Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chiềng Ân, Sơn La: khổ đau trên hành trình đến với Thiên Chúa (1)

§ JB Nguyễn Hữu Vinh

Kỳ I: Gian nan cuộc sống người dân vùng cao

Đã nhiều lần định viết về những bà con dân tộc ít người theo đạo Công giáo ở vùng sâu vùng xa miền núi, nhất là ở Sơn La, nơi chúng tôi đã có mấy lần đến với họ, nhưng, sẽ là bất nhẫn khi cứ nói về sự nghèo khổ, lạc hậu của họ trong khi cả xã hội đã tiến khá mạnh mẽ.

7_xelenbanchiengan.jpg

Vượt suối lên bản H’Mông Chiềng Ân

8_duonglenbanhmong.jpg

Đường lên bản H'Mông Chiềng Ân

Xã Chiềng Ân, cách thị trấn huyện Mường La, Tỉnh Sơn La, chừng 40km.

Để đến được Chiềng Ân, phải qua một hành trình “dựng tóc gáy”. Đoạn đường chỉ có khoảng 40km, nhưng chiếc Commăngca còn sót lại từ hồi mồ ma chế độ Liên xô cũ chở chúng tôi nặng nhọc bò đến hết gần 4 tiếng đồng hồ qua những con đường một bên là vực thẳm hun hút, một bên là vách núi dựng đứng. Suốt cả đoạn đường lên Chiềng Ân, tôi có cảm giác như đang trong trò chơi cảm giác mạnh ở Disneyland HồngKông mà tôi đã có dịp thử.

Những ngày mây mù, đường chúng tôi đi bên vách núi nhìn sang bên kia như một biển mây, nhìn xuống phía dưới lờ mờ những hình hài cây trong sương mù như một bức tranh thủy mặc khổng lồ.

Mọi người ngồi trên xe không ai dám nói ra miệng, nhưng khi về ai cũng bảo nhau: Cứ nghĩ dại nghĩ khôn, nhỡ bác tài không chuẩn xác chỉ một giây thôi, thì chúng ta chắc chỉ còn nấm mồ tập thể dưới đáy vực.

Vậy nhưng đã đến Mường La mà không đến được Chiềng Ân, thì quả là phí phạm một chuyến lên rừng. Cô bạn đi cùng chúng tôi người gốc thị thành, nhỏ nhắn, mảnh khảnh, trên đoạn đường từ Hà Nội lên đã say xe mệt lử, nhưng khi được đề nghị ở lại Mường La tránh đoạn đường vất vả đã buồn thiu, cuối cùng đành để cô vượt đèo vượt núi lên Chiềng Ân cho thoải chí tò mò.

Bản của người H’mông nằm cheo leo trên đỉnh núi, nơi đây không chỉ đường đi gian khó mà cuộc sống mọi mặt đều gắn với những câu chuyện khó tin.

Cả quãng đường lên Chiềng Ân, không còn cái âm u của núi rừng miền sơn cước vì rừng đa số đã thành đồi trọc, nhưng những câu chuyện huyền bí, ly kỳ về đời sống, phong tục của người dân miền Tây Bắc trong các câu chuyện tiểu thuyết vẫn còn phảng phất trên những vật dụng, những con người ta gặp nơi đây.

Những mảnh ruộng bậc thang men theo chân núi, những mảnh rừng loang lổ còn nhiều gốc cây to lớn sót lại như muốn lưu giữ một dấu ấn của những khu rừng rậm rạp đã tồn tại nơi đây, giờ đã là quá khứ.

Chiềng Ân, chốn tận cùng của sự nghèo khó và lạc hậu

1_chiengan_banhmong.jpg
17_treemchiengan.jpg

Trẻ em H'Mông Chiềng Ân

Về đời sống, người dân ở đây quanh năm trồng ngô trên những khu rừng trọc và ngày càng bạc màu thì đời sống của họ cũng bấp bênh như tính mạng những du khách trên con đường lên bản.

Những ruộng ngô được gieo trồng là công lao của cả người già và trẻ em, đến mùa gieo hạt và thu hoạch, cả bản vắng tanh, chỉ trừ những người ốm nằm nhà mà thôi, còn tất cả đều phải lên nương.

