Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hà Nội mùa thu 2008

§ Người yêu Hà Nội

… Vậy là Hà Nội đã vào thu, một mùa thu da diết nhớ những mùa thu cũ.

Những chiếc lá xà cừ vẫn vô tư xoay xoay trong không gian hanh hao nắng gió rồi rớt nhẹ xuống hè đường mà đâu biết Hà Nội quá đổi thay. Ôi đâu rồi vẻ đẹp trầm tư của những con phố được điểm tô bằng những di sản Kiến trúc thấm đẫm sự đầu tư trí tuệ lẫn linh hồn người nghệ sĩ.

Ôi đâu rồi cái hồn của những khu phố được quy hoạch hợp lý hợp tình đã tạo nên một Hà Nội hào hoa không nơi nào có được.

Vẻ đẹp diệu huyền của Hà Nội được Đấng Tạo Hoá ban cho với những hồ ao sông nước núi non cùng những cái tên phố được linh hứng bởi Thánh Thần Thiên Chúa nghe mà ấm áp lòng người. Một trong những cái tên mà ai ở xa về Hà Nội chỉ nghe thôi cũng thấy như đang ở nhà mình, đó là Khu phố Nhà Chung được kết hiệp cùng một quần thể di sản kiến trúc phục vụ cho nhu cầu giải khát tâm linh của tất cả mọi người có Niềm tin vào Thượng Đế.

Còn nhớ những ngày chưa phải là Người Công Giáo nhưng mỗi lần đi qua Nhà Chung là thế nào tôi cũng dành thời gian chiêm ngắm Nhà thờ. Ngước mắt lên Tháp Chuông thấy chiều sâu thăm thẳm của Bầu trời cho lòng nao nao một nỗi nhớ mơ hồ để rồi tới gần mười năm sau linh hồn mới được giải thoát khỏi mối ưu tư chọn Đạo. Gần mười năm sau ấy là mới năm ngoái thôi, tôi đã là Người Công Giáo. Là Người Công Giáo, tôi đã được đi sâu vào những nỗi đau khổ để rồi qua thời gian trải nghiệm thấy bừng lên một vẻ đẹp lạ kỳ. Vẻ đẹp ấy chỉ có thể là vẻ đẹp của Tình Yêu Thiên Chúa.

Ngày hôm nay ngồi đây xung quanh là anh em trong thinh lặng nguyện cầu chính trong khu phố Nhà Chung nơi mình thường đi qua thả hồn trong mây gió mới thấy ý nghĩa biết bao nhiêu sau quãng đời dài có mặt ở trần gian. Ôi những sự thế gian biến đổi khôn lường, tráo trở ngược xuôi…

Mới ngày hôm qua không gian ấy còn bình yên là thế nhưng hôm nay tất cả đã bị phá huỷ, cào xới không chút xót thương… Bất chợt thấy lòng buồn cho một Hà Nội đang ngày càng giống nhiều thành phố tỉnh lẻ khác. Cho dù quy mô có rộng hơn, dân số có đông hơn, giàu hơn về vật chất nhưng không khoả lấp đi nỗi buồn của số đông người yêu Hà Nội về vẻ đẹp thật sự đặc trưng của Hà Nội đang mỗi ngày mỗi tàn phai. Đã đến lúc những người yêu Hà Nội phải lên tiếng khi những di sản Kiến trúc đang dần bị “mất hút” để nhường chỗ cho những công trình khập khiễng khiên cưỡng mang tính áp đặt của các cơ quan có thẩm quyền.

Nói tới những di sản Kiến trúc là những ngôi Biệt thự Pháp cổ đang bị “chảy máu”, nhiều người cố giữ tư tưởng cũ kỹ còn lý luận rằng đó là Hậu quả của chế độ Thực dân, chế độ mới cần phải xoá bỏ nó đi. Nhưng một sự thực rõ ràng không liên quan tới Chính trị mà chỉ chứng minh cho sự phát triển tất yếu của một Hà Nội vươn tới thời Hiện đại mà không mất đi vẻ đẹp truyền thống khiến ai ai cũng phải công nhận rằng quy hoạch thành phố của chính quyền thuộc địa vạch ra có nhiều ưu điểm. Điều này đã khiến Hà Nội bé nhỏ mang tính chất kinh đô phong kiến đã vươn mình thành Đô thị thật sự. Nơi trước đây chỉ là một mạng ô phố đơn giản đã đáp ứng cho một thành phố tiền đồn ở thuộc địa, thủ đô mới đòi hỏi một dáng vẻ uy nghi gây ấn tượng mạnh mẽ.

