Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lễ Ra Mắt Caritas Phan Thiết

§ Lm Giuse Nguyễn Hữu An

PHAN THIẾT - Ngày 1/4/2009, Caritas Phan Thiết chính thức Lễ Ra Mắt tại TGM Phan Thiết.

Tham dự Lễ Ra Mắt có Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Phan thiết, Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng thư ký Caritas Việt nam, Anh Phaolô Lê Phước Thiện đặc trách ngoại vụ, Anh GB Đỗ Văn Lộc chuyên viên, Chị Maria Nguyễn Thị Liên Phương kế toán, Chị Anna Nguyễn thị Tuyết Lê truyền thông, cùng ban điều Caritas Phan thiết và 180 tham dự viên là những đại diện của Ban Bác ái xã hội - Caritas các Giáo xứ, Giáo họ biệt lập, các đoàn thể Công giáo tiến hành, các Hội dòng và Tu đoàn đang phục vụ trong Giáo phận.

90402caritas1.jpg
90402caritas2.jpg

Caritas Phan Thiết cùng phối hợp với Caritas Việt Nam tổ chức ngày học hỏi “Cẩm nang Caritas việt Nam”, đúc kết những công việc bác ái xã hội và thảo luận những phương hướng hoạt động Caritas trong tương lai.

Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, nguyên Chủ tịch UBBAXH, trình bày đề tài: “Caritas và cuộc sống con người”.

Hôm nay nhân ngày ra mắt Caritas Giáo phận, tôi xin chia sẻ một vài ý nghĩa chung quanh tiếng Caritas, rộng hơn một chút là “Caritas và cuộc sống con người”, tức là tổ chức Caritas của Giáo hội.

1. Caritas là gì?

Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” đã dùng hai cụm từ Hy Lạp để hiểu ý nghĩa của Caritas. Caritas là tình yêu theo nghĩa Agapes và tình yêu theo nghĩa Eros.

Eros là một sự ham muốn, một tình cảm đối với tha nhân khi nơi họ có một cái gì lôi cuốn mình. Dáng vẻ hấp dẫn, thái độ dịu dàng, lời nói duyên dáng vì bao nhiêu tác nhân khác gây nên sự phấn khích, hài lòng thỏa mãn và ta muốn chiếm đoạt. Tình yêu này đến rồi đi tùy vào sự lôi cuốn còn cường độ hay không. Nó xuất phát từ tình cảm tự nhiên

Agapê là tình yêu dâng hiến, không chiếm đoạt mà lại là tìm niềm vui khi được trao ban. Tình yêu này vẫn tiếp tục yêu cả khi đối tượng không đáp trả, không biết ơn, không dễ thương, không xứng đáng. Nó chỉ ao ước làm điều thiện cho tha nhân, cảm thông sâu xa với họ, tìm hạnh phúc cho họ, có khi phải trả giá cũng đành.

Tình yêu này xuất phát từ Thiên Chúa, nhưng con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, cũng có khả năng để tự hiến mình vì tha nhân, để biến thành sự chăm sóc, sự quan tâm đến người khác. Tình yêu trở thành sự từ bỏ, sẵn sàng trở thành lễ vật tặng ban.

Trong bản chất con người vẫn có một khát vọng vô biên, khát vọng này không thể nhường chỗ cho hủy diệt và vì thế khi hòa hợp được cả hai thứ tình yêu Agapê và Eros thì tình yêu mới thành công, hợp với phẩm giá con người.

Qua kinh nghiệm lịch sử người ta chỉ muốn thỏa mãn tình yêu theo nghĩa Eros, và từ quan niệm hẹp hòi đó người ta đã biến con người thành hàng hóa, nô lệ thân xác, thành phương tiện khai thác cho dục vọng. Eros vì thế bị mất đi vẻ đẹp thần linh của nó.

Cho nên Đức Thánh Cha đã nhận định: “ người ta hiểu tình yêu như thế nào thì người ta đối xử với con người như vậy”.

2. Caritas và cuộc sống con người

“ Tình yêu chính là tính đặc thù của nhân bản con người”; “ con người không thể thiếu tình yêu và con người được kêu gọi để trở nên những người có khả năng yêu”. Đó là nhận định của thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu”.

