Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tản mạn chuyện nhà đạo: “Mẹ Ở Đây Với Chúng Con”

§ Giuse Nguyễn Bình An

Trong kinh Nữ Vương Gia Đình chúng ta đọc: “Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ, xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai ? “

Vâng, với sự che chở và đồng hành của Mẹ Maria các gia đình Công Giáo chắc chắn sẽ vượt qua những gian nan thử thách và vững bước trên con đường theo Chúa. Ngày nay, trước sự tấn công mạnh mẽ của mạng truyền thông, không có gia đình nào mà không có những chuyện lục đục xào xáo, nhưng có Mẹ Maria chia sẻ gia đình chúng ta luôn bình an. Tình thương của Mẹ Maria dịu dàng, ôm ấp vỗ về chăm sóc chúng ta, nhắc nhở chúng ta những giáo huấn của Tin Mừng.

Trong tháng 8, chúng ta mừng lễ trọng Đức Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác. Có gì ngược ngạo không khi mỗi gia đình khẩn khoản nài xin “Mẹ ở đây với chúng con”, nhưng “Mẹ Maria đã lên trời cả hồn lẫn xác”, chung hưởng hạnh phúc thiên đàng cùng với các thánh, các thiên thần ngày đêm ca tụng tôn vinh Thiên Chúa.

Tín điều Mẹ Maria hồn xác lên trời được Giáo hội công bố vào ngày 1. 11. 1950, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng tuyên tín :

“Do quyền năng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và với thẩm quyền của Ta, Ta phán quyết, tuyên ngôn và định tín là tín điều đã được mạc khải rằng : Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được vinh phúc thiên đàng cả hồn và xác. Nếu ai cả dám tự tình chối bỏ hay nghi ngờ điều Ta đã định tín, thì họ phải biết rằng họ hoàn toàn phản bội đức tin Công Giáo của Thiên Chúa”

Như vậy, Mẹ Maria lên trời không phải là một cái kết thúc có hậu trong phim truyện buồn, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, trong đó Mẹ Maria được tham gia. Đó cũng không phải là chuyện lãnh quà khen thưởng sau khi đã Mẹ “chịu khó chịu khổ” làm Mẹ của Chúa Giêsu, bị bao nhiêu điều tiếng của người đời, sau đó Mẹ được phần thưởng thiên đàng.

Chúa Giêsu là trung tâm của mọi câu chuyện, theo chương trình cứu độ loài người. Trong suốt cuộc đời Mẹ Maria luôn gắn bó với Chúa Giêsu, vì thế khi kết thúc đời sống, Mẹ cũng được gắn bó với Chúa Giêsu trên thiên đàng. Mẹ Maria luôn là người môn đệ trung tín của Chúa Giêsu, lắng nghe và thực hành những lời dạy của Ngài.

Đương nhiên, con đường về thiên đàng cũng là con đường Mẹ Maria phải nỗ lực phấn đấu hằng ngày. Mẹ cũng thực hành những lời khuyên của Tin Mừng như yêu thương, phục vụ, quan tâm đến người khác, chia cơm sẻ áo cho kẻ nghèo đói. Mẹ sống hết mình theo đuổi những giá trị của Nước Trời.

Thật vậy, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha trước khi đi vào cuộc thương khó : “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành”(Ga 17, 24). Chúa Giêsu ở đâu thì Mẹ Maia cũng ở đó, trong vinh quang rạng ngời. Vinh quang không phải người đời ban tặng cho nhau, không phải chuyện các cha sở “ca một bài ca” trong thánh lễ an táng của một đại ân nhân của giáo xứ mới qua đời. Bài ca công đức, công trạng, cùng với những đóng góp vật chất của họ vào nhà thờ, nhà xứ, hay những chương trình mục vụ của cha sở. Vì khi sống ở đời người ta bị hấp dẫn từ những tiếng khen, cha sở chỉ cần “kích hoạt” cho chương trình thi đua đóng góp xây dựng nhà thờ bằng những tấm bằng ân nhân, bảng vàng, phép lành Tòa Thánh… dân tình ai nấy đều tích cực hưởng ứng.

Nếu chúng ta nói Mẹ Maria được khen thưởng về trời cũng đúng thôi. Mẹ được hưởng vinh quang vì suốt cuộc đời Mẹ Maria luôn thuộc về Thiên Chúa trong mọi sự.

Chúng ta đọc trong ngắm thứ năm mùa mừng chuỗi Mân Côi như sau: “Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiêng đàng”

Hơn nữa, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời quảng diễn ý sâu xa : “Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình : mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. (1Cr 15, 20-23)

Đến đây, người viết suy nghĩ về đời sống của mình. Tôi đang thuộc về Đức Kitô, qua từng suy nghĩ, lới nói và việc làm, kể cả việc đóng góp tài chánh cho nhà thờ nhà xứ, những việc từ thiện bác ái. Hay là tôi tìm kiếm tiếng khen từ những vinh quang tạm bợ ở đời, khoe khoang với người khác về khả năng tài chánh, sự giàu có hơn người của mình.

