Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới (3)

§ Vũ Văn An

Mà sáng hôm sau, 16 tháng Bẩy 2008, tôi nằm nhà thật. Dù một đêm nghỉ ngơi đã làm cho các bắp thị tay chân mềm lại, nhưng vì hôm nay, theo thông tri của WYD4VN, những người đăng ký ‘gói’ C như tôi không nên tham dự các buổi học giáo lý, ngay cả đó là các buổi giáo lý dành cho các đoàn Việt Nam tại Trung Tâm Whitlam ở Liverpool. Các buổi giáo lý này tôi không được tham dự, đương nhiên các buổi giáo lý dành cho các đoàn khác nói tiếng Pháp hay tiếng Anh là hai thứ tiếng tôi nghe lõm bõm, tôi lại càng không nên tham dự vì mình chỉ đóng có 175 dollars Úc mà thôi.

80727an1.jpg

Thánh Giá Thổ Dân Trong WYD

Nằm nhà, đọc danh sách các chủ đề thảo luận trong các buổi hội học (forum) hôm nay mà thèm. “Đức tin nơi công trường, dấn thân, tích cực và tạo nên khác biệt” do các thành viên quốc hội Úc trình bầy. “Phát triển và Công bằng Xã hội” do hai cha Mark Raper, Frank Brennan [cựu luật gia] trình bầy. “Hãy tìm kiếm thánh nhan Người: Học biết Đấng bạn làm chứng” do linh mục Paul Murray OP. “Can dự vào sức khoẻ tâm thần và nạn không nhà trong bối cảnh tuổi trẻ” do Hội Vincent de Paul trình bầy. “Các khuynh hướng triết học hiện nay đang thách thức Chân Lý tuyệt đối: tìm hiểu Đức Tin và Lý Trí” do Trường Cao Đẳng Creston trình bầy. “Mọi tạo vật đang rên xiết: Cuộc tranh luận về sáng thế và biến thế” do Đức HY Schonborn OP, Tổng giám mục Viena trình bầy… “Thiên Chúa, Làm tình và Ý nghĩa cuộc đời: Dẫn nhập vào thần học thân xác của Đức Gioan Phaolô II” do Christopher West và Mike Magione trình bầy. “Từ Alice tới Xin Lỗi: hành trình linh đạo thổ dân Úc trong Giáo Hội Công Giáo kể từ cuộc thăm viếng năm 1986 của Đức Gioan Phaolô II cho tới việc Quốc Gia Xin Lỗi năm 2008” do cơ sở Magis08 của các cha Dòng Tên trình bầy.

WYD4VN không thông báo trước các đề tài giáo lý do các vị giám mục Việt Nam trình bầy, nên tôi không được rõ đó là những đề tài nào. Sau khi các ngài đã trình bầy rồi, VietCatholic mới cho hay tiêu đề các buổi trình bầy ấy. Và đều là các tiêu đề bổ ích và sâu sắc đối với giới trẻ Việt Nam khắp năm châu. Vấn đề ngôn ngữ lại được nhiều người bàn tán theo nghĩa các em không hiểu tiếng Việt bao nhiêu. Bản thân tôi vẫn tin vào sự thích hợp của việc sử dụng tiếng Việt làm chuyển ngữ trong hoàn cảnh này, với điều kiện có bản dịch tiếng Anh, hay tóm tắt bằng tiếng Anh, để các em ít khả năng tiếng Việt có thể theo dõi tốt hơn.

Sau trưa, tôi thấy chân tay mình đỡ hẳn, và theo thông báo của WYD4VN, những người như tôi có thể tham dự buổi Đại Nhạc Hội “Về Nguồn” tại Trung Tâm Whitlam, nên tôi chuẩn bị rất sớm để tham dự, không quên cẩn thận dặn anh con rể thủ sẵn cho một vé vào cửa, tránh trường hợp bị mời ra ngoài thì chỉ có độn thổ mà về nhà thôi. Rất may chuyện ấy đã không xẩy ra. Tôi và bà xã cứ lẳng lặng vượt qua mấy anh ‘người nước ngoài’ đứng ở cổng ra vào, ý chừng là các nhân viên an ninh. Họ không nói gì, có lẽ vì thấy hai đứa tôi cố ý ‘đánh lộn con đen’ bằng cách đeo lủng lẳng cái vé vào Randwick những ngày cuối tuần chăng.

