Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đài Vatican: Quốc gia trên bờ vực thẳm, khi lợi nhuận và bạo lực chà đạp công lý, tôn giáo, đạo đức, chính nghĩa và lương tâm con người.

§ Linh Tiến Khải

Như thông lệ đã có từ nhiều năm qua, trong các ngày tới đây tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ sẽ công bố tài liệu về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới. Năm nay việc công bố này trùng hợp với các biến cố Kitô hữu tại bang Orissa bên Ấn Độ bị các nhóm ấn giáo cuồng tín bách hại dã man.

Từ một tháng qua các cuộc tấn kích bạo lưc xảy ra tại Kandhamal trong bang Orissa bên Ấn Độ đã khiến cho 45 người chết, 5 người mất tích, hơn 18.000 người bị thương và hơn 50.000 người phải chạy trốn vào rừng hay chạy đến các trại tị nạn. Đã có 56 nhà thờ, 11 trường học, 4 trụ sở của các tổ chức phi chính quyền bị phá hủy.

Các tín hữu ấn cuồng tín đã tấn công 300 làng và đốt phát 4.000 căn nhà của các Kitô hữu. Hiện nay 40.000 người còn phải lẩn trốn trong rừng, 12.000 người khác tạm tá túc trong các trai tị nạn. Họ thiếu thực phẩm, nước uống, thuốc men và quần áo.

Các vụ tấn kích và bách hại Kitô hữu trong bang Orissa chẳng những đã không giảm mà còn lan sang các bang khác như Kerala và tại bang Karnataka tình hình cũng rất căng thẳng.

Mặc dù quyền tự do tôn giáo được ghi rõ trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền được mọi nước ký nhận cũng như trong Hiến Pháp của mọi quốc gia, nhưng quyền tự do tôn giáo vẫn bị đàn áp tại nhiều nơi trên thế giới.

Tại các nước như Afghanistan, A Rập Sauđi, Trung Quốc, Đảo Chypre, Bắc Hàn, Mauritania, Nigeria, Sudan và Yemen, không có tự do tôn giáo. Tại các nước khác như Albania, Algeria, Bangladesh, Campuchia, Colombia, Cuba, Ai Cập, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Indonesia, Irak, Kosovo, Libăng, Myanmar, Oman, Pakistan, Somalia, Sri Lanka, các vùng đất của người Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, tự do tôn giáo rất bị giới hạn. Trong khi tôn giáo bị giới hạn tại các nước Angola, Bahrein, Bielorussia, Bosni Erzegovina, Burundi, các Vương quốc A Rập thống nhất, Giordania, Iran, đảo Mauritius, Israel, Kenya, Kuweit, Libia, Marốc, Mehicô, Qatar, Ruanda, Nga, Serbia Montenegro, Siria và Tunisia.

Tại Việt Nam điển hình và mới nhất là vụ sáng ngày 19-9-2008, một lực lượng hùng hậu gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, nhân viên an ninh, dân phòng, chó nghiệp vụ đã tập trung phong tỏa Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và Phố Nhà chung. Trong khi đó một lực lượng khác đang tiến hành phá vỡ hàng rào và một số hạng mục, cầy xới mặt tiền Tòa Khâm Sứ và phá hoại tài sản của Tổng Giáo Phận Hà Nội. Khu đất này, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đã có đơn yêu cầu trả lại, nhưng chưa được giải quyết như chính quyền đã hứa từ 8 tháng nay. Sư kiện phá hoại tài sản này bất chấp luật pháp, chà đạp công lý, đạo đức và lương tâm, cũng như khinh thường Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và đi ngược lại đường lối đối thoại mà Nhà Nước và Tổng Giáo Phận Hà Nội đang tiến hành. Vụ phong tỏa Tòa Tổng Giám Mục và Dòng Mến Thánh Giá khiến cho mọi hoạt động đều bị định trệ.

Trong một văn thông cáo khẩn cấp Tòa Tổng Giám Mục Hà Hội đã cực lực phản đối và yêu cầu chính quyền các cấp: chấm dứt ngay hành động phong tỏa Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và việc phá hoại tài sản trên; trả lại nguyên trạng khu đất cho Tòa Tổng Giám Mục xử dụng vào mục đích tôn giáo, phục vụ cộng đồng; các cơ quan chức năng và Thành Phố Hà Nội phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những điều có thể xảy ra trong việc chiếm đoạt tài sản này của Tòa Tổng Giám Mục. Tòa Tổng Giám Mục có quyền sử dụng những khả năng có thể để bảo vệ tài sản của mình; yêu cầu Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng chính phủ, chính quyền Thành Phố Hà Nội và các cơ quan liên hệ can thiệp khẩn cấp để dừng ngay những hành động này.

Ngoài ra thông cáo cũng kêu gọi toàn Tổng Giáo Phận đồng loạt tổ chức cầu nguyện tại các nhà thờ, nhà nguyện và nơi có đông người công giáo, hoặc về hiệp thông cầu nguyện tại Tòa Tỗng Giám Mục; chăm chú theo dõi các diễn biến sít sao và cảnh giác khi tiếp xúc với những thông tin một chiều, xuyên tạc như báo chí và đài truyền hình đã làm trong những ngày qua; cũng như cho đọc thông cáo này cùng với đơn khiếu nại khẩn cấp của Tòa Tổng Giám Mục tại các nhà thờ và phổ biến đến mọi người.

Thật thế, từ mấy tuần qua các báo đài và tryền hình của nhà nước đã bịa đặt tin tức, dựng đứng sự kiện, chế tạo ra các nhân chứng, vu khống các linh mục, và xuyên tạc sự thật liên quan tới vụ việc của giáo xứ Thái Hà, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế trông coi, nhằm lừa bịp dư luận trong và ngoài nước. Thế rồi chính quyền còn cho công an tới xịt hơi cay, dùng roi điện và dùi cui đánh đập gây thương tích cho giáo dân, và bắt giữ nhiều người, đang khi họ ôn hòa cầu nguyện. Ngày 19-9-2008 còn có 2 thanh niên du côn hắt một xô dầu mỡ trộn lẫn mắm tôm lên tượng đài Đức Mẹ Ban Ơn. Và công nhân hãng may Chiến Thắng đổ giấy vệ sinh và rác rưởi chung quanh tượng đài Đức Mẹ.

Trong tâm tình hiệp thông với tín hữu Tổng Giáo Phận Hà Nội cũng như tín hữu các nơi khác đang bị đàn áp đó đây trên thế giới chúng ta cầu xin Chúa thương xót Giáo Hội, đất nước và quê hương Việt Nam đang tiến đến bờ vực thẳm, vì lợi nhuận và bạo lực đang hiên ngang chà đạp công lý, tôn giáo, đạo đức, chính nghĩa và lương tâm con người. Xin cho anh chị em tín hữu công giáo của Tổng Giáo Phận Hà Nội và toàn nước kiên cường trong đức tin. Và xin cho tín hữu của mọi tôn giáo đoàn kết liên đới với nhau trong cuộc chiến đấu cho công lý hòa bình và các quyền con người.

Linh Tiến Khải, 20/09/2008

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 21.09.2008. 01:20