Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tóm tắt cuộc đời ĐHY Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng

§ Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT

Đức Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng, sinh ngày 20.05.1919, trong một gia đình Công giáo đạo đức tại thôn Bình Hoà, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, thuộc giáo họ Cầu Mễ, giáo xứ Quảng Nạp, giáo phận Phát Diệm.

DHYPhamDinhTung.jpg

Năm 1925 ngài đi học tại trường làng. Năm 1927 ngài được cha nghĩa phụ Phêrô Phạm Bá Trực đưa ra Hà Nội học tại ngôi trường do cha vừa thành lập ở giáo xứ Kẻ Sét.

Thấy ngài ngoan ngoãn, hiền lành, có tư chất thông minh lại ẩn giấu một nghị lực khác người, cha Phạm Bá Trực đã xin cho ngài đi tu và ngài đã trúng tuyển vào Tràng Tập Hà Nội năm 1929.

Năm 1933, ngài là học sinh đầu tiên của Trường Tập Hà Nội thi đậu bằng Certificat d’Étude Primaire và ngài được gọi vào Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, toạ lạc ở giáo xứ Hoàng Nguyên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông.

Năm 1939, tốt nghiệp Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, ngài được cử đi phục vụ tại giáo xứ Xuy Xá, thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông. Trong thời gian này, ngài đã đông viên một số học trò theo ơn gọi tu trì, trong số đó ngày nay có người đã làm linh mục.

Năm 1940, ngài được gọi vào Đại Chủng viện Liễu Giai, Hà Nội và ngài theo học chương trình triết học tại đây cho đến năm 1942.

Năm 1942 ngài được Bề trên Địa phận cử đi giúp xứ Khoan Vĩ, thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, là nơi cha Phêrô Phạm Bá Trực nghĩa phụ của ngài đang làm Chính xứ.

Năm 1943, ngài được trở về Đại Chủng viện Liễu Giai, tiếp tục học thần học. Giữa năm 1945, vì hoàn cảnh đất nước xáo trộn, Đại Chủng viện Liễu Giai phải ngưng hoạt động, các thầy chủng sinh phải tản mác mỗi người một nơi.

Tháng 9 năm 1946, Đại Chủng viện Liễu Giai tái mở cửa, ngài lại trở về Chủng viện. Ba tháng sau, ngày 19.12.1946 chiến tranh bùng nổ, Đại Chủng viện bị tấn công, bị xâm chiếm, việc học của ngài lại bị gián đoạn.

Năm 1948 ngài được Bề trên Giáo phận gửi đi học tiếp chương trình thần học tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội.

Năm 1949 ngài được Bề trên chuyển về học tại Đại Chủng viện của Giáo phận mới mở ở số 40 Nhà Chung.

Ngày 06/06/1949 ngài được truyền chức linh mục tại nhà thờ Chính Toà Hà Nội.

Năm 1949 ngài được chỉ định làm tuyên úy Cô Nhi viện Têrêxa tại Quần Ngựa.

Năm 1950, ngài được bổ nhiệm làm Phó xứ rồi làm Chính xứ Hàm Long thay thế cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê đi làm giám mục Hà Nội. Tại đây, ngoài các việc mục vụ thông thường, ngài còn giúp đỡ các học sinh nghèo tại trường Trần Văn Thưởng và Nhà Bác ái Thánh Vinh Sơn, là hai cơ sở giáo dục và từ thiện của giáo xứ Hàm Long thời bấy giờ.

Năm 1953, ngài thành lập Trung tâm Bái ái-Xã hội Bạch Mai, trên khu đất khoảng 4000 m2, nhằm trợ giúp những người khốn khổ trôi dạt về từ các vùng nông thôn bị đang bị chiến tranh tàn phá.

Năm 1955, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Hà Nội- Một Liên Tiểu Chủng viện bao gồm khoảng 200 tiểu chủng sinh của các giáo phận Hà Nội, Bùi Chu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Phát Diệm, Thái Bình, Thanh Hoá. Trong số này về sau có hơn 60 người làm linh mục, trong đó có 3 vị làm giám mục.

Năm 1960, khi Tiểu Chủng viện này phải giải tán, trong hoàn cảnh khó khăn, ngài được giao trọng trách kín đáo đào tạo quý thầy Đại Chủng sinh của Tổng Giáo phận Hà Nội-những người lúc này, vì hoàn cảnh xã hội, đang phải sống tản mác tại gia đình.

Năm 1963, ngài đựơc Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, một địa phận rộng lớn, trống toà từ năm 1954 và có phần lớn diện tích vốn nằm trong vùng kháng chiến của Việt Minh. Giữa những khó khăn trùng trùng điệp điệp, ngài đã chọn cho mình khẩu hiệu: “Chúng con tin ở tình yêu Thiên Chúa” làm hành trang lên đường thi hành sứ vụ.

