Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hiệp thông (2)

§ Lm Giuse Trần Việt Hùng

Vòng tròn có một cái tâm, cái tâm ở giữa vòng tròn.

1. Vòng Quanh Bên Chúa

Vòng tròn có một cái tâm là mô hình của Giáo Hội Chúa Kitô. Đức Kitô chính là trung tâm điểm niềm tin và hy vọng của các Kitô hữu. Bao quanh Chúa Kitô là các anh chị em và con cái của Ngài. Một hình ảnh rất đẹp giúp chúng ta suy niệm về sự gắn bó của chúng ta với thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Mỗi người Kitô hữu chúng ta được tháp nhập vào đời sống của Chúa Kitô qua các Bí Tích. Chúng ta được thông truyền ân sủng từ chính Chúa Kitô để được dưỡng nuôi trong sự hiệp thông với toàn nhiệm thể mà Chúa Kitô là Đầu và chúng ta là Chi Thể.

Chúa Giêsu đã nhập thể để trở thành một con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Khi thời gian chuẩn bị đã mãn, Chúa Kitô đã ra rao giảng và qui tụ những ai tin theo Ngài. Họ sống với Chúa và trong Chúa qua hình ảnh của một vòng tròn có một cái tâm. Chúa là tâm điểm, Chúa mời gọi những môn đệ đầu tiên vây quanh Chúa là thánh Phêrô, Gioan, Anrê và Giacôbê để cùng chia sẻ sứ mệnh đem tin mừng vào thế gian. Các Ngài là những môn đệ đầu tiên và thân tín nhất được Chúa yêu thương, dạy dỗ và cho chứng kiến những phép lạ mà Chúa đã thực hiện trong khi đi rao giảng như: Các Ngài được hiện diện khi Chúa Biến Hình trên núi cao (Mk. 9:2), được chứng kiến phép lạ Chúa cho em gái sống lại (Lk. 8:51) và cùng Chúa cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu (Mt. 26:37). Chúa còn trao quyền điều hành Giáo Hội cho Phêrô và trước khi tắt thở trên thập giá, chính Chúa đã trao Đức Maria cho Thánh Gioan.

2. Nước Trời Tại Thế

Cầu nguyện thâu đêm cùng Chúa Cha, sáng sớm Chúa Giêsu đã chọn mười hai tông đồ để họ cùng quây quần bên Chúa. Chúa ưu ái dậy dỗ họ cách đặc biệt và trao quyền giảng dạy, thánh hóa, quản trị và tha giải tội lỗi cho con người. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã trao quyền thừa tác linh mục đầu tiên cho các Tông Đồ để các Ngài hiến tế của lễ toàn thiêu lên Chúa Cha qua lời nhắn nhủ: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Các Tông Đồ đã được chung bàn với Thầy và đã uống Chén mà Thầy đã uống. Các Ngài đã hiệp thông trọn vẹn trong sứ vụ là cộng tác viên và là nhân chứng cho Chúa Kitô.

Vòng tròn quanh Chúa cứ mở rộng mỗi ngày. Chúa mời gọi và đón nhận nhiều tâm hồn muốn theo Chúa. Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền (Mt. 10:1). Thánh Matthêô kể tên các Tông Đồ được Chúa chọn: “Đứng đầu là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông, ông Philípphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Mátthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, là chính kẻ nộp Người” (Mt. 10:2-4).

Bao quanh các Tông đồ là các môn đệ. Bảy mươi hai môn đệ là những cộng tác viên đắc lực tiếp nối sứ mệnh mà Chúa đã sai đi từng hai người vào các làng mạc chung quanh để chuẩn bị tâm hồn dân chúng đón nhận tin mừng. Chúa cũng ban cho các môn đệ quyền trên những thần ô uế và chữa lành các loại bệnh hoạn tật nguyền. Thánh Luca đã kể lại: “Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lk. 10:1). Các Tông đồ đã cùng chia sẻ con đường thập giá và đã được chung hưởng hạnh phúc trong Tiệc vui Nước Trời. Có biết bao nhiêu vị tiền nhân cũng đã bước theo con đường Chúa đã đi xưa, các Ngài cũng đang chia phần hạnh phúc với Đấng mà họ tôn thờ.

Bên cạnh các Tông đồ và các môn đệ, còn có các thầy Thông Luật hoặc các nhà Biệt Phái. người thu thuế đã lắng nghe lời giảng, nhận ra chân lý và cải đổi lối sống theo con đường Chúa đã khai mở. Nhiều người đã bỏ cả công ăn việc làm để đi đến nghe Chúa giảng và đi theo Chúa. Đặc biệt có các bà, Thánh Marcô ghi lại rằng: “Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Madaglene, bà Maria mẹ các ông Giacôbê Thứ và Giôxết, cùng bà Salômê. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giêrusalem, cũng có mặt tại đó” (Mt. 15:40-41). Tất cả họ là những thành viên cơ bản quây quần gần bên Chúa.

