Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mùa vui miền Sơn cước

§ Lê Lượng

NGHỆ AN - 10 giờ 45 ngày 23 tháng 12 năm 2008 là khởi điểm cho “hành trình lên núi” của ba thầy trò chúng tôi: Linh mục Gioan Nguyễn Phước, Cha Linh hướng kiêm giáo sư Đại chủng viện Vinh-Thanh, thầy Phaolô Phạm Trọng Phương và tôi.

Chiếc xe bon bon đưa chúng tôi lên đường trong cái lạnh buốt gia pha chút mưa mù của những ngày cuối đông. Ngoài trời, rét giá như cắt da xẻ thịt! Nhưng, chúng tôi lại cảm thấy ấm lòng với niềm hy vọng “trở về nguồn” để tận hưởng chút hơi ấm bò lừa đích thật của miền sơn cước xứ Lãng (Thạch sơn, Anh sơn, Nghệ an).

90101soncuoc1.jpg

Sau chừng 45 phút Bắc tiến theo trục đường 34, giáo xứ Bảo Nham thân thương, nơi có nhà thờ đá và lèn đá Đức Mẹ Lộ Đức-điểm dừng chân của du khách hành hương đạo-đời bốn phương quy tụ về đây để tìm lại một chút gì đó của “thời xa vắng”- đã lộ hiện trước mắt chúng tôi.

Ngược lên trục đường 7 chừng vài cây số về phía Bắc là giáo họ Mỹ Khánh, điểm dừng chân đầu tiên của ba thầy trò chúng tôi. Mỹ Khánh là một trong năm giáo họ của giáo xứ Bảo nham, với số giáo dân khoảng 1500, sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp lúa nước và buôn bán nhỏ lẻ.

Giáo dân nơi đây tuy nghèo, nhưng lại giàu tình nghĩa. Cái giá lạnh trời đông đã nhường chỗ cho hơi ấm của tình người thôn quê. Những trang pháo tay lẹt đẹt của các em nhỏ hòa nhịp với nụ cười của các cụ ông cụ bà ở cái tuổi “hàm ơi ở lại răng đi nhé” đã làm cho chúng tôi cảm thấy thấm thía câu nói của người xưa: “Nghèo nhân nghèo ngãi mới lo; nghèo tiền nghèo bạc chả lo là nghèo”!

Sau giờ cơm trưa vội muộn, bữa tiệc Thánh Thể đã bắt đầu lúc 13 giờ. Mặc dù thời điểm bất ưng, nhưng các dãy ghế trong thánh đường cũng đã đầy chỗ. Khởi đầu Thánh lễ mừng kính sinh nhật thánh Gioan tẩy giả, cha chủ tế Gioan Nguyễn Phước đã cầu xin bàn tay Thiên Chúa xưa đã làm cho trẻ Gioan và gia đình ông Giacaria và bà Êlisabét thế nào thì nay cũng làm cho giáo dân họ Mỹ, cách riêng Hội đồng Mục vụ như vậy, trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành nốt công trình sân khấu đang dang dở để khởi công xây dựng ngôi trường giáo lý vào đầu năm sau.

Ý chỉ đó đã được cha chủ tế triển khai cách rõ ràng cụ thể trong bài giảng. Ngài nhấn mạnh tất cả những gì chúng ta có hay làm được đều là hồng ân của Thiên Chúa. Chính bàn tay uy quyền của Thiên Chúa đã chúc phúc cho gia đình ông Giacaria và bà Êlisabét qua trẻ Gioan. Chính bàn tay Người cũng đã làm nên những thành công bước đầu nơi giáo họ, chứ không phải vì tài cán của hội này ban nọ, hay của một cá nhân nào, vì “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Tất cả những gì giáo họ làm được đều nhờ ơn Trên: Phaolô trồng, Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên (x. 1 Cr. 3, 6)!

Đúng 1 giờ 45, sau lời cầu“chúc anh chị em đi bình an!”của cha chủ tế, ba thầy trò chúng tôi tiếp tục lên đường trong những cánh tay vẫy chào tiễn biệt lòng đầy luyến tiếc của giáo dân họ Mỹ quê sơ này!

Chiếc xe quay vèo, băng qua ngõ xóm, nhanh chóng đưa chúng tôi ngược lên miền Tây xứ Nghệ theo trục đường số 7, băng qua những cánh đồng bao la đang chờ ngày gieo xạ, và những ngọn núi khuất chìm sau lớp mây mù chiều đông.

Tiếng rù rù điều đặn của động cơ mất hút trong tiếng rít của gió đông đã làm ba chúng tôi thiếp đi… sau chừng hơn một giờ đồng hồ. Nhưng rồi, những cái ổ gà lổ nhổ trên đoạn đường giáp ranh với thị trấn Anh Sơn đã làm ba chúng tôi tỉnh giấc! Cách thị trấn Anh Sơn không xa, chừng vài trăm mét về phía Tây Bắc, là giáo xứ Lãng Điền, điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi trong hành trình dài gần trăm cây số.

