Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cuộc thắng thua trong ván cờ Giám Mục

§ Trần Đoan Hùng

Không ai trong giới truyền thông lại phủ nhận sự kiện thời sự nóng bỏng của xã hội Việt nam trong thời điểm nầy: Tình hình nhân sự trong hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Cho dù nội dung sự kiện hoàn toàn thuộc lãnh vực tôn giáo. Tuy nhiên, những hệ lụy của nó đã kéo theo cả một cơn sóng mang tính chính trị-xã hội rất đặc biệt. Bởi chưng, sự kiện nầy có liên quan đến một tập thể giáo dân Công Giáo đến 7 triệu người, trong khi tầm ảnh hưởng tinh thần của nó lại âm vang đến mọi thành phần xã hội, đến giới trí thức, đến lực lượng những nhà dân chủ tranh đấu cho tự do nhân quyền và chủ quyền của Đất nước Việt nam, đến cộng đồng những người Việt ở hải ngoại…

1. Trong một bối cảnh xã hội-chính trị như thế.

Trước khi đi vào chính đề, chúng ta cần ghi nhận một số sự kiện chính trị-xã hội-tôn giáo có liên quan và ảnh hưởng xa gần.

• Đảng Cộng Sản Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị cơ cấu nhân sự cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng sẽ diễn ra vào nửa đầu tháng 1/2011.

• Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (1010-2010)

• Hội nghị Thượng đỉnh Phật Giáo (dự kiến diễn ra từ ngày 20-25/11/2010)

• Năm Thánh Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Còn nếu tính đến các vấn đề nhạy cảm trong bối cảnh chính trị hiện thời tại Việt Nam, thì có thể liệt kê vài sự kiện lôi kéo sự quan tâm của quốc tế và quốc nội:

• Chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, biên đảo của Việt nam trong tương quan với Trung Quốc.

• Ý đồ của Trung Quốc tại Việt Nam qua con đường đầu tư khai thác bô-xít, mướn đất trồng rừng, xây dựng các trung tâm giải trí-thương mại…

• Phong trào của giới trí thức và các nhà dân chủ lên tiếng tranh đấu cho chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, biên đảo của Đất nước, đời sống tự do nhân quyền của người dân, tính chính danh của Đảng Cọng Sản Việt Nam và sự giải thể ý thức hệ Mác-Lê trong đời sống xã hội.

Điểm qua một số các sự kiện chính trị-xã hội-tôn giáo như trên, để chúng ta có một cái nhìn tương đối khách quan và tổng thể về một “sự cố xã hội” thuộc Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều người và được mổ xẻ, bình luận tương đối nhộn nhịp trên các phương tiện truyền thông.

2. Không là một câu chuyện nội bộ của người Công Giáo Việt nam

Nếu ai nghĩ rằng, cả những người trực tiếp trong cuộc, xem sự kiện Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục Đà Lạt, đương kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt nam về làm Phó Tổng Giám Mục Hà Hội, và sự việc “nguyên” Đức Tổng Giám mục Mục Giuse Ngô Quang Kiệt vừa từ nhiệm để đi chữa bệnh, chỉ là một sự kiện tôn giáo đơn giản, bình thường, thuộc nội bộ của Giáo Hội Công Giáo, không liên quan gì đến bối cảnh sinh hoạt xã hội chính trị Việt nam và cả trên toàn thế giới, thì thật quá ngây thơ, nếu không nói là một sự “thờ ơ và tránh né thiếu trách nhiệm”.

Bởi chưng, ngay trong nguyên tắc nền tảng mang tính thần học được thiết chế vững chắc và đầy đủ với Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng” của Công Đồng Vatican II, thì: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại”[1]

Cho nên, xét về chiều kích mục vụ của Hội Thánh Công Giáo, việc được bổ nhiệm hay từ nhiệm của một vị Mục Tử thuộc hàng Giáo phẩm hay giáo sĩ, nhất là những vị đang nắm giữ những cương vị trọng yếu, thì điều cốt yếu không nhằm giải quyết yêu cầu cá nhân của đương sự mà là yêu cầu mục vụ của Dân Chúa. Trong trường hợp nầy, là yêu cầu mục vụ của Tổng Giáo Phận Hà Nội, và rộng hơn, của Giáo Hội Việt Nam.