Trên sườn đồi dốc đứng, những nương ngô chen nhau, nhưng mưa gió nhanh chóng làm đất bạc màu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt làm cho năng suất ngày càng giảm, do vậy đời sống người dân bản càng ngày càng tuột dốc.

Thức ăn chính của họ là món “mèn mén”, tức là bột ngô đồ chín. Nuôi được con gà, con lợn, ít khi họ giết thịt để ăn hoặc bán, mà chỉ dùng những khi có khách hoặc biếu cho ai mà họ quý mến, trâu bò nuôi chủ yếu là dành cho việc ma chay còn bình thường, thì bột ngô, chuột, khoai… những thứ gì có thể ăn được là thức ăn chính của họ.

Một lần có một linh mục đến thăm giáo dân người H’Mông, cả bản ra đón hết sức náo nức, mọi người rất hồ hởi ra bắt tay một lượt rồi mời rất nhiệt tình “Cha vào nhà tao ăn cơm”. Sau khi vào một nhà, chủ nhà chỉ vào rổ khoai rễ và mời: “Cha ăn đi, củ nào to, ăn được thì ăn, củ nào nhỏ thì đổ cho lợn”.

Người H’Mông là vậy, họ sống chân thật, tin hết mình và đơn sơ như con suối đầu nguồn.

Năm trước lên Chiềng Ân, chúng tôi đã nói chuyện với một giáo viên tên Phương, Hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở, anh cho biết: Một số hủ tục của đồng bào ở đây còn khá nặng nề, nhất là đời sống kinh tế của họ còn quá nghèo khó dẫn tới việc nhận thức xã hội mọi mặt khó có thể có phổ cập đến đây. Ở đây, mọi người phải làm việc mới được ăn, nếu ai không làm việc không được dự phần ăn, vì vậy kể cả trẻ nhỏ, vì vậy đến mùa làm nương rẫy vẫn phải lên nương.

Chính vì thế đời sống học hành của con cái không được coi là công việc, chỉ khi rảnh rỗi mới đi học mà thôi. Đến mùa nương rẫy, cả trường vắng tanh, nhiều khi giáo viên đến lớp chỉ có một mình.

Khi được hỏi: “Vậy chất lượng đào tạo ở đây ra sao? Anh cho biết: “Chúng tôi giờ chỉ mong được có học sinh chịu đến lớp đã là may mắn, chưa tính đến chuyện chất lượng được. Vài năm gần đây còn đỡ, chứ có một số nơi, giáo viên cứ lên lớp, cứ chấm công và đến kỳ lĩnh lương, lĩnh phụ cấp mà không cần biết có mấy buổi được dạy học, được mấy học sinh… là chuyện bình thường ở những vùng sâu vùng xa này. Ở vùng sâu xa này, phụ cấp cho giáo viên khá cao so với cùng những giáo viên dạy cùng cấp ở miền xuôi”.

Anh làm giáo viên rồi hiệu trưởng ở đây đã mấy năm, một vùng toàn người dân tộc, tuy vậy, anh không biết một tiếng dân tộc nào ngoài mấy từ “uống rượu, mua con gà, con lợn… thế là hết”… anh bảo tôi. Nghe nói năm nay anh đã được về dưới huyện, không còn phải ở Chiềng Ân.

Đời sống kinh tế khó khăn, khí hậu nơi rừng thiêng nước độc vùng cao là những nhân tố dẫn đến bệnh tật là điều không thể tránh khỏi, nhưng khi ốm đau, người dân H’Mông lại tìm đến thầy cúng để cúng “con ma”. Với nhận thức về sự văn minh, tiếp thu trong điều kiện y tế thuốc men không có, đường đến bệnh viện thì xa xôi cách trở, thì cách chữa bệnh bằng thầy cúng có cơ hội phát triển ở những nơi này.

