Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đấu Tranh Bất Bạo Động (2)

§ Trung Điền

Câu chuyện Thái Hà đã được nhiều cơ quan truyền thông của Quốc tế, Việt cộng và cả Cộng đồng hải ngoại tường thuật nhưng với cái nhìn khác nhau. Quốc tế thì tường thuật dưới khía cạnh đàn áp tôn giáo khi công an ra lệnh bắt giữ một số giáo dân và tung hơi cay giải tán các buổi lễ cầu nguyện.

80906trungdien1.jpg

Phía Cộng sản Việt Nam thì cho đây là vụ kích động dân chúng phá hủy tài sản và gây rối trật tự cộng đồng, đồng thời bị thế lực thù địch bên ngoài giật dây theo kiểu “diễn biến hòa bình”. Phía Cộng đồng hải ngoại thì coi đây là vụ tranh chấp đất đai giữa Dòng Chúa Cứu Thế tại Giáo xứ Thái Hà với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam từ nhiều năm qua. Trong khi đó, qua Tâm Thư Dòng Chúa Cứu Thế, đứng tên bởi Linh Mục Đinh Hữu Thoại, cho biết cuộc đấu tranh của giáo dân Thái Hà là nhắm vào sự công bằng, công lý và lẽ phải đối với những tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà. Như vậy đây không thể nào gọi là cuộc tranh chấp đất đai và cũng không thể nào gọi là âm mưu phá hoại tài sản. Nói cách khác, đây là cuộc đấu tranh nhằm soi rọi sự thật mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cố tình che dấu.

Sự thật đó là khu đất tại Thái Hà của Dòng Chúa Cứu Thế đã bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cưỡng chiếm và giao cho công ty Dệt Thảm Len Đống Đa sử dụng từ năm 1961. Nhưng đến năm 1994 thì khu đất này lại biến thành đất của tư nhân khi công ty Dệt Thảm Len Đống Đa bán cho công ty May Mặc Chiến Thắng sử dụng. Không những thế, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam còn để cho nhiều cá nhân và đoàn thể như Hội hồng thập tự, ủy ban nhân dân phường Quang Trung, Trường học, Kho bạc nhà nước... đã chiếm dụng nhiều khu đất của nhà dòng theo kiểu tư nhân hóa. Từ năm 1996 cho đến nay, Dòng Chúa Cứu Thế đã khiếu nại nhiều lần với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam để yêu cầu tôn trọng quyền sở hữu và giao lại khu đất cho Nhà Dòng và Giáo xứ, nhưng Cộng sản Việt Nam đã không lên tiếng giải quyết. Dù vậy giáo dân và quý linh mục trong Dòng Chúa Cứu Thế vẫn giữ sự chừng mực trong các buổi lễ cầu nguyện, chờ đợi thiện chí giải quyết của phía nhà cầm quyền Hà Nội. Nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội qua văn thư số 2474/QD-UBND, đưa ra quyết định rằng việc yêu cầu trả lại nhà dòng của Dòng Cứu Thế tại Thái Hà là không có cơ sở.

Chính quyết định phi lý nói trên của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đã làm cho sự chịu đựng, nhẫn nhục đấu tranh suốt 12 năm qua của Giáo Dân và quý Linh Mục Dòng Chứa Cứu Thế tại Thái Hà bùng vỡ thành một thế đối đầu công khai để đi tìm công bằng và công lý cho Giáo hội. Ngày 15 tháng 8, hàng trăm giáo dân đã khởi động các cuộc tụ tập cầu nguyện ngay tại nơi khu nhà dòng bị công ty May Mặc Chiến Thắng sử dụng. Ngày 19 tháng 8, các Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà đã gửi đơn Khiếu nại tới ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và các cơ quan liên hệ để yêu cầu trao quyền sử dụng đất cho Dòng Chúa Cứu Thế.

80906trungdien2.jpg

Nhìn vào diễn tiến đấu tranh tại Thái Hà trong suốt 12 năm vừa qua của Dòng Chúa Cứu Thế và đặc biệt trong hơn 2 tuần lễ vừa qua cho thấy là Cộng sản Việt Nam đang ở vào thế lúng túng đối phó trước cường độ tụ tập công khai cầu nguyện của Giáo dân Thái Hà ngày một gia tăng. Tình hình này đang đẩy Cộng sản Việt Nam ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu Cộng sản Việt Nam cho công an ra tay đàn áp mạnh thì sẽ bị quốc tế lên án coi đây là vụ đàn áp tôn giáo. Sợi giây thòng lọng CPC chắc chắn sẽ bị Hoa Kỳ cột ngay vào cổ của ông Nguyễn Tấn Dũng trong lúc ông ta đang vất vả đối chọi với phe bảo thủ. Nhưng nếu Cộng sản Việt Nam không làm gì cả, chỉ hù doạ và bắt giữ một số giáo dân đầu não đứng ra tổ chức các buổi lễ cầu nguyện thì vấn đề còn nguyên vẹn. Các Linh Mục của Dòng Chúa Cứu Thế đã biết khai thác phương thức đấu tranh bất bạo động một cách rất bài bản để vận dụng sự tập hợp đông đảo giáo dân tạo sức ép thường trực lên thành phần công an. Các Linh Mục đã điều hướng cuộc đấu tranh bất bạo động ra sao tại Thái Hà?

