Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Truyện một chiếc cầu

§ Joseph Vũ

Nói đến cầu đường tôi lại nhớ lời của Đức Thánh Cha Phanxicô XVI nhắn gởi vị Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ là Donald Trump vắn gọn thế này: Người Kitô Hữu cần xây cầu hơn là xây tường.

Đức Thánh Cha không giải thích gì thêm, nhưng một cách đơn giản tôi nghĩ bức tường thì để canh giữ bảo vệ, còn chiếc cầu thì để giao lưu hiệp thông. Tường thì đóng kín để co cụm, còn cầu thì mở rộng để đối thoại. Có lẽ Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan vào cuối thế kỷ trước cũng đã suy tư về Giáo Hội với hai phạm trù tương tự như trên nên ông đã viết “Đường Hay Pháo Đài”.

Gần đây trong miền đất của Giáo Phận Long Xuyên, người ta mới xây dựng hai chiếc cầu khá lớn và rất đẹp. Đó là Cầu Cao Lãnh và Cầu Vàm Cống. Cầu Cao Lãnh nối liền TP Cao Lãnh với huyện Lấp Vò do nhà thầu Cửu Long ICPM, CRBC, và Vinaconex E&C(Mỹ, Phần Lan, Hàn Quốc, và Việt Nam) xây dựng và đã được khánh thành ngày 27 tháng 5 năm 2018. Còn cầu Vàm Cống nối bờ Lấp Vò, Đồng Tháp với bờ Thôt Nốt, Cần Thơ do các nhà thầu Hàn Quốc xây dựng chưa được hoàn tất vì có một vết nứt lớn chưa được khắc phuc trên dầm thép số P29.

Trong Địa Phận Long Xuyên còn có một chiếc cầu mới được khởi công xây ba hay bốn năm trước. Cầu này chưa được chính thức khánh thành, nhưng đã được đem vào xử dụng. Cầu này chưa có tên gọi, nhưng lại rất nhiều người biết. Cầu do một người xây mà người ấy lại không phải kỹ sư cầu đường. Lạ chưa?

Cầu chỉ có một nhịp, nhưng lại là chiếc cầu dài nhất thế giới vì nó bác ngang Thái Bình Dương, từ Á Châu sang Úc Châu rồi vòng qua Mỹ Châu. Gọi cầu ấy là cầu treo, hay cầu phao, hay cầu đúc, hay cầu quay, hay cầu tre gì cũng được vì mọi người đều có thể qua lại hai chiều trên cầu một cách thoải mái.

Chưa hết. Cầu không cao để lái xe trong mây như cầu Millau bên Pháp vì nó được xây dựng bằng một loại cốt khiêm tốn. Cầu không dốc như cầu Eshima Ohashi bên Nhật, hay đáng sợ như cầu kiếng Hongyaqu bên Tầu vì nó được xây bằng thứ xi măng hiền lành. Cầu không đắt tiền như cầu Thủ Thiêm với 1000 tỉ/km, nhưng lại đáng quí hơn nhiều vì nó được xây bằng bê tông can đảm . Nó cũng thu hút được nhiều du khách như cầu Hoàng Diệu ở tp Long Xuyên vì nó đã được đúc luyện với lòng nhiệt thành.

Thực ra cầu Vàm Cống chưa hoàn tất thì các chiếc bắc, phà, ghe, tầu, thuyền vẫn có thể đưa người, xe, và hàng hóa qua sông vui vẻ và an toàn, nhưng người ta vẫn mong cầu mới sớm được xử dụng.

Caulx.jpg

Kỹ thuật và văn minh không thể dừng lại được là thế. Iphone5 thì phải có Iphone9. Window7 phải đến Window10. Đến một lúc chiếc cầu Vàm Cống phải được bác.

Thuở xưa Đức Kitô vừa là bàn thờ, vừa là tư tế, và vừa là lễ vật. Ngày nay Đức Cha Trần Văn Toản vừa là người xây cầu vừa là chính chiếc cầu “kỳ lạ” mà tôi nói ở trên.

Khi cầu Cao Lãnh đựoc khánh thành, mọi người đều vui mừng, nhất là dân chúng ở gần hai bên bờ sông. Người lớn và trẻ con hân hoan chào đón. Nông dân và thương gia cười vui ngập lòng.

Đức Cha Toản hiện đang có mặt ở Houston, Texas. Có lẽ đây là lần thứ bốn Ngài sang thăm Hoa Kỳ. Từ khi Ngài có mặt ở Hoa Kỳ, giáo dân gốc địa phận Long Xuyên ở đây như ấm lòng hơn, và các vị chủ chăn xa quê cũng như thấy gần gũi với giáo phận mẹ hơn.