3. Giáo Hội Hiệp Thông

Nhìn hình vòng tròn quyện quanh như màng nhện liên đới, chúng ta nhận ra cấu trúc của Giáo Hội Chúa Kitô như một hình vòng tròn xoáy hình trôn ốc. Qua Bí Tích Rửa Tội, tất cả các thành viên không phân biệt màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, chức bậc lớn nhỏ, già trẻ, trai gái, tất cả đều quy hướng về một mối là Chúa Kitô. Trong tình Hiệp Thông của Giáo Hội, chúng ta không nên phân biệt nhau như hình thức từ trên xuống mà là sự hiệp thông vòng tròn quanh Chúa Kitô. Trong sự hiệp thông, mỗi người được nhận lãnh những sứ vụ khác nhau để cùng nhau xây dựng một Giáo Hội. Chúng ta không thể tách rời khởi Chúa Kitô và Giáo Hội. Giáo Hội Chúa Kitô như cành nho vươn tới nhưng sức sống vẫn luôn phát nguồn từ cùng một gốc, đó chính là Chúa Kitô. Giáo Hội phát triển và sống dồi dào là do chính nguồn ân sủng từ Chúa Kitô qua các thừa tác viên trong Giáo Hội.

Hiệp thông trong sự cầu nguyện và nhận lãnh Bí Thích Thánh Thể. Trong Giáo Hội, mọi tín hữu được nuôi dưỡng bằng ân sủng và Mình Máu Thánh Chúa. Như ngàn hạt lúa miến làm thành tấm bánh trắng và muôn hạt nho ép thành chén rượu, các chi thể trong nhiệm thể hòa lẫn trong tình yêu thương kết dệt nên một Hội Thánh trong Chúa Kitô

Hiệp thông trong niềm tin và hy vọng. Các Kitô hữu cùng tin vào Chúa Kitô chịu chết và phục sinh, đã mang lại niềm hy vọng tràn đầy cho con người trong cuộc lữ hành trần thế. Con đường lên thiên đàng là thiên đàng. Con đường hy vọng chính là con đường giải thoát và cứu độ. Niềm tin vào Chúa Kitô sẽ dẫn dắt chúng ta vào cuộc sống hạnh phúc đời đời.

Hiệp thông trong Đức Ái. Đức ái chính là nguồn yêu thương chia sẻ, đặc biệt đối những người kém may mắn, nghèo đòi, cô đơn, bệnh họan tật nguyền và những người đau khổ tinh thần cũng như thể xác. Đạo của Chúa Kitô là đạo của tình yêu thương. Chính Chúa đã gồm tóm các giới răn về cùng một mối: Yêu mến Thiên Chúa và thương yêu đồng loại. Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Jn. 15:17). Chỉ có tình yêu hiến dâng và tha thứ mới có thể liên kết con người trong một niềm Tin, Cậy và Mến.

4. Sống và Hành Đạo

Các thành viên trong Giáo Hội hiệp thông trong Niềm Tin, Đức Cậy và Lòng Mến, đây chính là Kim Chỉ Nam của cuộc sống Đạo. Ai có lòng mến nhiều sẽ tiến gần đến Chúa nhiều hơn. Không ai tự định vị trí cho mình ở vòng trong hay vòng ngoài, vòng xa hay gần, nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào sự gắn bó nhiều hay ít với chính Đấng là nguyên thủy và cùng đích của cuộc đời. Các thừa tác viên trong Giáo Hội nhận lãnh trách nhiệm và thừa tác vụ là để phục vụ Giáo Hội và dân thánh. Họ sẽ là những nhân chứng đích thực để giúp chính mình và người khác nên hoàn thiện. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy nên hoàn thiện: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt. 5:48).

Nhìn Giáo Hội hôm nay, chúng ta cần bảo vệ và qúi mến Giáo Hội hơn. Giáo Hội đang bị bách hại và bị tấn công từ đủ mọi phía và mọi khía cạnh của cuộc sống. Trong suốt lịch sử Giáo Hội đã có biết bao những vị thánh, những bậc hiền nhân có đời sống thánh thiện nhưng Giáo hội cũng không tránh khỏi những thành viên tội lỗi và lầm lạc làm ô danh Giáo Hội. Nhưng không phải vì thế mà Giáo Hội mất đi sự thánh thiện từ bản thể. Vì chúng ta biết rằng chính Chúa Kitô là Thiên Chúa và là Đầu của Nhiệm Thể. Chúa Kitô là Đấng Thánh. Còn chúng ta hết thảy đều là con người yếu đuối và tội lỗi. Đứng trước tôn nhan Chúa, tất cả mọi người, kể cả các đấng bậc trong Giáo Hội, đều luôn luôn phải đấm ngực mình để sám hối ăn năn và tập đàng nhân đức mỗi ngày.

