Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sơ Lược Lịch Sử Và Hiện Trạng Các Dòng Tu, Tu Hội, Tu Đoàn Trong Giáo Tỉnh Hà Nội

§ Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải

(Báo cáo tại Đại hội Tu sĩ Toàn quốc lần II)

1. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ CÁC DÒNG TU (1) Ở MIỀN BẮC

1.1. THỜI BẢO HỘ (2) (1533-1659)

Năm 1533, Trà Lũ, Ninh Cường, Quần Anh- những làng đầu tiên của Miền Bắc nay thuộc Giáo phận Bùi Chu- đã ghi dấu bước chân của nhà truyền giáo Inêkhu. Gần 60 năm sau, năm 1590 phái đoàn của cha Ordonez de Cevallos, một thừa sai thích phiêu lưu mạo hiểm, đang chu du thiên hạ, thì bị bão đánh dạt vào Đàng Ngoài và ngài bắt đầu rao giảng.

Công cuộc rao giảng đầy Thánh Thần và quyền năng của cha Cevallos đã mau chóng lập nên một xóm đạo trù phú và một tu viện sinh động bên bờ sông Chu thơ mộng của xứ Thanh. Ngày 26.06.1591 ngài đã cử hành lễ khánh thành tu viện và cũng là lễ khấn lần đầu cho các nữ tu của hội dòng mang tên là Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội với 51 thành viên mà mà người đứng đầu là công chúa Mai Hoa, khai mạc đời sống tu trì của nữ giới trong Giáo Hội Việt Nam.

Năm 1627, cha Alexandre De Rhodes, vị thừa sai lỗi lạc của Dòng Tên, đã đến Đàng Ngoài lần thứ nhất và theo ngài là nhiều thừa sai Dòng Tên khác. Miền Bắc có may mắn đón nhận sự hiện diện của một dòng tu quốc tế năng động nhất trong Hội Thánh đương thời.

Các thừa sai Dòng Tên đã khai mở một phong trào đón nhận Tin mừng rộng lớn đồng thời các ngài đã thành lập Hội Thầy Giảng để cộng tác với các ngài trong công cuộc rao giảng Tin mừng. Các thành viên của Hội sống chung với nhau, khấn khó nghèo, vâng phục và không kết hôn.

Trong những năm sau đó, Hội Thầy Giảng càng ngày càng được kiện toàn tổ chức và trở nên phổ biến khắp Đàng Ngoài, góp phần quan trọng trong việc rao giảng Tin mừng cho đồng bào Việt Nam. Đời sống tu hành dành cho nam giới người Việt ở Miền Bắc ra đời từ đấy.

1.2. THỜI TÔNG TOÀ (1659-1960)

1.2.2. Từ giữa TK 17 đến cuối TK 19

Năm 1645, cha Alexandre De Rhodes trở về châu Âu và nhờ sự vận động tích cực và hiệu quả của ngài, ngày 09.09.1659, Toà Thánh đã thành lập hai giáo phận trên phần đất Việt Nam và vùng phụ cận đồng thời cắt cử Đức cha Fr. Pallu làm Giám mục Đàng Ngoài và Đức cha Lambert de la Motte làm giám mục Đàng Trong.

Trong những năm 1660, hai đức giám mục này đã lập ra Hội Thừa sai Paris, một hội giáo sĩ tông đồ thuộc quyền giáo hoàng, có mục tiêu là huấn luyện hàng linh mục bản quốc, truyền giáo và phục vụ giáo dân ở Việt Nam và các nước Đông Á. Bản luật của Hội đã được Đức Giáo hoàng Alexandre VII phê chuẩn năm 1664. Ngay từ năm 1660 các thừa sai của Hội đã lên đường đến các khu vực thuộc Miền Bắc và Miền Nam nước ta ngày nay để giảng đạo.

Năm 1670, khi kinh lược Đàng Ngoài, Đức cha Lambert de la Motte đã quyết định thành lập Dòng MTG tại Kiên Lao và tại Bái Vàng trên cơ sở là hai nhóm trinh nữ sống chung với nhau đã được các cha Dòng Tên hướng dẫn. Mục đích của Dòng mới này là kết hợp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh trong kinh nguyện và hy sinh đồng thời giáo dục và chăm sóc các thiếu nữ, rửa tội cho trẻ em nguy tử và đưa các phụ nữ ra khỏi con đường lầm lạc. Đức cha đã cử hành thánh lễ trao bản luật và nhận lời khấn của các nữ tu vào ngày 19.02.1670. (3)

Từ đó mô hình Dòng MTG được phổ biến khắp các giáo phận ở Miền Bắc, đặc biệt là ở các giáo phận do các cha Hội Thừa sai Paris coi sóc. Ngay trong thời cấm đạo, vào thời điểm năm 1751 Tây Đàng Ngoài đã có khoảng 400 chị, năm 1846 có 673 chị và năm 1884 có gần 2000 chị (4). Các nữ tu MTG hàng ngày len lỏi vào các thôn xóm, bán thuốc nam, truyền giáo, rửa tội cho trẻ em sinh thì, giúp đỡ cô nhi quả phụ, dạy giáo lý và cầu nguyện cho Giáo Hội.

Từ năm 1676, Đức cha Fr. Pallu đã mời các cha Dòng Đaminh ở Philippin tới truyền giáo ở Địa phận Đông. Năm 1759 Toà Thánh quyết định trao vùng này cho Dòng Đa Minh. Từ đó đông đảo các tu sĩ dòng Đa Minh từ Philippin và Tây Ban Nha đã sang truyền giáo ở Việt Nam.

Bên cạnh các nhà mụ MTG đã tồn tại từ thời trước trên phần đất này, các cha Dòng Đa Minh còn thành lập nhiều nhà mụ Đa Minh tại các vùng đất các ngài truyền giáo. Nhà mụ Đa Minh đầu tiên ra đời tại Trung Linh năm 1715. Các nhà mụ này dần dần có luật lệ chặt chẽ gần như một nhà dòng. Từ năm 1860 lề luật nhà mụ được phổ biến bằng chữ Nôm.

Các nhà mụ MTG cũng như nhà mụ Đa Minh phổ biến ở khắp Miền Bắc. Chiếm ưu thế ở tả ngạn sông Hồng là nhà mụ Đa Minh, trong khi đó bên hữu ngạn, thì nhà mụ MTG chiếm địa vị độc tôn. Các nhà mụ này phát triển bí mật, công khai hay bán công khai thì tuỳ nơi, tuỳ thời, tuỳ địa phương. Tinh thần hy sinh, phục vụ của các mụ hãy còn in dấu trong tâm thức sống đạo của giáo dân Miền Bắc cho đến hôm nay.

1.2.3. Từ cuối thế kỷ XIX cho đến nửa đầu thế kỷ XX

Từ cuối thế kỷ XIX cho đến nửa đầu thể kỷ XX, khi cơn bách hại qua đi, Giáo hội Miền Bắc bước vào thời kỳ tái thiết thì các nhà mụ MTG và nhà phước Đa Minh phát triển và trở nên phổ biến sâu rộng tại các giáo phận Miền Bắc.

Các nhà mụ MTG chủ yếu lập các cơ sở ở Vinh, Thanh Hoá, Phát Diệm, Hà Nội, Hưng Hoá. Cho đến đầu những năm 1940, tất cả các giáo phận vốn thuộc Tây Đàng Ngoài đều đã có các cộng đoàn MTG, tham gia các công tác mục vụ giáo lý, bác ái xã hội và nhất là ăn chay, hãm mình, cầu nguyện cho Hội Thánh.

Các nhà mụ Đa Minh nằm ở Đông Đàng Ngoài từ năm 1920 được đổi tên thành nhà phước. Các nhà phước này phát triển rất nhanh và hiện diện trong tất cả các giáo phận thuộc Đông Đàng Ngoài mà nơi tập trung nhiều nhất là Giáo phận Trung, thuộc Thái Bình và Bùi Chu ngày nay. Năm 1916 địa phận Trung có 450 chị và đến năm 1933 con số này đã tăng lên 780 chị (5). Các chị đã góp phần tích cực và quan trọng trong đời sống đức tin của giáo dân, đặc biệt trong việc truyền giáo, dạy giáo lý, chăm sóc cô nhi quả phụ, etc.

Vào giai đoạn này, bên cạnh việc trông coi các giáo xứ, các cha dòng Đa Minh, cũng lập nên một số tu viện, chủng viện ở phần đất thuộc các giáo phận Thái Bình, Hải Phòng và Bùi Chu ngày nay mà danh tính một số vẫn  còn vang bóng như Chủng viện Đa Minh Quần Phương, Chủng viện Saint Thomas Nam Định, Tu viện Đa Minh Cát Đàm-Thái Bình, Tu viện Đa Minh Hà Nội.

Cũng từ cuối thế kỷ XIX cho đến nửa đầu thể kỷ XX, khi Giáo Hội Miền Bắc bước vào thời kỳ tái thiết và phát triển trong bình an, thì khá nhiều dòng tu nam nữ ngoại sinh (6) đã được du nhập vào Miền Bắc, tham gia các lãnh vực tông đồ khác nhau, bác ái và văn hoá-giáo dục, tạo nên một sức sống mới mẻ và sinh động cho Giáo hội Miền Bắc.

Hà Nội, trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị và tôn giáo hàng đầu ở Miền Bắc, là nơi đón nhận nhiều nhất các dòng tu đến lập cơ sở và làm tông đồ như Dòng Thánh Phaolô (1883), Dòng Sư huynh La San (1884), Dòng Cát Minh (1885), Dòng Chúa Cứu Thế (1928), Hội Xuân Bích (1929), Dòng Đa Minh Lyon (1930) Dòng Kinh sĩ Thánh Augustino (1936), Dòng Đức Bà Truyền giáo (1941), Dòng Salésiens Don Bosco (Đầu thập niên 1952).

Các dòng tu cũng có mặt ở các giáo phận khác:  Dòng Cát Minh đến Bùi Chu năm 1923 và đến Thanh Hoá năm 1929. Dòng Đức Bà Truyền giáo đến Phát Diệm (1924), đến Thanh Hoá (1927) và đến Lạng Sơn (1927). Dòng Đa Minh Lyon đến truyền giáo ở Lạng Sơn năm 1908. Tại Vinh có Dòng Nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (1935), Dòng Clara (1935), Dòng Phanxicô (1929). Năm 1934, Dòng Phanxicô ra Thanh Hoá. Ngoài ra năm 1938 còn có các linh mục Hội Phụ tá Truyền giáo (S.A.M) đã đến giúp địa Phận  Phát Diệm và Bùi Chu và Thanh Hoá.

