Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhớ Về Quê Hương: Xứ Sở Kiện

§ Lm Jos Cao Phương Kỷ

Chào Mừng Năm Thánh 2010 Của Hội Thánh Việt Nam

Khi đặt bút viết mấy dòng tâm tư, hồi kí về một dĩ vãng xa xôi, (hơn 70 năm), những hình ảnh như luỹ tre xanh, bờ đê, ao rạch, và những con đường đá dăm (đá xay nhỏ) quanh co, khúc khuỷu chạy quanh làng..., đặc biệt Ngôi Nhà Thờ Lớn vào bậc nhất Việt Nam, những dinh thự, tòa nhà cổ của Tòa Giám mục đầu tiên trên đất Bắc, và những nhân vật thân thương, họ hàng bà con trong Làng, như vẫn còn ẩn hiện chưa phai mờ, trong tâm trí và nỗi nhớ nhung, khiến tôi ngậm ngùi, ngâm lại bài thơ “Hoài cổ về Thăng Long”:

Tạo Hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước vẫn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy, người đây, luống đoạn trường!”
(Bà Huyện Thanh Quan)

Được tin Hội Thánh Công Giáo Việt nam đã chọn địa điểm Sở Kiện, làm nơi Khai Mạc Năm Thánh, để Kỉ niệm 350 năm, Đạo Thiên Chúa Hội Nhập vào Nước Việt (1659-2009), và 50 năm (1960-2010), thành lập Hàng Giáo Phẩm bản xứ., tâm trí tôi thật mừng rỡ, vì Ơn Chúa đã soi sáng hướng dẫn các vị hữu trách tìm về chính cái nôi, từ đó đã gieo vãi hột giống Phúc Âm ra khắp miền đất Bắc thân yêu.

Thật vậy, cách đây hơn 70 năm, khi còn sống tại Làng quê xứ Sở Kiện, tôi đã được chứng kiến những cảnh vắng vẻ, tiêu điều của một Trung tâm Truyền giáo một thời gian dài rất náo nhiệt, sầm uất, nơi chôn cất bốn Vị Giám Mục trong Ngôi Thánh Đường lớn vào bậc nhất Việt Nam (1884), Tòa Giám Mục đóng đô mãi tới năm 1886 mới chuyển về Hà nội, nơi đào tạo hàng ngàn Linh Mục cho các Giáo Phận Đàng Ngoài tại Trường Lý Đoán, Trường Triết Lý mãi tới năm 1935 mới rời về Liễu giai, Hà Nội trao cho Hội các Linh Mục Xuân Bích quản trị, cũng là nơi đã hội họp Công Đồng Bắc Kỳ 2, năm 1912..

Nhìn vào Hoạ đồ tổ chức Ngày Khai Mạc, ngày 23 và 24 Tháng Mười Một, năm 2009, tôi còn đủ trí nhớ để vẽ lại cho quí vị hành hương tham dự Đại Hội, những vết tích điêu tàn của một dĩ vãng vàng son. Địa thế Sở Kiện, thuận tiện cho việc lưu thông vì nằm giữa Quốc Lộ 1A, và sông Đáy bắt ngưồn từ Việt Trì, Sơn Tây và chảy ra tới Biển Nam Hải, vùng Kim Sơn, Tiền Hải... qua Gián Khẩu, hang Địch Lộng, Non Nước Ninh Bình, Phát Diệm... Bên kia sông là dẫy núi đá vôi trùng điệp nối nhau bằng những thung lũng, rộng lớn, nhiều thú rừng như cọp beo, gấu (chó), hươu, nai, hoãng..., cũng là nơi cư trú của nhiều sắc tộc thiểu số (cùng chung chủng tộc với người Việt); dãy núi đá vôi chạy qua miền Nho Quan (có Dòng Châu Sơn) và tiếp nối vào dãy Trường sơn. Nhờ “địa lợi” của Xứ Sở Kiện, đặc biệt trong thời cấm đạo, cần chỗ lẩn tránh trong rừng sâu, nên các vị Bề Trên đã chọn làm chỗ dung thân. Theo truyện các ông bà vẫn kể lại và lưu truyền cho con cháu trong làng, thì tên “Sở-Kiện” là danh xưng gộp lại hai làng khác nhau: làng Kiện, hay Kiện Khê về phía sông Đáy (phía tây), làng Sở hay Ninh Phú (về phía đông), nơi tọa lạc Nhà Thờ Lớn, và Nhà Chung. Hai làng làm hai nghề khác nhau: dân làng Kiện, chuyên về buôn bán, hay nung vôi, còn làng Sở chuyên về canh nông.

