Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Công giáo Việt Nam- kết quả của sự hội nhập Quốc tế và giữ bản sắc văn hoá Việt

§ Ts Phạm Huy Thông

Thomas Friedman, phóng viên của tờ New York Time cho rằng, thế giới đã trải qua ba lần toàn cầu hoá. Lần toàn cầu hoá 1.0 xảy ra khi Colombus giương buồm vượt biển về phía Tây và tìm ra châu Mỹ mở ra thời kỳ giao thương giữa thế giới cũ và thế giới mới, biến thế giới rất to lớn trở thành trung bình. Toàn cầu hoá 2.0 diễn ra từ khoảng năm 1800 đến cuối thế kỷ XX với sự xuất hiện của đường sắt, điện thoại, cáp quang và phiên bản ban đầu của World wide web làm cho thế giới từ trung bình trở thành nhỏ bé. Còn toàn cầu hoá 3.0 với sự ra đời của internet, phần mềm kỹ thuật số đang diễn ra hiện nay, bất đầu từ cuối thế kỷ XX, đã biến mọi người trên địa cầu thành láng giềng sát vách, thế giới trở thành nhỏ xíu.

Như vậy, theo tư liệu lịch sử, đạo Công giáo được du nhập vào Việt Nam chính ở lần toàn cầu hoá 1.0. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử suốt 5 thế kỷ hiện diện trên đất nước này, đạo Công giáo Việt Nam là một thành quả của sự hội nhập quốc tế và giữ gìn bản sắc văn hoá Việt. Chúng ta có thể thấy rõ sự thể hiện của nó trong vài trò là chiếc cầu nối giao lưu giữa văn hoá phương Tây với Việt Nam và hội nhập văn hoá Việt để Việt hoá tôn giáo này.

1- Chiếc cầu nối giao lưu giữa văn hoá phương Tây với Việt Nam

Đạo Công giáo ra đời ở Trung Á nhưng lại phát triển mạnh mẽ ở châu Âu và mang đậm văn hoá châu lục này. Bởi vậy khi đến Việt Nam nó trở thành sứ giả đem văn hoá, văn minh của Âu châu tới nước ta và cũng giới thiệu văn hoá Việt Nam ra quốc tế.

Thông qua đạo Công giáo, người Việt Nam không chỉ biết đến một tôn giáo mới với giáo lý khá nghiêm ngặt tạo ra lối sống mới như hôn nhân một vợ một chồng, cấm rượu chè, cờ bạc bê tha… mà còn có cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm hội hoạ lừng danh như Bữa tiệc ly của Leonard da Vinci, Đức Mẹ đồng trinh của Rafael, được thưởng thức các bản nhạc bất hủ như Ave Maria, Holly Night, Jingle bell. Rồi ở giữa những làng quê thanh bình hay thành thị tấp nập thấp thoáng những kiến trúc lạ mắt của các nhà thờ theo kiểu "gotic" với những tháp chuông nhọn hoắt vươn lên trời cao hay kiểu "roman" vuông vắn, khoẻ mạnh. Cùng với tháp chuông là những bộ chuông Tây vang lên những âm thanh mới và trở thành cảm hứng cho bao nhạc phẩm như Làng tôi của Văn Cao, Em ơi, Hà Nội-Phố của Phú Quang…

Các giáo sĩ đến Việt Nam truyền giáo thời kỳ đầu, hầu hết được đào tạo bài bản nên họ có kiến thức khoa học chuyên sâu nhiều lĩnh vực. Năm 1627, Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đã biếu chúa Trịnh chiếc đồng hồ chạy bằng bánh xe và tặng chúa cuốn Kỷ hà nguyên bản của nhà toán học Euclide đồng thời giảng giải cho Trịnh Tráng nghe. Giáo sĩ Badinoti (người Ý) năm 1626 cũng được vời vào phủ chúa để giảng về thiên văn, địa lý và toán học. Các giáo sĩ Da Coxta, Langerloi đã đưa vào Đàng Trong phương pháp chữa bệnh theo lối Tây y nên được chúa cho mở nhà thương (bệnh viện). Có hai giáo sĩ là J.B Sanna (người Ý) và S. Piere ( người Bồ) được phong ngự vương dưới thời Minh Vương. Tại Kẻ Chợ, năm 1627, Đắc Lộ cũng nói tới việc lập một nhà thương ở Cầu Dền (Cầu Diễn?) để săn sóc cho người nghèo. Đây có lẽ là cơ sở từ thiện sớm nhất ở nước ta. Các giáo sĩ cũng phổ biến kỹ thuật dệt vải mịn và khổ rộng bằng khung dệt mang từ nước ngoài về để sản xuất tại dòng Mến Thánh giá Di Loan (Quảng Trị) và sản phẩm đã được trưng bày tại hội chợ Paris năm 1867. Công nghệ in của ta trước đây dùng bản khắc gỗ rất lâu công, các giáo sĩ đã du nhập kỹ thuật in bằng con chữ đúc bằng đồng hay chì tại nhà in Vĩnh Trị (Hà Nam) thời Giám mục Jacques Longer (1752-1831). Người ta cũng ghi nhận chính các giáo sĩ đã đưa giống cừu vào Phan Rang để nuôi và linh mục Henry (thuộc MEP) là người đã đưa cây phi lao về trồng ở xứ Hà Úc (Huế)…

