Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giới trẻ Đức quốc cầu nguyện cho Hòa bình và Công lý tại Việt Nam

§ Đan Kim

• Nghe Bài Phỏng vấn LM Phạm Sơn Hà về Buổi Cầu Nguyện cho Công Lý và Hoà Bình do Nguyễn Thị Trâm Oanh thực hiện

MUNCHEN - Khoảng 700 người đã đến Đan Viện St. Ottilien tham dự Giờ Cầu Nguyện của Giới Trẻ “Jugendvesper“ cho Công Lý-Hòa Bình trên thế giới, đặc biệt cho Việt Nam và Phi Châu vào lúc 19 giờ 30 ngày 03.10.2008. Đây là buổi cầu nguyện thường xuyên, hàng tháng của giới trẻ Đức.

81102duc7.jpg

Đức Tổng Đan Viện Phụ Dòng St. Ottilien OSB

Đan viện St. Ottilien, Dòng Biển Đức nằm trên một ngọn đồi thơ mộng cách thành phố München, thủ đô của bang Bayern, là bang ở miền Nam lớn nhất nước Đức, khoảng 40 km về phiá tây, cách thành phố Augsburg 35 km về phiá Nam.

Đan Viện St. Ottilien được Cha Dòng Biển Đức Andreas Amrhein thành lập năm 1884 tại Reichenbach. Năm 1887 nhà Dòng được dời về làng Emming, nay là l àng St. Ottilien. Năm 1896 nhà Dòng chính thức thiết lập hai tu viện: Tu Viện Nam và Tu Viện Nữ. Năm 1904 Tu Viện Nữ đã dời về Tutzing gần hồ Starnberger See. (Bayern). Vì Tu Viện được thiết lập trong làng Emming có Nhà Nguyện kính Thánh Ottilia nên Đan Viện được vinh dự mang tên thánh nhân.

Dòng Biển Đức Truyền Giáo St. Ottilien hiện đang hoạt động trên toàn thế giới với 31 Đan Viện thuộc 4 châu lục: Âu Châu, Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu với khoảng 1.100 linh mục và đan sĩ trực thuộc dưới quyền Đức Tổng Đan Viện Phụ Jeremias Schröder. Đức Đan Viện Phụ Jeremias Schröder đồng thời là bề trên Đan Viện St. Ottilien. Đan Viện St. Ottilien hiện nay là Nhà trung ương, Nhà Mẹ của Dòng với 130 đan sĩ, sống chiêm niệm, cầu nguyện, truyền giáo, lao động với đủ mọi ngành nghề. Trong “làng Đan Viện” (Klosterdorf) có trường Trung Học Gymnasium, nhà tĩnh tâm, nhà khách, nhà in và xuất bản, nhiều xưởng thợ, vườn trái cây và ruộng nương.

81102duc6.jpg

Giới trẻ Đức ký thỉnh nguyện thư Uy tín và ảnh hưởng của Dòng St. Ottilien OSB rất lớn và lan rộng khắp hoàn cầu. Nhà Dòng đã cống hiến nhiều nhân tài cho giáo hội:

- Trước kia Đức Đan Viện Phụ Andreas Amrhein đã được tấn phong Giám Mục Giáo Phận Regensburg.

- Vào cuối năm 1992 Đức Đan Viện Phụ Dr. Viktor Dammertz đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II bổ nhiệm Giám Mục Augsburg.

- Năm 2000, Cha Dr. Notker Wolf, Tổng Đan Viện Phụ Dòng St. Ottilien trong 23 năm dài, đã được bầu vào chức vị Tổng Quản Đan Viện Phụ tất cả các Dòng Biển Đức trên toàn thế giới, coi sóc 7.500 linh mục, đan sĩ cùng với 17.100 nữ tu; trong đó có 238 linh mục, đan sĩ, 57 nữ tu sĩ Việt Nam.

