Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thước phim tổng quát về Phái đoàn Tòa Thánh thăm giáo phận Thái Bình

§ Tông Đồ

THÁI BÌNH - Chúng tôi muốn ghi lại đây biến cố Phái đoàn Vatican thăm viếng giáo phận Thái Bình như là một chứng từ của một người luôn đi sát bên Phái đoàn và đức Giám mục Giáo phận, hầu cống hiến qúi vị như những thước phim quay lại biến cố vừa qua.

Phái đoàn Toà Thánh viếng thăm Thái Bình đã được thảo luận từ nhiều tháng trước, do đó, việc chuẩn bị cũng được tính toán chu đáo hơn. Đáng lẽ cuộc đón tiếp diễn ra trọn ngày 20/02 đến sáng 21/02 mới tiễn đoàn sang Giáo phận Bùi Chu, nhưng do ý muốn của phái đoàn sẽ từ giã Giáo phận Bùi Chu vào trưa 21/02 để về Hà Nội. Như vậy thời gian viếng thăm Bùi Chu quá ngắn, từ 9 giờ đến 12 giờ.

Mặc dù phái đoàn rất muốn nghỉ đêm ở Thái Bình và sẵn lòng chiều theo chương trình do Đức Giám mục Giáo phận đã hoạch định: ngoài việc viếng thăm các nơi vào buổi sáng - trưa - chiều, phái đoàn còn có thể thăm Chùa Keo, Giáo xứ Bồng Tiên và dự buổi văn nghệ, trong đó có tiết mục chèo đặc sắc do chính Đức Giám mục chủ biên với tựa đề “Hiến Dâng Đứa Con Trai Duy Nhất” dựa theo Kinh Thánh về Abraham. Do phút chót, theo đề nghị của Đức Giám mục Giáo phận Bùi Chu, chương trình diễn ra chỉ gói gọn trong ngày 20/02 tại Giáo phận Thái Bình.

Từ trưa 19/02, Cha Tổng đại diện cùng đoàn (gồm 20 người) đi từ Giáo phận Thái Bình, gồm có hai Đức Ông, ban truyền thông của Giáo phận và một số đại diện nam nữ tu sĩ và chủng sinh lên chào phái đoàn tại Hà Nội và chính thức gặp Đức Ông thứ trưởng và hai Đức Ông đi cùng đoàn, để mời các ngài về Giáo phận.

Đến 16 giờ 30 cùng ngày, Cha Tổng đại diện điện về cho Đức Cha và cho biết, một số nhân vật quan trọng cũng sẽ tháp tùng phái đoàn, gồm có: Đức Tổng Giám mục TGP Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt cũng về thăm với lý do Thái Bình là quê ngoại của ngài (Giáo xứ Vạn Đồn), và một số Linh mục thuộc ban thư ký HĐGMVN. Tin này cũng gây phấn khởi trong hàng ngũ Linh mục, tu sĩ nam nữ Thái Bình và phải có sự điều chỉnh trong lễ nghi đón tiếp.

Buổi sáng ngày 20/02 tôi thấy Đức Giám mục dậy sớm dâng lễ. Trong bài chia sẻ Tin Mừng, ngài cũng nhấn mạnh tới biến cố Toà Thánh đến thăm Giáo phận. Và nhân bài sách Thánh (St 11,1-9) về tháp Babel, ngài kêu gọi mọi người sốt sáng cầu nguyện cho phái đoàn và Giáo phận không có sự kiện tháp Babel, ngược lại xây dựng một xã hội có tiếng nói duy nhất là tình thương từ Chúa Thánh Thần.

Lễ xong, tôi thấy Đức Giám mục đứng trên sân thượng TGM lo lắng nhìn lên bầu trời xám xịt, nghĩ tới bản tin dự báo thời tiết tối hôm trước trên truyền hình Việt Nam cho biết về một đợt gió mùa lại tràn xuống các tỉnh miền bắc nước ta, có thể gây mưa từ nhỏ đến lớn…thảo nào không khí oi bức như mùa hè, nhất là đôi chân những người già cũng “nổi loạn”.