Người Việt trước đây coi trọng nghề nông (dĩ nông vi bản) và xem khinh buôn bán, thương mại qua các xếp hạng: sĩ, nông, công, thương. Người ta cũng gọi những người làm nghề thương mại bằng từ khinh miệt: bọn con buôn. Các giáo sĩ đã giới thiệu cách làm giàu như rẻ mua, đắt bán hay cho vay lấy lãi vừa phải. Trong cuốn “Bổn dạy những sự kẻ giảng phải biết và giữ về phép rửa tội” xuất bản thời Giám mục Neez năm 1742 có đoạn viết: “Mùa nào rẻ thóc, rẻ hàng hãy mua, mùa nào mắc sẽ bán cũng nên… Hay là mua lãi cách này: hãy cho người nào thật thà 10 quan hay là 100 quan mặc lòng, mà vốn ấy trao cho người ấy mặc người ấy cầm trọn đời, cùng đời con cái, đời cháu chắt người mặc lòng; mà một năm nó trả như mười quan là hai quan năm, hay là ba quan lãi: một năm là 15, 30, chốc ấy cũng nên” (1).

Đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam không chỉ làm xuất hiện những lễ hội mới càng ngày càng được ưa chuộng như lễ Noel, lễ Valentin mà còn xuất hiện cả cách tính lịch mới theo Dương lịch và tuần lễ 7 ngày, cách ghi nhạc mới 5 dòng 7 nốt, nhiều nhạc cụ “ Tây” và cả cách biểu diễn nhạc hiện đại qua các bản hoà tấu thánh ca hay các đội kèn đồng (mà ngày nay người ta vẫn còn gọi là đội kèn Tây). Đạo Công giáo cũng đi đầu trong việc đưa một loại hình thông tin mới là báo chí với sự ra đời của tờ Nam Kỳ địa phận ra số đầu ngày 26-1-1908 và nhiều nhà báo có nghề như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1907)…đem lại kiểu làm báo “Tây học”: “ nói viết như thường”. Bởi trước đây, nhiều tờ báo ở nước ta chỉ là dạng công báo chuyên đăng thông báo, văn bản của chính quyền cai trị.

Một ý nghĩa nữa không thể không nhắc đến là chính trào lưu tư tưởng tự do của phương Tây đã thổi vào Việt Nam thông qua nhiều tín đồ Công giáo và do họ không còn bị ràng buộc bởi ý thức hệ Nho giáo nên đã làm xuất hiện nhiều tư tưởng cải cách táo bạo như linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874), sĩ phu Đinh Văn Điền ở Yên Mô, Ninh Bình và đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) mà nhiều kiến nghị đổi mới của ông ngày nay vẫn mang tính thời sự.

Đạo Công giáo giới thiệu văn hoá, văn minh phương Tây vào Việt Nam thì nó cũng làm vai trò giới thiệu văn hoá Việt Nam ra thế giới bên ngoài.