Chúng ta nhận rõ điều nầy trong nội dung Tông Sắc Bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn của Tòa Thánh đó là “lo liệu thích đáng hơn cho đàn chiên” (Xin trích):

“Thói quen của các Đấng Kế Vị Phêrô là nhận lời các vị Lãnh đạo Giáo Hội khi các ngài xin được giúp đỡ vì lý do chính đáng. Lúc nầy Hiền Đệ đáng kính Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Hà Nội đã xin cho mình một Tổng Giám Mục Phó để có thể lo liệu thích đáng hơn cho đàn chiên.”[2]

Tuy nhiên, nếu sự thay đổi, hay bổ nhiệm Giám Mục ở vào một thời điểm và một nơi chốn bình lặng, không có những phức tạp mục vụ và rắc rối chính trị liên quan, thì mọi sự sẽ diễn ra trong sinh hoạt bình thường, không có gì phải trăn trở, bàn luận.

Nhưng lần bổ nhiệm Phó Tổng Gám Mục Hà Nội nầy đã không diễn tiến cách bình thường. Và đây là 3 điểm nhấn “không bình thường” đó:

- 1). Biến cố nầy đi theo một chuổi các sự kiện khác [3], mà theo lý giải của nhiều nhà phân tích và dư luận truyền thông, đây là giải pháp cuối cùng cho một “kịch bản phức tạp” mà nạn nhân hay con chốt thí chính là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, là Hội Thánh Công Giáo Việt Nam, như nhận định của chính Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, trong diễn văn chào mừng trong thánh lễ Nhậm chức của Đức Phó Tổng tại Hà Nội hôm 7.5.2010:

“Không thể phủ nhận được rằng việc bổ nhiệm này đã gây ra một số tranh cãi trong những ngày vừa qua. Có người bi quan cho đó là sai lầm của Toà Thánh Vatican, là dấu hiệu của một Hội đồng Giám mục Việt Nam đang bị phân hoá, bị khuynh loát, thậm chí là một trang sử buồn cho Giáo Hội Việt Nam và cách riêng, cho Tổng giáo phận Hà Nội.”

- 2). Biến cố nầy phải đối diện với một thực trạng mục vụ và chính trị đầy phức tạp, phân hóa và nhiễu nhương trên địa bàn Tổng Giáo phận Hà Nội mà địa điểm chính là Thủ Đô nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Sau đây là một vài đơn cử:

• Sự mệt mõi của cộng đồng Dân Chúa Hà Nội sau bao nhiêu cuộc tranh đấu bất thành kéo dài từ vụ Tòa Khâm, đất Thái Hà đến Thánh Giá Đồng Chiêm.

• Sự cương quyết loại trừ Đức Tổng Giuse khỏi Hà Nội của cấp lãnh đạo thủ đô, của đảng Cọng Sản.

• Sự đố kỵ của đồng bào Phật Giáo và các anh em khác đối với Công Giáo sau những chiến dịch tuyên truyền bài xích rầm rộ của ngành truyền thông nhà nước.

- 3). Biến cố nầy đan xen với nhiều sự kiện xã hội chính trị mang tính đối kháng với nhà nước đương quyền:

• Vụ trấn áp thiền viện Bát Nhã, đã gây ra một vết thương lớn trong lòng Giáo Hội Phật giáo Việt nam.

• Trong khi trước đó, đã nổ ra những cuộc biểu tình bất thành của sinh viên Hà Nội cũng như Sài Gòn phản đối Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng-Trường Sa.

• Những phê bình, góp ý của các nhân vật quan trọng, các nhà trí thức về vụ Bô-xít Tây Nguyên, về các hợp đồng cho Trung Quốc và các nước khác thuê đất trồng rừng dài hạn, xây dựng các khu vui chơi giải trí…

• Các cuộc nổi dậy đòi chủ quyền đất của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, của nông dân Nam Bộ, Trung và cả Bắc Bộ, các cuộc khiếu kiện tập thể của dân oan.

• Rồi đồng thời với các sự cố xã hội nổi cộm trên là sự xuất hiện càng lúc càng đông các tiếng nói phản biện và đòi dân chủ, tự do nhân quyền, đòi xét lại tính chính danh của quyền lảnh đạo của Đảng Cọng Sản, đòi giải thể ý thức hệ Mác-Lê… của các nhà trí thức trong cũng như ngoài nước, là đảng viên hay các nhân sĩ trí thức bình thường mà cao điểm là những cuộc trấn áp qua các bản án máy móc và vội vàng [4], đập phá các websites, khủng bố tinh thần và thể chất các đương sự…

Nếu gộp chung tất cả những sự kiện trên để nhìn dưới một lăng kính chính trị mang tính đố kỵ, hẹp hòi và thủ cựu mà đã trở thành “tội nguyên tổ’ của các chế độ độc tài Cọng Sản, thì có thể gọi tên đó là: “Diễn biến hòa bình”[5] (Xin trích)

“Từ năm 1945, hệ thống các nước XHCN được thiết lập trên khắp các châu lục. Ðể chống lại xu hướng lịch sử đó, đế quốc và các nước phản động khác (đứng đầu là đế quốc Mỹ), tìm mọi cách kéo giáo hội các tôn giáo vào cuộc chiến tranh "diễn biến hòa bình", nhằm xóa bỏ chế độ XHCN, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản ở các nước này.

