Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

3- Sức biến đổi của Lời và Thánh Thể

§ Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Kitô hữu là người của Sách Thánh và Bàn Tiệc Thánh. Trong cả hai, chúng ta tìm thấy nguồn sức mạnh làm chúng ta biến đổi trong Đức Kitô.

Công đồng Vatican II là một cơ hội để người Kitô hữu đổi mới cách hiểu Lời Chúa, đặc biệt sức mạnh biến đổi của Lời và tương quan sống động giữa Lời và Thánh Thể. Về Lời Chúa, tông đồ Phaolô viết:

“Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin. Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết thì bạn sẽ được cứu độ.” (Rm 10:8-9)

Khi Kitô hữu quy tụ để cử hành Lời Chúa và Thánh Thể, họ bắt đầu thực hiện quan điểm cứu độ của Phaolô. Trả lời ba câu hỏi sau đây cho phép chúng ta hiểu được sức mạnh biến đổi của Lời và Thánh Thể trong cộng đoàn Kitô hữu. Thứ nhất, đâu là vị trícủa Lời Chúa trong đời sống của cộng đoàn các Kitô hữu? Thứ hai, Lời Chúa cứu độ chúng ta như thế nào? Và thứ ba, Lời Chúa và Thánh Thể tương quan với nhau như thế nào?

Vị Trí của Lời Chúa trong Đời Sống của Cộng Đoàn Kitô Hữu

Đối với cha tôi, lúc ông ở độ tuổi 70, thì Lời Chúa có một vị trí truyền thống trong cách ông hiểu về đạo công giáo. Khi còn nhỏ, lớn lên trong Giáo Hội, ông nhớ mình đã được dạy không được đọc Kinh Thánh. Quan điểm của cha tôi về đạo công giáo lúc đó là đi dự thánh lễ chứ không phải là đọc Kinh Thánh. Cha mẹ tôi có một cuốn Kinh Thánh to và đẹp để ở bàn uống cà-phê trong phòng khách. Đó là một chỗ thú vị cho họ để giữ cuốn Kinh Thánh. Họ hiếm khi sử dụng phòng khách. Họ thư giãn, nói chuyện và xem truyền hình trong phòng chung của gia đình. Mẹ tôi rất siêng năng phủi bụi bám trên cuốn Kinh Thánh mỗi tuần khi bà quét dọn phòng khách. Cuốn sách bọc da màu đen có hai chữ Kinh Thánh mạ vàng trên bìa với dây kéo cài kín. Nhiều năm trôi qua, vào một dịp hiếm hoi nọ khi chúng tôi ngồi trong phòng khách, tôi chộp lấy cuốn Kinh Thánh, mở dây kéo ra, và thấy các trang sách còn dính vào nhau. Rõ ràng cha mẹ tôi không đọc cuốn sách này! Kinh Thánh chắc chắn là một cuốn sách quan trọng của cha mẹ tôi nhưng không phải là một cuốn sách để đọc.

Một trong những cải cách to lớn của Công Đồng Vatican II là gia tăng việc sử dụng Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội. Giờ đây chúng ta có một chu kỳ ba năm các bài đọc cho những ngày Chúa nhật và lễ trọng, và một chu kỳ hai năm cho những ngày trong tuần. Thêm vào đó, mọi nghi thức bí tích của Giáo Hội bao gồm việc chọn lựa rộng rãi các bài đọc lấy từ Kinh Thánh. Chúng ta là dân của Sách Thánh.Nhưng tác động ảnh hưởng của cuốn sách ấy vẫn còn xa lạ đối với nhiều người, ví dụ như trường hợp của cha tôi, sau Công đồng Vatican II ba mươi năm, cha tôi vẫn không hiểu được tại sao chúng ta phải bỏ ra quá nhiều thời giờ cho Lời Chúa đến thế.

