Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhật ký Ad Limina HĐGMVN họp tại Vatican

§ HĐGMVN

Thứ ba 23.06.2009: HỌP VỚI BỘ GIÁO SĨ VÀ BỘ ĐỨC TIN

Hôm qua có hai cuộc họp với hai Hội đồng, hôm nay là hai cuộc họp với hai Bộ. Hai cơ quan này cùng ở toà nhà ngay sát Đền Thánh Phêrô, nên các giám mục đi bộ khoảng 10 phút là đến.

90623hdgmvn.jpg

Xem hình ảnh

Bộ Giáo sĩ

Tại Bộ Giáo sĩ, chính Đức Hồng y Bộ trưởng Claudio Hummes tiếp đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam. Không giống những lần khác, hôm nay thay vì một bản trình bày của Đức cha Chủ tịch Uỷ ban Giáo sĩ-Chủng sinh, 7 Đức Cha đã liên tiếp phát biểu về các linh mục trong giáo phận mình. Tuy mỗi nơi mỗi khác, nhưng các điểm chung là hầu hết các linh mục hăng say và tận tụy với sứ mạng, thường phải làm việc quá sức, và cần được thường huấn. Các Đức cha cũng thấy không có vấn đề đáng quan ngại về đời sống đức tin và tuân phục của các linh mục. Có Đức cha hãnh diện vì các linh mục giáo phận mình. Tuy nhiên, có mấy Đức cha băn khoăn về đời sống cầu nguyện, đời sống nghèo khó, đời sống độc thân của các linh mục. Đức Hồng y Bộ trưởng cho biết Giáo Hội Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách nhưng vẫn có nhiều ơn gọi linh mục, đó là do ơn Chúa.

Ngài nhấn mạnh 3 điều cần thiết cho các linh mục:
(1) tinh thần thừa sai giúp các linh mục dâng mình cho Chúa và tận tụy phục vụ chương trình cứu độ;
(2) thường huấn với nội dung thần học, tu đức hay mục vụ, giúp các linh mục luôn thích ứng với hoàn cảnh mới;
(3) linh đạo giúp các linh mục luôn khởi đầu mọi sự với Đức Kitô và tiến bước theo Đức Kitô. Theo ngài, trong Năm Linh mục này, mỗi giáo phận nên có một chương trình cụ thể nhằm các mục tiêu trên.

Riêng về đời sống độc thân, các giám mục cần nhân từ nhưng cũng phải kiên quyết đối với những linh mục lỗi phạm. Trong phần trao đổi, một vài Đức cha nêu lên tình trạng có nơi thiếu linh mục trong khi nơi khác các linh mục lại thiếu việc làm. Có Đức cha cho biết các dòng tu ở Việt Nam hiện đã gửi khá nhiều linh mục và tu sĩ đi truyền giáo ở nước ngoài. Đức cha phụ trách linh mục và chủng sinh của Hội đồng Giám mục cho biết Bản Qui chế đào tạo linh mục (Ratio) sắp hoàn tất sẽ giúp việc đào tạo trong các chủng viện vừa hoàn thiện hơn vừa thống nhất hơn. Đức Hồng y Bộ trưởng đã ân cần chia sẻ những suy nghĩ của ngài về những câu hỏi được đặt ra. Và để kết luận, ngài cho rằng các linh mục tận tụy với sứ mạng sẽ tìm được sự hăng say trong thiên chức.

Bộ Giáo lý Đức tin

Tại văn phòng của Bộ Giáo lý Đức tin, tiếp đoàn có Đức Tổng Giám mục Tổng thư ký Ladaria và hai Đức ông. Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc trình bày về cơ cấu tổ chức và những công việc của Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Ủy ban đã duyệt lại một số bản văn căn bản của Hội Thánh như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, các văn kiện Công đồng Vaticanô II, một số thông điệp và tông huấn. Ủy ban cũng soạn bản đề cương “Giáo Hội: Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ” để toàn Giáo Hội Việt Nam cùng suy nghĩ, học hỏi và góp ý nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 50 thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Ủy ban cũng đang soạn quyển Từ Vị các thuật ngữ giáo lý, thần học để giúp mọi người hiểu về giáo lý và đức tin, đồng thời thống nhất các thuật ngữ trong ngôn ngữ Việt Nam. Ở Việt Nam không có những vấn đề về tín lý, nhưng gặp nhiều vấn nạn về luân lý, đặc biệt về đạo đức sinh học. Việc thế tục hóa cũng ảnh hưởng đáng kể đến Giáo Hội Việt Nam, nhất là giới trẻ. Trước những thách đố, Giáo Hội phải tăng cường nỗ lực rao giảng Tin Mừng và đào sâu đức tin, trong khi đặt tin tưởng trọn vẹn nơi Thiên Chúa.

