Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2008

§ Vũ Văn An

Ngày Giới Trẻ Thế Giới mà hóa ra là Tuần Giới Trẻ Thế Giới. Nhưng nếu kể cả những ngày cấp giáo phận nữa, thì đến hai tuần lận, chứ không phải một. Thực vậy, ngay Thứ Ba, mồng 8 tháng Bẩy, tôi đã ra phi trường Sydney để đón một linh mục Dòng Phanxicô, bạn người em họ, từ Huntington Beach, California, qua dự Đại Hội cấp giáo phận. Cụ không mua được vé máy bay đi Melbourne hay sao ấy, nên đã phải tới Sydney trước, để hôm sau, đáp máy bay Qantas xuống Tiểu Bang Vườn thăm gia đình một người quen, rồi từ đó, ngược lên phía Bắc, tới Brisbane, tham dự cuộc gặp mặt của gia đình giới trẻ Phanxicô thế giới. Chưa bao giờ biết mặt cụ, nên phải thủ sẵn một tấm carton viết tên cụ. Còn đang trố mắt tìm cụ ở đoàn người từ trong phòng đợi đi ra, thì cụ đọc được qúy danh, tự động tiến tới bắt tay.

80725an1.jpg

Bạn Trẻ VN từ Bắc Âu tại Bringelly 13-07-08

Xa hơn chừng 10 thước, đã nghe có tiếng đồng ca âm vang một bài hát đạo hân hoan tươi trẻ. Họ là lớp người đầu tiên đến Phi Trường này để nhập đoàn khổng lồ gần 2 trăm ngàn người hành hương WYD. Thực ra không cần họ phải lớn tiếng tư xưng mình là người hành hương như thế. Chỉ cần nhìn ba-lô của họ lủng lẳng đủ chiếu ngủ cùng ghi-ta trống phách cũng đủ thấy họ là người hành hương rồi. Nhưng xét cho cùng, đối với người đủ hai con mắt còn trông thấy như tôi, thì không cần, chứ đối với người không đủ hai con mắt còn trông thấy như tôi, thì đồng ca một bài hát đạo hân hoan vẫn là thượng sách để họ nhận ra: ngày hội đã bắt đầu.

Mà quả đã bắt đầu thật: ở Melbourne, ở Adelaide, ở Perth, ở Queensland, ở Tasmania… ở khắp nơi. Người Việt Nam là một trong những người có mặt rất sớm trên mảnh đất Terra Australis này. Bởi ngay từ ngày 2 tháng Bẩy, trưởng tràng ngày xưa của tôi tại Tiều Chủng Viện Phanxicô Xaviê Huyện Sĩ đã có mặt tại Melbourne. Chẳng bù cho hai vị cùng lớp khác đủng đỉnh mãi 17 tháng Bẩy mới rời Sài Gòn qua Sydney. Tám người anh chị em họ tôi từ Anaheim, Westminster, California, Austin Texas và Hawaii cũng đủng đỉnh qua ngày ấy. Họ lủng củng đủ thứ hành lý, có cả những thùng thuốc ân nghĩa sẽ được họ đem về Việt Nam phân phối sau những ngày Đại Hội, nên tôi phải huy động thêm hai chiếc xe ‘hơi lớn’ nữa trực chỉ Phi Trường mới đủ.

Phiền một điều, chiếc xe ‘pho huyn rai’ của anh con rể loại mới quá, chiếc thắng tay để ở chỗ nào tôi nhìn không ra, lúng túng cứ thế cho xe chạy, quên cả bẻ tay điều khiển xuống. Chiếc xe vì thế cứ long sòng sọc, kêu la inh ỏi. Không những không chịu tìm hiểu nguyên do, lại còn trách: xe mới gì mà lại dở thế này! Từ nhà đến Phi Trường Quốc Tế chỉ là 10 phút, cộng với 10 phút trở lui, xem ra chẳng dài, chẳng lâu gì cho lắm, nhưng cũng đủ để hệ thống thắng tay đi đời nhà ma.

Điều ấy xét cho cùng chưa phải là cao điểm trong ngày. Tôi sẽ trở lại vấn đề này khi nói thêm về ngày 17 tháng Bẩy. Bây giờ xin được trở lại với ngày đầu của WYD 2008.

80725an4.jpg

Bạn Trẻ WYD trên Đường Broadway 14-07-08

Ngày ấy tôi muốn được kể vào ngày đầu tuần, tức Thứ Hai, 14 tháng Bẩy, dù WYD chỉ chính thức khai mạc sau đó một ngày. Nói cho cùng, chẳng phải riêng tôi tính ngày 14 tháng Bẩy, mà cả thành phố Sydney đều tính ngày ấy làm ngày đầu tiên của WYD bởi khắp phố phường, đâu đâu, không khí ngày hội cũng đã bừng lên cả rồi, qua cờ xí biểu ngữ, qua tiếng hát lời ca, qua những chiếc ba-lô vàng đỏ, từng tốp từng tốp, ở ngã tư đường, ở quá ăn, ở bến xe búyt, ở ga xe lửa…ở phi trường, ở công viên, ở khách sạn, ở các truờng học, ở các hội quán giáo xứ, ở các tư gia.