Từ đầu thể kỷ XX, tại Miền Bắc song song với tiến trình du nhập các dòng tu ngoại sinh là  phong trào cải tổ các nhà phước. Sự hiện diện của các dòng tu ngoại sinh vốn đã tồn tại hàng trăm năm trong Giáo Hội trở thành điểm quy chiếu cho các nhà mụ MTG và nhà phước Đa Minh điều chỉnh và chuẩn hoá lối tu hành của mình. Tiến trình này sau đó diễn ra nhanh chóng và quy mô hơn nữa nhờ các khuyến cáo của Công đồng Kẻ Sở năm 1912 và Công đồng Hà Nội năm 1934.

Phong trào cải tổ các nhà mụ MTG khởi đi từ Phát Diệm. Năm 1902 Dòng MTG Phát Diệm được thành lập và năm 1925 dòng này hoàn thành cơ bản công cuộc cải tổ theo giáo luật. Kể từ đó Dòng MTG Phát Diệm trở nên một Hội Dòng năng động và đầy sức sống. Năm 1935, Dòng MTG Phát Diệm sinh ra Dòng MTG Thanh Hoá. Năm 1943 Dòng MTG Phát Diệm đã thành lập Dòng MTG Hưng Hoá. Năm 1936 Dòng MTG Vinh được thành lập và sau đó đến năm 1952 được cải tổ nhờ các nữ tu của Dòng MTG Thanh Hoá.

Trong khi đó ở một diễn biến khác, từ năm 1936 các chị em trẻ tuổi của các nhà phước MTG Hà Nội được các nữ tu Dòng Kinh sĩ Thánh Augustinô huấn luyện và được khấn theo giáo luật vào năm 1941. Năm 1954 các nữ tu dòng MTG Phát Diệm giúp cải tổ phần còn lại của MTG Hà Nội, nhưng một phần vì vấn đề giáo luật liên quan đến tên gọi, phần khác biến cố Nam-Bắc chia đôi kéo theo cuộc di cư năm 1954 cho nên cuộc cải tổ phần dở dang của MTG HN tiếp tục dở dang cho đến nay.

Tại các giáo phận thuộc khu vực truyền giáo của các cha Dòng Đa Minh, phần lớn các nhà phước MTG trở thành Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi  khi Dòng này được Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn sáng lập năm 1946. Phần ít ỏi còn lại được cải tổ thành Dòng MTG Bùi Chu năm 1953. Trong khi đó, các nhà phước Đa Minh được Đức cha Phêrô-M. Phạm Ngọc Chi  cải tổ thành Dòng Nữ Đa Minh Việt Nam năm 1950.

Miền Bắc trước năm 1954 còn có một số dòng tu và tu hội khác được khai sinh. Tại Bùi Chu, cha Đa Minh Maria Trần Đình Thủ đã lập Dòng Đức Mẹ Đồng công Cứu chuộc năm 1948 và lập Dòng Mẹ Thăm Viếng năm 1950. Tại Thái Bình năm 1949, cha Micael Nguyễn Khắc Tước thành Tu hội Nhập thể Tận hiển Truyền giáo. Tại Phát Diệm, năm 1953 Cha Trần Ngũ Nhạc thành lập Tu hội Chúa Giêsu.

Trong nửa đầu thế kỷ XX, dòng giáo hoàng và dòng giáo phận, dòng nam và dòng nữ, dòng nội sinh và ngoại sinh, dòng giáo sĩ và trợ sĩ, tất cả đều đã hiện diện ở Miền Bắc như trăm hoa đua nở và đã  tích cực hoạt động trong các lãnh vực  truyền giáo, văn hoá, giáo dục và bác ái xã hội. 

1.2.4. Từ năm 1954 đến năm 1960

Trong lúc đời sống tu trì triển nở mạnh mẽ và có những cống hiến tích cực, thì đất nước xảy ra cuộc phân ly và di cư năm 1954. Sự kiện này không những đảo lộn vị trí và vai trò của Công Giáo Bắc-Nam mà còn đảo lộn sự phát triển của các dòng tu ở hai miền Nam-Bắc và làm dang dở tiến trình cải tổ của các dòng tu trên đất Bắc.

Toàn bộ ban lãnh đạo và hầu hết nhân sự ưu tú nhất của các Dòng  MTG Hà Nội,  MTG Phát Diệm, MTG Thanh Hoá,  MTG Bùi Chu, Đa Minh Việt Nam, Mân Côi Bùi Chu đều di cư vào Nam. Đấy là tiền thân của các Dòng MTG  Khiết Tâm, MTG Gò Vấp, MTG Đà Lạt, Trinh Vương, Đa Minh Tam Hiệp, Mân Côi Chí Hoà. Chỉ có Dòng MTG Hưng Hoá và Dòng MTG Vinh là không di cư, vì lý do hai dòng này sớm nằm trong vùng Việt Minh kiểm soát.

Các nhà phước ở Thái Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Hải Phòng chưa kịp cải tổ cũng di cư vào Nam và được cải tổ làm thành các dòng mới như: Dòng MTG Bắc Hải, MTG Tân Việt, MTG Thủ Đức, MTG Tân Lập, Dòng Đa minh Lạng Sơn, Dòng Đa Minh Xuân Hiệp, Đaminh Thánh Tâm. Tu hội Nhà Chúa. Dòng Đồng Công ở Bùi Chu, tu hội Chúa Giêsu Linh mục ở Phát Diệm và Tu hội Nhập Thể-Tận Hiến-Truyền giáo ở Thái Bình di cư toàn bộ  không còn chút cơ sở vật chất và nhân sự gì trên đất Bắc.

Hầu hết các dòng tu có gốc ở Miền Bắc di cư vào Nam đều định cư ở vùng năng động nhất nước là Sài Gòn, Xuân Lộc, Đà Lạt, Vũng Tầu-Bà Rịa mà khi ấy tất cả đều thuộc Giáo phận Sài Gòn và góp phần biến vùng đất mới này trở thành một trung tâm mới của Công giáo Việt Nam.

Các dòng trực thuộc Toà Thánh cũng di cư toàn bộ các cơ sở đào tạo và hầu hết nhân sự.  Các đơn vị không còn tu sĩ nào hiện diện ở Miền Bắc là Dòng Cát Minh, Dòng Đa Minh, Dòng Salésiens Don Bosco, Dòng La San, Dòng Đức Bà Truyền giáo, Dòng Phanxicô, Dòng Kinh sĩ Thánh Augustinô, Dòng Nữ Thừa sai Phan Sinh,  Hội S.A.M, Hội Xuân Bích, Dòng Clara, Dòng Nữ Vinh Sơn. Riêng Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Phaolô, Dòng Châu Sơn may mắn còn được vài người ở lại Miền Bắc, giữ ngọn lửa hiện diện của các dòng tu quốc tế trực thuộc giáo hoàng.

Gia sản vật chất và tinh thần của mấy trăm năm đón nhận đức tin, mấy trăm năm tu trì của các dòng tu, các nhà mụ, nhà phước ở Miền Bắc bỗng chốc bị bốc đi hết. Ở lại chỉ còn một số ít ỏi các tu sĩ nam nữ mà thương thay phần lớn lại là các tu sĩ già yếu, bệnh tật, trình độ văn hoá thấp- những người phần lớn chẳng có gì sợ mất khi ở lại hoặc cũng không có sức để ra đi.

Tuy nhiên, chính từ cái số sót không ra gì trong con mắt người đời này lại là những người duy trì sự hiện diện của các dòng tu trên phần nửa đất nước và gìn giữ ngọn lửa đức tin cho bao nhiêu người dân khốn khó trong đêm thâu, để rồi từ đó Chúa quyền năng và nhân hậu lại dùng số sót này mà gầy dựng một cơ nghiệp mới cho các dòng tu trên Đất Bắc.

1.3. THỜI CHÍNH TOÀ (1960-2008) : THƯƠNG KHÓ VÀ PHỤC SINH

1.3.1. Từ đầu thập niên 1960 đến cuối thập niên 1980

Những năm đầu sau 1954, các dòng ở Miền Bắc có phần còn dẽ thở hơn ít nhiều, nhờ  còn một chút tự do của thời trước 1954 rơi rớt lại hay chưa bị cướp đi. Bước vào thập niên 1960 các dòng tu ở Miền Bắc  bước vào đỉnh cao của con đường thương khó đã được khởi đầu từ năm 1954.

Khó khăn thử thách sớm đến với các dòng nam còn lại. Các thừa sai MEP ở Hà Nội và Hưng Hoá và các tu sĩ người ngoại quốc của Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng Phaolô bị trục xuất hoàn toàn. Hai dòng nam còn sót lại ở Miền Bắc là Dòng Chúa Cứu Thế và Đan viện Châu Sơn không thể nhận người đào tạo. Chẳng những thế, quá nửa số sót lại đã bị bắt đi tù. Hai dòng này sống được cho đến thời đổi mới nhờ mỗi dòng còn một linh mục sống sót trong tu viện và có vài vị tử đạo trong tù. Người sống người chết đều đáng kính.

Các dòng nữ cũng bi đát không kém. Số ít các chị em còn ở lại Miền Bắc cũng nhiều người bị bắt đi tù. Tình hình khó khăn hơn một bước từ những năm 1960 khi Miền Bắc đi lên CNXH, bước vào đỉnh cao của thời chuyên chính vô sản, các tu sĩ bị tước đoạt tư liệu và phương tiện sản xuất trong phong trào hợp tác hoá. Lúc này các tu sĩ ở thế tiến thoái lưỡng nan:  Vào hợp tác xã thì không được mà ở lại trong dòng thì không có gì để sống. Mấy năm sau, khi chiến tranh mở rộng, Miền Bắc bị không lực Hoa Kỳ ném bom, tình hình càng bi đát hơn, nhiều dòng nhà mất và người mất, vì  bom đạn và vì chính sách tất cả cho tiền tuyến. Cơ sở của các dòng còn lại hầu như đều bị lấy mất, chị em bị áp lực vận động tự giải tán, hay bị cô lập. Bi đát hơn cả có lẽ là Dòng MTG Phát Diệm và MTG Hưng Hoá.

Trong đêm tối âm u, hầu hết các dòng vấn nhận người đào tạo. Đấy là một công cuộc đào tạo không đồng đều, bán công khai, không được liên tục và chính quy. Một mặt do số chị em còn lại phần lớn là những người già yếu bệnh tật và trình độ văn hoá thấp, không đủ năng lực để truyền lại cho người trẻ những tinh tuý của đời sống tu dòng. Nếu còn ai có bản lĩnh thì cũng đã bị bắt bỏ tù hoặc bị quản chế. Mặt khác chính sách tôn giáo khắc nghiệt hơn khiến cho các dòng tu không thể tập trung đào tạo và sống đời tu một cách bình thường. Do đó, trong nhiều thập niên, nhiều chị em ở Miền Bắc vào dòng lâu năm nhưng không được khấn hoặc nếu có cũng chỉ là lời khấn tư cho mãi đến thời gian gần đây.

