Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bước đường cùng: đổ dầu vào lửa thử thách với giáo dân Thái Hà

§ JB Nguyễn Hữu Vinh

Chiến dịch truyền thông bịa đặt, bôi xấu và nhục mạ

Sau khi các phương tiện truyền thông nhà nước tới tấp đàn áp thông tin với những người Công giáo và tu sĩ xứ Thái Hà một cách bất chấp lương tâm đạo đức nghề nghiệp cũng như lương tâm con người. Người ta tự hỏi, trong số các tổng biên tập, các phóng viên báo chí Việt Nam, chẳng lẽ không còn những con người có chút lương tri tối thiểu để viết về vụ việc này một cách chân thực hơn, ngoài “tính đảng, tính chiến đấu” thì ít nhất còn có một chút tính người? Nhưng không!

80828ThaiHa2.jpg

Khoảng 30 công an đến bắt ông bà cụ Nguyễn Văn Lân

Mục đích của chiến dịch truyền thông rầm rộ vừa qua nhằm để thực hiện những chỉ thị của cấp trên cho các báo mà báo Hà Nội Mới đưa tin là: “các cơ quan báo chí nghiên cứu, tiến hành đăng tin, viết bài phản ánh, tạo dư luận lên án đấu tranh mạnh mẽ”.

Với sự định hướng như thường thấy trong vô vàn những định hướng như vậy, có nghĩa là nhà nước đã tạo cho báo chí “lề đường” buộc phải đi trong vụ này, đó là “tạo dư luận lên án” việc đòi lại đất đai, tài sản của tôn giáo tại giáo xứ Thái Hà: Lên án việc tu sĩ và giáo dân, bất chấp những văn bản nhập nhằng, bất chấp sự khuất tất, cả vú lấp miệng em của nhà nước, bất chấp việc nhà nước đã de dọa trấn áp mà vẫn kiên gan đòi lại công lý, công bằng. Lên án việc giáo dân đã chặn đứng những âm mưu chia chác mảnh đất này, mà không khó lắm thì ai cũng hiểu những người dự chia phần béo bở này là ai. Lên án những giáo dân tố cáo kẻ nhũng lạm vi phạm pháp luật ở đây, sự vi phạm đã được nhà nước công nhận. Lên án những người dũng cảm đòi lại tài sản của mình bị chiếm đoạt một cách trái phép bằng tay không và lời cầu nguyện.

Chứng cứ?

Sau 12 năm khiếu nại kể từ 1996 đến nay, sau những tháng ngày cầu nguyện, nắng mưa, căng thẳng và vô cùng vất vả của giáo dân, của lực lượng bảo vệ và các cơ quan chức năng. Sau bao công văn, giấy mực, bao tiếng kêu gào hết đơn khiếu nại rồi đến khiếu nại khẩn cấp, đề nghị… của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu thế - Xứ Thái Hà, cuối cùng, thì ngày 26/8/2008, UBND TP Hà Nội cũng đã thò ra các chứng cứ, mà qua đó, họ cho là cơ sở để biến đất của Dòng Chúa Cứu thế - Xứ Thái Hà thành của nhà nước, rồi thành của tư nhân.

Như vậy cũng đã là tốt, vì dù sao, UBND đã phải lắng nghe tiếng kêu của dân mà đưa ra các chứng cứ để chứng minh việc chiếm đoạt, sử dụng đất đai tài sản của Dòng Chúa Cứu thế - Xứ Thái Hà là hợp pháp. Điều đó chứng tỏ, UBND TP Hà Nội đã bắt đầu chú ý đến việc hành xử theo luật pháp quy định khi mình thủ đắc tài sản, thì phải chứng minh nguồn gốc bằng giấy tờ phù hợp pháp luật.

Như vậy, đã thấy lần này UBND TP Hà Nội đã thay đổi cách làm việc bằng pháp luật để làm gương cho dân mà không phải là cách hành xử như trước đến nay là chỉ có nguyên mỗi một câu được nhắc đi nhắc lại “Không có cơ sở giải quyết” mà không đưa ra chứng cứ, thể hiện sự thiếu tôn trọng người khiếu nại đã hơn 12 năm nay.