Lãng Điền là một giáo xứ miền núi, thuộc giáo hạt Bột Đà, giáo phận Vinh, do cha sở Antôn Nguyễn Quang Thanh-một linh mục trẻ (sinh năm 1972, chịu chức linh mục năm 2006), năng động và đầy nhiệt tâm tông đồ-quản nhiệm gần hai năm nay. Qua chuyện trò, ngài cho chúng tôi biết một vài thông tin về xứ đạo này:

Lãng Điền Xưa và Nay

90101soncuoc2.jpg

Hai giáo xứ Quan Lãng và Lãng Điền hiện thuộc các xã: Tường Sơn, Hội Sơn, Hùng Sơn, Vĩnh Sơn, Đức Sơn, Phúc Sơn, Thạch Sơn và Long Sơn của huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ngày xưa, vùng đất này được gọi bằng những cái tên như Dừa Lạng, Tuần, Mạc, Điền, Đồng Trấm, Bãi Hội, v.v. thuộc tổng Kim Long, phủ Lương Sơn, tỉnh Nghệ An.

Đây là vùng rừng núi heo hút, bị che chắn bởi dãy lèn Kim Nhan hiểm trở, dân cư thưa thớt. Trước đây, Triều Nguyễn đã chọn vùng đất này làm nơi thi hành chiếu chỉ “Phân Tháp” của vua Tự Đức. Theo khẩu truyền, các cụ ngày xưa đã từng thấy những người bị thích vào mặt bốn chữ Nho: “Lơn Sơn Tả Đạo”. Hạt giống đức tin có thể đã được gieo vào đất này năm 1861. Có lẽ sau Hòa ước “Giáp Tuất” (1874), số tín hữu tiên khởi đã nhóm thành một số họ đạo thuộc giáo xứ Mô Vĩnh (huyện Thanh Chương).

Sau khi tách từ giáo xứ Mô Vĩnh để thành lập giáo xứ Quan Lãng năm 1853, đến năm 1931, các họ Nguyên Suất, Đức Sơn và Khẩn của giáo xứ Quan Lãng lại được tách ra để lập thành giáo xứ Lãng Điền. Về sau, giáo xứ Lãng Điền lập thêm hai họ nữa là Khe Da và Xuân Tiến (dân tộc thiểu số). Đến năm 1969, hai họ Phúc Yên và Tràng Yên (thuộc xứ Yên Phúc) được nhập vào giáo xứ này. Do phong trào di dân khẩn hoang năm 1980, giáo họ Nguyên Suất sinh thêm hai giáo họ là Chọ Mùa và Kim Nguyên.

Hiện nay (năm 2008), giáo xứ Lãng Điền gồm có các họ: Nguyên Suất, Chọ Mùa, Kim Nguyên, Đức Sơn, Yên Phúc, Tràng Yên, Khẩn và hai họ dân tộc thiểu số là Khe Da và Xuân Tiến. Theo thống kê, giáo xứ hiện có 514 hộ gia đình với 2.412 nhân danh, sống rải rác trong nhiều xã; nên rất khó khăn cho công tác mục vụ.

Chuyện Lạ Giáng Sinh

Khi được hỏi về Noel năm nay, cha xứ cho chúng tôi biết: ngài sẽ tổ chức đêm diễn mừng Chúa Giáng Sinh tại hai địa điểm: lượt đi sẽ diễn ra lúc 19 giờ 30 ngày 23-12-2008 trên sân khách (giáo họ Đỉnh Tân-họ nhà xứ cũ); còn lượt về sẽ diễn ra lúc 28 giờ ngày 24-12-2008 trên sân nhà (giáo họ Nguyên Suất-họ nhà xứ).

Đỉnh Tân vốn là họ nhà xứ, nhưng hiện nay đất chật, người thưa. Toàn giáo họ chỉ có 43 hộ gia đình, nhưng chỉ khoảng 30 hộ đang sinh hoạt tôn giáo đều đặn. Vì thế, để có không gian cho đêm diễn, cha xứ cũng như Hội đồng Mục vụ phải thương thuyết với chính quyền xã Đức Sơn để tạm mượn sân bóng của họ. Lúc đầu, chính quyền xã dứt khoát không cho. Do đó, cha xứ phải nhờ huyện Anh Sơn can thiệp; nếu không, từ nay những vấn đề xã hội liên quan đến giáo xứ, ngài sẽ không nhúng tay vào.

Cuối cùng, xã nhà cũng ký quyết định cho giáo họ mượn sân bóng để tổ chức đêm diễn nhưng với điều kiện “phải ca ngợi đảng và bác Hồ” (văn bản ghi rõ như thế). Thật là nực cười! Đây là đêm diễn mừng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế làm người, chứ đâu phải mừng đảng mừng xuân, hay mừng sinh nhật của Hồ Chủ Tịch!? Khi được cha xứ và những người hữu trách trong giáo họ giải thích rõ ràng như thế, họ mới cho mượn. Suy cho cùng, chính quyền xã Đức Sơn làm căng như thế giản đơn cũng chỉ vì “bà tui sợ cụ nói xấu bà tui”!

