Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

29 tháng 12: Công an gia tăng các biện pháp ngăn chặn giáo dân đến Toà Khâm Sứ cầu nguyện

§ GB Phan Thanh Bình

(VietCatholicNews 29/12/2007)

Có Gì Lạ Hôm Nay Quanh Vụ Nhà Đất Toà Khâm Sứ?
Nhật ký ngày 28.12.2007

Hà Nội 29.12.2007- Công an gia tăng các biện pháp ngăn chặn giáo dân đến Toà Khâm Sứ cầu nguyện. Không mở cổng. Thêm nhân viên an ninh. Dùng bạo lực đe doạ để cấm cản giáo dân trèo tường vào sắp đặt hương hoa đèn nến. Sinh sự và đòi bắt nguội những người chụp hình cảnh cầu nguyện hai bên phố Nhà Chung…

***

Chuyện quanh chén chè trên hè phố về Toà Khâm Sứ bao giờ cũng làm ấm nóng khoảng trời đông giá lạnh đang vây lấy chúng tôi.

Chính quyền quận Hoàn Kiếm có hoàn lại nhà đất cho Giáo Hội không? Hay vẫn chỉ có “hoàn” “kiếm” cho Giáo Hội mà thôi? Chúng tôi chưa biết và chưa thấy. Nhưng hôm nay có thêm những người quyết tâm dấn thân cầu nguyện cho công lý. Hôm nay trên mạng internet có thêm những bài viết mới liên quan đến vấn đề nhà đất Toà Khâm Sứ. Mỗi người góp một tiếng nói mưu cầu công lý. Đấy là dấu chứng tỏ chân lý đang thắng thế.

Chuyện cầu nguyện đòi đất Giáo Hội đã tiến hành rồi thì không thể dừng lại được cho đến khi lấy lại được nhà đất. Ai cũng thấy như thế. Có ý kiến cho rằng nếu đòi được đất Toà Khâm Sứ thì mới có cơ may đòi được đất ở những nơi khác, do đó giáo dân sẽ tham gia tích cực. Nhưng cũng vì thế, có ý kiến cho rằng chính quyền không ra văn bản trả lại TGM, vì nếu thế họ còn phải trả nhiều cơ sở khác đã chiếm dụng. Có ý kiến cho rằng vấn đề này còn phải tốn nhiều giấy mực và thời gian. Có ý kiến cho rằng phải làm mạnh hơn như phá đổ tường ngăn với TGM, không cho quán phở họat động, ngăn chặn các họat động buôn bán, vui chơi giải trí diễn ra tại Toà Khâm Sứ.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải cầu nguyện liên tục hơn và lâu giờ hơn. Tốt nhất là mỗi ngày một giáo xứ đến hành hương và cầu nguyện, nếu cần thì giáo dân ăn chực nằm chờ để cầu nguyện. “Phải cầu nguyện cho đến khi lấy được mới thôi. Cầu nguyện là vũ khí mạnh nhất và hiệu quả nhất mà người ta không làm gì được. Có điều.”- Một nhà doanh nghiệp kết luận chắc như đinh đóng cột. Ai cũng nghĩ để cho mọi người được thực thi quyền làm con trong Giáo Phận, sau giáo hạt Hà Nội thì sẽ đến lượt các giáo hạt khác như Hà Tây, Hà Nam, Nam Định có phiên cầu nguyện. Khối dân Công Giáo đông đảo của các tỉnh này, nhất là của các giáo xứ lớn đã có kinh nghiệm đấu tranh đòi đất như Sở Kiện, Thạch Bích sẽ góp mặt trong chương trình cầu nguyện.

Liên quan đến vai trò của Đức TGM, một bà nói: “Chuyện cầu nguyện và đòi đất này là chuyện của chúng ta. Lúc này Đức TGM chỉ cần kêu gọi cầu nguyện như thế là đủ rồi. Ngài phải dành thời gian lo những chuyện lớn của Giáo Hội”. Một doanh nhân đến từ Nam Định nói: “Đức TGM có những cách hành xử nhẹ nhàng, khéo léo và sâu sắc. Nhưng nếu để ngài phải trực diện đấu tranh đòi nhà đất thì đấy là sự xỉ nhục đối với chúng ta”. Liên quan đến các cha trong Giáo Phận, nhiều người nói chuyện này cùng với các cha trong Giáo hạt Hà Nội có vai trò quan trọng nhất, thì cần phải có thêm các cha có bản lĩnh và kinh nghiệm như cha Quế ở Thạch Bích, cha Lâm ở Khoan Vĩ, cha Khang ở Xuân Bảng.

