Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới (2)

§ Vũ Văn An

Hôm sau, ngày 15/7/2008, ngày chính thức khai mạc WYD. Cha Văn Chi gọi điện thoại tới cho hay hôm nay sẽ có cuộc họp của ban truyền thông Việt Nam. Ngài muốn tôi tham gia ban này để thông tin về Đại Hội, nhưng vì tôi thuộc loại ‘cổ lai hy’ nên ngài thương tình chia cho việc ở nhà để theo dõi báo chí Úc, ‘chứ ra ngoài mệt chết’.

Cha đâu có ngờ là cả ngày hôm trước tôi đã ‘ra ngoài’, tuy mệt nhoài mà lòng thì vẫn thích tiếp tục ‘ra ngoài’ ấy. Hôm nay, chắc cũng vậy thôi, tuy về mặt ‘pháp lý’, không nên ‘ra ngoài’ như thế vì bất hợp lệ. Số là tôi chỉ đăng ký loại C nghĩa là tham dự hai ngày cuối tuần tức Thứ Bẩy và Chúa Nhật. Được cái theo thông báo của WYD4VN, cả những người đăng ký loại C cũng được tham dự Thánh Lễ Khai Mạc Trọng Thể dành cho các phái đoàn Việt Nam tại Trung Tâm Whitlam ở Liverpool và sau đó, tham dự sinh hoạt chung với giới trẻ Việt Nam khắp thế giới, lại còn được phép dự BBQ vĩ đại nữa, và buổi chiều được lên Barangaroo tham dự Thánh Lễ Khai Mạc WYD do Đức Hồng Y George Pell chủ tế.

Như thế từ bất hợp lệ, tôi đã trở thành hợp lệ để tham dự các lễ hội WYD vào ngày hôm nay. Điều ước muốn nhất của tôi là được gặp một số thân quen rải rác khắp thế giới, trong đó có những người, những vị thân quen từ Việt Nam qua, trong đó phải kể Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục Hải Phòng, người tôi từng được gặp năm 2005 tại Sydney và năm 2007 tại Hải Phòng. Phiền một điều bà xã nhà tôi nhằm ngay ngày hôm nay để đi khám ‘pap smear’ theo lịch trình được ấn định từ lâu, sau đó, còn đi châm cứu nữa. Không có xe, tôi đành ở nhà ‘chứ ra ngoài mệt chết’. Lần này thì không phải mệt về thân xác mà mệt vì tinh thần.

80726an1.jpg

Bạn trẻ WYD tại Ga Trung Ương

Chờ bà xã đến 1 giờ 30 chiều cũng không thấy về, tôi đành ‘khăn gói quả mướp’ ít đồ lủng củng, trong đó có chiếc máy hình Cybershot Sony và máy quay phim Handycam cũng hiệu Sony. Quên mang theo chai nước và ít đồ ăn phòng khi độ đường xuống thấp. Cứ thế trực chỉ ga xe lửa Beverly Hills. Theo hướng dẫn của Cơ Quan Phối Hợp WYD của Tiểu Bang, người đi tuyến đường Airport-Easthills như tôi, nếu muốn tới Barangaroo, thì nên xuống xe tại Circular Quay. Nhưng ở Ga Beverly Hills, nhân viên hỏa xa lại khuyên công chúng đi Barangaroo phải xuống xe tại Ga Trung Ương. Không vâng lời cha Chi, chứ nhân viên hỏa xa thì tôi răm rắp tuân theo, nhất là trong những ngày có đến 200,000 người đổ vào trung tâm Thành Phố như thế này. Từ Ga trung Ương, tôi đi ngược hướng Eddy Avenue, để tới đường hầm thường dẫn các sinh viên tới Đại Học Kỹ Thuật Sydney (UTS) trên đường Broadway. Vì hôm trước, nhân đưa cha Dòng Phanxicô đi lãnh thẻ đồng tế ở Chippendale, tôi đã thấy các bảng chỉ đường dẫn tới Barangaroo từ đường hầm này rồi. Tôi hơi lấy làm lạ, sao chỉ lác đác một hai người hành hương theo lối này tới Barangaroo, trong khi người hành hương đi ngược chiều thì đông hơn hẳn. Được cái các thiện nguyện viên đứng dọc hai bên chỉ đường làm tôi vững bụng. Hết đường hầm thì gặp đường rầy ‘Light Train’, băng qua thư viện UTS, qua China Town. Người hành hương với ba-lô vàng đỏ mỗi lúc một đông. Đến Darling Harbour thì không khí Đại Hội quả đã hết sức sinh động. Nhiều đoàn vũ của người ở Đảo đang thay nhau trình diễn. Công chúng thư giãn nằm la liệt trên cỏ thưởng ngoạn. Nhìn kỹ người không phải dòng Caucasian đông hơn hẳn.

