Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một kinh nghiệm dấn thân xã hội

§ Sr Hồ Thị Chính

Dòng Mến Thánh Giá được thành lập vào đầu năm 1670, tại Kiên Lao Bùi Chu và Phố Hiến, gần Hà Nội đây, trong thời đạo công giáo bị cấm cách. Theo luật tiên khởi, người nữ tu MTG có 5 nhiệm vụ, thời đầu được gọi là “những việc thực hành”, trong đó có 2 nhiệm vụ thuần túy tôn giáo và có tới 3 nhiệm vụ nặng về phần phục vụ xã hội mà cụ thể là:

  1. “Việc thứ hai là dạy các thiếu nữ, lương cũng như giáo, những điều nữ giới cần biết…”.
  2. “Việc thứ ba là săn sóc những phụ nữ, thiếu nữ đau ốm bệnh hoạn cả lương lẫn giáo…”.
  3. “Việc thứ năm là cố gắng làm mọi sự theo sức có thể để lôi kéo những phụ nữ và thiếu nữ trụy lạc ra khỏi nếp sống xấu xa của họ”.

Như vậy, đối tượng phục vụ của chúng tôi là phụ nữ, thiếu nữ, bất phân tôn giáo, là thăng tiến người mạnh khỏe, chăm sóc người đau yếu và hoàn lương những chị em vướng vào tệ nạn.

I. NHỮNG PHẤN ĐẤU DẤN THÂN.

1.- Những hình thức dấn thân

Từ 1670 -1975, theo tôn chỉ và mục đích của Dòng, nữ tu MTG tiền bối của chúng tôi phục vụ bằng chính việc mưu sinh bằng nghề nông (trồng trọt và chăn nuôi), tiểu thủ công truyền thống (nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải), nhất là hướng dẫn nữ công gia chánh cho thiếu nữ, khuyên bảo những chị em lỡ lầm, chúng tôi còn làm thuốc nam, len lỏi vào thôn xóm tìm bệnh nhân, chữa trị, phát miễn phí hoặc bán giá rẻ thuốc nam cho họ. Khi hết thời cấm cách và khi các điều kiện khách quan cho phép, các nữ tu đi vào lãnh vực văn hoá: học thi lấy bằng và dạy học. Lúc đầu chỉ ở cấp sơ đẳng, sau được tổ chức chu đáo hơn ở cấp nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học. Từ sau Công đồng Vatican II (1962-1965), giới nữ tu, nói chung, có thêm điều kiện thăng tiến bản thân về nhiều mặt; và nhờ đó nâng cấp chất lượng phục vụ của mình. Các lãnh vực hoạt động chủ yếu vẫn là giáo dục tiểu và trung học, hoạt động y tế (chẩn y viện, phòng thuốc,bệnh viện) và xã hội (cô nhị viện, lưu xá nữ sinh-sinh viên, trung tâm phục hồi nhân phẩm phụ nữ…). Tất cả các họat động này đều diễn ra yên ổn, bình lặng cho đến năm 1975.

2.- Biến cố tháng 4/1975.

1/ Chúng tôi bị chao đảo trong cơn lốc xáo trộn của thời thế. Dù thời thế thế nào, động lực dấn thân của nữ tu vẫn là Phúc Âm của Chúa Giêsu, là sinh hoạt theo đường hướng của Giáo hội, dưới sự hướng dẫn mục vụ của Hội đồng Giám Mục và gắn bó với Đấng Bản Quyền Giáo phận của mình. Ngày 7 tháng 10-1975, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã gửi thư cho Ông Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, bày tỏ: “chúng tôi tán thành việc công lập hóa tư thục như một phương tiện thực thi chủ trương miễn học phí của Chính phủ và chúng tôi sẵn sàng để Nhà nước sử dụng các cơ sở của tư thục Công giáo trong Giáo phận Sàigòn vào công tác giáo dục, ngay từ niên khóa 75-76 này.. . như một sự hoan hỷ đóng góp của cộng đồng Công giáo vào việc công ích, một sự hợp tác chân thành của tư thục Công giáo với Chính quyền để giải quyết tốt đẹp nhu cầu khẩn cấp của học sinh và phụ huynh” (1).