Chúng tôi được biết những cuộc điện đàm liên tiếp giữa các máy của Cha Tổng đại diện với Đức Giám mục và các thành phần khác cho biết từng đoạn đường đi của phái đoàn. Mọi sự nơi quảng trường Nhà thờ Chính toà cũng như các phòng ốc tại khách sạn Thiên Hà đã sẵn sàng.

9 giờ, được tin phái đoàn đã tới con đường vào thành phố.

9 giờ 30, được tin báo, 6 chiếc xe hơi chở phái đoàn đang tiến về đường Lê Lợi, phía trước Nhà thờ Chính toà. Đức Giám mục trong y phục chỉnh tề, áo tím đóng đai…cũng đã tiến ra trước cửa Nhà thờ. Ngài được các ban kèn cử nhạc và giáo dân lên tiếng hoan hô. Chúng tôi nhận thấy, từ sân thượng Nhà thờ, là nơi phái đoàn và các Đức Giám mục sẽ chủ toạ buổi đón tiếp, đã được sắp xếp chỉnh tề. Từ cổng Nhà thờ đến ngã tư đường Lê Lợi, hai bên là dãy những phường trống khác nhau gồm cả 4 quả trống lớn của Gx Hoàng Xá và Bồng Tiên. Từ đó là dãy những trống lớn trống nhỏ, ban kèn, hát múa…y phục sặc sỡ, trang trọng trong bầu khí ban mai. Hàng trăm, hàng chục phóng viên chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư, kể cả những chiếc điện thoại di động, máy ảnh hàng chục hàng trăm đã sẵn sàng.

Đúng 10 giờ, đoàn xe xuất hiện, một tu sĩ cầm cờ Toà Thánh đi bộ trước xe chở Cha Tổng đại diện dẫn đầu. Hai bên là các thiếu nhi vừa đi vừa múa hát. Xe chở Đức Ông thứ trưởng và hai Đức Ông là chiếc xe thứ hai, rồi đến xe chở Đức TGM TGP Hà Nội…

10 giờ 10, Đức Giám mục tươi cười đến trước xe của Đức Ông trưởng phái đoàn, và ngài đến ôm chào Đức Ông thứ trưởng Bộ ngoại giao Toà Thánh, lần lượt đến các vị khách khác, nhất là Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Các em thiếu nhi ùa tới quàng những vòng hoa tươi thắm cho quý khách. Tiếng kèn nổi lên trong tiếng vỗ tay làm rung cả góc trời.

Phái đoàn phải chật vật dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của các nhân viên an ninh mới có thể tiến lên khán đài chủ toạ. Ngồi giữa là Đức Ông thứ trưởng và Đức TGM Ngô Quang Kiệt. Từ lễ đài chủ toạ nhìn xuống, tôi thấy mênh mông biển người, đủ mọi người… Nam nữ tu sĩ trong tu phục, các thanh niên nam nữ trong màu sắc trang nhã; các thiếu nhi mầu áo sặc sỡ đủ màu; các ban kèn trong y phục đồng loạt cả nam lẫn nữ bên những nhạc cụ bóng loáng tại khu vực giành riêng.

Mở đầu, Cha phó văn phòng nói mấy câu khai mạc, đoạn mời Đức Cha Giáo phận phát biểu. Bài phát biểu như sau:

Kính thưa Đức Ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao Toà Thánh Vatican,
Kính thưa Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội,
Kính thưa Đức Ông Barnabe Nguyễn Văn Phương, vụ trưởng Bộ Truyền giáo,
Kính thưa Đức Ông F.X. Cao Minh Dung, đặc trách vùng Đông Nam Á Vụ bộ ngoại giao Toà Thánh,
Kính thưa Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh,
Kính thưa ông đại diện bộ ngoại giao, ban tôn giáo, các ban ngành trung ương và địa phương,
Kính thưa Cha tổng đại diện Gp Thái Bình, các linh mục, nam nữ tu sĩ, chủng sinh, anh chị em giáo hữu và đồng bào thân mến,

Với tư cách là Giám mục Giáo phận Thái Bình, tôi xin gửi đến quý vị lời chào trân trọng và quý mến.