Phẩm giá con người tùy thuộc vào những yếu tố của nhân quyền. Nhưng tình yêu là nguyên động lực làm cho các yếu tố đó được tôn trọng, được phát triển và còn thúc đẩy mỗi người đi tới chỗ làm cho mọi nhân vị được cơ hội sống đầy đủ quyền làm người của mình. Vì thế các thông điệp xã hội của Giáo hội luôn luôn để ý tới quyền lợi của con người, giá trị mỗi con người trong xã hội. Và đặc biệt là những người có vị thế không được ưu đãi trong xã hội: người nghèo, người thất học, người tàn tật, người bị loại trừ… Đây là những người dễ bị tổn thương nhất, bị bốc lột, bị chà đạp nhân phẩm. Vì thế mà đức bác ái Kitô giáo đã luôn chú tâm quan tâm săn sóc họ. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “ Con người là con đường của Giáo hội”.

Nhìn qua lại mục tiêu Caritas của một số Hội Đồng Giám Mục thế giới, ta thấy ngay sự quan tâm đến người nghèo như thế nào. Hội Đồng Giám Mục Ý có Ủy Ban Hành động Bác ái hỗ trợ những nước nghèo thuộc thế giới thứ ba. Hội Đồng Giám Mục Pháp có Secours Catholique với chủ trương chống nghèo đói. Hội Đồng Giám Mục Đức có Misereor với chủ trương làm sao cho người nghèo được hưởng một nền văn hóa, xã hội, kinh tế công bằng, phát huy các giá trị Kitô Giáo về con người, cỗ vũ những tổ chức dân sự nhằm nâng cao đời sống con người, đẩy mạnh khu vực nghèo có điều kiện phát triền bền vững, đảm bảo kinh tế cho người nghèo và cũng cố khả năng của họ để đối phó với vấn đề sinh tồn…

Nhìn sang Tây Ban Nha với tổ chức bề thế Manos Unidas chọn mục tiêu chống nghèo đói, suy dinh dưỡng, thất học, kém phát triển... Khởi động sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa, xã hội tôn giáo ngõ hầu làm cho dễ dàng sự trao đổi hướng tới hòa bình.

Nội dung và các biện pháp các tổ chức trên đây để đạt tới mục tình yêu cho người nghèo thì rất là phong phú. Và chính chúng ta cần học hỏi, lắng nghe để xây dựng cho Giáo hội Việt Nam có một tổ chức Caritas đúng nghĩa.

Cứu trợ khẩn cấp là công tác đột xuất tuy rất cần thiết trước tình hình thiên tai càng ngày càng nhiều và nền kinh tế nông nghiệp còn lạc hậu luôn gặp nhiều khó khăn.

Nhưng đồng thời và phải nói là điều quan trọng hơn nữa là chúng ta cần hướng tới sự phát triển bền vững. Các dự án không có chủ trương xin tiền để tạo dựng cơ sở cho bằng tạo dựng vốn cho những dự án phát triển khả thi.

3. Làm thế nào để Caritas Việt Nam vững mạnh?

a. Cộng đoàn Giáo Phận

Ý thức về trách nhiệm của mình.

90402caritas3.jpg
90402caritas4.jpg
90402caritas5.jpg

Trách nhiệm của từng người Kitô hữu, cũng là trách nhiệm của toàn thể cộng đoàn Hội thánh, đó là nghĩa vụ của mọi cấp: từ cộng đoàn địa phương đến Giáo hội cùng miền cho đến Hội thánh hoàn vũ như một tổng thể. Hội thánh hoàn vũ như một cộng đoàn phải thực thi Bác ái” (số 20).

Hiểu như vậy và đi vào thực hành, những bước đầu của trách nhiệm là biết lắng nghe, quan sát, xem xét, tiếp cận, thông cảm, nhạy cảm, phân định… Thánh vịnh (10,17) nói lên lòng Chúa mà chính Giáo hội phải biết chia sẻ: “Lạy Chúa, Ngài nghe thấy ước vọng kẻ nghèo hèn, Ngài cho họ an lòng và lắng tai nghe họ, để bênh đỡ kẻ mồ côi và người bị áp bức”. Mối quan tâm của Chúa trong những ngày rao giảng đối với dân nghèo khổ, bệnh tật là rõ rệt.

Ý thức trách nhiệm này phải bắt đầu từ cộng đoàn, nhất là các linh mục chúng ta phải vừa lãnh đạo vừa nêu gương. Hình ảnh sinh hoạt các cộng đoàn tiên khởi mà sách Công vụ kể lại rõ ràng là một cộng đoàn biết trách nhiệm về bác ái.