2/ Các cơ sở giáo dục là công trình mồ hôi nước mắt của chị em, là phương tiện sinh sống, cũng là phương tiện phục vụ theo tinh thần tu. Nhưng vì “việc công ích”, vì “chủ trương miễn học phí”, vì “một sự hợp tác chân thành” và vì “nhu cầu khẩn cấp của học sinh và phụ huynh”, chúng tôi cũng phải lấy đức vâng phục mà hòa theo “sự hoan hỷ” của Đức Tổng và chuyển giao các cơ sở giáo dục của chúng tôi. Đang là những người chủ điều hành nay trở thành những người làm công. Nhưng không phải ai cũng được cái may “làm công”, vì nhiều chị em được thay thế bởi nhân viên mới.. Thời bao cấp không cần biên chế, sự cắt giảm tùy tiện.. . Thời thế thay đổi, hoàn cảnh khó khăn hơn; nhưng ơn gọi và mục đích đời tu không thể thay đổi. Do vậy, chúng tôi cố gắng phấn đấu để được phục vụ theo chức năng tu trì, không bằng những gì mình CÓ mà với những gì mình LÀ: con tim, khối óc và sức lực yêu thương.. .

3/ Vì thế, ngay tại sở chính của Hội Dòng MTG Chợ Quán, chúng tôi đã dùng Nhà Hưu nữ tu mở Tổ hợp Đan Mây tre lá xuất khẩu, từ từ lên Hợp tác xã mang tên Cửu Long, để tạo việc làm cho số nữ tu của Dòng mình và một số tu sĩ của các Dòng khác, có cả các thầy đại chủng sinh và người dân, bất phân tôn giáo, hầu hết là những người không được dạy học và mất việc trong chế độ mới! Các nữ tu được bầu làm trưởng Ban Huấn nghệ ngành, Trưởng Ban Kiểm soát và kiểm tra Liên ngành Hợp tác xã Mây tre lá của Thành phố… Ngoài việc sản xuất, mỗi tối nữ tu trẻ tranh thủ học tu đức,văn hoá, tập sinh hoạt giới trẻ để hoà nhịp với xã hội mới theo yêu cầu mục vụ và phục vụ tại các giáo xứ, dù lúc nầy có lệnh cấm nữ tu không được dạy giáo lý cho thanh thiếu niên và trẻ em.

4/ Cũng trong tinh thần đó, tại một Cộng đoàn ngoại Thành phố, nữ tu dành một phần lớn cơ sở để dạy cho trẻ và dạy nghề cho thanh nữ nghèo. Ngày 1/7/1975, Nhà giữ trẻ bán trú miễn phí được chính thức khai trương, dưới sự hỗ trợ của Chính quyền địa phương và Hội Bảo Vệ Bà Mẹ Trẻ Em Thành phố. Lúc nầy chúng tôi làm việc liên kết giữa tu sĩ Công giáo và Phật giáo về chăm sóc và nuôi dạy trẻ ở Nhà Giữ Trẻ, lập thành Khối Liên Nhà Giữ Trẻ của Thành phố, do Hội Bảo vệ Bà Mẹ Trẻ Em quản lý mà bản thân đại diện Khối Nữ tu Nhà Trẻ Công giáo.

5/ Năm 1978, cũng tại đây các nữ tu mở Lớp dạy cắt may, dạy thêu và mở Tổ thêu hàng xuất khẩu cho thanh nữ địa phương với sự hổ trợ của Phòng công nghiệp và các Tổ hợp bạn. Tất cả đều phải vượt khó vì mọi việc đều khởi sự từ tay không, nên phải trao đổi thế nào có sức thuyết phục và đắc nhân tâm.

6/ Năm 1980, một số nữ tu nuôi dạy trẻ đầu tiên được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn (một tháng) theo chính sách mới về Nhà giữ trẻ. Từ đó, các nhà trẻ được công nhận và hoạt động dưới sự hỗ trợ chuyên ngành và tài chánh của Phòng Giáo dục huyện.

7/ Cũng năm nầy, chúng tôi âm thầm mở ký túc xá, nhận trẻ từ các nơi không được đi học, hoặc do phụ huynh chỉ an tâm khi gửi con em cho nữ tu chăm sóc nuôi dạy. Hoạt động mới nầy vướng chính sách quản lý người về hộ khẩu, tạm trú tạm vắng và chính sách địa phương hoá về lương thực…Cuối cùng, tâm đạo vẫn vượt trên chính sách hay thay đổi của Nhà nước theo từng Nghị quyết của Đảng.