Có một cuốn sách nhỏ rất hay tên là Giảng lễ. Đó là một tập san gồm những bài giảng mẫu chen vào những câu hỏi suy niệm do một số tác giả thuộc Nhà Xuất Bản Huấn luyện Phụng Vụ ở Chicago biên soạn. Trong số các bài được tuyển chọn, có bài của David Philippart, nhan đề “Dân của Sách Thánh”:

“Một cuốn sách có thể là một vật nguy hiểm nếu người ta nghe và sống theo nó. Để kiểm soát dân chúng, Đức Quốc Xã đã công khai đốt những cuốn sách mà họ không thích. Họ cũng đốt các hội đường Do Thái, nhưng đặc biệt chú trọng đến việc đốt các sách thánh của người Do Thái – kinh Tô-ra. Một hội đường Do Thái ở Buffalo, New York ngày nay sử dụng một cuốn kinh Tô-ra bằng da cuộn được bí mật đưa ra khỏi Tiệp Khắc trong thời kỳ nước này bị Quốc Xã chiếm đóng bởi những người Do Thái can đảm liều chết để bảo vệ cuốn sách thánh của họ…

“Ngay từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội, chúng ta là một dân của Sách Thánh. Sách của chúng ta được gọi là sách bài đọc, vì trong đó hầu hết Kinh Thánh được chia thành những phần nhỏ để đọc to lên khi Giáo Hội quy tụ để làm một việc quan trọng như rửa tội, thêm sức, chứng hôn, truyền chức, hoà giải với tội nhân, rửaxức dầu bệnh nhân, mai táng người chết, cử hành Thánh Thể. Chúng ta luôn luôn mở Sách Thánh và đọc trước khi chia sẻ Thánh Thể. Và cùng với Thánh Thể, Sách Thánh làm cho chúng ta được trở nên người như chúng ta là: Lời Chúa đã trở thành xác thịt …

“Có lẽ chúng ta đã lớn lên cùng với Sách Thánh của chúng ta một cách quá tiện lợi cho nên chúng ta xử sự với nó không nghiêm túc. Chúng ta đã nghe đọc Kinh Thánh quá nhiều lần đến nỗi ta không còn nghe thêm được gì nữa. Những bài giảng nói về những điều trong cuốn sách đó nghe như những âm thanh vô hồn. Chúng ta có thể làm được gì đây?”

David Philippart gợi ý rằng chúng ta phải lắng nghe và suy gẫm Lời, lâu dài và chăm chỉ trong cộng đoàn. Tại sao chúng ta phải lắng ngheLời Chúa? Tại sao chúng ta phải suy gẫmLời Chúa? Tín hữu đọc Kinh Thánh để tìm sự nâng đỡ cho đời sống tâm linh của họ vì họ tin vào sức mạnh biến đổi của lời ấy. Nhưng có một sự khác nhau giữa đọc Kinh thánh để biết, và đọc Kinh thánh để biến đổi. Lời Chúa là nơi chúng ta tiếp xúc với mạc khải của Thiên Chúa – bản văn tự nó có tính mạc khải – nó vừa có khả năng vừa có sức mạnh để đưa chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa.

Bản giao hưởng số 5 của Beethoven là một bản nhạc cổ điển. Các dòng nhạc cũng như bản văn của chính bản giao hưởng, nói cho đúng không phải là âm nhạc, đặc biệt đối với một người như tôi dù có nhìn vào bản nhạc cũng không hiểu được ý nghĩa gì. Bản giao hưởng số 5 trở thành âm nhạc khi nó được hòa tấu và được lắng nghe, khi nó chuyển từ một vật thể nghệ thuật sang một công việc nghệ thuật là hòa tấu và lắng nghe. Cũng thế đối với Kinh Thánh. Bản văn Tin Mừng của Gioan tự nó không phải là Tin Mừng. Nó trở thành Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô khi được công bố và lắng nghe. Kinh Thánh chuyển từ chỗ là một vật thể nghệ thuật đến một công việc nghệ thuật khi được công bố, lắng nghe và giải thích. Khi thế giới của Tin Mừng trở thành thế giới của người đọc quá đến nỗi người ấy thường xuyên trở thành một phần của thế giới Tin Mừng, đó là một cuộc hoán cải. Chính trong ý nghĩa này mà Lời Chúa thành Lời cứu độ và biến đổi trong cộng đoàn Kitô hữu.

