Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đằng Sau Việc Giải Quyết Vụ Vườn Trẻ Thành Vũ Trường

§ Têrêxa Dương Anh Thư

Việc trả lại cơ sở vốn thuộc về các Nữ tử Bác ái xem có vẻ đơn giản, ấy vậy mà từ gần 3 năm qua, chính quyền Thành Phố chưa thể tính được một giải pháp nào. Từ trường học, 32 bis Nguyễn Thị Diệu trở thành vũ trường, rồi bị bỏ không từ hơn 2 năm nay vì các nữ tu làm đơn đòi lại. Mọi việc coi bộ êm ru, án binh bất động như “quy hoạch treo” đang chờ tiền, chờ duyệt, chờ chia chác … . Đằng sau cái bầu khí “im ắng” đó chẳng biết có “bão tố” chi chăng ?

80309VuTruong.jpg

Hình chụp vào 15/11/2007, lúc vũ trường chưa bị đập phá bên ngoài.

Tin hành lang từ các cuộc họp của Uỷ Ban Nhân dân thành phố cho biết : từ lâu Sở Xây dựng đã đề xuất trả vũ trường về cho giáo dục. Đề xuất này vướng một “vị có thế giá”. Theo vị này thì phải để Công ty Quản lý Kinh doanh nhà Thành phố tiếp tục quản lý “32 bis vắng chủ”. Công ty sẽ cho Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP thuê trong vài năm chứ không chuyển giao cho ngành giáo dục. Tại sao “người có thế giá” lại tính toán như thế, chúng ta hãy xem lợi hại thế nào.

Người được thuê nhà vắng chủ sẽ ưu tiên được mua nhà theo Nghị Định 61/1994/CP.

Thật vậy, Điều 5 Nghị Định 61/1994/CP quy định:

“Nhà nước thực hiện bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang cho thuê phần diện tích đang được thuê để người mua nhà có điều kiện cải thiện chỗ ở, trừ các loại nhà ở sau đây :

1. Nhà ở thuộc khu vực quy hoạch xây dựng các công trình khác hoặc cải tạo thành nhà ở mới;

2. Nhà chuyên dùng đang đang bố trí tạm làm nhà ở (khách sạn, nhà nghỉ, trường học, trụ sở làm việc, kho tàng và các loại nhà chuyên dùng khác);

3. Biệt thự các loại kế hoạch dùng làm công thự hoặc dùng vào các mục đích khác.”

Đọc xong đoạn văn này thì quý bạn đọc thông minh của tôi chắc chắn hiểu tại sao người ta phải phù phép làm cho cái trường Mẫu giáo Măng Non thành “nhà vắng chủ”, vì Nhà Nước thương dân lắm : bán “nhà” chứ “trường” làm sao mà bán ! Muốn nhà nước bán thì quan phải ra tay biến trường thành nhà. Bước tiếp theo là quan thuê nhà ít lâu. Và cuối cùng là mua nhà, mua với giá “không thể tưởng”! Hơn nữa, bạn ơi, người ta chỉ được thuê “nhà” chứ đâu được thuê “trường” ? Nếu được thuê trường thì nhà nước phải trả cho các tôn giáo hơi bị nhiều tiền, vì vậy nhà nước “lấy luôn” cho đỡ chi phí ! Cái nghị định 61 “lót ổ” cho bao la quan chức mua “nhà vắng chủ” với giá rác rồi bán lại với giá vàng.

Về phía Uỷ Ban Nhân dân TP, họ cũng nhờ đó mà vớ được một lý do xem ra “hợp lý” để từ chối yêu cầu trả lại cơ sở của các nữ tu.