Ngoài các sinh hoạt bình thường, Đan Viện đặc biệt chú trọng tới giới trẻ với nhiều hình thái sinh hoạt khác nhau như học đường, tĩnh tâm, sinh hoạt giới trẻ, cắm trại mùa hè, hành hương…Trường trung học Gymnasium của Đan Viện là trường huấn luyện các học sinh giỏi của tiểu bang. Vì vậy các em sinh viên học sinh ở đây dành cho Đan Viện cảm tình nồng hậu.

81102duc2.jpg

Một trong những sinh hoạt độc đáo là giờ chầu thánh thể của giới trẻ. Giờ cầu nguyện tối của giới trẻ “Jugendvesper“ đã khởi sự liên tục cách nay 24 năm, nói chính xác là từ tháng Hai năm 1984, theo sáng kiến của cha Claudius Bals và Cha Wolfgang Öxler, được giới trẻ nhiệt liệt hoan nghinh. Cha Claudius Bals giảng thuyết. Cha Wolfgang Öxler phụ trách thánh ca.

Theo thông lệ mỗi tối thứ sáu đầu tháng lúc 19 giờ 30 giới trẻ Đức quanh vùng Đan Viện tụ hội cầu nguyện, chia sẻ niềm tin, cùng hát những bài thánh ca mới được sáng tác. Giới trẻ tham dự giờ cầu nguyện càng ngày càng đông. Ban đầu giới trẻ cầu nguyện trong nhà nguyện nhỏ. Sau này các buổi cầu nguyện được tổ chức thường xuyên trong nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giê Su, mặc dù vậy nhà thờ vẫn không đủ chỗ cho các bạn trẻ, vì thế đôi khi buổi cầu nguyện được tổ chức ngoài trời nếu trời đẹp vào mùa hè. Thông thường mỗi buổi cầu nguyện có từ 700 đến 1000 người tham dự. Lần cầu nguyện đông nhất lên tới hơn 2000 tham dự viên. Nội dung các buổi cầu nguyện thường là tự phát, kết hợp với các chủ đề thời sự nóng bỏng liên quan đến giáo hội và xã hội.

Sau buổi cầu nguyện là buổi trình diễn thánh ca. Ban Nhạc Trẻ do những sinh viên, học sinh sống quanh vùng đảm trách, giới thiệu các bài thánh ca mới sáng tác. Làn điệu và lời ca của các ca sĩ, nhạc sĩ tuy là nghiệp dư nhưng đã đem lại một sức sống mới, hấp dẫn và lôi cuốn thính giả thanh thiếu niên. Rất nhiều bài nhạc do các cha, các bạn trẻ sáng tác đã trở thành những bài hát “Jugendvesperhits“ được các bạn trẻ nồng nhiệt đón nhận.

Chiều nay (03.10.2008) bước chân vào trong nhà thờ chúng tôi thấy các bạn trẻ Đức đang âm thầm lắp đặt các thiết bị âm thanh và nhạc cụ. Ban Hợp Ca Lisanga (Phi Châu) đang tập dượt lại một số bài Thánh Ca cầu nguyện.

81102duc4.jpg
81102duc3.jpg

Giới trẻ Đức ký thỉnh nguyện thư

Cuối nhà thờ một số anh chị em người Việt đang chuẩn bị dựng các tấm phông hình ảnh thời sự nóng bỏng liên quan đến Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, liên quan đến Giáo Xứ Thái Hà vì Việt Nam là một chủ đề chính trong buổi cầu nguyện hôm nay.

Trong thời gian gần đây Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Giáo Xứ Thái Hà trở thành “nổi tiếng“ khắp thế giới, được mọi người biết đến. Đâu đâu cũng có các buổi cầu nguyện cho Việt Nam, cho Hà Nội, cho Thái Hà. Thái Hà = Việt Nam. Vâng, Việt Nam thu nhỏ chính là Giáo Xứ Thái Hà. Trước kia khi Tổng Thống Mỹ J.F. Kennedy viếng thăm thành phố Berlin trong thời điểm cực kỳ sôi động giữa thế giới Tự Do và thế giới Cộng Sản với bức tường Berlin mới được dựng lên, ông đã tuyên bố: “Tôi là người Berlin!“ để lên tiếng bảo vệ thành phố Berlin. Ngày nay rất nhiều người quan tâm đến Việt Nam cũng đã tuyên bố: “Chúng tôi đều là giáo dân Hà Nội“ cả đấy! (Thông Luận số 229, 10-2008)

