Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thơ Xuân Ly Băng Trong Dòng Chảy Văn Học Công Giáo Việt Nam

§ Lê Đình Bảng

NHÀ THƠ LÊ ĐÌNH BẢNG
ĐỨC ÔNG LÊ XUÂN HOA-NHÀ THƠ XUÂN LY BĂNG
TRONG DÒNG CHẢY VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM
(Pm. Cao Huy Hoàng lược ghi trong phần tọa đàm)

-NS. Phanxico: “Vâng, chúng con xin nhà thơ Lê Đình Bảng tạm ngưng cái nhiệm vụ dẫn chương trình để trở về với cương vị của ông là một nhà thơ công giáo nổi tiếng đồng thời là một người nghiên cứu về thi ca công giáo Việt Nam. Phòng tọa đàm kính mời nhà thơ Lê Đình Bảng lên sân khấu, để chúng tôi được đặt một số câu hỏi về thơ của Xuân Ly Băng trong dòng văn học công giáo Việt Nam”.

-NS. FX: “Thưa nhà thơ Lê Đình Bảng, chúng tôi được biết ông vừa là người làm thơ lại vừa là người nghiên cứu văn học công giáo. Chắc hẳn, như vậy là ông có hai mối quan hệ với Đức Ông Nhà Thơ Xuân Ly Băng: một là mối quan hệ đồng cảm giữa những người làm thơ với nhau, và mối quan hệ thứ hai là về học thuật giữa một người nghiên cứu và một tác giả của văn học công giáo Việt Nam. Vậy, xin ông chia sẻ cảm tưởng cảm nghiệm của ông về các tác phẩm của Cha Xuân Ly Băng và về con người của nhà thơ này. Xin kính mời ông”.

-Nhà thơ Lê Đình Bảng: “Thưa quí vị, tôi nhớ một nhà thơ Pháp-hình như là Baudelaire-nói một câu như thế này “nhà thơ là người có cái tai nghe được cái âm thanh mà người thường không nghe thấy, có đôi mắt nhìn thấy được sắc màu mà người thường không thấy”. Và ông ta đã ví von rằng: “thơ là một vị thần thoại Hy Lạp ăn cắp lửa của trời, rồi đem lửa của trời chuyển hóa thành ngôn ngữ. Cho nên, dù Xuân Diệu đã nói:

Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió
mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây

Thì những người làm thơ công giáo, không phải là họ “mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây”, nhưng thông qua ngôn ngữ của thi ca, họ có cùng một mục đích rất rõ ràng: Đức Tin Kitô Giáo.

Cái quan hệ thứ nhất của tôi đối với nhà thơ Xuân Ly Băng là khoảng năm 1958- tôi đang là sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Trước đây thì tôi đọc rất nhiều thơ, đặc biệt là thơ Hàn Mạc Tử. Nhưng khi Hàn Mạc Tử được Chúa cất đi ở cái tuổi rất là còn trẻ, tức là năm 1940, thì sau đó có một cái khoảng trống trong cái dòng chảy thi ca Việt Nam sau Hàn Mạc Tử. Nhưng, tôi thấy, bỗng dưng cho đến khoảng năm 1956- chính xác là như vậy - tôi được đọc tập thơ đầu tiên của Xuân Ly Băng:Hương Kinh, rồi Thơ Kinh, Nỗi Niềm, Trầm Tư… cho đến cái đại tác phẩm hơn một nghìn câu thơ lục bát “Bài Ca Thương Khó” mới đây, thì cái thần tượng thứ hai trong đời của tôi mà tôi gọi là cái cây cao bóng cả phủ lên đời làm thơ của tôi sau Hàn Mạc Tử, đó là Xuân Ly Băng. Chính ngọn lửa Xuân Ly Băng ấy đã khơi dậy, đã thúc đẩy tôi, thúc đẩy tôi đi đâu ? Thưa, thúc đẩy tôi rằng: chúng ta hãy đốt lửa lên, chúng ta thắp niềm tin lên bằng thi ca để làm sao có thể rao giảng được đức tin, được Tin Mừng của Chúa.