Trời bên ngoài lạnh là thế mà lọt vào bên trong, sao mà ấm áp đến vậy. Do vì đêm Đại Nhạc Hội được tổ chức trong hội trường cũng có, mà do số đông người cũng có, có thể lên đến hơn 3 ngàn người, nhưng còn do bầu khí vui nhộn của buổi gặp gỡ nữa. Lúc chúng tôi vào thì Đoàn Trống San Jose đang trình diễn. Nhưng vì ngồi ở phía cuối hội trường, không trông thấy gì mà đứng lên thì người phía sau la ó, tôi đành để bà xã tiếp tục ngồi đó, lẻn qua cánh trái, tới một dẫy ghế còn trống, và mặc dù ghế nào cũng có tờ giấy viết chữ “reserved”, tôi vẫn cứ ung dung ngồi vào. Biết đâu, ‘họ’ không dành riêng cho mình. ‘Họ’ có nói gì thêm đâu! Thừa thắng xông lên, tôi còn lẻn tới hàng ghế đầu tiên, nơi có hai ba nữ tu với áo dòng chỉnh tề đang ngồi thưởng thức tài đánh trống thật điệu nghệ của các em San Jose, để chụp hình lia lịa.

80727an2.jpg

Với Cụ Trưởng Tràng

Vừa tính quay xuống để trở về ghế ngồi ‘reserved’ thì nghe có tiếng gọi: An! An! Nhìn một lúc mới thấy dung nhan cụ trưởng tràng ngày nào, ngồi cách ghế ‘reserved’ của mình khoảng 10 hàng, mới hay đây là hàng ghế dành cho các linh mục. Anh em gặp lại nhau xiết bao mừng rỡ, dù đã gặp cụ một lần ở trung tâm cấp phát thẻ đồng tế tại Chippendale ngày 14 tháng Bẩy. Cụ từ Việt Nam qua nhưng nhanh nhẹn hơn người thổ địa Sydney. Vì cụ lãnh được thẻ ấy sớm hơn bọn tôi đến cả hai, ba chục phút. Làm sao bỏ lỡ được cơ hội chụp với cụ một tấm hình. Bèn nhờ cụ nghĩa tử của trưởng tràng bấm cho ‘hai thằng’ một pô. Chả hiểu cụ nghĩa tử bấm ra sao, mà lúc mở máy để soát xem có hình hay không, thì màn ảnh đen như mực, chỉ thấy một mầu đen vô tận, không thấy bất cứ hình ảnh nào. Tưởng đã đi đời nhà ma chiếc máy ảnh. Mở chiếc Handycam ra thì cũng thấy cùng một màn ảnh đen như mực ấy. Lấy làm lạ hôm nay là ngày gì mà xui tận mạng đến vậy. Loay hoay một hồi, hướng ống kính lên sân khấu chợt thấy rõ hình ảnh, mới hay máy mình không gặp trở ngại chi. Trở ngại hay không là chính cái lơ tơ mơ của mình. Ống kính hướng xuống nền xi măng đen xì trong một căn phòng không có ánh sáng, thì làm sao thấy có hình ảnh chi trên màn hình! Thế là lại quay, nhưng lúc đó, Đoàn Trống San Jose đã chấm dứt phần trình diễn của họ rồi. Vậy mà khi gặp Cha Văn Chi, cụ vẫn ‘phán’: anh viết bài tường thuật buổi trình diễn này cho em nhá! Chẳng anh em gì đâu, đây chỉ là lối xưng hô xưa nay của Cha Văn Chi với tác giả bài này thôi. Bèn gãi tai thưa lại: con theo dõi có ra gì đâu mà dám viết…

Từ hàng ghế ‘reserved’, tôi còn lẻn lên hàng ghế đầu nhiều lần nữa để chụp hình quay phim. Và thừa lúc Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, dưới tài điều khiển của Cha Văn Chi, lên trình diễn, cả trên sân khấu lẫn dưới sân khấu, vì số đoàn viên quá đông, tôi đã lẻn qua phía cánh phải của hội trường, và mon men tiến tới xát sân khấu. Ở đấy, tôi gặp hai đứa cháu ngoại đang say sưa, đứa kéo violon đứa kéo cello, trong ban nhạc tí hon, đệm cho Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh.Và dù đèn đóm không có, tôi cũng quay đại cảnh ban nhạc tí hon ấy trình diễn. Tiếc rằng, lúc ống kính của tôi bắt được hình ảnh hai đứa cháu ngoại, thì bản nhạc cũng kết thúc. Chưng hửng. Ông ngoại đến trễ không có dịp cổ vũ hai đứa, thôi cho ông ngoại xin lỗi, vì ông ngoại ‘lầm chẳng biết’ mô tê các cháu ngồi chơi nhạc ở mô. Các cháu chắc cũng chẳng cần cái thứ cổ vũ của ông ngoại, phải không?