Thật là vinh dự cho Giáo phận Thái Bình, nơi đồng chua nước mặn, theo linh đạo truyền thống Dòng Đaminh Tây Ban Nha, các vị đã có công rao giảng Tin Mừng trên mảnh đất này được hơn bốn trăm năm, xin chân thành đón tiếp phái đoàn Toà Thánh và các vị tới viếng thăm hôm nay. Mong rằng cuộc viếng thăm này như ánh sáng bình an phát xuất từ Chúa Thánh Thần sẽ khích lệ và mang lại cho chúng tôi nhiều ân huệ, giúp chúng tôi sống tốt đẹp sứ mệnh của người Kitô trong xã hội hôm nay. Song địa điểm chật hẹp, thiếu nhiều điều kiện, nên xin coi đây chỉ là phần đầu của buổi tiếp đón; phần thứ hai sẽ được tổ chức tại Giáo xứ Đền Thánh Đông Phú. Tôi xin kính mời Cha tổng đại diện thay mặt tôi đọc lời chào mừng các vị, sau đó kính mời các vị vui lòng tới dự buổi chào đón trọng thể tại Giáo xứ Đền Thánh Đông Phú nói trên.

Xin chân thành cảm tạ và xin được như vậy.

Tiếp sau bài phát biểu của Đức Giám mục là bài chào mừng của Cha Tổng đại diện – Đaminh Đặng Văn Cầu. Bài chào mừng được phát lên như sau:

Trọng kính Đức Ông Pietro Parolin, Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao Tòa Thánh,

Trọng kính Đức Ông F.X. Cao Minh Dung, Văn phòng đặc trách vùng Đông Nam Á Châu, Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh,

Trọng kính Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Vụ trưởng Bộ truyền giảng Phúc âm cho các Dân Tộc,

Kính thưa quý quan khách,

Hôm nay là một ngày trọng đại và vui mừng đối với toàn thể cộng đoàn dân Chúa Thái Bình: Chúng con rất vinh dự được đón Phái đoàn Tòa Thánh tới thăm. Đây quả là một ân huệ lớn lao mà phái đoàn dành cho chúng con, một giáo phận nhỏ bé “Đồng chua nước Mặn” như Đức Cha chúng con vừa giới thiệu.

Thật vậy, từ khi được tách ra từ giáo phận Mẹ Bùi Chu năm 1936, đây là lần thứ hai một phái đoàn Tòa Thánh chính thức viếng thăm giáo phận Thái Bình.

Trong niềm phấn khởi hân hoan này, đại diện cho các linh mục, tu sĩ nam nữ và cộng đồng dân Chúa, xin nồng nhiệt chúc mừng phái đoàn Toà Thánh đã đến với Giáo phận Thái Bình chúng con.

Kính thưa Quý Đức Ông, Địa phận Thái Bình gồm 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên với diện tích 2.207 km2 chạy dài từ bãi biển Đồng Châu Thái Bình tới nương dâu An Vĩ Hưng Yên. Hiện tại, con số tín hữu của Thái Bình còn khá khiêm tốn chỉ có 120.000 tín hữu trên tổng số hơn 3 triệu dân, được phục vụ bởi 58 linh mục Triều và 3 linh mục Dòng. Số CS đang theo học tại ĐCV Hà Nội là 39. Ngoài ra, tại Chủng viện Thánh Tâm Chúa Giêsu mà chiều nay chúng con có vinh dự được đón phái đoàn tới viếng thăm, chúng con còn có gần 30 anh em tu sĩ cao tuổi đang được bồi dưỡng để trở thành những “tâm sĩ” như lòng Chúa mong ước và gần 40 tu sinh đang học tập và tu dưỡng theo chương trình tiền chủng viện.

Việc mời gọi và đón nhận các dòng tu tới hiện diện và hoạt động tại Thái Bình nói lên mối quan tâm của Đức Cha chúng con tới sứ mạng truyền giáo trong giáo phận. Nếu như cách đây 5 năm, Thái Bình chưa có một dòng tu nào thì con số hiện nay đã là 10 với khoảng hơn 100 tu sĩ nam nữ. Các dòng tu này đang đóng góp rất tích cực và hiệu quả trong công việc truyền giáo cũng như từ thiện bác ái của giáo phận.