Trong đau thương Chúa vẫn làm phép lạ: Bộ phận các nhà mụ MTG của Tổng Giáo phận Hà Nội ở rải rác tại các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Nam Định đã được cải tổ lập nên Dòng MTG Hà Nội giữa thủ đô. Dòng Trinh Vương ở Bùi Chu được thành lập trên cơ sở là một số chị em Dòng MTG Bùi Chu còn sót lại không di cư. Nhiều nhà phước Đa Minh ở Thái Bình, Bắc Ninh vẫn tiếp tục tồn tại như là một hình thái sơ khai của đời sống tu trì từ xa xưa còn sót lại mà cách ứng xử đôi khi có phần xa lạ ngay cả với giáo sĩ và giáo dân. Tất cả đều sống lay lắt chờ thời.

1.3.2. Từ cuối thập niên 1980 đến nay (2008)

Từ cuối thập niên 1980, người ta chứng kiến một sự hồi sinh đời sống tu dòng ở Miền Bắc. Trong bối cảnh đất nước cải tổ và đổi mới được phát động từ cuối năm 1986, Bắc-Nam bắt đầu giao lưu nhiều hơn. Người lớn vào tham quan, người trẻ vào học tập.  Hầu hết các dòng tu còn tồn tại ở Miền Bắc đều gửi các ứng sinh vào đào tạo tại các hội dòng cùng gốc ở Miền Nam. Hầu hết các dòng tu có gốc gác từ Miền Bắc đều cho người về giúp đỡ lại các chị em anh em ở Miền Bắc. Các dòng chỉ có cơ sở ở Miền Nam cũng nhận người Bắc vào đào tạo với hy vọng có thể giúp gì cho Miền Bắc.

Kết quả của tiến trình này là từ những năm đầu của thập niên 1990, hầu hết các dòng nữ có nhà chính ở Miền Bắc đều đã mở được tập viện. Các chị em trong các nhà mụ, nhà phước, hay nhà dòng đã nhập tu từ cuối thập niên 1950 mà chưa khấn hay mới chỉ có lời khấn tư từng bước được công khai tuyên khấn theo giáo luật. Các nữ tu sinh trưởng ở Miền Bắc được đào tạo ở Miền Nam trong giai đoạn mới này, khi hoàn tất chương trình và về lại Miền Bắc, đã trở thành những tác nhân đắc lực cho công cuộc khôi phục, cải tổ, hay thành lập các hội dòng ở Miền Bắc. Đó là điều đã diễn ra ở Dòng Mân Côi Bùi Chu, Dòng MTG Phát Diệm, MTG Thanh Hoá, MTG Hưng Hoá, Dòng Đa Minh Bùi Chu, Dòng Trinh Vương, MTG Bùi Chu.

Hai dòng nam còn sót lại sau 1954 là Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và Dòng Xitô Châu Sơn cũng từng bước được phục hồi. Cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, các ứng sinh từ hai cơ sở này được thu nhận và gửi vào Nam huấn luyện. Tiếp theo là các tu sĩ từ Miền Nam được phép ra Miền Bắc phục vụ. Chỉ gần 2 thập niên khôi phục, các tu viện của hai dòng này nay đã trở thành những trung tâm tôn giáo sinh động ở Miển Bắc.

Nhiều dòng tu tìm cách hội nhập vào Miền Bắc để phục vụ. Dù gặp nhiều khó khăn trong ngoài, nhưng những nỗ lực bền bỉ của các đấng bản quyền và của các tu sĩ đã mang lại những kết quả khả quan. Một số tu sĩ dòng được giảng dạy trong Chủng viện Hà Nội như Dòng Chúa Cứu Thế (1993), Dòng Salesiens Don Bosco (1994), Dòng Tên (2005), Tu hội Linh mục Thánh Tâm (2006). Dòng Đa Minh, Dòng Thánh Thể, Dòng Thánh Tâm, Dòng Salesiens Don Bosco cũng có các sở mới tại các giáo phận như Vinh, Hưng Hoá, Thái Bình, Hải Phòng, Bùi Chu, Thanh Hoá.

Một số dòng nữ cũng đã thành lập được một hay nhiều cộng đoàn ở Miền Bắc: Ở Lạng Sơn có các cộng đoàn của Dòng Đa Minh Lạng Sơn, Dòng MTG Thủ Thiêm, Dòng Phaolô Đà Nẵng. Ở Giáo phận Ở Giáo phận Thái Bình có các cộng đoàn của Dòng MTG Tân Lập, Dòng Phaolô, Dòng Thánh Tâm. Ở  Giáo phận Hải Phòng có các cộng đoàn của Dòng Đa Minh, Dòng Thánh Thể, Dòng Chúa Cứu Thế. Ở  Vinh có các cộng đoàn của Dòng Bác Ái Thánh Gioana Antida Thouret, Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn. Ở Hà Nội có các cộng đoàn của các chị  Dòng Nữ tử Bái Ái, Dòng Nữ Phan sinh Thừa Sai, Dòng Mân Côi Chí Hoà, Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Dòng Phaolô Thiện Bản, v.v.

Trong những năm gần đây, khi đất nước bước vào quá trình đổi mới, cải tổ và hội nhập, khu vực Giáo tỉnh Hà Nội cũng xuất hiện những dòng tu mới được thành lập. Đó là các tu đoàn giáo sĩ Truyền Tin dành cho nam giới và tu đoàn Nữ Truyền Tin ở Hà Nội, Dòng Thăm Viếng ở Bùi Chu, Dòng Thừa Sai Bác Ái ở Vinh (1980-1994), Tu Hội Hiệp Nhất ở Bắc Ninh (1963/2002), Tu hội Tận Hiến (Hải Phòng 1980), Tu hội Emmanuel (1999- Hải Phòng).

Hiện nay, Giáo tỉnh Hà Nội có 19 dòng tu có nhà chính trong Giáo tỉnh và có 26 dòng tu có nhà chính ở ngoài giáo tỉnh.

2. SƠ LƯỢC THỰC TRẠNG CÁC DÒNG TU TẠI GIÁO TỈNH HÀ NỘI

2.1. SỰ HIỆN DIỆN CỦA CÁC DÒNG TU (7)

2.1.1. Sự hiện diện của các dòng nội sinh

Tính số dòng tu có cơ sở chính ở trong Giáo tỉnh Hà Nội, thì tỷ lệ dòng tu /giáo phận của Giáo tỉnh là 19/10, so với Giáo tỉnh Huế là 14/6 và của Giáo tỉnh Sài Gòn là  84/ 10 (8)

Tỷ lệ giữa dòng nam và dòng nữ ở Giáo tỉnh Hà Nội là 2/19, trong khi ở Giáo tỉnh Huế là 4/14 và Giáo tỉnh Sài Gòn là 31/84. Trong số 9 giáo phận có các dòng có nhà chính, thì chỉ có hai giáo phận là Hà Nội và Phát Diệm là có dòng nam, 7 giáo phận còn lại chỉ có các dòng nữ. Tổng cộng có 50 tu sĩ nam trong  khi có tới 2029 nữ tu. Tức cứ khoảng 40 nữ tu mới có 1 nam tu. Sự mất cân đối thể hiện rõ nhất là ở Bùi Chu: 5 dòng nữ mà không có một dòng nam nội sinh nào.

Có đến 9/19 dòng tu mới được thành lập ở Miền Bắc sau năm 1954, trong đó có 5 dòng tu mới được thành lập từ giữa thập niên 1990 đến nay. Tuy nhiên, 3 trong số đó ra đời trên cơ sở là những dòng tu hay nhà phước tồn tại từ trước như MTG Kiên Lao, Tu đoàn Nữ Truyền Tin, Nữ Đa Minh Thái Bình. Những dòng tu có gốc lâu đời ở Miền Bắc như MTG và Nữ Đa Minh có sự hiện diện sâu rộng và phát triển mạnh hơn các dòng khác nội sinh khác.

Các dòng tu và các cộng đoàn tu phân bố không đồng đều giữa các giáo phận, các tỉnh thành trong Giáo tỉnh: Trong khi Giáo phận Bùi Chu có 5 dòng tu có nhà chính thuộc quyền Đức Giám Mục thì Giáo phận Lạng Sơn không có dòng nào. Trong khi 6 huyện miền dưới của tỉnh Nam Định có  63 tu viện và cộng đoàn thì các tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La không có một tu viện hay cộng đoàn tu hành nào hiện diện.

Tất cả số dòng tu trên đây đều chủ yếu hiện diện và phục vụ trong giáo phận có nhà chính. Một vài dòng tu có  một vài cộng đoàn ở ngoài giáo phận có nhà chính, nhưng chủ yếu là ở Hà Nội và Sài Gòn và là các cộng đoàn nhỏ, quy tụ các chị em đi học ở các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. 

Số lượng ít ỏi các dòng tu, nội lực mở rộng sự diện hiện của dòng ra các giáo phận khác, và sự mất cân đối về mật độ phân bố của các dòng tu cũng như sự mất cân đối giữa dòng nam và dòng nữ, giữa tu sĩ nam và tu sĩ nữ là hiện tượng nổi bật của Giáo tỉnh Hà Nội trong lãnh vực đời sống thánh hiến và trong đời sống của Giáo Hội.

2.1.2. Sự hiện diện của các dòng ngoại sinh (9):

Tỷ lệ dòng tu ngoại sinh/giáo phận là 26/10, tỷ lệ dòng ngoại sinh/ dòng nội sinh là 26/19. Như vậy, số dòng ngoại sinh ở Giáo tỉnh Hà Nội nhiều hơn số các dòng nội sinh.

Phần lớn các dòng ngoại sinh đều mới tái lập cơ sở ở Miền Bắc trong những năm gần đây khi đất nước bước vào thời đổi mới. Riêng Dòng Chúa Cứu Thế (1928) và Dòng Thánh Phaolô (1883) là hiện diện liên tục ở Miền Bắc từ trước năm 1954 đến nay.

Trong khi các dòng nội sinh có rất ít các dòng nam, còn lại hầu hết là dòng nữ (2/19), thì ngược lại đối với các dòng ngoại sinh, số dòng nam gần bằng hai phần ba số dòng nữ (11/15).

Trong số các dòng giáo sĩ hiện diện ở Miền Bắc, thì DCCT và Tu hội Linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu có đông linh mục nhất, mỗi đơn vị có 14 LM, trong khi các đơn vị khác chỉ có 1 đến 4 LM như Hội Xuân Bích (1 LM), như Dòng Tên (2LM), Thánh Thể (3 LM), Đa Minh ( 4LM), Salesiens Don Bosco (5 LM).