Tổ tiên Làng SỞ này, không biết từ đâu tới định cư ở đây, nhưng có một đặc điểm là “toàn tòng theo Công Giáo”, cả dân làng đều mang tên Họ TRƯƠNG, một số nhỏ Họ Viên và Họ Quan, không có các Họ khác như Trần, Lê, Nguyễn... Dân làng SỞ đã cống hiến một diện tích đất rộng bằng một nửa làng, để xây Thánh Đường, Nhà Nguyện Các Thánh Tử Đạo, kế bên Núi Đá Đức Mẹ Lộ Đức, Nhà Xứ và các cơ sở như: Trường Lý Đoán (Thần Học, Triết Lý), Toà Giám Mục, Nhà In, Trường Thày Giảng, Nhà Hưu trí của các giáo sĩ, tu sĩ. Ngoài ra, còn những cơ sở cho hơn một trăm Nữ tu Nhà Dòng Mến Thánh Giá. Một Nhà Cơm rất lớn để mỗi ngày ba-bốn trăm cha thầy tới dùng cơm.

Công việc tiếp tế thực phẩm do các trại trồng lúa và chăn nuôi như Trại Khắc Cần, Trung Hiếu... và những thửa vườn rất rộng tọa lạc chung quanh Nhà Chung. Cũng như các thôn làng Việt nam, để đề phòng trộm cướp, giặc giã, khu vực Nhà Chung được bao bọc bằng những luỹ tre, một đường đê lớn và những hàng kênh ngòi, ao thả cá và trên bờ, trồng những cây chanh, cam, bưởi, khế, cây nhãn, cây thị, cây vải, cây sấu, cây vối (dùng để lấy nụ, lấy lá làm nước uống).

Ngày nay, khách hành hương không còn tìm được những dấu tích một thời đã qua, chỉ còn là: “hồn thu thảo, và bóng tịch dương”. Nhưng khi nhìn trên Hoạ đồ tổ chức Ngày Khai Mạc Năm Thánh 2010, tôi có thể nhận ra vị trí khu vực Công Trường, nơi cử hành các Thánh Lễ, Diễn Nguyện, nơi dân chúng tập họp, trên sân Vận động, thì ngày xưa là một thửa ruộng trồng lúa, trồng ngô bắp về phía Bắc của Nhà Chung, gần Nghĩa Trang đã chôn cất cả trăm vị Thừa sai, và các Linh Mục Tu sĩ . Khán Đài, nơi cử hành Lễ Nghi Phụng Vụ là địa điểm gần Nhà Nguyện Trường Lý Đoán, ngày xưa chứa nhiều Bộ Xương các Thánh Tử Đạo, (như Thánh Ven (Vénard), Thánh Phao Lô Tịnh, Thánh Thi, Thánh Đường...) Nhà Nguyện này và Nhà Cơm, Tháp Đồng Hồ.. đã bị bom phá sập vào năm 1952-53). Ngày nay, đã trùng tu lại Nhà Trường Lý đoán chạy dài (phía sau Khán Đài), Nhà Triết Lý (nhà 18 gian, nơi một vị thừa sai bị bắt đem đi cho trôi sông, năm 1946), Nhà Đức Cha, Nhà Nguyện Thánh Tâm, và Khu vực Nhà Xứ Sở Kiện, nơi Cha Chính Xứ, Cha Phó Xứ cư ngụ. Một nhà mới xây, tọa lạc trên phần đất Nhà In, dùng làm Nhà cho các Đức Cha cư ngụ.

Đền Thánh Trương Văn Thi và Trương Văn Đường, mới được xây cất đúng một năm, 2008, trên thửa đất kế bên Nhà Thờ Lớn.

Trong các di tích còn lại, ”Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”, phải kể Ngôi Thánh Đường nguy nga, được xây cất xong năm 1884, theo kiến trúc “gothic”, giống như Nhà Thờ “Đức Bà tại Balê” (Notre Dame de Paris). Nhà Thờ Lớn rộng năm “lòng” (aisle: lòng rộng ở giữa, và mỗi bên cánh phải, cánh trái, thêm hai “lòng” nhỏ nữa; (Nhà Thờ Lớn ở Hà Nội, chỉ có ba”lòng”). Kĩ thuật kiến trúc thời xưa, như vật liệu xây cất là gạch nung đỏ, và vôi trộn với cát và mật mía (theo truyền khẩu, thời bấy giờ chưa có xi măng). Trần Nhà Thờ lợp bằng gỗ vàng tâm, và Toà Giảng, Bàn Thờ, Nhà Tạm, các Tòa Đức Mẹ Ban Ơn, Tòa các Thánh đều được “sơn son thiếp vàng”, với những tấm kính mầu, (theo mẫu Nhà Thờ Thành Chartres,) lóng lánh mầu sắc lung linh, khi thắp đèn, hoặc khi ánh mặt trời chiếu vào mỗi buổi sáng và buổi chiều. Ngoài ra, Nhà Thờ còn trang bị một bộ đàn Đại-Phong- Cầm (đàn organ), với những ống kim loại, phát ra những âm thanh vang dội, réo rắt; một bộ chuông “khổng lồ”, theo hòa âm (”Đố - son- mi- đồ”), tiếng chuông vang lừng khắp miền, hàng mấy chục cây số vẫn nghe ngâm vọng, mỗi khi có Thánh Lễ trọng thể, hay Rước Kiệu.