Bản chất của Hội thánh được thể hiện qua một trách nhiệm có ba mặt: Rao giảng Lời Chúa, Cử hành các Bí Tích, Phục vụ bác ái. Đó là những trách nhiệm lệ thuộc vào nhau và không thể tách rời nhau được. Việc phục vụ Bác ái đối với Hội thánh không phải là một cách thức hoạt động trợ giúp có thể giao cho người khác, nhưng nó thuộc về bản chất của Hội thánh, là một biểu lộ bản chất không thể từ bỏ được.

Vấn đề bác ái không có biên giới. “Trong gia đình Giáo hội không được phép có những người túng thiếu” đã đành mà bao nhiêu người cần đến ta dù khác đạo, như dụ ngôn người Samarianô nhân hậu ám chỉ, điều đó có quyền đòi hỏi ta giúp đỡ.

Tổ chức cơ sở của Caritas là Giáo Phận. Có một văn phòng, có một cơ cấu tổ chức làm việc là lẽ dĩ nhiên, nhưng điều quan trọng nhất là phần nhân sự. Phải đào tạo nhân sự, mỗi Giáo Phận cần nhiều người chuyên môn trên nhiều phương tiện từ quản trị đến kỹ thuật chuyên môn. Muốn làm việc lâu dài và càng lâu càng có kinh nghiệm, sự tham gia các dòng rất cần thiết. Nhưng muốn đào tạo nhân sự phải nhằm mục tiêu cho nhu cầu nào, bao nhiêu người, học cái gì, phục vụ ở đâu, làm sao, nếu không có mục tiêu rõ rệt, có nhân sự dư thừa mà không làm được gì thì chỉ tốn tiền đi học.

Để tổ chức một tín dụng chăn nuôi heo siêu nạc, tôi phải đào tạo thú y, nhân viên xã hội, kế toán, quản trị. Để tổ chức một cơ sở chữa bệnh bằng thuốc nam, tôi phải cho người đi học Đông y, Tây y, trồng tỉa, chế biến. Phải có quy mô như vậy mới thành lập được các dự án có tính cách bền vững và xóa đói giảm nghèo hay thăng tiến các giá trị nhân bản cho họ.

Bất cứ dự án nào cũng nhằm mục đích vì người nghèo, cho nên dùng tiền dự án phát triển vào các mục đích khác và lỗi đức công bằng. Vì thế cần có sự trong sáng trong việc tổ chức dự án và báo cáo. Phải có chuyên gia để đánh giá tính cách khả thi của dự án, nhiều khi vì thiếu kinh nghiệm mà dự án bị bể, như vậy là lãng phí đồng tiền của các tổ chức từ thiện giúp chúng ta nhiều khi là sự góp nhặt từ những đồng xu nhỏ từ lòng hảo tâm của những người có thu nhập rất ít.

b. Cộng đoàn giáo xứ: phục vụ

Từ ý thức đến phục vụ, cộng đoàn giáo xứ như là một cơ quan tình yêu, là cộng đoàn phục vụ

Hai tiếng phục vụ có thể nói là hoạt động thường xuyên đời sống linh mục. Nhưng ở đây thông điệp muốn nhấn mạnh là đừng coi việc bác ái như là việc thứ yếu có hay không tùy ý. Bác ái phải trở thành cơ cấu trong hoạt động Giáo hội. Thông điệp viết: “theo giòng thời gian và với sự bành trướng dần dần của Hội thánh, việc thực thi bác ái được xác định như lãnh vực căn bản cùng thực thi bác ái được xác định như lãnh vực căn bản cùng với việc ban phát các bí tích và việc rao giảng Lời Chúa: việc thực thi bác ái đối với các góa phụ và trẻ mồ côi, với các tù nhân, với các bệnh nhân và người túng thiếu dưới mọi hình thức, thuộc về bản chất của Hội thánh cũng y như việc phục vụ bí tích và rao giảng Phúc âm. Hội thánh không thể chểnh mảng với Bí tích và Lời Chúa” (số 22).

Theo tư tưởng của Thông điệp, Giáo hội là Bí tích tình yêu, thì chính linh mục và cộng đoàn giáo xứ của ngài là cộng đoàn yêu thương bác ái.

Đó là điều “mình là” giáo xứ trở thành trung tâm bác ái, cơ quan tình yêu. Nói chung con người ai cũng cần tình thương, nơi mà con tim tìm thấy sự ấm áp của cuộc sống, nơi nương tựa từ tình cảm đến tinh thần. Đó cũng là trách nhiệm hàng đầu của cha xứ, giống như trách nhiệm rao giảng và ban phát các Bí tích.

