Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhớ Về Quê Hương: Xứ Sở Kiện (Phần 2)

§ Lm Jos Cao Phương Kỷ

(Đọc phần 1)

Nhân dịp trọng đại về Ngày Khai Mạc “Năm Thánh 2010” tại Sở Kiện, tôi cũng muốn góp phần xây dựng Hội Thánh Việt Nam vì đã nuôi dưỡng và huấn luyện tôi để làm tông đồ, theo chân các Vị Thừa sai, và đặc biệt là Nhị vị Thánh Tổ: TRƯƠNG VĂN THI và TRƯƠNG VĂN ĐƯỜNG, mà tôi được phước là hậu duệ. Do đó, tôi xin góp một vài ý kiến như:

Làm thế nào để Truyền Đạo trong Xã Hội Việt Nam? Theo chân các vị Tiền Bối như Cha ĐẮC LỘ... đã đề xướng phương pháp” Hội Nhập Đạo Chúa vào Văn Hóa Việt Nam” như thế nào? Ngày nay, Hội Thánh Công Giáo Việt nam, đặc biệt hàng Giáo Phẩm, các Linh Mục, Tu sĩ, trong hoàn cảnh hiện tại vẫn cần nỗ lực theo đường hướng gì, để giúp cho Dân tộc, cho người đồng hương,hoan hỉ tiếp nhận TIN MỪNG của CHÚA CỨU THẾ? Đó là mấy câu hỏi sẽ bàn giải sau đây:

TIN MỪNG HỘI NHẬP VÀO VĂN HOÁ và XÃ HỘI VIỆT NAM

Phần trên trong những dòng hồi kí này, tôi đã biểu lộ những cảm tình yêu mến và luyến tiếc những cảnh vật của một Trung Tâm Truyền Giáo, mà nay đã theo thời gian trôi qua, đã biến thiên, như mọi sự đều là “vô thường” trên cõi đời tạm này.

Sau đây, tôi cũng không thể quên những NHÂN VẬT thuộc thế hệ đàn anh đã khổ công gây dựng, lèo lái con Thuyền Hội Thánh trong những năm gần đây. Vào năm từ 1940- 1954, tôi đã trưởng thành, học hết Trung Học, đã giúp Xứ, làm Thày Giảng, và bắt đầu bước chân vào Đaị Chủng Viện Xuân Bích tại Hà Nội, là những năm thay đổi lớn lao, cả ngoài Xã hội, lẫn trong Giáo Phận Hà Nội. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến những biến chuyển trong giới Lãnh đạo, một lớp Giáo sĩ trẻ người Việt Nam, tiếp nối công việc Truyền giáo, và điều hành các chức vụ quan trọng Tòa Giám Mục Hà nội.

Khi tôi về học năm thứ nhất (năm 1951), tại Đại Chủng Viện do các Linh Mục Xuân Bích quản trị, tôi được gặp cha Giám đốc Tín (P. Gastine) và nhiều cha Giáo sư trẻ trung như Cha Thành (Raymond Deville, sau này làm Bề trên Tổng Quyền), Cha Vi (Villard), cha Lịch (Courtois), cha Xuân (Corpet) và cha Thu. Đặc biệt, lần đầu tiên, một số Cha Giáo sư người Việt như Cha Nhân, Cha Vinh, Cha Mai, Cha Khiết, Cha Lý. Những Cha Việt Nam làm Giáo sư, cũng là cựu sinh viên Xuân Bích học ở Issy-les Moulineaux, bên Pháp, mới trở lại Việt Nam, sau nhiều năm du học.

Nhờ bằng cấp cao, nhất là tài năng đức độ, và thánh thiện, các cha đã cộng tác rất đắc lực với Đức Giám Mục người Việt, tiên khởi của Địa Phận Hà Nội là ĐGM Giuse Maria Trịnh Như Khuê, sau năm 1960, làm Tổng Giám Mục, và Hồng Y tiên Khởi của Việt Nam. Ngài là một Giám mục đạo đức khôn ngoan và cương nghị trong các quyết định mục vụ, nhằm bảo vệ Đức Tin tinh tuyền của Hội Thánh, trong những năm khó khăn, bi đát nhất của Lịch Sử Giáo phận, như các Linh Mục tài đức (cha Vinh, cha Oánh, cha Thông) đã phải chết hoặc bị cầm tù, quản chế gần suốt đời, không được đem tài năng ra thi thố giúp việc Truyền giáo..