Bây giờ, chỉ việc so sánh chứng cứ, văn bản để hai bên cùng chứng minh quyền sử dụng đất đai và sở hữu tài sản của Dòng Chúa cứu thế - Xứ Thái Hà thuộc về ai. Và cái lẽ tự nhiên là của ai thì trả người đó, khỏi tranh chấp.

Trước cửa công lý, bên nào có lý sẽ được thừa nhận và bên kia sẽ phải tâm phục, khẩu phục mà rút lui. Như thế, bà con chắc sẽ được yên ổn về nhà làm ăn, mà nuôi con nuôi cháu với tấm lòng thanh thản. Các chiến sĩ bảo vệ sẽ hết những đêm dài căng thẳng trực chiến. Và những mưu ma chước quỷ sẽ hết cơ hội tái diễn.

Trong công văn số 680/UBND-NNĐC ngày 26/8/2008 của UBND TP Hà Nội gửi Nhà thờ Thái Hà, chúng tôi đọc được dòng chữ: “bản gốc các tài liệu, hiện sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Xây dựng TP đang lưu trữ”. Ôi, chỉ mấy chữ đơn giản vậy thôi mà cả 12 năm nay nó không được nói ra để dẫn đến mức độ như bây giờ. Quả là tìm được một câu của cơ quan công quyền có thể giải quyết một sự việc cho đơn giản thật là khó. Nếu như điều này được nói ra cách đây 12 năm, thì chắc bây giờ quan đã ăn ngon, dân đã ngủ yên mà không vất vả, tốn kém.

Tưởng thế mà… không phải thế, chứng cứ gỡ rối càng thêm rối

Theo nội dung Công văn trên, UBND TP yêu cầu: “các linh mục Giáo xứ Thái Hà nghiên cứu kỹ để hiểu rõ hơn về Quyết định giải quyết đơn khiếu nại đòi quyền sử dụng đất”.

Nhưng, khi nghiên cứu các loại tài liệu được coi là chứng cứ đó dù chưa kỹ, bởi đây là bản photocopy không là bản gốc, chưa được giám định những tư liệu, chữ ký trên đó là thật hay giả, chỉ nhìn bằng mắt thường, đã thấy có nhiều điều khó hiểu mà không giải thích được.

Điều khó hiểu đầu tiên, đó là tất cả những tài liệu này đều không có bất cứ một con dấu nào của Dòng Chúa Cứu thế, - Xứ Thái Hà, mà tôi nghĩ Dòng này, nhà thờ này trước đến giờ vẫn tồn tại liên tục, vẫn có con dấu hiện diện. Chỉ duy nhất có một giấy có con dấu thì lại có thêm một con dấu khác nằm đè lên nó? Nhưng chữ ký thì hoàn toàn xa lạ như nước với lửa so với những chữ ký còn lại. Tôi thấy lạ cho mấy cái tài liệu mà được cho là “Linh mục Bích” ký 100%.

Điều khó hiểu thứ hai là tất cả các tài liệu trên, chỉ duy nhất có linh mục Bích ký, mà không có một chữ ký nào khác của bất cứ ai.

Trong quyết định của UBND TP Hà Nội ngày 30/6/2008 đã nói chắc như đinh đóng cột rằng: “Ngày 24/10/1961, linh mục Vũ Ngọc Bích (người quản lý nhà, đất) đã ký biên bản “Hội nghị bàn giao nhà thống nhất quản lý vào Nhà nước” . Trong công văn của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất số 1784/TNMT&NĐ-CS ngày 7/5/2008 lại nói chắc như cục gạch rằng: “Trong thời kỳ Nhà nước thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà đất trước đây, ngày 24/11/1961, linh mục Vũ Ngọc Bích (người quản lý) đã bàn giao khu nhà đất Thái Hà qua nhà nước thống nhất quản lý”.

Trong tài liệu UBND TP gửi đến để làm chứng cứ cho việc chiếm đoạt đất Thái Hà, nếu  căn cứ các tài liệu và văn bản của TP Hà Nội, theo suy luận đơn giản nhất về thời gian chúng ta thấy rằng:

- Ngày 24/10/1961 “Linh mục Bích” ký biên bản bàn giao toàn bộ nhà đất (trừ Nhà thờ) sang Nhà nước quản lý trên diện tích khoảng 60.000m2 (theo quyết định của TP).