Rằng cơ sở đã được sử dụng ổn định cho công ích ! Rằng nó góp phần cho giải toả nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông trong TP (khi cho Ban Quản lý Đường sắt Đô thị thuê) ! Rủi thay, giải pháp này gặp phản ứng gay gắt từ phía các nữ tu. Bởi ai cũng thừa biết, một cơ sở đang trong thời gian tranh chấp thì không thể mua, bán, cho thuê, tặng cho … càng không thể được phép sửa chữa, đập phá, xây cất. Vì thế mới có chuyện chính quyền đã 2 lần nhượng bộ ký vào biên bản mà các nữ tu yêu cầu mà không thể thoái thác. Hai lần đến cầu nguyện tại vũ trường, các nữ tu đã làm “hỏng ăn” cái kế sách mà Chính Quyền TP hí hửng chọn như giải pháp tối ưu của mình trong việc giải quyết vụ “vườn trẻ thành vũ trường”. Từ đây, hành trình chuyển từ tài sản của tôn giáo thành tài sản thuộc sở hữu toàn dân rồi đích đến là sở hữu của các “quan” xem ra sụp đổ hoàn toàn.

Ở đây cần giải thích thêm, tại sao người ta không ủng hộ phương án đem vũ trường trở về trường học ?

Xin thưa, một khi chuyển về giáo dục, cơ sở này không còn thuộc quyền quản lý của Công ty quản lý kinh doanh nhà TP, thì làm sao “quan” mua hoá giá được cái “nhà vắng chủ” này ? Khỏan 1, Điều 8, Nghị Định 61/1994/CP quy định : “Bên bán là Giám đốc Công ty kinh doanh nhà thuộc ngành nhà đất cấp tỉnh, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy Ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện (nơi chưa có Công ty kinh doanh nhà hiện đang quản lý nhà đó)”. Như vậy, nếu đồng thuận với phương án này tức là quan gián tiếp từ bỏ ý định mua nhà ở khu “đất vàng” với “giá bèo trôi” sông Sài Gòn. Phí của giời ! Chưa hết, đưa về giáo dục xem ra phù hợp với cam kết ban đầu với Tòa tổng Giám mục Sài gòn, nhưng chính quyền lại tô hô cho bàn dân thiên hạ thấy “tội lỗi” của mình. Chính quyền đã hành động như không tha thiết với việc vun trồng các mầm non của đất nước nên mở vũ trường, nay sám hối lại cho đập vũ trường để xây trường lớp !

Giờ đây, dầu muốn giao hẳn cho Ban Quản Lý Đường Sắt cái vũ trường này chứ không theo kiểu cho thuê tạm thời như trước đây thì cũng vướng dư luận quần chúng và nhất là tiếng nói của Tòa Tổng Giám Mục. Không thể chấp nhận việc mượn một trường học nhằm mục tiêu giáo dục bây giờ lại sử dụng vào một mục đích khác mà lại không có sự đồng thuận của người cho mượn.

Xin trích lại đây điểm 2, Thông Cáo số 1.56.2001.147 ngày 31/8/2001 của Tòa Tổng Giám Mục về Quyền sở hữu đối với các cơ sở tư thục đã trao cho Nhà nước sử dụng từ tháng 10 năm 1975 :

Lập trường hiện nay của Tòa Tổng Giám Mục về vấn đề này như sau :

1. Các cơ sở tư thục Công giáo nói trên vẫn là tài sản của Giáo hội.

2. “Vào thời điểm hiện nay Tòa Tổng Giám Mục không có chủ trương đòi lại tất cả các cơ sở nói trên, trừ trường hợp gây cản trở sinh hoạt tôn giáo và trường hợp sử dụng sai mục đích.

3. Nếu cơ quan đang sử dụng cơ sở thấy cần xây dựng lại thì phải có sự thỏa thuận với Tòa Tổng Giám Mục trong tinh thần tôn trọng quyền sở hữu và tôn trọng các sinh hoạt tôn giáo, thông qua con đường trao đổi, đối thoại, thỏa thuận giữa các bên liên hệ”.

(xem toàn văn Thông cáo năm 2001)

Tương truyền rằng, đến lúc mọi chuyện đã ra ánh sáng, chính quyền thấy không thể muối mặt hành xử kiểu “i tờ rít” cho nên đã thêm mấy lần họp mà vẫn chưa ngã ngũ. Một số cho rằng đã đến lúc “của César phải trả lại César”, số khác lại cho rằng nên xài chiếc phao cuối cùng là trả về cho giáo dục.