Một trong những thách đố lớn nhất mà các môn đệ của Đức Giêsu phải đối đầu sau khi Người chết là nhiệm vụ thuyết phục người ta tin rằng Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia. Dẫu sao thì câu chuyện về Đức Giêsu Nazaret không thuyết phục lắm. Nó không chỉ là một câu chuyện về ân sủng giải thoát mà còn là một câu chuyện bi thảm. Các môn đệ của Đức Giêsu phải đối diện với thách thức to lớn là làm sao cho người ta hiểu rằng Lời cứu độ của Thiên Chúa là một Lời biến đổi. Họ phải đối diện với thách đố làm sao chứng minh rằng ân sủng giải thoát đến từ bi kịch.

Theo một ý nghĩa nào đó đời sống của Đức Giêsu Nazaret là một bi kịch. Sự đau khổ và cái chết của Người là những biến cố lịch sử có thật. Nhưng các môn đệ của Đức Giêsu, và sau đó lịch sử của Kitô giáo, đã giải thích biến cố ấy theo một đường lối khác về ý nghĩa. Đức Giêsu Nazaret đã trở thành Đức Kitô của lòng tin. Ngôi Lời Chúa đã cứu độ tất cả chúng ta. Thảm kịch đã trở thành ơn giải thoát. Lời Chúa là Lời cứu độ trong đời sống của cộng đoàn Kitô hữu. Như thánh Phaolô đã nói: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10:8-9). Thảm kịch đã trở thành ân sủng giải thoát. Lời cứu độ của Thiên Chúa được nói trong sự thật và trong tình yêu để chúng ta được sống. Lời cứu độ của Thiên Chúa ở ngay trung tâm đời sống của cộng đoàn Kitô hữu bởi vì chỉ có Lời mới ban cho chúng ta sự sống.

Lời Thiên Chúa Cứu Độ Chúng Ta Thế Nào?

Kitô hữu tin rằng hoạt động cứu độ của Thiên Chúa như tuyển chọn, Xuất Hành, hội họp, giao ước và Vượt Qua được hoàn thành và đưa đến chỗ viên mãn trong sứ vụ, cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Những dụ ngôn là những câu chuyện xoay quanh những chất liệu thông thường của kinh nghiệm con người và hướng về những mầu nhiệm của cuộc sống con người. Những dụ ngôn không nói nhiều về các biến cố có thật trong lịch sử, nhưng đúng hơn nói về những kinh nghiệm có thật của con người một cách sâu sắc.

Nhiều Kitô hữu đã có kinh nghiệm đọc hoặc nghe đọc một vài dụ ngôn của Đức Giêsu và nghĩ rằng: “Câu chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì cả!” Điều đó cũng giống như kinh nghiệm khi chúng ta suy nghĩ lại cuộc đời mình và tự nhủ: “Đời tôi chẳng có ý nghĩa gì.” Dụ ngôn của Đức Giêsu, giống như chính cuộc sống, thường để lại cho chúng ta những câu hỏi hơn là những lời giải đáp. Kinh nghiệm con người có hình thức như một câu chuyện có sẵn. Đời sống chúng ta không thể hiện trong hệ quả luận lý nhưng trong mầu nhiệm của câu chuyện. Như giáo sư thuyết giảng Robert Waznak đã nói:

“Chúng ta bắt đầu một ngày không phải với một kết luận hay một đề tài, nhưng với một sự khởi đầu và một niềm hy vọng. Kể cả khi ngày đã tàn và chúng ta chìm vào giấc ngủ, chúng ta mơ những giấc mơ không phải từng điểm một, nhưng có hồi, có đoạn tuần tự như trong một câu chuyện. Chúng ta không bắt đầu câu chuyện tiếu lâm với điểm thú vị nhất trong câu chuyện, nhưng với những nhân vật, những biến cố, và những hành động dẫn đến điểm thú vị nhất đó. Chúng ta không khám phá bí ẩn một vụ giết người và đọc ngay trên trang nhất rằng vụ giết người do người quản gia thực hiện; lý do mà chúng ta gọi nó là “vụ giết người bí ẩn” đó là vì tính chất phiêu lưu của câu chuyện làm chúng ta ngạc nhiên, và thôi thúc chúng ta phải đọc cho đến đoạn kết, để sau cùng chúng ta khám phá ra ai là kẻ sát nhân thật. Một dụ ngôn không bắt đầu bằng một câu đạo đức như: “Ai nâng cao mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng cao.” Dụ ngôn bắt đầu như mọi câu chuyện cổ điển: “Một lần kia có hai người, một người Pha-ri-siêu và một người thu thuế lên đền thờ để cầu nguyện…” Dụ ngôn làm chúng ta hồi hộp; chúng biểu lộ một lời hứa và một định hướng cho tương lai, nhưng chúng không nói lời cuối cùng. Chúng ta không kể những câu chuyện (đặc biệt những câu chuyện trong Kinh Thánh) để chứng tỏ một quan điểm nào đó hay đưa ra một bài học luân lý, nhưng để vạch ra một cách nhìn mới về cuộc sống, một cách “nhìn trong bóng đêm.”

