Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới (5)

§ Vũ Văn An

Đứng ngoài một tổ chức chính thức có cái hay là tránh được cảnh ‘trên đe dưới búa’. Nói với đe, đe chẳng tha mà nói với búa, búa cũng chả thèm đoái hoài. Biết hay thấy mà không nói thì không những không yên lòng yên dạ mà còn bị thiên hạ chê là dổm, tệ hơn nữa còn là thiên lệch, phe nhóm, tả khuynh hữu huynh, chống… hay không chống…Mà nói ra cho ‘đẹp mọi bề’ thì đòi một nghệ thuật hết sức cao siêu, một nghệ thuật bản thân tôi không bao giờ chịu tập và chịu tập cho thành thạo. Đứng ngoài có nhiều cái lợi mà lợi hơn cả là không ai trách nếu mình thiếu sót hay ‘cố tình’ thiếu sót.

80717tau.jpg

Con Tầu Sydney 2000

80730co.jpg

Dũng tại Randwick

Nhưng đứng ngoài quả có nhiều cái thiệt mà cái thiệt hơn cả là không tham dự được những biến cố ‘đáng đồng tiền bát gạo’. Người đứng ngoài bao giờ cũng là người chỉ nhìn nghiêng chứ khó mà nhìn thẳng, nhìn bóng chứ ít khi nhìn được người thật việc thật. Họ để lỡ biết bao nhiêu là biến cố có tính lịch sử. Như biến cố ngày hôm trước. Trên con tầu có tên Sydney 2000 kia, diễn ra nhiều sự kiện hết sức có ý nghĩa, nhưng dưới con mắt tôi, nó chỉ là một khối sắt to từ từ khuất dạng dưới cây cầu Harbour Bridge nổi tiếng thế giới. Dù biết trên đó có người khách từ muôn dặm ‘nhân danh Chúa mà đến’, nó vẫn chỉ có ý nghĩa thiêng liêng đối với một tâm hồn tạm gọi là ngoan đạo như tôi thôi. Đâu có ngờ, trên đó lại diễn ra cảnh một thanh niên Việt Nam trao tặng (và có người còn quả quyết là quàng) chiếc cờ Việt Nam Tự Do cho Đức Bênêđíctô XVI.

Về đến nhà tôi mới được biết tin ấy, do một khách hành hương, vì lấy lộn hành lý tại phi trường Sydney, phải ở lại nhà để bà xã tôi hướng dẫn ra đó trao đổi, kể lại. Hôm sau thì thấy hình Đức Thánh Cha với lá cờ Việt Nam Tự Do quanh vai. Hôm sau nữa, một người bạn cho đọc ‘ké’ e-mail của một người ở Brisbane gửi cho bạn bè, trong đó có mấy tấm hình chụp lại diễn biến ‘quàng cờ cho Đức Giáo Hoàng’ mà có người cảm kích quá gọi là ‘Đức Giáo Hoàng làm phép cờ Việt Nam Tự Do’. Nhìn hình người thanh niên, tôi đã ngờ ngợ là Dũng, người đã trao cho tôi thẻ vào Barangaroo ngày 15 để tham dự Thánh Lễ Khai Mạc. Nhưng không dám chắc chắn lắm. Phải sau Thánh Lễ Bế Mạc tại Trường Đua Randwick, tôi mới chắc chắn trăm phần trăm người thanh niên đó chính là Dũng, do một tấm hình trên Net chụp Dũng tại Thánh Lễ, mình mặc áo vét, tay dăng rộng lá cờ ‘dài thoòng’ giống hệt lá cờ đã quàng vào vai Đức Bênêđíctô XVI ngáy 17. Dũng cũng là người đã thủ vai ‘tử đạo’ trong đoản kịch trình diễn đêm 16 tại Whitlam Centre ở Liverpool. Thực ra khi xem anh trình diễn, tôi không nhận ra anh. Nhưng nhân lúc đang lăng xăng và loay hoay tìm chỗ đứng thuận tiện để quay màn đồng ca của Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, tôi gặp Dũng đứng xớ rớ trong bóng tối ở cánh phải sân khấu, bèn hỏi: đã trình diễn chưa? Dũng bảo: cháu trình diễn rồi? Lúc nào? Màn tử đạo vừa rồi đó? À, anh đóng vai tử đạo đó hả? Vâng. Tôi chưa có dịp gặp lại Dũng sau hai ngày 15 và 16, nên chưa hiểu tâm tình anh ra sao. Nhưng nhìn vào nụ cười tươi trong tấm hình chụp anh ở Randwich, tôi nghĩ hẳn anh phải rất vui vì hành động của mình. Rất có thể anh cũng là người đã phất cờ Việt Nam Tự Do tại cuộc rước cờ các quốc gia tại Barangaroo vào ngày 15.