Các giáo sĩ khi đến Việt Nam, hàng năm đều phải làm tường trình về MEP (Missions Étrangères de Paris) hay Roma về tình hình truyền giáo nên họ có nhiều ghi chép về đất nước, con người ở đây. Nhiều ghi chép của họ là những tác phẩm nghiên cứu về dân tộc, tôn giáo, lịch sử, địa lý có giá trị như các tác phẩm Truyện xứ Đông Kinh của Bunzomi, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài; Hành trình truyền giáo của A. Rhodes hay các cuốn Địa lý lịch sử Quảng Bình qua thư tịch triều đình; Di tích lịch sử Quảng Bình; Dinh trấn các chúa Nguyễn trước Gia Long…của Leopold Cadiere (1869-1965). Các tác phẩm này khi được giới thiệu ở nước ngoài ví dụ bộ ba Từ điển Việt – Bồ – La; Ngữ pháp tiếng Việt; Phép giảng tám ngày của A. Rhodes được in ở Roma năm 1651, thế giới không chỉ biết thêm một chữ viết của người Việt mà còn làm thay đổi nhiều quan niệm của nước ngoài với Việt Nam, ví dụ quan niệm: “ngoài châu Âu ra thì toàn là man di, mọi rợ” hay “Trung Quốc là tất cả những gì đẹp đẽ nhất trái đất”. A. Rhodes đã đặt câu hỏi cho các nhà nghiên cứu ở châu Âu: “Tôi không biết vì sao đất nước rất xinh đẹp này lại không được biết tới, vì sao các nhà địa lý châu Âu không biết tên gọi và gần như không ghi trong bản đồ nào cả. Tuy họ chép đầy đủ tên các nước trên thế giới” (2). Một số giáo sĩ có những nhận xét khá sắc sảo về người Việt như Bunzomi, người Ý, đến Đàng Trong ngày 18-1-1615 đã so sánh người Việt với một số cư dân châu Á như sau: “Họ không nghiêng về văn chương, tính tình không thâm hiểm như người Tàu. Họ không nghiêng về quân bị, tính tình không độc ác như người Nhật. Cả về tầm thước cũng không cao như người Tàu song không thấp như người Nhật. Dễ nghe, dễ tin và nhiều mê tín nhưng người dân Việt dễ nhận ra lẽ phải, không kiêu căng hay tự tôn như người Tàu” (3).

Có những tài liệu của các thừa sai trước đây, bây giờ trở thành những bằng chứng về chủ quyền biên cương của Tổ quốc như ghi chép của Giám mục J. Louis Tabert viết trên tạp chí Journal of the Royal Asia society of Bengal tháng 9-1937: “Quần đảo Panacels mà người Việt gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa gồm nhiều đảo chằng chịt với những đảo nhỏ và bãi cát mà các nhà hàng hải khiếp sợ một cách chính đáng do người Việt xứ Đàng Trong chiếm cứ. Năm 1816, vua Gia Long cắm cờ trên quần đảo này”.

2- Hội nhập văn hoá Việt để Việt hoá đạo Công giáo

Trước hết, phải khẳng định không phải sau Công đồng Vaticanô 2, ở Việt Nam mới diễn ra tiến trình hội nhập văn hoá dân tộc mà ngay từ khi tôn giáo này du nhập vào Việt Nam. Bằng chứng là những tín hữu đầu tiên ở Thăng Long đã dùng thể thơ lục bát để ghi lại sự tích trong Kinh thánh. Ngày Tết, các gia đình Công giáo vẫn dựng cây nêu nhưng phía trên ngọn có thêm hình Thánh giá. Ngày lễ Lá, người ta dùng lá dừa thay cho lá ôliu…Hơn nữa tiến trình này cũng có sự hướng dẫn của Giáo hội chứ không phải là hoàn toàn đơn phương, tự phát. Rõ nhất là bản Monita ad Misinarios (Nhắn nhủ các thừa sai) mà Bộ Truyền giáo đức tin đã trao cho hai Giám mục tiên khởi là Francois Pallu và Lambert de la Motte đến Việt Nam năm 1659. Bản Monita viết: “ Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ nào để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hoá của họ trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý. Có gì vô lý và bỉ ổi hơn mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nha, ý hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân á Đông chăng? Không phải mang thứ ấy cho họ mà là mang chân lý đức tin, một chân lý, không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ dân tộc nào, cũng không xúc phạm đến nghi lễ, tập tục ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại chân lý ấy muốn người ta bảo tồn và duy trì chúng là đàng khác”.

