Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Trông mặt mà bắt hình dong

§ Trần Mỹ Duyệt

CÁCH NHÌN NGƯỜI PHIẾN DIỆN

Mỗi người là một thế giới riêng biệt đầy huyền bí. Sự cấu tạo và hình thành của nó khiến không ai có thể hiểu và thấu triệt một cách đầy đủ. Về mặt tâm lý sự khác biệt của nó mang một ý nghĩa tích cực, và cũng từ đó, khiến cho đời sống trở nên phong phú và hạnh phúc khi người ta tìm hiểu và chấp nhận những nét dị biệt của nhau.

Do thiếu tìm hiểu, thiếu thiếu ý thức trưởng thành về tâm lý sống, nhiều người đã biến đời sống chung thành một địa ngục. Để tìm được ý nghĩa tích cực, niềm vui và hạnh phúc, chúng ta phải loại bỏ thiên kiến nhìn người từ bên ngoài, phải ra khỏi cái ích kỷ hẹp hòi là chỉ chờ người khác hiểu mình, mà không tự mình tìm hiểu, khám phá ra những giá trị thật của người mà mình giao tiếp.

Những nhận xét sau đây tuy không mang tính cách trường ốc, cũng không phải là kết quả của những cuộc khảo cứu về tính tình học hoặc tâm lý thái độ. Nó có thể chỉ là cảm nghiệm, là tâm thức chung được coi như tâm lý sống. Hy vọng lời cầu của Thánh Phanxicô Assisi: “Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết” sẽ đem lại những khía cạnh tích cực để giúp nhau thăng hoa giá trị của cuộc sống.

LỜI NÓI

Trong Ca dao Việt Nam có câu: “Nói ngọt, lọt đến xương.” Và một câu khác nữa mang ý nghĩa vừa tốt mà lại vừa không tốt: “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

“Nói cho vừa lòng nhau”. Thường tình, ai cũng thích được nghe những lời ngọt ngào, êm ái, những lời nói dua nịnh mặc dù đôi lúc vẫn biết đấy không phải là thật.

Những lời ngọt ngào:

Liên tưởng những người hay dùng những lời ngọt ngào với những người có tâm địa giả dối đôi khi cũng không hẳn là hoàn toàn sai.

Trong tình trường, thương trường hay giao tiếp xã hội, nếu lúc nào bạn cũng muốn nghe những câu như: “Em đẹp nhất đêm nay”, “Em là người tuyệt vời nhất mà anh may mắn gặp được”, “Ánh mắt và nụ cười của em làm say đắm lòng anh”, “Nhìn em đẹp lộng lẫy làm anh ngất ngây”, “Hợp tác làm ăn với anh là một điều may mắn”, “Anh là người thông minh nhất mà tôi có dịp gặp”… Hãy coi chừng, những lời ngọt ngào thường thích hợp trong thời điểm mới quen nhau, mới gặp gỡ, tìm hiểu hoặc trai gái hẹn hò. Những lời ngọt ngào, ca tụng như thế nếu tinh ý bạn sẽ nhận ra có một cái gì đó mang ẩn ý dụ dỗ, và trong nhiều trường hợp là dối gạt: “Bên ngoài thơn thớt nói cười. Mà trong nham hiểm giết người không dao.” (Ca dao Việt Nam)

Những lời chót lưỡi đầu môi là những lời không mang lại giá trị thật và hạnh phúc lâu bền, Hãy dành cho nhau sự tôn trọng và cảm tình chân thật bằng cách nói những lời chân thật, mặc dù, “Sự thật mất lòng”.

Nói cho vừa lòng nhau:

Những người khéo nói thường cũng là những người biết dùng những lời ngọt ngào, êm tai và rót vào lòng người nghe.

Nguy hiểm ở đây là những người khéo nói lại thường được cho là khôn ngoan, đáng tin cậy vì biết xử dụng ngôn từ một cách khéo léo, chọn lựa không chạm đến tự ái của người nghe. Nhưng thực chất, đó là những độc dược nếu uống vào sẽ khiến người nghe ra mê mẩn, và quên sống với thực tế.

