Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tôi dự lễ khai mạc Năm Thánh 2010 của Tổng Giáo Phận Sàigòn

§ Maria Vũ Loan

Tối ngày thứ Sáu, 27/11/2009, tôi hớn hở đi về hướng quận 1 để dự lễ khai mạc mừng Năm Thánh 2010 của Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Xin được ghi lại cảm xúc của tôi, vốn là một giáo dân sinh ra và lớn lên tại giáo phận này.

Bấm vào hình để xem toàn tập
91127Saigonvl0.jpg

Trời chập choạng tối, đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ đua nhau rực sáng, xe cộ vẫn tấp nập như thường ngày, mọi việc không có gì lạ, nhưng có ai biết: lòng người giáo dân ở thành phố này đang hân hoan trước một mốc thời gian đáng nhớ, thời điểm cánh cửa ân sủng mở ra, toàn xá cho toàn dân Việt của Chúa.

Nhiều người nối bước chân đi qua cổng Trung tâm Mục Vụ, náo nức như bước vào cổng Thiên Đàng. Có quá nhiều “thánh Phêrô” canh cổng nhưng chỉ có ai có “đuôi nheo”của thiệp mời gắn trên ngực áo thì mới được vào ngồi ở trước khu vực lễ đài, nếu không thì chỉ được ngồi khu vực bên hông “chính điện”!

Đợt khai mạc Năm Thánh tại Việt Nam, nhiều nhà báo Công giáo có vẻ bận rộn. Tối nay, hình như cánh phóng viên của các trang web nước ngoài đang được “cắm” tại Sài Gòn một cách thầm lặng cũng có mặt nhưng ít ai được đến gần lễ đài phần đầu trong lễ khai mạc.

Tôi tìm được một cái ghế có tầm nhìn không tốt lắm nhưng ngay chỗ kiệu các thánh tử đạo sẽ đi qua, thôi thì cũng an ủi lòng hâm mộ của tôi với các Ngài, nếu ở hoàn cảnh của các thánh ấy, tôi không chắc mình có can đảm như thế không vì thường ngày, nhìn con dao nhọn tôi đã sợ và khó chịu lắm rồi, huống chi…

Bài hát tập thể Hiệp Thông Năm Thánh rất hay, hay vì ý nghĩa hiệp thông bao giờ cũng cần thiết; ai dám nói chắc chắn rằng, tất cả mọi người Công giáo Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới đang cùng ý tưởng, chính kiến; nhưng chắc chắn điểm chung trong Năm Thánh này là “cùng để năm 2010 này là thời gian đặc biệt dành cho Chúa”, thời gian đón nhận ân sủng và cùng yêu thương từ đỉnh điểm Đức Kitô.

Hôm nay, Đức Hồng y, Đức cha phụ tá, cha Tổng đại diện, quí cha hạt trưởng, quan khách…xuất hiện không cùng một lúc, đến phần thánh lễ thì đầy đủ cả, cũng như khi người ta “về với Chúa” tuy không cùng một thời điểm nhưng qui về một mối là Chúa Kitô. Những người có chức vị trong hàng giáo phẩm luôn được chào đón nồng nhiệt từ lòng yêu mến của giáo dân; hình ảnh này làm cho lòng tôi ao ước, những người giáo dân đơn sơ nhiệt thành ấy, sau khi kết thúc chặng đường lữ thứ trần gian cũng được các thiên thần hân hoan đón vào Thiên Đàng như thế, một ước mong chính đáng, phải không?

Tôi rất thích đọc lịch sử để tìm những bài học khôn ngoan và khờ dại từ quá khứ, thế nên ba tiêu đề “nhìn lại lịch sử”của phần I lễ khai mạc hôm nay làm tôi rất thú vị.