Nhưng hình như mụ phù thủy miễn cưỡng giải lời nguyền cho vũ trường trở về thành trường học cũng không được thuận buồm xuôi gió. Đụng đến việc xây dựng mới ngôi trường trên tài sản tôn giáo mà không có sự đồng thuận của tôn giáo thì rất phiền hà : nào là thông tin trên bảng, trên net, trên tòa giảng, lấy chữ ký của giáo dân … Riêng Dòng Nữ Tử Bác Ái là một tu hội có mặt trên khắp thế giới và được hầu hết chính phủ các nước trân trọng do những hoạt động nhân đạo của họ, nếu họ vận động xin chính phủ các nước giúp đỡ thì chuyện bé xé ra to ! Có một điều chắc 100% là các nữ tu sẽ tiếp tục đến cầu nguyện để phản đối cho dẫu Nhà nước có nghĩ ra được lý do nào đó để bác đơn khiếu nại của họ. Bởi đây là hành động trái với điểm 3 thông cáo năm 2001 vừa nêu trên và trái với Thông Cáo Chung 1975 mà Sở Giáo dục đã cam kết (xem bản Thông Cáo Chung 1975). Riêng tôi, xin sẵn sàng ủng hộ các nữ tu khoản chi phí taxi cho các cháu trong 9 trường tình thương trong thành phố đến vũ trường cầu nguyện.

Đặt giả thiết Nhà nước sẽ thương lượng với Tòa Giám Mục và các nữ tu về nhu cầu trường lớp. Ủa, nếu vậy thì tại sao nhà nước lại biến nó thành vũ trường ? Tôi nghĩ Thợ Gốm đã có câu trả lời thay cho tôi ở điểm này “…Hay Ông Phó Chủ Tịch UBND TP lại lấy lý do là ‘đang có nhu cầu sử dụng cơ sở này phục vụ công ích xã hội’, nên cho Ban Quản lý Đường sắt TP hay một cơ quan Nhà nước khác nhảy vào. Xin thưa, lý do này càng làm trò cười cho bần dân thiên hạ. Bởi một người không bị thần kinh đều hiểu, nếu thật sự Nhà nước có nhu cầu sử dụng chúng cho lợi ích quốc dân thì đâu có cho kinh doanh vũ trường từ hơn 10 năm nay. Nếu các nữ tu không đòi lại cơ sở trên thì liệu Nhà nước có thu hồi cơ sở trên của Hoàng Gia để giao cho Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP hay cho một cơ quan nào đó chăng ??? Hay sau khi gia hạn cho thuê nhiều lần, Chính quyền TP mưu định sẽ tiến hành giao đất có thu tiền sử dụng đất cho tổ chức đã thuê ổn định ??? (Trích bài căn cứ pháp lý giải quyết vụ “vườn trẻ đã thành vũ trường”)

Đọc bài “Ban quản lý Đường sắt rút lui thì vũ trường sẽ về đâu” của Nguyễn Quy Luật và “Thư gởi Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân” của Tư Hiến tôi nghĩ Sở Giáo dục TPHCM và Phòng Giáo dục Quận 3 chăng dại gì mà tự nguyện đưa tay “ẵm” cái vũ trường “hóc xương cá” này từ tay UBNDTP, bởi rước nó là rước bao nhiêu chuyện tai tiếng chỉ có hại cho danh dự các nhà giáo. Rước nó cũng đồng nghĩa với việc phản đối những việc từ thiện của các nữ tu chăm lo cho các con người đau khổ, bệnh tật và trẻ em lang thang đầu đường xó chợ…. Chuyện này thì không thầy cô giáo nào muốn.

Như thế, xem ra việc trả lại hay có thể nói khác đi là “giao” lại cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu cho các nữ tu là điều mà Chính Quyền TP nên chọn, như thế mới thấy Quý vị đang “lãnh đạo bằng cái Tâm và đúng Tầm” một thành phố văn minh vào hàng nhất nước.

Têrêxa Dương Anh Thư

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.04.2008. 11:24