Mục đích ban đầu của những câu chuyện tôn giáo trong Kinh Thánh là để biến đổi chúng ta. Chúng ta biết rằng đời sống của chúng ta được cứu và được biến đổi không phải nhờ những ý tưởng mà nhờ đức tin sống động.

Đức Giêsu trình bày chiều kích mầu nhiệm của tuyển chọn, giao ước và quy tụ trong những dụ ngôn của Người. Dụ ngôn về con chiên lạc (Lc 15:1-7) và đứa con đi hoang (Lc 15:11-32) đưa chúng ta vào mầu nhiệm của việc hội họp thành cộng đoàn, được Thiên Chúa tuyển chọn trong giao ước với Người. Người mục tử đã bỏ lại 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc không phải để đưa ra bằng chứng hùng hồn về việc chăm sóc đàn chiên cẩn thận, nhưng đúng hơn là để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu sẵn sàng mạo hiểm vượt qua những rào cản của lý luận bình thường của thế gian. Dụ ngôn về người con đi hoang cũng không nhằm ám chỉ việc trung tín hay bất trung với cha mẹ, nhưng đúng hơn là nhằm trình bày một mầu nhiệm sâu xa hơn, đó là lòng thành tín đôi khi bao hàm cả sự không thành tín. Đi hoang, đi lạc nói chung là không vui vẻ cũng chẳng tốt lành gì, tuy nhiên đó lại là kinh nghiệm không tránh khỏi của con người. Được tìm thấy và cứu thoát khỏi hố sâu của tính ích kỷ và tội lỗi là một kinh nghiệm sâu xa của con người mà ít người trong chúng ta có thể sống còn mà không biết đến. Lời Chúa cứu độ chúng ta rõ ràng là vì chúng ta đã lạc mất, và không thể tự cứu được mình. Ơn cứu độ chỉ đến khi chúng ta nhận ra rằng mình đã đi lạc, và chỉ khi chúng ta mở lòng mình ra để được tìm thấy.

Câu chuyện Xuất hành của dân Do Thái là một kiểu mẫu cho cuộc hành trình cứu độ của người Kitô hữu chúng ta. Điều thú vị là Thiên Chúa đã chọn dân Do Thái, tập họp họ ở Núi Xi-nai và lập một giao ước với họ. Một vài văn sĩ tiên khởi của Giáo Hội tin rằng sa mạc, nơi hoang vắng đã được tạo dựng như có giá trị tối thượng trong con mắt của Thiên Chúa chính vì nó không có giá trị với dân. Hoang mạc là vùng đất luôn bị dân bỏ không vì nó không đem lại cho dân sản vật gì. Không có gì lôi cuốn họ, cũng không có gì cho họ khai thác ở đó.

Hoang mạc là nơi dân Do Thái đã đi lang thang trong bốn mươi năm, chỉ một mình Thiên Chúa chăm sóc họ. Họ có thể đến được đất hứa trong vòng mấy tháng nếu họ đi thẳng một mạch đến đó. Nhưng kế hoạch của Thiên Chúa là họ phải học yêu thương Thiên Chúa trong hoang mạc, và phải luôn luôn nhìn lại thời gian trong hoang mạc như là thời kỳ đằm thắm trong tương quan giữa họ với Thiên Chúa. Sa mạc đơn giản được tạo dựng để nó là nó, chứ không phải để dân biến đổi nó thành một cái gì khác.