80726an2.jpg

Bạn Trẻ WYD tại Darling Harbour

Tôi dừng ở đó một lúc, rồi mới tà tà tiếp tục đi tới Đông Cảng Darling, tới địa điểm Barangaroo, mà ngày xưa, nhân mùa suy thoái kinh tế, vốn là vũ đài của những tranh chấp cay đắng nhất trong lịch sử kỹ nghệ Úc Châu, được người đời tặng cho biệt danh Hungry Mile. Cứ tưởng nó nằm xát cạnh bên, nào ngờ 20 phút sau mới thấy bóng dáng Lễ Đài xa xa. Tôi phải dụi mắt một lúc lâu vì tưởng mình đang ngủ, mơ thấy Marienfeld của WYD 2005 tại Cologne. Sao hai lễ đài giống nhau đến thế. Chắc chỉ có tôi suy nghĩ vẩn vơ, vì đoàn người quanh tôi đang hòa tan vào nhau trong hân hoan, cười nói, thật thoải mái, thư giãn. Họ thuộc đủ mầu cờ, mầu da, lối ăn mặc, nói năng. Nhưng cùng một thứ ngôn ngữ cảm thông, hiệp nhất. Họ nói nhiều thứ tiếng, nhưng thứ tiếng nào, trong lúc này, cũng chỉ có một phát biểu, một âm vang, mà bạn chẳng cần hiểu cũng cảm được điều họ cảm. Tôi vì thế gần như quên mất mệt. Có điều, cũng như ngày hôm trước, sợ về đêm lạnh giá, nên quần cũng hai ba lớp mà áo thì còn nhiều hơn, thành ra đến lúc này, sau gần 40 phút đi bộ, mồ hôi bắt đầu làm tôi nhận ra sự hiện hữu của nó trong nách, trên lưng, trên tóc. Mặc tôi vẫn cứ ‘nhẩn nha’ tiến bước với đoàn người, thỉnh thoảng dừng lại chụp dăm ba tấm hình hay quay một vài đoạn phim các đoàn hành hương ngồ ngộ. Vào đến gần cổng 12, tôi bắt đầu nhận ra sự hiện diện của người Việt Nam. Thực ra, người Việt Nam cùng đồng hành với tôi từ Ga Trung Ương tới Barangaroo nào đâu có thiếu, nhưng làm sao biết chắc được cho bằng lúc họ đem theo lá cờ Tự Do. Đối với tôi, nếu chẳng may lá cờ này mất hết ý nghĩa chính trị hay bất cứ ý nghĩa nào khác, thì nó vẫn còn một ý nghĩa, ý nghĩa nhận diện. Điều ấy không lúc nào đúng bằng lúc này. Phía trước tôi, còn cách khoảng một trăm thước, ba lá cờ Việt Nam Tự Do đang phất phới. Tôi vội bỏ chai nước vừa mua xuống đất, cả chiếc áo khoác vì nóng quá vừa cởi ra, để móc máy hình và handycam ra chụp mấy tấm, quay mấy giây. Đến nơi mới hay là Dũng, một huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể kiêm giáo lý viên nhiệt thành, tôi từng gặp mỗi lần có Đại Hội Giáo Lý tại Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, một người thật trẻ nhưng lại ưu tư khá nhiều trong việc làm thế nào dạy giáo lý bằng tiếng Việt cách hữu hiệu cho các thiếu nhi Việt Nam. Dũng mời tôi cùng nhập đoàn, sau khi trao cho tôi vé vào Barangaroo ngày 15 tháng Bẩy, bảo rằng: không có vé, họ không cho bác vào đâu! Tôi bây giờ như lời Chúa Giêsu đại khái tiên đoán về Phêrô: lúc về già, anh sẽ để người ta thắt lưng và dẫn đi đâu thì đi (Ga 21:18).