Riêng đối với nữ giới, những người khéo nói, những lời nói êm ái, dễ nghe là những cám dỗ rất khó lòng từ chối, vì “phụ nữ yêu bằng lỗ tai”. Kinh nghiệm đã chứng minh điều này.

THÁI ĐỘ BÊN NGOÀI

Cũng như lời nói, vẻ bên ngoài của một người thường dễ bị hiểu lầm, phê bình một cách thiếu khách quan. Tâm lý học gọi đây là “chemical attract” - sự thu hút tự nhiên của lần đầu gặp mặt. Tự nhiên tôi có cảm tình với người này, và tự nhiên tôi mất cảm tình với người kia dù cả hai không làm gì thiệt thòi hoặc phiền hà đối với tôi.

Im lặng:

“Im lặng là vàng! Nhưng im lặng thường được gắn liền với cù lần, vô duyên, thiếu xã giao, và nham hiểm. Về mặt tâm lý, im lặng còn thường bị hiểu lầm là vô cảm, thiếu chú tâm, hoặc bạc nhược. Vì thế, không phải luôn luôn lúc nào im lặng cũng là vàng, và không phải ai cũng biết khám phá ra những giá trị của im lặng.

Nhưng “im lặng” không đồng nghĩa với vô cảm, thiếu quan tâm, bạc nhược, cù lần, vô duyên, hoặc thiếu xã giao. Im lặng chỉ là cá tính của một người khiến người này không muốn phát ngôn về một điều mà họ chưa cảm thấy đủ sức thuyết phục, hoặc cần thiết phải nói. Một khía cạnh tích cực khác của thái độ im lặng, đó là sự quan tâm lo lắng. Tình cảm, tình yêu của những người này không biểu hiện bằng lời nói mà bằng hành động.

Nhưng nếu bạn cảm thấy hạnh phúc khi được chia sẻ những điều mà người khác nói ra, cũng vậy, bạn bè, vợ chồng, con cái và người thân cũng đang chờ dịp để được chia sẻ những suy nghĩ của bạn. Đặc biệt, không nên để sự im lặng của bạn đè nặng trên sinh hoạt tình cảm của bạn bè, của gia đình. Trong đời sống hôn nhân, đã là vợ chồng thì chuyện gì cũng nên chia sẻ với nhau, không cần phải quá cân nhắc, hoặc giữ lấy để chịu đựng cho riêng mình.

Nóng tính:

“Tánh nóng nảy là một thói quen nguy hiểm, nó có thể làm chủ cuộc đời ta, tước đoạt hạnh phúc của ta.” (TÂM LÝ NÓNG NẢY. Paramahansa Yogananda. Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ). Nó khiến bạn trở nên bộc trực, nghĩ sao nói vậy. Điều này thường gây khó chịu cho những ai muốn được ưu đãi, chiều chuộng theo ý mình, những người thích được vuốt ve, nịnh bợ. Kết luận thông thường là không mấy ai hài lòng với lối ứng xử thiếu điềm tĩnh, vội vàng.

Có sao nói vậy. Phải nói toáng ra thì mới ăn ngon, ngủ yên. Điểm tích cực có được nơi những người này, là họ không nham hiểm, không để bụng thù giai, không để thù nuôi oán trong lòng.

Khôn khan:

Bề ngoài khô khan của một người cũng thường phảng phất đôi chút im lặng, lạnh lùng, và dĩ nhiên không lãng mạn. Nhưng nếu nói người khô khan là người vô tâm, vô tình thì đó là nhận xét chủ quan và phiến diện. Có thể nói, họ là người không biết cách biểu lộ tình cảm, không biết dùng những lời ngọt ngào, ngôn tình, nhưng bù lại, họ cũng không phải là người thiếu chân thành, vô tâm và thiếu tình cảm.