Bằng cách lập ra những trung tâm thông tin, đêm ngày phát sóng tuyên truyền phát triển đạo, nói xấu Ðảng Cộng sản, kích động chiến tranh tôn giáo, chiến tranh sắc tộc, kêu gọi tín đồ đấu tranh đòi tự do tôn giáo, đòi tách giáo hội khỏi sự kiểm soát của Nhà nước XHCN, gây mất ổn định chính trị xã hội nhằm tạo thời cơ để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước đó…

Từ 1985 đến nay, thủ đoạn này được chúng sử dụng một cách triệt để. Hệ quả của nó là ở một số nước chính quyền không kiểm soát nổi dân, có nước bị chia cắt thành nhiều quốc gia nhỏ, vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản bị lu mờ (ví dụ Liên bang Nam Tư...).

Với những thủ đoạn nêu trên, có thể nói bọn đế quốc đã thành công trong việc lợi dụng vấn đề tôn giáo và dân tộc, tạo thành một đòn tấn công hiểm hóc vào một số nhà nước XHCN ở Ðông Âu, và Liên Xô, phối hợp với các mũi tiến công khác làm sụp đổ XHCN ở các nước này. Ngoài ra, chúng còn gây ra tình hình phức tạp ở nhiều khu vực khác như Tây Á, châu Phi, và nhiều nước như Ấn Ðộ, Trung quốc, Việt Nam, Mianma...” (Hết trích)

3. Khi thế cờ đã chuyển

Trên mặt trận xã hội và ý thức hệ, quả thật, đồng bào Công Giáo, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội và tại giáo phận Vinh, đã có lúc giành thế thượng phong trong việc đối đầu với lực lượng hùng mạnh của nhà nước mà đại diện là hàng trăm cảnh sát cơ động được trang bị tận răng với dùi cui, lựu đạn cay và chó nghiệp vụ. Hình ảnh của hàng ngàn người tay cầm cạnh vạn tuế biểu tình ôn hòa qua các con đường Hà Nội để đến dự phiên tòa các giáo dân tranh đấu, hay hình ảnh cả trăm ngàn người giáo dân giáo phận Vinh tuôn về Tòa Giám Mục Xã Đoài để mừng lễ Bổn mạng giáo phận với biểu ngữ liên đới với Tam Tòa mà không một lực lượng an ninh nào của nhà nước ngăn cản được, đã cho thấy sức mạnh tập thể của Giáo Hội Công Giáo lớn lao như thế nào.

Cũng trong thời điểm nhạy cảm đó, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã công bố một bản “Quan Điểm”[6] như là một “cú thăm dò” trong cuộc đấu tranh ý thức hệ mà điểm nhấn đó là “quyền tư hữu đất đai”:

“Việc sửa đổi này cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17). Vì thế, chúng tôi cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đòi hỏi này lại càng khẩn thiết hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nhịp sống chung của thế giới. Đây sẽ là tiền đề cho việc giải quyết tận gốc những vụ khiếu kiện về đất đai và tài sản của người dân, đồng thời góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển vững bền của đất nước.”

Qua những sự kiện trên, quả thật, hình ảnh của Giáo Hội Việt Nam đã phần nào được nhiều người trong cũng như ngoài nước nể trọng và là nơi để họ đặt niềm hy vọng. Niềm hy vọng sẽ là điểm quy tụ, nối kết các lực lượng dân chúng không chịu cúi đầu thuần phục dưới sự lãnh đạo độc tài của Đảng Cộng Sản để tìm một hướng canh tân dân chủ hóa đất nước.