Để giúp các tín hữu trưởng thành hơn trong đời sống Đức Tin, sau khi cử hành 3 năm Thánh mà Tòa Thánh ban, Đức Giám Mục giáo phận còn tổ chức Năm Hồng Đào với 4 hoạt động: Tôn thờ Thánh Thể, Thực hành bác ái, Học hỏi Giáo lý và Kinh Thánh, tôn sùng Đức Mẹ la Vang. Năm nay, chúng con đang tiến hành Năm Giáo dục gia đình theo tinh thần Thư Mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Những hoạt động trên đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng cho các tín hữu.

Với sự khôn ngoan của mình, Đức Cha khả kính của chúng con vừa giúp tín hữu giữ được những truyền thống tốt đẹp của đạo đức bình dân mà các Đấng dòng Đa Minh đã dày công vun đắp vừa tiếp thu những cái mới để trưởng thành và phát triển. Ngôi nhà thờ vừa mang kiến trúc Á Đông vừa mang tính hiện đại mà lát nữa Quý Đức Ông có dịp chiêm ngắm chính là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa trong việc sống đạo, làm chứng cho Tin Mừng của Dân Chúa Thái Bình hôm nay.

Từ khi nhận được tin phái đoàn Tòa Thánh sẽ viếng thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chúng con rất vui mừng. Nhưng chúng con vui hơn nữa khi nhận được thơ của quý Đức Ông cho biết: phái đoàn sẽ viếng thăm Thái Bình. Trong những ngày qua, chúng con chờ đợi trong niềm phấn khởi hân hoan và trong tâm tình cầu nguyện để chuyến đi của phái đoàn đem lại nhiều kết quả tốt đẹp như ý Chúa muốn.

Sự hiện diện của phái đoàn hôm nay giúp chúng con xác tín rằng:

Mặc dầu xa xôi, chúng con không bị quên lãng. Mặc dầu nhỏ bé chúng con vẫn có vinh dự và trách nhiệm hiệp thông với HT toàn cầu xây dựng nhiệm thể Chúa Kytô mỗi ngày một lớn mạnh.

Sự viếng thăm của Phái đoàn như nguồn động lực giúp chúng con đẩy mạnh quyết tâm sống đạo của mình.

Nhân dịp này chúng con xin quí Ðức Ông kính dâng lên Ðức Thánh Cha Bênêdictô XVI, Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, Ðức Hồng y Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Phúc Âm cho các dân tộc, tâm tình kính mến, tuân phục và lòng biết ơn sâu xa của chúng con.

Chúng con tha thiết nguyện cầu và hy vọng một ngày gần đây sẽ được đón Đức Thánh Cha tới thăm Việt Nam và thăm địa phận Thái Bình chúng con.

Trong bầu khí vui mừng và ấm tình gia đình này, xin quý Đức Ông nhận nơi đây lòng yêu mến chân thành, lòng tri ân sâu sắc của chúng con.

Kính chúc quý Đức Ông sức khỏe, sự bình an và thành công trong sứ vụ Chúa và Giáo Hội trao phó.

Một lần nữa, chúng con xin hân hoàn chào đón phái đoàn!

Mọi người vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, hợp ý với lời phát biểu của các Đấng đại diện và đều mong ngóng lời cao quý của các Đấng ấy từ nơi đồng chua nước mặn thẳng cánh cò bay vang tới tận Tòa thánh. Đức Ông Thứ trưởng Bộ ngoại giao tươi tỉnh hồng hào phát biểu bằng tiếng ý, do Đức ông Banabê Nguyễn Văn Phương chuyển dịch; đại ý ngài nói rằng: rất vinh dự được đến thăm giáo phận Thái Bình, một giáo phận xưa nay được tiếng là giáo phận đạo đức, đơn sơ nhiệt thành, nhất là luôn luôn gắn bó với Đức Thánh Cha và Tòa thánh mà lần này ngài có vinh dự đến tận nơi (với Đức ông Banabê thì đây là lần thứ hai tới giáo phận Thái Bình). Cảm giác đầu tiên tôi ghi nhận lúc bước chân tới cửa quảng trường nhà thờ là một cảm giác bơ ngỡ thán phục, vì sự nhiệt thành của Đấng chủ chăn và các thành phần Dân Chúa yêu mến kính trọng người đại diện cho Đức Thánh Cha yêu quý của chúng ta. Mọi tiếng hoan hô và tiếng vỗ tay đồng tình với lời nói của Đức ông.

