Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhớ Người Mục Tử Năm Xưa

§ Tạ Thanh Minh Khánh

Cuối mùa thu năm 2019 tôi bất ngờ phải nằm bệnh viện. Không sách báo, điện thư, vi tính, không đài phát thanh, truyền hình… Mơ màng giữa đêm vắng, những hình ảnh quá khứ "xưa thật là xưa" chập chờn như ẩn như hiện, bỗng dưng nhớ tới cha sở Phaolô Nguyễn Văn Vàng ở nhà thờ Tân Định, nơi tôi học tín lý Công Giáo, rước lễ lần đầu, chịu phép thêm sức, nhập đoàn Nghĩa Binh Thánh Thể…

Nhà thờ Tân Định trong trí nhớ của tôi ngày ấy không có màu hồng như hình trên internet hiện giờ. Ngôi thánh đường cổ kính, trầm mặc đậm màu võ trứng ửng vàng dù mưa nắng dãi dầu, phong sương mấy độ. Bên trong, khi bật đèn, ánh sáng dịu nhẹ tỏa lan ấm cúng.

ntTanDinh.jpg

Hồi đó đám trẻ chúng tôi được các cha phó như cha Tiên, cha Nghị, cha Nhường… giảng dạy. Cha sở chỉ trông thấy lúc dâng lễ ở bàn thờ, trên tòa giảng, nơi giải tội hay khi rước kiệu.

Cha sở có dáng người vừa tầm, tóc hớt thật ngắn, nước da trắng nghe dường như lai Pháp, mắt đeo kính gọng vàng thanh nhã.

Tuổi thơ của tôi ngày đó rất sợ cha sở, có lẽ vì hay nghe "người lớn" nhắc nhở: "coi chừng, cha sở khó lắm", "người lớn" đây là bà sœur dạy trường Sainte Enfance (Thiên Phước) bà biện, bà trùm… Khó cách nào tôi không biết. Chỉ nhớ có mấy lần, đám trẻ chúng tôi lẩn quẩn dạo quanh góc sân nhà thờ, đang nói cười vui vẻ bất chợt gặp cha sở thì khựng lại, lật đật chắp tay cúi chào rồi vội vàng bước nhanh như chạy nhưng vẫn thoáng thấy cha gật nhẹ đầu.

Sau đó, thời mới lớn vừa biết đi xe đạp thì tôi theo bà chị sinh hoạt thường xuyên ở nhà thờ Đức Bà Sàigòn, xa dần họ đạo gốc gác của tuổi thơ, thuở mới từ thổ ngơi miệt vườn lên thành phố. Cho đến một hôm ngẫu nhiên được trực tiếp gặp và thưa chuyện với cha, tuy ngắn ngủi song cũng lưu lại "chút gì để nhớ".

Ký ức thấp thoáng, hồi ấy khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, nhà tôi vừa nhập trường y Sàigòn, tìm mua được bộ sách Y Khoa mới xuất bản ở Paris, mỗi quyển dày trên 500 trang, bìa láng đẹp nhưng hơi mỏng so với chiều dầy cuốn sách, nên Anh nhờ tôi mang đi đóng bìa da ở nhà in Tân Định, nằm trong khuôn viên cạnh nhà thờ.

Ngày đến lấy sách, dì phước phụ trách nói với tôi:

- Em ở đây chờ một chút. Cha sở dặn là khi nào có người tới lấy sách nầy thì cho cha hay.

Rồi độ mươi phút, từ cánh cửa ở cuối phòng cha sở đi ra, dáng vẻ từ tốn, nhìn tôi nhẹ nhàng hỏi:

- Con mua sách nầy cho con hay cho ai?

- Thưa, của người anh bà con.

Lúc đó chúng tôi chưa làm phép cưới nên đành nói trớ.

- Con về nói với anh con, có cần gì thì tới đây gặp cha.

Mấy lời vắn gọn đã hé mở cho tôi cảm nhận được một khía cạnh nhân bản ẩn khuất nơi người. Hẳn cha biết học trình y khoa dài hạn, không dễ, e rằng tuổi trẻ có thể gặp khó khăn rồi bỏ cuộc, nên cha tự mở lời, lên tiếng trước. Cha chẳng cần biết thanh niên nầy có phải là “bổn đạo” của mình không, bởi vì thuở đó ở mặt tiền nhà sách, còn dòng chữ Imprimerie Tân Định, phục vụ cho tất cả những ai cần in ấn, sách, chuổi, ảnh, tượng v.v… Một cách khuyến học hiếm thấy, bất vị thân mà cũng vô vị lợi. Vậy mà “trẻ người non dạ” tôi vô tâm chưa suy thấu.