Thật xúc động! Vùng đất mà chúng mà chúng tôi đang đứng là một Sài Gòn hoa lệ, mỹ miều hơn thì gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông, xưa kia là vùng đất rậm rạp hoang sơ, đầy thú dữ, thế mà Tin Mừng, theo bước chân của các giáo sĩ, đã được gieo vãi từ lâu. Ngôi thánh đường có độ tuổi hơn 200 năm như Thị Nghè với lược sử thật thú vị; còn những ngôi nhà thờ có tuổi trên 100 năm như Thủ Thiêm, Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, Chợ Quán, Tân Định, Chí Hòa, Huyện Sĩ, Xóm Chiếu, Thủ Đức thì có quá khứ gắn liền với niềm tin sống động, cuộc sống đơn sơ chân chất của những giáo dân trôi dạt từ miền trung vào Nam để tránh những ông vua phong kiến bức hại đạo Chúa, bắt bớ người theo đạo. Vì thế, tôi cảm kích khi Sài Gòn là vùng đất ghi những bước chân trong hành trình gian khổ của cha ông đã rất trung thành với Đức Kitô, mà chỉ có niềm tin mới vượt qua; chính sự cấm cách qua từng chặng đường lịch sử ấy càng làm cho trang sử của Giáo Hội thêm son. Tôi thầm nghĩ: nếu những ông vua phong kiến Việt Nam biết nhận ra giá trị Tin Mừng ở những thời điểm đó thì trang sử Giáo Hội Việt Nam sẽ có những nét son khác, còn nét đẹp tử đạo mang một phong thái riêng mà có lẽ Thiên Chúa ngạc nhiên khi thăm dò về lòng trung tín của con người.

“Nhìn lại lịch sử” của phần II dễ làm người ta phẫn uất; phải chăng việc gieo vãi Tin Mừng của đạo Công giáo, chỉ được thuận lợi hay gặp trăm bề khốn khổ luôn nằm trong nhận thức và tình cảm của những người có trách nhiệm điều hành trên đất nước qua từng thời kỳ lịch sử? Tại sao những người giáo dân phải chết? Nước Thiên Chúa đâu phải ở thế gian này! Không có ai theo Chúa để tranh giành quyền bính của trần thế, sao lại sợ hãi sức mạnh của niềm tin?

Cuộc đời của tám vị thánh tử đạo tiêu biểu được lướt qua trân phông màn chiếu như ngày tháng năm sinh, quê quán, bị tử đạo cách nào và lời nói để làm chứng nhân đức tin. Tôi thật xúc động khi tên của thánh Phêrô Hạnh được nêu lên, một vị thánh có một chút “giang hồ” trong cách sống, thế mà nhất quyết chết vì đạo. Tôi nghĩ, ai là người gieo vãi Tin Mừng vào lòng con người ấy cũng là một “nghệ nhân tuyệt tác” của niềm tin.

Sang phần thứ III của “Nhìn lại lịch sử” tôi rất thích vì cảm nhận được lịch sử giáo phận Sài Gòn song song với cuộc đời của mình. Khi tôi lẫm chẫm biết đi thì Hàng Giáo Phẩm Việt Nam và Tổng giáo phận Sài Gòn được thành lập. Con số 50 tròn đẹp, con số non của một đời người nhưng đẹp đậm đà của tuổi trung niên. Hàng Giáo Phẩm có những con người từ trong giáo dân, có tài năng đức độ, được chọn để phục vụ dân Chúa: kìa là một Đức cha tánh tình nghiêm khắc, nọ là Đức cha có nụ cười hiền hòa, có Đức cha cương quyết không thỏa hiệp với cái ác bằng đôi mắt sáng sắc sảo, có Đức cha mềm dẻo, trung dung mà vẫn có hiệu quả trong công việc và không thiếu những vị giám mục nhân ái như trong cuốn truyện “Những Kẻ Khốn Cùng” của văn hào Víc-to Huy- go…dù có khả năng gì, vị nào cũng nắm chắc bàn tay vào bánh lái của con thuyền Giáo Hội và tất cả đều trung thành với Hội Thánh Chúa Kitô, “trung thành” là nền tảng tạo nên “sự nghiệp” của Giáo Hội Việt Nam trong 50 năm qua.

Sang phần thánh lễ, lời mở đầu gợi ý sám hối theo ba lãnh vực: Giáo Hội mầu nhiệm – hiệp thông - sứ vụ rất hay. Đó là một lời xin lỗi Chúa; xin lỗi nhau; xin lỗi mọi người trong xã hội và các tôn giáo khác vì chưa đủ hòa đồng; xin lỗi người nghèo vì chưa biết quan tâm…Tôi trộm nghĩ: Quả thực, có những vấn đề còn lấn giữa tôn giáo và xã hội, phải nói sao đây? Một lời xin lỗi nhau có phải là hợp lý chưa? Hay là phải “công bằng, bác ái và hòa bình”?

