Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đất đai, chính quyền và Công giáo

§ Hoàng Xuân Ba

Gửi tới BBC 14/1/08 từ Sài Gòn

Tranh chấp đất đai giữa chính quyền Hà Nội với giáo hội Công giáo Việt Nam có vẻ như đang lan rộng.

Tối 11. 1 tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn, một thánh lễ cầu nguyện có tên gọi “Đêm thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình hiệp thông với anh chị em giáo dân vào Dòng Chúa Cứu Thế, Hà Nội” đã được tổ chức với sự tham dự của hơn 4000 giáo dân.

Việc tranh chấp đất đai giữa chính quyền và tôn giáo vốn đã âm ỉ từ lâu, thời gian gần đây đột ngột trở nên căng thẳng với việc hàng nghìn giáo dân Hà Nội cầu nguyện tập thể trước khu đất trước đây vốn là tòa Khâm sứ Hà Nội để yêu cầu chính quyền trả đất lại cho giáo hội.

Vấn đề khúc mắc

Mới đây nhất, hàng chục giáo dân dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, Hà Nội đổ về cầu nguyện ở khu vực có tranh chấp với công ty may Chiến Thắng trên đường Hoàng Cầu phường Quang Trung, quận Đống Đa khiến cho sự việc có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Linh mục Phê-rô Nguyễn Văn Khải từ tu viện dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà nói đất này được các tu sĩ từ Quebec, Canada sang mua từ đầu thế kỷ, và chính quyền xã hội chủ nghĩa không có giấy tờ hay quyết định gì chính thức trưng dụng khu đất này.

Những diễn biến mới đây tại Tp.HCM cũng cho thấy tranh chấp đất đai giữa giáo hội và chính quyền vẫn là một vấn đề khúc mắc khó giải quyết của cả hai bên.

Trong một lá thư gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM ngày 17-12-2007 của Hồng y Phạm Minh Mẫn nhằm mục đích phản bác công văn trả lời của Ủy ban Nhân dân Tp.HCM, đồng thời khẳng định lập trường của giáo hội rằng khu nhà 11 Nguyễn Du (cạnh Chủng viện Sài Gòn) là tài sản hoàn toàn hợp pháp của giáo hội công giáo.

Tòa Khâm sứ cũ

Trước đó, 4-12-2007, Hồng y Phạm Minh Mẫn đã gởi Bức Tâm Thư nhân ngày Lễ Thánh Phanxicô Xavier, về việc khiếu nại với Chính Quyền Thành Phố về đất đai của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Trong đó, Hồng y xác định toàn bộ cơ sở nhà và đất tọa lạc tại Số 6 và 6Bis Tôn Đức Thắng, Quận I, rộng 40.000m2, chính là tài sản của Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Được biết bức thư này đã được đọc trong các thánh lễ chủ nhật ở các nhà thờ Công giáo tại thành phố.

Những dấu hiệu trên cho thấy ngay tại Tp.HCM, thành phố có số dân Công giáo đông nhất Việt Nam, vấn đề tranh chấp đất đai giữa giáo hội và chính quyền như một ngọn lửa có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu như chính quyền không có những giải pháp thỏa đáng đảm bảo quyền tự do hoạt động tôn giáo và lợi ích của giáo hội Gông giáo.

Việc trưng dụng đất đai của chính quyền xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên nhân chính làm cho mối quan hệ giữa chính quyền và giáo hội rạn nứt. Nó giống như một vết thương âm ỉ, chỉ cần có điều kiện là bộc phát.

Ở miền nam Việt Nam sau 30-4-1975, rất nhiều đất đai, tài sản của giáo hội công giáo cũng như các tôn giáo khác bị nhà nước trưng dụng vào những mục đích khác nhau. Điều này tạo nên những làn sóng bất bình âm ỉ trong người dân.

Mềm mỏng, bình tĩnh

Nhìn chung có thể thấy rằng phát biểu của ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC hôm 3/1 khá mềm mỏng và mang tính nhượng bộ, cho thấy vấn đề trả lại tòa Khâm sứ sẽ là chuyện sớm muộn trong tương lai.