Sau nưa là quy mô hoành tráng của ngôi nhà thờ Chính tòa, một ngôi nhà thờ không khác gì ngôi nhà thờ đẹp nhất trong các nước ở Âu châu. Mọi người lại hỉ hả vui mừng vỗ tay nhiệt liệt. Tôi thấy Đức Tổng Giám mục Hà Nội quay sang Đức Giám mục giáo phận bắt tay với niềm cảm kích. Đức ông trong phái đoàn hé mở cho cộng đoàn dân Chúa biết: có thể Đức Thánh Cha sang thăm Việt Nam và dĩ nhiên có tới thăm Thái Bình. Lúc này không phải chỉ có tiếng vỗ tay hoan hô, mà tiếng kèn, tiếng tống, lời ca tiếng hát đã đồng loạt trổi vang lên; các em thiếu nhi nhảy mừng như thể Đức Thánh Cha đã đến quảng trường nhà thờ lúc này. Đức ông hứa sẽ chuyển dịch tất cả những lời nói, việc làm, những tình cảm cũng như quang cảnh đón tiếp đặc biệt này với Đức Thánh Cha khi ngài trở về Tòa Thánh.

Sau bài diễn văn đầy xúc cảm, là lễ nghi trao tặng món quà đặc biệt cho các Đức ông: những bức sơn mài tả về Thái Bình, ở giữa có ngôi nhà thờ Chính tòa Thái Bình. Các ngài tỏ ra thích thú cám ơn. Các em thiếu nhi múa hát một bài chào mừng phái đoàn. Sau đó, Đức Giám mục dẫn đoàn vào thăm nhà thờ: bắt đầu từ Giếng rửa tội, diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, nhơ bàn tay Đức Kitô (linh mục chỉ là dụng cụ) rửa tội cho các thụ nhân. Đức ông Thứ trưởg và các vị quan khách đều khen ngợi ý tưởng sáng tạo của Đức Cha giáo phận gói gọn trong câu thơ:

Nhị vàng bông trắng lá xanh
Mừng em rửa tội nhân danh Chúa Trời
Làm con Thiên Chúa Ba Ngôi
Làm con Giáo Hội đ ời đời vinh quang
”.

Sau đó, các ngài tiến vào trong nhà thờ, đi giữa hai hàng các em nhỏ phất cao lá cờ Tòa thánh. Các ngài đều tỏ ra choáng ngợp trước sự rực rỡ và thông thoáng của ngôi thánh đường. Những bức phù điêu do bàn tay các nghệ sỹ nông dân ở các xứ họ miền quê Thái Bình sáng tạo, với những nét tả vẽ khéo léo chẳng khác gì các nghệ nhân thự thụ. Nhất là ngai Tòa vàng trên Cung thánh, Đức Giám mục lưu giữ từ nhà thờ cũ, được trang hoàng thiếp lại bằng vàng ròng.

Cả đoàn người đi xuống gian tầng hầm nhà thờ viếng Thánh Thể, rồi sang viếng mộ hai Đức Cha tiên khởi của giáo phận. Sau đó, đoàn người tiến ra đọc kinh trước linh đài Đức Mẹ Lavang Thái Bình; rồi tiến về Tòa Giám Mục. Đức Cha giáo phận chỉ tay lên những mảnh tưởng loang lổ, đã để lộ cốt sắt trên trong ở ngay chỗ cửa ra vào và nói với Đức ông Thứ trưởng: đây còn dấu vết của chiến tranh, kỷ niệm hai lần Tòa Giám Mục và Nhà thờ Chính tòa cũ bị bom tàn phá. Đức Cha cố xây lại nhà thờ Chính tòa mới, còn Tòa Giám mục để giành cho thế hệ sau... Sau khi vào nhà khách nghỉ ngơi, truyện trò, đúng 11 giờ, phái đoàn lại lên đường tới giáo xứ Đông Phú, cách đó 30 cây số.