Năm 1963, ngài đã sáng lập Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất Bắc Ninh nhằm giúp các chị em tận hiến có điều kiện làm tông đồ tại các xứ đạo và tại các môi trường khác nhau. Ngài cũng kín đáo đào tạo các chủng sinh cho Giáo phận. Năm 1974, ngài đã âm thầm truyền chức linh mục cho 7 thầy bất chấp những nguy hiểm mà chính quyền có thể gây ra cho các tân chức và cho bản thân ngài. Ngài còn trao ban chức thánh cho một số ứng viên của các giáo phận khác ở Miền Bắc, trong đó có cả việc truyền chức giám mục kín đáo cho Đức cha Vinh Sơn Phạm Văn Dụ, Giám mục Lạng Sơn vào năm 1979.

Theo tinh thần của Vatican II, tại giáo phận Bắc Ninh, ngài đã đào tạo tông đồ giáo dân, củng cố các Ban Hành giáo, tổ chức các hội đoàn, quảng bá lòng sùng kính Thánh Tâm và lòng tôn kính Đức Mẹ, canh tân và thích nghi các kinh sách trong Giáo phận. Trong khung cảnh Giáo hội bị cấm cản về phương diện xuất bản và truyền thông, ngài đã soạn thảo Kinh thánh và giáo lý dưới hình thức thơ ca hò vè nhằm phổ biến lời Chúa và giáo lý cách dễ dàng, rộng rãi và hiệu quả cho đông đảo giáo dân.

Trong hơn 30 năm làm Giám mục Bắc Ninh, bằng các sáng kiến mục vụ độc đáo, ngài đã biến Toà Giám Mục trở thành một mái ấm gia đình, nơi chủ chăn và đoàn chiên gặp nhau, cùng nhau chia vui sẻ buồn. Toà Giám Mục cũng trở thành một trung tâm mục vụ, nơi đoàn chiên liên tục được đào tạo và bồi dưỡng đức tin, bất chấp những cấm cản trăm đường của nhà cầm quyền đương thời. Nhờ vậy, qua những thập niên chuyên chính vô sản cách cực đoan, dù thiếu thốn linh mục, giáo dân Bắc Ninh ngày nay vẫn là những người có lòng tin kiên vững, sống đạo đức, nhiệt thành và hết lòng yêu mến Giáo Hội.

Ngày 04.07.1990 Toà Thánh đặt ngài làm Giám quản Tổng Giáo phận Hà Nội, kiêm Giám đốc Đại Chủng viện Hà Nội. Ngày 23.04.1994, vào tuổi 75, thay vì được nghỉ hưu theo Giáo luật, thì Toà Thánh lại đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Hà Nội. Đến ngày 26/11/2004 ngài được ĐGH Gioan Phaolô II phong tước Hồng Y tại Rôma. Ngoài ra, ngài sẽ còn nắm các chức vụ quan trọng khác như Chủ tịch HĐGM Việt Nam (1995-2001), Giám quản GP Hưng Hóa (1995), Lạng Sơn (1998), Hải Phòng (1999).

Cùng với việc liên tục thăm viếng, gặp gỡ các thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo Phận Hà Nội, ngay khi về làm chủ chăn ở đây, đứng trước tình trạng thiếu thốn nhân sự nghiêm trọng, ngài đã tìm cách gia tăng con số linh mục tu sĩ bằng nhiều cách khác nhau. Ngài đã thu xếp để quý thầy lớn tuổi ở Hà Nội cũng như các giáo phận khác ở Miền Bắc, được theo học các khóa bổ túc, ngắn hạn tại Đại Chủng viện rồi sớm truyền chức linh mục cho quý thầy có điều kiện phục vụ đoàn chiên đông đảo đang đói khát ơn thánh.

Ngài cũng đã nỗ lực cải cách và tái thiết Đại Chủng viện Hà Nội cả về cơ sở vật chất, lẫn về hình thức, nội dung và quy mô đào tạo. Từ đầu những năm 1990, nhờ sự thu xếp của ngài, một số linh mục có khả năng chuyên môn đã có thể từ Miền Nam ra làm giáo sư thỉnh giảng, hoặc giáo sư thường trực tại Đại Chủng viện Hà Nội. Đi xa hơn, trong tư cách Chủ tịch HĐGM Việt Nam, ngài đã đấu tranh để từ năm 1995, các Đại Chủng viện trên cả nước được tuyển sinh 2 năm/ khóa thay vì 6 năm/khóa như trước đó.

