Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Linh mục ước mong gì nơi chủ chăn và Giám mục mong tạo tình thân thế nào với các linh mục của mình?

§ Lm Văn Chính, SDB

Kính nhi viễn chi” là một thành ngữ có nguồn gốc từ một câu nói của Khổng Tử trong "Luận ngữ - Ung dã": “Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị tri hĩ”. Tạm dịch như sau: “Làm việc nghĩa cho dân, tuy phải kính trọng quỷ thần (ý nói bề trên) nhưng không cầu cạnh quỷ thần, mà nên tránh xa quỷ thần, đó là trí.”

Như vậy, "Kính nhi viễn chi" chính là cách nói rút gọn từ câu "Kính quỷ thần nhi viễn chi".

Ngày nay, trong tiếng Việt, thành ngữ "kính nhi viễn chi" thường được dùng trong các trường hợp: bề ngoài tỏ ra kính nể, tôn trọng một đối tượng nào đó, nhưng trên thực tế không muốn tiếp cận, gần gũi với đối tượng đó; hoặc thường dùng trong các trường hợp mỉa mai, châm biếm khi mình không muốn tiếp cận với một đối tượng nào đó. Ví dụ: họ là những người có quyền uy thế lực, hô mưa hoán gió, giao du với họ là họa phúc vô lường, tôi chỉ dám "kính nhi viễn chi" thôi.

Trong ngôn ngữ nhà đạo vẫn quen dùng thì “kính nhi viễn chi” thường chỉ một thái độ không dám đến gần và tiếp xúc cách tự nhiên với những Đấng quyền cao chức trọng vì nhận thấy thân phận mình nhỏ bé, không xứng đáng. Có lẽ đó chẳng phải do các Giám mục “khó tánh” hay “dữ dằn” hoặc do các linh mục “nhút nhát” hay “sợ sệt”. Tâm lý tự nhiên này dễ nảy sinh cách tự nhiên giữa hàng linh mục với những Đấng chủ chăn trong địa phận, và ngay cả giữa các Giám mục với những Đấng có vị thế cao hơn.

Vậy liệu có thể làm gì để bỏ đi cái rào cản ngăn cách mà dường như rất tự nhiên này ? Làm thế nào để tạo một sự thân tình giữa Giám mục và các linh mục như là những cộng sự viên đắc lực của Giám mục ? Đó là những trăn trở mà các vị chủ chăn của các địa phận thuộc Giáo tỉnh Sài gòn khu vực I đã chia sẻ trong buổi nói chuyện với các linh mục trong dịp Hội Ngộ Linh Mục tại Trung Tâm Mục Vụ Sài gòn vào ngày 27.05.2010 vừa qua.

Đức Giám Mục Mỹ Tho: Linh Mục là “niềm dzui” của Giám Mục

Lời khẳng định cách khẳng khái này trong buổi chia sẻ tâm tình của Đức Giám Mục Phao-lô Bùi văn Đọc có lẽ cũng làm các linh mục sửng sốt, nhưng cũng “dzui”. Ai cũng biết ngài là một con người “chân chất”, có sao nói vậy. Ngài chia sẻ rằng ngài luôn tìm dịp đến với các linh mục, gặp gỡ các linh mục qua những cuộc thăm viếng các xứ đạo, các buổi gặp mặt các linh mục, hoặc mời đến tòa giám mục để dùng cơm và nói chuyện… vì các linh mục là “niềm dzui” của Giám mục. Thế nhưng cũng qua những cuộc gặp gỡ xuề xòa và thân tình đó, nhiều vấn đề hiểu lầm giữa các linh mục với nhau, hoặc giữa linh mục và Giám mục, đã được giải quyết tốt đẹp.

Hơn nữa, ngài còn xác tín rằng ý muốn xây dựng một Giáo hội như một cộng đoàn đức tin và tình yêu phải được xây dựng trên sự tin tưởng: giữa linh mục và Giám mục, giữa các linh mục với nhau, giữa linh mục và con chiên bổn đạo.