- Ngày 9/11/1961 “linh mục Bích” lại kê khai toàn bộ nhà đất nhưng do mình đang quản lý trên 6ha? (Theo chứng cứ TP cung cấp)

- Ngày 10/11/1961 “Linh mục Bích” lại kê khai bàn giao tiếp khu đất trên qua Nhà nước quản lý, kể cả nhà thờ vì toàn bộ chỉ hơn 60.000m2. (Theo chứng cứ TP cung cấp)

- Ngày 24/11/1961 “Linh mục Bích” ký biên bản bàn giao khu đất Thái Hà đất sang Nhà nước quản lý trên diện tích khoảng 60.000m2 (Theo công văn Sở Tài nguyên MT).

- Ngày 27/5/1963 (con số này bị sửa chữa), tức là hai năm sau, “Linh mục Bích” lại tiếp tục có đơn xin bàn giao qua nhà nước thống nhất quản lý với tổng diện tích hơn 60.000m2. (Theo chứng cứ TP cung cấp)

- Ngày 24/12/1991 “Linh mục Bích” có thư gửi HTX Dệt thảm Đống Đa xác nhận nhận 40 triệu đồng của HTX Dệt thảm Đống Đa. (Theo chứng cứ TP cung cấp). Chúng tôi thấy ngày 24/12 là ngày lễ Noel???

Như vậy, theo các văn bản đã nói ở trên, thì “Linh mục Bích” phải có đến hơn 240.000m2 đất tại khu vực Thái Hà để bàn giao qua nhà nước quản lý trong 4 lần ở trong 4 thời điểm khác nhau. Thực tế, đất đai của Dòng Chúa Cứu thế - Xứ Thái Hà cũng chỉ là hơn 60.000m2.

Và tất cả những giấy tờ đó, thì linh mục Bích cũng chỉ là người quản lý, chủ sở hữu vẫn là Dòng Chúa Cứu thế

Tất cả những giấy tờ văn bản trên, tuyệt nhiên không có bất cứ con dấu nào của Dòng Chúa Cứu thế, trừ một văn bản, có chữ ký lạ hoắc thì được đóng hai con dấu khác nhau, chồng lên nhau. Có lẽ, đâu là lần đầu tiên trong đời, tôi thấy được một thứ giấy tờ lạ lùng như thế mà được nhà nước công nhận là chứng cứ pháp lý. Có người hỏi bà giám đốc Xí nghiệp Thảm len thì bà ta khẳng định không đưa cho linh mục Bích một xu nào?

Điều lạ nữa, là văn bản nhà nước luôn khẳng định về cái “Hội nghị bàn giao nhà đất sang nhà nước thống nhất quản lý” vào ngày 24/10 và ngày 24/11/1961 là căn cứ để UBND TP coi đó là ngày mà của nhà dòng thành của nhà nước. Nhưng trong mớ chứng cứ nói trên, không hề có biên bản bàn giao này.

Điều lạ lùng nhất mà khi cung cấp những cái gọi là “chứng cứ” về đất đai nói trên, Nhà nước đã quên một quyết định quan trọng là quyết định số 76/QL-NĐ để giao đất cho Xí nghiệp thảm len, nhưng được ký từ ngày 30/1/1961. Quyết định này được Đài Truyền hình đưa lên để nói: đây là những giấy tờ mà linh mục Bích đã ký hơn 50 năm trước để giao đất cho nhà nước? Phải chăng là họ lại “quên”?

Không, theo tôi, không có chuyện quên đó, nếu thò cái văn bản đó ra, hiển nhiên người dốt nát nhất về luật pháp cũng phải hỏi: Ngày 30/1/1961, TP Hà Nội lấy đâu ra đất để giao cho Xí nghiệp Thảm len 19.296m2. Câu hỏi này thì tôi chắc chắn có ngụy biện, bóp méo giỏi như báo đài nhà nước, cũng không thể trả lời.

Điều mà UBND TP Hà Nội đã không tính đến mà sửa chữa những chữ “quản lý” trong các văn bản nói trên, bởi vì từ QUẢN LÝ hoàn toàn không có đồng nghĩa với từ BÁN, CHO, TẶNG, HIẾN, ĐỔI… hay một từ nào đó tương tự việc chuyển quyền sở hữu tài sản.