Chúng ta dâng lên Chúa những của cải vật chất với cả tấm lòng yêu mến Chúa và Hội Thánh, mong muốn cho những chương trình của giáo xứ được phát triển, chứ không phải thi đua góp của cải kiểu như “ con gà tức nhau tiếng gáy”.

Nhìn chung, gia đình chúng ta phải thuộc về Chúa, mọi người cùng nhau cầu nguyện với Mẹ Maria, trong những lúc vui buồn, những nỗi mất mát người thân, khi con cái ngang bướng không nghe lời cha mẹ dạy bảo. Tất cả những khó khăn trong cuộc sống gia đình chúng ta dâng lên Chúa qua sự cầu bầu của Mẹ Maria. Cho dù Mẹ có ở trên trời cao nhưng vẫn thương nghe những tâm tình nguyện ước của chúng ta.

Mẹ Maria phải là chủ gia đình chúng ta. Tôi trao phó gia đình mình cho Đức Mẹ với tước hiệu Nữ Vương Gia Đình, và chính Mẹ Maria sẽ gìn giữ gia đình tôi được hạnh phúc, sống ân nghĩa thủy chung với nhau và với Thiên Chúa theo gương gia đình Thánh gia năm xưa.

Trong năm nay, tôi thấy được lòng yêu mến Đức Mẹ Maria của mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận Xuân Lộc. Với cuộc Thánh Du của Đức Mẹ Fatima trên toàn giáo phận, những cuộc rước kiệu từ giáo xứ này sang giáo xứ khác, từ các nhà dòng, tu viện đến những giờ kinh, thánh lễ, những buổi dâng hoa lên Mẹ Maria làm cho chúng ta ý thức hơn sự hiện diện của Mẹ Maria trong đời sống của mỗi người tín hữu.

Chương trình mục vụ nào có khai mạc rồi cũng sẽ đến ngày kết thúc, nhưng thành quả thu lại được chính là lòng đạo đức của người giáo dân. Trong cuộc Thánh Du của Đức Mẹ Fatima đó đây, biết đâu trên con đường Mẹ Maria đi qua, có ai cảm thấy được “cái nhìn” hiền từ của Mẹ Maria và nhờ đó mà có những tâm hồn nguội lạnh bê trễ việc thờ phượng Chúa nhận được ơn ăn năn hoán cải chăng ?

Do đó, cuộc rước kiệu Đức Mẹ không phải là cuộc phô diễn đức tin giữ phố thị, nhưng là lời cầu nguyện xin Đức Mẹ ở đây với chúng ta. Xin Mẹ thương ở với gia đình chúng ta, đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường của đời sống đức tin. Mẹ nhắn nhủ chúng ta hãy gắn bó với Chúa Giêsu. Và khi kết thúc hành trình đời sống, mỗi người chúng ta cũng được sum họp với Mẹ Maria trong Nước Trời.

Gia đình chúng ta cần chạy đến với Mẹ Maria, giáo xứ chúng ta cũng cần chạy đến với Mẹ Maria. Có như vậy chúng ta mới bình an, dù có sóng to gió lớn chúng ta vẫn có thể vượt qua được, con thuyền gia đình chúng ta không thể đắm chìm.

Đời sống giáo xứ cũng có những khó khăn gần giống với một gia đình, cũng khác biệt nhau, cũng mỗi người một ý, mà cha sở ý còn lớn hơn giáo dân. Chúng ta xin Mẹ chỉ dạy mỗi người qua bài Thánh ca của Linh mục Văn Chi :

“Mẹ ơi xứ đạo con đây, nguyện xin dâng hiến Mẹ từ bi. Xin Mẹ luôn nâng đỡ phù trì và thương dẫn dắt trên đường đi. Mẹ thương xứ đạo con đây, đoàn con liên kết trong niềm vui, muôn người luôn sống theo gương Mẹ, niềm tin mãi sáng lên đẹp tươi. ”

Xin cho mỗi người tín hữu chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương của Mẹ Maria, sống đức tin mạnh mẽ, an vui hạnh phúc nhất là biết sống gắn bó với Chúa Giêsu, lắng nghe và thực hành Lời Chúa, chuyên cần cầu nguyện hằng ngày. Đó là cách chúng ta đang khởi hành trên đường về quê trời như Mẹ Maria đã đi trước và chỉ đường cho chúng ta.

Giuse Nguyễn Bình An

Đọc nhiều nhất Bản in 07.08.2018 18:52