DchToan.jpg

Nhìn về phía bên kia cầu, Đức Cha Trần Xuân Tiếu chắc phải vui mừng lắm vì đã nhiều lần Ngài dự định sang thăm Hoa Kỳ, nhưng sức khỏe đã không cho phép. Nay đã có đàn em/đàn con làm công việc nối kết thay cho mình. Thật còn gì vui hơn. Làm Giám Mục vui những lúc nào? Không làm Giám Mục nên tôi không biết, chỉ suy đoán qua khuôn mặt của Đức Cha Nguyễn Khắc Ngữ. Ngài cười vui tươi rạng rỡ những ngày tựu trường khi các chủng sinh sang tòa giám mục bái chào, Ngài cười dịu dạng thân ái khi sang chủng viện huấn đức cho các chủng sinh mỗi chiều Chúa Nhật. Ngài cười hớn hở lạc quan khi nói truyện riêng với một chủng sinh khi ‘một chú’ được lên lớp hoặc khi ‘một thầy’ được thăng chức. Ngài cười thánh thiện khi xưng tội với một tân linh mục. Có lẽ Ngài vui vì thấy có người nối tiếp con đường mình đã mở, và mừng vì trên đồng lúa Long Xuyên có thêm nhiều thợ gặt.

Còn Đức Cha Bùi Tuần chắc sẽ phải lạc quan hơn nhiều vì tính Ngài vốn hay thao thức. Trong dịp tiến đưa Đức Cha Ngô Quang Kiệt ra Lạng Sơn, Ngài chia sẻ: bây giờ đã đến lúc những vị Giám Mục trẻ tuổi bước lên và ra đi vào những miền vùng sâu và xa. Gặp Ngài lần cuối vào tháng 7 năm 2017 trong dịp mừng Ngài thượng thọ 90 tuổi, Ngài than với tôi: Cha thấy thế giới ngày hôm nay thật đáng sợ với chủ nghĩa dân tộc. Người ta cứ nhân danh dân tộc để chèn ép và đè bẹp những người hèn yếu, để khép kín và thượng tôn chính mình. Hai cha con chúng tôi hôm ấy nói đến Hán Tộc, Anh Tộc, Việt Tộc, Khmer tộc, rồi Mỹ Tộc…rồi cứ phảng phất một chút chính trị, một chút tôn giáo, và một chút đời thường như vậy khá lâu, cuối cùng tôi hỏi Ngài: Vậy Đức Cha nghĩ sao trước làn sóng Hán Tộc? Ngài bảo: Cha hay nói với mọi người và nói ngay cả với chính quyền rằng chỉ có Chúa mới làm được điều mà con người không thể làm.

Hôm nay ít nhất một chiếc cầu đã đuợc bác cho Giáo Phận Long Xuyên. Cầu này miễn phí 100%. Không có trạm BOT “thu phí” bên bờ Đông hay trạm BOT “thu giá” ở bờ Tây. Hãy tận dụng cây cầu này để nối kết và để chia sẻ. Hãy vui bước lên cầu này để không còn bi quan cho rằng bạn hôm nay có thể là thù ngày mai. Hãy tung tăng bước trên cầu để lạc quan nghĩ rằng thù ngày xưa đang là bạn ta ngày hôm nay.

Viết đến đây thì điện thoại của tôi reng. Chị Hằng gọi:

- Về buổi tiệc với Đức Cha Phó Trần Văn Toản ở Santa Ana ngày 1 tháng 7 này, em đã đặt một bàn cho giáo xứ Rạch Giá…

- Tốt lắm. Em nhớ gọi thêm Minh với bạn bè của nó nhá.

- Anh dành cho anh Đẹp xứ Mông Thọ một bàn.

- Xong ngay.

Chưa viết thêm gì thì điện thoại lại reng. Lại Hằng:

- Anh dành thêm cho Mông Thọ một bàn nữa.

- Vậy là Mông Thọ 2 bàn?

- Đúng vậy.

Thêm một bàn ăn nhỏ trong một bữa tiệc nhỏ chỉ là truyện nhỏ, nhưng tôi cũng vui vì đã có thêm người bước lên cầu, chiếc cầu không tên. Tôi cũng vui vì giáo dân Long Xuyên qua bao nhiêu năm xa quê vẫn luôn hướng lòng về giáo phận nhà. Kênh 5 vẫn nhớ về Tân Chu, Thức Hóa. Kênh F vẫn nhớ về Thánh Tâm, Đồng Công. Cái Đôi vẫn nhớ về Cần Thây, Vàm Cống. Năng Gù vẫn nhớ về Lộ Đức, Trái Tim. Hà Tiên vẫn nhớ về Hòn Chông, Dương Đông, An Thới…

Hay chúng ta hãy gọi chiếc cầu này là cầu Văn Toản cho dễ nhớ có được không?

Cali 06/05/2018

Joseph Vũ

Đọc nhiều nhất Bản in 09.07.2018 18:21