Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ghi nhận về sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam

§ Linh Hà

VietCatholic News (Thứ Bảy 26/01/2008 02:56)

Sau khi xem một số thông tin, hình ảnh và video clips về sự kiện đặc biệt diễn ra tại khu đất thuộc Toà Khâm sứ sau Thánh lễ tạ ơn nhân dịp mừng thượng thọ 90 tuổi và mừng Kim khánh 60 năm làm Linh mục, 45 năm Giám mục và 15 năm Hồng y của Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng vào ngày hôm qua (25 tháng 1 năm 2008). Tôi thấy có một số thông tin chưa chính xác trên một số trang web kể cả trang BBC.

Với sự thúc đẩy cần thông tin cho mọi người những gì đã được tận mắt chứng kiến diễn ra tại hiện trường lúc đó vì tôi là một trong hàng nghìn giáo dân có mặt tại buổi cầu nguyện diễn ra từ lúc khoảng 11h45 tới 13h30. Tất cả những ai có mặt lúc đó đều có thể làm chứng cho những gì tôi tường thuật dưới đây. Rất tiếc tôi không có máy ảnh để ghi lại những hình ảnh này. Tuy nhiên những bức ảnh trên mạng đã giúp chứng minh cho những gì đã xảy ra. Tôi hy vọng gửi bài tường thuật này tới ban biên tập VietCatholic để góp phần với các phóng viên khác tại hiện trường cung cấp cho thế giới biết được những sự kiến lớn lao đang xảy ra tại Hà Nội trong những ngày cuối năm đặc biệt này.

Về thánh lễ mừng Thưỡng Thọ ĐHY Phạm Đình Tụng

Như các quí vị đã biết, Thánh lễ được bắt đầu lúc 10h00 dưới sự chủ tế của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và có các đức tổng giám mục Hà Nội, đức giám mục Thanh Hóa và một số các đức giám mục khác cùng với đông đảo linh mục đồng tế (trong đó có ít nhất là một linh mục là người nước ngoài), với sự hiện diện của số đông nam nữ tu sĩ và giáo dân đến từ nhiều giáo phận khác nhau, cũng như đại diện từ các giáo xứ thuộc Tổng giáo phận Hà Nội. Thánh lễ rất trang trọng và cảm động vì có sự góp mặt của một dàn kèn đồng hoành tráng trong trang phục màu trắng và một đội trống hội trong trang phục vàng xanh cùng đội cồng chiên của các thiếu nữ trong trang phục dân tộc Mường của miền Hòa Bình.

Tiến sang Tòa Khâm Sứ cầu nguyện

Sau Thánh lễ, Cha Lý mời các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân sang mảnh đất Tòa khâm sứ để cầu nguyện, vì Ngài nói rằng ước vọng lớn lao của Đức Hồng y là xin lại được mảnh đất thuộc Toà Giám mục Hà Nội. Mặc dù trời mưa rét, một đoàn người đông đảo gồm các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân cùng đội kèn và trống chiêng di chuyển sang khu đất Tòa Khâm sứ, lúc này hàng rào vẫn đóng kín.

Trong khi đoàn người đang tiến ra phía khu đất và khi lời cầu nguyện chuẩn bị được cất lên thì người ta thấy một chị giáo dân trong trang phục dân tộc Mường, tay ôm một bó hoa trèo qua hàng rao cao khoảng 2.5m vào bên trong khu đất. Lúc này bên trong khu đất có khoảng hơn một chục nhân viên bảo vệ cả nam và nữ. Khi đoàn cầu nguyện tiến ra, cửa hông vào tòa Khâm sứ (chỗ quán Phở) nơi là chỗ đi lại của các nhân viên bảo vệ bởi các cổng chính đều đã được khoá từ hơn một tháng nay.