Còn phát biểu nói gây phản ứng dữ dội từ trang web của người Công giáo VietCatholic: "Thực ra là không có vấn đề trả lại, tức là ‘của anh hay của tôi’ nên về phía các tôn giáo hay dùng từ ‘trả lại’ tạo sự không thông cảm được với nhau. Không có chuyện đòi lại, trả lại" cho thấy chính quyền đang cố gắng tìm ra một cách lý giải “an toàn” nhất để tránh tạo ra một tiền lệ không tốt cho phía chính quyền trong những vụ tranh chấp đất đai giữa giáo hội và nhà nước sau này.

Chính quyền Việt Nam hoàn toàn hiểu rằng giáo hội Công giáo Việt Nam với hơn 6 triệu tín đồ vốn là một tổ chức có quy mô chặt chẽ nên không dễ sử dụng các biện pháp “nghiệp vụ an ninh” để ngăn cản và giải tán các cuộc tuần hành và cầu nguyện. Bên cạnh đó, giáo hội VN còn nhận được sự “đỡ đầu” của Vatican vốn có một tiếng nói quan trọng trong các quan hệ quốc tế.

Ý thức được điều này, chính quyền đã rất thận trọng trong việc sử dụng lực lượng công an và an ninh để giải tán những cuộc tập họp cầu nguyện của giáo dân.

So sánh với việc chính quyền sử dụng lực lượng an ninh ngăn cản và dập tắt một cách kiên quyết và hiệu quả những cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân VN thời gian vừa qua trong đó có không ít vụ tạm giữ người không phép thì có thể thấy rằng thái độ xử sự của lực lượng an ninh VN khá kiềm chế, rất ít các vụ xung đột trực tiếp với giáo dân được ghi nhận.

Cầu nguyện tại tòa Khâm sứ cũ ở Hà Nội

Về phía giáo hội công giáo, phản ứng khá bình tĩnh và chừng mực của các Giám mục, đặc biệt là giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt cho thấy phía giáo hội cũng không muốn đẩy sự việc tranh chấp đất đai đi xa hơn mà chỉ mong muốn tìm một giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Tránh làm tổn hại đến lợi ích của giáo hội và của chính quyền.

Những buổi cầu nguyện được giáo hội tổ chức trong ôn hòa cho thấy rằng giáo hội mong muốn dựa vào sức mạnh tinh thần, lòng khao khát yêu chuộng công lý và hòa bình để giải quyết vấn đề.

Cho đến nay, Hồng Y, Tổng Giám mục Sài Gòn Phạm Minh Mẫn, một vị lãnh đạo tinh thần quan trọng nhất hiện nay trong giáo hội công giáo Việt Nam vẫn chưa lên tiếng chính thức về những vấn đề tranh chấp xung quanh đất đai ở ngoài Hà Nội. Điều đó cho thấy rằng lãnh đạo giáo hội không muốn xảy ra những căng thẳng không đáng có giữa hai bên.

Về phía chính quyền, chuyến viếng thăm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm Tòa Giám Mục Hà Nội và đi bộ cùng Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đến xem Tòa Khâm sứ cuối tháng 12 cho thấy họ cũng mong muốn tìm kiếm một hướng giải quyết êm thắm nhất, để tránh xảy ra làn sóng cầu nguyện tập thể đang lan rộng như hiện nay.

Ở Đông Âu và Nga, những quốc gia theo chủ nghĩa xã hội trước đây, tài sản Giáo hội Công giáo bị nhà nước trưng dụng trong thời kỳ cộng sản luôn là một vấn đề nhạy cảm, đầy khúc mắc.

Để giải quyết một cách trọn vẹn, các quốc gia đó đã phải thành lập những ủy ban hòa giải nhiều bên để cùng ngồi lại với nhau giải quyết vấn đề nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các bên tham gia.

Người viết bài là một trí thức Công giáo trẻ tại Sài Gòn. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải của BBC.

Hoàng Xuân Ba

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.01.2008. 09:15