Lời công bố khai mạc Nam Thánh của Đức hồng y rất khẳng khái, liền sau đó là tiếng trống và tiếng hát Ha-lê-lu-da làm bầu khí đêm nay ấm lại một cách thánh thiêng giữa lòng bao con người đang tham dự ở đây. Tôi thấy lòng mình trỗi dậy một quyết tâm nào đó trong một đời thường đầy đam mê và lôi cuốn.

Bài giảng của Đức giám mục phụ tá gây ấn tượng, có chắc gì tất cả mọi người trong đám đông này hiểu Năm Thánh là gì, nên lời định nghĩa về Năm Thánh làm người ta vui. Trong lúc giảng, đức cha kể câu chuyện vui về hàng chữ được in trên tờ Đô-la là IN GOD WE TRUST, nghĩa là chúng tôi tín thác vào Chúa về những sinh hoạt kinh tế, nhưng Đức hồng y lại nói toạc ra rằng, ngày nay nhiều người chỉ tín thác vào chính tờ Đô-la đó mà thôi! Tức là chỉ mê tiền!

“Năm Thánh là năm để Thiên Chúa làm chủ xã hội” Nhiều người nghĩ, việc của Chúa thì làm gì liên quan đến xã hội! Có chứ! Năm Thánh là năm tái lập BÌNH ĐẲNG - CÔNG BÌNH TRONG XÃ HỘI, và TÔN TRỌNG ĐẤT ĐAI – MÔI TRƯỜNG, nghĩa là chúng ta được mời gọi để xây dựng công bằng, bình đẳng và ý thức về vệ sinh môi trường tốt hơn.’

Tôi thấy đoạn bài giảng này trúng tin đen của nhiều người quá: sống chưa công bằng và bình đẳng thì chỉ có mỗi người tự vấn lương tâm, còn về vấn đề vệ sinh môi trường thì, Chúa ơi, tệ quá! Tôi nghĩ, mỗi người Công giáo phải làm gương giữ vệ sinh nơi công cộng để thành phố này sạch đẹp chứ! Làm chứng nhân cho Chúa mà sống dơ quá e Chúa “vẫn còn buồn!”

“Trong Năm Thánh, phải làm sao để Chúa làm chủ cuộc đời mình, gia đình và xã hội chúng ta đang sống; nếu không, Năm Thánh chỉ là năm của lễ hội!”. Không biết ý này có làm tổn thương những người siêng đi nhà thờ không vì siêng năng đến nhà thờ chỉ là hoa quả của niềm tin, còn thực sự cái gốc cái rễ là ở chỗ tôi có đi con đường của Chúa, làm theo Lời Chúa hay không mới là quan trọng!

Lời kết thúc bài giảng vừa dứt, tiếng vỗ tay vang lên. Tôi muốn, trong các thánh lễ thường ngày, khi linh mục giảng xong, mọi người đều vỗ tay thì tuyệt vời biết mấy! Một phép lịch sự pha lẫn niềm vui, đúng không?

Thánh lễ được tiếp diễn cho đến kết thúc trong trang nghiêm, trật tự. Tôi ao ước mỗi giáo phận đều có một Trung Tâm Mục Vụ như thế này để tổ chức lễ lạc, sinh hoạt tôn giáo một cách tốt lành như hôm nay thì thật tuyệt vời. Bao giờ những suy nghĩ của tôi thành hiện thực nhỉ!

Đêm đã vào khuya, tôi đứng trước cổng trung tâm để chờ người thân đón về. Một cha trong Ban Tổ Chức lại gần, hỏi tôi sẽ đi xe ôm hay taxi để về nhà, tôi trả lời là không muốn đi về, chỉ muốn thánh lễ kéo dài đến sáng mai, cha cười. Tôi nghĩ vui, dù về nhà hay tạm trú ở đâu, tôi cũng muốn Chúa làm chủ đời mình như ý nghĩa chủ đạo của Năm Thánh này mà thôi!

Maria Vũ Loan

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 29.11.2009. 17:24