8/ Ứng dụng Thư chung năm 1980 của Hội Đồng Giám mục Việt Nam “Sống Phúc Âm giữa lòng Dân Tộc”, tất cả tu sĩ chúng tôi hoà mình “đồng hành” với bà con thôn xóm trong các môi trường sinh sống tại một số vùng quê theo mô hình VAC, giúp bà con lao động nuôi hy vọng đồng tiến và phát triển với mình. Mà thực tế là thế. Những nỗ lực dấn thân của giới nữ tu đuợc sớm đánh giá tích cực. Và như một khích lệ, Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã tổ chức một chuyến tham quan miền Bắc dành cho nữ tu vào tháng 10/1980. Bản thân là uỷ viên Hội Liên Hiệp Phụ nữ huyện. Các hoạt động cứ tiến đều trong sự cẩn thận dò dẫm lao lách như thế đến năm 1985.

3.- Từ năm 1985-1995

Cùng với chủ trương đổi mới và đẩy mạnh đổi mới, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất mước, để hội nhập quốc tế của Nhà nước, sinh họat tôn giáo nói chung có phần thông thoáng và khởi sắc hơn. Các hoạt động của chúng tôi cũng dễ dàng và phong phú hơn, nhất là trong lãnh vực văn hóa - giáo dục - xã hội. Đây cũng là lãnh vực mà Đức Giám Mục Lambert, Đấng Sáng lập của chúng tôi, quan tâm nhất, đặt lên hàng đầu và còn nhắn nhủ chúng tôi rằng: “Nếu vì tình huống cấp bách xảy đến cho Đạo Thánh khiến không thể làm được (việc giáo dục và thăng tiến thanh nữ), chị em phải nhớ rằng, khi hoàn cảnh cho phép thì đó là một trong những công việc chính của mình” (2). Chúng tôi không được phép quên lời nhắn nhủ này, nên khi hoàn cảnh thuận lợi hơn, chúng tôi đã dấn thân với tinh thần sáng tạo và thích ứng theo giáo huấn của Giáo Hội để phục vụ hữu hiệu hơn và góp phần xây dựng cho địa phương mình đang sống.

1/ Năm 1990, Nữ tu Mến Thánh giá liên kết học tập để tự thăng tiến và phát triển xã hội:

Theo thống kê của các Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam 2006-2007 số nữ tu đang làm việc trên 26 giáo phận, tham gia vào các sinh hoạt sau:

Về giáo dục:
- Mẫu giáo Nhà trẻ của Nhà nước và Nhà dòng: 1699 nữ tu
- Bổ túc văn hóa và lớp học tình thương: 168 nữ tu
- Giáo dục phổ thông cấp I, II: 64 nữ tu

Về y tế:
- Chăm sóc bệnh nhân trong các bệnh viện của Nhà nước và Hội dòng: 222 nữ tu

Về xã hội:
- Nuôi dạy trẻ Thiểu năng - Câm điếc và Khiếm thị: 107 nữ tu
- Hoàn lương Phụ nữ 12 nữ tu
- Dạy nghề 61 nữ tu
- Lo cho trẻ mồ côi: 91 nữ tu
- Phục vụ bệnh phong: 15 nữ tu
và nhiều lãnh vực khác nữa.

2/ Năm 2004, theo lời mời gọi của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, chúng tôi đi vào những lãnh vực mới từ đó đến nay:
- Di dân: 05 nữ tu
- Chăm sóc Người có HIV/AIDS giai đoạn cuối,
hợp tác với Nhà nước và các cộng đồng trong giáo phận: 12 nữ tu