Đòan xe tháp tùng phái đoàn Tòa Thánh đi Đông Phú, với lực lượng chừng hơn một trăm xe ôtô rải rác và hàng ngàn xe máy đi theo. Cuộc hành trình vừa ra khỏi thành phố, rồng rắn qua các thị trấn như: Kiến Xương, Tiền Hải và qua những cánh đồng còn đang gieo cấy giở dang, dưới trời mưa phùn lạnh lẽo, song ai nấy rất phấn khởi tự hào như chưa từng có phái đoàn nào được đón tiếp như vậy. Đoàn đi qua chiếc cầu Tám tấn lịch sử. Chiếc cầu này đã đánh dấu lần đầu tiên Đức Giám mục giáo phận tới miền các xứ đạo sầm uất này. Khi đó, chiếc cầu vừa thi công xong, đáng lẽ chỉ thông cầu vào ngày sinh nhật cụ Hồ (19/5), song vì lần đầu tiên Đức Giám mục đi làm mục vụ, nên UBND tỉnh chỉ thị cho các cơ quan chức năng thông cầu để Đức Giám mục đi qua, trở về rồi lại đóng. Thật là một biến cố lạ lùng do bàn tay Thiên Chúa xếp đặt. Tới ngã tư cầu trắng, thấy xuất hiện một lực lượng công an trấn giữ, sẵn sàng giúp việc ổn định trật tự. Khi cách nhà thờ khoảng chừng 1 cây số đã thấy cổng chào bằng tiếng Việt, tiếng Ý, tiếng Pháp: hoan nghênh Đức Thánh Cha, hoan nghênh phái đoàn Tòa Thánh một sự kiện chưa từng có nơi các xứ họ phía Đông Thái Bình. Còn khoảng 500 mét nữa, tôi thấy hai bên giáo dân tụ tập dưới trời mưa tầm tã, phấn khởi vỗ tay hoan hô, phất cờ Tòa thánh. Ở đây phải kể đến đoàn trống trắc, dưới trời mưa, vì sợ mặt trống mềm ra nên phải lấy ni lông phủ kín mặt, nhưng tiếng kêu ồm ồm vẫn vang lên, hòa lẫn tiếng kèn đồng khoan thai thánh thót. Tới cổng vào thánh đường, con đường vừa mới làm xong chiều hôm trước bằng phẳng nhẵn nhụi, chúng tôi thấy Đức Giám mục giáo phận dẫn đầu phái đoàn xuống xe, rồi cùng Đức ông Thứ trưởng và các Đấng bậc cùng đoàn bước đi giữa rừng người, cờ quạt, trống phách, y phục sang trọng đủ màu, mặc dầu trên đầu che bằng những chiếc ô Trung Quốc lòe lẹt, song ai nấy nét mặt vui tươi hớn hở, chen lẫn nhau “rất trật tự”, để cố gắng nhìn xem và bắt tay vị đại diện Đức Thánh Cha tới thăm một xứ đạo miên quê nhỏ bé. Cả phái đoàn bước lên ngôi đền thờ kiến trúc theo kiểu Á đông, gồm 27 bậc, tức là 3 bậc cửu trùng ( theo triết lý Á đông qua ba bậc cửu trùng mới tới ngai vua) để vào trong nhà nguyện chầu Thánh Thể (nơi đây đã được Bề trên giáo phận đặt làm nơi tôn thờ Thánh Thể suốt ngày đêm của giáo phận) và viếng Hài cốt hai thánh tử đạo Đinh Văn Dũng và Đinh Văn Thuần trong chốc lát. Sau đó, phái đoàn đi về khu vực nhà xứ nghỉ ngơi giây lát rồi mặc phẩm phục ra lễ đài tại linh đài Lavang mới được xây dựng quay hướng về phía ngôi đền kính Thánh Thể và hánh Tử đạo.

