Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tản mạn chuyện nhà đạo: Hội chứng tình yêu

§ Giuse Nguyễn Bình An

Sau thánh lễ an táng Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Sài Gòn chắc chắn có nhiều điều đọng lại nơi cộng đoàn dân Chúa. Đó là tâm tình xúc động thương tiếc, cầu nguyện cho linh hồn Đức Tổng Giám mục Phaolô, mọi người cảm phục một trái tim hết lòng yêu mến Chúa và Hội Thánh, một người cha hiền lành, vị Mục tử làm việc cho đến giờ phút cuối cùng tới lúc Chúa gọi về. Nhưng chúng ta còn được đánh động bởi bài thánh ca, do ca đoàn tổng hợp Nhà thờ Chính tòa Sài gòn trình bày trong phần hiệp lễ Bài thánh ca :“Hạt giống Tình yêu”của linh mục Phương Anh, được cất lên quá tuyệt vời, tâm tình hân hoan mạnh mẽ như diễn tả chính cuộc đời của Đức Tổng Phaolô, thân phận của hạt giống chấp nhận chết đi cho tình yêu.

“Nếu hạt lùa mì rơi xuống đất, không chết đi không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình thôi.
Còn nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà chết đi và thối đi, thì nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt.
Con biết thế, con biết thế và con muốn con chết đi như hạt lúa mì.
Con sẽ chết, con sẽ chết, con sẽ chết, sẽ chết đi cho anh em con”.
Vì con bước vào dương thế để làm theo ý Cha đã trao khi dựng vũ hoàn”
Là con chết, là con chết, là con chết, con chết đi cho anh em con”

Người viết xin mạn phép gọi là “hội chứng hạt lúa mì”, bởi vì sau thánh lễ an táng Đức Tổng Giám mục Phaolô, trên mạng người ta chia sẻ video clip nhiều nhất qua các trang cá nhân trên Facebook, ai cũng bình luận và khen ngợi. Chúa nhật hôm sau, ca đoàn các nhà thờ lại hát bài thánh ca đó, vì nội dung đúng theo ý lực của bài Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay B.

Chẳng biết bài thánh ca được sáng tác từ hồi nào, nhưng từ khi được hát lên trong tang lễ Đức Tổng Phaolô, mọi người cảm thấy hay quá.

Còn nhớ, hồi đó Đức Hồng y Gioan Baotixiata Phạm Minh Mẫn của Tổng giáo phận Sài Gòn đi thăm Nhật Bản, về nước đi đâu Người cũng kể chuyện sống đạo và truyền đạo tốt đẹp của tín hữu Công Giáo Nhật Bản, cũng như mời gọi chúng ta học theo Giáo Hội Nhật Bản. Các cha gọi là “Hội chứng Công Giáo Nhật Bản”

Thấy điều hay ho của thiên hạ thì học hỏi bắt chước, điều đó cũng tốt thôi. Vì vậy, xin tạm đặt tiêu đề bài là “Hội chứng Hạt giống tình yêu”.

Những tâm tình hạt lúa mì chuẩn bị cho chúng ta bước vào Tuần Thánh và Phục sinh sắp tới.

Quả vậy, hạt lúa mì chết đi trước tiên chính là hình ảnh Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người để cứu chuộc nhân loại. Trong suốt Tuần Thánh, chúng ta nghe lại các bài tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Ngài bị kết án tử hình và chịu chết trên cây thập giá, thân xác Đức Giêsu bị bầm dập đòn roi, bị người đời khinh khi sỉ vả, Ngài bị tra tấn đến kiệt sức mà chết. Kinh Thánh gọi là “nhìn không còn hình dạng con người nữa. ”

