Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Điều gì sẽ xẩy ra nếu súng đạn và dùi cui lên tiếng!

§ JB Nguyễn Hữu Vinh

VietCatholic News (Chúa Nhật 27/01/2008 02:18)

Những tin tức nóng bỏng về Tòa Khâm sứ được người trong và ngoài Công giáo hết sức quan tâm trong thời điểm hiện nay, nhất là sau khi xảy ra vụ bắt bớ, đánh đập giáo dân giữa thanh thiên bạch nhật ngày 25 tháng 1 năm 2008 và những động thái của nhà cầm quyền Hà Nội diễn ra sau đó. Công văn của Thành phố đến Tòa Tổng Giám mục chiều thứ 7 với một mệnh lệnh: Báo cáo sự việc, dỡ bỏ ảnh tượng trước 17 giờ chiều Chủ nhật với lời đe dọa sẽ dùng biện pháp mạnh?

Từ chiều qua, hàng loạt các cuộc điện thoại của những người ngoài Công giáo hỏi thăm, lo lắng đến những sự việc đã và có thể đến. Người Công giáo đón nhận tin đó bình tĩnh và kiên quyết. Bởi họ và Giáo hội đã từng là nạn nhân của nhiều vụ việc, đâu chỉ là những chuyện “cỏn con” này.

Cả Giáo hội đang căng mắt theo dõi, đang im lặng nghe ngóng, nhưng chắc chắn một điểu: Từ xưa, đã thà chịu chết để bảo vệ đức tin, thì đừng mong họ làm cái việc “quá khóa” trong thời hiện đại ngày nay.

Lịch sử Giáo hội đã từng ghi nên những trang sử nhuốm màu máu của các Thánh tử đạo và những trang sử của một thời đen tối man rợ hơn nhiều. Nhưng, họ đã vượt qua tất cả và ngạo nghễ tồn tại, phát triển chứng tỏ khả năng của mình. Những cuộc đàn áp đẫm máu nếu có, sẽ là một mồi lửa để thử thách và thiêu rụi những gì không thực tế cần cho cuộc sống. Mà những gì không cần, thì ai cũng đã hiểu.

Nếu có cuộc đàn áp như “Thiên An môn” hay một vụ “Đồng Đinh” diễn ra, có nghĩa là những người Công giáo đã được nhà cầm quyền chuẩn bị cho một cái Tết cổ truyền của dân tộc nhuộm màu tang tóc. Có nghĩa là họ đã chính thức bị đẩy về phía những “kẻ thù của chuyên chính vô sản”. Điều đó đồng nghĩa với 1/10 dân số Việt Nam, và hơn 1 tỷ người tín hữu Công giáo trên toàn thế giới phải nói lên thái độ của mình với Chủ nghĩa Cộng sản. Cũng có nghĩa là không chỉ những người công giáo, mà cả những người dân, những người không công giáo hiểu hơn về thực chất của một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” hiện nay ra sao.

Sinh thời, ông Hồ Chí Minh, người mà đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa lên như một vị Thánh, được đưa vào chùa ngồi cùng với Phật, đưa lên bàn thờ trong các cơ quan, đoàn thể đã nói rằng: “Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, dù là việc nhỏ. Việc gì có hại cho dân, phải hết sức tránh, dù là việc nhỏ”.

Vậy việc chiếm đoạt đất đai của cá nhân, tổ chức xã hội của dân, khi họ khiếu nại, xin lại, đòi lại không được đã buộc phải Cầu nguyện nói lên ý nguyện của mình thì dùng vũ lực khuất phục là “có lợi cho dân”? Đó thật sự có lợi cho dân, hay cho những cán bộ trong bộ máy tham nhũng nặng nề hiện nay?

Dân có lợi gì khi chiếm đoạt tài sản của người khác? Dân chỉ có lợi là nếu những chỗ đó biến thành chỗ ăn chơi đàng điếm, con cái họ có chỗ mà hành nghề, những cô gái nông thôn non nớt là những miếng mồi ngon, mà người sử dụng là kẻ có tiền, kẻ có tiền thường phải là quan chức của giai cấp vô sản. Lương Quốc Dũng, một cán bộ đảng viên cao cấp, hàm Thứ trưởng, là một điển hình.

Dân gian đã có câu nói rất ý nhị: “Gái thì bán trôn nuôi miệng, quan thì bán miệng nuôi trôn”.

Phần dân còn lại, chỉ biết chăm chỉ làm ăn và nộp thuế, ngoài ra còn phải gom góp đủ tiền để khi có việc với cơ quan công quyền còn có cái mà hối lộ quan chức. Còn những cán bộ, họ chẳng có lợi gì nếu họ hiểu được rằng: Con cái họ phải trả cái giá cho việc họ đang làm, cho những tài sản họ đang chiếm đoạt. Luật Nhân – Quả là điều họ đã được học trong cái tôn giáo Mác – Lê nin, nhưng hầu như họ không thuộc bài. Mà xét cho cùng, thì họ cũng chẳng cần quan tâm, bởi theo đúng Mác – Lênin thì khi vật chất đẩy đủ, sẽ quyết định ý thức xã hội đối với mình. Vì vậy, trong hệ thống quan chức, thử tìm xem được mấy người sống vì dân, do dân hay cao cả hơn là vì cái “lý tưởng cộng sản” hay họ đang sống và làm việc vì cái túi tiền của mình?

