Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

“Luật Đất Đai Bất Cập và Không Thống Nhất”

§ Thiện Giao

WASHINGTON 14/1/2009 -- Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam vừa ban hành nghị định 1940/CT-TTg, liên quan đến đất đai của các tôn giáo.

Chỉ thị này hàm chứa vài điểm chính, trong đó có nội dung tái khẳng định chính sách liên quan đến nhà, đất tôn giáo mà Nhà Nước đã quản lý theo tinh thần các chính sách đã ban hành trước ngày 1 tháng Bảy năm 1991. Liệu chính sách này có khả thi hay không?

71230TgmKietTTDung1.jpg

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm tòa TGM Hà Nội ngày 30/12/2007 đang khi giáo dân tụ tập bên ngoài cầu nguyện để đòi lại khu đất Toà Khâm Sứ
Nghe | Download

Theo nhận định của luật sư Lê Trần Luật, người đại diện cho một số vấn đề pháp lý của giáo xứ Thái Hà, thì chỉ thị này “không khả thi và không thể thực hiện vì các chỉ đạo chung chung và “bị vướng” vào nhau.”

Một luật sư khác, hiện cũng đang có văn phòng làm việc tại Sài Gòn, là ông Nguyễn Vân Nam thì đã từng phát biểu trên đài chúng tôi, rằng chỉ thị ấy là “phù hợp với một nghị quyết của Quốc Hội hồi năm 2003” và do đó “có hiệu lực pháp lý.”

Nghị Quyết 1940 được ban hành trong bối cảnh có hàng loạt vụ tranh chấp đất đai giữa phía Công Giáo với Nhà Nước tại nhiều nơi trên toàn quốc. Trong vài tháng qua, vấn đề này lại trở nên căng thẳng hơn, với nhiều vụ, như vụ Toà Khâm Sứ, giáo xứ Thái Hà, tại Hà Nội; vụ tranh chấp ở An Bằng, Thừa Thiên – Huế; vụ dòng Thánh Phao Lồ, Vĩnh Long, vân vân.

Quốc hữu hoá đất đai năm 1975 tạo sự phức tạp

Về nguyên uỷ của vấn đề tranh chấp đất đai, luật sư Lê Trần Luật cho rằng “đất đai Việt Nam có lịch sử phức tạp.”

“Đất đai Việt Nam có lịch sử phức tạp. Đã có nhiều lần Nhà Nước áp dụng nhiều chính sách đất đai. Đặc biệt, sau 1975, Nhà Nước quốc hữu hoá toàn dân về đất đai. Lịch sử để lại như vậy, nên có thể nói, pháp luật đất đai Việt Nam là rất lộn xộn, bất cập và không thống nhất.”

Nhắc đến các tranh chấp tại giáo xứ Thái Hà trong thời gian qua, cả 2 ông Luật và Nam đều viện dẫn một điều liên quan đến “mục đích sử dụng” đất đai có liên quan đến tôn giáo được ghi trong chỉ thị 1940.

Chỉ thị này ghi rằng “nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà Nước đã quản lý thì cơ quan được giao quản lý phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo của quần chúng tín đồ.”

Sử dụng sai mục đích gây nên sự phản đối

Luật sư Lê Trần Luật đặt vấn đề, là tại sao trong vụ Thái Hà, đất đai được Nhà Nước giao cho công ty may Chiến Thắng lâu lắm rồi mà nay mới sinh ra tranh chấp?

“Trong vụ Thái Hà, không phải vì chuyện Nhà Nước giao đất cho công ty may Chiến Thắng mà sinh ra tranh chấp. Nhà Nước đã giao đất cho công ty Chiến Thắng từ lâu rồi.

Nhưng sự bức xúc lên cao là vì đất này đang sắp sửa bị phân lô và bán cho người khác. Phía giáo dân và các linh mục tin rằng đất đã bị sử dụng sai mục đích, không hiệu quả và chuẩn bị được bán để chia chác. Nhà Thờ cho rằng Nhà Nước thu hồi đất là sai, nhưng đỉnh điểm dẫn đến cuộc cầu nguyện là vì cơ quan chức năng sử dụng đất sai mục đích.”

Luật sư Nguyễn Vân Nam cũng đồng quan điểm, rằng “những biểu hiện sử dụng sai mục đích” dẫn đến sự phản đối dữ dội.

“Tôi tin là các giáo dân trong thời gian vừa qua không phản đối dữ dội như vậy nếu việc sử dụng đất vốn thuộc về Nhà Thờ, được sử dụng đúng cho mục đích chung. Nếu không có biểu hiện việc sử dụng là nhằm mục đích cho cá nhân những người có chức có quyền hay gia đình họ, thì giáo dân sẽ đồng ý thôi, chứ họ không làm lớn chuyện lên làm gì.”

Trong cuộc nói chuyện trước Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội hồi tháng Chín năm ngoái, Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội, là Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cũng đã khẳng định phía Công Giáo không đòi lại trường Hoàn Kiếm hay bệnh viện Xanh Pôn, nhưng “sẽ nói tới” những nơi được sử dụng vào mục đích kinh doanh, buôn bán.

Thế nào là sử dụng đúng thế nào là sử dụng sai

Một trong những điều ghi trong chỉ thị 1940 có nội dung là “Đảng và Nhà Nước tôn trọng, bảo đảm quyền sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật và nhu cầu chính đáng về nhà, đất để phục vụ mục tôn giáo của tổ chức, tín đồ tôn giáo.”

Luật sư Lê Trần Luật cho rằng, việc đánh giá mục đích sử dụng cũng như xác định tính chính đáng của nhu cầu sẽ không thực hiện được một khi cơ chế đánh giá “không có tính độc lập và thiếu tính khách quan.”

“Ai đánh giá việc sử dụng là đúng hay không đúng mục đích? Chính các cơ quan nhà nước làm chuyện này. Cơ quan nhà nước giao đất cho phía tôn giáo lại đi đánh giá mục đích sử dụng có đúng hay không thì không khả thi. Đơn giản vì không có tính độc lập và khách quan.”

Giới quan sát nhận định, chỉ thị 1940 có mục đích tái khẳng định rằng đất đai tôn giáo bị trưng dụng theo các chính sách trước năm 1991 sẽ không được trả lại cho phía tôn giáo.

Đồng thời Nhà Nước muốn thiết lập một cơ chế nhằm giảm thiểu những sai trái trong việc sử dụng đất đai tôn giáo mà chính quyền hoặc cơ quan địa phương đang quản lý. Có lẽ đây là mục đích quan trọng nhất nếu đối chiếu với số lượng cũng như qui mô các cuộc tranh chấp, dưới hình thức cầu nguyện, trong thời gian vừa qua.

Thiện Giao, phóng viên RFA

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 15.01.2009. 09:54