4. Chính trong năm 2004 nầy.

1/ Giáo Hội cộng tác với Chính Quyền: Ngày 25/2/2004, Chính quyền Thành phố HCM, qua Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội, đã yêu cầu Đức Hồng Y vận động tu sĩ đến chăm sóc cho người có HIV/AIDS, giai đọan cuối ở Trung tâm Cai nghiện Trọng điểm, tỉnh Bình phước, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 215 cây số. Đáp lại lời mời gọi này, ĐHY cho hình thành trong Liên Tu sĩ Thành Phố Ban Mục Vụ Chăm sóc Người có HIV/AIDS với nhiệm vụ liên hệ với Bề trên các Dòng xin cho tu sĩ tình nguyện dấn thân phục vụ các đối tượng nầy. Các tu sĩ trước khi được sai đi phải được Ban Mục vụ chuẩn bị kỹ năng chăm sóc bằng khoá Tập huấn và tinh thần sẵn sàng bằng khoá Tĩnh huấn, 10 ngày. Đến nay Đức Hồng Y đã sai đi 10 đợt và đã có 69 tu sĩ nam nữ được sai đi, hình thành một Cộng đoàn Tu sĩ Liên Dòng, mang tên Cộng đoàn Mai Linh. Theo ý Đức Hồng Y và các Bề trên, cộng đoàn tu sĩ nầy cần luân chuyển, theo phiên để có thể làm việc lâu dài mà không phương hại sức khoẻ.

2/ Cũng nhằm những đối tượng đáng thương nầy và cũng để tránh lây lan theo chính sách phòng chống của UBPC/HIV/AIDS, (mở) những Phòng Khám, Phòng Tham vấn và Mái Âm được hình thành với nhiệt tình yêu thương, sự tận tụy phục vụ của những người thiện nguyện, gồm linh mục, tu sĩ, giáo dân và đặc biệt các em nhiểm tự nguyện làm công tác hỗ trợ.. . Mái ấm Mai Tâm, nhằm chăm sóc các bà mẹ trẻ em, thai phụ, thai nhi và những người có HIV/AIDS sống lang thang tại Tp. HCM; nhưng từ hai năm nay, Mái Ấm chưa có giấy phép hoạt động mặc dù nó vẫn đương nhiên sinh hoạt do nhu cầu thực tế thật bức thiết của xã hội.

3/ Trong cùng một chiều hướng đó, Đức Hồng Y quyết định mở Trung Tâm Phục Sinh để chăm sóc phụ nữ, thanh thiếu niên và thiếu nhi nhiễm HIV, để họ khỏi bị kỳ thị và có điều kiện sống xứng phẩm cách con người. Tuy Cấp Ủy và Chính quyền Thành phố khuyến khích, nhưng đến nay đã gần hai năm vẫn chưa được cấp giấy phép để khởi công..

II. NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ THUẬN LỢI.

1. Khó khăn thì nhiều, nhất là thời kỳ đầu sau Giải Phóng. Khó khăn xuất phát từ những thành kiến, hiểu lầm giữa Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa với Tôn giáo nói chung, cách riêng với Công giáo, đặc biệt với giới linh mục tu sĩ. Khó khăn xuất phát từ những chính sách chủ trương không theo kịp chuyển biến của cuộc sống, nhất là trong lãnh vực tôn giáo, vẫn còn nặng tính chất xin - cho, còn nhiều hạn chế ràng buộc.

2. Cũng có những khó khăn xuất phát từ tầm nhìn và tư duy của cán bộ thừa hành ở cơ sở. Nhưng chúng tôi không nhấn mạnh đến khó khăn, vì khó khăn thời nào chẳng có, đó cũng là lẽ thường tình của cõi nhân sinh. Chúng tôi muốn có một cái nhìn tích cực. Một trong những điểm tích cực là tính biện chứng của ý thức hệ XHCN, kiểu “cùng tắc biến”, là “tính cầu thị” của Chính quyền, dám nhận sai và đổi mới. Tuy chưa rộng khắp và triệt để.

3. Và cũng phải nhìn nhận rằng trong suốt quá trình hoạt động, chúng tôi cũng đã nhận được, ở nhiều nơi, vào nhiều lúc, những sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và đoàn thể, nhất là Mặt Trận và Hội Liên Hiệp Phụ nữ. Nhưng điều chúng tôi tâm đắc hơn cả trong mấy chục năm qua là nhận thấy rằng “Tính Thiện”, cái “đạo tại tâm” vẫn luôn bàng bạc trong mỗi con người chúng tôi gặp gỡ. Có những vướng mắc từ chính sách, có những khó khăn từ cơ chế, không kể về cá tính; nhưng chúng tôi kiên trì trình bày và nhẫn nại hành động. Cuối cùng chúng tôi được sự thông cảm, giúp đỡ và cộng tác, không phải vì mình là thành viên của UBMTTQ hay Ủy viên Ban chấp hành HLHPN, nhưng vì “tình người” và “lương tri” con người trước lẽ phải và lòng trắc ẩn.