Thế hệ đàn anh đã qua đi, từ các vị Giám Mục như ĐHY Trịnh Văn Căn, Phạm Đình Tụng, ĐGM Lê Đắc Trọng...đến các Linh Mục đã được đào luyện trong Chủng Viện Xuân Bích cũng dần dần được Chúa gọi về Nhà Cha Trên Trời.

(Chú Thích: Cha Lê Văn Lý, năm 1954, đã di tản xuống miền Nam theo Chủng viện Piô XII. Ngài làm giáo sư Chủng viện, và Đại học Văn Khoa, rồi Viện Trưởng Đại Học Công Giáo Đà Lạt. Tôi đã cùng sống chung với cha tại Nhà Hưu Dưỡng tại Carthage. Ngài đậu tiến sĩ quốc gia (Docteur d’État) về Văn chương, tại Đại Học Paris, và xuất bản luận án bằng Pháp và Việt văn:” Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt Nam”. Ngài tỏ ý vui vì biết tôi, trong thời gian du học cũng đã học cùng Trường với Ngài khi xưa, là “École Nationale des Langues Orientales Vivantes.” (ban Hán Văn), ở rue de Lille (Paris) . Tôi cũng được vinh dự, đại diện Địa Phận Hà Nội, trong Thánh Lễ An Táng của Ngài. Cha Lê văn Lý là một bậc Thầy vừa đạo đức vừa cương trực, đã có óc sáng tạo, và nghiên cứu về Ngôn Ngữ Việt Nam )

Trong dịp “Năm Thánh 2010”, tôi nhớ lại đã gặp một Linh Mục trẻ, chưa đầy 30 tuổi, mới ở Pháp về Hà Nội, vào năm1951. Tôi hân hạnh vừa được đọc bài Phỏng Vấn của Cha Nguyễn Hân Quynh, năm nay Ngài 83 tuổi, đã làm Cha Chính Giáo Phận Hải Phòng, sau năm 1954. Ngài đã bị quản chế hơn 28 năm.

Qua cuộc Phỏng vấn, tôi nhận thấy, tinh thần Cha còn sáng suốt khi bàn luận về tình trạng Đức Tin của Hội Thánh Việt nam, đặc biệt về việc giáo dục hàng Giáo sĩ (La Croix 22/06/ 2009) . Xin trích đọan cuối bài Phỏng vấn, nguyên văn như sau:

“Theo cha Quynh, để người Việt Nam không mất Đức Tin, trước hết cần phải cầu nguyện và giáo dục. Việc rao giảng Tin Mừng phải thông qua con đường giáo dục. Trong 30 năm, vì các Chủng viện bị đóng cửa trình độ trí thức của hàng giáo sĩ và các tín hữu KiTô đã xuống thấp. Từ một chục năm nay, các ĐGM Việt nam được đào luyện kỹ hơn, vì các vị đã có thể đi du học. Nhưng cũng cần phải cả chục năm nữa, các vị mới có thể làm “công việc của giám mục”. Về phần các Linh Mục, theo cha Quynh, nói chung không được huấn luyện đầy đủ; ngay cả văn chương và văn hóa của xứ sở, các vị cũng còn thiếu hiểu biết. Do đó, thế hệ trẻ cần phải có được một nền tảng vững chắc về triết lý và thần học. Phần lớn các ĐGM Việt nam đã hiểu được điều đó cho nên đã cố gắng gởi các chủng sinh du học tại Paris, Roma, hay Hoa Kỳ” (Chu Văn)

Sau đây chỉ xin góp một vài ý kiến thô thiển về vài nhận định của bậc đàn anh trong Giáo Phận Hà Nội, nhân dịp Ngày Khai Mạc Năm Thánh 2010, tại điạ điểm SỞ KIỆN:

“Việc rao giảng Tin Mừng phải thông qua con đường giáo dục”

Vấn đề GIÁO DỤC các Tín hữu, đặc biệt các Linh mục, Tu sĩ là một đề tài rất mênh mông bao gồm nhiều phạm vi học thức để mở mang trí tuệ của con người như: Đạo Lý, Luân Lý, Triết Lý, Văn chương, Khoa học, Cha Quynh đã giới hạn vào việc giáo dục các linh mục, giám mục, bằng cách mở các chủng viện, và đi du học nước ngoài, nhấn mạnh về giáo dục “văn chương và văn hóa của xứ sở”. Ngài cũng tỏ ra phàn nàn, lo ngại vì trong tình huống hiện nay, các giám mục và linh mục vẫn còn thiếu hiểu biết.