Cảm nghĩ nầy hiển hiện rõ ràng hơn khi về sau, lúc cha đã qua đời, tình cờ tôi biết được câu chuyện bởi một vị mục tử khác: Cha Hồ Văn Vui. Cha Vui là linh mục Việt Nam đầu tiên làm chánh sở nhà thờ Đức Bà. Trong nhiệm kỳ ở đó ngài có sáng kiến lập trường tiểu học mang tên Hoà Bình, nằm cạnh bên nhà xứ, thuộc khu vực Công Trường Hòa Bình, bây giờ đổi thành Công Xã Paris. Nghe kể, bề trên thẩm quyền lúc ấy đồng ý nhưng không sẵn ngân quỹ hổ trợ nên ngài phải tự lực xoay sở. Thuộc gia đình sung túc ở Hiệp Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa, ngài đã góp một phần của riêng vào ngân quỹ nhà chung và chính cha sở Vàng, cha linh hướng của ngài đã giúp cho mượn thêm tiền để ngôi trường sớm được hình thành. Trường tư, do các dì Mến Thánh Giá Chợ Quán dạy nhưng cũng có miễn trừ học phí cho một số các gia đình nghèo. Lễ phát thưởng cuối năm thường nhờ các bà Nữ Đoàn Bác Ái Hiệp Hội Thánh Mẫu lo liệu, đoàn Thiếu Nữ Công Giáo phụ việc linh tinh… cả hai hội đều do cha Vui làm Tuyên úy.

Ngài có tinh thần khoáng đạt nên đoàn Thiếu Nữ Công Giáo mang đồng phục áo dài trắng, đầu đội mantille (khăn hình tam giác dệt toàn ren dentelle trắng) khi rước kiệu ngoài trời. Còn những lúc đi du ngoạn, cắm trại thì chúng tôi được khuyến khích mặc “quần tây” sẩm màu đại dương, áo sơ mi trắng, khăn quàng xanh, học hỏi đường hướng của Phong Trào Nữ Giới Trung Lưu đang thịnh hành ở Pháp, một hình thái sinh hoạt tương đối mới so với hội Con Đức Mẹ truyền thống. Và bài đoàn ca là những lời tâm huyết cổ võ đạo đời song hành, kêu gọi người nữ dấn thân cho gia đình, xã hội, đất nước theo tinh thần phúc âm và luân lý Việt Nam.

Còn cha sở Vàng, dầu không có dịp nào gặp lại, thỉnh thoảng vẫn nhớ, không nhớ lời cha giảng mà nhớ cử chỉ tử tế cha làm, là bài học mang theo vào đời.

Bài đang viết chưa xong thì được tin một vị mục tử khác, cũng rất nặng lòng với công việc giáo dục: Cha Nguyễn Hữu Tấn vừa qua cầu trần gian. Cha Tấn làm cha phó ở nhà thờ Đức Bà trong nhiệm kỳ cha Vui làm chánh sở và trường tiểu học Hòa Bình là nơi ươm mầm cho đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể đầu tiên của địa phận Sàigòn mà cha Tấn là Tuyên úy khởi lập. Rồi lần lượt tới Hòa Hưng, Phú Nhuận, Cầu Kho, Chợ Đũi, Gò Vấp Lái Thiêu, Bình Dương Thủ Dầu Một… Rồi những khóa huấn luyện Quản giáo với cha Huỳnh Văn Nghi, cha Triệu, cha Hiếu, thầy Châu, thầy Nguyên (Đại chủng viện Sàigòn) thầy Hoài Chiên, thầy Nguyễn Văn Thãnh (Xuân Bích)… Hạt giống phúc âm đã tung gieo… chuẩn bị nhân sự bắt đầu.

Cuộc đời đưa đẩy, hành trình “trồng người” vẫn tiếp nối, thăng tiến từ Tiểu Chủng Viện sang Đại Chủng Viện, từ “Giáo Dục Nhân Bản” tới “Thần Học Linh Đạo”. Rồi xuôi ngược lo toan gầy dựng Foyer de Charité Cao Thái… và chọn làm nơi hưu dưỡng, an nghĩ sau cùng.

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trải bao đời không thiếu các vị mục tử nhiệt tâm, chẳng những về văn hóa giáo dục mà còn ở các địa hạt khác ngay cả vào thời điểm gian nan, trong âm thầm khổ nhọc.

Ngày nay, nhờ kỷ thuật truyền thông tân tiến, người muôn phương có thể dõi theo phần nào bước đường thực hành hôm nay, chuẩn bị ngày mai của rất nhiều chức sắc, tu sĩ nam nữ, các người chung lo, nghĩ đến tương lai, bằng những cách thế, phương tiện lớn nhỏ khác nhau, thầm lặng hay tỏ lộ dấu vết khai phá, bổ khuyết hoặc vun bồi, phát triển.

Chung nhau trên chuyến xe trần thế, kẻ lên người xuống, gặp gỡ là một cơ duyên do Chúa quan phòng, vui - buồn, lâu - mau, sớm - muộn… rồi cũng chia xa. Bây giờ mỗi sáng thức dậy “nghe nặng từ tâm lượng đất trời” (Tô Thùy Yên) còn ghi được đôi dòng là ân phúc, như khói hương phảng phất, như lời kinh đọc muộn, mênh mang nỗi nhớ.

Paris mùa đông, lá về cội, mây lang thang, nhìn mưa đợi nắng. “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” (Sơn Nam) bằng ngòi bút nhỏ, xem chữ nghĩa cũng tựa bằng hữu, ưng gợi nhắc những kỷ niệm xưa, những nỗi nhớ tuởng quên.

Ghi chú: * Giáo dục nhân bản - Thần Học Linh Đạo: tên 2 quyển sách mà cha N.H. Tấn là tác giả.

Tháng 2.2020

Tạ Thanh Minh Khánh

Đọc nhiều nhất Bản in 23.03.2020 14:37