Vòng tròn của Giáo Hội ngày nay cứ tiếp tục phát triển thêm rộng lớn qua nhiều chiều kích. Chúng ta phải luôn ý thức rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự gắn bó với Chúa Kitô là cốt lõi của sự sống trong Hội Thánh. Gia nhập vào vòng Giáo Hội, chúng ta không phân biệt thừa tác vụ đã nhận lãnh nhưng bất cứ ai sống đời từ bỏ chính mình càng nhiều, càng gắn bó gần với Đức Kitô. Và ai yêu mến nhiều, sẽ tiến gần đến tâm điểm nhiều hơn. Mọi thành viên không phân biệt tuổi tác và nhiệm vụ đều có thể làm sáng danh Chúa và Giáo Hội trong đời sống của mình.

5. Sứ Vụ Hôm Nay

Những thầy dạy hay các thừa tác viên tự đòi buộc mình nên hoàn thiện hơn, để các sứ vụ luôn được sinh hoa kết quả. Chúng ta đã lãnh nhận Lời Chúa thì hãy đem ra phân phát cho mọi người. Chúng ta học hỏi và suy gẫm luật Chúa, chúng ta hãy chú tâm tin điều chúng ta đọc, dạy điều chúng ta tin và thi hành điều chúng ta dạy. Đây chính là lời mà Đức Giám Mục nhắn nhủ các ứng viên lên chức Phó Tế và Linh Mục. Lời đó có thể áp dụng cho mọi thành viên trong Giáo Hội để Lời Chúa nên lương thực nuôi dân Thiên Chúa. Hương thơm của đời sống của các chứng nhân trong lời nói và gương lành sẽ xây dựng Nhà Thiên Chúa là Hội thánh.

Vai trò và chức bậc có trong Giáo Hội là để phục vụ. Kết qủa của việc phục vụ còn tùy thuộc đời sống đạo hạnh và yêu thương. Muốn là môn đệ của Chúa, không ai được miễn trừ khỏi con đường Chúa đã đi qua. Con đường tình yêu và thập giá. Nếu chúng ta muốn nên thánh, chúng ta phải sống thánh mỗi ngày và xa lánh tội lỗi.

Truyện kể ở một giáo xứ kia, cha sở và ông trùm được Chúa gọi về cùng ngày. Hạnh phúc được lên tới cổng thiên đàng, thánh Phêrô cho hai người vào phòng đợi và trao cho mỗi người một tấm bảng và một cục phấn, rồi bảo kê khai các tội đã phạm. Ai xong trước sẽ được xét vào thiên đàng trước. Ông trùm nhủ thầm: “Kiểu này là nguy rồi. Tội lỗi nhiều quá, chắc cha sở vào trước rồi”. Hai cha con hì hục viết. Được một lúc, cha sở đứng dậy đi vào. Ông trùm nói: “Cha đi trước và nói dùm con một tiếng”. Đúng 30 giây sau, ông trùm thấy cha lại đi ra. Ông hỏi: “Cha ơi vào thiên đàng rồi mà sao còn ra đây làm chi?” Cha sở rầu rĩ nói: “Ông nói sao? Tôi vào thiên đàng hả? Chưa đâu! Tôi mới vào xin Thánh Phêrô cho thêm một cục phấn nữa đấy.”

6. Phục Vụ Trong Chúa

Dĩ nhiên, xét về mặt cơ cấu tổ chức, Giáo Hội cần có phẩm trật và tôn ti trật tự. Giáo Hội sinh hoạt giống như ngoài xã hội trần thế, cũng cần có tất cả các Ban Ngành Đoàn Thể và cơ cấu để điều hành. Nhưng sự sống của Giáo Hội không cậy dựa vào quyền hành mà là lòng yêu mến và phục vụ. Chúa Giêsu luôn nhắc nhở rằng ai làm lớn thì phải phục vụ anh em. Thánh Matthêô đã truyền đạt lời của Chúa cho chúng ta: “Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mt. 20:26-28).

Gia nhập vào vòng tròn Giáo Hội của Chúa Giêsu, mọi người được gọi là bạn hữu. Bạn hữu sẽ cùng chia sẻ mọi nỗi vui buồn và gánh nặng của cuộc sống với nhau trong tình tương thân tương ái. Bạn hữu thì được thông dự đồng bàn và nâng đỡ bình đẳng với nhau. Chúa Giêsu nói rằng: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Jn. 15:14-15).

Thay lời kết, chúng ta đang cử hành Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam 2010. Năm Hồng Ân cho mọi tín hữu. Niềm tin vào Chúa Kitô dẫn dắt chúng ta đến gần Chúa và gần gũi với anh em hơn. Tình yêu thương phục vụ và bác ái chính là giây ràng buộc chúng ta lại với nhau trong Chúa. Cứ yêu đi rồi làm. Yêu Chúa, yêu Giáo Hội và yêu tha nhân trong tình anh chị em một nhà, vì tất cả chúng ta có cùng một niềm Tin, niềm Hy Vọng và cùng tôn thờ một Chúa Cha trên trời. Xin cho tình Chúa kết hợp mọi người nên một. Ước chi trong Năm Thánh này, mỗi người chúng ta hãy xích lại gần bên Chúa và gần anh chị em hơn một chút.

Lm Giuse Trần Việt Hùng

Đọc nhiều nhất Bản in 30.06.2010. 12:38