Danh từ VĂN HÓA, hay Văn Minh của một dân tộc, hàm ẩn một nội dung rộng lớn bao gồm: tôn giáo, luân lý, ngôn ngữ, văn chương, địa lý, lịch sử, phong tục, xã hội, kinh tế, và thể chế, chính trị.

Những ý tưởng của Cha Quynh khá chính xác vì phát xuất từ kinh nghiệm bản thân trong những năm bị cầm tù, trong những ngày tháng Hội Thánh bị cấm cách, kì thị, đàn áp, và vu khống. Dầu dân tộc Việt nam đã đón nhận Tin Mừng hơn 350 năm, nhưng tỉ lệ người tín hữu theo Chúa Cứu Thế, đối với đa số dân chúng, vẫn còn là con số khiêm nhượng (8%).

(coi: Nguyễn Ngọc Sơn: “Hiệu quả Truyền Giáo ở Việt Nam, trong những năm gần đây”Định Hướng, số 56, Mùa hè 2009)

Bởi vậy, trong dịp “Năm Thánh 2010”, toàn thể Hội Thánh Việt Nam cần bàn luận về những thiếu sót, bất cập trong quá khứ, để kịp thời sửa chữa.

Việc giáo dục toàn diện của người Công Giáo, các giáo sĩ, tu sĩ Việt nam, trong hoàn cành ngày xưa, hay hiện nay, mà đa số dân chúng là không-Công giáo, và dưới những chế độ quân phiệt, hay vô thần, thù nghịch với Thiên Chúa Giáo, thì truyền bá Tin Mừng, Đức Tin Công Giáo, luôn phải bao gồm hai khía cạnh không thể rời nhau được:

Đối Thoại giữa ĐỨC TIN và VĂN HÓA luôn giao thoa với nhau

Thời kì Đạo Thiên Chúa bằt đầu Hội Nhập vào Việt Nam, các vị Thừa sai đã áp dụng Phương Pháp Đối Thoại với Văn Hóa Việt Nam”, như sẽ bàn luận ở dưới.

Danh từ ĐỐI THOẠI có nghĩa là hai bên nói chuyện, trao đổi, bàn luận với nhau. (dialogue, dia-Logos, dia= đôi, hai chiều: bên nói, đề nghị và bên nghe, nói lại; Logos=Thoại là lời Nói) ; nếu “đối thoại” mà một bên hoàn toàn im lặng, không nói gì hết, thì nên dùng danh từ khác, chứ đừng dùng từ” Đối Thoại” nữa!)

Chính Thiên Chúa cũng đã “Đối Thoại” với loài người, bằng miệng lưỡi của các Ngôn Sứ (Tiên Tri), sau cùng, Chúa đã cho Con Chúa “Nhập Thể”, làm Người, như mọi người, trừ tội lỗi. Chúa Cứu Thế cũng phải ăn uống, chịu đói khát..và Chúa cũng đã“Nhập Thế”nói tiếng bản thổ, quan sát tình trạng tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội đương thời, dùng làm”dụ ngôn”, để khuyên răn, cảnh cáo dân chúng sửa soạn đón nhận TIN MỪNG.

Chúa Giêsu đã chịu chết đề minh chứng SỰ THẬT, để đền tội gian dối của Nhân loại.

Thánh Phao Lô Tông Đồ dân ngoại (gentiles) cũng đã “Đối Thoại”với hai nền văn hóa, Hi lạp và Lamã, khi trình bày Đạo của Chúa Cứu Thế. Sau này, các Giáo Phụ như Thánh Augustin, Thánh Thomas Aquinas..cũng đã dùng Triết Lý của Platon, Aristotle..để giải thích, hay chứng minh Tin Mừng cho văn minh Âu-Mỹ. Vậy, tại sao ngày nay các nhà truyền giáo không dùng Văn Hóa, Triết Lý của các dân tộc Á Đông như Ân Độ, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản..để “Đối Thoại”, để diễn giảng và minh chứng Đạo của Chúa Cứu Thế cho dân bản xứ?

