Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngôn và Hành: Khoảng cách xa vời vợi

§ Người Giồng Trôm

Khoảng cách từ cái miệng đến bàn tay không xa lắm ! Nếu tính độ dài chắc chưa được một thước Tây. Thế nhưng rồi, khoảng cách giữa lời nói và thực hành lại dường như xa vời vợi ...

Chỉ mới đây, thấy được những hình ảnh, những tâm tình sau cuộc Hội thảo do Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, được tổ chức từ ngày 03 – 06.9.2018 tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng giáo phận Huế xem ra thành công rực rỡ như bao nhiêu Hội thảo khác cũng như bao Hội thảo từng làm trước đây. Hẳn nhiên, không ai có thể cũng như dám phủ nhận công lao từ người đứng đầu có trách nhiệm cho đến mỗi thành viên tham dự. Thế nhưng rồi, nhìn vào thực tế của Giáo Hội, e rằng Giáo Hội cần làm điều gì đó để cho những Hội thảo, những phát biểu hay những tài liệu được đem ra áp dụng ngay trong thực tế chứ đừng để nó trôi vào quên lãng.

Cũng trong những ngày đó, trên trang mạng của vài cá nhân, bỉ nhân đây chợt thấy hình ảnh căn lều mái lá nói đúng nghĩa của hai vợ chồng nghèo ở vùng Hà Bầu – Tiên Sơn (giáo Phận Gia Lai) được thay bằng căn nhà mái tôn với nền xi măng mới. Thành quả đó do nhiều tấm lòng thơm thảo chia sẻ cùng với nhiệt tâm của một linh mục quen biết.

Tuy còn khá trẻ, vị linh mục này đã hy sinh tuổi xuân của mình để rời bỏ gia đình, rời bỏ những nơi ở an ổn để đi lên miền sơn cước. Hẳn nhiên ở nơi đó, lòng bảo lòng không thể nào ngồi yên trước những cảnh khổ của những con người nghèo và bất hạnh.

Cũng một linh mục quen biết vừa được “di dời” ra vùng Bắc Kạn. Ở cái Bắc Kạn nghèo này cũng chả khá hơn vùng miền Tây sông nước mà Cha đã hơn một lần ở.

Cũng ki cóp đồng này đồng kia và cùng với dân để đi dựng những căn nhà tình thương cho những mảnh đời bất hạnh. Nay “lui về” Bắc Kạn đời cha cũng chả khá hơn. Cha lại tiếp tục rong ruỗi trên những con đường vách núi cheo leo để dâng Lễ và hiện diện với những người đồng bào thiểu số.

Vùng Phú Thiện (Phú Bổn – Giáo Phận Gia Lai) cũng chả khá hơn. Những linh mục trẻ đã dấn thân và có thể nói đã dấn thân hết mình và hết tình.

Một Cha trẻ nói : “Ban đầu bỏ ăn sáng thấy khó chịu nhưng giờ ăn sáng chuyển thành anh chiều và có khi là ăn tối luôn !”

Thật vậy, một mình Cha phải gánh vác thứ Bảy và Chúa Nhật Lễ ở nhiều nơi. Những ngày cuối tuần muốn tìm Cha hơi bị khó. Giản đơn rằng từ sáng cho đến tối mịt mới trở về căn phòng đơn sơ nóng bức để ngả lưng.

Nói như thế để thấy được rằng một thực tế rất khó nói rằng phải đến, phải cùng ăn, cùng ở, cùng sống với những thân phận ở tận đáy cùng của Xã Hội và Giáo Hội thì mới “nếm”, mới “ngửi” được “mùi” của người nghèo. Nếu chỉ ở đâu đó trên bàn giấy cùng với tông huấn này, nghị định kia thì e rằng truyền giáo mãi mãi vẫn là truyền giáo ở trên môi miệng mà thôi.

Chả cần đâu xa, ở cái xứ sở mà bỉ nhân đang cùng chung sống, cùng ăn cùng uống cùng hiện diện với những người nghèo đây thì mới hiểu được thực trạng khó của truyền giáo biết là bao. Nhiều khi muốn có miếng gì đó ngon ngon một chút hay thuốc thang đàng hoàng một chút thì dường như chỉ trong mơ. Và rồi cứ vui vẻ sống nghèo giữa người nghèo có chết chóc gì đâu. Nhưng khi và chỉ khi sống như thế ta mới cảm nghiệm được cái nghèo của những con người nghèo tại chỗ. Nếu không sống mà nói thì chắc có lẽ ai nói chả được mà có khi còn nói hay lắm nữa !

“Thầy già” lặn lội đến thăm từng gia đình trong xứ đạo để rồi Thầy thấy được những vất vả gian nan. Chính bản thân của những người lâu năm có đạo nhưng nay đã bỏ đạo cũng chỉ vì những lý do ... ngoài ý muốn. Và, muốn họ trở về sinh hoạt chung với cộng đồng giáo xứ thì bước đầu tiên cần đó chính là tiếp cận. Sau đó, mình phải lắng nghe cảm thức của họ để rồi tìm mọi cách chung chia cảm thức ấy. Có khi họ cũng chả cần vật chất vì đới với miền Tây bình dị thì như thế là đủ rồi. Điều họ cần đó là những chuyến viếng thăm, những lần gặp gỡ và những chuyện chung chia cuộc sống tinh thần mà lâu nay họ thiếu vắng.

Và như thế, chả cần phải nói đâu xa. Các đấng các bậc học cao hiểu rộng và nghiên cứu về truyền giáo trước hết hãy xin về ở với những con người hoàn cảnh như ở vùng Hà Bầu - Tiên Sơn hay Sáu Bọng hay xa hơn nữa tận vùng Bắc Kạn – Lạng Sơn. Đây chỉ là vài ba nơi “thí điểm” nơi hiện diện của những con người nghèo chứ còn hàng ngàn và sa số !

Vấn đề chính yếu rằng có can đảm để đến ở với những nơi nghèo như thế để cảm nhận được đời sống của họ hay không ? Có khi rất hùng hồn để “thuyết phá” nhưng lại chưa bao giờ “lê bước” trên những cung đường dài có khi hàng trăm cây số với những khúc khuỷa gian nan.

Có lẽ, cần sự hiện diện và sống hơn là nói, hơn là Hội thảo. Muốn hội thảo nên chăng phải xả thân và phải “dìm mình” nơi những vùng đất nghèo như thế.

Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết như Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.

Và mới đây, khi nói về công việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam, Đức Giám Mục Phụ Tá giáo phận Hưng Hóa, Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam chia sẻ rất chân tình : “Đừng hô hẩu hiệu... rồi không làm gì”.

Thật thế ! Muôn đời vẫn có sự giằng co giữa ngôn và hành, giữa nói và hành động. Có khi người ta vụ hình thức bên ngoài, có khi người ta yêu chuộng Hội thảo nhưng rồi lại quen bén đến chuyện hiện diện và sống với người nghèo và có hoàn cảnh éo le trong đời.

Thể như tâm tình và ước nguyện của nhiều người, nên chăng hãy sống tâm tình truyền giáo tự chính bản thân của mỗi người Kitô hữu. Nên chăng hãy làm gì đó, hãy hành động để người khác nhìn vào mình là người có Đức Kitô hơn là người chỉ nói về Đức Kitô.

Người Giồng Trôm

Đọc nhiều nhất Bản in 13.09.2018 16:54