Người dân ngày nay đã hiểu hết những điều đó, và khi họ đã hiểu, thì trước hết, họ mất niềm tin, mất niềm tin sẽ không còn sự kính trọng. Khi đã hiểu bản chất tốt đẹp, họ dành cho sự kính nể, nhưng khi hiểu bản chất xấu xa, dù không nói ra, họ cũng chỉ dành cho sự khinh bỉ mà thôi.

Trước tình hình những lời đe dọa “dùng biện pháp mạnh” với những người cầu nguyện và Giáo hội Công giáo, những người quan tâm nhất lại chính là những người không công giáo bên ngoài. Họ lo lắng, họ sợ hãi thay cho những nạn nhân, bởi họ thừa hiểu bản chất của xã hội và bộ máy này.

Nhưng người Công giáo hiểu rằng, với súng đạn trong tay nhà cầm quyền, một Thiên An môn mới là điều có thể trong chủ nghĩa cộng sản, nhưng hậu quả của Thiên An môn này, không như nơi khác, không như thời khác, vì thế giới đang ở thế kỷ XXI. Khi mà Việt Nam đang là thành viên WTO, khi mà Việt Nam đã bước vào sân chơi của thế giới, khi mà Việt Nam đang là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Liên hiệp quốc.

Và điều căn bản nhất, là người dân Việt Nam, người Công giáo Việt Nam đã trưởng thành, đã nhận thức được những giá trị thực của Chân, Thiện, Mỹ.

Nếu biện pháp giải tán đàn áp những người cầu nguyện theo kịch bản của những người dân khiếu kiện ở Sài Gòn ngày trước được diễn lại, nhà cầm quyền cũng nên hiểu hai bản chất sự việc đã rất khác nhau. Một cuộc biểu tình của những người khiếu kiện vì đất đai, họ đấu tranh cho nồi cơm và tài sản của họ, từng cá nhân riêng lẻ, đơn thuần với nghĩa là vật chất. Những người dân đó có thể bị dụ dỗ, lừa phỉnh “đưa về địa phương rồi sẽ giải quyết”, hoặc nếu không khuất phục, bị tàn sát, không ai nhớ đến họ.

Còn với những người Công giáo cầu nguyện hôm nay, họ không vì mảnh đất nhà họ, họ không cầu nguyện vì nồi cơm nhà mình, không vì những quyền lợi vật chất mà có thể bị dụ dỗ. Họ đang cầu nguyện bằng niềm tin vào Thiên Chúa, bằng niềm tin vào Công lý và lẽ công bằng, dù tạm thời bị ma quỷ lấn át, thì vẫn phải được thực hiện và họ đang là nhân tố cho điều đó được thực hiện.

Vì vậy, nếu họ có ngã xuống, thì họ đã thực hiện được lời họ nguyện xin “Xin được làm muối đất, ướp cho mặn đời”. Đơn giản vậy thôi mà vĩ đại hơn những điều vĩ đại nhất.

Nếu nhà cầm quyền không hiểu được điều đơn giản đó, thì họ làm sao lường hết những hậu quả của thói hung bạo nhất thời.

Vụ việc ngày 25 tháng 1 năm 2008 tại Tòa Khâm sứ, là bài học mới nhất mà nhà cầm quyền nên nghiền ngẫm kỹ hơn. Nếu với lực lượng công an nổi chìm dày đặc, những giáo dân cứ bình thản cẩu nguyện ôn hòa mà không có chuyện đánh đập giáo dân để khêu lên ngọn lửa phẫn uất, chọc giận cơn giận của quần chúng, thì đâu đến nỗi này. Nếu họ cứ để cho người phụ nữ Mường kia vào đặt hoa, rồi trở ra hoặc cùng lắm thì dẫn chị ta trở về cộng đồng cầu nguyện, không được đến chỗ tranh chấp, đừng có sự hung bạo nào, thì đâu đến nỗi thế. Chị ta ôm hoa, đâu có ôm bom ba càng như các chiến sỹ cộng sản hay ôm mìn như các chiến sỹ biệt động năm xưa mà phải đối xử như kẻ thù hay tội phạm? Mà dù họ có vi phạm, họ vẫn là công dân Việt Nam. Hoa, là biểu hiện của tình yêu thương, con người không biết quý trọng hoa, có nghĩa là phần người trong đó không còn nhiều.

Sự việc đã trở nên ầm ĩ không đáng có, và kết quả là những phức tạp càng tăng thêm. Với niềm tin lấy yêu thương để trả oán thù, người Công giáo đã không nhất định đòi lôi mấy đứa giả danh đánh người kia ra chịu tội, thì đừng ngậm máu phun vào người họ nữa. Dùng máu để rửa máu, có bao giờ sạch được. Thời buổi này, đâu có phải một mình một chợ mà muốn nói sao thì nói, muốn làm sao thì làm.

Khí thế giáo dân đang sôi sùng sục dám đương đầu với bạo quyền và súng đạn. Mọi điều đều có thể xảy ra.

Chúng ta, mọi người hãy bằng khả năng của mình, làm một điều gì đó cho Giáo hội trong khi khó khăn, để Giáo hội luôn trường tồn và phát triển, để Giáo hội Việt Nam không cô đơn trong những ngày này, để các thế lực thế gian hiểu rằng: Trước mặt họ, đang có một Giáo hội Hiệp nhất, thông công và Thánh thiện đầy tình yêu thương.

Xin cầu cho Giáo hội Việt Nam đủ sự bình tĩnh, sáng suốt vượt qua giông tố trong sự quan phòng của Cha Toàn năng.

Hà Nội, Ngày 27 tháng 1 năm 2008.

J.B. Nguyễn Hữu Vinh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.01.2008. 02:17