4. Năm 1992, Trường Đại Học Mở Bán Công tại Tp HCM có khoa Phụ Nữ học, nhằm đào tạo nhân viên xã hội. Lần đầu tiên tu sĩ nam nữ được theo học khoa nầy, tiền thân của Phân Khoa Xã Hội học, mở năm 1996, đào tạo Cử Nhân Xã Hội học. Với Khoa học Nhân văn nầy, một số tu sĩ được sự khuyến khích của các bề trên và sự hỗ trợ của Giáo Hội, theo học. Đến năm 2006 đã có 265 anh chị em tu sĩ và giáo dân đã tốt nghiệp, đang xông pha trong các môi trường xã hội, từ thành thị đến thôn quê, tùy sự năng động thích hợp hoàn cảnh từng địa phương, từ Bắc chí Nam. Đặc biệt, tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhóm nữ tu làm công tác xã hội đã âm thầm hoạt động cách sáng tạo và hiệu quả trong nhiều chương trình thăng tiến phụ nữ và phát triển cộng đồng, giúp cho thanh nữ và phụ nữ có công ăn việc làm, tránh được nạn du cư, kết hôn với người nước ngoài và nhiều tệ nạn khác. Nhưng tất cả những phấn đấu nầy chỉ như giọt nước trong biển cả, như hạt cát trong sa mạc so với những nhu cầu và bức xúc lớn lao của đồng nghèo thân yêu của mình.

5. Năm 1993 phải nhờ sự vận động của UBĐKCG, UBMTTQ đứng ra ký hợp đồng tương thuận với Trung tâm đào tạo - bồi dưỡng CBYT Tp. HCM, cho tu sĩ học có kiến thức và kỷ năng làm việc đề kịp đáp ứng nhu cầu phục vụ và không cần cấp bằng. Vì thế sau khi tốt nghiệp tu sĩ chỉ có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ. Hôm nay đất nước VN hội nhập WTO các anh chị đang phục vụ nhiều nơi, nơi nào cũng đòi bằng cấp. Để hợp thức hoá chứng chỉ và được cấp bằng tốt nghiệp, Trung tâm đào tạo đòi hỏi tu sĩ phải qua chương trình tại chức, mỗi tuần 2 ngày hoặc mỗi tháng 1 tuần, trong 2 năm. Làm sao bỏ cơ sở, bỏ việc từ vùng sâu, vùng xa, vùng cao để về lại thành phố hằng tuần trong điều kiện như vậy. !

III. MỘT SỐ ƯU TƯ VÀ ĐỀ NGHỊ:

Do đó, chúng tôi xin mạo muội có những nhận định về những khúc mắc mà cả người làm công tác Nhà nước lẫn người của Tôn giáo chúng tôi không vượt qua được và làm khổ tâm cho nhau, một cách hơi hoang phí nhân lực và thời giờ, cần kiên nhẫn trao đổi hơn là làm mất lòng nhau. Đó là:

1. Chính sách về tôn giáo xem ra mở; nhưng vẫn còn những khó khăn về hành chánh khi các dòng tu mở những cộng đoàn mới, khôi phục những cộng đoàn cũ, nhất là theo nghị định về đăng ký hoạt động các dòng tu, từ cơ sở chính, phải do Ban Tôn Giáo Chính Phủ cấp.

BTG/CP chỉ cấp, khi có giấy xác nhận của BTG cấp xã, quận, huyện và tỉnh nơi cộng đoàn tu sĩ của hội dòng đang hoạt động. Một dòng tu có tu sĩ hoạt động trong nhiều tỉnh, trong tỉnh có nhiều cộng đoàn tu sĩ của nhiều Dòng tu khác nhau, lại phải chờ giải quyết đồng bộ!

Thực tế quy trình nầy, các cán bộ viên chức cũng chưa thông, làm rồi chỉnh sửa, tốn nhiều thời gian và công sức hơn nữa… (Do đó, không thể đảm bảo 1/1/2008 các cơ sở tôn giáo có đựơc giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.. . cho dù Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường có tuyên bố “ không có giấy tờ, vẫn có Sổ Đỏ”.) Công việc trì trệ, mặc dù cả hai bên đều cố gắng: Ban Tôn Giáo nhiệt tình hướng dẫn tu sĩ; bên Tu sĩ chí tình theo đuổi công việc.