Với giáo dân Đỉnh Tân, sự chấp thuận này quả là một “phép lạ Giáng Sinh” vì từ xưa tới giờ, chính quyền sở tại và dân giáo bản địa như nước với lửa, khó có thể hòa hợp được! Thật là một bất ngờ lý thú! Loa phóng thanh của xã nhà đã trở thành tiếng loa thiên thần báo tin cho toàn bà con lương giáo khắp cả vùng về đây để đón xem đêm diễn nguyện mừng sinh nhật “sớm” của Hài Nhi Giêsu, Con Chí Ái của Thiên Chúa, Sứ Giả Hòa Bình.

Niềm vui góp lại, niềm vui lớn; nỗi buồn chia sẻ, nỗi buồn vơi! Trưa hôm 23-12-2008, Hội đồng Mục vụ giáo họ Đỉnh Tân, với số tiền quyên góp được từ giáo dân, đã tổ chức tiệc mừng Giáng Sinh 2008, mời chính quyền xã nhà cũng như bà con lương dân trong vùng đến chia vui với giáo họ. Niềm vui nối tiếp niềm vui! Những người lương dân trong vùng cũng thắp điện, treo sao để mừng Mùa Vui trọng đại này.

Chưa hết, theo lời kể của thầy xuất Giuse Nguyễn Sỹ Nho, lương dân ở đây, dù không theo đạo, vẫn tin rằng Thiên Chúa của người Công giáo có thể trừ tà ma. Vì thế, khi người thân của họ qua đời nhằm ngày xấu (thầy bói xác nhận như thế), họ cho một người trong dòng tộc gia nhập đạo giáo với hy vọng người này sẽ cản trở tà ma về bắt tiếp những người còn sống trong dòng họ. Chính tay thầy đã rửa tội cho 15 trường hợp như thế (7 trường hợp năm 2007 và 8 trường hợp năm 2008).

Nghe giáo dân Đỉnh Tân tâm sự, chúng tôi thấy còn nhiều chuyện lạ nơi đây. Một cụ già năm nay đã ngoài cái tuổi“bát thập thượng thọ” (83 tuổi) cũng mới trở lại đạo được 3 năm nay. Hồi còn trẻ, ông Giuse đã từng làm chú giúp việc thời các cố Tây. Nhưng, sau do chiến tranh loạn lạc, ông không theo đạo nữa. Mãi đến năm 2005, ông ra Hà nội thăm một người bạn thời các chú nay đã làm linh mục và ông đã trở lại đạo. Mặc dầu tuổi đã cao niên, nhưng sáng nào ông cũng đạp xe 8-9 cây số để sang nhà thờ xứ tham dự Thánh lễ.

Ngay cả ông trùm họ-ông Giuse Trương Văn Quang (53 tuổi)-cũng mới trở lại cách nay 15 năm. Mẹ ông vốn là một người rất sùng đạo, từ nơi khác đến đây sinh sống. Vì thời cuộc, gia đình bỏ đạo hết, nhưng bà vẫn giữ vững đức tin cho đến hơi thở cuối cùng. Gần cuối đời, bà lâm bệnh trọng, mê trầm suốt năm ngày năm đêm mới tỉnh lại. Vì thương mẹ, ông tìm cách chạy thầy chạy thuốc. Nhưng, bà cụ bảo: “Con muốn cho mẹ sống thì hãy duy trì cây nến trên bàn thờ cháy sáng. Mẹ sống là nhờ Chúa của mẹ chứ không phải nhờ cơm gạo hay thuốc thang của các con!”. Vâng lời mẹ, ông duy trì cây nến cháy sáng suốt chín năm ròng, nay vẫn còn.

Bà cụ đã về với Chúa vào ngày đầu tháng hoa kính Mẹ, với nụ cười thánh thiện nở thắm trên môi (cha xứ xác nhận như thế). Dầu bà không còn nữa, nhưng ngọn nến Tin, Cậy, Mến của bà đã được con cháu đời sau thắp sáng. Chính ánh sáng ấy sẽ xua tan bóng tối trong “Đêm Giao Mùa” hôm nay.

Đêm Giao Mùa

90101soncuoc3.jpg

“Đêm Giao Mùa” là chủ đề của đêm diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh diễn ra trên sân vận động xã Đức Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) vào lúc 19 giờ 30 ngày 23-12-2008. Theo nhận định của giáo dân họ Đỉnh Tân, 18 năm kể từ thời cha già Hương quản nhiệm giáo xứ Lãng Điền đến nay, giáo họ mới có được một đêm “Vui cùng Noel” thiêng thánh và đầy ý nghĩa như vậy!

Từ chập tối, bà con từ khắp 4 xã lân cận đã đổ về đây để tham dự đêm canh thức: Hùng Sơn xuống, Hội Sơn sang, Vĩnh Sơn lên, và Thạch Sơn qua. Số người đến tham dự ước tính khoảng 6-7 ngàn. Để bảo đảm an toàn cho người và xe của khách tham dự, cha xứ đã phải huy động hơn sau chục bảo vệ viên.