Sa mạc là nơi ở lý tưởng cho những người không tìm kiếm gì ngoài chính mình – những tạo vật cô tịch, khó nghèo, và chỉ lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa. Chỉ trong cuộc Xuất Hành vào sa mạc, chúng ta mới biết mình lệ thuộc vào người khác và như thế làm chúng ta trở thành một dân tộc, chúng ta biết mình lệ thuộc vào Thiên Chúa và như thế làm mình thành một dân tộc tri ân. Chỉ trong cuộc Xuất Hành vào sa mạc, nơi cô tịch và trống rỗng, ít tiếng ồn ào và nhiều nỗi thất vọng mà chúng ta mới có thể mở trí óc và tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa, để Lời nuôi dưỡng và để luôn biết rằng chỉ duy nhất mình Thiên Chúa là niềm hy vọng và sự cứu độ của chúng ta.

Tin Mừng nói với chúng ta rằng Đức Giêsu dành phần lớn thời gian trong sa mạc để thông hiệp với Chúa Cha. Điều đó không có nghĩa là Đức Giêsu không thể tìm thấy Thiên Chúa trong các thành phố và thị trấn, trong dân chúng và những biến cố của đời sống hàng ngày, nhưng muốn nói rằng Người cần khám phá điều gì Người thật sự mong ước khát khao. Sự cô tịch trong sa mạc chữa lành những ham muốn danh vọng và của cải, tình bạn và tình yêu, thành công và đặc quyền.

Người đàn ông là nạn nhân của vụ cướp bóc và hành hung khi đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô (Lc 10:25-37) lẽ ra có thể trông cậy vào thầy tư tế và thầy Lêvi hơn là vào người Samari đã đến giúp đỡ anh ta. Hiếm khi người ta tin tưởng sự cứu độ có thể đến từ kẻ thù của mình. Một đôi khi niềm hy vọng của chúng ta được đặt sai chỗ. Trong sa mạc, chất đầy cái trống không và cạn kiệt vì thất vọng, chúng ta khám phá ra rằng chỉ trong Thiên Chúa niềm hy vọng của chúng ta mới được nghỉ yên. Khi đi lang thang trong sa mạc và dần dần trở nên một với sự im lặng, tâm hồn chúng ta sau cùng mở ra để đón nhận Lời Chúa. Lời cứu độ của Thiên Chúa biến đổi chúng ta thành một dân được tuyển chọn và tập họp và để hết tâm trí vào việc góp phần trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới.

Giáo Hội là dân Thiên Chúa tụ họp lại để lắng nghe và giữ trong lòng Lời cứu độ của Thiên Chúa qua việc dấn thân đạo đức của tập thể và tác vụ. Giữa dân Thiên Chúa này, có nhiều chức vụ và vai trò khác nhau, nhưng chỉ có một tinh thần và mục tiêu như Phaolô viết:

“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra cho mỗi người một cách là vì ích chung.”

“Thân thể người ta chỉ có một nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận thân thể tuy nhiều nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-Thái hay Hy- Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đều đã đầy tràn một Thần Khí duy nhất.” (1 Cr 12:4-7, 12-13)

Do đó, khái niệm Kinh Thánh về tụ họp nhau lại chính là chìa khóa và khái niệm nền tảng trong cách hiểu của chúng ta về Giáo Hội. Chúng ta là Giáo Hội trọn vẹn nhất khi chúng ta quy tụ nhau lại thành một dân chung quanh Thánh Thể. Dù sao cuộc họp mặt ngày Chúa nhật để cử hành Thánh Thể là hoạt động lâu đời nhất của Giáo Hội.

Những người đầu tiên theo Đức Giêsu tiếp tục thực hành việc tham gia hội họp trong hội đường các ngày Sa-bát, và gặp nhau để cử hành Thánh Thể tối thứ bảy và sáng Chúa nhật. Khi Giáo Hội sơ khai bắt đầu hiểu rõ bản sắc độc nhất của mình thì các cuộc họi họp ngày Sa-bát dần dần bị bỏ, chỉ còn lại các cuộc hội họp Thánh Thể ngày Chúa nhật như đặc trưng để phân biệt cộng đoàn Kitô giáo với các nhóm hay các cộng đoàn khác. Họ hội họp vào ngày đầu tuần vì đó là ngày Thiên Chúa bắt đầu công trình tạo dựng vũ trụ và cũng là ngày Đức Giêsu chỗi dậy từ trong kẻ chết.