Tất cả những giấy tờ kia, chỉ duy nhất bàn giao cho nhà nước quản lý theo đúng chức năng quản lý của nhà nước. Tuyệt đối không phải là sang nhượng, chuyển quyền sở hữu, mua bán, đổi chác…

Riêng từ “quản lý” này. Công văn của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Quận Đống Đa đã định nghĩa rõ. Mời UBND TP Hà Nội xem lại để có thể hiểu được ý nghĩa của từ này.

Khi thực hiện những công việc đó, nếu có, thì “Linh mục Bích” cũng ghi rõ là “Người quản lý” mà thôi. Mà người quản lý, thì đương nhiên là không bao giờ được tự ý định đoạt, bán đổi, cho, hiến tài sản của chủ mình. Nếu có, chỉ là sự ép buộc trong hoàn cảnh bất khả kháng mà pháp luật không bao giờ chấp nhận.

Muốn định đoạt được những tài sản trên bởi “linh mục Bích”, đương nhiên cần phải là ủy quyền của Dòng Chúa Cứu thế và Giáo xứ Thái Hà - chủ sở hữu tài sản đó. Tất cả những ủy quyền trên, UBND TP Hà Nội không hề có.

Cũng cần nói rằng: Hiện nay, tất cả giấy tờ về quyền sở hữu nhà đất ở đây, Dòng Chúa Cứu thế - xứ Thái Hà đều đang nắm giữ. Vậy mà trong một tài liệu cho là của Linh mục Bích ký năm 1963? Thì đã kèm theo các giấy tờ làm bằng chứng gồm có đất đai Nhà thờ Nam đồng?

Điều cần nói nữa mà hình như UBND TP Hà Nội chưa kịp nghĩ đến, hoặc chưa sáng tác kịp đó là khi có người bàn giao, thì đương nhiên phải có người chấp nhận bàn giao? Nhưng tất cả giấy tờ kia, chỉ có một mình “Linh mục Bích” bàn giao quản lý, mà không có bất cứ một văn bản nào của người nhận bàn giao? Trong khi tài liệu ghi rõ: “kể từ ngày được chấp nhận bàn giao”. Vậy thì bàn giao cho ai? Bàn giao để nhằm mục đích gì? Hoàn toàn không có, trên các văn bản, chỉ duy nhất một chữ ký được cho là của “Linh mục Bích”?

Về nguyên tắc biên bản bàn giao, ngoài thời gian, địa điểm, nội dung phải có bên bàn giao, và bên nhận bàn giao.

Nhưng, ở đây thì không, vì thực tế đất đai đã bị cưỡng chiếm từ đầu năm 1961 còn đâu. Không cần giao cũng chẳng cần bàn khi mà thời đó, nhà nước có thể bắt bỏ tù bất cứ người linh mục, tu sĩ, giáo dân nào nếu thấy ngứa mắt mà không cần án. Bao nhiêu người đã chết rũ tù đến bây giờ không biết ở đâu là những chứng cứ hiển nhiên. Dòng Chúa cứu thế Thái Hà cũng không là ngoại lệ .

Vì sao chậm trễ, vì sao lại… đưa ra?

Chắc có lẽ biết rằng, với những “chứng cứ” không thể nói và cơ sở pháp lý như trên cho việc chiếm đoạt đất Thái Hà, nên UBND TP Hà Nội đã kiên quyết không chịu thò nó ra từ xưa đến nay. Dù bên phía Nhà thờ đã kiên quyết yêu cầu theo đúng nguyên tắc pháp luật.

Điều này cũng để giải thích vì sao ngay từ khi Linh mục Bích còn sống, đã nhiều lần khiếu nại nhưng các cơ quan đều bịt tai che mắt mà không hề hồi âm. Đến khi ngài đã chết, thì mới có cái công văn và quyết định rằng: “Linh mục Vũ Ngọc Bích đã bàn giao qua nhà nước quản lý” nhằm để bao biện cho việc chiếm đoạt này. Nếu như đúng là có việc Linh mục Bích đã chuyển quyền sở hữu hợp pháp cho nhà nước, mà còn đòi lại, thì tôi tin là với hệ thống chuyên chính vô sản này, Linh mục Bích có mà… vỡ mồm ngay.

