Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Năm Thánh 2010: Phỏng vấn Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM Việt Nam

§ WHĐ

WHĐ (12.11.2009) – Còn ba ngày nữa, 15-11-2009, toàn thể Cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam bắt đầu tuần Cửu nhật cầu nguyện cho “mọi sinh hoạt trong Năm Thánh được tiến hành tốt đẹp và mang lại nhiều ích lợi thiêng liêng cho mọi người” (Trích Thư Năm Thánh, số 5).

DCNhon.jpg

Nhân dịp bắt đầu tuần Cửu nhật, đồng thời cũng hướng đến Năm Thánh 2010 của Giáo Hội tại Việt Nam, Trang tin điện tử của Hội đồng Giám mục (WHĐ) đã xin được phỏng vấn Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục giáo phận Đà Lạt, Chủ tịch HĐGMVN.

Đức cha Phêrô đã ưu ái nhận lời.

WHĐ xin chân thành cảm ơn Đức cha Chủ tịch và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn bài trả lời phỏng vấn của Đức cha.

* * *

WHĐ: Kính chào Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Trước khi khai mạc Năm Thánh, HĐGMVN đề nghị Dân Chúa làm Tuần Cửu Nhật, từ ngày 15 đến 23-11-2009, nhằm mục đích “cầu nguyện cho mọi sinh hoạt trong Năm Thánh được tiến hành tốt đẹp và mang lại nhiều ích lợi thiêng liêng cho mọi người” (Trích Thư Năm Thánh, số 5).

Xin Đức cha cho biết nội dung và hình thức của Tuần Cửu Nhật.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn: Năm Thánh là thời gian hồng ân của cả Giáo Hội Việt Nam cũng như của mỗi tín hữu. Vì thế tuần cửu nhật trước hết nhằm tạo bầu khí thiêng liêng, giúp cho mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội ý thức về tầm quan trọng của Năm Thánh đối với Giáo Hội Việt Nam, giúp chuẩn bị tâm hồn bước vào Năm Thánh với tâm tình sốt sắng và với tâm hồn sẵn sàng đón lấy các ơn ích thiêng liêng cho đời sống của Giáo Hội Việt Nam cũng như cho đời sống riêng của mỗi người.

Tuần Cửu Nhật hướng vào những nội dung sau:

- Tạ ơn Thiên Chúa vì Hồng Ân Đức Tin

- Biết ơn các tiền nhân vì Hồng Ân vô giá mà các Ngài để lại

- Xin ơn Thiên Chúa để cho các cử hành trong Năm Thánh này được tốt đẹp, theo nghĩa vừa đẹp lòng Chúa vừa mang lại hiệu quả thực sự cho đời sống đức tin cũng như cho sứ mạng của Giáo Hội Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Còn về hình thức, theo tôi được biết, nhiều giáo phận đã chuẩn bị cho Dân Chúa những mẫu cầu nguyện trong tuần Cửu Nhật. Chẳng hạn, trang WHĐ đã giới thiệu mẫu cầu nguyện của Tổng Giáo phận TP.HCM cho các giáo xứ và gia đình trong tuần Cửu nhật từ 15-23/11/2009. Theo mẫu này, mỗi ngày gồm có một chủ đề, với việc xướng ý cầu nguyện, Lời Chúa, suy niệm và lời cầu nguyện kết thúc. Mỗi ngày có thể cử hành trong thánh lễ, hoặc trước lễ sáng hay lễ chiều tại nhà thờ giáo xứ, hoặc vào giờ Kinh Tối tại gia đình.

- Thưa Đức cha, trong Thư Năm Thánh ban hành ngày 9-10-2009 tại Xuân Lộc, HĐGMVN kêu gọi mọi người cùng xây dựng Giáo Hội theo mô hình Hiệp thông và Tham gia. Trong chiều hướng đó, các mục tử còn chia sẻ với Dân Chúa về nhiệm vụ xây dựng Hội Thánh: “Chúng ta được mời gọi xây dựng Giáo Hội không phải bằng những đường lối và tính toán của người đời”.

Xin Đức cha giải thích thêm về sự chia sẻ này.

- Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn: Chúng ta xây dựng Giáo Hội và chúng ta là Giáo Hội của Chúa Kitô, vì thế chúng ta – mọi thành phần Dân Chúa – không thể xây dựng Giáo Hội nếu không có sự hoán cải sâu xa, toàn diện, theo đòi hỏi của Tin Mừng. Những người mang trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội như giám mục, linh mục không thể xây dựng Giáo Hội nếu không mang lấy tinh thần của người tôi tớ phục vụ chứ không phải “được phục vụ”, tinh thần của người mục tử chấp nhận hy sinh để đoàn chiên được sống và được sống dồi dào, tinh thần của chính Chúa Kitô, làm tất cả để ý Thiên Chúa được nên trọn chứ không phải ý của mình hay của bất cứ ai khác. Người giáo dân cũng không thể xây dựng Giáo Hội nếu không mang lấy tinh thần Tin Mừng, nghĩa là dứt bỏ mọi tính toán về danh vị, lợi lộc, đồng thời ý thức đúng đắn về phẩm giá cũng như ơn gọi của mình như là chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, là thợ trong vườn nho của Chúa. Mọi đóng góp của chi thể, dù nhỏ bé đến mấy cũng đều làm lợi cho cả thân thể. Thậm chí, nếu mỗi chi thể sống đúng với ơn gọi của mình thì cũng đã làm cho cả thân thể được lớn mạnh. Mỗi người tín hữu đều được gọi vào làm việc trong vườn nho của Chúa.

Tổ tiên của chúng ta trong đức tin, các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cũng là mẫu gương để chúng ta học cho biết thế nào là xây dựng Giáo Hội. Các ngài đã chấp nhận tất cả, chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả, miễn là Đức Kitô được rao giảng và các giá trị Tin Mừng được gìn giữ và lưu truyền. Các ngài xây dựng Giáo Hội bằng chính cuộc sống đạo hạnh và bằng cái chết  thánh thiện, để tuyên xưng niềm tin và lòng mến đối với Thiên Chúa cũng như đối với tất cả mọi người, không loại trừ ai.

- Như vậy, thưa Đức cha, trong Năm Thánh, Dân Chúa không chỉ ôn lại lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam để cảm tạ ơn đức Tin Chúa đã ban, đồng thời biết ơn tiền nhân, mà còn hướng đến nhiệm vụ xây dựng Hội Thánh và “đóng góp phần mình vào việc phát triển con người và xã hội cách toàn diện, trong tinh thần đối thoại chân thành, hợp tác lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau”.

Thưa Đức cha, tinh thần “đối thoại”, “hợp tác” và “tôn trọng lẫn nhau” có cần được làm mới lại hay không?

 - Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn: “Đối thoại” có thể nói là cách thức phù hợp nhất để đóng góp phần mình vào việc phát triển con người và xã hội cách toàn diện theo tinh thần Tin Mừng, và hơn nữa theo hướng mục vụ của Công Đồng Vatican II. Điều này đúng cho sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới hôm nay chứ không riêng gì cho xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, chỉ có đối thoại khi có sự “hợp tác” và “tôn trọng lẫn nhau”, còn nếu không thì chỉ là độc thoại, đó là chưa kể việc, khi không tôn trọng lẫn nhau thì mọi lời lẽ đều có thể bị giải thích cách sai lạc, cắt xén theo ý đồ của mỗi bên.

Đàng khác, sự “tôn trọng lẫn nhau” giả thiết mỗi bên phải được nhìn nhận giá trị cũng như vai trò chính đáng của mình. Giá trị và vai trò của tôn giáo nói chung cũng như của Kitô giáo nói riêng trong các lãnh vực khác nhau của xã hội Việt Nam vẫn còn là vấn đề… Trong thực tế, Giáo Hội vẫn lên tiếng đối thoại và Giáo Hội luôn muốn tiếng nói của mình được đón nhận và truyền đạt cách trung thực từ mọi phía.

Chính vì vậy mà HĐGM Việt Nam đang cố gắng tạo ra một “nơi” chính đáng để có thể nói lên tiếng nói của mình, và chúng tôi hy vọng trang web của HĐGM có thể phần nào đáp ứng lại đòi hỏi đó.