Hội họp Thánh Thể ngày Chúa nhật, tức ngày đầu tuần, rất quan trọng với các Kitô hữu vì họ sống trong một thế giới bị phân tán. Các Kitô hữu không phân biệt với những người khác bởi quốc gia, ngôn ngữ, y phục hay chủng tộc. Dù là đàn ông hay đàn bà, nô lệ hay tự do, Do Thái hay dân ngoại, tất cả đều được tham gia các buổi hội họp. Người Kitô hữu không đánh mất bản sắc của mình khi sống trong những điều kiện này là nhờ các cuộc hội họp Thánh Thể ngày Chúa nhật.

Hội họp Thánh Thể ngày Chúa nhật gồm có hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Phụng vụ Lời Chúa, một sự thích nghi các nghi thức của Hội đường ngày Sa-bát, nhằm chuẩn bị cho cộng đoàn mở tâm trí mình ra cho Lời cứu độ của Thiên Chúa. Phụng vụ Thánh Thể, một thích nghi hoạt động của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly và nhiều bữa ăn huynh đệ khác, nhằm chuẩn bị cho cộng đoàn mở tâm trí mình ra cho hoạt động cứu độ của Thiên Chúa – lấy chất liệu từ trong đời thường của con người là bánh và rượu, để tạ ơn Thiên Chúa, bẻ ra và phân phát cho mọi người hiện diện; hy lễ của cuộc sống được bẻ ra và chia sẻ để tưởng nhớ đến Đức Giêsu.

Trong lúc các Kitô hữu tìm thấy trong cộng đoàn tương quan yêu thương và tình bạn hữu, thì sự gắn bó hài hòa hiệp nhất khi cử hành Thánh Thể là niềm vui mà đức tin đem lại. Những người hội họp để cử hành Thánh Thể một cách nào đó phải chống lại trật tự xã hội đang ngự trị trong đời sống thường ngày của họ. Giàu hay nghèo, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, bạn bè hay ngoại kiều, Do Thái hay Hy lạp, tất cả đều để ra bên ngoài những quy tắc văn hóa, chính trị và kinh tế để hiệp thông với nhau trong cộng đoàn yêu thương. Hội họp Thánh Thể tạo nên một Giáo Hội hữu hình là cộng đoàn yêu thương.

Bản chất cội nguồn của việc hội họp Thánh Thể ngày Chúa nhật đã được mô tả dưới hình thức bi kịch trong dụ ngôn về ngày phán xét các dân tộc (x. Mt 25:31-46). Trong câu chuyện tuyệt vời ấy, các môn đệ tiến gần đến Đức Giêsu với một câu hỏi thương tâm: Ai sẽ được cứu? Họ muốn biết việc cứu độ và phán xét dựa trên những tiêu chuẩn nào. Đối với những người Do Thái thông thường, như Đức Giêsu và các môn đệ, câu trả lời khá rõ ràng: dân Do Thái là dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Thiên Chúa đã ký giao ước với dân này. Thiên Chúa đã kêu gọi họ sống đời thánh thiện khi thực hành Luật và những nghi thức quy định trong sách kinh Tô-ra. Nhưng Đức Giêsu không trả lời theo cách thông thường mà họ mong đợi. Thay vào đó, Người kể một câu chuyện.

Tất cả mọi dân tộc trên thế giới đều được mời gọi quy tụ lại bên Thiên Chúa. Và tiêu chuẩn cho các thành viên trong cuộc họp mặt này không phải là luật pháp hay nghi thức mà kinh Tô-ra quy định. Nhưng tiêu chuẩn ấy còn phổ quát, nhiều yêu sách và thách đố hơn – cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người rách rưới áo quần, chăm sóc người bệnh và thăm viếng tù nhân. Lời cứu độ của Thiên Chúa biến đổi tất cả mọi sự mà chúng ta đã từng học và hiểu như là chân lý.