Cũng vì cái tính muốn ‘đi lẻ’ như thế mà tôi mắc khá nhiều lầm lẫn mà lầm lẫn rõ và lớn nhất xẩy ra hôm Thứ Sáu, ngày WYD đi Đàng Thánh Giá. Lầm lẫn bắt đầu vào buổi sáng. Số là mấy người anh em họ từ Mỹ qua toàn thuộc lớp những người Công Giáo ‘không biết làm gì thì đi lễ!’. Tôi có chút bận vào buổi sáng hôm ấy, không dẫn họ đi đây đó được. Nên họ ‘đòi’ đi lễ tại nhà thờ sở tại. Nghĩ rằng đây cũng là dịp để họ đỡ nhớ quê hương thứ hai, dù mới chỉ rời xa quê hương ấy được hơn một ngày, nên tôi để họ đi. Nhà thờ Beverly Hills vốn được xây cất để tưởng niệm trận Coral Sea trong Thế Chiến Hai trong đó người Úc chiến đấu bên cạnh người Mỹ chống lại Phát-xít Nhật. Vì thế tuy danh xưng là Regina Coeli (Nữ Vương Thiên Đàng) nhưng bên dưới có thêm hàng chữ lớn Memorial Church, Để Dâng Tặng Tình Thân Hữu Giữa Hai Dân Tộc Úc Và Mỹ. Bước vào bên trong Nhà Thờ, bạn sẽ thấy cánh phải bàn thờ là nhà nguyện có cờ Úc, còn bên trái là nhà nguyện có cờ Hoa Kỳ. Anh con trai ‘dở hơi’ của tôi chẳng thà đi lễ Việt Nam dù chẳng hiểu bao nhiêu còn hơn đi lễ ở Nhà Thờ này chỉ vì cái lá cờ Mỹ to chình hình trưng cạnh bàn thờ. Tôi hy vọng, lá cờ đó không gây một phản ứng như thế từ những người Việt Nam đến từ đất nước ấy. Mà họ thích thật. Chỉ có điều ngồi chờ từ 9 giờ sáng đến gần 10 giờ sáng, vẫn chẳng thấy cha nào chịu ra làm lễ, mà nhà thờ thì toàn những người ‘xi lô xì lồ’ một thứ tiếng không phải là tiếng Anh. Đến khi họ trở về ‘tay không’, tôi mới kịp nhớ ra: trong tuần đại hội WYD, Nhà Thờ ấy được trưng dụng làm nơi học giáo lý cho nhóm 350 khách hành hương nói tiếng Bồ Đào Nha, còn trường học của Giáo Xứ, ngay bên cạnh, được dùng làm nơi cư ngụ cho 200 khách hành hương, không rõ nói tiếng gì. Nên hôm ấy không có thánh lễ như thường lệ.

(Xin mở một ngoặc đơn ở đây vì một hung tín mới vừa xẩy ra cho trường học giáo xứ Regina Coeli: theo tờ Bankstown-Canterbury Torch, số ngày 30 tháng Bẩy, một trận hỏa hoạn đầy hoài nghi đã xẩy ra vào lúc 4 giờ 20 chiều Chúa Nhật, ngày 27 vừa qua. Trận hỏa hoạn gây thiệt hại khoảng hơn 100,000 dollars này phá hủy hoàn toàn khu nhà tắm lưu động từng được khách hành hương sử dụng cách tốt đẹp trước đây hơn tuần lễ!)