80726an3.jpg

Cờ VN Tự Do tại Cổng 12 Barangaroo

Đến cổng 12, tôi thấy một số ‘quan chức’ Việt Nam đứng sẵn ở đó, không rõ để làm gì. Sở dĩ gọi bằng quan chức, vì các vị ăn vận rất bảnh bao, không giống người hành hương. Và sở dĩ tôi biết họ là người Việt Nam, dù không mang cờ Việt Nam Tự Do, là vì trong số ấy có người ngày xưa (cách nay gần 50 năm) đã mài đũng quần với tôi tại cùng một ngôi trường. Thấy bọn tôi mang cờ, ông bạn cùng mài đũng quần cổ vũ: phất cao lên nhé. Mang cờ đến đây mà lại không phất cao, thì biết làm gì bây giờ. Em nhỏ phất cao thật, phất từ lúc vào cổng phất vào, tuy trong cơn gió mạnh từ Cảng thổi về, tôi chỉ sợ thân hình nhẹ bẫng của em có thể bay lên không trung trong nháy mắt. Các em rẽ về bên trái, tôi lại rẽ về bên phải, hy vọng gần khán đài hơn. Té ra, tính toán của mình sai. Nếu theo các em, tôi có thể được đứng ở địa điểm nhìn thẳng vào khán đài chính và do đó, được tham dự Thánh Lễ cách trực diện rồi, không cần đến màn ảnh vĩ đại nữa. Đàng này, không những tôi phải nhìn phía phải của khán đài, lại còn bị rào cản, không sao tiến gần hơn. Nhìn thấy Diệp Hải Dung ung dung đứng phía trong, tay lăm le chiếc máy ảnh như chỗ không người mà thèm. Nhưng thôi, phải lợi dụng tối đa tình thế hiện tại. Bèn lấy máy hình và máy quay phim ra làm việc. Cố gắng sao để thu cho được mấy lá cờ Việt Nam Tự Do vào ống kính. Phiền một cái, chả làm sao thu được hình nó trên nền lễ đài vì hai thứ này nằm ngược chiều nhau theo ống kính của tôi.

Rồi bỗng nhiên rào cản được dịch qua một bên, người hành hương thi nhau tiến lại gần khán đài. Tôi tới đứng ngay cạnh các linh mục mặc áo alba và dây stola. Nhưng trong cái may lại có cái rủi. Các cha cao quá, che hết tầm nhìn của mình. Khán đài gần mà lại hóa xa. Đành phải hướng tầm nhìn vào màn hình vĩ đại vậy. Cũng đủ để thấy Casey Donovan mập ú trình diễn cùng với những nghệ sĩ Thổ Dân khác. Ít khi được nhìn lại khuôn mặt và lối trình bầy của Australian Idol này kể từ ngày cô giật giải cách nay mấy năm. Đủ thấy Ngày Giới Trẻ Thế Giới ít nhất cũng có một tác động nào đó lên người Nghệ Sĩ trẻ tuổi này. Như thế, cùng với người giật giải đầu tiên là Guy Sebastian, Casey, người đoạt giải năm sau, đã mang Ngẫu Thần Úc (Australian Idol) tới chân bàn thờ, suy phục Thiên Chúa Chân Thực trong ngày WYD. Cứ lẩn thẩn như thế, nên khi người ta thông báo cờ các quốc gia tham dự WYD đang diễn hành, vội chạy ra, thì đã lỡ cơ hội thu hình được chàng tuổi trẻ Việt Nam với lá cờ Tự Do của anh trong đoàn rước. Tôi chỉ chụp được bức hình một lá cờ Việt Nam Tự Do do một bạn trẻ đứng sau rào cản phất lên, mà nhìn xa, tưởng là được phất lên trong đoàn cờ. Không như lá cờ của chàng tuổi trẻ kia mà sau này tôi được dịp chiêm ngưỡng, mười mươi là cờ trong đoàn rước.