Chính sự thúc đẩy của Thơ Xuân Ly băng, mà từ năm 1960 cho đến năm nay, tức là 48 năm, tôi đi đây đi đó -đặc biệt là đi nước trong nhiều hơn nước ngoài-đi đến khắp các Giáo Phận, và ở mỗi một giáo phận như vậy, thì nơi mà tôi tìm hiểu đầu tiên là thư viện. Tôi xin phép lùng sục vào trong thư viện- nhiều khi cả ban sáng lẫn ban chiều tôi chỉ cần một ổ bánh mì rồi chui vào trong đó mà đọc. Tất cả những nhà nghiên cứu ở ngoài đời, khi nói về thi ca, thì họ nói “công giáo các ông làm gì có thi ca, nếu có, cũng chỉ có mỗi Hàn Mạc Tử”. Nhưng qua những sưu khảo từ miền Bắc cho đến miền Trung và miền Nam, tôi khám phá ra một điều mà có thể trả lời cho quí vị ngày hôm nay rằng: từ năm 1670 Công giáo chúng tôi đã có thơ ca với tác phẩm “Sấm Truyền Ca” của Lữ Y Đoan. Tôi còn có thể trả lời được rằng: sau đó đã có một dòng chảy của Thi Ca Công Giáo Việt Nam qua Đặng Đức Tuấn, Phan Văn Minh, Pétrus Ký, Huỳnh Tịnh Của, Philipphe Bỉnh, Giuse Maria Thích và hằng hà sa số cho đến Xuân Ly Băng. Nếu tôi tổng hợp lại thì có trên dưới khoảng chừng 100 nhà thơ lớn. Lớn đây không phải lớn về thành tích, lớn đây không phải lớn về số lượng, nhưng lớn ở cái chỗ là trong âm thầm những người làm thơ công giáo vẫn sáng tác và chúng ta đã có một dòng chảy.

Thưa quí vị, xin quí vị, đặc biệt là Đức Cha, Đức Ông, quí Cha và tất cả mọi người, cầu nguyện cho tôi sống lấy năm năm nữa, để tác phẩm Nghiên Cứu Thi Ca Công Giáo của chúng tôi được phép trình làng. Tác phẩm ấy - như anh Phanxicô vừa nói - là cái công trình mà chúng tôi âm thầm làm trong vòng 48 năm nay. Chúng tôi sẽ chia ra làm ba tập, và đây, Cha Vinh Sơn Bề trên Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế sẽ sẵn sàng lo lắng, ủng hộ chúng tôi làm thực hiện trên dưới khoảng chừng gần 10.000 trang. Trong tác phẩm ấy, tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng Truyện Kiều có 3.254 câu thơ lục bát thôi, nhưng có những tác phẩm Phúc Âm Diễn Ca có tới 14.000 câu thơ lục bát. Tôi cũng chứng minh cho mọi người thấy được rằng: Công giáo chúng tôi chảy trong dòng chảy văn hóa Việt Nam; Công giáo chúng tôi đồng hành với dân tộc Việt Nam, và cụ thể nhất là Xuân Ly Băng và Thơ Xuân Ly Băng mà chúng ta nghiêng mình ngưỡng mộ hôm nay, tại Giáo phận phan thiết này. Chúng ta nổ tràng pháo tay cảm ơn Chúa vì Tin mừng của Chúa đã thấm vào hơi thở của dân tộc Việt Nam. Xin tạ ơn Chúa.
(vỗ tay)

-NS. FX: Thưa ông Lê Đình Bảng, khi đọc thơ của Đức Ông Xuân Ly Băng, người ta thường có nhận xét rằng: có một cái điểm đặc biệt khác với tất cả các nhà thơ Công giáo khác, là Đức Ông làm thơ không chỉ để trải lòng mình hay để cầu nguyện mà còn để dạy giáo lý để phổ biến kinh thánh, để thực hiện việc mục vụ. Và trong quá trình làm thơ, thì có vẻ như Đức Ông rất ưu ái thể thơ lục bát như trong phần tuyên bố lý do, rồi sau đó trong huấn từ của Đức Cha có nhắc đến tập Dụ Ngôn “Bài ca thương khó”; cũng như trong lời tựa cho tập thơ ấy, Đức Ông Xuân Ly Băng nói rằng sau khi đọc đi đọc lại và nghe đi nghe lại thì đã quyết định viết lại và sử dụng thể thơ lục bát cho cái tập Dụ Ngôn đó. Xin hỏi ông một câu có tính chuyên môn là ông có nhận xét gì về thể thơ lục bát nói chung, và việc Đức Ông Xuân Ly Băng sử dụng thể thơ đó trong tác phẩm của mình?