Các dòng ngoại sinh có sức lan toả rộng hơn các dòng nội sinh. Trong khi các dòng nội sinh đông người mà hiện diện trên ít giáo phận, thì các dòng ngoại sinh ít người mà lại  hiện diện trên nhiều giáo phận trong Giáo tỉnh. Các đơn vị như Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đa Minh Việt Nam, Tu hội Linh mục Thánh Tâm hiện diện ở 4 giáo phận, Dòng Phaolô Đà Nẵng hiện diện ở 5 năm giáo phận.

Trong số các dòng nữ thì Dòng Phaolô Đà Nẵng và Dòng Đa Minh Rosa Lima là có nhiều cộng đoàn và đông đảo nữ tu: Dòng Phaolô có 10 cộng đoàn với 41 nữ tu. Dòng Đa Minh Rosa Lima có 6 cộng đoàn với 52 nữ tu, chưa kể các đệ tử. Các dòng nữ còn  lại thường có ít cộng đoàn và nhân sự trong mỗi cộng đoàn thường cũng chỉ một vài người.

Mặc dù số tu sĩ của các dòng nam ở Miền Bắc không nhiều, nhưng sự hiện diện của các dòng có tính cách tích cực và có vai trò quan trọng trong sứ mạng phục vụ Giáo hội Miền Bắc. Hiện tại có thanh viên của 5 dòng tu tham gia dạy chủng viện đó là: Dòng Tên, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Salesien Don Bosco, Tu hội Thánh Tâm, Hội Linh mục Xuân Bích.

Các dòng ngoại sinh nhiều hơn và có  sức lan toả rộng hơn các các dòng nội sinh mặc dù có lượng nhân sự ít hơn nhiều lần. Số dòng nam nữ ngang nhau, trong khi đó các dòng nam có vai trò quan trọng trong sứ mạng phục vụ Giáo hội Miền Bắc.

2.2. NHÂN SỰ CỦA CÁC DÒNG TU (10)

2.2.1. Số lượng

Nếu tính chung nhân sự của toàn thể các dòng nội ngoại sinh thì tại  Giáo tỉnh Hà Nội hiện có 1933 đệ tử, 512  tập sinh, 1064 tu sĩ khấn tạm, 1177 tu sĩ khấn trọn và 61 linh mục.

Các dòng nội sinh: Tổng số nhân sự của các dòng tu nội sinh là 10 linh mục, 1051 tu sĩ khấn trọn, 1018 tu sĩ khấn tạm, 512  tập sinh và 1780 đệ tử. Số tu sĩ khấn tạm và khấn trọn tương đương nhau. Ít nhất là các linh mục và đông nhất là các đệ tử.

Một số dòng tu mới được thành lập trong những năm gần đây do đó chưa có sự ổn định. Hiện có 2/19  đơn vị không có nhà tập, 1/19 đơn vị chưa có tu sĩ khấn lần đầu, 4/19 đơn vị chưa có tu sĩ khấn trọn đời, 7/19 đơn vị có số tu sĩ có lời khấn dưới 50 thành viên. Như vậy là số tu sĩ trong toàn dòng còn rất ít. Có đơn vị như Tu đoàn Nam và Nữ Truyền Tin chỉ có hơn 1 chục thành viên có lời khấn.

Tỷ lệ nam tu sĩ  của các dòng nội sinh so với tỷ lệ nữ tu có sự mất cân bằng nghiêm trọng 50/2029. Nhân sự của các tu hội và tu đoàn thường thấp hơn nhiều so với nhân sự các dòng tu.

Các dòng tu thuộc giáo tỉnh Hà Nội thường có rất nhiều ơn gọi và số ơn gọi không thua kém bất cứ một dòng nào ở Giáo tỉnh Sài Gòn và Giáo tỉnh Huế. Số đệ tử đông nhất thuộc các dòng MTG Vinh (424), Mân Côi Trung Linh (157), Đa Minh Bùi Chu (138), Nữ Thừa Sai Bác Ái Vinh (224), MTG Thanh Hoá (139), MTG Hà Nội (123), MTG Hưng Hoá (109), Tu hội Hiệp nhất (75). Hai đơn vị đông nhất đều thuộc Giáo phận Vinh, có lẽ do vùng này giáo dân đông đảo mà sự hiện diện của các dòng nữ quá thưa thớt nên, hai dòng được đón nhiều ơn gọi.

Các dòng ngoại sinh: Các dòng ngoại sinh hiện có 153 đệ tử, 46 tu sĩ khấn tạm, 126 tu sĩ khấn trọn và 51 linh mục. Số các tu sĩ này chưa tính các thành viên Nữ Tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu  sống giữa đời mà chúng tôi chưa có con số thống kê.

Số lượng dòng ngoại sinh nhiều hơn dòng nội sinh (26/19), nhưng số nhân sự hiện diện ở Miền Bắc so với dòng nội sinh rất ít (223/2079), tỷ lệ chênh nhau gần 10 lần. Tuy nhiên, vì số dòng nam ngoại sinh nhiều hơn số dòng nam nội sinh (11/2) cho nên số linh mục dòng ngoại sinh cũng đông hơn (51/10) linh mục dòng ngoại sinh.  

Số đệ tử và số tu sĩ khấn tạm của các dòng ngoại sinh rất ít, vì ở Miền Bắc thường chỉ có các cộng đoàn địa phương và thường không phải là nơi thuận tiện cho việc đặt các cơ sở đào tạo căn bản từ nhà tập cho đến Học viện. Trong số 5 dòng có đệ tử ở Miền Bắc, chỉ có một dòng nam (DCCT) và hai dòng nữ (Phaolô Đà Nẵng và Nữ Phan Sinh Thừa sai) là có tổ chức đào tạo đệ tử chính quy.

Các dòng ngoại sinh thường mới lập cơ sở hay mới phục hồi ở Miền Bắc, cho nên số nhân sự tại vùng đất này còn rất mỏng manh. Thường mỗi cộng đoàn chỉ có một vài thành viên. Có các cộng đoàn sinh họat như tu viện thực sự chỉ có Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Phaolô, Dòng Đa Minh Rosa Lima  và Dòng Nữ Phan Sinh Thừa Sai. Tu hội Linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu có đông minh mục nhưng phục vụ âm thầm rải rác tại một số giáo phận khác nhau.

2.2.2. Tuổi trung bình (11)

Tuổi trung bình của các tu sĩ Miền Bắc còn khá trẻ. Lý do là số lớn tuổi thì đã vào Nam, Số ít những người lớn tuổi ở lại thì đã chết. Số thành viên nhập tu trong thập niên 1960-1970 dường như rất hiếm. Còn lại phần lớn mới vào tu từ thập niên 1980 đặc biệt là 1990 trở lại đây.

Tuổi trung bình của các đệ tử và tập sinh của các dòng nội sinh thường khoảng 20-22 đối với các đệ tử và khoảng 22-25 đối với các tập sinh. Lý do là hầu hết các dòng đều đã  tuyển sinh đào tạo một cách bình thường theo tiến trình và tiêu chí của việc đào tạo các tu sĩ các dòng tu.

Tu sĩ khấn tạm của phần lớn các dòng đều có tuổi trung bình thấp, vì họ nhập tu trong những năm gần đây. Một số đơn vị có tuổi trung bình của tu sĩ khấn tạm khá cao: Nữ Thừa Sai Bác Ái 30, Nữ Truyền Tin 45 và Nam Truyền tin 43. Hiện tượng này có thể do các thành viên đã tận hiến lâu năm trong dòng, nhưng chỉ trong những năm gần đây mới được vào tập viện, cũng có thể do tạm thời nhà dòng chưa tổ chức khấn trọn.

Các dòng có tuổi trung bình của các tu sĩ khấn trọn khá cao là  MTG Vinh là (60), MTG Hà Nội (55), Tu hội Tận hiến (54). Lý do là số người trẻ mới vào tu từ đầu thập niên 1990 đến nay khấn trọn chưa nhiều, trong khi đó số chị em vào tu trong thập niên 1950 và đầu 1960 còn khá đông. Các dòng Thăm Viếng Bùi Chu, MTG Thanh Hoá và MTG Hưng Hoá có độ tuổi trung bình khá trẻ, thường 30 đến 35, vì phần lớn các tu sĩ khấn trọn đều mới gia nhập nhà dòng vào thời đổi mới từ những năm 1990 đến nay.

Đối với các dòng ngoại sinh, tuổi trung bình chúng tôi không khảo sát, nhưng điều mà ai cũng thấy là các đơn vị đều gửi ra Miền Bắc những người trẻ, đang độ tuổi sung  sức nhất, có khả năng phục vụ nhất. Xu hướng chung của cả các dòng nội sinh và ngoại sinh là tuổi trung bình càng ngày càng trẻ hơn, do ơn gọi nơi người trẻ dồi dào và việc đào tạo diễn ra liên tục và bình thường.

2.2.3. Trình độ văn hoá (12)

Trình độ văn hoá theo cách tính của xã hội là trình độ trung học, đại học hay sau đại học. Ở đây chúng tôi không tính những người học thần học trong số này mà số người học thần học sẽ được xét ở một phương diện đào tạo khác.

Đối với các dòng nội sinh: Trình độ văn hoá càng ngày càng được nâng cao. Hầu hết các dòng tu nhận các ứng sinh khi đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Một số đơn vị nhận các em đang học trung học phổ thông. Không một đơn vị nào đòi hỏi các ứng sinh phải có trình độ đại học như một số hội dòng ở Giáo tỉnh TP.HCM.

Các dòng tu đã cố gắng tạo điều kiện cho các thành viên trẻ có khả năng được theo học các cấp sau trung học phổ thông. Số lượng các thành viên trẻ có trình độ văn hoá cao hơn các thành viên lớn tuổi. Các đệ tử, tập sinh và tu sĩ khấn tạm có trình độ văn hoá cao hơn các tu sĩ đã khấn trọn.

Tuỳ theo cách thức đào tạo của từng đơn vị mà số tu sĩ khấn tạm, tập sinh hay số đệ tử có trình độ đại học nhiều hơn hay ít hơn. Có đơn vị chỉ cho đi học đại học sau khi khấn tạm. Có đơn vị cho đi học đại học ngay khi còn ở đệ tử.

Có một số đơn vị có tỷ lệ đệ tử có trình độ đại học rất thấp, trong khi mọt số đơn vị khác có tỷ lệ này rất cao. Chẳng hạn Dòng MTG Phát Diệm, chỉ có 1,5 % số đệ tử có trình độ đại học trong khi Dòng MTG Hà Nội là 85%, Dòng Nữ Thừa sai Bác Ái Vinh là 70%, MTG Hưng Hoá đạt 54%. Sự khác biệt này có thể do hội dòng không thu hút được các em có trình độ văn hoá cao ở khu vực mình hiện diện, nhưng chủ yếu do không có chính sách và phương thế khuyến khích các đệ tử đi học đại học.