Cuộc sống nhân dân ở đây như cây rừng, hết nước khô hạn thì bám vào vách đá mà sống, như thú nuôi tự kiếm lấy cái củ, cái rau mà sống. Anh bạn hiệu trưởng kết luận: “Sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với sự phát triển toàn diện về kinh tế văn hoá của xã là không có. Các chủ trương, chính sách có được phổ biến thì cũng chẳng có ai đôn đốc thực hiện. Vì vậy mà đời sống kinh tế, văn hoá của xã mấy năm nay vẫn thế, không khá lên được”.

Đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây, sự nghèo khó một phần đến từ các các hủ tục lạc hậu đến khủng khiếp, nhất là tệ ma chay, tệ nạn lấy chồng lấy vợ từ tuổi vị thành niên, rồi tệ nạn rượu chè triền miên… kết hợp với thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đất đai ngày càng trơ lỳ, bạc màu… cứ như một cái vòng luẩn quẩn đẩy đời sống đồng bào nơi đây vào cùng cực.

Ở bản H’Mông, một cô gái 15-16 tuổi bế môt đứa con, dắt một đứa con là chuyện thường tình. Hỏi anh giáo viên rằng ở đây pháp luật không can thiệp những vấn đề đó sao? Anh lắc đầu: “Cán bộ cũng như thế cả, làm sao có ai bảo ai, cán bộ ở đây chỉ học đến lớp 3, lớp 3 là hết, vừa qua phải đưa đi đào tạo bổ túc, chuyên tu cho được cái lớp 9 để đạt “chuẩn”, mà anh biết cái đào tạo kiểu đó nó có tác dụng như thế nào rồi”.

Điều đáng nói nhất là những tệ nạn ma chay làm cho người dân luôn sống trong sợ hãi và lo lắng, kiệt quệ về kinh tế và mất vệ sinh khủng khiếp. Nhiều câu chuyện chúng tôi nghe cứ như chuyện thần thoại nhưng lại là có thật.

Già làng Cứ A Ký kể cho chúng tôi nghe về tục ma chay của người H’Mông như sau:

“Làm ma như thế này nhé: Khi người chết, bỏ vào cái hòm, treo lên tường, hoặc góc nhà để gọi đầy đủ họ hàng về mới được chôn, ở xa đâu đâu cũng gọi về dù ở Nghĩa Lộ hoặc Sông Mã, chưa đủ họ hàng thì không được đem đi chôn.

Nhà có mỗi con phải mổ một con trâu hoặc một con bò, nếu có 7 đứa con thì phải mổ 7 con, có nhà mổ chín con trâu bò mới chôn xong bố mẹ. Vì vậy có người chết để đến chín mười ngày, mới đưa đi chôn.

Khi chưa chôn được, xác người còn treo ở vách nhà, thì vẫn phải bón cơm, bón thức ăn cho người chết hàng ngày, vì vậy những thức ăn cứ thế hoai rữa cùng với xác chết, chảy nước ngay trong nhà.

Bố mẹ chết từ lâu rồi, đúng ba năm phải mổ trâu mổ bò cho bố mẹ, lần thứ nhất mổ con lợn, lần thứ 2 là mổ con trâu, và lần thứ 3 mổ con trâu hoặc con bò mời cả bản mới xong”.

Vì vậy, nỗi lo lắng lớn nhất của người H’Mông là ma chay, những trâu to, bò mộng luôn được nuôi sẵn để chờ ngày đại họa giáng xuống gia đình người họ.

Người dân H”Mông từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt luôn có “con ma” đi bên cạnh, sinh đẻ thì cúng ma, làm nhà thì cúng ma, lấy vợ gả chồng cúng ma, đau ốm cúng ma, chết vẫn cứ cúng ma… “Con ma” luôn đồng hành với cuộc sống của họ suốt cả một đời người.

Những người dân H’Mông tôi gặp ở Chiềng Ân đơn sơ, mộc mạc và mến khách. Trong cuộc sống, họ luôn có một nỗi sợ hãi ám ảnh là “con ma” và sau này thì có một nỗi sợ hãi lớn là “công an, chính quyền”.

(Còn tiếp)

Hà Nội, ngày 31/03/2010

JB Nguyễn Hữu Vinh

Đọc nhiều nhất Bản in 31.03.2010. 23:56