Tiếp đó, Đức cha Giuse Võ Đức Minh trình bày về công việc của Ủy ban Thánh kinh mới được tách ra từ Ủy ban Giáo lý Đức tin. Ngài cho biết trong thập niên qua, đã có 250 ngàn quyển Kinh Thánh trọn bộ và 2 triệu bản Tân Ước được phát hành. Như thế, trung bình mỗi gia đình Công giáo đều có một quyển Tân Ước. Ủy ban Thánh kinh cũng dùng internet để phổ biến Lời Chúa dưới nhiều dạng như suy niệm, chia sẻ, chứng từ… Ba giám mục Việt Nam đã tích cực tham dự Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua về Lời Chúa trong đời sống của Hội Thánh. Đức Tổng Giám mục Tổng thư ký rất vui mừng về đời sống đức tin của giáo dân Việt Nam, tạ ơn Chúa vì không có những sai lạc về tín lý, còn những vấn đề về luân lý là thập giá chung của thời đại này mà mọi Giáo Hội địa phương đều phải cố gắng thắng vượt.

Lúc 17g30, các Đức cha có mặt ở Đền thánh Phaolô Ngoại Thành để dâng lễ và viếng mộ ngài. Thánh lễ do Đức Tổng Giám mục Huế chủ sự. Có hơn 30 Đức ông và linh mục Việt Nam đang làm việc hay học ở Rôma đồng tế, cùng với hơn 100 nữ tu và giáo dân Việt Nam tham dự. Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc của ngày lễ, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc nêu lên sứ mạng người tông đồ là rao giảng Đức Kitô là Đấng Cứu Độ cho mọi người. Ở Việt Nam, Giáo Hội nỗ lực chu toàn và cố gắng trung thành với sứ mạng ấy kể cả việc loan báo Tin Mừng cho người cộng sản. Giáo Hội không đứng về phe phái chính trị nào, nhưng trung thành và can đảm rao giảng Tin Mừng, và nếu cần thì sẵn sàng hy sinh cả mạng sống. Các giám mục nhận sứ mạng ấy nhưng như Giêrêmia, các ngài cảm thấy mình “chỉ là trẻ con, không biết nói năng”. Dầu vậy các giám mục tin tưởng không có gì Thiên Chúa không làm được. Đức cha kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa một lòng với các giám mục và khích lệ các giám mục trong sứ mạng tông đồ. Sau thánh lễ, toàn thể các Đức cha cùng với các linh mục, tu sĩ và giáo dân đến cầu nguyện trước mộ thánh Phaolô.

Có thể nói hôm nay là một ngày các Đức cha ý thức sứ mạng khó khăn của Giáo Hội, nhưng tuyên xưng lòng trung thành với Đức Kitô và Hội Thánh, đồng thời hiệp thông với các linh mục và toàn thể Dân Chúa ở Việt Nam, tha thiết nguyện xin và dấn thân làm chứng cho Đức Kitô theo gương thánh Phaolô.

Thứ hai 22.06.2009: GIÁO DÂN VÀ GIA ĐÌNH

90622hdgmvn.jpg

Xem hình ảnh

Do chênh lệch giờ giữa Việt Nam và Italia, nhiều Đức cha chỉ ngủ được vài ba giờ, nhưng tất cả các giám mục đã khởi đầu ngày thứ nhất với thánh lễ đồng tế sốt sắng lúc 6 giờ sáng, do Đức Hồng y Gioan Baotixita chủ sự.

Hôm nay toàn thể các Đức cha đi gặp 2 Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân và về Gia đình. Hai cơ quan này ở chung một tòa nhà nên không phải đi lại nhiều.

Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân

Tiếp đoàn tại trụ sở Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân là Đức ông Clemens, người Đức, và 8 chuyên viên, trong đó có 2 phụ nữ. Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, chủ tịch Ủy ban Giáo dân thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày về đời sống và vai trò của giáo dân trong Giáo Hội Việt Nam, nhấn mạnh đến đức tin và lòng đạo của người giáo dân Việt Nam, siêng năng cầu nguyện và tham dự thánh lễ, hăng hái tham gia sinh hoạt giáo xứ.