Diễn tiến đuổi bắt nữ giáo dân người Mường

Chị phụ nữ người dân tộc vừa trèo xuống và tiến đến phía cây đa có tượng Đức Mẹ Sầu bi và thánh giá cách hàng rào khoảng 40m, thì có ba phụ nữ và một số bảo vệ tiến đến ngăn chặn không cho chị đi vào phía tượng Đức Mẹ. Chị rất kiên quyết tiến đến với bó hoa trong tay nhưng ba phụ nữ kia đã dùng sức mạnh để lôi kéo chị về khu nhà cấp bốn nghách ra vào của nhân viên từ góc quán Phở dẫn vào khu đất bên tay trái.

Mọi người rất bức xúc khi thấy sự việc này (nhiều hình ảnh và video clips đã lưu lại được sự việc này), nhiều giáo dân hét lên yêu cầu không được cản chị, nhiều người rung hàng rào và có người định giật bay tờ áp phích rách nát quảng cáo cho sân tennis vẫn còn treo ở hàng rào.

Trong sân từ khi có đoàn cầu nguyện đã có một người đàn ông cầm máy quay ghi hình ảnh chị dân tộc cũng như các giáo dân đang rung hàng rào ở bên ngoài. Phía giáo dân cũng có nhiều người có máy quay và máy ảnh chụp những gì đang diễn ra.

Vài phút sau, một thanh niên với một máy quay phim nhỏ (tôi biết đó là luật sư giáo dân Lê Quốc Quân, người đã được nhiểu người quan tâm đến dân chủ biết đến) dũng cảm trèo qua hàng rào vào phía bên trong. Ngay lập tức anh bị một số bảo vệ ở bên trong lao tới và kéo tới chỗ đang có chị dân tộc. Do ở đó là góc khuất nên mọi người bên ngoài không nhìn thấy các bảo vệ đang làm gì với anh Quân và chị dân tộc kia.

Trong đó trên loa truyền thanh phát lên tiếng yêu cầu các nhân viên bảo vệ thả người và không được đánh giáo dân. Sau đó chúng tôi nghe có tiếng loa kêu gọi xe cấp cứu đưa nạn nhân bị đánh đi bệnh viện. (Sau này trên hình ảnh cho thấy anh Quân bị các nhân viên này đánh chảy máu tai).

Như ly nước tràn ly, một số linh mục và giáo dân rời khu cầu nguyện ở giữa di chuyển sang khu quán phở nơi có lối vào đang được các nhân viên bảo vệ khu đất quản lý và yêu cầu được vào bên trong khu đất và đòi thả 2 người đang bị bắt giữ. Lúc đó tôi có nhìn thấy một công an trong quân phục cũng đứng ra cản mọi người và không cho mọi người vào trong cơ quan. Một số công an khác đứng bên kia đường nhìn sang, một số người gọi điện thoại di động.

Trước sức ép của rất đông giáo dân, dần dần các nhân viên bảo vệ không thể chặn được đoàn người tiến vào qua hẻm nhỏ này mặc dù trong đó có một cửa sắt chỉ còn không vẫn khoá khiến mọi người phải chui qua mới vào được bên trong khu đất.

Khi tôi vào đến bên trong, một số giáo dân đang đối chất với các nhân viên nhà nước và yêu cầu thả người, đồng thời chất vấn các nhân viên đó tại sao lại ngăn cản và bắt giữ cũng như đánh đập những người này chỉ vì họ vào dâng hoa kính Đức Mẹ.

Một trong ba phụ nữ đã tham gia kéo chị dân tộc bị mọi người phát hiện và một số phụ nữ đã đuổi cô ta ra khỏi khu đất vì chị nói rằng cô ta ở đó là ô uế khu đất Thánh.

Quả thật tôi nhận thấy sự nhục nhã chua xót cho cô ta khi bị xúi giục làm một công cụ bẩn thỉu cho người khác.

Một lúc sau ở một chỗ khác, cô gái thứ hai (tóc xoăn nhuộm vàng và cũng là một trong ba phụ nữ đã dùng vũ lực với chị dân tộc) đã nằm trong vòng vây và tìm cách lẩn trốn đám đông giáo dân đang bủa vây và phẫn nộ.