Ngài còn nâng đỡ ơn gọi tu trì để đảm bảo nhân sự phục vụ, tạo nên sự đa dạng và phong phú trong Tổng Giáo phận Hà Nội. Nhờ sự hướng dẫn của ngài, từ đầu những năm 1990, Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội hằng năm liên tục tuyển sinh, mở tập viện và khấn dòng. Ngài còn lập ra Tu đoàn Nữ Truyền Tin và Tu đoàn Nam Truyền Tin (1996) nhằm mục đích truyền giáo. Hơn nữa, bất chấp ý muốn của chính quyền, ngài còn duy trì được sự hiện diện của DCCT ở Thái Hà và mở đường cho sự hiện diện của trong Dòng Salesien Don Bosco ở Hà Nội.

Nhằm tính chuyện xây dựng Tổng Giáo Phận Hà Nội lâu dài trong tương lai, từ giữa những năm 1990, ĐHY cũng đã gửi một số linh mục đi du học ngọai quốc. Một số vị đã trở về và đã nắm các trọng trách trong Đại Chủng viện như Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Lạng Sơn, nguyên Tổng Đại diện và nguyên Giám đốc Đại Chủng viện Hà Nội; Đức cha Lorenxô Chu Văn Minh, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Hà Nội kiêm Giám đốc Đại Chủng viện Hà Nội.

Ngài đặc biệt lưu tâm đến viện trau dồi đời sống đạo đức cho giáo dân, giáo dục thế hệ trẻ và làm việc bác ái xã hội. Trong chiều hướng này, bên cạnh những lời kêu gọi, hướng dẫn giáo dân, ngài còn phục hồi hay thành lập một số đoàn thể trong Tổng Giáo Phận như Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội Dòng ba Phan Sinh, Hội Legio Mariae, Hội Thánh Tâm (1995), Hội Gia đình cùng theo Chúa (2000), Gia đình Thánh Tâm (2003), Hội Sinh viên Công giáo TGP Hà Nội (1998).

Năm 2003, khi Tổng Giáo Phận Hà Nội bắt đầu phục hồi và khi sức khoẻ không còn cho phép ngài phục vụ ở tuổi 84, ngài đã gửi đơn lên Toà Thánh xin nghỉ hưu và được Tòa Thánh chấp thuận vào tháng 4 năm 2003 cùng lúc với việc bổ nhiệm Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt làm Giám quản Tổng Giáo Phận Hà Nội. Trong 6 năm nghỉ hưu tại Toà Tổng Giám Mục Hà Nội, ngài luôn luôn quan tâm theo dõi hiện tình Giáo Hội Việt Nam và âm thầm cầu nguyện cho mọi người.

Ngày Chúa nhật ngày 22.02.2009, lúc 10 h 10’, ngài đã được Chúa gọi về trong tình yêu thương chăm sóc và lời nguyện cầu của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt, của quý cha quý thầy quý soeurs phục vụ tại Toà Tổng Giám Mục, hưởng thọ 90 tuổi, trong đó có 80 năm tu hành, 60 năm linh mục, 46 năm giám mục và 15 năm hồng y.

Trong 90 năm làm con chúa, đặc biệt trong tư cách là mục tử, Đức Hồng Y là một nhà tu hành mẫu mực, là một lãnh tụ tôn giáo khôn ngoan, là một tông đồ nhiệt thành và được đồng nghiệp kính trọng, là một nhà giáo dục đào tạo kiên nhẫn, là một chủ chăn hiền hoà và can đảm luôn tận tâm hy sinh phục vụ đoàn chiên, được đoàn chiên thương mến.

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt viết về ngài nhân dịp mừng thượng thọ cửu tuần của ngài vào năm 2008 rằng: “…Trong những năm tháng qua, Đức Hồng Y đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho Chúa, cho Hội Thánh và đã để lại biết bao thành quả mà ngày nay chúng ta được hưởng nhờ.

Ngài là tấm gương sáng cho chúng tá về đời sống thánh thiện đạo đức, về sự tận tuỵ phục vụ Chúa và Hội Thánh, về tầm nhìn xa trông rộng trong việc đào tạo nhân sự, về sự vui lòng chấp nhận thánh ý Chúa và về sự khiêm nhường quên mình sâu xa.

Ngài là món quà quý giá Chúa tặng ban cho chúng ta. Qua ngài, biết bao ơn phúc của Chúa đổ tràn trên Tổng Giáo Phận Hà Nội, trên mỗi người chúng ta”.

Đức Hồng Y đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển Giáo hội Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, quản trị và tông đồ mục vụ. Ngài là cây đại thụ cuối cùng của Giáo hội Miền Bắc đã được Chúa đưa về Trời. Trong tâm tình kính yêu và tri ân ngài sâu xa, chúng ta hiệp lòng hiệp ý dâng lời tạ ơn với ngài và cầu nguyện cho ngài.

Hà Nội, ngày 22.02.2009

Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.02.2009. 00:04