Thứ hai, tiến trình hội nhập văn hoá dân tộc của đạo Công giáo diễn ra trong thời gian dài với nhiều thăng trầm kể cả xung đột, bi kịch và phải trả giá khá đắt nhất là giai đoạn dưới triều Nguyễn ở nước ta. Đồng thời, dưới chế độ thực dân, không phải là thời kỳ thuận lợi để tôn giáo này hội nhập văn hoá dân tộc. Bởi một trong các điều kiện để hội nhập của đạo Công giáo là phải xây dựng được đội ngũ giáo sĩ người Việt. Thế nhưng, không ít thừa sai nước ngoài ngăn cản phong chức linh mục nhất là giám mục cho người Việt. Vì vậy, nếu lấy năm 1533 như Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi là năm đạo Công giáo được du nhập vào Việt Nam thì 135 năm sau tức năm 1668 mới có người Việt đầu tiên là linh mục và 400 năm sau mới có giám mục người Việt đầu tiên (năm 1933). Còn số lượng cũng rất hạn chế, từ năm 1863 đến năm 1945 chỉ có 153 tu sĩ người Việt được truyền chức linh mục, năm cao nhất là năm 1937 có 10 tân linh mục. Không ít lần chính quyền thực dân Pháp cũng muốn thay đạo Công giáo Việt Nam bằng đạo Tin Lành và thay cả các cơ sở từ thiện của Công giáo bằng cơ sở của Nhà nước. Ngày 14-5-1904, Thống sứ Bắc Kỳ Foures đã báo có với viên Toàn quyền Beau như sau: “Các cơ sở y tế tại các dòng tu phục vụ rất tốt. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện dân bản xứ vẫn dùng các nữ tu S. Paul. Tìm các điều dưỡng viên là dân thường đảm nhiệm các công việc ấy cùng với một mức lương đó là điều rất khó. Bên giáo dục từ lâu nay, các dòng tu đã mở và điều hành được những trường tốt nhất, có thể nói là duy nhất…Mua lại các cơ sở ấy, hoặc xây dựng các cơ sở tương đương, thay thế nhân sự các dòng tu đang phục vụ tại các bệnh viện và nhà trường sẽ đưa đến hậu quả thảm hại cho ngân sách địa phương. Chính quyền không thể làm được các việc như các dòng tu đã làm mà còn là gánh nặng ghê gớm đối với tài chính quốc gia” (4).

Mặc dù trải qua những sóng gió gập ghềnh nhưng với tinh thần dân tộc của rất nhiều thế hệ người Công giáo, tôn giáo này đã hội nhập được với văn hoá dân tộc để tạo ra một tôn giáo gần gũi với người Việt từ kiến trúc, nghi lễ, lối sống đến nghệ thuật, phụng vụ Công giáo.

Bên cạnh các nhà thờ kiến trúc kiểu gotic, roman cũng có rất nhiều nhà thờ “Nam” mang đậm phong cách dân tộc như nhà thờ lớn Phát Diệm Ninh Bình) rất gần với kiến trúc đình chùa. Nhà thờ Cam Ly (Đà Lạt) dáng dấp như ngôi nhà sàn của đồng bào Thượng. Nhà thờ Pleichuet (Gia Lai) lại thiết kế như ngôi nhà rông của người Jrai, Bahnar… Đồng thời ngay cả các kiến trúc theo phương Tây như nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nhà thờ Phú Nhai (Nam Định), nhà thờ lớn Hà Nội… người ta vẫn nhận ra bản sắc văn hoá dân tộc qua bàn tay thi công khéo léo của người thợ Việt. Nhà thờ nào cũng có kiến trúc phụ như núi đá, hồ ao, cây xanh như vũ trụ thu nhỏ theo triết lý của người phương Đông “thiên địa nhân nhất thể”. Các bức chạm khắc ở nhà thờ cũng đủ đào, cúc, trúc, mai; long ly, quy, phượng. Các gian nhà thờ cũng chọn con số lẻ 5,7,9. Còn chỗ ngồi trong nhà thờ thì chia ra “nam tả, nữ hữu”. Đây là điều chỉ thấy ở Việt Nam.

Quan sát một đám rước của người Công giáo cũng không khác rước làng bao nhiêu. Cũng trống, kèn, hội bát âm, cờ ngũ sắc. Cũng chú lùn đi kheo, múa trống. Các ông cũng khăn xếp, áo the. Các bà cũng áo dài tứ thân, nón lá. Có khác là thêm hội kèn Tây. Nhà người Công giáo bây giờ cũng thắp hương, bày hoa quả trước di ảnh người quá cố. Tại nhà thờ, tín hữu còn viết lời khấn nguyện ra giấy và đốt trước tượng ảnh nữa.

