyền bính này không có nguồn gốc như những quyền bính trần thế, nhưng từ nơi Thiên Chúa. Bởi vậy, càng kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa, Giáo Hội càng được tham dự vào quyền năng Thiên Chúa. Nhờ thế, Giáo Hội vừa có thể đáp ứng đòi của công lý, vừa đưa con người tới cuộc hòa giải tốt đẹp.

Lạy Chúa, xin cho công lý ngày càng sáng tỏ trong xã hội Việt Nam chúng con. Amen.

[1] http://www.vietcatholic.net/News/Html/58048.htm
[2] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, 452.
[3] ibid., 116.
[4] ibid., 117.
[5] http://www.vietcatholic.net/News/Html/57917.htm
[6] ibid.

07.09.2008

Lm Đỗ Vân Lực, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.09.2008. 00:55