Trở lại vấn đề “đối thoại” như cách thức “góp phần vào việc phát triển con người toàn diện”, thiết tưởng chúng ta nên hiểu cho đúng tầm mức của vấn đề chứ không chỉ giản lược vào quan hệ giữa “Giáo Hội” với “Nhà Nước”. Đối thoại theo Tin Mừng là đối thoại với con người và vì con người, bất kể họ là ai. Hơn nữa, đối thoại mang ý nghĩa cứu độ không dừng lại ở lời nói, thậm chí khi lời nói trở thành vô ích hay không mấy hiệu quả thì chính sự dấn thân hành động mới là cách “lên tiếng” có sức thuyết phục hơn nhiều. Chúng ta đừng nên ngồi chờ người khác nhìn nhận vai trò và giá trị của mình rồi mới sống, mới hành động. Ngược lại hãy dấn thân, hãy sống các giá trị Tin Mừng như một chứng từ thì chính hiện diện của chúng ta giữa lòng xã hội tự nó sẽ có sức thuyết phục. Nếu hiểu theo nghĩa này thì Giáo Hội Việt Nam, qua các thành phần Dân Chúa, đã và đang lên tiếng cách mạnh mẽ qua các hoạt động trong rất nhiều lãnh vực xã hội, từ giáo dục, y tế cho đến việc chăm sóc người di dân… cho dù đó là những lãnh vực mà tiếng nói của Giáo Hội vẫn chưa được nhìn nhận cách chính thức. Có những tiếng nói thầm lặng nhưng hết sức dứt khoát và triệt để của biết bao nhiêu Kitô hữu trong cuộc đối thoại với xã hội nhằm bảo vệ và thăng tiến con người.

Vì thế, nói cho cùng, điều cần phải làm mới lại, không chỉ là nỗ lực đối thoại bằng lời nói,  mà còn là đối thoại bằng con tim, nỗ lực canh tân lòng mến, thúc đẩy nhiệt tình dấn thân nơi các Kitô hữu trong mọi lãnh vực của đời sống con người, trên quê hương thân yêu của chúng ta.

Tôi cầu chúc tất cả mọi thành phần Dân Chúa bước vào Tuần Cửu Nhật này với tinh thần cầu nguyện, sám hối, tin yêu và hy vọng để có thể hiệp thông vào cử hành Lễ Khai Mạc Năm Thánh và sống Năm Thánh cách tốt đẹp, thánh thiện và hiệu quả nhất như Thiên Chúa muốn nơi mỗi Kitô hữu và nơi Giáo Hội trên quê hương Việt Nam này.

- Chân thành cảm ơn Đức cha đã dành thời giờ cho WHĐ. Qua cuộc trò chuyện này, Đức cha đã gợi lên những ý lực và tâm tình, không chỉ giúp cho việc cử hành tuần Cửu Nhật đi vào chiều sâu, mà còn như một “cẩm nang” nêu những nét cốt yếu nhất của tinh thần Năm Thánh 2010, giúp cho việc kỷ niệm 350 năm Giáo Hội Việt Nam và 50 năm Thiết lập hàng Giáo phẩm tại Việt Nam một cách có ý nghĩa và được nhiều ơn ích, trong đó không thể không nói đến “ơn” làm mới lại cuộc sống Kitô hữu, như qua một gợi ý của Đức cha trong bài phỏng vấn này: “Điều cần phải làm mới lại, không chỉ là nỗ lực đối thoại bằng lời nói, mà còn là đối thoại bằng con tim, nỗ lực canh tân lòng mến, thúc đẩy nhiệt tình dấn thân nơi các Kitô hữu trong mọi lãnh vực của đời sống con người”.

WHĐ cũng biết ơn Đức cha đã dành cho WHĐ sự quan tâm và kỳ vọng: “HĐGM Việt Nam đang cố gắng tạo ra một “nơi” chính đáng để có thể nói lên tiếng nói của mình, và chúng tôi hy vọng trang web của HĐGM có thể phần nào đáp ứng lại đòi hỏi đó”.

WHĐ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.11.2009. 09:52