-Nhà thơ Lê Đình Bảng: Thưa quí vị, có hai vấn đề: vấn đề thứ nhất, Đức Ông Xuân Ly Băng làm thơ để làm gì ? Rất rõ ràng từ đề tài, nội dung, loại hình, chuyển thể... Tất cả chỉ có một mục đích: đó là rao giảng Lời Chúa, rao giảng Tin mừng. Điều này cho thấy Ngài kế thừa một truyền thống ba, bốn trăn năm của tổ tiên ta: Lữ Y Đoan viết Sấm Truyền Ca là để giới thiệu Cựu Ước, Phan Văn Minh viết Nước Trời Ca và E-vang ca, Đặng Đức Tuấn viết ra Lâm Đàn Phục Quốc Hành, Pétrus Ký v.v…cho đến ngày nay, cũng là đi theo con đường bằng góc độ và những nén vàng nén bạc Chúa ban cho mình để rao giảng lời Chúa, đấy là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, đúng như là nhạc sĩ Phanxicô nói, đọc trong toàn bộ các tác phẩm-trên dưới 44 tác phẩm của Xuân Ly Băng-tôi thấy trong đó nổi lên một cái dòng chảy rõ lắm, đó là Đức Ông mặn mà và có sở trường về thơ lục bát. Từ đó, tôi lại liên tưởng tới nhà thơ và nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và một câu nói rất nổi tiếng của ông, khi nhiều bạn làm thơ đưa thơ cho ông đọc, ông nói: “Anh biết làm thơ lục bát không, nếu anh biết làm thơ lục bát thì đấy mới là nhà thơ”. Vì thật ra, nếu làm thơ lục bát là “bằng bằng trắc trắc bằng bằng bằng bằng trắc trắc bằng bằng…” thì ai cũng làm được, kể cả bà mẹ quê cũng làm được. Nhưng đấy mới chỉ là thợ thơ. Nhà thơ phải vượt lên bên trên cái thợ-thợ tức là kỹ thuật, kỹ xão- nhưng trong thơ lục bát còn phải có hồn, phải có hứng, mà người làm thơ công giáo gọi là phải có đức tin, phải có lời cầu nguyện. Tôi lại nhớ nhà văn Nguyễn Tuân nói rằng “Anh đưa cho tôi xem một bài thơ lục bát, nếu bài thơ đó hay, anh là nhà thơ, còn bao lâu anh chưa làm được bài thơ lục bát không phải là nhà thơ”. Cho nên tôi nhìn suốt dòng văn học Việt Nam, tôi nhìn suốt dòng văn học Công giáo, tôi thấy rằng dòng chảy chính của dân tộc ta là dòng đi chậm rãi không cần tốc độ “bằng bằng trắc trắc bằng bằng, trăm năm trăm cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” – Mặc kệ Âu Mỹ người ta đi thế nào, mình cứ đủng đà đủng đỉnh mà đi chậm, nhưng mà chắc, cho nên thơ lục bát là một ưu điểm của dân tộc Việt Nam. Và Xuân Ly Băng cũng đã vươn tới cái lục bát toàn mỹ đó trong thơ lục bát đậm màu nghệ thuật và Đức tin công giáo. “Một mảng chiều” với mấy câu thơ, cũng đủ họa lại con người Việt Nam chân chất với niêm tin vô cùng:

Mẹ cho con một mảng chiều
Có mây giăng tím chở nhiều nhớ mong
Có đàn sáo lượn ven sông
Lưng trâu có chú mục đồng thổi tiêu
Hoàng hôn lá rụng thật nhiều
Khói lam bàng bạc xóm nghèo bơ vơ
Mẹ cho con một trời thơ
Khi chuông nhật một nhà thờ lan xa
”.

NS. Fx: Xin cảm ơn ông.

Lê Đình Bảng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.07.2008. 14:09