Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mẹ ơi ! Mẹ có biết, biết là con thương Mẹ hay không ?

§ Người Giồng Trôm

Chiều xuống nhà, đến giờ cơm, vắng bóng chàng thợ xây đâu không thấy. Hỏi ra thì được biết là anh chàng về nhà phụ vợ chăm con. Chuyện không lạ vì mấy hôm trước cũng nghe đứa bé mới mừng đầy tháng bị ban sốt. Tình thương dành cho người con quá lớn để rồi chồng không đành để vợ lo cho bé nên đã đi về.

Nghĩ đến đứa bé tròm trèm tháng tuổi bị sốt ban thì lại nhớ đến cu cậu ở nhà mon men đám cưới. Mới ngày nao còn ẵm trên tay nhưng giờ đây đã không còn bé để cứ nhấc cho chạm đến trần nhà.

Thật sự xa gia đình, xa lối xóm và xa cả cha lẫn Mẹ lâu lắm rồi nhưng hình ảnh của Mẹ, của Cha còn đâu đó.

Cậu nó lớn để rồi tình thương của ngoại chuyển dần sang cho cu tí. Trắng như bông bưởi theo kiểu nói của nhà quê để rồi bà ngoại cưng như cưng trứng hứng như hứng hoa. Nói là chuyển vậy thôi chứ bà ngoại lúc nào cũng thế với lũ cháu đàn con.

Lần lại cuộc đời của bà, sau ngày bi đát ấy, bà dắt díu con thơ đi về miền quê sinh sống vì sợ "người ta" vào rút móng. Cuộc sống nhà quê và cảnh nghèo cứ như ôm chầm cuộc đời của Mẹ cho đến ngày rời gót lên Sài Thành sinh sống.

Và rồi cứ tần tảo nặng gánh nuôi con với hết cả sức mình. Nghề may từ thời ông bà ngoại để lại cứ theo Mẹ mãi cho đến hơi thở sau cùng. Và nghề may ấy cứ tiếp tục giữ cho đến ngày không ai theo gót nữa.

Giàu chả giàu, nghèo chả nghèo và cứ như vậy tần tảo nuôi con.

Chuyện cũng chả có gì để nói nếu như bà còn sống để lũ cháu đàn con không ít thì nhiều làm một chút gì đó để gọi là đền đáp ơn bà. Một ngày kia, tin dữ đến khi bác sĩ cho tin bà lâm trọng bệnh. Được một cái là Kitô hữu, bà hỏi thiệt và bác sĩ cho bà biết thời gian còn lại của bà.

Và rồi chuyện gì nó đến nó sẽ đến không ai có thể ngăn được. Bà ra đi để lại nỗi trống vắng tột cùng. Nỗi trống vắng ấy đến tận giờ đây vẫn còn trống vắng.

Ngày mỗi ngày, lũ cháu đàn con không quên ơ của Mẹ. Làm sao có thể đền đáp được vì công lao đó to quá, công lao đó cao quá, công lao đó dày quá. Với công ơn trời bể đó, giờ đây chỉ ngậm ngùi nuối tiếc cho thân phận, cho cuộc đời. Mẹ đi rồi và Mẹ đi nhanh quá ! Mẹ không còn ở lại để cho con cháu phụng dưỡng ít ngày, vài tháng, mấy năm.

Ngày của Mẹ - nỗi nhớ niềm thương và lòng biết ơn lại trào tràn : "Con ra đời có Mẹ Cha là trời cao biển lớn bao la. Từng ngày qua trong tuổi ngọc ngà, con nhờ Mẹ Cha mới trở nên người. Nhờ công Cha, nhờ nghĩa Mẹ con khôn lớn trong muôn lời ca".

Đúng như vậy ! Nhờ công của Cha, nhờ nghĩa của Mẹ, nhờ bàn tay của Cha và nhờ dòng sữa của Mẹ để rồi mỗi người được lớn và khôn như ngày hôm nay.

Thằng cu tí hơn 2 tuổi đứng trước chiếc quan tài trong đó chứa ngoại nó nhưng nó chả biết gì. Nó cứ cúi đầu vái ngoại theo sự chỉ dẫn của cha mẹ và người lớn. Chắc có lẽ lúc đó nó chưa cảm cũng như chưa thấu tình của ngoại thương nó đâu. Đến bây giờ, hy vọng dòng máu từ ngoại chuyển sang Mẹ để rồi nó biết được ngoại và mẹ thương nó như thế nào. Và dĩ nhiên ngoại thương cả nhà chứ không trừ một ai hết. Tình thương ấy cứ đọng lại trong tim của kẻ ở người đi dù đi qua bao năm tháng dài của cuộc sống.

Làm sao có thể quên được từng mũi chỉ đường may trong đêm khuya vắng và có những đêm trắng đêm để kịp giao hàng cho khách. Cần mẫn và cần mẫn như thế trong những năm tháng dài để lo cho hết mọi người.

Làm sao có thể quên được những hy sinh tằn tiện để cho con được "lở mày lở mặt" và không bao giờ phải "thua chị kém em". Tình thương lai láng của Mẹ cứ như ấp ủ lũ cháu đàn con cho dến hơi tàn ngày tận.

Trong thân phận làm người, trong định mệnh của kiếp người thì cũng phải đến cái ngày mà đóa hoa không mặt trời,. trẻ thơ tắt mất nụ cười. Mẹ mất đi như bầu trời không còn ánh sao đêm nữa, cuộc đời như tăm tối mịt mù. Đơn giản lắm ! Mẹ chính là dòng suối dịu hiền, là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao. là ánh sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối".

Thật vậy, trong khung cảnh của thân xác, con như lìa xa Mẹ nhưng trong niềm tin, con mãi mãi xác tín rằng Mẹ đã, đang và sẽ đồng hành với chúng con từng bước từng bước trên mọi nẻo đường đời. Dù ngày nay tạm được người ta gọi là khôn, xem ra là lớn đó nhưng thật sự vẫn còn dai và dại lắm để rồi cứ mãi bám víu vào tình thương của Mẹ. Và như thế, vẫn luôn nép mình vào sự bảo bọc chở che thiêng liêng của Mẹ.

Nghĩ đến Mẹ, nhớ ơn Mẹ, con chỉ biết thốt lên rằng : Mẹ ơi ! Mẹ ơi ! Mẹ có biết, có biết là con thương Mẹ nhiều lắm không ?

Người Giồng Trôm

Đọc nhiều nhất Bản in 12.05.2020 12:48