Phải chi trước cái thế “thượng phong” nầy, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mà người đại diện chính là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đồng lòng, hiệp nhất đi thêm một nước cờ, chấp nhận trả giá cho những thiệt thòi của bản thân, liên đới tích cực và mạnh mẽ với mọi thành phần thức thời trong nước chĩa mũi dùi tiến công sang mặt trận dân chủ, nhân quyền và chủ quyền quốc gia, liên đới với các tôn giáo bạn (chẳng hạn trong biến cố Bát Nhã), đoạn tuyệt dứt khoát với ý thức hệ Mác-Lê, đứng hẳn về phía những người nghèo nông dân và dân tộc ít người… thì chắc chắn sẽ có những chuyển biến lớn trong xã hội Việt nam hôm nay, hay ít ra, sẽ khẳng định dứt khoát vai trò quan trọng và vị thế cao quý của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Nhưng Giáo Hội Công Giáo đã không tận dụng được cơ hội ngàn năm một thuở nầy. Hội Đồng Giám mục Việt nam đã im lặng thúc thủ. Và như thế, thế cờ đã bị lật ngược.

Kể từ khi nhà cầm quyền Việt Nam nhận được tín hiệu từ “tín thư tháo ngòi nỗ” của Đức Hồng Y Bertone để giảm nhiệt cho điểm nóng Tòa Khâm và đất Thái Hà, kế tiếp là cuộc yết kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với ĐGH đương kiêm Bênêđictô XVI, và nối tiếp là một lô những “ân huệ” dành cho Công Giáo: trả lại nhiều hecta đất cho linh địa La Vang, cho Tòa Giám Mục Đà Lạt, tạo điều kiện thuận lợi để Công Giáo xây dựng các cơ sở to lớn như Tòa Giám Mục và ĐCV Xuân lộc, các cơ sở mục vụ Bắc Ninh, Bùi Chu, Thái Bình, rồi với một số các giám mục trẻ được tấn phong… coi như cuộc đối đầu nguy hiểm của thế lực Công Giáo với nhà nước Cọng Sản không còn là vấn đề quan trọng nữa.

Trong khi đó, với thủ đoạn nhà nghề đã sở hữu và thực hành nhuần nhuyễn, nhà nước Cọng Sản bắt đầu “bắn tỉa” và phân hóa Giáo Hội Công Giáo qua mặt trận ngoại giao và truyền thông.

Và kết quả là họ đang ở thế thượng phong. Biểu tượng “Ngô Quang Kiệt” đã bị bứng khỏi Hà Nội; Đức Tổng Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, đương kim CT/HĐGMVN được tiếp đón bằng những biểu ngữ tiếp đón không thiện cảm và bị đánh phá tơi bời hoa lá trên các mạng truyền thông; các chức sắc khác trong hàng ngũ HĐGMVN lần lượt bị đưa “lên đoạn đầu đài”… Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hôm nay chỉ còn là một trò cười trơ trẽn trong con mắt của nhiều cán bộ Cộng Sản và là nổi thất vọng mênh mông của nhiều trái tim đầy nhiệt huyết muốn đồng hành cùng Giáo Hội để quyết tử cho một đất nước Việt nam quyết sinh.

Cho dù có vớt vát cách nào như nội dung bài diễn từ [7] của Đức Giám Mục Thanh Hóa trong thánh lễ nhậm chức của Đức Tổng Phó Phêrô, thì cuộc cờ đã xuống thế hạ phong của Công Giáo không còn che dấu được. (Xin trích)

“Nhưng nếu suy nghĩ một cách lạc quan, chúng ta cũng có thể rút ra những kết luận rất tích cực từ biến cố này. Điểm tích cực đầu tiên là mọi thành phần Dân Chúa đã có cơ hội nói lên nguyện vọng của mình một cách chân thành, đồng thời cũng có kinh nghiệm sâu sắc hơn về vai trò và sứ mệnh của các phương tiện truyền thông thời hiện đại. Kỷ niệm 50 năm thành lập, Hàng Giáo phẩm Việt Nam bước vào một giai đoạn mới qua đó, các bậc chủ chăn được lắng nghe tiếng nói cộng đồng Dân Chúa cách phong phú và cụ thể hơn, đồng thời cũng học được bài học biện phân cách bình tĩnh hơn đối với những thông tin mỗi lúc một đa dạng, đa chiều và phức tạp hơn.

Điểm tích cực thứ hai là dù khác biệt, thậm chí có khi là đối lập, nhưng tất cả mọi quan điểm đều có một mẫu số chung là lòng yêu mến Giáo Hội. Suy nghĩ và cách biểu hiện khác nhau, nhưng lòng yêu mến vẫn là một. Trong bối cảnh và tinh thần Năm Thánh 2010, chúng ta hãy xem đây là cơ hội sống tình hiệp thông cách đặc biệt hơn: chúng ta cần phải can đảm hơn khi đối diện với các dị biệt, chúng ta cần phải mổ xẻ chuyện Giáo Hội cách rốt ráo hơn, công khai hơn, nhưng đồng thời trải nghiệm được cái giá phải trả để bảo vệ tình huynh đệ trong đại gia đình Giáo Hội.