Cộng đoàn hội họp có nghĩa là tình bạn hữu và sự hiệp thông trong Chúa Giêsu Kitô – một tình bạn hữu và hiệp thông không giới hạn. Cộng đoàn hội họp không có nghĩa là gia đình hay nhóm bạn, nhưng là một tình thương yêu phổ quát cho tất cả mọi người hiểu được chân lý của việc nuôi dưỡng người đói khát, chăm sóc bệnh nhân và thăm viếng tù nhân đơn giản chỉ vì họ là con người và đang có nhu cầu. Hội họp Thánh Thể loại bỏ việc đối xử phân biệt do đặc quyền, đặc lợi, quyền hành, quy chế, giới tính, giống nòi và khả năng, để chú tâm đến Lời cứu độ của Thiên Chúa, Lời nói với tất cả mọi người đang sẵn sàng lắng nghe và giữ trong lòng sức mạnh biến đổi của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta và tình yêu của chúng ta đối với nhau.

Lời Thiên Chúa cứu chúng ta bởi cuộc Vượt qua của Đức Giêsu Kitô cũng như Thiên Chúa đã cứu dân Do-Thái bởi cuộc Vượt Qua, đưa dân từ cảnh nô lệ trong xứ Ai Cập đến tự do trong miền đất hứa. Vì thế, Thiên Chúa cứu mọi dân tộc bởi cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô khi Người mời gọi chúng ta vượt qua tình trạng nô lệ cho tội lỗi và ích kỷ đi vào trong đời sống tự do được sống trong tình yêu thương. Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô cứu chúng ta qua việc tuyển chọn, xuất hành, hội họp, giao ước và Vượt Qua. Thiên Chúa cứu chúng ta qua Lời giải thoát được nói trong Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa cứu chúng ta qua tình yêu không điều kiện – một tình yêu được nói qua Lời của Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa cứu chúng ta khi chúng ta hội họp để cử hành Thánh Thể, khi chúng ta tụ họp quanh bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể để cảm tạ việc chúng ta được kêu gọi để chia sẻ và dâng hiến đời sống chúng ta theo gương Đức Giêsu trong việc trao ban chính bản thân mình.

Tương Quan giữa Lời Chúa và Thánh Thể

Những suy tư trên đây về vị trí của Lời Chúa trong cộng đoàn Kitô hữu và về phương thế mà Lời cứu độ chúng ta dẫn đến một vài kết luận mà tôi tin là có thể giúp chúng ta hiểu rõ bản sắc của giáo hội chúng ta hôm nay, đặc biệt trong ánh sáng giáo huấn và canh tân của Công Đồng Vatican II. Thật vậy, đó là những thách đố mà chúng ta với tư cách giáo hội của Đức Giêsu Kitô phải đương đầu.

Trước hết, như tôi đã nói, chúng ta là dân Thiên Chúa hay Giáo Hội trọn vẹn nhất khi chúng ta quy tụ để cử hành Thánh Thể. Việc chúng ta hội họp trước Thánh Thể có nghĩa chúng ta là một dân được quy tụ và là một biến cố trong đời sống của dân. Là một dân được quy tụ, chúng ta thừa nhận chính Thiên Chúa đã tụ họp chúng ta trong cộng đoàn này. Chúng ta thực hiện căn tính của mình là Giáo Hội khi chúng ta cùng nhau quy tụ. Một khi được Thiên Chúa quy tụ thì việc hội họp là một biến cố quan trọng trong đời sống của cộng đoàn chúng ta. Chúng ta cùng quy tụ để nghe Lời cứu độ của Thiên Chúa – chúng ta lắng nghe, suy gẫm và cùng đối đáp. Lời Chúa không nói cho những cá nhân nhưng cho một dân tộc. Chúng ta được Lời đó biến đổi trong một cộng đoàn.

Thứ hai, lời mời gọi của Thiên Chúa mở rộng cho mọi dân tộc, đặc biệt cho những người bị gạt ra ngoài lề. Lời cứu độ của Thiên Chúa do đó là lời bao gồm và cũng là lời quy tụ. Theo gương sáng của Đức Giêsu, tình yêu thương của chúng ta không có biên giới – người bệnh được chữa lành, người tội lỗi được tha thứ, và những rào chắn nhằm loại bỏ tất cả các tầng lớp dân chúng đều bị phá bỏ. Sứ mạng của Giáo Hội là triệu tập và bao gồm tất cả mọi người vào trong cộng đoàn.