Yếu tố đầu tiên trước khi công khai tổ chức các buổi lễ cầu nguyện là minh định chính nghĩa. Đọc qua lá thư tường trình của Linh Mục Đinh Hữu Hoạt về diễn tiến sự việc, người ta thấy rõ sự vô lối của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trong việc cướp đất của nhà dòng và cho bán đi bán lại kiếm lời giữa các cơ quan nhà nước. Khi giáo dân và dư luận thấy rõ mục tiêu đấu tranh, tức là thấy rõ chính nghĩa, nên họ đã sẵn sàng hành động.

Yếu tố thứ hai là nhờ thấy rõ chính nghĩa và thấy sự yếu kém của 12 năm âm thầm đấu tranh không hiệu quả, các Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế đã chọn thế công khai hành động mà phương thức là cầu nguyện. Trong tay không có một tấc sắt sẽ dễ làm cho con người chùn bước đối đầu trước bộ máy bạo lực của công an. Nhưng nhờ có niềm tin và nhờ dựa vào sức mạnh che chở của Chúa qua cầu nguyện, giáo dân đã vượt lên trên sự sợ hãi.

Yếu tố thứ ba là các giáo dân đã tham gia cầu nguyện với một tinh thần kỷ luật cao độ. Ngay đêm 28 tháng 8 khi bị công an dùng dùi cui, roi điện tấn công, khiêu khích bằng những lời khiếm nhã, hay qua ngày hôm sau mồng 1 tháng 9, khi bị nhóm du đãng của công an trà trộn tung hơi cay nhằm gây rối buổi lễ cầu nguyện.... các giáo dân vẫn không tạo sự náo loạn. Mọi người đã theo sự hướng dẫn của các Linh Mục tiếp tục cầu nguyện và đã không có hành động chống trả. Đây là thái độ quan trọng trong đấu tranh bất bạo động để bẻ gãy những âm mưu khiêu khích của công an nhằm tìm lý cớ giải tán hay bắt giữ người tham dự các cuộc biểu tình.

Yếu tố thứ tư là các giáo dân sẵn sàng trực diện với nhà tù khi có người bị bắt. Khi công an quận Đống Đa quyết định bắt giữ hai giáo dân là bà Lê Thị Hợi và ông Lê Quang Kiện vào trưa ngày 28 tháng 8, hàng trăm giáo dân đã gọi nhau ra tụ tập trước trụ sở quận Đống Đa để cầu nguyện. Đây là hành động phản đối tập thể và công khai về hành vi bắt giữ người một cách phi lý của công an, có tác dụng tinh thần rất lớn cho gia đình của những người bị bắt, đồng thời giúp củng cố tinh thần đoàn kết và sẵn sàng cùng nhau chiến đấu của các giáo dân còn lại.

Yếu tố thứ năm là sự liên tục và kiên trì tham dự các buổi lễ cầu nguyện bất chấp những hù dọa, xuyên tạc của bộ máy truyền thông nhà nước. Ngay từ ngày 17 tháng 8 sau khi giáo dân tổ chức buổi lễ cầu nguyện đầu tiên, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã sử dụng bộ máy truyền thông đả kích và bóp méo tinh thần buổi lễ, đồng thời chỉ thị cho các thầy cô tra vấn học sinh và đe dọa sẽ cho nghỉ học nếu gia đình nào có người tham dự các buổi lễ cầu nguyện. Những đòn xảo quyệt này của công an hoàn toàn mất tác dụng khi giáo dân đã thấy rõ chính nghĩa của việc họ làm.

Yếu tố thứ sáu và cũng là yếu tố quan trọng của đấu tranh bất bạo động là sự liên kết giữa các cộng đồng để ủng hộ tinh thần cho nhau. Sự hiệp thông của những giáo dân ở các khu vực khác ngoài Thái Hà ngay sau khi có cuộc đàn áp xảy ra vào tối ngày 28 tháng 8, đã không chỉ làm phấn khởi tinh thần giáo dân Thái Hà mà còn làm cho Cộng sản Việt Nam phải chùn tay – dòm trước ngó sau – vì sợ công luận lên án.

Nói tóm lại, cuộc đấu tranh tại Thái Hà chắc chắn sẽ có ngày phải kết thúc. Sự kết thúc này phần lớn nằm ở thái độ ứng xử của Cộng sản Việt Nam. Nếu khôn ngoan, họ sẽ chọn theo cách giải quyết tòa Nhà Chung hồi đầu năm nay là ký quyết định trả khu đất dòng tu cho Dòng Chúa Cứu Thế. Ngược lại, nếu Cộng sản Việt Nam ngoan cố và tìm cách đàn áp các buổi lễ cầu nguyện thì họ sẽ hứng chịu một hậu quả khó lường trong bối cảnh mở cửa hiện nay.

Trung Điền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 06.09.2008. 11:31