Đơn vị nào càng cho đi học sớm, thì tỷ lệ các thành viên ở các cấp đào tạo có trình độ đại học càng cao. Chẳng hạn số thành viện đạt trình độ đại học ở cấp đệ tử, tập sinh và khấn tạm của Dòng MTG Vinh là 42,6 % - 48,3%- 55,3%, của Dòng MTG Hà Nội là 95,9% - 68,7 % - 85 %, của Dòng Đa Minh Bùi Chu là 59,4% - 33% - 40 %.

Có đến 9/18 dòng có tỷ lệ đệ tử đạt trình độ đại học từ 37 % ( Đa Minh Thái Bình) đến 95,9% (Dòng MTG Hà Nội). Có 8/18 đơn vị có tỷ lệ tập sinh từ 33,3 % ( Dòng Châu Sơn) đến 68,7% (MTG Hà Nội) đạt trình độ đại học. Có 8/18 đơn vị có tỷ lệ tu sĩ khấn tạm đạt trình độ đại học từ 33,3 % ( Dòng Châu Sơn) đến 85% (Dòng MTG Hà Nội). Chỉ có 2 đơn vị có trên 30 % số tu sĩ khấn trọn đời có trình độ đại học là Tu hội Chúa Hiện Diện (100% - 4/4 tu sĩ ) và Dòng MTG Hà Nội (38% - 51/134 tu sĩ). Không có đơn vị nào có các đệ tử, tu sĩ khấn tạm học bậc sau đại học. Trình độ sau đại học toàn Miền Bắc chỉ có 2/134 tu sĩ khấn trọn thuộc Dòng MTG HN.  

Trong số 18 dòng nội sinh, các đơn vị: MTG Vinh, MTG Hà Nội, MTG Hưng Hoá, Thừa Sai Bác Ái Vinh, Đa Minh Bùi Chu, Nam Truyền Tin, Đan viện Châu Sơn, Nữ Đa Minh Thái Bình số thành viên có trình độ đại học ở các cấp đào tạo có tỷ lệ cao hơn các đơn vị như MTG Phát Diệm, MTG Kiên Lao, Thăm Viếng, Trinh Vương, Mân Côi, Nữ Truyền Tin. Đơn vị có trình độ văn hoá cao nhất là MTG Hà Nội.

Đối với bên nữ, các dòng tu thường có đông người học bậc đại học hơn các tu hội và tu đoàn. Có thể tỷ lệ phần trăm của bậc học đại học trong số các tu hội và tu đoàn khá cao, nhưng thực ra số người của các đơn vị này rất ít do đó, tỷ lệ phần trăm cũng không phản ánh được toàn bộ bức tranh của vấn đề trình độ văn hoá.

Đối với các dòng ngoại sinh: Trong số 22 dòng ngoại sinh hiện diện ở Miền Bắc chỉ có 3 dòng có tổ chức đào tạo đệ tử tại Miền Bắc. Số đệ tử đạt trình độ đại học khá cao: DCCT 45%, Dòng Đa Minh Rosa Lima đạt 52% và Dòng Nữ Phan Sinh Thừa sai đạt 100%.

Đối với các dòng nam ngoại sinh, thường là dòng giáo sĩ, các tu sĩ khấn tạm và khấn trọn thường  không ở Miền Bắc, hiện diện và phục vụ ở đây thường là các linh mục và một vài trợ sĩ, cho nên ở đây chúng tôi không thể xét trình độ văn hoá của các tu sĩ khấn tạm và khấn trọn của các dòng nam ngoại sinh. 

Chỉ có 3 dòng nữ ngoại sinh có số nữ tu khấn tạm được cử ra Miền Bắc phục vụ. Nhưng số đang hiện diện cũng có trình độ văn hoá khá cao. Số lượng các thành viên có trình độ đại học của Dòng Nữ Đa Minh Lạng Sơn là 5/5, của Dòng MTG Tân Lập là 1/1 và của Dòng Nữ Đa Minh Rosa Lima là 11/19.

Các chị em khấn trọn của các dòng nữ ngoại sinh phục vụ ở Miền Bắc cũng có trình độ văn hoá cao. Trong số 7/ hội dòng chúng tôi tính được thì thấp nhất là Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn cũng có 3/9 chị có trình độ đại học và cao nhất là Dòng Nữ Đa Minh Lạng Sơn với con số tương đương là 7/9. Điều này cũng dễ hiểu vì việc thành lập các cộng đoàn mới nơi vùng đất mới hội dòng thường gửi các thành viên có khả năng cao hơn những người khác.

2.3. ĐÀO TẠO CỦA CÁC DÒNG TU TẠI GIÁO TỈNH HÀ NỘI (13)

Đào tạo là sự sống của hội dòng. Không đào tạo, hội dòng sẽ chết dần. Nói đến công cuộc đào tạo không phải chỉ là nói đến việc cho các thành viên học văn hoá, khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật mà trước nhất là việc mở các nhà đào tạo ở cấp đệ tử, cấp tập viện và cấp học viện.

2.3.1. Đào tạo đệ tử

Tất cả các dòng tu nam nữ ở Miền Bắc đều có nhà đệ tử. Hiện tại 19 dòng có tổng số 1780 đệ tử. Trung bình mỗi dòng có khoảng 93 đệ tử. Tuy nhiên số đệ tử chênh lệch nhau, có đơn vị chỉ có 3 người như Tu hội Tận Hiến, có đơn vị có đến 424 người như MTG Vinh. Hầu hết các dòng đều có từ khoảng 50 đệ tử trở lên.

Các đệ tử có cuộc sống và sinh hoạt khác khác nhau. Một số đi học đại học, thì ở thành thị và dành phần lớn thời gian cho việc học. Trong khi đó, phần lớn các đệ tử khác phải làm việc, từ việc nội trợ, làm ruộng-chăn nuôi, sản xuất cho đến việc mục vụ ở giáo xứ. Đối với các em này, thời gian chủ yếu là làm việc, kinh kệ, lễ lạy chứ không phải chủ yếu dành cho học tập.

Các đệ tử thường chưa được đào tạo chính quy về giáo lý, thánh kinh, nhân bản và tu đức. Một mặt các em phải đi làm hay đi học đại học, mặt khác người dạy cũng có số lượng rất hạn chế: Chủ yếu là vị phụ trách đệ tử và có thể có thêm vị phụ tá.

2.3.2. Đào tạo tập sinh

Phần lớn các dòng nội sinh trong Giáo tỉnh Hà Nội đều mở cấp tập viện. Hai đơn vị hiện nay đang tạm ngưng là Tu hội Tận Hiến và Tu đoàn Nam Truyền Tin.

Cấp tập viện bao gồm tiền tập và tập viện theo giáo luật. Có đơn vị không có tiền tập. Thời gian đào tạo cấp này có đơn vị kéo dài 2 năm, cho nên có đơn vị gọi là tập viện năm 1 và tập viện năm 2. Có đơn vị kéo dài 4 năm: 2 năm tiền tập, 1 năm tập “rộng”, 1 năm tập “ngặt” theo giáo luật, vì thế cho nên tổng số tập sinh có khi lên đến 50-60 người như MTG Phát Diệm, Thừa Sai Bác Ái Vinh, có khi gần 100 như MTG Vinh.

Tập viện ở các dòng đều được tổ chức chính quy. Các lớp tập hiện có ít là hơn chục tập sinh. Tổng cộng hiện có 512 tập sinh.Tổng cộng có 512 tập sinh. Có vị giáo tập và một hay vài vị phụ tá . Các tập sinh thường ít phải làm việc. Thời gian chủ yếu dành cho việc học tập và cầu nguyện. Cũng có khi các tập sinh phải làm việc mục vụ đôi chút.

Các tập sinh thường được học về tu đức, hiến pháp, nội quy, linh đạo. Trong các lớp tiền tập có khi còn được học giáo lý, nhân bản, Kinh thánh, thần học, phụng vụ. Có khi các linh mục, tu sĩ ngoài dòng cũng được mời đến giảng dạy.

2.3.3. Đào tạo sinh viên học viện

Cấp học viện, đối với các dòng trong Giáo tỉnh Hà Nội, chưa dòng nào có thể tự tổ chức việc đào tạo thần học và mục vụ cho các học viên tại dòng mình. Tại hội dòng của mình, dường như cấp này chỉ có tên và có vị bề trên phụ trách.

Tổng số tu sĩ khấn tạm của các dòng là 1018 người. Khi khấn lần đầu xong, hiện nay, phần lớn các thành viên đi phục vụ ở các cơ sở của hội dòng. Một số được gửi học nghề nghiệp, một số đi học đại học, một số ít được gửi đi học thần học. Riêng các dòng nữ ở Bùi Chu, hầu hết được gửi đi học thần học. Có một số rất ít được gửi đi học đại học. Không ai phải lao vào làm việc ngay mà không được đào tạo gì thêm. 

Số tu sĩ đi học nghề nghiệp chuyên môn thì tuỳ nhu cầu của hội dòng mà học các nghề khác nhau, từ là dệt chiếu, đan, may, thêu, vi tính cho đến ngoại ngữ, y tế, giáo dục. Số tu sĩ đi học đại học thì vừa tuỳ nhu cầu của hội dòng, vừa tuỳ sở thích và năng lực của mình mà theo học các ngành phù hợp.

Số học nghề cũng như học đại học rải ra khắp nước. Thường hội dòng có nhà chính ở tỉnh/thành nào thì có nhiều người đi học ở tỉnh thành ấy. Cũng có khi học ở rất xa. Chẳng hạn có tu sĩ ở Miền Bắc mà vào học đại học tận Cần Thơ hay Đà Lạt. Hai nơi có nhiều tu sĩ học nghề và học đại học nhất là Hà Nội và Sài Gòn. Nhiều hội dòng Miền Bắc có các cơ sở lưu trú cho sinh viên của mình ở hai thành phố này.

Số đi học nghề và học đại học, ít được đào tạo và chăm sóc về phương diện tu đức và linh đạo. Chỗ nào may mắn thì hàng tháng có tổ chức một ngày hay nửa ngày tĩnh tâm. Các thành viên sống chung với những người đã khấn trọn và các đệ tử. Tất cả có sinh hoạt  cộng đoàn, tu đức và thiêng liêng không khác nhau.

Các tu sĩ học thần học ở hai nơi: Sài Gòn và Bùi Chu. Hầu hết các dòng đều gửi một số người vào học tại

(1) Lớp thần học Liên Dòng Nữ, tại Trung tâm Mục vụ của Tổng Giáo Phận TP HCM, hoặc

(2) Lớp Thần học dành cho nữ tu của các Dòng MTG tại Dòng MTG Chợ Quán, hoặc ở

(3) Học viện Nữ Đa Minh tại DCCT Sài Gòn. Có dòng cùng lúc có học viên ở hai hoặc ba nơi này. Số lượng tuỳ khả năng tài chính của mỗi dòng và tuỳ thuộc khả năng đón nhận của các Học viện.