Thứ ba, chúng ta hội họp thành Giáo Hội chung quanh Thánh Thể để cùng nhau thực hiện điều Chúa kêu gọi chúng ta thực hành – đó là yêu Thiên Chúa và yêu thương nhau. Nhưng chúng ta biết rằng khi quy tụ để cử hành Thánh Thể, chúng ta phải đương đầu với nhiều thách đố. Phaolô đã liệt kê: “Như thế, bộ phận tuy nhiều nhưng mà thân thể chỉ có một…. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.” (1 Cr 12:20-26). Trong một thế giới mà chủ nghĩa cá nhân được đề cao thì hội họp cử hành Thánh Thể trình bày một viễn cảnh hiệp nhất trong đa dạng.

Khi quy tụ chung quanh Thánh Thể, chúng ta cùng nhau cầu xin những ơn lành của Thiên Chúa và cầu nguyện cho mọi dân tộc trên thế giới. Chúng ta cùng nhau lắng nghe lời cứu độ của Thiên Chúa và suy gẫm lời ấy. Chúng ta cùng nhau đón nhận mình và máu Đức Kitô và từ đó chúng ta ra đi để yêu thương và phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Trong cộng đoàn cử hành Thánh Thể chúng ta được kêu gọi vượt qua những gì làm chúng ta khác biệt, phân cách với nhau để tìm cách diễn tả điều làm chúng ta nên một, điều làm chúng ta thành thân thể của Đức Kitô. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến với cộng đoàn cử hành Thánh Thể, vì chỉ trong cộng đoàn ấy– với tư cách là dân được tuyển chọn và thánh hiến của Thiên Chúa – mà chúng ta cảm nghiệm được ơn cứu độ.

Thứ tư, khi quy tụ để cùng nhau cử hành Thánh Thể, chúng ta nhận biết sự thật về sự hiện hữu của con người, chúng ta là một dân đói khát. Trong hoang mạc, chúng ta cũng sẽ nhận biết rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn cơn đói khát của chúng ta. Chúng ta là một dân của Sách Thánh, và lời của sách này là của ăn, của uống cho chúng ta.

Khi chúng ta ngồi trong cộng đoàn đang quy tụ, những người được ủy nhiệm mở Sách Thánh và công bố sứ điệp mà chân lý đã được xác nhận qua nhiều thế hệ các tín hữu. Bảng tóm lược lịch sử ơn cứu độ bắt đầu với câu chuyện của dân tộc Do Thái, tiếp tục với câu chuyện của Đức Giêsu, và tiến lên với câu chuyện của Giáo Hội. Qua truyền thuyết, huyền thoại, lịch sử, gia phả, luật pháp, phong tục, châm ngôn, lời tiên tri, dụ ngôn, thư tín và những bài ca, chúng ta nghe câu chuyện một Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương một dân tộc, một Thiên Chúa đã chọn một dân tộc để có thể mạc khải cho tất cả mọi người Thiên Chúa là ai, và Người yêu thương chúng ta như thế nào.

Đó là những câu chuyện của chúng ta. Chúng nói về chuyện đời sống chúng ta. Khi chúng ta quy tụ trong đức tin để cử hành Thánh Thể, để nghe và suy gẫm lời cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta biết mình đã trở về nhà.

Kết Luận

Nếu chúng ta tin rằng sự hiện diện của Thiên Chúa luôn luôn là hiện diện để cứu độ, thì khi hội họp trước Thánh Thể để nghe và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta biết rằng mình đang được cứu độ và biến đổi. Khi cùng nhau đến trong một cộng đoàn đức tin, khi quy tụ trước Thánh Thể để nhận Mình và Máu Đức Kitô, khi từ cộng đoàn cử hành Thánh Thể ra đi và đến với người khác với một tình yêu thương không điều kiện, đó là lúc chúng ta đang được cứu độ và biến đổi. Khi chúng ta phá bỏ những tường rào chắn và bắc những nhịp cầu nối liền mọi tương quan của chúng ta với nhau, khi chúng ta tìm kiếm chân lý trong Thiên Chúa, đó là lúc chúng ta và thế giới đang được cứu độ và biến đổi.

Gregory Klein, OCarm

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS
Chuyển ngữ, tháng 4-2005

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 15.03.2006. 06:14