Riêng tôi, phải tháp tùng cha Dòng Phanxicô lên Trung Tâm cấp phát thẻ có dán hình cho các linh mục đồng tế với Đức Giáo Hoàng vào ngày kết thúc Đại Hội. Phương tiện di chuyển ‘chắc ăn’ nhất để vào trung tâm Thành Phố trong những ngày này đương nhiên là xe lửa và xe búyt. Chúng tôi lấy xe lửa lên Ga Trung Ương, từ đó cuốc bộ ra đường Broadway, rẽ tay trái, băng qua Đại Học Kỹ Thuật UTS, để vào Chippendale. Ngoài kia, bạn chỉ thấy lác đác dăm ba nhóm hành hương, chứ vừa bước chân vào đường Grafton, bạn ‘giáp mặt’ với cả một rừng người. Họ là các giáo sĩ và thiện nguyện viên đến làm thẻ có dán hình, họ còn là khách hành hương bình thường đến lãnh ba-lô và thẻ tham dự WYD. Cha Dòng thân mến của tôi, vì mang theo lỉnh kỉnh đủ đồ tùy thân để sau đó còn tới

80725an2.jpg

Nơi phát thẻ Đồng Tế 14-07-08

Walerley cùng sinh hoạt với các bạn cùng Dòng khác, nên ngại không muốn chen vào. Tôi phải liều mạng ‘mở đường máu’ tiến vào bên trong. ‘Hùng hùng hổ hổ’ hóa ra công cốc, khiến cha Dòng phá lên cười, dù sau đó, miệng méo xệch trở lại y như cũ: không phải ‘kiu’, mời anh đi chỗ khác. Mà chỗ khác là chỗ nào. Lại một màn ‘éec kiu dờ mi’hỏi han lung tung. Mồ hôi bắt đầu uớt cả áo, nhễ nhãi cả trán, cả đỉnh đầu ‘hết tóc’. Mãi mới tìm được ‘kiu’ tạm gọi là khả quan hơn. Ở đấy gặp được cụ Trưởng Tràng ngày xưa và một số linh mục từ Việt Nam qua. Ai nấy cứ lắc đầu nguầy nguậy chẳng thèm nói lời nào.

Nhớ lại mấy hôm trước, đứa con gái đầu tháp tùng hai linh mục khác, từ Việt Nam qua, tới Trung Tâm này. Nó khen: nhờ mấy ‘ma xơ’ ở đấy chỉ dẫn, nên làm cũng lẹ. Hỏi nó: lẹ ra sao, nó cười bảo: 3 tiếng! Cho nên tôi cũng đã có chuẩn bị tâm lý qua loa rồi. Tôi cũng bắt chước đường đi nước bước của con gái, nhỏ nhẹ hỏi một ‘ma xơ’. Bà ấy cũng nhỏ nhẹ cho hay phải đi lấy một mẫu ấn chỉ. Hỏi: ở đâu? Bà ấy bảo: Ở ngoài kia (?).Được cái bà ấy có cho xem hình thù mẫu ấn chỉ. Bèn nhớ lại lúc đứng phải ‘kiu’ không đúng, có trông thấy một xấp mẫu ấn chỉ ấy rồi. Bèn trở lui ra ngoài. Người phụ trách làm cho ngay một cuộc ‘phỏng vấn’: ông là ai, là thiện nguyện viên hay khách hành hương? Không, không phải thiện nguyện viên, tôi chỉ xin mẫu ấn chỉ để lấy thẻ đồng tế với Đức Giáo Hoàng. Thế ông có phải là khách hành hương hay không, nếu phải xin ra ngoài xếp hàng! Như không. May quá, gặp được một anh thiện nguyện viên với một xấp mẫu ấn chỉ giống y mẫu đã được ‘ma xơ’ tốt lành chỉ cho, bèn xin một tấm. Anh ta cũng ‘phỏng vấn’: ông có phải thiện nguyện viên hay không? Lần này thì đành nói dối cho xong việc: vâng đúng thế! Chạy vội vào bên trong, thì được cha Dòng cho hay: ‘kiu’ mình đang đứng không phải là ‘kiu’ tiến hành cứu xét (processing) phát thẻ, mà chỉ phát thẻ đã được tiến hành cứu xét rồi. Cha cho hay: họ bảo dù mình đã đăng ký và có gửi hình đầy đủ, vẫn phải điền mẫu ấn chỉ này, nạp vào ‘kiu’ khởi đầu ở ngoài kia (?), để họ vào ‘com-piu-tờ’ trước đã thì ở chỗ này (?) họ mới phát thẻ.