Trời bắt đầu nổi gió lớn, mưa nặng hạt, thế nhưng người tụ họp trên quảng trường, trên mái nhà chung quanh, trên cây, hoặc khoắc áo mưa để hở hai con mắt, hoặc một rừng ô Trung Quốc rẻ tiền từ Lạng Sơn, Móng Cái, Diêm Điền, hình như các chợ biên giới đều tụ họp về đây để chống chọi với gió mùa đông bắc mạnh cấp 4 cấp 5 đang thổi ào ào từ bãi biển Cồn Vành, Đồng Châu, nhưng không làm gì được đám người vững tin và lòng mến này, như câu thơ:

Trời mưa ướt áo ướt quần
Mưa sao ướt được tinh thần giáo dân
”.

Các vị dâng lễ đồng tế ngồi trên linh đài đúng là trên cao gió lộng, đều bị những cơn gió đưa mưa tới, táp vào mặt mũi, áo quần ướt sũng. Nhưng một thánh lễ kính các thánh Tử đạo Việt Nam đã đốt lên ngọn lửa yêu mến nồng nàn. Trong bài giảng của Đức ông, do Đức ông Banabê chuyển dịch, đã nói lên điều đó. Đức ông hùng hồn ca ngợi lòng mến của giáo dân Việt Nam, đặc biệt giáo dân Đông Phú. Ngài mong mỏi Đức Thánh Cha có mặt nơi đây để chứng nghiệm hàng chục ngàn con tim đang thổn thức cùng người cha chung yêu dấu dâng lên Thiên Chúa “Bài ca ngàn trung...”. Mọi người có mặt, từ các Đức Giám mục, linh mục, tu sỹ nam nữ, giáo dân, các tôn giáo bạn và những người lương dân đều phấn khởi đón nhận lời tâm huyết đó. Những tiếng vỗ tay nhất loạt vang lên tán thưởng, làm đứt quãng lời phát biểu của vị đại diện Đức Thánh Cha.

Càng ngày gió càng thổi, mưa càng rơi, nhưng tất cả mọi người đều hướng mắt lên lễ đài Lavang để chứng kiến cuộc dâng lễ vật. Nào bánh chưng, bánh dầy, nào hoa trái đồng quê. Cảm động nhất là vị đại diện chính quyền địa phương cùng một kiều nữ dâng lên Đức ông Thứ trưởng bó hoa tươi thắm. Mọi người tán thành vui vẻ. Đức Giám mục thấy thời tiết có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người, nên ra lệnh cho cha xứ rút ngắn chịu lễ để mau kết thúc. Cuối cùng, sau lời cảm tạ của cha xứ, Đức ông Thứ trưởng đứng lên cám ơn mọi người, và rất tế nhị cám ơn ông chủ tịch UBND xã và lương dân có mặt đã đồng cảm với vị đại diện Tòa Thánh Vatican và hiệp thông với anh em công giáo trong tình yêu thương của một công dân nước Việt Nam đang lớn mạnh.

Lễ hết, mọi người đội trời mưa về nhà xứ thưởng thức bữa ăn ngon do tài khéo léo của ban ẩm thực giáo xứ thể hiện. Lúc đó, đồng hồ đã chỉ 3 giờ. Theo lịch, 3 giờ phái đoàn phải có mặt ở UBND tỉnh để chào thăm các vị lãnh đạo tỉnh, nên Đức Giám mục giáo phận đã nhờ cha Tổng Đại diện liên hệ với các vị có chức trách xin lùi lại một giờ để phái đoàn kịp trở về.