Chắc chắn là ai trong chúng ta cũng đều muốn sự tốt đẹp cho Giáo Hội. Nhưng nếu vì yêu mến Giáo Hội mà chúng ta loại trừ nhau thì không còn gì mâu thuẫn bằng. Khác biệt nhau nhưng vẫn sẵn sàng nhường nhịn, yêu thương nhau, vì một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, đó mới là dấu chỉ chúng ta còn thuộc về Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập.”

4. Thử tìm một số nguyên nhân thua thắng trên ván cờ hiện nay

Với tình hình hiện nay, có thể nói được, Giáo Hội Công Giáo đang là kẻ thua cuộc.

Chắc có nhiều người sẽ tự hỏi: “Trước biến cố đau buồn nầy, chúng ta, những người Công Giáo Việt Nam, đang sốt sắng cử hành Năm Thánh 2010 mà bước đầu tiên là “đọc lại lịch sử”, những trang sử hào hùng của cha ông, sẵn sàng đổ máu vì đức tin, phải làm những gì ?”

Cứ để cho các bà mẹ đạo đức áp dụng thuộc lòng kinh “Tám Mối Phúc Thật” mà tự an ủi với điều “phúc cho ai bị bách hại vì chính đạo…”, hay để cho các giám mục, linh mục bằng cấp chữ nghĩa thần học đầy mình tiếp tục ca bài vọng cổ “Chúa Thánh Thần có cái lý của Ngài”, và để cho các đấng chức cao quyền trọng tại giáo triều Rôma hay tại các Tòa Giám mục sang trọng vỗ ngực nghênh ngang “Phêrô, con là đá, trên đá nầy Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và các thế lực hỏa ngục không thắng nổi”. Còn chúng ta, những giáo dân, linh mục tay lấm chân bùn, thường ngày đối diện với bao nổi oan khiên bức xúc do cái chế độ độc tài đảng trị thối nát tham nhũng bày ra, chúng ta biện phân rõ ràng: “Của César trả César. Của Thiên Chúa trả Thiên Chúa”.

Nhưng với nguyên tắc “biết người biết ta”, trước khi đề xuất công tác “Của César trả César”, chúng ta lại cần thử phân tích thêm đâu là những lý do khiến Giáo Hội Công Giáo phải tuột xuống thế hạ phong và đâu là những yếu tố giúp cho nhà nước Cộng Sản Việt Nam chiếm thế thượng phong.

Lý do thứ nhất được cánh truyền thông mổ xẻ đó là: quyết định bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn thay thế Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt của Vatican trong bối cảnh xã hội chính trị tại Hà Nội như hiện nay là một nóng vội đầy thất sách, nếu không nói là một sai lầm trầm trọng. Việc chấp thuận đơn xin từ chức của Đức Cha Kiệt đó là điều chính đáng. Đáng lẽ điều nầy cần được thông báo rõ mà không cần phải úp mở dấu diếm. Tại sao không thẳng thắn nói rằng, lý do Đức Cha Kiệt từ chức vì sức khỏe yếu đi trầm trọng do những áp lực của chính quyền dân sự trong cuộc tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam và chủ quyền của Giáo Hội trên những tài sản và cơ sở thờ tự của Giáo Hội địa phương. Trong khi đó, còn có bao nhiêu giải pháp khác để đáp ứng tình trạng một giáo phận trống tòa. Đâu cần gì cứ phải điều một Giám Mục khác để thay thế, một giải pháp mà có lẽ chính quyền thủ đô Hà Nội đang dài cổ trông mong để ít ra bộ mặt văn hóa nhân quyền của Hà Nội đỡ trơ trẻn trong đại lễ mừng 1000 năm Thăng Long. Và do đó, người ta có lý do để cho rằng: Đức Cha Nhơn chính là một “con đê tế thần” trong cuộc mặc cả ngoại giao giữa tòa thánh Vatican và nhà nước Việt Nam. Nội dung cuộc trả treo của đôi bên có thể là: Tổng Giáo Phận Hà Nội cần một giám mục ôn hòa để làm tiền đề khai thông lộ trình tiến đến quan hệ ngoại giao của Vatican và Việt Nam. Đứng trước một mục tiêu lớn nầy của Giáo Hội, làm sao Đức Cha Nhơn có thể từ chối. Và như thế, tiếng của dân (vox populi) đành chịu hiến tế trước “tiếng của Chúa” (vox Dei) mà người phát ngôn chính thức chính là Tòa Thánh Vatican. Điều nầy Đức GM Thanh Hóa có nhắc tới trong bài diễn từ hôm 7.5:

“Quyết định của Đức Thánh Cha có thể không đáp ứng được sự chờ đợi nhân loại của một số con cái, nhưng vẫn là quyết định của Đấng Đại Diện Đức Kitô trên trần gian. Giáo Hội chỉ là Giáo Hội, Toà Thánh chỉ là Toà Thánh một khi chúng ta có khả năng chấp nhận chiều kích siêu phàm của Giáo Hội. Điều đó đòi buộc chúng ta phải hiến tế quan điểm riêng của mình để đón nhận và tuân phục Thánh Ý đấng thay mặt Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Giáo Hội.”[8]

Thế nhưng có người lại lý luận rằng: Tòa Thánh sở dĩ có quyết định như thế cũng phải tham khảo ý kiến các chuyên viên tư vấn về Giáo Hội Việt Nam, hoặc thông qua HĐGMVN, hoặc những chuyên viên về Việt Nam tại Giáo triều. Và người được xem là “kiến trúc sư” cho “kế hoạch mục vụ Hà Nội” là Đức ông Cao Minh Dung. Không biết có thực sự là như thế không ? Nhưng nếu quả thật Tòa Thánh chỉ nghe ý kiến của một người không hiện diện tại Việt nam, chưa có những kinh nghiệm xương máu về chế độ độc tài cộng sản, mà quyết định như thế, thì thật là thiếu sót. Và điều nầy, cần phải đặt lại vai trò cố vấn cho Tòa Thánh của HĐGMVN. Đứng trước một vấn đề mục vụ nan giải và phức tạp của Tồng Giáo Phận Hà Nội, là biểu trưng cho bối cảnh chung cả Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, HĐGMVN phải có tiếng nói tích cực, cụ thể và đầy trách nhiệm để giúp Tòa Thánh có những quyết định đúng đắn cho chính Giáo Hội Việt Nam.

Có thể nói đó là lý do thứ hai khiến cho Giáo Hội Công Giáo Việt nam thất bại trước người cộng sản. Bởi chưng, với cung cách điều hành và làm việc như hiện nay, chắc chắn HĐGMVN chỉ có thua mà thôi chứ không thể thắng được “sự ranh ma của con cái thế gian” mà đại biểu chính thức nắm quân cờ là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chúng ta hãy đọc thử những nỗ lực và phương pháp mà người cộng sản dùng để độc chiếm quyền lãnh đạo:

“Chúng ta phải nghiên cứu tất cả những tư tưởng gia vĩ đại trong việc chiếm đoạt quyền lực và duy trì vị trí độc tôn, từ Tôn Tử, Ngô Khởi, Trương Tử Phòng, Lý Tư… và Mao Trạch Đông ở phương Đông, cho đến Machiavelli – tác giả cuốn cẩm nang 'The Prince' nổi tiếng ở phương Tây, thậm chí cả Napoleon, Hitler, Stalin… hoặc Hugo Chavez thời nay. Tất cả đều có những điều rất đáng để chúng ta học hỏi, từ nghệ thuật mị dân cho đến những thủ đoạn cứng – mềm linh hoạt trong việc đối phó với địch, và cả những sai lầm chiến thuật của các vị này.

Phải làm sao để chúng ta vẫn trấn áp được đối lập dân chủ, nhưng vẫn không làm sứt mẻ quan hệ ngoại giao đang ngày một tốt hơn với Hoa Kỳ và phương Tây – vốn là những kẻ đạo đức giả, duy lợi và thực dụng nhưng thích rao bán tấm áo 'dân chủ tự do' cùng với những khẩu hiệu cao đẹp khác.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải khái quát những luận điểm của Machiavelli để có thể áp dụng cho một chế độ, một đảng phái có cơ cấu phức tạp, chứ không phải là một nhà độc tài quân phiệt giản đơn.

