Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người Công giáo bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức cố Hồng y Thuận và tổ tiên nhân Lễ Các Đẳng

§ UCAN

HUẾ, Việt Nam (UCAN 20/11/2008) -- Ông Phêrô Nguyễn Tấn Tám dùng khăn tay lau mồ hôi mặt sau khi dâng bó hoa trắng và nhang trước mộ Cụ Phêrô Martinô Ngô Đình Khả, ông ngoại của Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

"Hằng năm sau thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, chúng tôi kéo nhau viếng lăng Cụ, lăng Thánh Bường, nhà tưởng niệm Đức cố Hồng y, trong khi con cháu chúng tôi viếng mộ ông bà", ông Tám, lãnh đạo giáo dân của giáo xứ chính toà Phú Cam, cho UCA News biết. Ông nói linh mục chánh xứ Antôn Dương Quỳnh hướng dẫn 50 giáo dân đến viếng các nơi này sau khi cử hành Thánh lễ kính Các Đẳng tại nhà thờ chính toà hôm 2-11.

Lăng của Cụ Khả, xây theo cung cách triều đình và có tháp vòm cao 10 mét, đứng trên ngọn đồi rộng 10.000 mét vuông cách nhà thờ chính toà khoảng 500 mét trong cố đô Huế, cách Hà Nội 660 km về phía nam. Nhiều người dân địa phương chiếm đất trồng rau, thả vật nuôi và xây nhà quanh lăng mộ trong những năm gần đây.

Theo ông Tám, cựu học sinh Trường Quốc Học Huế do cụ Khả sáng lập ở Huế năm 1896 và làm hiệu trưởng đầu tiên, trường này đã đào tạo nhiều lãnh đạo nổi tiếng trong đó có các lãnh đạo cách mạng. Hiện nay trường này được nhà nước dùng làm trường chuyên trung học phổ thông.

"Người Công giáo ở đây rất biết ơn và kính trọng cụ Khả, con cháu cụ cũng đóng góp rất nhiều cho Giáo hội địa phương", ông Tám lưu ý.

Nữ tu Maria Mađalêna Trương Thị Lý, cháu ngoại cụ Khả, cho UCA News biết ông ngoại của sơ làm quan lớn trong triều Nguyễn. Cụ Khả (1850-1925) có sáu con trai và ba con gái. Một trong các con trai của cụ là Đức Tổng Giám mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục của Huế qua đời năm 1984 tại Mỹ. Một người con trai nữa của cụ là ông Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm làm tổng thống Miền Nam Việt Nam, sau đó ông và người con trai thứ ba của cụ là ông Giacôbê Ngô Đình Nhu bị ám sát ngày 2-11-1963, nữ tu dòng Mến Thánh Giá Huế kể thêm.

Sơ Lý còn cho biết một trong các con gái của cụ Khả là bà Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp, thân mẫu của Đức Hồng y Thuận. Đức hồng y làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình qua đời tại Rôma năm 2002.

Sơ Lý, 83 tuổi, phải ngồi xe lăn, cho biết sơ nhờ người đưa đi viếng và thắp nhang cho mộ ông ngoại vào lễ 2-11, vì con cháu trong gia đình sơ đã bỏ ra nước ngoài sau vụ ám sát ông Diệm hoặc đã bị giết hại.

Bà Margaret Nguyễn Thị Hoa, 65 tuổi, giáo dân giáo xứ chính toà, nói năm nào giáo dân cũng viếng lăng và cầu nguyện cho cụ Khả và gia đình cụ, họ cũng từng là giáo dân của xứ. Đức Tổng Giám mục Thục khởi công xây dựng lại nhà thờ chính toà hiện nay năm 1963, bà lưu ý.

Cha Quỳnh, 59 tuổi, nói với những người viếng mộ cụ Khả rằng gia đình này đã mang lại vinh dự lớn lao cho Giáo hội địa phương qua Đức Hồng y Thuận.

Sinh năm 1928, Đức Hồng y Thuận làm giám mục của Nha Trang từ năm 1967 đến ngày 23-4-1975, thì được bổ nhiệm làm tổng giám mục phó của tổng giáo phận Sài Gòn. Nhà nước không chấp nhận và đã bỏ tù ngài 13 năm, trong đó có chín năm biệt giam. Ngài được trả tự do năm 1988 và được phép đi nước ngoài năm 1991. Trong khi ở nước ngoài, ngài bị cấm trở lại Việt Nam.

Khi còn sống, " Đức Hồng y mong muốn có dịp trở về quê hương thăm viếng giáo dân và viếng mộ ông bà", cha Quỳnh kể.

Ngài nói Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình đã mở án phong thánh cho Đức Hồng y Thuận năm 2007. Đức Hồng y làm chủ tịch hội đồng này từ năm 1998 đến khi qua đời vì ung thư năm 2002, thọ 74 tuổi.

Vị giám chức sống lưu vong đã hiến nhà từ đường của mình cho tổng giáo phận sau khi được bổ nhiệm làm Hồng y năm 2001. Căn nhà hiện được dùng làm chỗ ở cho các ứng sinh chủng viện, theo ông Matthêu Nguyễn Đình Lục, chủ tịch hội đồng giáo xứ.

Sau khi viếng mộ cụ Khả, cha Quỳnh và bà con giáo dân đến viếng thăm ngôi nhà này, trong đó có nhà nguyện được thân sinh của Đức Hồng y xây cho ngài mỗi khi ngài về thăm gia đình sau khi làm giám mục.

Họ còn viếng mộ Thánh Bường, chủ tịch đầu tiên của hội đồng giáo xứ Phủ Cam, bị xử trảm năm 1833 và được phong thánh năm 1988.

UCAN

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.11.2008. 13:14