Tiếp đến, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, chủ tịch Ủy ban Giới trẻ thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày về một giới trẻ năng động và quảng đại, nêu đặc biệt Đại hội Giới trẻ hằng năm của Giáo tỉnh Hà Nội với con số tham gia ngày càng tăng, nay đã lên đến trên dưới 15 ngàn. Đức ông thư ký Hội Đồng nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần của giáo dân Việt Nam nói chung và của giới trẻ nói riêng.

Giáo sư Cariquiry, phó thư ký, cho biết đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Giáo dân Châu Á tại Hàn Quốc và đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi một đoàn đông đảo giáo dân đi tham dự.

Đức ông thư ký nói: “Chúng tôi nghĩ nhiều về Châu Á, và đặt nhiều hy vọng ở Châu Á.” Cha Jacquinet cho biết Việt Nam đã tham dự ngày càng tích cực và đông đảo vào Đại hội Giới trẻ Thế giới. Đây là cơ hội tốt để giới trẻ sống kinh nghiệm về Đức Kitô trong Hội Thánh, dịp để giới trẻ gặp gỡ trực tiếp các vị lãnh đạo Hội Thánh và chia sẻ với nhau. Trước mỗi Đại hội Giới trẻ Thế giới, Giáo Hội tại quốc gia tổ chức Đại hội nhận cây Thánh giá như sứ mạng trao cho giới trẻ sống và loan báo mầu nhiệm Đức Kitô cho nhân loại, và cây Thánh giá đó đã được chuyển đến nhiều quốc gia trên thế giới. Đó cũng có thể là khuôn mẫu cho các Đại hội Giới trẻ ở các cấp độ địa phương.

Giáo sư Carriquiry nêu lên 3 tiêu chí về căn tính Công Giáo so với anh em Tin Lành: lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, lòng sùng kính Đức Mẹ và sự gắn bó với Đức Thánh Cha.

Cả ba điều ấy đều nổi bật nơi giáo dân Việt Nam. Đức ông thư ký cũng lưu ý các giám mục tổ chức các khóa đào tạo giáo dân để họ tham gia tích cực và lãnh trách nhiệm nhiều hơn nữa trong các giáo xứ cũng như ở những bình diện rộng lớn hơn. Kết thúc buổi gặp gỡ và làm việc rất sinh động, Đức ông thư ký ca ngợi và cám ơn giáo dân Việt Nam đang nêu gương cho Giáo Hội Châu Á nói riêng và Hội Thánh toàn cầu nói chung.

Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình

Tại trụ sở Hội đồng Toà Thánh về Gia đình, tiếp đoàn là Đức Hồng y Enio Antonelli, chủ tịch Hội Đồng, và 4 chuyên viên.

Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, chủ tịch Ủy ban Gia đình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày về gia đình truyền thống Việt Nam rất phù hợp với giáo lý Công Giáo, đặc biệt về lòng hiếu thảo, nếp sống đại gia đình, lễ nghĩa gia phong, quan hệ họ hàng thân thuộc gắn bó. Tinh thần ấy có thể áp dụng vào Hội Thánh như gia đình Thiên Chúa trong đó mọi người sống với Thiên Chúa theo tình con thảo và với tha nhân như anh em thân thuộc. Tuy nhiên hiện nay có hai trào lưu đang tác động vào gia đình truyền thống ấy là việc đô thị hóa và toàn cầu hóa. Trào lưu trước khiến nhiều người phải xa gia đình đi làm việc ở các đô thị. Trào lưu sau đem nếp sống tây phương vào xã hội Việt Nam. Khuynh hướng gia đình nhỏ đang dần dần thay thế đại gia đình. Những hiện tượng tiêu cực như sự ích kỷ, đề cao vật chất, thiếu sự chăm sóc và dạy dỗ con cái, nhất là về đời sống đức tin, nạn nam nữ sống chung không kết hôn, nạn ly dị, nạn phá thai… đang đe dọa những giá trị văn hóa truyền thống và đức tin của gia đình công giáo. Trong những năm gần đây, Hội đồng Giám mục đã nhiều lần nhắc nhở giáo dân về những giá trị vĩnh cửu của gia đình theo tinh thần Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh cần phải được bảo vệ và phát huy. Hơn lúc nào hết, Giáo Hội Việt Nam cần một nền mục vụ gia đình để hướng dẫn và giúp đỡ các gia đình, nhất là những gia đình trẻ.