Ngày nay, các nhà viết sử đã nhìn nhận những thành quả khá lớn lao còn lưu lại cho hậu thế, do trí óc sáng suốt và tài đức của các Thừa Sai, rao giảng Tin Mừng của Chúa Cứu Thế cho miền Á Đông, như Thánh Phanxicô Xavie, Cha Matteo Ricci, và tại Việt Nam là Cha Đắc Lộ.

(coi bài: “Ba Cống Hiến quan trọng của Công Giáo” của Phan Thế Hải, đã đăng trên nhiều tạp chí và báo)

Các Vị Thừa sai, đặc biệt Cha Đắc Lộ đã học hỏi tường tận ngôn ngữ Việt Nam, phong tập tục quán, văn hóa, tam giáo, xã hội, tình hình chính trị tại Việt Nam thời Nam-Bắc phân tranh, thời kì thống nhất quốc gia..để có thể so sánh những giá trị tâm linh, nhân bản giữa Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, cốt làm sao đem Tin Mừng rao giảng cho mọi người thiện chí có thể hiểu được và mộ mến những Giáo lý, Luân Lý mới du nhập vào Xã hội Á Đông. Ngày nay, sau 350 năm nhìn lại, chúng ta thấy các vị tiền nhân đã không thể “ĐỐI THOẠI” về tôn giáo với người bản xứ, một cách hiệu quả, nếu đã không học biết những giá trị, những điểm tương đồng, dị biệt trong nền văn hóa bản xứ.

Lịch sử cho biết: vào thời kì đó, các vị Thừa sai, Cha Đắc Lộ, và Đạo Thiên Chúa đã luôn bị cấm cách, các tín đồ bị cầm tù, giết chết, nhưng các vị Thừa sai vẫn can đảm vượt mọi khó khăn để thật sự đem Tin Mừng cho dân tộc Việt Nam.

(coi: Nhà Truyền Thống tại Sở Kiện, hiện nay còn lưu trữ hơn (71 Bộ) các Thánh Tích, Xương Thánh, của các Vị Tử Đạo)

Đọc lại Lịch Sử Hội Thánh Công Giáo Việt Nam, người ta thấy việc “Đem ĐẠO vào ĐỜI” hay Hội Nhập Đao vào Văn Hóa Việt nam”, hình như ngưng lại, không còn”Đối Thoại”, không còn những công trình lớn lao nghiên cứu về văn hóa, xã hội nữa. Do đó, Tin Mừng của Chúa Cứu Thế ngày càng trở nên xa lạ với người đồng hương. Những bài giảng thuyết, dạy Giáo lý, Kinh Thánh, rước kiệu..chỉ giới hạn trong khu vực Thánh Đường; báo chí truyền thông chỉ quanh quẩn đăng tin về các sinh hoạt trong các Cộng đồng Công giáo. Ngày nay, người ta coi việc “giữ Đạo” quan trọng hơn là “truyền Đạo”

Cũng vì thờ ơ với công việc học hỏi Giáo Lý của Hội Thánh,đặc biệt am tường “HỌC THUYẾT XÃ HỘI” của các ĐGH Lêô XIII, Gioan Phaolô II, và Benedito XVI và thông hiểu ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc, nên công việc truyền giáo, và ảnh hưởng của Hội Thánh Công Giáo không xâm nhập được vào các cơ cấu của Xã hội Việt Nam . Đôi khi cũng lên tiếng bênh vực cho quyền lợi riêng của Giáo phận, hay giáo xứ bị xâm phạm, nhưng không điều tra, bênh vực hay phê phán về tình trạng suy đồi về luân thường đạo lý, những bất công xã hội chung cho toàn quốc đối với các đồng hương khác. Do đó, Tin Mừng của Chúa Cứu Thế không thể Hội Nhập một cách sâu rộng như “men”, như “muối”, như “ánh sáng” vào Xã hội hiện nay. Nếu mất tình tự Dân tộc, thiếu tình nghĩa đồng hương, đồng bào với nhau, thì ai sẽ đem TIN MỪNG cho ai?