Buổi Cầu nguyện hôm nay diễn ra lúc 19 giờ 30 ngày 03.10.2008, là ngày lễ Kỷ Niệm Thống Nhất nước Đức, do Đan Viện Biển Đức St. Ottilien OSB và Cơ Quan Truyền Giáo Missio Thành Phố München phối hợp tổ chức để ủng hộ những người tị nạn thuộc “Đệ Tam Thế Giới“, đặc biệt là ủng hộ Việt Nam và Phi Châu. Phụ trách phần thánh ca trong buổi cầu nguyện là Ban Nhạc Trẻ “Band St. Ottilien“, Ban Hợp Ca Lisanga (Phi Châu) và nhóm Công Lý-Hòa Bình Việt Nam (miền Nam nước Đức). Lời nguyện giáo dân được dâng lên Chúa bằng hai thứ tiếng: tiếng Đức và tiếng Việt. Kết thúc buổi cầu nguyện là Bài Hát “Kinh Hòa Bình“ bằng tiếng Việt Nam.

Mới hơn bảy giờ tối mà nhà thờ đã ấm áp hẳn lên vì số tham dự viên càng lúc càng đông. Ai cũng tới sớm vì sợ rằng không còn chỗ ngồi. Bầu khí yên tĩnh, thinh lặng trước buổi cầu nguyện, là một chuẩn bị rất tốt cho mọi người tâm tình hiệp thông. Số người tham dự hôm nay khoảng 600, 700 người.

Buổi Cầu Nguyện của Giới Trẻ Đức cho Việt Nam và Phi Châu

Buổi cầu nguyện này do Thầy Matthäus OSB điều khiển khởi sự đúng 19 giờ 30 phút. Lời kinh rộn ràng, tiếng hát êm dịu thay nhau, chen kẽ dưới ánh nến lung linh đã nâng lòng người tới gần Chúa hơn…

81102duc5.jpg

Bài thuyết giảng trong buổi cầu nguyện hôm nay được thay thế bằng lời tường thuật của hai nhân chứng sống: Một nhân chứng đến từ Zimbabwe, Phi Châu, đó là nữ tu Stella Takaza. Chị Stella Takaza trình bày thảm cảnh nghèo đói, chiến tranh đang diễn ra và sẽ còn kéo dài tại Phi Châu, Sơ đã xin mọi người đừng quên dân Phi Châu hiện đang bị một vài quốc gia len lỏi vào nhằm bóc lột tài nguyên và nhân lực. Một trong những nguyên nhân khiến cho người dân trốn khỏi quê hương đi tị nạn chính là vì nơi đó thiếu Công Lý, thiếu Công Bằng, thiếu Nhân Quyền.

Một nhân chứng sống thứ hai: Tu sĩ Dòng Biển Đức St. Ottilien, người Việt Nam, đó là Lm. Augustinus Phạm Sơn-Hà. Lm. Augustinus lược thuật lại cuộc vượt biên của cha cách đây hơn 20 năm trước. Ngài so sánh bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội VN giữa hai thời điểm (thập niên 1980 và hiện nay) và nhận thấy kinh tế VN có khá hơn trước đôi chút nhưng hố sâu cách biệt giữa giới giàu và giới nghèo càng ngày càng thê thảm. Đặc biệt cuộc sống tinh thần của người dân VN vẫn còn nghẹt thở, vẫn chưa có nhân quyền, vẫn chưa có Công Lý, vẫn chưa tôn trọng Sự Thật, chưa có những quyền tự do tối thiểu như tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do ngôn luận… vì vậy tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có hòa bình đích thực. Linh Mục Augustinus Phạm Sơn Hà cũng trình bày sự kiện đang sôi động tại Tổng Giáo Phận Hà Nội, tại Giáo Xứ Thái Hà để xin mọi người hiệp thông cầu nguyện.