Cổng bị phá và thánh giá được rước vào và dựng trước cửa Tòa Khâm Sứ

Sau khi trong sân có khoảng trên một trăm người vào bên trong khu đất thì mọi người ùa ra cổng chính và chiêc cổng sắt có khoá và các cục bê tông chặn ở phía dưới được mở tung cho làn sóng người bên ngoài tràn vào cùng với cồng chiên, kèn đồng và trống đang vang rền hùng tráng.

Thật bất ngời, ngay sau khi cổng chính được mở thì một thánh giá sắt dài khoảng 4m được một số thanh niên khiêng thẳng vào bên trong và dựng ngay trước bậc lên xuống của tòa Khâm sứ.

Các giáo dân khác tập trung ở khu vực cây đa để đọc kinh dưới tượng Đức Mẹ Sầu Bi và thánh giá. Nhiều người cắm hoa, nến và mang những phù hiệu và các lẵng hoa mà chính quyền đã tặng toà Giám mục trong dịp vừa qua tới trang điểm cho Mẹ và Thánh giá. Nhiều người bắt đầu quét dọn và nhặt sạch lá ở dưới gốc đa. Xung quanh tượng Mẹ, nến hoa rực rỡ và ngày càng đông người vây quanh cầu nguyện mặc cho mưa rơi và gió rét.

Tòa nhà Khâm sứ vẫn đóng kín, khi cây thánh giá được dựng lên có nhiều người bước lên bậc trên cùng trước cửa toà nhà để được chụp ảnh. Loa truyền thanh vang lên yêu cầu mọi người kiềm chế và không đập phá tài sản của giáo hội.

Lại một sự bất ngờ xảy ra khi ngay sau khi cây thánh gia sắt được dựng lên, một cây Tượng Chịu Nạn bằng gỗ được mang tới và đóng lên chính giữa cây Thánh giá sắt. Gạch, nước và xi măng ngay lập tức được mang tới để xây chân tượng Thánh giá bằng bay và cả bằng tay nữa, trong khi nhiều người và các sơ dòng Mến Thánh giá nguyện ngắm.

Cảnh tượng thật mãnh liệt và mạnh mẽ khi một số giáo dân tiếp cận các nhân viên bảo vệ yêu cầu trả lại máy quay và điện thoại của người thanh niên bị bắt và bị đánh. Trên loa vang lên tiếng của cha Lý yêu cầu nhân viên trả lại tài sản của giáo dân trong khi bệ thánh giá được xây và thêm một tượng Đức Mẹ được đưa và trong một hốc nhỏ ở gốc cây đa.

Các biển hiệu Phòng VHTTTT mới gắn lên tòa nhà được giáo dân gỡ bỏ.

Các linh mục họp với công an đòi trả người và đòi lại tài sản họ tịch thu của giáo dân

Sau một hồi thương thuyết, vị cán bộ chỉ huy (người mặc áo đỏ đội mũ bảo hiểm xanh) được nói rằng đã chỉ huy các nhân viên ngăn chặn và đánh chị phụ nữ dân tộc Mường và anh thanh niên. Vị chỉ huy này đã được các linh mục bảo vệ để tránh khỏi sự uất ức của giáo dân. Sau khi trao đổi phía bên cạnh Toà Khâm Sứ, mọi người nhất trí để hai linh mục là cha Lý và cha Quế cùng người chỉ huy này bàn bạc để trao trả lại một máy quay và điện thoại di động của anh thanh niên.

Một số người cùng theo hai Cha và đồng chí cán bộ ra phía sau tòa nhà vào một phòng kính để hội đàm với sự chứng kiến của một số giáo dân và rất đông người đứng ở bên ngoài đang bức xúc yêu cầu trả lại tài sản ăn cướp.

Không biết trong đó đang trao đổi gì. Nhưng khoảng 15 phút sau, một cha Dòng Chúa Cứu Thế đi ra và yêu cầu giáo dân kiên trì chờ đợi ở đó, trong khi các Cha và đại diện cán bộ họp để trả lại tài sản đã cướp của giáo dân cũng như giải quyết để đưa anh thanh niên đi cấp cứu.