Công việc phiên dịch Sách Kinh Thánh, Sách Kinh, Phụng vụ, Sách Lễ là những công tác tương đối được tự do hoạt động trong nội bộ, nhưng thiếu người có khả năng”Hội Nhập Văn Hóa Việt Nam”, để công việc phiên dịch được hoàn chỉnh tốt đẹp, và mang sắc thái văn hóa Việt Nam.

“Vấn đề du học sinh ra ngoại quốc học tập”

Vấn đề gửi du học sinh ra ngoại quốc để học các Khoa Thần Học, Triết học, cũng cần có kế hoạch và hướng dẫn, để giúp cho công cuộc Truyền bá Đức Tin được hiệu quả tốt đẹp. Việc thu thập kiến thức về Giáo lý của Hội Thánh Công giáo hoàn vũ, các Tài Liệu của Công Đồng Vaticno II, các Thông Điệp của các Đức Giáo Hoàng, theo kịp đà tiến triển của thời đại tòan cầu hóa, là cần thiết. Nhưng không phải bất cứ điều gì học hỏi được của ngoại quốc cũng có thể ứng dụng một cách thích ứng vào Xã hội, Văn hóa Việt nam, vì mỗi nơi, mỗi nền văn hóa đều có những cách tiếp nhận TinMừng khác nhau. Do đó, nhiều kiến thức đã thu nhặt được của ngoại quốc, nhưng không thể áp dụng cho hoàn cảnh Việt Nam được, vì muốn phổ biến cho Xã hội, Cộng Đồng Việt nam, vẫn cần phải óc sáng tạo và thông thạo ngôn ngữ, và văn hóa bản địa.

Trong thực hành, điều cần học hỏi của Âu-Mỹ là: Phương Pháp Nghiên cứu, Luận lý học, Biện Chứng Pháp, Phương pháp Phân tích các dự kiện, và cách thức Tổng hợp thành hệ thống, để biết cách điều tra, tìm hiểu môi trường địa phương.

Kinh nghiệm cho thấy trước mắt chúng ta: ngày nay hàng ngàn giáo sĩ, tu sĩ nam nữ gốc Việt, học hành sinh sống, làm việc mục vụ ở ngoại quốc, nhưng đã không sáng tác được những tác phẩm có giá trị, làm giầu cho kho tàng tôn giáo, văn chương, văn hóa của quê hương Việt Nam, để truyền bá và thuyết phục các đồng hương chấp nhận giá trị của Tin Mừng. Bởi vậy, công việc rao giảng Tin Mừng, muốn có hiệu quả vẫn cần một sự “Đối Thoại”, giữa người rao giảng và người tiếp nhận. Nếu không, chỉ là cuộc “độc thoại” vô vị vô ích mà thôi.

Tạm Kết. Theo Truyền Thống của Hội Thánh Công Giáo, từ đời Trung Cổ, những cuộc HÀNH HƯƠNG (pilgrimage) thăm viếng Đất Thánh, các Di Tích của các Thánh thì khách hành hương (pilgrims) cần bỏ nhà cao cửa rộng để “nằm gai nếm mật, chung nỗi ân ưu”, mặc áo nhặm, đi bộ, chống gậy, và “đánh tội”. Cuộc hành hương của cả ngàn Linh Mục Tu sĩ, cả chục ngàn giáo hữu đổ về Xứ Sở Kiện chật hẹp, nghèo, thiếu mọi tiện nghi không như những nơi quí khách đi hành hương tại Roma, Lộ Đức, Fatima, Lisieux. Vậy xin quí Khách Hành Hương cũng cảm thông cho hoàn cảnh, thời thế của xứ sở, đất nước hiện nay. Nhưng, thật là đúng với ý nghĩa “Hành Hương” của Truyền Thống trong Hội Thánh là: Đền Tội, Ăn Bận nhiệm nhặt, đánh tội, hối lỗi, để lãnh ƠN CHÚA thứ tha các lỗi lầm quá khứ, và dốc lòng “CANH TÂN đời sống mới, rồi lại tiếp tục “LÊN ĐƯỜNG” vác Thánh Giá, “RA KHƠI”, đi Rao Truyền TIN MỪNG của Chúa cho Dân Tộc và Đồng Hương thương mến của chúng ta.

Lm Jos Cao Phương Kỷ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 17.11.2009. 14:03