Bầu trời mùa đông đen kịt, nhưng sân vận động Đức Sơn đêm nay đầy sao. Dù không ồn ào náo nhiệt như nơi phố xá, chốn thị thành, nhưng ai nấy đều cảm thấy thật vui mừng và hạnh phúc! Họ đang đứng giữa trời đông giá rét, giữa mùa tím lắng sâu, mà cứ ngỡ như đang du xuân trong vườn hoa nắng đẹp, rộn rã như mùa gặt bội thu, hân hoan như đoàn quân chiến đấu khải hoàn ! Cùng với giọng nói tiếng cười, tiếng nhạc hòa điệu với ánh đèn sân khấu đã làm cho bầu không khí tưng bừng, nhộn nhịp hẳn lên.

Đêm diễn kéo dài gần ba giờ đồng hồ với bốn phần: 1. Chào mừng Giáng Sinh; 2. Canh thức đêm giao mùa; 3. Bài chia sẻ của cha quản xứ về ý nghĩa Giáng Sinh; 4. Kịch dân ca “Đêm Giao Mùa”. Sau khi làm việc kính Đức Mẹ, việc công bố thư “Chúc Mừng Giáng Sinh” của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt nam và diễn văn khai mạc đêm canh thức “Đêm Giao Mùa: Noel 2008” của Hội đồng Mục vụ giáo xứ Lãng Điền đã thực sự mở đầu cho Đêm Thánh ý nghĩa này.

Tiếp đến, mười hai vũ khúc: “Noel Của Bé” (nhóm nhảy Thánh Linh); “Đồng dao Noel” (tốp múa Măng Non); “Tình Chúa Yêu Con” (giáo họ Nguyên Suất); 4. “Già Noel Khiêu Vũ” (thầy Trọng Phương); “Bóng Dáng Mùa Xuân” (nhóm nhảy Tích Tắc); “Vui Đinh Đoong” (nhóm nhảy Ban Mai Trắng);“Già Noel Tài Năng” (thầy Trọng Phương); “Khúc Nhạc Yêu Thương” (giáo họ Chọ Mùa); “Vũ Điệu Khèn” (giáo họ Đỉnh Tân); “Đêm Giáng Sinh” (giáo họ Khẩn);“Cây Đa Quán Dốc” (tốp múa Hướng Dương); và “Khúc Nhạc Giáng Sinh” (nhóm nhảy Sao Mai), đã lần lượt chuyển đến toàn thể giáo dân và bạn hữu xa gần những thông điệp khác nhau về Noel năm nay.

Thông điệp Giáng Sinh “Đêm Giao Mùa” đã được chuyển tải cách nghệ thuật qua tiểu phẩm cùng tên của tác giả Lê Phiến, do đoàn ca kịch “Lăng-đi-ăng” giáo xứ Lãng Điền thể hiện. “Đêm giáo mùa” phản ảnh hai mảng màu tối-sáng, hai quan điểm và hai cách sống trái ngược nhau của đôi vợ chồng chủ quán trọ vào thời hoàng đế Xêda. Chỉ vì “cuộc sống nhố nhăng, mỗi người một vẻ; không tìm quỷ kế, răng lại được sang giàu; không tàn bạo với nhau, sao ngóc đầu lên được”, hai ông bà đã tìm mọi cách để bóc lột khách qua đường từ cơm ăn nước uống, chỗ nghỉ ngơi giải trí cho đến giá thuê phòng, v.v., bất chấp cả luân thường đạo lý!

Tuy nhiên, xét cho cùng, hai ông bà cũng chỉ là nạn nhân của một chế độ xã hội mà ở đó, “lý thuộc về kẻ mạnh”; bọn quan tham ô hợp hiếp đáp dân lành, “...bọn người xấu người xấu bất lương, lợi dụng lúc nhiễu nhương đè nhười mà trấn lột”. Sống trong xã hội nơi mà phẩm giá con người được cân, đong, đo, đếm… bằng tiền bạc và địa vị, thì ai cũng “sợ nhất cái nghèo, dù có tài đức bao nhiêu, cũng bị người khinh dể”. Chính cái xã hội “điểu cáng” ấy đã “lưu manh hóa” đôi vợ chồng này. Vì “lo thuế má nặng nề..., tham ô rồi trấn lột; phải lo chạy cửa trước, phải lo đút của sau, công việc thì gập đầu...”, nên họ chẳng còn thời gian để mà suy mà nghĩ về ý nghĩa đời mình nữa!