Khi được thả ra, chị người dân tộc Mường mang hoa vào vẫn rất can đảm không tỏ ra một sự sợ hãi nào. Chị nói có bị mấy tên nữ nhân viên đẩy và đánh vào bạng mỡ. Nhiều giáo dân nói rằng họ sẽ ở lại đó đến khi nào các tài sản của anh thanh niên được trả lại mới đi khỏi.

Vì bận công truyện khác, nên tôi phải rời khỏi hiện trường vào lúc 13h30, trong khi đó cuộc họp giữa hai linh mục và cán bộ vẫn đang tiếp diễn, một số giáo dân đang hoàn tất việc dựng Thánh giá và một số người đang cầu nguyện và dọn dẹp tại khu tượng Đức Mẹ.

Sự việc bắt đầu khoảng 11h45 với sự có mặt của khoảng 2000 người. Cảnh sát mặc đồng phục đứng đằng xa quan sát (chắc chắn nhiều đồng chí an ninh trà trộn vào đám đông để theo dõi). Phía đầu phố Nhà Chung, cảnh sát trật tự và cảnh sát giao thông điều khiển các phương tiện không cho đi vào phố Nhà Chung.

Với đức tin mãnh liệt các ông bà cụ già canh thức trong đêm rét buốt...

Như các trang web đã cập nhật, buổi tối lúc khoảng 20h00 tôi trở lại hiện trường cửa chính vẫn rộng mở, trong khu đất đã có một số bạt che mưa được dựng lên.

Đèn nến cháy sáng cả bên tượng Đức Mẹ và Thánh giá. Rất nhiều ghế nhựa đã được mang ra cho giáo dân cầu nguyện, nến, hoa và hương liên tục được mang tới và thắp lên. Một thảm ni lông dài được trải ra phía trước Thánh giá để mọi người có thể quỳ và cầu nguyện. Người ta đã mang tới hai chậu cảnh để ở hai cột trụ lối lên toà Khâm sứ. Một bình hoa mới được mang ra và những ngọn tầm xuân được cắm vào để dưới chân Thánh giá. Cây Thánh giá cũng được trang điểm bởi nhiều hoa tươi và phù hiệu.

Khu vực dường như hiện nằm dưới sự kiểm soát của giáo dân. Phía bảo vệ vẫn đứng co cụm một chỗ gần dãy nhà cấp bốn nhìn ra, thỉnh thoảng một đồng chí tới và cầm máy quay và máy ảnh chụp cảnh giáo dân đang cầu nguyện. Một số khác đứng im lìm bất động không còn vẻ hung hăng của những công cụ bạo lực.

Lúc 21h00 tôi trở ra và thấy một số chăn bông được mang tới hiện trường để phục vụ cho những người bám trụ.

Tôi cảm thấy một niềm vui trào dâng như vỡ oà. Tôi tự hỏi không hiểu những nhân viên và cán bộ an ninh nhà nước đang theo dõi sự việc này có suy nghĩ gì khi trong mưa phùn gió bấc với bao bận rộn của công việc trong những ngày giáp Tết mà biết bao người kể cả các cụ già đã bỏ đệm ấm giường êm, khoác trên mình giá lạnh mùa đông để canh thức và cầu nguyện cho những tài sản bị tước đoạt không phải cho bản thân mình mà cho giáo hội.

Xin thưa đó là nhờ sức mạnh của niềm tin vào Thiên Chúa và phần thưởng hạnh phúc viên mãn và vĩnh hằng mà những giàu sang phù hoa bất chính trên thế gian này chỉ là bèo bọt mà thôi!

Lạy Chúa Giê-su xin Chúa nhận lời cầu nguyện của con cái Chúa qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria để công lý và hoà bình được đâm chồi và triển nở trên quê hương đất nước Việt Nam chúng con. Amen!

Một Giáo dân Hà Nội ghi lại

Linh Hà

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 26.01.2008. 07:14