Phần cầu nguyện tự phát được nhiều người tham gia. Một số lời nguyện do Albert Smykalla soạn và đọc rất phù hợp với khung cảnh kỷ niệm ngày Thống Nhất nước Đức. Trước khi kết thúc buổi cầu nguyện tất cả anh chị em Việt Nam hiện diện đã cất lên bài “Kinh Hòa Bình“của Thánh Phan Xi Cô để hiệp thông với Đức Tổng Giám Mục Hà Nội và Giáo Xứ Thái Hà, bài hát mà mọi giáo dân Việt Nam đều hát mỗi khi viếng Linh Địa Đức Bà.

Sau khi kết thúc buổi trình diễn Thánh Ca, các bạn trẻ người Đức đã ở lại hàn huyên tâm sự với giáo dân Việt Nam, đồng thời ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư gửi Bà Thủ Tướng Dr. Angela Merkel, yêu cầu chính phủ Đức can thiệp với nhà cầm quyền CS Việt Nam.

Theo nhóm Công Lý-Hòa Bình Việt Nam (miền Nam nước Đức) cho biết, kể từ khi phát khởi phong trào ký Thỉnh Nguyện Thư, nhóm đã được Đan Viện St. Ottilien ủng hộ nhiệt tình. Nhiều nhóm giáo dân Đức thuộc các giáo hạt lân cận cũng tham gia phong trào một cách tích cực. Hầu như tất cả các linh mục tu sĩ trong Đan Viện đều ký tên hiệp thông. Đặc biệt Đức Tổng Đan Viện Phụ Jeremias Schröder còn đích thân viết thư riêng kính gửi Bà Thủ Tướng Dr. Angela Merkel. Trong thư đề ngày 27.10. 2008 kèm theo 7.822 chữ ký của những người Việt Nam và người Đức ủng hộ Tổng Giáo Phận Hà Nội và Giáo Xứ Thái Hà, Ngài nêu rõ:

Tôi thỉnh cầu Bà Thủ Tướng dùng mọi phương cách trong thẩm quyền của Bà làm sao để nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền và đặc biệt là đòi hỏi cho được tự do tôn giáo.“

81102duc1.jpg

ĐTGM Reinhard Marx hiệp thông cầu nguyện

Cùng ngày Ngài cũng gửi một bức thư tới Đức TGM Dr. Robert Zollitsch, đương kim Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Đức:

“..Kính xin Đức Tổng Giám Mục vận động Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Đức ủng hộ lời thỉnh cầu này (ghi chú: can thiệp vụ Tòa TGM Hà Nội, Giáo Xứ Thái Hà), lên tiếng công khai ủng hộ và can thiệp với chính phủ Đức theo tinh thần này.“….

Ngoài ra, tưởng cũng nên biết vị chủ chăn của Tổng Giáo Phận München-Freising, Đức TGM Dr. Reinhard Marx cũng hưởng ứng ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư sau khi lắng nghe lời trần tình của đại diện Nhóm Công Lý-Hòa Bình Việt Nam trong ngày Lễ Các Dân Tộc (Gottesdienst der Nationen) 28.09.2008 tại Nhà Thờ Chính Tòa München. Tích cực hơn nữa Ngài ủy nhiệm cho Đức Ông Wolfgang Huber, (Cha Sở Nhà Thờ Chính Tòa, Giám Đốc Phân Bộ Giáo Hội Hoàn Vũ và đặc trách coi sóc Tuyên Úy các Cộng Đoàn Ngoại ngữ) tiếp tục thu thập tin tức tài liệu, đề ra các phương cách hiệp thông, ủng hộ Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

• Nghe Bài Phỏng vấn LM Phạm Sơn Hà về Buổi Cầu Nguyện cho Công Lý và Hoà Bình do Nguyễn Thị Trâm Oanh thực hiện

Đan Kim

Đọc nhiều nhất Bản in 03.11.2008. 23:08