Và rồi, cuộc đời của họ đã sang trang; đêm đông giá lạnh đã nhường chỗ cho bình minh của những ngày xuân nắng đẹp; màu hồng hy vọng đã phủ lấp màu tím lắng sâu! Sau khi gặp gỡ ông Giuse và bà Maria bụng mang dạ chửa đang trên đường quốc bộ về nguyên quán Bê lem để kê khai hộ khẩu theo lệnh điều tra dân số của hoàng đế Xêda, hai ông bà đã cải đổi cuộc đời. Dù không còn chỗ cho Thánh gia trọ nhờ, nhưng ông bà đã có những nghĩa cử thật cao đẹp: trao tiền, tặng áo và chỉ đường cho hai vợ chồng lữ khách tìm về Bêlem để trọ nhờ.

Sau khi được Chúa Hài Nhi, Sứ Giả Hòa Bình, Đấng Cứu Độ, ghé thăm, hai vợ chồng chủ quán đã thống hối ăn năn, tiếc xót cho cái quá khứ “đắm chìm trong tội lỗi, chỉ vì quyền lợi mà quyên hết nghĩa tình; nỡ bán rẻ lương tâm và xéo dày lên nhân phẩm”. Ông bà cảm thấy xấu hổ cho kiếp làm người của mình: “Cái kiến con ong biết hợp đoàn chung sống, mà con người lại tàn nhẫn dẫm đạp lên nhau; chẳng biết nghĩ nông sâu, khác chi loài cầm thú…”.

Lòng sám hối đơn thành ấy đã thúc đẩy ông bà tìm gặp Chúa Hài Nhi. Sau khi gặp gỡ và chuyện trò với ba đạo sỹ từ phương Đông theo dấu ngôi sao lạ dẫn đường đến Bêlem để bái kiến Hài Nhi, ông bà đã xác quyết rằng chính Vua dân Do thái đã đến nhà mình. “Đêm giao mùa” đã đến; Đêm An Hòa đã khởi đầu! Không chần chờ gì nữa, cả gia đình chủ quán, khách trọ và ba nhà đạo sỹ đã tức tốc lên đường đến Bê lem để triều bái Vua Nhân Ái và dâng cúng Ngài vàng, nhũ hương, mộc dược và cả tấm lòng!

Ý Nghĩa Đêm Noel

Không khí sôi động của đêm diễn bỗng trở nên im ắng khi Lời Chúa (Lc.1, 57-66) được cha Antôn Nguyễn Quang Thanh, linh mục quản xứ Lãng Điền, trịnh trọng công bố trước biển người lương-giáo. Tất cả mọi người đã chăm chú lắng nghe ngài chia sẻ về ý nghĩa của “Đêm thánh, Đêm an bình, Đêm Đấng Cực Thánh bước vào cõi đời tục lụy để làm cho cõi tục lụy trở thành chốn thiên thai, Đêm của hôn phối đất-trời, Đêm của hòa hợp thần linh và người thế, Đêm của bình an cho muôn loài dưới thế, Đêm mà cả đất trời nổi lên muôn điệu nhạc rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác…”.

Theo ngài, niềm vui mà mọi người đang tận hưởng trong thời khắc thiêng thánh của “Đêm Giao Mùa” này là do Trời đất ban cho. Được xem múa nhảy, nghe đàn hát, chia sẻ, v.v. là một niềm vui chung cho tất cả những ai đang hiện diện đêm nay, trên sân vận động này. Lời khẳng định ấy đã mở đầu cho một loạt các câu hỏi được đặt ra: “Tại sao chúng ta lại quy tụ về đây để nghe xem đàn hát xướng ca…?”; “Nếu chỉ để mua vui, thì gì chỗ hấp dẫn hơn, cần gì phải đến đây?”; và sau cùng là: “Tại sao chúng ta lại mừng sinh nhật cho một người đã chết?”.

Để làm bật nổi mầu nhiệm Giáng Sinh, ngài đã viện dẫn câu truyện “Tây Du Ký” của nhà văn Trung Quốc-Ngô Thừa Ân, được chuyển phẩm thành “Chuyện Lạ Tôn Ngộ Không” đăng trên Thế Giới Mới năm 1994. Sau đó, đạo diễn Trương Quốc Dũng chuyển thể thành bộ phim“Đường Tăng”. Câu chuyện xoay quanh bốn thầy trò: Đường Tăng, Ngộ Không, Bát Giới và Sa Tăng, mà tâm điểm là những trăn trở, thao thức của họ khi ở giữa ranh giới của kiếp người và cõi Phật.

Trong cái đêm định mệnh, giữa cái ranh giới của kiếp người và cõi Phật ấy, Đường Tăng trằn trọc không sao ngủ được; ngài nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ tất tật những chuyện của kiếp người. Đường Tăng sinh ra vốn đã là người, nên muốn làm Phật; còn Ngộ Không vốn là đá nên chỉ muốn được làm người chứ không muốn thành Phật. Bát Giới và Sa Tăng lại muốn làm Phật để đưa đạo xuống cứu nhân độ thế. Nhưng, cuối cùng, Đường Tăng cũng ngộ ra chân lý: thầy phải làm người để cứu độ con người!