Đối với các hội dòng ở Bùi Chu, một số các chị em được gửi đi học thần học ở Sài Gòn, còn lại phần lớn các chị em học tại Học viện Thần học dành cho Liên Dòng Nữ tại Toà Giám mục Bùi Chu, được thành lập từ năm 2002. Nhờ vậy các dòng ở Bùi Chu có tỷ  lệ nữ tu khấn tạm học thần học thuộc vào loại cao nhất nước. Có một số dòng đạt tỷ lệ 100% như Đa Minh Bùi Chu, Thăm Viếng, MTG Kiên Lao.

Các chị em học thần học ở Bùi Chu còn có điều kiện sống đời tu và thực tập mục vụ khá tốt. Thường ngày các chị em ở tại nhà chính, hoặc các cơ sở gần Toà Giám mục để tiện việc học tập. Thứ bảy và chủ nhật các chị em đi  làm việc mục vụ tại các giáo xứ, các cơ sở của hội dòng.

Số tu sĩ được học thần học chính quy cũng có sự khác biệt lớn giữa các hội dòng. Không kể 5 hội dòng nữ ở GP Bùi Chu, các dòng còn lại ở Miền Bắc chỉ có một số rất ít chị em được đi học thần học. Dòng MTG Hưng Hoá, MTG Thanh Hoá, MTG Phát Diệm, Nữ Thừa sai Bác ái Vinh, Đa Minh Thái Bình số học thần học chỉ đạt trên dưới 10% số tu sĩ khấn tạm. Riêng các dòng MTG Hà Nội, Tu hội Tận Hiến, Tu đoàn Nữ Truyền Tin không có tu sĩ học thần học sau khi khấn lần đầu.

Đối với các tu sĩ đã khấn trọn đời, thế hệ trẻ có thể một số đã được học thần học. Còn lại phần lớn đều chưa. Một số dòng tỷ lệ học thần học của đối tượng này chỉ chiếm trên dưới 5 %. Cao nhất là Dòng Thăm Viếng Bùi Chu cũng chỉ có 16/30 nữ tu khấn trọn được học thần học. Làm sao để gia tăng tỷ lệ này trong các hội dòng là một bài toán khó.

Riêng về phương diện đào tạo thần học-mục vụ, các dòng ở Bùi Chu được chăm sóc khá chu đáo. Các nữ tu khấn tạm nếu không đi học ngoại quốc hay học đại học trong nước, thì đều được học thần học ở Sài Gòn hay Bùi Chu trong những lớp thần học chính quy tập trung, kéo dài 3 cho đến 4 năm.

Ngoài việc đào tạo ở các cơ sở trong nước, các dòng tu ở Miền Bắc cũng cho một số chị em trẻ có khả năng đi du học ngoại quốc.Tiến trình này gắn liền với lĩnh vực đào tạo các nhà đào tạo trong  hội dòng mà ở đây chúng tôi không thể bàn kỹ hơn. Hiện nay mới chỉ có 9/19 dòng ở Miền Bắc có người đi du học, với 38 du học sinh. Con số này còn quá ít, so với nhu cầu đào tạo của từng hội dòng và của Giáo Hội.

2.3.4. Đào tạo chuyên môn (14)

Các dòng tu cũng bắt đầu ý thức đến việc đào tạo chuyên môn khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và dịch vụ cho thành viên. Những ai đi học trước khi vào dòng, thường theo các chuyên ngành phù hợp với sở thích và khả năng. Những người được gửi đi học sau khi vào dòng, thường theo học các ngành mà hội dòng có nhu cầu cấp thiết. Nơi tập trung nhiều người của nhiều dòng theo học nhất là Hà Nội và Sài Gòn. Các tỉnh lỵ thì thường có người của các dòng địa phương.

Các tu sĩ theo học các ngành khác nhau như tiếng sư phạm, y khoa, ngoại ngữ, xã hội học, tâm lý học, giáo dục học, sử học, địa lý học, thông tin thư viện, Đông phương học, du lịch, hội hoạ, kế toán, kinh tếm thú ý, nấu ăn, âm nhạc, mỹ thuật, thú y, thương mại, tin học, etc.

Các tu sĩ theo học các ngành xã hội-nhân văn nhiều hơn là các ngành khoa học kỹ thuật và dịch vụ. Ngành không có ai học mà rất cần là báo chí, quản trị thông tin, dân tộc học, sư phạm kỹ thuật. Ngành có số người học đếm trên đầu ngón tay là thú y, thư viện , kế toán, tin học, nấu ăn. Ngành có nhiều người học nhất, chiếm tỷ lệ tuyệt đối (trên 70%), hầu như dòng nào cũng có nhiều người học là sư phạm và y khoa. Tuy nhiên, chủ yếu học sư phạm mầm non, trung cấp và cao đẳng y khoa. Ngành đắc dụng cho việc mục vụ và có khá nhiều người học và là âm nhạc.   

Dòng có các thành viên theo học nhiều ngành khác nhau cùng lúc là Đa Minh Bùi Chu, Mân Côi Bùi Chu, MTG Hà Nội. Dòng có số thành viên học ít ngành nhất là MTG Kiên Lao, Thăm Viếng Bùi Chu, Nữ Truyền Tin Hà Nội, Thừa sai Bái ái Vinh. MTG Thanh Hoá. Các dòng này thường chỉ có người học sư phạm, ngoại ngữ, y tế và âm nhạc.

Nói chung vấn đề đào tạo chuyên môn của các dòng tu Miền Bắc, chủ yếu theo khả năng và sở thích của các thành viên và nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của hội dòng, chứ chưa tính đến chỗ định hướng đào tạo trong bối cảnh của Giáo tỉnh hay Giáo Hội Việt Nam. Gọi là trình độ đại học, chứ thực ra số người học trung học chuyên nghiệp và cao đẳng hệ 2 năm đến 3 năm nhiều hơn số người học đại học hệ 3 năm đến 6 năm.

Các lãnh vực lao động trong xã hội càng ngày càng phân ngành và đòi hỏi chuyên môn hoá càng cao. Các dòng tu ở Miền Bắc mới chập chững những bước đầu tiên cho công cuộc hội nhập này.

2.4. KINH TẾ CỦA CÁC DÒNG TU TẠI GIÁO TỈNH HÀ NỘI

Kinh tế của các dòng tại Miền Bắc là nỗi lo lớn.

Các dòng có những sinh hoạt kinh tế khác nhau mà trước nhất là làm ruộng và chăn nuôi. Làm ruộng thì ruộng vườn không đủ để làm. Phương pháp canh tác chủ yếu vẫn là thủ công, sức người là chính chứ chưa dùng nhiều máy móc. Vì thế lúa, ngôi, khoai, đậu, lạc làm ra không đủ phục vụ nhu cầu của nhà dòng. Chỉ có rau xanh đôi khi dư thừa nhưng giá bán quá rẻ.

Có dòng cũng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chủ yếu là chăn nuôi lợn thịt và bò sữa. Các đơn vị có các cơ sở chăn nuôi có quy mô khoảng  trên dưới 100 con lợn là Đa Minh và Mân Côi Bùi Chu. Còn bò sữa thì đơn vị nào nhiều thì được 5 con, ít thì 1 đến 3 con. Sản phẩm làm ra chỉ vừa đủ tiêu thụ trong dòng, hoặc cho lớp mẫu giáo của dòng. Có đơn vị cũng cho chị em đi học kỹ thuật chăn nuôi. Tuy nhiên, vốn đầu tư ít, công nghệ chăn nuôi không, giá thức ăn gia súc cao, giá cả thực phẩm ở nông thôn rẻ mạt, chưa kể bò lợn chết vì dịch bệnh hay chậm lớn, vì thế hiệu quả kinh tế không cao, có khi lỗ vốn.

Các hoạt động kinh doanh kể như không có. Có một vài dòng mở các nhà sách và điểm bán ảnh tượng và sách vở như dòng Đa Minh Bùi Chu ở Nhà thờ Chính Toà và Đền Thánh Phú Nhai. Xem ra có vẻ đông khách, nhưng ảnh tượng thường là chất lượng thấp, giá rẻ và sách thì giá lại cao so với mức chi tiêu của nông dân, cho nên thực tế thu nhập không cao và hoạt động này quá ít và cũng chưa phải là nguồn thu chủ yếu.

Hoạt động tiểu thủ công nghiệp cũng mang nét truyền thống: Thường là các nghề thêu, đan, may, dệt chiếu. Cũng hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, thủ công, tiêu thụ tại chỗ. Vì thế hiệu quả kinh tế cũng rất thấp, nhiều khi không được 500.000 đồng/người/ tháng. Một số dòng nữ có các chị em lớn tuổi làm thuốc tễ bán cho dân nghèo. Công việc thực ra là để chị em làm cho khuây khoả lúc tuổi già chứ thu nhập kinh tế cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Một số cơ sở dạy nghề và sản xuất có quy mô có vẻ hoành tráng, mức độ đầu tư nhà xưởng có khá hơn, như dòng Phaolô Đà Nẵng ở Thạch Bích-Hà Tây, Dòng Phan Sinh Thừa Sai ở An Lộc-Nam Định, nhưng thực ra hoạt động này chủ yếu tạo công ăn việc làm cho những người nghèo vùng quê, cho nên thu nhập cũng không đáng kể, nhiều khi còn lỗ lớn nếu không có các nguồn tài trợ từ các tổ chức bác ái.

Đến thăm các nhà dòng ở Miền Bắc, chúng tôi thấy nhiều đơn vị có cơ sở vật chất to lớn và số lượng nhân sự đông đảo. Tuy nhiên, nền tảng kinh tế rất yếu kém và vốn liếng rất mỏng manh. Sống, tu và phục vụ được ấy là phép lạ.

2.5. HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC DÒNG TU NỘI NGOẠI SINH TẠI GIÁO TỈNH HÀ NỘI (15)

2.5.1. Mục vụ giáo xứ

Các dòng tu nội sinh cũng như ngoại sinh, hoạt động mục vụ là chủ yếu, trong đó mục vụ giáo xứ chiếm tuyệt đại đa số nhân sự. Chẳng hạn Dòng MTG Hà Nội phục vụ thường xuyên ở 39 giáo xứ với 167 người tham gia. Dòng Mân Côi Trung Linh phục vụ 20 giáo xứ với 110 người tham gia.

Hiện tại các dòng nội sinh đang phục vụ thường xuyên 378 giáo xứ, chưa tính Dòng MTG Hưng Hoá. Các dòng ngoại sinh đang phục vụ 64 giáo xứ, chưa tính Dòng  Phao Lô Đà Nẵng và Tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tổng cộng là 442 giáo xứ.