Tất cả những sự kiện mà chúng ta cử hành trong Tuần Thánh, không phải là Hội Thánh kêu gọi chúng ta khóc lóc than thương sự đau khổ của Chúa Giêsu, rồi các cộng đoàn diễn lại vở tuồng thương khó, giáo dân chit khăn tang đầy nhà thờ vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Người viết nhớ lại cách đây vài chục năm trước, tại một giáo xứ ở Sài Gòn, mỗi năm tối thứ sáu Tuần Thánh người viết đến giáo xứ đó xem táng xác Chúa Giêsu. Khoảng 11g đêm, cộng đoàn làm cuộc rước trọng thể kiệu xác Chúa Giêsu chôn nơi nhà mồ. Toàn thể cộng đoàn chít khăn tang trắng xóa. Cuộc rước nếu nhìn bên ngoài giống hệt một đám tang, có kèn trống thanh la inh ỏi. Mọi người rước quan tài Chúa Giêsu ra khỏi khuôn viên nhà thờ, sau đó quay trở vào nhà xứ, nơi đã được chuẩn bị một hang đá mai táng Chúa.

Trong dịp Tết vừa rồi, người viết hân hạnh gặp lại vị linh mục chủ sự nghi thức táng xác những năm đó, hiện nay ngài đang nghỉ hưu. Cha kể chuyện: “Hồi đó Thứ Sáu Tuần Thánh vui lắm anh ạ, mình rước quan tài Chúa Giêsu ra tới đường ngoài phố, một số anh công an chặn lại hỏi. Trước đó, mình căn dặn kỹ với ông chánh trương trong giáo xứ Nếu công an hay trật tự hỏi, anh cứ nói là đám tang người Hoa, thôi cán bộ thông cảm cho rước một đoạn đường ngắn thôi. Lần sau chúng tôi rút kinh nghiệm, sẽ không rước như thế này nữa”Chuyện xảy ra như mình dặn trước với ông chánh trương. Công an họ cho chúng tôi đi tiếp. Khó khăn như thế, song năm nào giáo xứ mình cũng tổ chức táng xác, coi như tang lễ của Chúa Giêsu”

Thậy vậy, nghi thức tháo đanh táng xác Chúa Giêsu hiện nay nhiều giáo xứ vẫn còn giữ lại được truyền thống tốt đẹp này. Nhưng làm sao chúng ta hiểu sứ điệp từ cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Đấng đã chết thực sự và đã sống lại, Ngài vì vâng phục Chúa Cha mà chấp nhận tự hủy ra không và sống lại vinh quang. Đó là quy luật của hạt giống, hạt lúa mì phải mục nát.

Đâu đó trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy những thân phận con người chết đi, chịu tan biến, hủy mình ra không theo bước chân của Thầy Giêsu. Chúa ban cho họ nghị lực, sức mạnh, họ đặt niềm trông cậy tin tưởng vào Thiên Chúa, dấn thân hết mình cho tình yêu, yêu thương đồng loại, chăm sóc tận tình những bệnh nhân AIDS, phong cùi, tâm thần, những người không nhà không cửa.

Con đường họ đi là con đường tình yêu tự hiến của Đức Giêsu, cùng vác thập giá của mình lên núi Sọ, bị xem như điên khùng với thế gian. Họ sống ngược dòng đời, chịu mất mát, thua thiệt tất cả để có mối lợi lớn nhất là Nước Trời. Từ trên thập giá, Đức Giêsu mời gọi chúng ta dấn thân cho tình yêu thương, sống triệt để theo những đòi hỏi của Tin Mừng cụ thể như thực hành tình yêu bao dung tha thứ của Chúa Giêsu. “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô. (Phil 3:8)

Thế giới đã từng nghiêng mình ngưỡng mộ khâm phục Mẹ Têrêsa thành Calcutta, người phụ nữ không biết nói gì trước công chúng, nhưng luôn âm thầm phục vụ đến những khu ổ chuột, những vị Tông đồ người cùi như cha Đamiên sống giữa những anh chị em bệnh nhân phong, hy sinh cả cuộc đời cho họ. Và còn rất nhiều những Giám mục, linh mục đang bôn ba trên đường phục vụ Chúa và tha nhân, họ chấp nhận chết đi như hạt lúa mì.