Như vậy, làm người là một ơn gọi lớn lao và cao cả của kiếp nhân sinh. Trong cuộc sống vui ít buồn nhiều, lắm lúc chúng ta muốn rũ bỏ cho xong cái kiếp làm người này. Nhưng, vì tình yêu vô hạn độ, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, lại quyết định nhập thế, nhập thể làm người để cứu độ con người, giải thoát họ khỏi xích xiềng tội lỗi và cả cái chết. Do đó, không có tình yêu thương, chúng ta không là người nữa! Chúa Giêsu làm người để dạy chúng ta làm người bằng cách yêu thương nhau, rửa chân cho nhau, phục vụ nhau, đón nhận nhau và cùng nhau nhận ra chân lý cứu độ.

Vì thế, nếu ai lỡ cho rằng chết là hết như chó, mèo, lợn, gà…, thì kiếp làm người uổng phí vô cùng! Đức Giêsu Kitô đã kinh qua kiếp người lắm gian nan đoạn trường của chúng ta nhằm cứu độ chúng ta. Chính Thiên Chúa đã làm người để con người được làm con Thiên Chúa. Đây hẳn là lý do cho 7-8 tỷ người trên thế giới bỏ tiền ra để mừng đón sự Bình an-Thánh thiện của Hài Nhi Giêsu, Sứ Giả Hòa Bình, Vua Nhân Ái, Thần Tình Yêu.

Ngài kết thúc bài chia sẻ bằng lời nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa thúc đẩy những ai đang khắc khoải kiếm tìm chân lý biết chấp nhận kiếp làm người để rồi can đảm kinh qua con đường trần gian lắm gian nan và đoạn trường này! Ước mong rằng sự Bình an của Chúa Giáng Sinh luôn đồng hành cùng mọi người lương-giáo trên đường đời!

Đêm Nay Noel Về

90101soncuoc4.jpg

Đêm nay Noel về” là chủ đề của đêm diễn lượt về trên sân nhà của giáo họ Nguyên Suất-họ nhà xứ, vào lúc 20 giờ ngày 24-12-2008. Mặc dù lúc đầu bị khựng lại một chút vì trận đấu bóng đá chung kết lượt đi giải AFF Cup giữa Việt Nam và Thái Lan diễn ra vào lúc 19 giờ tối cùng ngày, đây vẫn là một đêm diễn hoành tráng thu hút hàng ngàn người từ các xã lân cận đổ về, nhất là học sinh, sinh viên, thanh niên nam nữ đến từ thị trấn Anh Sơn. Đa phần các tiết mục của đêm diễn lượt đi trên sân khách đã được các nghệ sỹ của đoàn ca kịch “Lăng-đi-ăng” giáo xứ Lãng Điền thể hiện một cách lão luyện làm hài lòng những người tham dự.

Khác với lượt đi, đêm diễn lượt về không có phần chia sẻ Lời Chúa (phần này sẽ được thực hiện trong Thánh lễ Ban đêm). Thay vì “Vũ điệu Khèn” của giáo họ Đỉnh Tân là “Nhạc điệu cồng chiêng” của các giáo hữu dân tộc Thái Trắng (thuộc hai họ đạo dân tộc thiểu số Khe Da và Xuân Trang). Những thanh âm trong lành của cồng chiêng-báu vật gia truyền của tộc người Thái Trắng-sản vật văn hóa của núi rừng xứ Nghệ-đã mang đến cho Mùa Vui năm nay một chút tình, một chút quê, vừa đơn thành chân chất, nhưng cũng vừa thi vị lãng mạn!

Điểm chung nhất của hai đêm diễn và cũng là điểm khác biệt với những mùa Noel trước chính là sự hiện diện bất ngờ thú vị của ông già Tuyết-ông già Noel do thầy Phaolô Phạm Trọng Phương thủ vai. Thay vì nơi phố phường đô hội, chốn thị thành, mùa Giáng Sinh năm nay, ông già Noel đã mang đến cho những phận người nơi miền sơn cước xứ Lãng, nhất là các em nhỏ những lời mừng chúc đầy ý nghĩa, những món quà Giáng Sinh xinh xắn, những câu đố vui nhí nhảnh, những trò ảo thuật tinh nhanh không những kích thích sự tò mò của các khán giả nhí mà còn làm hài lòng những người lớn đến xem! Thật đúng là “xưa nay hiếm”!

Sau chừng 3 tiếng đồng hồ, đêm diễn khép lại. Mọi người lại trở vào thánh đường để đón chờ giây phút Con Thiên Chúa giáng trần, cao điểm của Đêm Thánh. Cha quản xứ đã dành hẳn các dãy ghế ở cánh gà bên phải thánh đường cho những người lương dân thiện chí ngồi tham dự Thánh lễ; đa phần là các bạn học sinh, sinh viên, thanh niên nam nữ, số còn lại là các cán bộ các cấp của xã Thạch Sơn và huyện Anh Sơn, các giáo viên cấp I, II và III, v.v. Bất phân lương giáo, tất cả mọi người cùng hướng về hang đá Bê lem để cung nghinh Hài Nhi Giêsu, Vua Hòa Bình-Hiệp Nhất!