Vào khoảng 3 giờ 30, đoàn xe rời Đông Phú cách khó khăn bịn rịn, nhất là Đức ông Thứ trưởng đã bị những người mến yêu xin chụp ảnh, hôn nhẫn (nhưng không có nhẫn đành hôn tay). Ban trật tự phải vất vả để giải thoát cho Đức ông ra xe. Ngài nói: “Tôi được tiếp đón như chính Đức Thánh Cha vậy. Như lời Đức Hồng y Étchegaray sau cuộc viếng thăm Việt Nam về đã nói với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II rằng: “Nếu Đức Thánh Cha đến Việt Nam thì cũng chỉ được đón tiếp như con mà thôi”.

Trên đường về, cha Tổng Đại diện nhận được một cú điện thoại của UBND tỉnh rằng: Ủy Ban không sẵn sàng đón tiếp Đức Tổng Kiệt. Không rõ các vị có bị ảnh hưởng và tác động gì không. Nhưng chúng tôi đã dự liệu nên đã nhất trí từ trước rằng: Đức tổng không ra chào UBND tỉnh. Thành ra cả hai bên đã có dự kiến dự liệu.

Theo chương trình, sau cuộc viếng thăm UBND tỉnh, các ngài sẽ viếng thăm Chủng viện Thánh Tâm, Dòng nữ tu Đaminh Thái Bình rồi từ giã Thái Bình đi tới giáo phận Bùi Chu.

Đoàn xe đi qua một số đường phố lớn, tới trụ sở UBND tỉnh cũ (trụ sở mới đã được xây dựng rất đồ sộ và hoành tráng, nhưng chưa khánh thành) mà nhân dan quen gọi là “nhà trắng” của tỉnh. Đồng chua nước mặn giờ đã được tân thời hóa. Nghe đâu tỉnh còn tiến tới giầu có hơn, vì có mỏ than sắp được khai thác sẽ lớn gấp nhiều lần mỏ than Quảng Ninh.

Ra đón phái đoàn ở cổng gồm các vị đại diện UBND tỉnh, đại diện Ban Tôn giáo tỉnh v.v... Mọi người được đưa lên phòng khách. Tiếp đoàn là ông phó Chủ tịch Hoàng Đình Thạch, theo như ông nói, ông đã được đi thăm rất nhiều nước, kể cả đến Roma và Tòa Thánh Vatican.

Mở đầu vị Trưởng ban Tôn giáo Trung ương giới thiệu các thành phần trong buổi tiếp đón. Đoạn Đức ông Thứ trưởng phát biểu chào mừng bằng tiếng Ý, do Đức ông Banabê dịch bằng tiếng Việt Nam với giọng văn tiếng Việt cổ 40 năm về trước như ngài đã thú nhận. Qua đó chúng tôi thấy rằng, Đức ông Thứ trưởng tóm tắt mấy lời về cuộc họp với bộ ngoại giao và Tòa Thánh với điểm tích cực tiến tới thiết lập ngoại giao từng bước, tuy còn một số khó khăn, nhưng qua con đường đối thoại chân chính. Trong đó, hai bên có xét đến điểm khúc mắc của các địa phương. Đức ông nói, trong tinh thần ấy, Đức Giám mục Giáo phận này vẫn được tiếng là mềm dẻo, khéo léo, sẽ cùng chính quyền địa phương giải quyết tốt đẹp mọi điều. Ngài cũng thêm: nhờ chính quyền địa phương, cả giáo quyền tạo điều kiện cho cuộc thiết lập quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam chóng được thực hiện.

Vị lãnh đạo UBND tỉnh nói bằng tiếng Việt, do Đức ông Cao Minh Dung dịch ra tiếng Ý, đại khái là hoan nghênh đoàn đã tới thăm tỉnh Thái Bình, mà các nét đặc biệt đã được Đức Giám mục thông báo trình bày cho phái đoàn. Song phái đoàn và các vị có thể tận mắt chứng kiến sự hòa hợp giúp đỡ lẫn nhau giữa chính quyền và Tôn giáo trong các buổi gặp gỡ như sáng nay tại Tòa Giám mục và ban chiều ở Đông Phú; cũng như việc xây dựng, tu tạo các nơi thừa tự, nhất là ngôi nhà thờ Chính tòa của giáo phận, là niềm vinh dự cho cả Giáo Hội và xã hội địa phương.

Tông Đồ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 21.02.2009. 06:12