2. Trong hướng cổ phần hoá bệnh viện và học đường, chúng tôi tự hỏi trường, viện tiếp thu của tôn giáo tình nguyện giao cho Nhà Nước để phục vụ, đặc biệt nhằm miển phí cho người nghèo. Thực tế viện phí và học phí các cấp mỗi ngày một cao, người nghèo chưa được phục vụ đúng mức. Nay lại có hướng cổ phần hoá, chúng ta nghĩ thế nào về tính công bình và nhân ái mà các trường viện có chức năng thể hiện ?

3. Tại Cộng đoàn Tu Sĩ Mai Linh ở Trung Tâm Cai nghiện Trọng Điểm trước đây, nay là Bịnh viện Nhân Ái, các tu sĩ làm công tác xã hội, được phân công giáo dục học viên cai nghiện, sự tận tụy yêu thương, sự âm thâm thầm khiêm tốn phục vụ của tu sĩ làm cho nhân viên biến đổi cách ứng xử với học viên công bình và nhân ái hơn, bản thân học viên cải thiện, trở nên mềm mỏng và tự hối, môi trường được cải tiến, dù tu sĩ phải trả giá rất đắc trong sự dấn thân nầy. Cũng tại đây, tu sĩ làm công tác chăm sóc,lắng nghe người có HIV/AIDS giai đoạn cuối tâm sự: “Tiếp cận các Soeurs, chúng con hiểu được ý nghĩa của cuộc sống thì đã quá muộn, chúng con không còn cơ hội làm lại cuộc đời.. . . Chúng con chỉ còn một lối thoát thôi: Khi vào thì qua cổng chính, khi ra thì qua cửa lò thiêu”.. . ”Nhưng Lò Thiêu cũng chưa có thì đi đâu” (3). Lời tâm sự đầy nước mắt nầy chứng tỏ quá trình giáo dục khiếm diện, người làm giáo dục thiếu ý thức trách nhiệm, chế độ lương bổng không đủ cung cầu để nhà giáo đem hết tâm lực chu toàn sứ vụ cao cả là trồng người.

Do vậy, với phạm vi bé nhỏ, chúng tôi không dám đề cập đến những vấn đề lớn, thuộc tầm vĩ mô như Chính sách Tôn giáo mà chúng tôi mong ước có sự thông thoáng, tự do hơn, một phần để tránh cớ chống đối từ bên ngoài, như công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo mà chúng tôi mong ước sớm có để dễ bề hoạt động theo pháp lý. Chúng tôi chỉ đám đề nghị một số “chuyện nhỏ” như sau:

1. Cho các Dòng tu mở trường học (trước mắt là các cấp, từ mẫu giáo cho đến phổ thông trung học), các trạm xá, bệnh viện và các cơ sở xã hội, theo chủ trương xã hội hóa giáo dục và y tế của Nhà nước. Có thể khẳng định rằng đây là những mặt mạnh của các tôn giáo, riêng Công giáo, trước năm 75, đã có những trường học và bệnh viện nổi tiếng tốt. Và một khi đã xã hội hóa các lãnh vực này dành cho nhiều đối tượng, kể cả người nước ngoài, thì sẽ là điều vô lý nếu chúng ta ngăn cản một số thành phần công dân tham gia những lãnh vực này.

2. Đề nghị Ban Nghành Sở can thiệp với Bộ y tế hợp thức hoá Chứng chỉ y sĩ của tu sĩ các khoá học tại Trung tâm đào tạo y tế của Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1990-1995 thành Bằng cấp, để Anh chị em tiện đáp ứng nhu cầu phục vụ trong điều kiện đất nước Việt Nam gia nhập WTO.

3. Trong hướng tới, Ban Điều hành Quỹ học bổng xã hội của tu sĩ, chúng con sẽ từng bước liên kết thành nhóm tu sĩ làm công tác xã hội, như nhóm tu sĩ đồng bằng Sông Cửu Long.