80726an1.jpg

TT Kevin Rudd tại Barangaroo

Rồi Thủ Tướng Kevin Rudd duyên dáng xuất hiện, có những người Úc đầu hết đứng sau lưng, những người dù rất ít về số lượng (trên dưới 500,000 khắp lụa địa Úc Châu) nhưng lại rất quan trọng về ý nghĩa đối với chính phủ do ông lãnh đạo, và cả với Giáo Hội Công Giáo tại Úc này nữa, một giáo hội đang ra sức cổ vũ một lối phát biểu Đạo bằng tâm thức của chính họ. Chỉ tiếc trong gần mười ngôn ngữ được ông dùng để chào mừng khách hành hương, không có tiếng Việt, mặc dù tôi có hô to: how about Vietnamese? Dĩ nhiên ông Rudd không nghe tiếng hô của tôi, chỉ có các linh mục đứng gần tôi nghe thấy mà thôi, nên ông đã chấm dứt việc khoe tài ngoại ngữ của ông, như ông từng làm tại Hội Nghị APEC năm ngoái tại Sydney, lúc ông còn là Trưởng Khối Đối Lập, và tại Bắc Kinh năm nay, lúc ông đã là Thủ Tướng Chính Phủ, mà quay qua ca tụng vai trò tôn giáo. Ít ra thì Kevin Rudd cũng thật xác tín về khía cạnh này, một điểm son, mà người đăng cai WYD 2011 tại Madrid lấy làm thèm thuồng. Cái dân tộc từng đâm rễ sâu xa vào Kitô giáo đến độ ‘ngưng không Kitô giáo nữa là ngưng không Tây Ban Nha nữa’ (Lời Đức Hồng Y A. Canizares, tổng giám mục Toledo nói nhân dịp WYD 2008 tại Sydney) quả đã thụt lùi so với dân tộc vốn thoát thai từ thềm hoang dã của những tên tội đồ. Âu cũng là một niềm an ủi đối với một cử tri từng buồn da diết khi thấy ông thắng John Howard.

80726an5.jpg

Đức HY George Pell

Đức Hồng Y George Pell cũng ‘khoe’ tài ngoại ngữ, nhưng ít hơn, và hạn chế trong những ngôn ngữ chính thức của Đại Hội. Nói như thế vẫn còn mơ hồ. Vì theo thông báo của WYD4VN, “Việt ngữ được chọn là 1 trong 7 ngôn ngữ chính thức trong ĐHGTTG 2008 Sydney”. Nhưng đã không được Đức Hồng Y dùng để chào mừng khách hành hương thập phương. Ngài chỉ dùng tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Đức thì phải. Nói tóm lại đều là các ngôn ngữ Âu Mỹ. Dù Âu Mỹ xa Úc hơn lục địa Á Châu nhiều. Biết làm sao được. Số khách hành hương đến từ hai châu lục kia dù sao cũng đông gấp bội. Như thế, tiếng Việt chỉ được dùng để phiên dịch cho người Việt hiểu những nét chính của WYD. Âu cũng là một thành công nhờ số người tham dự đông đảo lần này. Còn nhớ số người Việt Nam tham dự WYD tại Cologne năm 2005 chỉ vào khoảng trên dưới một ngàn, ngồi chỉ vừa đầy ngôi thánh đường nhỏ (hình như là St Elizabeth) của Bonn. Nhưng lần này, nguyên người Việt Nam đăng ký chính thức đã trên 3,000 người rồi (vì nếu không thế thì tiếng Việt đã không được kể là 1 trong 7 ngôn ngữ được chính thức phiên dịch). Chưa kể số người không đăng ký, có thể lên bằng số ấy nữa. Nên địa điểm khởi thủy dự trù cho cộng đồng Việt Nam tại Nhà Thờ Sacred Heart, Cabramatta, đã không đủ sức chứa số người đông đảo này. Trung Tâm Whitlam tại Liverpool được chọn thay thế là vì vậy.