Quán Cà Phê “Xuân Tiếu”: một lối “Mục vụ cà phê” với các linh mục

Với Đức Giám Mục Giuse Trần Xuân Tiếu, người thường tự coi mình là Giám mục “nông dân”, thì sự gặp gỡ và tạo sự thân tình với các linh mục cũng phản ảnh lối nhìn của một “nhà nông” bình dân, giản dị. “Nhà nông” trong suy nghĩ và trong phương cách thực hiện: như chủ ruộng cần tới thợ làm ruộng thế nào, thì các Giám Mục cần cậy nhờ vào các linh mục và giáo dân như thế. Từ đó, ước muốn gầy dựng một sự thân tình với các linh mục đã giúp ngài nảy sinh sáng kiến lập một “quán cà phê Xuân Tiếu”, để qua tách nước trà, ly cà phê, điếu thuốc lá… là đầu câu chuyện, mà tâm tình cởi lởi và tình thân được kết chặt hơn.

Ngài còn dùng hình ảnh chiếc đồng hồ để nói lên mối tương quan và việc cần tới nhau: nếu như một chiếc đồng hồ cần có kim chỉ giờ, kim chỉ phút, và kim chỉ giây, thì Giám mục được sánh ví như kim chỉ giờ, linh mục như kim chỉ phút, và giáo dân như kim chỉ giây. Tất cả phải cần tới nhau, cần làm việc sát cánh với nhau.

Giám Mục Phụ tá Sài gòn: không phải là một tương quan “quyền lực”, nhưng là tình bạn

Khi nghe tin làm Giám mục, có người đã nói với ngài: có lẽ không nên làm Giám mục, vì còn thời giờ đâu mà dành cho mình. Thế nhưng ngài nghĩ rằng đâu phải mình chọn điều mình muốn, nhưng là chọn điều Chúa muốn. Chúa muốn ngài trở thành Giám mục, và như các linh mục thì phải lo cho giáo dân, thì các giám mục cũng phải lo cho các linh mục.

Trong việc chăm lo cho các linh mục, một xác tín đã trở thành lối sống của ngài, đó là tương quan giữa giám mục và các linh mục không phải là một tương quan “quyền lực”, nhưng là một tương quan tình bạn. Đành rằng Giám mục vẫn là người ra quyết định và linh mục cần thực hiện, nhưng tất cả đều nhằm tới lợi ích và sự phát triển của giáo phận, của Giáo hội. Ngài còn cho rằng mối tương quan này phải mô phỏng như mối tương quan tình bạn giữa Đức Giê-su và các môn đệ: Thày không gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu (Ga 15,15).

Giám Mục Cần Thơ: Coi nhau như “Anh em” và sống tinh thần chia sẻ hợp tác

Với cung cách khiêm tốn tự coi mình là Giám mục “miệt vườn”, Đức Giám Mục Tri Bửu Thiên cũng muốn hòa mình với các linh mục để trở thành người “anh em” giữa các linh mục. Ngay cả đối với bà con giáo dân: lối gọi “bác”, “chú”, “thím”…và xưng “con” quen dùng nơi ngài cũng là những cách hành xử để trở nên gần gũi, thân thiện với họ, xóa đi hàng rào ngăn cản vốn dễ nảy sinh cách tự nhiên giữa vị chủ chăn và những người cộng tác, những người thuộc quyền.

Thêm vào đó, mối tương giao thân tình gần gũi này còn nhắm đến việc xây dựng một sự hiệp nhất trong giáo phận, và một Giáo hội của tình mến.

* * *

Ước muốn của các vị chủ chăn là thế, nhưng tất nhiên việc xây dựng tình thân ái, sự hiệp thông, hiệp nhất giữa các vị chủ chăn và các linh mục đâu phải chỉ là trách vụ của các Giám mục mà thôi, nhưng hẳn còn cần tới sự góp phần tích cực của mỗi linh mục.

Dịp Hội ngộ Linh mục âu cũng là một cơ hội tốt đẹp để chia sẻ, hiểu biết và tạo sự hiệp thông sâu xa hơn giữa các vị chủ chăn và các linh mục, cũng như giữa các linh mục với nhau, để cùng hướng tới việc xây dựng một Giáo Hội chứng tá của Đức Ki-tô trong thế giới hôm nay.

Lm Văn Chính, SDB

Đọc nhiều nhất Bản in 30.05.2010. 12:17