4. Chúng con ước mong được Quỹ Ban Mục vụ bác ái xã hội của các giáo phận động viên giúp đỡ, để nhóm hình thành và làm việc có sự tương trợ. Việc làm hữu hiệu hơn, chúng con cũng thông tin về sử tu sĩ xã hội học ra trương, ngoài một số phải qua giai đoạn thụ huấn trong các dòng hoậc chủng viện, đề nghị Quỹ Mục vụ Bác ái xã hội quan tâm hướng dẫn và hỗ trợ để các anh chị được tham gia tích cực trong giáo phận.

IV. KẾT

Tránh các kỳ thị đối với tu sĩ các tôn giáo. Trong quá trình làm việc và tiếp cận với Cán Bộ - Nhân viên Nhà Nước, nữ tu chúng tôi luôn được tin tưởng ở sự trung thực, chân thành và tận tụy. Nhưng trong thực tế, chúng tôi cảm nghiệm vẫn còn cái gì đó, như một cách “xếp hạng” chúng tôi. Nếu chúng tôi có đặt vấn đề thì đươc giải thích rằng vì là người của tôn giáo, có chính sách ưu tiên dành cho tu sĩ. Một ví dụ cụ thể như: xin cấp giấy chứng nhận quyền xử dụng đất, cùng xin với chúng tôi có nhiều người dân, nhất là dân chính sách thì giấy tờ của họ xong từ lâu. Còn chúng tôi cần phải có giấy xác nhận của Ban Tôn Giáo các cấp và các cơ quan liên hệ !

Với tư cách là nữ tu, chúng tôi không xin những ân huệ hay những biệt đãi. Chúng tôi chỉ mong được đối xử bình đẳng và bình thường như mọi công dân

Thập giá, dưới con mắt phàm nhân, là nỗi ô nhục kinh hoàng, là sự điên rồ. Điều mà Đức Giêsu, Chúa chúng tôi đã hứng chịu. Nhưng Thánh giá, dưới con mắt đức tin, lại là tột đỉnh của yêu thương. Điều mà Đức Giêsu, Chúa chúng tôi đã thể hiện. Là những nữ tu được mang danh Mến Thánh giá, xuất thân từ giới phụ nữ bình dân, mang trong mình huyết thống phụ nữ Việt Nam cần cù, nhẫn nhục, hy sinh vì tình yêu, người nữ tu không nề hà khó khăn, đau khổ. Chị em sẵn sàng quên mình dấn thân vì đồng bào nghèo khổ của mình: Giúp họ vượt khó, nâng họ lên và giúp họ sống xứng phẩm giá làm người, đó là sứ vụ tất yếu của mình. Bị cản trở, chúng tôi cũng vẫn sống và làm việc phải làm như vậy. Nhưng khi có hoặc được tạo điều kiện, chúng tôi phục vụ tốt hơn, mang lại ích lợi cho nhiều người hơn.

Cuộc Hội thảo này đã đưa ra một hình ảnh đẹp, vì nó được phối hợp tổ chức bởi một Cơ quan Công giáo Đức và Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, với sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo, nhà chuyên môn của đời, của đạo, của người Việt hải ngoại và người Việt trong nước. Hình ảnh đẹp vì nó thể hiện Hướng Mở của đất nước, hướng Hội Nhập của Việt Nam với thế giới. Hình ảnh này đẹp hơn đối với chúng tôi, vì nó thể hiện cõi lòng rộng mở, giữa những người Việt với nhau, theo đúng nghĩa Đồng Bào, theo đúng nghĩa Anh Em, mặc dù rất nhiều khác biệt, vẫn cùng nhìn về một phía và liên kết với nhau: Vì đất nước Việt nam thân yêu giầu mạnh, vì nhân dân ấm no và hạnh phúc.

Sr Hồ Thị Chính
Hội Dòng MTG Chợ Quán

Ghi chú:

(1) Trích lại theo Báo Công giáo và Dân tộc, số 16. Tuần lễ từ 26-10 đến 01-11-1975. Trang 3.

(2) Các trích dẫn về Tu luật: được lấy từ “Tiểu sử - Bút tích - Linh đạo”, trang 40.

(3) Người nhiểm HIV/AIDS tại Trung Tâm Trọng Điểm, nay là Bệnh viện Nhân Ái, phần đa là người trẻ, thanh thiếu niên tuổi từ 16- 26.

Sr Hồ Thị Chính

Đọc nhiều nhất Bản in 29.03.2008. 17:05