80725an3.jpg

Lần hạt chờ thẻ đồng tế, 14-07-08

Trong khi cha Dòng điền mẫu đơn, tôi bèn hỏi một linh mục người Úc: cha đứng đây làm gì vậy? Ngài trả lời: chính tôi cũng không biết mình đứng đây làm gì. Họ bảo đến đây nạp mẫu ấn chỉ này thì đến đây thôi! Câu ấy làm tôi tỉnh người, vì ‘kiu’ này không đông như ‘kiu’ ở ngoài kia. Tôi vốn học về quản trị tại trường quản trị của lục quân Hoa Kỳ ở Rock Island, Illinois, năm 1973. Nên cứ thắc mắc mãi tại sao ở Trung Tâm này, họ lại không phân chia công việc thành nhiều bước liên tục khác nhau và cho ‘khách hàng’ biết chỗ nào bước một, chỗ nào bước hai để tránh cho những người dễ chẩy mồ hôi như tôi đừng có ướt áo giữa mùa đông lạnh buốt của Sydney?

Nhưng tôi quên mất điều này: đây đâu phải trung tâm quản trị và tôi đâu phải khách hàng, cũng chẳng phải du khách mà là người hành hương. Một lúc sau, cha Dòng cũng mỉm cười mà đi suốt được ‘kiu’ cứu xét. Vội chạy qua ‘kiu’ cấp phát. Nhưng rồi vì buồn ‘giải quyết bầu tâm sự’, ngài phải rời ‘kiu’, không kịp thông báo để tôi vào đứng thế. Rất may, một lúc sau, có người hô to Reverend John Nguyen, nhưng không ai nhận thẻ, tôi bèn nghển cổ nhìn vào, thấy đúng là dung nhan ngài, bèn cắm cổ đi tìm Cha. Hai cha con hớn hở kéo mấy chiếc túi đồ ra khỏi Trung Tâm mà thấy người sao mà nhẹ bẫng.

Trở lại Ga Trung Ướng để lấy xe lửa khác đi về phía Đông Thành Phố, băng qua Martin Place, Kingscross, Edgecliff tới Bondi Junction. Từ Bondi Junction lấy xe Bus 378 đi Waverley. Mà nào biết Nhà Thờ Immaculate Mary gần trạm xe búyt nào. Phải năn nỉ anh tài xế. Anh này hình như không thích WYD lắm, nên có vẻ khinh khỉnh, không nói gì. Tuy nhiên đến ngã tư Carrington và Victoria, thì anh ta làm hiệu cho mình đi xuống. Vừa đặt chân xuống đường, đã thấy ngọn tháp của một ngôi nhà thờ. Vững bụng băng qua đường tiến tới, quả là Nhà Thờ Immaculate Mary.

Trong lòng vẫn nghĩ anh em cùng Dòng chắc đãi nhau chẳng đến nỗi nào. Đâu ngờ nơi ‘tạm trú’ dành cho anh em cùng Dòng cũng vẫn chỉ là sàn có thảm, không giường không ‘chiếu’, trên đó, một cha, vừa từ Giêrusalem qua, đang co quắp vì lạnh! Thánh Phanxicô cũng phải mủi lòng. Nhưng lạy Chúa, xin cho con nhớ mình là khách hành hương, không phải du khách, như bài kinh tôi đọc trên đường từ Split tới Medjugorje năm 2005. Để cha Dòng ở lại với anh em ngài, tôi trở lại trạm xe buýt đón xe, tính ra ga Bondi Junction lấy xe lửa về ga Trung Ương. Nhưng chiếc 378 lại không vào Ga Bondi Junction, mà chạy thẳng về Ga Trung Ương, đường về vì thế cần nhiều giờ hơn đường tới. Được cái, nhờ thế có dịp đi qua phố Oxford nổi tiếng của khu Kingscross, một thứ Ngã Ba Chú Ía của Sài Gòn trước 1975! Tuy nhiên, không khí ngày hội WYD ở khu này cũng đã lấn át hết cái tanh hôi của xóm ăn chơi, ít nhất ở thái độ cư dân và cờ xí khắp ngả, cột đèn nào cũng có một lá đủ mầu, phần lớn mang danh NAIDOC, nếu không lầm thì là một tổ chức bênh vực quyền lợi Thổ Dân. Thành ra ngày đầu tiên, tuy không tham dự được cuộc rước Thánh Giá Đại Hội từ Manly băng qua trung tâm thành phố mà về Đại Học Sydney, nhưng mồ hôi và mệt mỏi cũng như cảm thức về người Thổ Dân ngay trong khu ăn chơi Kignscross, phần nào đã đền bù cho sự thiếu sót ấy.

(còn tiếp)

Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, phần (1), (2), (3), (4), (5) & (6)

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.07.2008. 00:36