Cũng hiểu điều đó, nên trước khi lìa trần về với Chúa mà chưa hề yên tâm, Ngài đã đứng trước giáo dân cộng đồng mà thể rằng “Đời tôi chưa bao giờ bán, hoặc cho, tặng ai một mét vuông đất của Nhà thờ”. Băng ghi âm, ghi hình của Linh mục Bích giờ vẫn còn ở Giáo xứ Thái Hà, ai muốn xem, xin đến tận nơi.

Vậy vì sao đến lúc này UBND TP đã đưa ra chứng cứ? Chấp nhận việc tranh luận dựa vào chứng cứ, bỏ qua cái cung cách cả vú lấp miệng em “không có cơ sở cho việc đòi lại” như xưa nay vẫn làm. Câu hỏi này, chắc phải dành cho UBND TP Hà Nội.

Nhưng tôi, theo suy đoán của mình qua tìm hiểu, thì ngày 22/8/2008, trong cuộc gặp với Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, linh mục Vũ Khởi Phụng và các linh mục đã đòi được có chứng cứ những giấy tờ liên quan, nếu có chữ ký của Linh mục Bích đã bàn giao, chuyển quyền sở hữu tài sản. Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh đã hứa sẽ báo cáo với TP. Ngày 25/8/2008, đột nhiên công an mời Linh mục Phụng và các linh mục khác (Trừ linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong?) đến để “thương thuyết về đất đai”. Linh mục Phụng và các linh mục khác đều khấp khởi, nhưng khi đến nơi, các vị được cho xem những giấy tờ này và lập biên bản, yêu cầu đưa ảnh tượng về. Linh mục Khải thắc mắc: Có những chỗ không giống lời và chữ viết, chữ ký của Linh mục Bích. Linh mục Phụng yêu cầu cho chúng tôi về nghiên cứu, nếu có biên bản bàn giao chuyển nhượng bởi linh mục Bích và có chữ ký của Ngài.

TP Hà Nội chắc đã vui sướng khi nghĩ rằng: Với những cái gọi là “chứng cứ” trên, lại có chữ ký của “Linh mục Bích” mà họ khẳng định đó là thật, thì chắc các Linh mục Dòng Chúa Cứu thế chỉ có việc im lặng mà vác ảnh tượng về vì chắc các tu sĩ cũng không thể hiểu được tính pháp lý của các văn bản, chắc họ cũng chỉ nghĩ “QUẢN LÝ” = QUYỀN SỞ HỮU mà thôi.

Và ngày 26/8/2008, TP Hà Nội đã chuyển những “chứng cứ” trên. Đồng thời hệ thống truyền thông ra sức tô vẽ, cố nhắm mắt để đánh đồng và đánh lừa nhân dân cả nước rằng “quản lý = quyền sở hữu”. Lại còn “chứng cứ” này được cung cấp ngày 19/8/2008 cho các báo để định hướng lên án, đấu tranh? (Báo HNM)

Nhưng, các cơ quan chức năng đã quá… tưởng bở nên đã đi một bước mạo hiểm.

Khi tiếp xúc với các cái gọi là “chứng cứ” các linh mục mới giãy nãy lên rằng: Các ông nói thế là sai, đây đâu phải là văn bản chuyển nhượng sở hữu, không có cơ sở pháp lý ở những văn bản này. Chuyển nhượng phải có giấy ủy quyền của chủ sở hữu, người quản lý không thể chuyển nhượng.

Và tai hại thay, các tu sĩ lại hiểu được từ QUẢN LÝ không phải là QUYỀN SỞ HỮU, không như hệ thống truyền thông và UBND TP muốn họ hiểu.

Vậy là một công văn trả lời, phản bác, đồng thời vạch ra hàng loạt những mâu thuẫn mà UBND TP Hà nội khó mà trả lời, đi những chứng cứ có tính pháp lý được cấp tốc gửi đến UBND TP Hà Nội và các cơ quan.

Sức mạnh chuyên chính vô sản vào cuộc

Khi phản ứng của Nhà thờ Thái Hà đã rõ việc không chấp nhận những cái gọi là chứng cứ mà không có cơ sở pháp lý cho việc chiếm đoạt kia, đồng thời khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Trong thời gian UBND TP chưa cung cấp được đầy đủ những chứng cứ đủ cơ sở pháp lý để chứng minh quyền sử dụng đất đai, tài sản trên, thì đất đai tài sản trên vẫn đương nhiên thuộc Dòng Chứa cứu thể - Giáo xứ Thái Hà.

