Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tràng Chuỗi Mân Côi: Bảo Vật Trìu Mến

§ Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Ông Daniel O'Connel (1775-1847) là chính trị gia Công Giáo nổi tiếng người Ái-nhĩ-lan. Ông tranh đấu giải phóng nước Ái-nhĩ-lan Công Giáo ra khỏi ách thống trị của người Anh. Ông còn là chính trị gia Công Giáo nổi tiếng vì đặc biệt yêu mến lần hạt Mân Côi.

Ông Daniel O'Connel chào đời ngày 6-8-1775 tại Cahirciveen thuộc miền Kerry bên nước Ái-nhĩ-lan trong một gia đình Công Giáo thật đạo đức. Ông tham gia các hoạt động chính trị và được đề cử làm thủ lãnh Hiệp Hội Công Giáo Ái-nhĩ-lan chuyên tranh đấu ôn hòa chống lại sự thống trị của người Anh. Hiệp Hội Công Giáo Ái-nhĩ-lan được thành lập năm 1823. Năm 1828 ông được bầu vào nghị viện Ái-nhĩ-lan mặc dầu bị xem là thiếu tư cách ứng cử! Một năm sau, ông thành công trong dự án giải phóng người Công Giáo Ái-nhĩ-lan. Năm 1841, ông được bầu làm thị trưởng thành phố Dublin. Nhưng ông không dám tách rời Ái-nhĩ-lan ra khỏi Vương quốc thống nhất Anh.

Ngoài những hoạt động chính trị đáng chú ý, ông Daniel O'Connel có một ưu điểm nổi bật, vượt lên trên mọi hoạt động trần thế: ông là tín hữu Công Giáo nhiệt thành. Mỗi ngày, ông tham dự Thánh Lễ và đọc kinh Nhật Tụng. Sau khi ông qua đời, người ta tìm thấy tờ dốc lòng:

- Tránh xa các dịp xấu, dịp tội.
- Mỗi ngày đọc ba kinh TIN, CẬY, MẾN.
- Hàng ngày dành một ít thời giờ để suy niệm.
- Thường xuyên đọc lời nguyện tắt kính ĐỨC MẸ.
- Tránh phạm các tội nhẹ.
- Mỗi ngày sốt sắng cầu xin Chúa ban cho ơn chết lành.

Ông Daniel O'Connel là tín hữu Công Giáo đặc biệt sùng kính Đức Mẹ MARIA. Trong thời kỳ ông làm nghị sĩ, một ngày, nơi nghị viện Ái-nhĩ-lan bàn cãi một vấn đề thật sôi nổi. Vấn đề cần giải quyết vừa khẩn cấp vừa khéo léo. Nhưng chính lúc ấy lại vắng bóng nghị sĩ Daniel O'Connel. Người ta tức tốc đi tìm ông. Một người bạn tìm thấy ông đang quỳ gối lần hạt trong căn phòng vắng. Người bạn tha thiết khẩn nài ông đến ngay phòng họp. Nhưng ông vẫn bình tĩnh quỳ yên tại chỗ và trả lời:

- Hãy để tôi lần xong tràng chuỗi Mân Côi. Chính tràng chuỗi Mân Côi mới có sức mạnh giải quyết vấn đề trầm trọng của đất nước Ái-nhĩ-lan hơn bất cứ diễn văn hùng hồn nào khác!

... Nhân vật nổi tiếng thứ hai có lòng mộ mến tràng chuỗi Mân Côi là văn sĩ Nino Salvaneschi (1886-1968) người Ý. Vào những năm cuối, ông hoàn toàn bị mù. Ông qua đời tại Torino (Bắc Ý) trước sự thương tiếc và khâm phục của mọi người. Cuộc đời mù lòa như được soi dẫn bởi luồng sáng nhiệm mầu khiến ông luôn điềm tĩnh và tươi vui. Luồng sáng nhiệm mầu ấy chính là tràng chuỗi Mân Côi. Tràng chuỗi Mân Côi là bảo vật thiêng liêng thân thương trìu mến không bao giờ lìa xa ông. Người ta luôn luôn trông thấy hình ảnh: các ngón tay ông mân mê lần từng hạt Mân Côi. Trong cuốn “Một đóa hoa dâng Đức Mẹ MARIA” văn sĩ Nino Salvaneschi viết:

Tràng chuỗi Mân Côi bao trùm trái đất trong đợt sóng lời kinh mang tên và dấu hiệu của Đức Mẹ MARIA. Như vậy, khắp nơi nơi trên toàn thế giới và trong mọi ngôn ngữ của vũ trụ đều dâng lên lời kinh “Kính Mừng MARIA”. Lời kinh Mân Côi khiêm tốn đọc lên trong các căn nhà của người nghèo. Tràng chuỗi Mân Côi được lần chung quanh bàn của gia đình. Lời kinh Mân Côi đọc bên giường người đau ốm. Tràng chuỗi Mân Côi của người bị lưu đày, người hưu dưỡng, kẻ bị giam cầm và các bệnh nhân. Kinh Mân Côi đọc lên trong các tu viện để đền bù phạt tạ những thóa mạ cùng xúc phạm đến THIÊN CHÚA và Đức Mẹ MARIA. Lời kinh Mân Côi cầu cho người đi, kẻ ở, cho người đợi chờ và cho kẻ không bao giờ trở lại.

Lời kinh Mân Côi cầu cho người đau khổ, kẻ khóc lóc, người hy vọng và kẻ thất vọng. Kinh Mân Côi xin ơn và tạ ơn. Lời kinh Mân Côi để tiễn biệt người ra đi về thế giới bên kia cũng như để cầu cho các đẳng linh hồn nơi Lửa Luyện Ngục. Sau cùng, tôi nghĩ đến những người vừa tắt thở ra trình diện trước tòa Chúa, trong tay nắm chặt tràng chuỗi Mân Côi. Chắc chắn THIÊN CHÚA tỏ lòng xót thương những linh hồn ấy vì họ có lòng đặc biệt kính mến Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA.

(Evaristo Cardarelli, “Il Santo Rosario”, Edizioni Cantagalli, Siena 1987, trang 39+34)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, 10/07/2010

Đọc nhiều nhất Bản in 10.07.2010. 11:21