Nói chung ở Miền Bắc này đâu có tu sĩ thì ở đấy có các tu sĩ  phục vụ giáo xứ. Ngay cả giáo phận truyền giáo là chủ yếu như Lạng Sơn thì công việc chủ yếu của các nữ tu cũng là phục vụ giáo xứ. Điều này cũng là lẽ tất nhiên, vì Miền Bắc linh mục còn thiếu nhiều, nam nữ tu sĩ còn ít trong khi đó đội ngũ giáo dân có khả năng phục vụ chuyên sâu còn thiếu vắng.

2.5.2. Hoạt động bác ái xã hội

Các dòng tu nội sinh đang quản lý và phục vụ 28 phòng khám và phát thuốc, có phí và/hoặc miễn phí, trong đó có những phòng khám và chữa bệnh khá lớn như phòng khám và chữa bệnh của Dòng Mân Côi Trung Linh. Đây có quy mô của một bệnh viện nhỏ, có phòng điều trị cho bệnh nhân nội trú.

Các dòng tu nội sinh cũng đang quản lý và/ hoặc phục vụ 22 nhà dưỡng lão, trung tâm khuyết tật và cô nhi viện, trong đó có đến 9 cơ sở thuộc các hội dòng ở Giáo phận Bùi Chu.

Các dòng ngoại sinh có 12 phòng khám và phát thuốc, thuộc 3 đơn vị là Phao Lô Đà Nẵng, MTG Tân Lập, Đa Minh Rosa Lima. Dòng Salésien Don Bosco có một trung tâm giúp các em khuyết tật ở Hà Nội.

Ngoài ra, định kỳ hay thường xuyên, các dòng đều có các hoạt động bác ái giúp đỡ người nghèo, thăm viếng, giúp đỡ người già, người bệnh tại tư gia hay các trung tâm xã hội. Các hoạt động này được thực hiện động lập hay liên kết với các tập thể và các nhân khác.

Nói chung vì nhiều lý do, quy mô hoạt động bác ái của các dòng tại Miền Bắc còn hết sức khiêm tốn và thường chỉ có tính “thời vụ”.

2.5.3. Hoạt động giáo dục

Các dòng tu nội sinh đang phụ trách 36 trường mẫu giáo và trung tâm dạy nghề. Số trường mấu giáo phần lớn mang danh là các nhóm trẻ gia đình. Số trung tâm dạy nghề thường có quy mô nhỏ bé và thường chỉ dạy nghề may là chủ yếu. Các dòng ngoại sinh có 7 trường mẫu giáo và 3 trung tâm dạy nghề của Dòng Salésien Don Bosco, Phao Lô Đà Nẵng và của Nữ Phan Sinh Thừa sai. Nói chung đều có quy mô nhỏ.

2.5.4. Hoạt động truyền giáo

Hoạt động truyền giáo của các dòng tu ở Miền Bắc rất yếu. Hầu như nỗ lực của các dòng tu là phục vụ số giáo dân có đạo chứ không phải là  nổ lực truyền giảng Tin mừng cho số giáo dân chưa biết Chúa. Nhiều dòng không phụ trách điểm truyền giáo nào. Theo thống kê, thì có 66 điểm truyền giáo chuyên nghiệp thuộc 5 đơn vị, trong đó Dòng Nữ Thừa sai Bác ái Vinh chiếm 53. Đối với các dòng ngoại sinh, chỉ có Dòng MTG Tân Lập là có 7 điểm truyền giáo.

Tuy nhiên, nếu hiểu điểm truyền giáo ở đây là nơi có các tu sĩ cư trú và họat động của các tu sĩ chủ yếu là nhằm tiếp cận những người chưa biết Chúa, bằng những cách thức khác nhau, nhằm giúp họ đón nhận Tin mừng, thì không còn được mấy điểm. Sức  năng động truyền giáo của các dòng tu ở Miền Bắc cũng như Giáo Hội Miền Bắc là rất yếu.

2.5.5. Các hoạt động khác

Đối với các dòng nội sinh Đan viện Châu Sơn có cơ sở giúp tĩnh tâm chuyên nghiệp, còn lại hầu hết các dòng nữ ở Miền Bắc đều tham gia vào một số các hoạt động khác của Giáo hội địa phương như : Mục vụ Giới trẻ, Mục vụ Giáo lý, làm văn phòng hay làm nội trợ ở các toà giám mục và chủng viện.

Các dòng nữ ngoại sinh ở Miền Bắc cũng có một số tham gia vào công việc nội trợ, giúp các TGM và chủng viện như Đa Minh Lạng Sơn, Phao lô Thiện Bản. Trong khi công việc tông đồ của một số tu sĩ các dòng nam ngoại sinh là giảng dạy chủng viện, linh hướng và giúp tĩnh tâm cho các đối tượng khác nhau. Hiện có 6 linh mục dòng  thuộc 5 đơn vị  tham gia giảng dạy chủng viện ở Miền Bắc.

3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN VƯỢT QUA

Ngay từ khi Tin mừng bắt đầu được rao giảng ở Miền Bắc vào thế kỷ XVI, các dòng tu đã xuất hiện trong vùng đất này và liên tục tồn tại cho đến nay và đã có đóng góp rất nhiều cho Giáo Hội. Trải qua nhiều thăng trầm khác nhau, hiện nay các dòng tu ở đây đang bước bước vào một giai đoạn phát triển có nhiều hứa hẹn. Để các dòng tu ở đây được phát triển bền vững và có những đóng góp tích cực cho Giáo Hội, theo chúng tôi, các dòng cần lưu tâm một số phương diện sau đây:

Về phương diện hiện diện:

Các dòng nội sinh nên tìm cách mở rộng sự phát triển ra khỏi giáo phận mà mình đã khai sinh. Các dòng ngoài Giáo tỉnh nên xúc tiến thành lập các cộng đoàn ở Miền Bắc. Biết ra Bắc dòng mình có thể sẽ nghèo đi và gặp khó khăn hơn, nhưng nhờ thế mà dòng mình có cơ may phát triển và Giáo Hội Miền Bắc sẽ có cơ may hồi sinh nhanh hơn và trở nên năng động hơn. Vì quy luật tác động của kinh tế, văn hoá và tôn giáo hôm nay trên đất nước ta là con đường “Bắc tiến”. Đi theo đúng quy luật, là đi đúng ý Chúa và đấy là con đường của sự phát triển.

Về phương diện nhân sự:

Hiện tại, trong các dòng nội sinh, số người trẻ không những nhiều hơn các thành viên lớn tuổi mà còn là những người thường được đào tạo bài bản hơn, thức thời hơn, do đó, các dòng nội sinh cần từng bước trẻ hoá hàng ngũ lãnh đạo. Nếu không được trẻ về tuổi tác thì ít ra cũng trẻ về tinh thần. Một số dòng đã thực hiện được điều này và theo chúng tôi thấy các đơn vị ấy rõ ràng có sự phát triển khả quan hơn và có sự năng động tông đồ hơn các đơn vị khác.

Về phương diện văn hoá và chuyên môn:

Giáo Hội Miền Bắc rất thiếu những người có chuyên môn trong các lĩnh vực khoa học, y  tế, giáo dục, luật pháp, nghệ thuật, truyền thông, kỹ thuật, phát triển cộng đồng, v.v. Khi nảy sinh những nhu cầu liên quan đến những lãnh vực trên đây, Miền Bắc rất khó kiếm người có đủ trình độ chuyên môn để cộng tác làm việc, đặc biệt là các tu sĩ.  Do đó, cần gia tăng trình độ văn hoá cho các thành viên, mạnh dạn tạo điều kiện cho các tu sĩ nam nữ đi học trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học ở trong và ngoài nước và mạnh dạn cho các thành viên được phục vụ chuyên nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Về phương diện kinh tế:

Các cá nhân cần vượt qua tâm thức đi tu mình chỉ lo chuyện thiêng liêng, còn chuyện vật chất “có Chúa lo”, hoặc chí ít  “có nhà dòng lo”, có “bề trên lo”. Các hội dòng cần mạnh dạn học tập phương pháp sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm các nguồn trợ giúp phát triển nhằm bảo đảm sự ổn định và độc lập kinh tế, để có thể tu tốt hơn, phục vụ tốt hơn và truyền giáo tích cực hơn.

Về phương diện tông đồ:

Các dòng cần gia tăng các hoạt động bác ái xã hội nhắm đến các đối tượng bị bỏ rơi hơn cả như trẻ mồ côi, người khuyết tật, bệnh nhân HIV-AIDS, người già cả neo đơn, v.v, vì đây là lãnh vực các tổ chức của nhà nước ở Miền Bắc làm rất yếu kém trong khi các đối tượng khốn khổ cần phục vụ lại nhiều. Trên hết mọi công tác, các dòng cần chú trọng hơn nữa tới các hoạt động truyền giáo, vì dường như các dòng thường quan tâm nhiều hơn đến mục vụ giáo xứ, đến công tác bác ái xã hội. 

Về phương diện đào tạo:

Các dòng cần đào tạo nhân sự theo hướng phục vụ cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Nên tạo điều kiện cho càng nhiều chị em đi học thần học càng tốt, để gia tăng chiều sâu đức tin, làm nền tảng cho đời sống tu đức và gia tăng khả năng phục vụ của chị em. Cũng nên tích cực tìm cách gửi các thành viên có khả năng đi học về các lãnh vực chuyên môn ở ngoại quốc, để đáp ứng như cầu hội nhập quốc tế và nhu cầu đào tạo của hội dòng.

Về phương diện sức khoẻ:

Phận nghèo nên vấn đề giáo dục thể chất của các dòng ở Miền Bắc hầu như chưa có gì. Chỉ trông vào sức khoẻ tự nhiên Chúa ban. Hiện tượng thường thấy là lúc trẻ thì suy dinh dưỡng, khi vào tuổi trung niên bắt đầu bệnh tật. Tuổi thọ thấp. Vì thế cần phải có chế độ giáo dục thể chất thế nào để cải thiện tình hình. Vấn đề này cần gắn liền với việc xem lại khẩu phần ăn, chương trình cầu nguyện, làm việc, học tập và luyện tập thể dục thể thao trong các hội dòng nội sinh.

Về phương diện tu đức:

Cần phải học hỏi kế thừa những truyền thống tu đức có giá trị còn tồn tại trong Giáo Hội Miền Bắc, tuy nhiên cũng cần can đảm loại bỏ những kiểu cách ứng xử hạ giá nhân phẩm, ấu trĩ, không thích hợp với tinh thần tu hành của Giáo Hội thời hậu Vatican II, tiếp thu tinh thần tu đức dựa trên nền tảng là giáo huấn của Thánh Kinh, phù hợp với văn hoá và văn minh của thời đại, tạo sức năng động thừa sai của cộng đoàn và của từng thành viên.