Một nhà độc tài dù tàn độc đến đâu, ranh ma đến đâu, thì cũng chỉ là một kim tự tháp trên sa mạc, tĩnh lặng và không tiến hóa – nên trước sau cũng sẽ để lộ sơ hở chết người. Nhưng một đảng chuyên quyền thì luôn luôn biến động, thay đổi và lớn lên không ngừng; biết bù đắp khiếm khuyết, che dấu yếu điểm, phô trương sức mạnh một cách vô cùng linh động… và đặc biệt có đủ tài lực và nhân lực để lan tỏa chân rết đến mọi ngõ ngách của xã hội, kiểm soát cả dạ dày lẫn linh hồn của nhân dân.”[9]

Với một đối thủ ranh ma, quỷ quái và tàn độc như thế, nếu chỉ một mực “đơn sơ như chim câu” mà không biết “khôn ngoan như con rắn” thì chỉ có từ chết đến bị thương. Hiện tại, Giáo Hội Công Giáo Việt nam đang bị thương trầm trọng chắc chắn một phần vì các vị mục tử của chúng ta chưa vận dụng đủ công thức “khôn như con rắn” của Chúa Giêsu để “trả cho Cộng Sản những gì thuộc Cộng Sản”.

Chúng ta không thể trách Tòa Thánh là không hiểu rõ bản chất trí trá của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam nên đã có những quyết định không thích thích hợp; mà chúng ta hãy tự đấm ngực để nhận lấy thiếu sót vì chưa tích cực và trách nhiệm đủ trong việc phản ảnh đúng mức và tiên liệu chính xác những thực trạng mục vụ, chính trị và xã hội Việt nam để giúp Tòa Thánh đưa ra những định hướng và quyết định đúng đắn và ích lợi cho Giáo Hội cũng như đất nước Việt Nam.

Giáo Hội Việt Nam hôm nay nói được là có quá nhiều những mục tử khoa bảng. Giáo phận nào cũng đầy dẫy các linh mục, tu sĩ đi du học nước ngoài. Tuy nhiên, gần như không có những nhóm chuyên viên để làm việc chung và nghiên cứu tới nơi tới chốn các chuyên đề mục vụ nóng bỏng và cần thiết để tư vấn cho HĐGM, hầu có cơ sở vững chắc để đáp ứng các yêu cầu bức thiết đang tác động lên đời sống của Dân Chúa. Trong khi đó, mỗi năm HĐGM chỉ gặp nhau có 2 lần mà phần lớn nghị trình chỉ là để bàn thảo những vấn đề mang tính đạo đức truyền thống và nội bộ, không phản ảnh được những trọng điểm mục vụ mang chiều kích “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ”. Phải chăng đó là lý do thứ ba để Giáo Hội Công Giáo Việt nam trở thành người thua cuộc.

5. Đề nghị một thế cờ mới

Để gây lại niềm tin cho cộng đồng Dân Chúa Việt nam, đồng bào Việt Nam, các tôn giáo bạn không nằm trong qũy đạo Cộng Sản, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, thông qua HĐGMVN, cần những bước đi can đảm và mạnh mẽ như sau:

• Không để Giáo Hội rơi vào tình trạng “bị động” để loay hoay đối phó những vấn đề đã rồi. Phải chăng sự thành công của nhà cầm quyền Cọng Sản là đã khiến HĐGMVN bị lôi kéo vào “hồ sơ Tổng Giám Mục Hà Nội” để không còn thời gian mà lưu tâm đến những vấn đề sống còn và an nguy của Đất Nước, đang làm đau đầu các cấp lãnh đạo Cộng Sản hiện nay.

• Cần vượt lên trên những vấn đề chỉ liên quan đến quyền lợi của Giáo Hội (cơ sở, đất đai…) để vươn tới những yêu cầu thiết thân của toàn thể đồng bào Việt Nam: tự do, dân chủ, nhân quyền, y tế, giáo dục, môi trường, quyền lợi của nông dân và các dân tộc thiểu số…

• Phải nói thẳng và nói thật những điều đang ảnh hưởng đến sự tồn vong, phát triển và an nguy của đất nước: ý đồ trắng trợn của Trung Quốc đối với chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam; sự cần thiết phải giải thể ý thức hệ Mác-Lê là yếu tố đem lại bao đau thương, mất mát, chia rẽ hận thù và chậm tiến cho dân tộc và đất nước; xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ do dân và vì dân…

• Phải là điểm tựa cụ thể và tích cực cho những người thành tâm thiện chí tranh đấu cho sự thiện, cho lẽ công bằng, cho tự do và độc lập chủ quyền của đất nước.

• Cùng với những chuyên mục mang tính mục vụ xã hội và chính trị, bản thân Giáo Hội rất cần “làm mới chính mình” mà có lẽ bước đi đầu tiên đó chính là: cần bổ sung và điều chỉnh cơ cấu tổ chức, điều hành và cách làm việc của HĐGM sao cho hiệu quả, tích cực và thực sự đáp ứng các yều bức xúc của Giáo Hội và xã hội đương thời.