Ngày Sự Sống

Trước sự hiện diện của đông đảo cử tọa giáo-lương, cha Gioan Nguyễn Phước long trọng tuyên bố: “… Này tôi loan báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa vít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (x. Lc. 2, 10-12).

Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta. Đó là một niềm vui vĩ đại, niềm vui cho toàn thể thế giới. Niềm vui này không chỉ dành riêng cho chúng ta, những tín hữu Kitô, mà còn cho những anh chị em lương dân cùng đến chung vui với chúng ta đêm nay. Ngày lễ Giáng Sinh là ngày mừng sự sống; chính sự sống đem lại cho chúng ta niềm vui!

Thật vậy, Giáng Sinh là một cuộc gặp gỡ giữa Hài Nhi Giêsu với những trẻ em nghèo khổ, bơ vơ tất bạt nơi đầu đường xó chợ, với những trẻ sơ sinh bần cùng đói rách, nhất là với những trẻ sơ sinh bị loại trừ. Theo thống kê, ở Việt nam chúng ta, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu ca nạo phá thai; trong số đó, khoảng 20 % là học sinh, sinh viên. Mừng Chúa Giáng Sinh, chúng ta lại nghĩ đến những đôi vợ chồng hiếm muộn; muốn có mụn con cho vui cửa vui nhà, nhưng niềm vui của họ không thành!

Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra chúng ta trong ân sủng. Vì thế, hồng ân sự sống là một hồng ân cao quý nhất mà chúng ta nhận được cách nhưng không. Thiên Chúa nhập thể làm người và ở giữa chúng ta để dạy chúng ta cách sống sao cho ra một con người. Chính Hài Nhi nằm trong máng cỏ “đã sinh ra cho anh em” sẽ chỉ vẽ cho chúng ta cách làm một con người công chính.

Chúa Giêsu Kitô là mẫu gương chia sẻ. Nhờ quyền năng của Thiên Chúa, Ngài có thể “ở trên trời” để cứu độ chúng ta. Nhưng, Ngài đã làm người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, để sẻ chia thân phận của kiếp người, và hơn hết, để cứu độ chúng ta thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và cả sự chết!

Chia sẻ không phải là bố thí, ban ơn từ trên xuống, hay cho của dư thừa. Nhưng, chia sẻ là đứng ngang hàng. Chúa Giêsu đã “hủy” thân phận Thiên Chúa để sẻ chia thân phận con người trong cảnh nghèo; sẻ chia với con người những khổ đau bất hạnh và cả cái chết nữa! Ngài đã hóa thân làm một con người đến cùng cực; cùng cực đến nỗi đón nhận cả sự sẻ chia của súc vật nữa!

Để kết thúc bài giảng, cha đã viện dẫn câu chuyện một em nhỏ chăn cừu mù tên Nam, tranh thủ lúc rảnh rỗi, trồng rau đem ra chợ bán. Số tiền kiếm được từ ngày này qua tháng nọ đã giúp em mua được một con lừa xinh xắn. Một hôm, tình cờ gặp ông Giuse và bà Maria bụng mang dạ chửa đang quốc bộ về Bê lem, thương tình, Nam đã cho hai ông bà mượn tạm con lừa của mình. Lúc đầu, ông bà không dám nhận vì sợ ba má mắng em. Nhưng, sau khi nghe Nam giải thích, ông bà đã đón nhận tấm lòng đại ái đơn thành của em.

Hôm sau, theo ba lên đồi chăn cừu, Nam đã nghe thấy tiếng loa thiên thần báo tin về một Vị Thiên Sứ sắp sinh ra. Lần theo tiếng đàn sáo xướng ca, cuối cùng Nam cũng tìm đến nơi Hài Nhi Giêsu giáng sinh. Vừa trông thấy, Đức Mẹ đã nhận ra ngay Nam là cậu bé đã cho mình mượn lừa. Ngài đã không ngần ngại cho Nam bế Hài Nhi. Sau lát giây, mắt em mở ra, miệng thốt lên sung sướng: “con đã thấy em bé Giêsu rồi!”.

Chúa Giêsu Kitô chính là Ánh Sáng đích thật! Ngài đến để mở mắt mù của chúng ta. Nhưng, để được nhìn thấy Ánh Sáng Cứu Độ ấy, chúng ta hãy noi gương Thiên Chúa để sẻ chia cho tha nhân như bé Nam, nhất là những người sa cơ lỡ vận, lỡ đường lỡ sá. Ai sống như thế, cuộc sống mới thật sự có ý nghĩa!

Ơn Gọi Làm Người

Sau một đêm dài an giấc trong Chúa Hài Đồng, một ngày mới lại bừng lên. Đúng 7 giờ sáng ngày 25-12-2008, giáo dân từ khắp các họ lẻ đã đổ về thánh đường giáo xứ để tham dự Thánh lễ Ban ngày.