Về phương diện đối ngoại:

Mức độ gắn bó với các đấng bản quyền giáo phận và các vị đại diện giám mục Đặc trách Tu sĩ là điểm nổi bật của các dòng Miền Bắc. Tuy nhiên, để có thể tu trì và phục vụ  tốt hơn, các dòng cũng cần tìm cách gia tăng giao tiếp với các tổ chức trong nước và nước ngoài, nhất là các tổ chức bác ái xã hội phi chính phủ. Tiếp theo, các dòng cũng phải giao tiếp với các cơ quan chính quyền để các cơ sở xã hội và giáo dục của mình được chính quyền nhìn nhận. Chẳng hạn được chính thức quản lý và phục vụ các trung tâm khuyết tật hay cơ sở giáo dục của dòng được công nhận là trường mầm non thay vì chỉ được coi là nhóm trẻ gia đình. Sau nữa, các dòng trong giáo tỉnh cũng phải gia tăng giao tiếp với nhau. Vì nhiều lý do lịch sử, trong những thập niên vừa qua, các dòng ở Miền Bắc thường giao lưu theo chiều dọc mà dường như bỏ quên mất chiều ngang, giao lưu Bắc với Nam mà quên Bắc với Bắc. Cần biết “bán anh em xa mua láng giềng gần”./.

Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT

Chú thích:
(1) Từ “dòng tu” chúng tôi dùng ở đây để chỉ chung các tổ chức tu trì bao gồm các dòng tu, tu hội, tu đoàn. Chúng tôi bó buộc phải dùng như thế cho tiện trong khi trình bày.
(2) Trong bài viết này, chúng tôi dùng cách phân kỳ lịch sử theo cách phân kỳ của Ban Tổ chức Năm Thánh 2010 thuộc HĐGMVN.
Thời bảo hộ truyền giáo ở Việt Nam được tính từ khi Tin mừng được rao giảng ở Việt Nam năm 1533 đến khi Toà Thánh lập hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong vào năm 1659.
“Thời bảo hộ” ở đây là thời kỳ các thừa sai đến truyền giáo ở Việt Nam dưới quyền bảo trợ của Bồ Đào Nha và các ngài thường đến từ Goa, Malacca và nhất là Macao.
Quyền bảo trợ của Bồ Đào Nha cũng như của Tây Ban Nha xuất phát từ thực lực đương thời của họ và được Toà Thánh xác nhận qua các văn kiện ký năm 1493 và 1494. Theo đó, thế giới được chia thành hai phần lấy kinh tuyến 30 lầm chuẩn: Phía tây cho Tây Ban Nha, phía Đông cho Bồ Đào Nha. Mỗi nước độc quyền thương mại và truyền giáo trong vùng của mình. Luật trừ: Tây Ban Nha chiếm quần đảo Philippin ở phía Đông và Bồ Đào Nha chiếm Brazil ở phía Tây.
(3) Nhóm NCLĐ MTG, Tiểu sử -bút tích Đức cha Phêrô Maria Lambert de la Motte, Lưu hành nội bộ, 1998, tr.28-30.
(4) Đỗ Quang Chính SJ, Dòng MTG trong những năm đầu, NXB An Tôn & Đuốc Sáng, tr.133-134.
(5) LM Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh trên đất Việt, Sài Gòn 1995, tr.219-225.
(6) Chúng tôi dùng từ “dòng ngoại sinh” để chỉ các dòng có nhà chính ở ngoài giáo tỉnh, dùng từ “dòng nội sinh” để chỉ các cộng đoàn có nhà chính ở trong giáo tỉnh.
(7) Xin xem bảng 1 phần phụ lục.
(8) Tỷ lệ số dòng tu/ số giáo phận này chúng tôi lấy cơ sở tính toán từ cuốn GHCGVN- Niên Giám 2005 trong phần các tổ chức tu trì tr. 305-422 và trong cuốn Sổ tay Giáo phận TP. HCM 2008. Có một điều khác là ở đây trong khi thống kê chúng tôi tính mỗi đan viện chúng tôi tính là một đơn vị độc lập. Con số các đơn vị ở đây thấp hơn trên thực tế, vì ở Giáo tỉnh TP HCM là nơi có nhiều tổ chức tu trì đã hiện diện nhưng chưa có tên trong niên giám hay sổ tay.
(9) Xin xem bảng 2 phần phụ lục
(10) Xin xem bảng 3 và 4 phần phụ lục
(11) Xin xem bảng 5 phần phụ lục
(12) Xin xem bảng 6 và 7 phần phụ lục
(13) Xin xem bảng 8 phần phụ lục
(14) Xin xem bảng 9 phần phụ lục
(15) Xin xem bảng 10 phần phụ lục

Xem Phụ lục 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sách :
1. Đỗ Quang Chính, SJ, Dòng Mến Thánh Giá trong những năm đầu, NXB An Tôn & Đuốc Sáng, 2007.
2. Đỗ Quang Chính, SJ, Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam, NXB An Tôn & Đuốc Sáng, 2007.
3. Đỗ Quang Chính, SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, NXB An Tôn & Đuốc Sáng, 2007.
4. Cao Thế Dung, Việt Nam Công giáo sử tân biên, quyển I, II, III, Cơ sở Dân Chúa xuất bản năm 2002 và 2005.
5. LM Roco Nguyễn Tự Do, Lịch sử Giáo phận Thanh Hoá, Tài liệu nghiên cứu nội bộ, 2002.
6. LM Roco Nguyễn Tự Do, Hành hương Công giáo Việt Nam, Bản thảo tài liệu đệ trình các vị giám mục Việt Nam năm 2005.
7. LM Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, quyển I, NXB Hiện Tại-1959.
8. LM Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, quyển I, Cứu Thế Tùng Thư, USA-CA, 1997.
9. LM Phạm Phúc Khánh, Lược sử Địa phận Lạng Sơn, Paris, 1993.
10. Guy Marie Oury, Giáo hội Việt Nam thời các thành tử vì đạo, NXB Le Sarment-Fayard, 1988,
11. Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, Tủ sách Đại kết UBĐKCG TP HCM, 1994.
12. LM Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công giáo ở Việt Nam, Phụ Chương 1975-2000, Calgary-Canada, 2001.
13. LM Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh trên đất Việt, Sài Gòn 1995.
14. LM JMT. Nguyễn Thế Thoại, Công giáo trên quê hương Việt Nam, quyển 1 & 2, Lưu hành nội bộ, 2001.
15. Lm Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Lịch sử Giáo Hội Việt Nam, Tập I, II & III, Đại Chủng viện Thánh Giuse-1994.
16. Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, Lịch sử Giáo phận Phát Diệm, Đắc Lộ Tùng Thư, Paris, 2001.
17. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Lược sử Địa phận Hà Nội 1626-1954, 1994.
18. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Giáo sĩ Đắc Lộ Alexandre de Rhodes 1593-1660.
19. Nhóm Nghiên cứu Linh đạo MTG, Tiểu sử -Bút tích Đức cha Phêrô -Maria Lambert de la Motte, Lưu hành nội bộ, 1998.
20. Sử ký Địa phận Trung, in tại Phú Nhai Đường, 1916.

Kỷ yếu - Niên Giám - Sổ tay :
21. Kỷ yếu mừng 70 năm thành lập Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình 1936-2006.
22. Kỷ yếu Giáo phận Bùi Chu, Mừng 150 năm thành lập Giáo phận Bùi Chu 1848-1998.
23. Văn phòng Tổng Thư ký HĐGM Việt Nam, Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005,NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2005.
24. Toà TGM TP HCM, Sổ tay 2008.
25. Số tay giới thiệu các tổ chức tu trì hiện diện trong Tổng Giáo Phận Hà Nội, Toà TGM HN, 2008.

Báo cáo :
26. Anna Đậu Thị Nhung, Báo cáo tổng quát hiện trạng Dòng MTG Vinh, ngày 17.03.2008.
27. Maria Nguyễn Thị Tuyết, Báo cáo tổng quát hiện trạng Dòng MTG Thanh Hoá, ngày 10 03.2008.
28. Maria Phan Thị Mai, Báo cáo tổng quát hiện trạng Dòng MTG Phát Diệm, ngày 20.03.2008.
29. Hyacinta Phạm Thuý Cậy, Báo cáo tổng quát hiện trạng Dòng MTG Kiên Lao, ngày 26.03.2008.
30. Maria Trịnh Thị Hoa, Báo cáo tổng quát hiện trạng Hội Dòng MTG Hà Nội, ngày 13.03.2008.
31. Maria Mai Thị Hà, Báo cáo tổng quát hiện trạng Hội Dòng MTG Hưng Hoá, ngày 27.03.2008.
32. Maria Đặng Thị Ánh Tin, Báo cáo tổng quát hiện trạng Hội Dòng Đa Minh Thái Bình, 28.03.2008.
33. Imelda Ngô Thị Huyền Nhiệm, Báo cáo tổng quát hiện trạng Hội Dòng Đa Minh Bùi Chu, ngày 27.03.2008.
34. Jeane Bosco Đặng Thị Dung, Báo cáo tổng quát hiện trạng Hội Dòng Mân Côi Bùi Chu, ngày 30.03.2008.
35. Maria Nguyễn Thị Thục, Báo cáo tổng quát hiện trạng Hội Dòng Trinh Vương Bùi Chu, ngày 24.03.2008.
36. Maria Mai Thị Gương, Báo cáo tổng quát hiện trạng Hội Dòng Mẹ Thăm Viếng, ngày 25.03.2008.
37. Maria Phạm Thị Thơm, Báo cáo tổng quát hiện trạng Hội Dòng Thừa sai Bác ái Vinh, ngày 23.03.2008.
38. Anna Nguyễn Thị Đĩnh, Báo cáo tổng quát hiện trạng Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất, ngày 30.03.2008.
39. Têrêsa Tạ Thị Liên, Báo cáo tổng quát hiện trạng Tu hội Tận Hiến, ngày 10.04.2008.
40. Anna Lương Thị Mấp, Báo cáo tổng quát hiện trạng Tu hội Chúa Hiện Diện, ngày 10.04.2008.
41. Maria Trần Thị Xuân, Báo cáo tổng quát hiện trạng Tu đoàn Nữ Truyền tin Hà Nội, ngày 28.03.2008.
42. Antôn Trần Cao Tích, Báo cáo tổng quát hiện trạng Tu đoàn Nam Truyền Tin Hà Nội, 04.2008.
43. M. Bernadino Đinh Văn Thái, Báo cáo tổng quát hiện trạng Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn, Ninh Bình, ngày 12.03.2008.
44. Martinô Nguyễn Xuân Hoàng, Báo cáo tổng quát hiện trạng Dòng Bái Ái Thánh Gioana Antida Thouret, ngày 14.04.2009.

Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 30.04.2008. 17:16