Như trên đã nói, đối với biển người muôn mầu phía dưới, dù các vị vọng có nói ngôn ngữ gì chăng nữa, thì cũng như khách thập phương tại Giêrusalem ngày nào, họ vẫn hiểu bằng chính ngôn ngữ của riêng họ. Vì ngôn ngữ họ nghe quả đã được sức mạnh Chúa Thánh Thần biến đổi thành ngôn ngữ của riêng họ, ngôn ngữ của hiệp thông. Quanh tôi là linh mục, nữ tu, là đàn ông đàn bà, là người già người trẻ, là Âu Tây, là người ở Đảo, là Đại Hàn, là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ái Nhĩ Lan, Trung Hoa, Việt Nam, Ấn Độ… nhưng ai cũng cười, cũng vỗ tay, cũng quay qua nhau nói một câu, mỉm cười một cái, cũng vẫy vẫy và nhất là cũng thưa kinh một lúc, thật âm vang, thật đồng điệu. Tôi quên không mang theo sách phụng vụ do Đại Hội cấp phát, nhưng không vì thế mà không ê a, không ngâm ngợi cùng cả cộng đoàn ngày Ngũ Tuần này. Một điều nữa: các linh mục, tuy không nhường ghế cho tôi ngồi, có thể vì sợ mất vẻ đẹp ‘hoành tráng’ (thật ra tôi chẳng hiểu rõ nghĩa chữ này bao nhiêu, chỉ là dùng bừa) của quang cảnh ngày lễ chăng, nhưng khi thấy tôi đứng lên không nổi từ chỗ ngồi dưới đất, đã tự ý cúi xuống nâng tôi đứng dậy. Tôi rất biết ơn các linh mục ấy. Họ vốn xa lạ với tôi, nhưng đã không xa lạ chút nào trong ngày WYD này.

Những cảm tình vừa tốt đẹp vừa gây xúc động ấy cứ theo tôi mãi trên đường về nhà. Tôi phải bỏ cuộc nửa chừng, lúc Đức Hồng Y Pell đọc lời truyền phép, vì xem ra đã thấm mệt sau một cuộc đi bộ khá dài từ Ga Trung Ương tới đây và sau nhiều giây phút xúc động, rất xúc động được chứng kiến nhiều hoạt cảnh đầy tính Ngũ Tuần. Tuy nhiên, sau khi từ ‘toilet’ đi ra, một thứ ‘toilet’ tuy không sang trọng và láng coóng như các toilets tại Crystal Cathedral bên Garden Grove, USA, nhưng khá sạch sẽ, hơn hẳn các toilets tại WYD ở Marienfeld năm 2005, tôi nán lại mấy phút trên bục cao, đảo mắt một vòng khắp cánh quạt Barangaroo, để thấy người trẻ trải dài đến tận mặt nước biển kia đang nghiêm trang theo dõi Thánh Lễ trên các màn ảnh thật xa Lễ Đài này, và tự hỏi các kết luận của linh mục kiêm nhà xã hội học Công Giáo Úc tên Michael Mason, trong phúc trình Linh Đạo Thế Hệ Y có hoàn toàn đúng không. Chắc chắn ngài đúng, bởi nếu không, các nhà lãnh đạo WYD2008 đã không ủy nhiệm cho ngài nghiên cứu về tác động của WYD này đối với nền linh đạo của tuổi trẻ Úc. Nhưng đồng thời tôi vẫn tin vào các đột biến, bỗng chốc xẩy ra một cách vũ bão, cuốn hút con người đến chỗ thay đổi. Những đột biến như thế đang xẩy ra trước mắt tôi.