Rồi thì đèn bật sáng, cả hội trường với đầy đủ mầu sắc xuất hiện đầy nét sinh động. Tôi có dịp gặp hai đức cha Vũ Văn Thiên và Mai Thanh Lương. Đức cha Thiên tôi đã nhắc đến rồi. Riêng Đức cha Mai Thanh Lương, thì đây là lần thứ hai tôi được gặp lại ngài trong những năm gần đây sau hơn 30 năm gặp nhau lần đầu năm 1973 tại Rochester, lúc tôi đi tu nghiệp quan sát nền hành chánh địa phương ở một số thành phố thuộc bang New York. Lúc ấy, Đức cha mới chịu chức linh mục được vài năm và hiện làm phó xứ nhà thờ Rochester. Lần thứ hai gặp lại ngài là ở WYD năm 2005 tại thành phố Bonn, thủ đô của Cộng Hòa Liên Bang Đức ngày trước. Các kỷ niệm ngày nào giờ đây chỉ còn rất ít. Âu cũng là do thời gian cả… Ngoài các đức cha và hai cha Nguyễn Quang Thạnh và Chu Văn Chi ra, ở hàng ghế đầu, tôi còn nhận thấy có ông Giang Hoan, chủ tịch ban thường vụ hội đồng mục vụ Công Giáo Việt Nam tại Sydney và ông Võ Trí Dũng, chủ tịch cộng đồng người Việt Tự Do Tiểu bang New South Wales. Cả hai vị đều là chủ tịch những định chế có tên thật dài, mà dài như thế mới thật đầy đủ ý nghĩa. Mất nước, phải đi tị nạn trên đất người, tên tổ chức Việt Nam nào ngắn cũng thành dài như vậy cả.

80727an3.jpg

Randwick 20-07-08

Còn nhớ, khi tôi gửi hình chụp với ‘bố con’ trưởng tràng tại buổi Đại Nhạc Hội này cho anh em cùng lớp khắp nơi, có người khen: anh tế nhị thật, chụp với trưởng tràng và không có cờ gì ở phía sau. Tôi không biết phải thưa lại với anh bạn cùng lớp ra sao. Nào tôi có tế nhị gì đâu. Dù quay 360 độ khắp hội trường, phía sau chúng tôi vẫn không có lá cờ nào cả. Phải nhận đây là một điểm đáng ca ngợi ban tổ chức WYD4VN. Nhờ thế mà anh em con cùng một Giáo Hội Việt Nam đã có thể quên khuấy mình từ Hà Nội qua, hay mình từ Washington DC tới. Và chỉ còn nhớ mình là con cháu Việt Nam được vị Cha Chung tạo dịp may cho gặp nhau trong giây phút, rồi như vợ chồng ngâu, sẽ lại rưng rưng chia tay nay mai, nên phải lợi dụng tối đa giây phút hiện tại để cùng đập một nhịp, hát cùng một bài, hoan hô cùng một tiếng, say sưa cười nói huyên thuyên, vỗ tay vang dội khắp bầu trời Liverpool. Ở đây ai chả biết anh là Việt, em là Việt, chị là Việt, cha là Việt, ma xơ là Việt… Cần gì phải cầm cờ. Chắc ông Võ Trí Dũng cũng đồng ý. Cho nên Ông đã vui vẻ hiện diện từ đầu đến cuối buổi Đại Nhạc Hội không cờ. Và mấy hôm sau, ông đã cùng chúng tôi cầm nhiều lá cờ Việt Nam tự do đi tham dự WYD cùng người muôn phương muôn hướng, muôn quốc gia dân tộc để nói rằng: cả chúng tôi nữa, người Việt tự do, thưa người muôn phương muôn nước, cũng có mặt trong ngày hội của tuổi trẻ thế giới.

(còn tiếp)

Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, phần (1), (2), (3), (4), (5) & (6)

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.07.2008. 23:23