Ông Simon, phó thư ký, ghi nhận 3 điểm quan trọng nêu trong bản phúc trình: (1) giáo dục Công giáo trong gia đình; (2) chương trình giáo dục những người sắp kết hôn và giúp đỡ những gia đình trẻ; (3) đạo đức sinh học: sự sống phải được đón nhận với tinh thần trách nhiệm trong gia đình. Một chuyên viên giới thiệu các tài liệu Hội đồng đã soạn thảo và phát hành có thể giúp các giám mục Việt Nam trong mục vụ gia đình. Đức Hồng y chủ tịch đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi thêm người đi học chuyên biệt về mục vụ gia đình, đồng thời hứa sẽ giúp các giám mục khi có những chương trình cụ thể.

Sau khi thảo luận một vài vấn đề mục vụ về ngừa thai và phá thai, Đức Hồng y chủ tịch nhấn mạnh tầm quan trọng của trách nhiệm giáo dục con cái trong gia đình, việc cầu nguyện trong gia đình dựa trên Lời Chúa và được kiểm nghiệm trong đời sống, và kết luận: Cần giúp mọi người ý thức và xác tín “gia đình không chỉ là đối tượng nhưng còn là chủ thể của mục vụ”.

90621hdgmvn.jpg

Xem hình ảnh

Chúa nhật 21.06.2009: MỌI CON ĐƯỜNG ĐỀU DẪN ĐẾN ROMA

Theo giáo luật, cứ 5 năm một lần, các giám mục của các giáo phận trên toàn thế giới phải về Rôma để: (1) viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vì các giám mục là những người kế nhiệm các thánh tông đồ; (2) gặp Đức Thánh Cha, Đấng kế vị thánh Phêrô và là vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian; (3) làm việc với các Bộ thuộc Toà Thánh. Tất cả đều nhằm mục đích liên kết các giám mục với Đức Thánh Cha, liên kết các giáo hội địa phương với Giáo Hội phổ quát, như ước nguyện của Chúa Giêsu: “Xin cho mọi người nên một”.

Trong truyền thống đó, các giám mục Việt Nam đã cùng lên đường sang Rôma vào ngày thứ bảy 20-06-2009. Lúc 20g00, các giám mục thuộc giáo tỉnh miền Trung và miền Nam đã có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất. Hai giờ sau, các giám mục thuộc giáo tỉnh miền Bắc cũng có mặt đông đủ. Sau đó, lúc 23g00, chuyến bay cất cánh đưa các giám mục sang Paris, tiếp đó đến Rôma lúc 9g00 sáng Chúa nhật 21-06-2009.

Tính cho đến tối Chúa nhật 21-06-2009, trừ các Đức cha nghỉ hưu, 29 Đức cha trực tiếp từ Việt Nam hay đang ở các nơi khác đã tề tựu tại Domus Romana Sacerdotalis (Nhà Linh mục) gần Đền Thánh Phêrô ở Rôma. Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, giáo phận Quy Nhơn, và Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận, giáo phận Cần Thơ, vì đau yếu không đến đươc. Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, giáo phận Kontum, chưa đến được vì đang chữa bệnh, nhưng hy vọng sẽ đến.

Các Đức cha đã cùng dâng Thánh Lễ đầu tiên do Đức cha Chủ tịch HĐGMVN chủ sự. Trong bài chia sẻ, Đức cha Chủ tịch đã nói lên niềm vui của các giám mục Việt Nam được đến Kinh thành muôn thuở của Giáo Hội, lại không đến một mình nhưng đến cùng với tất cả anh em trong HĐGM, và đến để sống mầu nhiệm hiệp thông cách hữu hình và cụ thể qua việc gặp gỡ Đức Thánh Cha và làm việc với các Bộ thuộc giáo triều Rôma.

Ngài mời gọi các giám mục dâng những ngày này lên Chúa Kitô, Đấng mà Tin Mừng Marcô Chúa nhật 12 thường niên mô tả là Người hiện diện bên các tông đồ giữa cảnh phong ba bão táp và mang lại bình an cho các ông.

Sau thánh lễ đồng tế các Đức cha đã trao đổi về chương trình làm việc trong những ngày tới. Ngày đầu tiên, thứ hai 22.6, các Đức cha sẽ gặp Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân và Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình.

Trong tâm tình hiệp thông, xin toàn thể cộng đồng Dân Chúa trong nước cũng như ở hải ngoại cầu nguyện cho cuộc viếng thăm Ad Limina năm nay thu được nhiều hoa trái thiêng liêng.

(Nguồn: http://hdgmvietnam.org/)

BTT HĐGMVN

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 26.06.2009. 13:27