Giải tán quán nước chè vỉa hè, chúng tôi đi ngang qua Toà Khâm Sứ, cửa toà nhà chính vẫn đóng, mấy nhân viên bảo vệ bên trong vẫn đi lại bốn chồn và luôn mắt nhìn ngó ra hàng rào bao quanh, quán phở vẫn đông đúc, hè phố phía Toà Khâm Sứ vẫn làm chỗ giữ xe, bảng quảng cáo các sinh họat vui chơi giải trí bên trong được làm mới lại và gắn trên tường rào, lại thêm một số thường dân đứng vật vờ hai bên hè phố theo dõi tình hình và mọi người xung quanh. …

Thế đấy hôm nay Toà Khâm Sứ đang được canh chừng cẩn thận hơn. Nhân viên an ninh bên ngoài lẫn bên trong, xua đuổi và theo đuổi bất cứ ai vào cắm hoa hay dọn dẹp xung quanh tượng Đức Mẹ, hay chụp ảnh trong khu vực. Buổi trưa, người của chúng tôi đi chụp hình cảnh cầu nguyện ở Toà Khâm Sứ thì có một công an đứng ở phố cứ theo dõi chằm chặp.

Lễ chiều, tại các nhà thờ trong Giáo phận Hà Nội, hàng nghìn giáo dân xếp hàng ký tên vào bản kiến nghị lên chính quyền các cấp do Nhóm giáo dân Nhà Thờ Lớn soạn thảo tuần trước. Rất tiếc là chúng tôi không mang máy ảnh theo nên không chụp được, chúng tôi nghĩ rằng sớm muộn sẽ có người gửi đến cho chúng tôi.

Nhìn cảnh tượng hàng nghìn người ta đọc và ký tên vào bản kiến nghị, chúng tôi tin là mọi người sẽ ý thức sâu hơn vấn đề đang diễn ra, sẽ đoàn kết hơn và sẽ có những hành động tích cực hơn.

Chúng tôi tự hỏi không biết tiếng nói và chữ ký của mấy trăm nghìn người trong Tổng Giáo Phận có làm cho những cán bộ liên quan thay đổi quyết định và đi đến chỗ trả nhà đất cho Giáo Hội? Chúng tôi tin là tình hình sẽ thay đổi và người ta sẽ trả lại công bằng cho Giáo Hội, công lý sẽ chiến thắng.

Nhưng để điều ấy xảy ra thì không dễ dàng và chúng tôi còn phải nhiều cố gắng, bởi vì ở giữa Hà Nội này, cũng như trên khắp nước này, nhiều công chức làm việc vô trách nhiệm, lương tâm đã hoá đá không còn cảm thông được với những đau khổ của người dân, lương tri không còn nhạy bén được với cái lẽ phải chăng thông thường, lại chỉ giỏi tham nhũng, ăn chơi và trấn áp dân lành. Một công chức làm ở Viện Kiểm Sát còn nói với chúng tôi: “Chúng tôi biết chế độ này thối nát chứ, chúng tôi biết chính quyền này tham nhũng chứ, nhưng chúng tôi phải vì cuộc sống…”

***

Có nhiều ý kiến cho rằng buổi tối, khoảng 19 h, khi lễ xong ở Nhà thờ Chính Toà, cha Lorenxo Chu Quang Minh, Giám đốc Đại Chủng viện, đã kêu gọi cộng đồng giáo dân xếp hàng kéo ra cầu nguyện với Đức Mẹ Sầu Bi ở bên Toà Khâm Sứ. Có rất nhiều giáo dân đã đáp lời. Người đứng đầy ở hai bên mặt hè phố. Một đoạn đường lại vang lên lời ca tiếng hát nguyện cầu át tiếng xe cộ lưu thông.

Nhiều người đi qua đứng hiệp thông cầu nguyện. Khi người của chúng tôi đang trên đường tiến đi bộ ngược chiều phố Nhà Chung, thì thấy một thanh niên phóng xe tay ga phân khối lớn cố tình lao vào người thợ chụp ảnh, nhưng anh này đã nhanh chân nhảy phắt lên hè phố. Lát sau, anh này đang mải bấm máy cảnh tượng hai bên mặt phố, thì bất thần hai người mặc thường phục lao ra bắt lấy lôi vào vỉa hè. Hai bên giằng co nhau. Chúng tôi đoán hai người kia có lẽ là công an chìm. Lúc ấy, có hai người khác, cũng mắc thường phục lao đến. Hai người này giải cứu anh thợ chụp ảnh và tiếp tục màn đấu khẩu với mấy người kia…

Chúng tôi cầu nguyện cho anh thợ ảnh được bình an và chúng tôi hy vọng rằng mấy nhân viên an ninh chưa thu mất cái máy ảnh của anh và chúng tôi sẽ sớm nhận được các tấm hình mà mọi người mong muốn.

Hà Nội 29.12.2007

GB Phan Thanh Bình

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 29.12.2007. 22:42