Ra đến cổng 12, tôi bỗng nghe có tiếng gọi nhau ‘đi nhanh lên’ bằng tiếng Việt. Nhìn lại, thấy một nhóm bạn trẻ đang nhanh chân bước tới. Lá cờ họ mang theo tôi nhận không ra. Hỏi thì một em nói: đây là lá cờ đoàn bác ạ. Các em từ đâu tới? Chúng cháu từ Việt Nam. Vậy hả, từ Hà Nội hay từ Sài Gòn? Dạ không, chúng cháu từ Tiền Giang. Nghe thấy Tiền Giang mà ngớ ra mấy giây, sau mới ‘hoàn hồn’ nhận ra Mỹ Tho. À Mỹ Tho phải không? Dạ không, Tiền Giang lớn hơn Mỹ Tho chứ bác! Các cháu quả đúng hơn bác già lẩm cẩm này. Được cái, các cháu Tiền Giang không chú trọng đến nét lẩm cẩm của già này, nên tiếp tục kể cho nghe các cháu qua đây nhờ phương tiện do ai cung cấp: phần lớn bọn cháu có thân nhân bên này giúp đỡ. Vậy ra Úc Việt vẫn một nhà, dù mình không cùng mang một lá cờ.

Lần về không đến nỗi phải ‘vòng vo tam quốc’, nhân viên giữ trật tự mở rào cản cho đi thẳng một lèo. Có điều không biết đường từ đây về Ga Trung Ương như lời dặn của nhân viên hỏa xa Beverly Hills, hay về ga Town Hall như lời khuyên của mấy thiện nguyện viên. Lên tiếng hỏi một cảnh sát viên, thì được chỉ bảo như sau: ông tới Ga Trung Ương hay Ga Town Hall làm gì, ga Wynyard chỉ cách hai phút! Hỏi thêm thì anh ta chỉ về phía tay trái. Lững thững đi hết đoạn đường đó, rồi rẽ tay trái vào đường Erskine. Các nhân viên văn phòng làm trễ cũng đang bắt đầu ra về. Yên trí đi theo họ vì họ chẳng đi xe lửa, thì cũng đi xe buýt. Tôi từng dùng ga Wynyard này thường xuyên trong thập niên 90, lúc còn làm cho Sở Thuế Liên Bang. Nhưng dùng phía bên kia dẫn tới đường Hunter, chứ không bên này từ đường Erskine dẫn tới. Trời lại đã tối mịt. Nên đứng ngay trên hầm ga Wyndyard mà vẫn không nhận ra nó. Phải nhờ một nhân viên văn phòng dậm chân bảo: ngay phía dưới chân ông, mới tìm được cửa hầm bước xuống. Người dùng xe ở ga này, vào lúc gần 7 giờ tối, vẫn còn rất đông. Khi đã yên vị trong toa xe lửa rồi, mới thắc mắc: tại sao các vị hữu trách không nhắc đến Ga Wynyard trên đường tới Barangaroo. Hỏi xong là trả lời được ngay: Ga này vốn được coi là Ga bận rộn nhất của hệ thống xe lửa thành phố. Điều hòa lưu thông trong những ngày này tất nhiên không thể xem thường được. Tôi lọt vào Ga này lòng cũng hơi chút ân hận. Tuy nhiên, việc ấy đỡ cho tôi đến 35 phút đi bộ. Tưởng rằng đỡ, nhưng đêm về, tôi cà nhắc trông thấy, tưởng ngày hôm sau chỉ còn đường nằm nhà.

(còn tiếp)

Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, phần (1), (2), (3), (4), (5) & (6)

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.07.2008. 02:01