Có thể lúc nầy, nhà cầm quyền cọng sản tại Hà Nội mở tiệc ăn mừng chiến thắng trong ván bài ngoại giao và truyền thông đối với Vatican và Giáo Hội Công Giáo: chỉ cần một mũi tên bắn vào “Ngô Quang Kiệt” đã làm mất uy tín của Vatican, ít ra là đối với giới Công Giáo và đồng bào Việt Nam, đã khiến Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bị đặt trong tình trạng thảm hại (Hàng Giáo Phẩm bị xúc phạm và chắc chắn có sự chia rẽ, niềm tin của giáo dân vào HĐGM giảm sút, sự mệt mõi, ngán ngẩm của mọi thành phần Dân Chúa trước những thông tin bất lợi, Giáo Hội bị đặt trong thế co cụm, lấn cấn, không còn khả năng để tái tập trung đề xuất các chiến lược mục vụ thích hợp mà thụ động loay hoay với các vấn đề mục vụ tại chỗ…).

Và như thế, họ an tâm mà chuẩn bị nhân sự cho kỳ Đại Hội Đảng sắp tới để tiếp tục cai trị độc quyền, an tâm mà tổ chức mừng Thăng Long 1000 năm với tất cả hoành tráng và yên bình, an tâm đưa Phật giáo quốc doanh lên ngôi như biểu hiện rõ nét và cụ thể của tự do tôn giáo và truyền thống văn hóa Việt nam, an tâm mà chấp hành các chỉ thị của Trung Nam Hải trong các nhượng bộ về chủ quyền lảnh thổ và lảnh hải cũng như các hợp động ma quỷ để người Tàu hiện diện cùng khắp trên lãnh thổ Việt Nam, an tâm mà trấn áp các cuộc biểu tình về Trường Sa, Hoàng Sa, về đền bù đất đai và quyền lợi của dân oan, an tâm dập tắt các tiếng nói đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền cho đồng bào, an tâm bỏ ngoài tai các tiếng nói phản biện với thiện chí xây dựng đất nước Việt nam độc lập, dân chủ và phát triển vững bền…

Đứng trước hiện tình như thế, liệu những lời của sứ ngôn A-mốt sau đây có làm bận lòng các vị Mục Tử trong Giáo Hội Công Giáo nói chung và trong HĐGMVN nói riêng:

“Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu…những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của các ngươi, Ta không muốn nghe tiếng đàn của các ngươi nữa. Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (Am 5,21-28)

“Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on, và sống an nhiên tự tại trên núi Sa-ma-ri, họ là những nhà lãnh đạo của dân đứng đầu các dân khiến nhà Ít-ra-en phải đến cầu cạnh. Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng dàn hát nghêu ngao; như Đa-vít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ !” (Am 6,1-6).

Ước mong sao sẽ có một ngày Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam chiếm lại được thế thượng phong trong cuộc chiến với “ma quỷ, thế gian và xác thịt” mà người đại diện hiện nay tại Việt Nam chính là chính quyền Cộng Sản. Amen.

Chú thích

[1] HC “Giáo hội trong thế giới hôm nay”, số 1, phần Nhập Đề.
[2] Sắc chỉ của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Phó Hà Nội
[3] Tòa Khâm sứ, đất giáo xứ Thái Hà, đồi Thánh giá Đồng Chiêm, Nhà thờ Tam Tòa…
[4] Vụ án 2 luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê thị Công Nhân, các vụ án khác dành cho các nhà tranh đấu Dân Chủ như Trần Khải Thanh Thủy, Trần Anh Kim, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Vũ Cao Quận…
[5] "Ðịch lợi dụng tôn giáo" (Ban Dân Tộc-Tôn giáo tỉnh Lào Cai)
[6] Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay do Đức cha Chủ tịch Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ký ngày 25-09-2008 tại Xuân Lộc.
[7] Diễn từ chúc mừng của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó chủ tịch HĐGMVN nhân ngày Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ra mắt cộng đoàn Dân Chúa tại Nhà thờ chính toà Hà Nội, 07-05-2010
[8] Tài liệu đã dẫn ở số 6
[9] Tài liệu mật CSVN: ''Phải làm cho dân chúng vừa yêu vừa sợ''

Trần Đoan Hùng

Đọc nhiều nhất Bản in 20.05.2010. 08:09