Người khô khan có thể ví như trái mít bề ngoài xù xì, hoặc trái sầu riêng bề ngoài gai góc nhưng bên trong là những múi chín thơm, ngon, và hấp dẫn.

Ít nói:

“Lời nói không mất tiền mua.” Ít nói hay ít lời khác với im lặng. Người ít nói có thể là có nói nhưng nói ít, còn người im lặng xem như có vẻ câm nín và không nói.

Trong đời sống tình cảm và những giao tiếp xã hội, cũng như người im lặng, người ít nói luôn bị cho là quá kín đáo, hoặc bị coi thường là thiếu xã giao. Thật ra, họ thuộc loại người bẩm sinh “hướng nội”, nhưng không phải là thiếu lãng mạn, tình cảm, hoặc không biết xã giao.

Đối với phụ nữ, thái độ im lặng hoặc tự nhiên “ít nói cười” vừa mang tính bẩm sinh, vừa mang dấu hiệu giận hờn. Các bạn phải nói ra cảm nghĩ của mình nếu như muốn người khác, đặc biệt là chồng hoặc người yêu thương, chiều chuộng, và làm điều mình muốn. Phần đông đàn ông, con trai dù lãng mạn đến đâu, thương vợ cách mấy cũng không thể biết người phụ nữ bên mình muốn gì nếu như nàng không nói ra. Sigmund Freud, cha đẻ ngành Phân Tâm Học cũng đã thú nhận ông không biết phụ nữ muốn gì.

Lạnh lùng:

Người lạnh lùng là hội tụ của người khô khan, im lặng và ít nói. Họ là những người mà mới gặp xem như khinh khỉnh, kênh kiệu, tự cao, tự đại. Lần đầu gặp mặt, họ là người khó gần và khó ưa. Nhưng nếu người khô khan cho bạn sự chân thành, và người im lặng khiến bạn tìm được sự quan tâm, thì người vẻ bề ngoài lạnh lùng thường là những người mà bên trong sục sôi nhiều tình cảm.

Không đóng kịch yêu thương giả dối, không ba hoa, khoác lác, đây là mẫu người khiến bạn ít nghe được những lời ngọt ngào lừa dối nào, nhưng xum xê, săn đón. Nhưng bù lại, bên trong họ là người chân thành, biết quan tâm, lo lắng đến người khác, và dĩ nhiên, cũng dạt dào tình cảm.

TRÔNG MẶT MÀ BẮT HÌNH DONG

“Trông mặt mà bắt hình dong”, đây là cách nhìn người phiến diện, rất dễ gây nhầm lẫn, vì sau vế này, câu ca dao đã minh định lối nhìn ấy chỉ áp dụng cho loài vật: “Con lợn có béo thì lòng mới ngon”. Tóm lại nhìn người không thể so sánh với nhìn “lợn”. Để phân biệt những phán đoán về một người, chúng ta vẫn thường nghe: “Đẹp xấu tùy người đối diện”. Câu nói hàm ý cả bên trong lẫn bên ngoài của một người.

Tóm lại để hiểu về một người, để phân biệt được người này với người kia, đòi hỏi phải có sự hiểu biết khách quan căn cứ trên những khác nhau của di truyền, nam nữ, cá tính, ảnh hưởng giáo dục, tri thức, môi trường, và tôn giáo nữa. Mỗi con người là một “tiểu vũ trụ”, được cấu trúc rất phức tạp giữa tinh thần và thể xác, mà chỉ có Thượng Đế là tác giả mới biết. Do đó, cách tốt nhất để phán đoán về một người là không chỉ căn cứ vào ngôn ngữ, thái độ bên ngoài, mà còn phải tìm hiểu sâu xa về tâm tính, về nội tâm, mới có thể khám phá được những nét quyến rũ, những vẻ đẹp tiềm ẩn nơi con người ấy.

Trần Mỹ Duyệt

Đọc nhiều nhất Bản in 06.03.2019 15:42