80717StMary.jpg

Nhà Thờ St Mary

Anh em vội chuẩn bị ăn ‘brunch’ (đúng là ‘brunch’ thật: gom cả bữa sáng và bữa trưa làm một) rồi chuẩn bị ra Ga lên Nhà Thờ Chính Tòa dự Đàng Thánh Giá. Lầm lẫn lớn thực sự bắt đầu từ đây, làm vai trò ‘tour guide’ của tôi hoàn toàn mất hết thế giá! Tôi đã toan đưa họ lên Barangaroo, nhưng nghĩ tới bác Anne-Marie mà ngại, đi bộ xa đã đành, nhưng lỡ ‘họ’ không cho vào vì không có vé thì tội lắm, giá gặp được Dũng để xin anh ta một số vé vào cửa thì hay biết mấy! Thôi, đành đưa họ tới Nhà Thờ Chính Tòa vậy, dù sao chỗ này cũng gần xát Ga St James. Biết rằng nơi đây sẽ rất đông vì có sự hiện diện của Đức Bênêđíctô XVI, nhưng không hệ gì, coi màn ảnh lớn cũng đâu có sao. Dù gì thì theo thông báo của WYD4VN, mọi người đều được mời tham dự Đàng Thánh Giá mà. Chỗ nào chả được. Thế là ‘ông’ hướng dẫn viên lẫn người ‘bị’ hướng dẫn vui vẻ lên đường nhằm Ga St James mà bước xuống. Người đi xe lửa hôm ấy đến 99 phần trăm là khách hành hương, nên ở Ga St James, mầu vàng đỏ cứ gọi là kín mít. Được một điều dòng người ấy ‘xuôi chẩy’ hết sức êm đẹp: nửa theo hướng tới đường Macquarie, nửa theo hướng ra đường Elizabeth. Chúng tôi theo lối thứ hai. Ra khỏi đường hầm, bầu khí ngày hội còn sinh động hơn gấp bội. Hyde Park ngày ấy rực một mầu cờ và dù là ngày Đi Đàng Thánh Giá, nhạc vui vẫn hết sức trổi vượt.

Chúng tôi tiến về phía bồn nước rồi băng qua đó tới hông Nhà Thờ Chánh Tòa, dọc đường College. Người là người, không thấy nơi cử hành chặng thứ nhất đã đành, mà màn ảnh lớn như hứa hẹn cũng không thấy mô. Bác Anne-Marie làm tôi bắt đầu thấy bấn, chỉ biết thưa lại: thì mình đang đi kiếm đây. Tiến về phía phải hơn một chút thì thấy lưng một màn ảnh lớn. Tâm trạng oán trách bắt đầu làm việc, khởi đầu còn ‘thầm lặng’ sau phát ra thành tiếng: quái, sao ‘họ’ lại dựng màn ảnh quay lưng vào dân! Thôi, qúy vị đứng đây, để tôi đi ‘thám hiểm’ xem sao!

Mấy người ‘bị’ tôi hướng dẫn đành nín re, chứ biết làm sao. Có khách hành hương người Úc khuyên “qúy vị nên ra Domain”. Nhưng sao lại phải ra Domain, dù Domain chẳng cách đây bao xa, mà sao chính ông ta không ra Domain mà vẫn ‘chôn chân’ ở chỗ này, ở chỗ không thấy gì chỉ thấy những người hành hương như mình! Phải có ‘cái gì’ chứ! Toàn một thứ lý luận chẳng căn cứ vào đâu. Nhưng điều ấy không làm tôi thay đổi. Tôi luồn trở lại phía bồn nước, rồi rẽ trái về hướng đường Liverpool, tìm cách có thể nhìn thấy mặt tiền Nhà Thờ Chánh Tòa. Trong lúc tìm đường như thế, tôi mới thấm thía nhận ra cái lầm của mình hay cái lầm của WYD4VN? Nhiều người chìa cả thẻ ‘package’ A hay B ra vẫn không được phép vào bên trong. Chỉ những ai có thẻ ‘St Mary’ hay ‘Cathedral’ mới lọt được vào mà thôi. Mà cả những người như thế cũng đã được chỉ thị dừng lại bên này đường College, cách lễ đài thật nhiều vòng rào cản.

80731cross1.jpg

Chặng Thứ Nhất

Dù lắc đầu liên tiếp tỏ vẻ ‘không thể nào hiểu được’, tôi vẫn trở lại chỗ mấy người em họ, và ra hiệu cho họ theo mình. Chúng tôi len lỏi một hồi, cũng tới được đường College, đứng hẳn trên đường ấy nhưng không được tiến thêm, phần vì rào cản, phần vì nhân viên cảnh sát khá đông ở đấy. Họ chỉ mở cổng cho các nhân viên truyền thông ra vào. Không thấy cảnh chặng thứ nhất tức Bữa Tiệc Ly, nhưng được thấy Đức Giáo Hoàng xuất hiện trước cửa Nhà Thờ Chánh Tòa. Người đàn bà di dân âu yếm chào Ngài: “helo, Papa”. Nghe mà ấm cả lòng trong cái lạnh giá của buổi chiều mùa Đông Sydney. Chúng tôi đứng đó, ở một thế căng thẳng, vì sợ dẵm lên cây cỏ của Hyde Park, cơ quan mà vào những ngày gần xát WYD từng lên tiếng không chịu để WYD sử dụng cơ sở của họ. Chung quanh chúng tôi, trọn một gia đình đông đúc đang chăm chú theo dõi Đàng Thánh Giá qua màn ảnh cũng có, tuy từ rất xa, mà qua tập sách Phụng Vụ của WYD cũng có. Nhìn họ, tôi biết Giáo Hội Công Giáo vẫn đang sinh động, rất sinh động như lời nhận định của Đức Bênêđíctô XVI ngày Ngài đăng quang.