Khi Hà Nội là một Thành phố Việt Nam thì những di sản Kiến trúc vẫn còn đó, vẫn bền bỉ làm chứng nhân Tình Yêu làm giàu cho vẻ đẹp tâm hồn của Hà Nội. Khu phố Nhà Chung trải qua nhiều thời vẫn giữ được vẻ đẹp trầm mặc như chính ý của Thiên Chúa Nhân Lành. Cả một dãy phố dài với nhiều cửa hàng cửa hiệu nhưng tất cả như hoà quyện cùng bầu không khí chung của Nhà dòng, của Toà Giám Mục và Toà Khâm Sứ. Sự thật là Chúa đã và đang giữ gìn cho Hà Nội có một trái tim, cho người đau khổ được có nơi tìm về chính linh hồn mình trong thinh lặng nguỵện cầu.

Quan điểm của một số Kiến trúc sư ở Hà Nội về “việc bảo tồn và tái tạo công trình Kiến trúc giống như việc uống thuốc chữa bệnh”. Phải làm cho đông đảo quần chúng nhận biết được rằng: “Công trình kiến trúc cận đại là một mặt mạnh của cảnh quan Hà Nội, đó là mục tiêu phải được quản lý và có đủ giá trị để bảo tồn như một di sản văn hoá và lịch sử”.

Điều này có tác dụng trở lại là hạn chế sự phá hoại và loại bỏ các công trình lịch sử. Đặc biệt các công trình phục vụ cho nhu cầu tôn giáo càng phải được giữ gìn và trân trọng vì liên quan tới sự đánh giá văn hoá phát triển của cả một đất nước trong tiến trình phát triển cùng toàn thể nhân loại.

Vậy mà hiện thực hôm nay cho thấy khu phố Nhà Chung đang bị một vết thương lòng, một vết thương lòng đang mỗi giờ mỗi phút bị cứa sâu thêm bởi sự tàn phá công trình kiến trúc Toà Khâm Sứ để thế vào đó là khu vui chơi giải trí.

Kiến trúc là một khía cạnh của văn hoá. Những công trình Kiến trúc đặc biệt là công trình Kiến trúc phục vụ cho Tôn giáo không chỉ đơn thuần là sự kết nối của gạch vữa bê tông vô tình vô nghĩa mà trong mỗi công trình kiến trúc ấy có sự hoà quyện của linh hồn người làm ra nó, gửi gắm ước mơ cho người sử dụng nó và là sự kết nối của Trời Cao về với những con người thiện tâm nơi Mặt Đất yên bình.

Khi xây dựng bất cứ một công trình Kiến trúc nào, người Kiến trúc sư cũng phải quan tâm tới vấn đề quy hoạch và phải tôn trọng những cảnh quan xung quanh nó. Điều cấm kỵ là không được gò ép khung cảnh tự nhiên thành một công trình méo mó cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật.

Chỉ cần nghĩ thoáng qua là cũng đủ thấy Chính quyền đang xây dựng khu vui chơi giải trí gồm vườn hoa và nhiều đơn nguyên kiến trúc khác ở giữa một khu phố mang Linh đạo Nguyện cầu là không phù hợp. Nghiên cứu sâu xa thì càng thấy đó là một điều bất hợp lý, vô cùng bất hợp lý cả về Đạo và Đời. Nhiều kiến trúc sư bất bình về sự quy hoạch này nhưng họ lại tặc lưỡi cho qua, ôi sự đã rồi.

Vâng, sự đã rồi nhưng Sự Thật vẫn phải được mổ xẻ, phải được nói lên cho xứng đáng với cái tên Sự Thật.

Ôi một Hà Nội chịu quá nhiều áp lực, một Hà Nội đã quá ồn ào với cơn lốc thời Hiện đại bất chấp luân thường đạo lý, có nên không khi những người yêu Chân Lý mong muốn gây dựng lại sự nghiệp Bảo tồn những giá trị thiêng liêng, những giá trị Tâm Linh để đưa con người trở lại chính mình, trở lại cái thời mà Mọi sự khởi đầu đều tốt đẹp…

(Trong bài có sử dụng tài liệu “Bảo tồn di sản Kiến trúc Hà Nội” – NXB Xây dựng).

Người yêu Hà Nội

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.09.2008. 13:59