Quả vậy, cuộc sống Kitô hữu nếu chúng ta cứ lấy Lời Chúa ra mà thực hành thì làm sao mà tránh khỏi những đau đớn, những khổ tâm, mọi hiểu lầm và tấn công. Ở đời người ta nói : Hiền lành thì thua thiệt, lương lẹo lại lên lương. ”là thế.

Trên hành trình theo Chúa vị chủ chăn phải khổ tâm, khi dẫn dắt chiên theo chân lý Tin Mừng, chứ không phải theo ý kiến số đông, hay theo thời thượng, các đấng chịu hy sinh khi thực hành giáo huấn yêu thương của Chúa Giêsu, thậm chí các đấng còn bị nghi ngờ theo phe này nhóm kia. Có khi các đấng bị lên án chỉ trích, bị dán nhãn vì không sống giống như họ vì phải đi theo Tin Mừng yêu thương của Chúa Giêsu. Sống theo Tin Mừng nhiều lúc cuộc sống không được yên tâm, phải chấp nhân đi trên với sóng to gió lớn, lúc nào củng đe dọa nhấn chìm con thuyền chúng ta.

Vì chúng ta không thể sống hai mặt, phải chọn lựa dứt khoát theo Chúa, trong sự thật và tình yêu thương. Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu, 29. 04. 2017, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác các Kitô hữu trước một lối sống hai mặt, phô diễn ra cho người khác thấy vẻ bên ngoài sáng láng, thánh thiện nhưng trong tâm hồn lại vô cùng đen tối. Đức Thánh Cha cũng khuyến khích các tín hữu biết bước đi trong ánh sáng chứ đừng lún sâu vào con đường tối tăm, vì chân lý của Thiên Chúa không thể được tìm thấy nơi đó.

Càng thấy mình bị tiêu hao đi như tấm bánh được bẻ ra, như ngọn nến được đốt lên thắp sáng, chúng ta càng thấy cuộc đời Kitô hữu của mình được tháp nhập với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn cái chết, được đi vào mầu nhiệm Tình yêu thương của cộng đồng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Suy niệm những ngày Tuần Thánh, cao điểm là Tam nhật Vượt qua của Đức Giêsu, chúng ta như đang cùng chết với Đức Giêsu, vượt qua tính tham lam, hẹp hòi ích kỷ, thắng vượt được tính sợ hãi để sống chân thật ngay thẳng, nói không với gian dối, vượt qua những lo lắng ở đời, lúc nào cũng chỉ lo kiếm thật nhiều tiền, trở thành giàu có như người ta, vì không có tiền nói không ai nghe.

Từng nhân vật, tính cách, từng con người trong cuộc thương khó Chúa Giêsu hình như đang diễn ra trên cuộc đời những Kitô hữu, những người quyết tâm chọn lưa sống theo Tin Mừng. Nếu hoàn toàn sống chân thật, chúng ta cũng đối diện với sự cô đơn như Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, người thì bán thầy, người thì chối thầy, người thì chạy trốn và xã hội này cũng đầy gian dối, lừa thầy phản bạn, nhiều người cũng chạy theo chức quyền bán rẻ lương tâm, hèn nhất không dám bảo vệ người công chính và đứng về phía sự thật.

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta bước vào Tuần Thánh có tâm tình thánh thiện sốt sắng, luôn cảm tạ tình yêu cứu độ của Đức Giêsu và nhờ đó chúng ta học được bài học tự hủy mình ra không, chấp nhận chết đi như hạt lúa, không còn tham sân si, không còn bám lấy của cải ở đời này, nhưng chiếm lấy Nước Trời, được tham dự vào cuộc sống mới cùng với Đức Giêsu Phục sinh. ”Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. ” (Rm 6. 8)

Giuse Nguyễn Bình An

Đọc nhiều nhất Bản in 23.03.2018 06:24