“Cuộc sống nhố nhăng, mỗi người mỗi vẻ. Không tìm quỷ kế, răng lại được sang giàu. Không tàn bạo với nhau sao ngóc đầu lên được?”. Vậy, việc sinh nghèo của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì? Ngài giáng sinh trong cảnh nghèo, lớn lên trong gia đình nông thôn làm nghề thợ mộc ở làng Nazarét. Bị môn đệ phản bội, 33 tuổi ngài chết tức tưởi trên thánh giá. Cuộc đời như vậy ai gọi là thành công!

Cuộc sống quanh ta có biết bao thứ chúng ta phải đụng chạm. Cái kiến con ong biết hợp đoàn cùng nhau để chung sống. Riêng con người lại nỡ dẫm đạp lên nhau, đối xử với nhau không bằng loài cầm thú! Làm người như thế có xứng chăng? Liệu còn ai muốn làm người nữa không?

Thế nhưng, Thiên Chúa mà chúng ta đến để thờ lạy hôm nay lại hóa thân làm người trong trẻ nghèo Giêsu. Ngài xuống thế làm người để chia sẻ cái phận người lắm nổi trôi và đoạn trường như ta. Ngài đã ban cho ta ơn gọi làm người. Lẽ thường ở đời, ai cũng muốn làm ông này bà nọ, ai cũng muốn ở nhà này lầu nọ, đi xe nọ cưỡi xe kia! Muôn muôn việc, muôn muôn người! Nhưng thử hỏi trong chúng ta, có ai muốn sống và thực sự đã sống trọn ơn gọi làm người chưa?

Trong cuộc sống đời thường, có bao nhiêu chuyện là có bấy nhiêu chọn lựa! Chọn làm người hay chọn làm vật, làm thánh nhân hay làm quỷ dữ! Tin mừng Gioan cho thấy rằng Ngôi Lời đã làm người và làm người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngài cũng đã cho chúng ta làm người. Nhưng từ vườn địa đàng, tổ tiên chúng ta-Ađam và Eva-đã khước từ hồng ân đó! Họ không muốn làm người nữa. Họ muốn đầu thai kiếp khác; họ muốn làm ông này bà nọ; và rồi, họ đã đi đến cái muốn không biên giới-muốn làm Thiên Chúa!

Vì tội lỗi, con người đã trở nên kèn cựa, bạo tàn với nhau! Ai cũng muốn “trương cái bụng mình ra”; ai cũng muốn nâng mình lên tận chín tầng mây! Nhưng, Chúa Hài Nhi trong hang đá Bê lem, nơi máng cỏ nghèo nàn, lại muốn mời gọi chúng ta làm một con người khiêm hạ, đơn hèn, thiếu thốn mà thôi!

Vì thế, vào dịp lễ Giáng Sinh, người ta thường quy tụ lại để cầu chúc cho nhau những điều may lành và bình an. Trong thế chiến thứ II (1939-1945), dù chiến tranh đang thời ác liệt, nhưng đến ngày 24-12, phe phát xít Đức-Ý-Nhật và phe đồng minh Anh-Pháp-Mỹ vẫn quyết định ngừng chiến để đón mừng Vị Vua Hòa Bình, Vua Nhân Ái và Tình Thương giáng trần để cứu độ thế nhân.

Người đời thường cầu chúc cho nhau bình an vì đó là nền tảng cuộc sống hạnh phúc. Mọi thứ hôm nay còn, nhưng mai kia sẽ mất. Chỉ có sự bình an đích thực của Chúa Hài Nhi Giêsu mới trường tồn vạn kỷ. Đức Giêsu Kitô đến để yêu thương và rửa chân cho chúng ta; Ngài dạy chúng ta cũng hãy làm cho nhau như vậy. Ngài đến để trả lại cho chúng ta quyền làm người đã bị nghiệp tổ đánh mất trong vườn địa đàng và để dạy chúng ta cách làm người công chính!

Thánh lễ kết thúc với lời mời chúc lên đường bình an. Mọi người trở về lại với cuộc sống vồn vã đời thường trong tin yêu và hy vọng, trong sự bình an của Hài Nhi Giêsu. Thầy trò chúng tôi, khoảng 16 giờ 45 chiều hôm ấy, cũng vồn vã lên đường trở về với mái trường Đại chủng viện Vinh-Thanh thân thương, nơi có những phận vụ mới mà Hài Nhi gọi mời chúng tôi thi hành.

Giơ tay tạ từ cha xứ và giáo dân xứ Lãng, lòng chúng tôi cảm thấy nôn nao khó tả! Không thể nào quyên những phút giây thắm tình trời đất, đượm tình con người nơi miền đất sơn cước này! Nguyện chúc cho Ánh Sao Giáng Sinh luôn chiếu rọi giữa lòng giáo xứ và Bình An của Hài Nhi Giêsu luôn đồng hành cùng cha xứ và mọi người trên đường đời lữ thứ trân gian. Ước mong rằng xứ Lãng ngày mai sẽ phơi phới giữa bình minh của những ngày xuân nắng đẹp!

Lê Lượng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 02.01.2009. 15:00