Chắc không ngờ trước phản ứng này khi đi một nước cờ mạo hiểm, nên khi mưu chước đó  không thành công, Nhà nước lại sử dụng lại con bài xưa nay của chính quyền: súng, nhà tù. Vậy nên ngày 27/6/2008 Nhà thờ gửi văn bản phản đối, thì ngay lập tức, các phương tiện thông tin đại chúng đã loan tin “Khởi tố vụ án hình sự” tại 178 Nguyễn Lương Bằng. Chiều hôm đó, các giấy triệu tập đã gửi đi.

Tối đó, nhiều khác lạ đã xảy ra trên khu đất đang được mọi người đến cầu nguyện, các chiến sỹ công an đã dọn bàn kê ra ngay giữa đường đi của đoàn Cầu nguyện, cố tình khiêu khích giáo dân, linh mục đang hát Thánh ca bằng những lời lẽ xúc phạm tôn giáo trắng trợn như “tao ra đập nát cái tượng cho xem, có lệnh cái thì đ.m. tao đập tan hết. Chúa gì mà thắp toàn hương muỗi, Chúa đểu, toàn con chiên đểu, dân nhà quê mới lên, mấy thằng điên…” Đến khi tôi hỏi: “Các anh là lực lượng vũ trang nhân dân, mà xúc phạm tôn giáo một cách trắng trợn như thế à” họ lại càng khả ố hơn, “mày có cái máy ghi âm đểu…” và những lời lẽ không thể nhắc lại mà không thấy ngượng với chính mình.

Thực ra, cái quyết định khởi tố không lạ, khi mà hệ thống truyền thông độc tài, độc quyền một chiều đã mất công sức tô vẽ hình ảnh giáo sĩ, giáo dân Thái Hà ngày càng nên gớm ghiếc cho toàn xã hội xem cả mấy tháng nay, luôn kết tội họ “vi phạm pháp luật”…

Những tưởng Nhà nước đã muốn bắt đầu đối thoại dựa trên các cơ sở pháp lý, nhưng chắc khi dùng những chứng cứ mà tự mình thấy đã… thua, thì việc dùng sức mạnh của súng đạn là điều dễ hiểu, vì họ phải… thắng.

Nhưng, người giáo dân thì nói: “về mặt pháp luật, cần phải khởi tố một vụ án chiếm đoạt tài sản đất đai của Dòng Chúa cứu thế - Xứ Thái Hà , và vụ án vi phạm luật đất đai mà giáo dân đã phát hiện. Chính họ mới là những người vi phạm pháp luật trắng trợn, bất chấp pháp lý cũng như đạo lý. Việc chúng tôi đang bảo vệ tài sản của mình là chính nghĩa, việc đập đổ bức tường là chính đáng, vì nó là bức tường trái phép xây dựng trên đất của chúng tôi đã bị chiếm đoạt trái phép”.

Sáng 28/8/2008 một đoàn cảnh sát đông đúc, ào ào như sôi đã đến cưỡng chế ba giáo dân lên Công an. Giáo dân Thái Hà bước vào một thử thách mới.

Như vậy, bước tiếp theo của giáo dân Thái Hà trên còn đường đòi công lý, sự thật quá nhiều gian nan sẽ còn những khúc quanh bi tráng.

Phía Nhà nước, nếu lấy cách hành xử dùng bạo lực, quyền lực để mong che lấp một sự thật, đảo lộn phải trái, trắng đen, thì là một cách đổ dầu vào lửa.

Tôi chợt nhớ đến câu thơ của một nhà thơ dân gian (Lê Mai Đậu) rằng:

“Đẩy người đến chỗ cầm dao
Cha con Bá Kiến, thằng nào cũng… ngu”.

Là những người công giáo, bạn nghĩ gì về những điều đã và sắp xảy ra? Người công giáo phải làm gì để Thái Hà không cô đơn, để công lý, sự thật được sáng tỏ?

Riêng tôi, tôi nguyện cầu cho Hòa Bình sớm được thực hiện, đem an lành vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2008

JB Nguyễn Hữu Vinh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 28.08.2008. 12:48