Trăn trở với nghệ thuật dân tộc, các hoạ sĩ, nhạc sĩ Công giáo cũng đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm thuộc nghệ thuật thánh được dư luận đánh giá cao như các bức Madalena dưới chân Thập giá của Lê Văn Đệ, Đức Mẹ Việt Nam của Nam Phong, Giáng sinh của Nguyễn Gia Trí hay các nhạc phẩm Đêm đông của Hải Linh, Kinh hoà bình của Kim Long…Qua các tác phẩm đó, hình ảnh các thánh nhân đã mang vóc dáng người Việt và các làn điệu dân ca từ quan họ Bắc Ninh trữ tình đến các giai điệu Jarai, Bahnar bốc lửa đều có thể tìm thấy ở thánh nhạc.

Buổi đầu, các giáo sĩ theo giáo lý tôn giáo độc thần duy nhất vì vậy những người tiến bộ như Đắc Lộ vẫn coi tất cả các tôn giáo khác là mê tín là tà đạo và không chấp nhận nghi thức thờ cúng tổ tiên. Nhưng đó là điều khác với truyền thống văn hoá dân tộc. Bây giờ, đạo Công giáo gọi các tôn giáo khác là “tôn giáo bạn”. Người Công giáo được kết hôn với người khác đạo. Đây là điều mơ ước của bao đôi trai gái trước đây:

Amen, lạy Đức Chúa Trời
Cầu cho bên đạo bên đời lấy nhau

Tại rất nhiều vùng quê, người Công giáo và không Công giáo sống chan hoà với nhau mà người ta gọi một danh từ rất hay là “làng xôi đỗ”. Người Công giáo vẫn đến chùa ngày Phật đản, người không Công giáo lại đến chia vui với người Công giáo ngày chầu lượt và còn đóng góp cả tiền để sửa nhà thờ nữa.

Một số người vẫn cáo buộc đạo Công giáo phổ biến chữ quốc ngữ làm đứt đoạn văn hoá dân tộc. Thế nhưng chính các sĩ phu của nhóm Đông kinh nghĩa thục đã hết sức cổ vũ cho việc học chữ quốc ngữ và coi đó là một kế sách để mở mang dân trí. Việc bỏ chữ Hán, chữ Nôm không phải lỗi của Công giáo. Từ năm 1910, Thống sứ Bắc Kỳ ra nghị định buộc phải dùng chữ quốc ngữ trong giấy tờ hành chính và trong thi cử nên chữ Hán và chữ Nôm mai một dần. Nhưng ở nhiều chủng viện vẫn buộc chủng sinh phải học chữ Hán, chữ Nôm. Kho tư liệu về chữ Hán Nôm Công giáo để lại ngày nay cũng rất đồ sộ (5). Nhiều tác giả như Majorica (1591-1656) đã viết 45 tác phẩm chữ Nôm với 1,2 triệu chữ.

Yêu nước là truyền thống của người Việt. Vì vậy yêu nước cũng là nét đặc trưng của người Công giáo. Bởi họ đã là người Việt trước khi trở thành tín đồ. Chính điều này đã tạo ra phong trào yêu nước của người Công giáo ngày càng sâu rộng. Ngay lúc đạo Công giáo bị cấm, Nguyễn Trường Tộ vẫn trăn trở dâng lên triều đình 58 bản điều trần những mong nước mạnh để có thể đánh đuổi Pháp xâm lược. Tiếp đó, nhiều người Công giáo đã theo Phan Bội Châu làm cách mạng và có người đã phải bị tù đày ở Côn đảo như các linh mục Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Thần Đồng, Đậu Quang Lĩnh. Ngay những ngày đầu tháng 8-1945, nhiều người Công giáo đã ủng hộ cách mạng và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ, Quốc hội. Trong hai cuộc kháng chiến cũng như công cuộc đổi mới hiện nay, người Công giáo vẫn chủ trương “đồng hành cùng dân tộc”, là công dân tốt và cũng là người Công giáo tốt.