Vào những năm, từ 1940 đến 1952, tôi và một anh bạn thân cùng lớp, cùng là nghĩa tử của Cha Xứ, lại cùng quê, nên mỗi kỳ nghỉ Hè, trong ba tháng, chúng tôi được thảnh thơi, ngủ nghỉ tại các gian nhà vẫn còn đẹp, sạch sẽ, nhưng bỏ trống không ai ở. Mỗi ngày chúng tôi và một số bạn, được tự do đi lại trong khu vực Nhà Chung: tìm trái cây, câu cá, tắm hồ. Vào thời đó, chúng tôi cũng đã trưởng thành, học xong Trường Thử và đang Học Trường Latinh tại Hoàng Nguyên, kiến thức về ngôn ngữ như Latinh, Pháp, Nho… cũng khá đủ để giúp tìm tòi những tủ sách còn lưu lại tại các căn nhà, các phòng của các Linh Mục Thừa sai, các Cha Giáo sư, đã chết hoặc thuyên chuyển đi chỗ khác. Chúng tôi thích tìm kiếm, lục lọi và chọn lựa những cuốn thật giá trị để coi. Nhiều bộ sách thật quí giá như những bộ sách Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước có chú giải của Cố Chính Linh, (Albert Schlickin), Bộ sách Luân Lý học của Cố Thịnh (sau làm Đức Giám Mục Chaize), của Cố Thành (sau làm Giám Mục,Alexandre Marcou) và cuốn Tự Vị “Latino-Annamiticum (Cố Khánh, Marcel Henri Ravier), và nhiều sách Giáo lý, Lịch sử Hội Thánh, Truyện các Thánh khác đều in tại nhà in “Ninh Phú Đường”, tức là KẺ SỞ.

(Chú thích: Anh bạn tôi tên là Nguyễn Hoài Chiên, bút hiệu Nguyễn Nam Châu. Anh cùng học với tôi cho đến hết 4 năm Thần học, nhưng không chịu chức, không tiếp tục đời sống tu trì. Anh đi du học tại Bỉ, Pháp và làm Giáo sư tại Đại Học ở Congo, Kishinsa nhiều năm cho đế khi về hưu. Sau gần 40 năm mất liên lạc, mãi năm 2007, anh sang Hoa kỳ, tại Orange County, để nhờ bạn bè in sách, và anh đã tặng tôi một cuốn, hẹn sang năm sẽ gặp nhau, nhưng anh đã qua đời vào năm 2008. Anh rất thông minh, đọc sách rất nhanh, và nhớ mọi tình tiết của câu truyện khi thuật lại. Ngoài ra anh còn là nhạc sĩ sáng tác các bản nhạc phổ thông trong Nhạc Đòan Lê Bảo Tinh)

Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh, một Nhạc Đoàn tiên phong trong Phong trào Thánh Nhạc Việt Nam, sau năm 1945, cũng đã được khởi xướng lên từ Trường Thầy Giảng Kẻ Sở. Vào thời kỳ đó, Thầy Hường, tức Nhạc sĩ Hùng Lân đang làm giáo sư dạy tại Trường Thầy Giảng, cùng với Thầy Hoan, tức Thi sĩ Hùng Thái Hoan. Do thời thế thúc bách, Thầy Hùng Lân đã mời một số bạn có khiếu về Âm Nhạc, để sáng tác và phổ biến Thánh Ca Việt Nam, thay thế các bản nhạc bằng tiếng Latinh hay tiếng Pháp. Thầy Nhạc Trưởng đã tụ tập được tại Kẻ Sở những nhạc sĩ như Nguyễn Khắc Xuyên, Hoài Đức, Duy Tân, Thiên Phụng, Hoài Chiên... để thành lập Nhạc Đoàn Lê bảo Tịnh.

(Đọc tiếp phần 2)

Lm Jos Cao Phương Kỷ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 17.11.2009. 14:00