Theo dõi được chặng Philatô kết án Chúa Giêsu, phần vì cảnh sát không muốn chúng tôi tiếp tục ở đấy, phần vì thế đứng căng thẳng làm mình hơi đuối sức, phần vì cái lạnh cũng bắt đầu tăng độ, chúng tôi tìm đường về nhà, hy vọng còn kịp để theo dõi tiếp các chặng Đàng Thánh Giá còn lại trên màn ảnh truyền hình. Nhưng vừa tới khu vực bồn nước, thấy đoàn hành hương Newcathecumenal Way của New York vui quá, nên đã dừng lại, khởi đầu chỉ là khách thưởng ngoạn, sau đã nhập bọn với họ, ca hát nhẩy múa hân hoan, thành hai vòng trong ngoài nhộn nhịp. Không một người nào trong bọn tôi đứng ngoài. Cả bác Anne-Marie cũng quên tuổi già, cùng vỗ tay nhún nhẩy theo điệu nhạc. Một hồi, mới lững thững tiến ra đường Elizabeth.

Dân Mỹ nhiều tiền, thấy đường Market bên kia rực sáng các cửa tiệm, nhất là David Jones, nên đã quên cả Đàng Thánh Giá, rủ nhau tuôn qua bên ấy. Nói cho ngay, họ không phải là những người duy nhất làm vậy. Đường Market nhan nhản những chiếc túi đeo lưng mầu vàng đỏ. Chúng tôi chỉ vào David Jones, chứ nhiều người còn tiến sâu hơn về phía Centre Point, dưới chân Sydney Tower. Dám có người còn vào thang máy lên tới tận điểm cao nhất của Sydney nữa không biết chừng.

80731pieta.jpg

Sydney Pietà

Phải giục mãi, bà con mới rời David Jones ra ga xe lửa về lại Beverly Hills. Tới nhà chỉ kịp giờ coi cảnh tháo xác Chúa Giêsu khỏi Thánh Giá. Cũng đủ rồi, để được thấy hết nét bi thảm và hùng tráng của biến cố Cứu Chuộc. Không rõ người thanh niên thủ vai Đấng Mêxia Chịu Đóng Đinh, đang trần trụi, được ‘môn đệ’ khiêng đi giữa cái rét lạnh căm của mùa đông Sydney, cảm nghĩ ra sao. Nhưng Đàng Thánh Gía tại WYD 2008 ở Sydney quả đầy ý nghĩa: ý nghĩa nghệ thuật, ý nghĩa thánh kinh, ý nghĩa phụng vụ, ý nghĩa tôn sùng bình dân, ý nghĩa liên tôn, ý nghĩa đại kết, mà ai ai cũng nắm được kể cả những người xưa nay vốn e ngại nhất, tức con cháu ‘Abraham, Isaac và Jacob’. Mong rằng nó là nguồn gợi hứng để hình thức sùng kính đặc trưng Công Giáo này cũng như nhiều hình thức sùng kính đặc trưng Công Giáo khác tìm được sinh lộ giữa một thế giới mỗi ngày một tục hóa hơn.

Tuy nhiên, cái ức phải đứng ngoài tham dự nghi thức được nói là ‘ai cũng được mời’này không phải vì sự thành công của nó mà tan đi ngay. Tìm hiểu mới hay: biến cố xẩy ra ở Nhà Thờ St Mary chiều ngày Thứ Sáu chỉ dành cho khách được mời mà thôi. Ban tổ chức dĩ nhiên có quyền hạn chế như thế. Chỉ vì ‘lầm chẳng biết’, không chịu tìm hiểu đến nơi đến chốn, nên mới ra nông nỗi. Chứ chịu khó cuốc bộ thêm một chút nữa qua Domain, thì đâu đến nỗi. Đứa con gái thứ hai của tôi, nhờ làm việc ở gần đó, mà được Đi Đàng Thánh Giá rõ mồn một. Rõ mồn một không biết có đồng nghĩa với nên một hay không thì con nhỏ không nói.

(còn tiếp)

Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, phần (1), (2), (3), (4), (5) & (6)

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 31.07.2008. 23:15