Công giáo Việt Nam ngày nay là sản phẩm của sự giao lưu giữa văn hoá phương Tây và văn hoá dân tộc. Đây là thành công trong việc mở cửa giao lưu với quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc. Điều này, có thể giúp chúng ta không quá lo lắng khi hội nhập với thế giới hôm nay để có thể vừa “chớp được thời cơ vàng” nhưng có thể vượt qua “thảm hoạ đen”.

Chú thích:

1- Dẫn theo Nguyễn Khắc xuyên: Lịch sử địa phận Hà Nội 1626-1954, Paris 1994, tr. 150
2- A. Rhodes: Hành trình truyền giáo, Đại kết 1994, tr. 143.
3- Nguyễn Hồng: Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tập 1, Hiện Tại, SG 1959, tr.55
4- Dt Nguyễn Thế Thoại: Công giáo trên quê hương VN, tập 2, Lưu hành nội bộ 2001, tr. 291
5- Theo Lm Nguyễn Hưng: Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo, Lưu hành nội bộ 2000, có tới 308 tác phẩm Hán Nôm Công giáo đã được sưu tầm.

Hội thảo quốc tế: Văn hoá tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hoá

HÀ NỘI - Ngày 29-10-2009, tại Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo đương đại đã tổ chức cuộc Hội thảo quốc tế với chủ đề: Văn hoá tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hoá. Đã có hơn 30 báo cáo khoa học gửi về cho ban tổ chức trong đó có một số nhà khoa học ở nước ngoài như GS.TS Kim Chae Young ở đại học Sogang ( Hàn Quốc), GS Trần Văn Đoàn ở đại học quốc gia Đài Bắc, GS Trần Văn Toàn ở đại học Lille ( Pháp). Đại diện Ban tôn giáo Chính phủ, Viện Nghiên cứu tôn giáo- Viện KHXHVN, Viện ngiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo- Học viện CT-HC QG Hồ Chí Minh và nhiều trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong nước đã đến dự.

Điều đặc biệt là các học giả là người Công giáo chiếm phần đông trong hội thảo kể cả trong và ngoài nước như GS Trần Văn Đoàn, GS Trần Văn Toàn, Linh mục GS Nguyễn Thái Hợp, Linh mục Thiện Cẩm, TS Phạm Huy Thông, nhà báo Vương Đình Chữ…

Phát biểu khai mạc cuộc hội thảo, PGS.TS Lâm Bá Nam- Phó Hiệu trưởng trường KHXH&NV đã biểu dương cố gắng của Trung tâm nghiên cứu tôn giáo đương đại, dù mới thành lập được 2 năm nhưng đã mạnh dạn nghiên cứu những vấn đề thời sự, cảm ơn sự cộng tác của các nhà nghiên cứu và nhất là cảm ơn sự tài trợ của Viện Nghiên cứu tôn giáo AACHEN ( Đức) để cuộc hội thảo thành công.

Các tham luận dược chia thành 4 nhóm đề tài: Tôn giáo học và thời đại; Tôn giáo và toàn cầu hoá; Tôn giáo và văn hoá; Nhà nước Việt Nam và văn hoá tôn giáo. Hầu hết các báo cáo đều đề cao giá trị nhân văn của các tôn giáo và góp phần làm cho sự giao lưu văn hoá quốc tế được đẩy mạnh cũng như làm phong phú văn hoá ở từng quốc gia.

Sự phát triển thành công của một số tôn giáo ở Việt Nam như Phật giáo, Công giáo đã chứng tỏ bản sắc văn hoá dân tộc vẫn được duy trì nếu như xã hội tạo điều kiện cho các tôn giáo hội nhập. Và đó cũng là cơ sở để chúng ta không nên quá lo lắng khi đất nước ta tiến hành hội nhập quốc tế hiện nay.

Một số nhà nghiên cứu khi đi tìm mô hình phù hợp cho quan hệ giữa Nhà nước và tôn giáo đã cho rằng, nguyên tắc Nhà nước thế tục ( Principe de laicite d’Etat) do các mạng Pháp khởi xướng từ năm 1789 là nguyên tắc đúng đắn nhưng khi áp dụng ở nhiều nước cũng khác nhau và không có khuôn mẫu chung cho mọi quốc gia. Tuy nhiên sự thành công của đạo Công giáo Việt Nam cũng chứng tỏ tính hoàn vũ của tôn giáo này nhưng không làm triệt tiêu văn hoá dân tộc.

Tiến sĩ Phạm Huy Thông

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.11.2009. 10:19