Từ đây, hoạt động yêu thương bác ái không còn là một ít hành động từ thiện của một nhóm người mà là toàn bộ giáo xứ phải thực hiện như toàn bộ giáo xứ phải tham dự Thánh lễ Chúa nhật. Nói như vậy không phải là tưởng tượng, nhưng ưu tiên hàng đầu của cha xứ là làm sao cho cộng đoàn của mình trong đó mọi người hiểu biết nhau hơn, tôn trọng nhau hơn, cũng cố những suy sụp về luân lý, đức tin, hiệp nhất. Một giáo xứ tình yêu sẽ biết khích lệ nhau tấn tới, quan tâm đến nhau trong lúc gian truân, bệnh tật, thiếu thốn, nâng đỡ nhau trong lúc yếu đuối, tha thứ có va chạm, tin tưởng nhau trong tình con cái Chúa…

Từ đầu đến cuối xóm không để ai phải thiếu thốn, neo đơn, trẻ em thất học, tuổi trẻ lạc lõng..vv.

Khi từ cha xứ đến giáo dân ai ai cũng có một tấm lòng không nhiều thì ít tấm lòng vị tha, khoan dung, hiền hòa, thương người và có “bụng chung”. Hai tiếng bụng chung nghe thì bình dân, nhưng đó là nhân tố của đoàn kết, của yêu thương, của hòa bình; nói cách khác là của tình thương.

c. Cộng Đoàn Tu Sĩ

Nói đến cộng đoàn không có nghĩa là giáo xứ, giáo phận, còn một thành phần quan trọng đó là cộng đoàn các dòng tu - Nếu phục vụ bác ái là bản chất của Giáo hội, thì khuôn mặt Giáo hội, khuôn mặt ưu tú đó là các dòng tu – các dòng tu phải là hàng ngũ tiên phong của bác ái – điều đáng buồn là những khuôn mặt ưu tú đó chỉ mới đóng góp được một phần rất nhỏ trong việc loan báo Tin mừng và việc làm bác ái. Hầu hết đang đóng khung trong việc của giáo xứ, và kinh tế cho cộng đoàn nhỏ của mình và cộng đoàn nhà mẹ. Có chăng chỉ là nhân các dịp lễ hội, kiếm đâu có được chút quà cho người nghèo hay trẻ em rồi đem về phát lại.

Nói như vậy không phải là phủ nhận công tác bác ái của những dòng đang lo cho người nghèo, người khuyết tật, người HIV, những phụ nữ đang muốn phá thai. Nhưng đó chỉ là phần nhỏ so với những cộng đoàn khép kín trong tư thế lo cho đời sống mình.

Giáo hội ngày nay không chủ trương những cộng đoàn khép kín để rồi xa xã hội, làm cho người ngoài thấy Giáo hội hoặc là một cộng đoàn chỉ biết lo chuyện vật chất như người đời, hoặc là Giáo hội với những khuôn mặt ưu tú lại chỉ nghĩ đến phần rỗi đời sau mà lại nói không với cuộc sống con người ở đời này - Nếu không sớm cải tạo tư tưởng và hành động, Giáo hội bị xã hội loại trừ. Những khuôn mặt lớn của Giáo hội như Đức Gioan Phaolô II, Têrêxa Calcuta đó là những khuôn mặt bác ái.

Ngày nay người đời không thiếu những nhóm thiên nguyện, những hội ONG, gọi là tổ chức dân sự Phi Chính Phủ, họ đang chú ý tìm cách giúp đỡ cho người nghèo, người tàn tật, người di dân, nạn nhân chiến tranh - Họ giúp đỡ rất hữu hiệu có khi hy sinh cả tính mạng - Họ hoạt động vì tình người, cũng là tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa.

Trong khi đó, chúng ta tự hào là con Thiên Chúa tình yêu, chúng ta học hỏi về đức bác ái quá nhiều nhưng chúng ta làm chẳng bao nhiêu. Tính thực tiễn của Tin Mừng đòi hỏi chúng ta phải lăn xã vào hành động. Như Chúa đã từng nhấn mạnh: Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa ! Lạy Chúa là được vào nước trời đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, đấng ngự trên trời mới được vào thôi… Trong ngày ấy nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa ! Lạy Chúa nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ? Và bây giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; Xéo cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác (Mt 7,21-13). Câu nói đó dĩ nhiên hướng về ngày phán xét sau ngày.

Trên đây mới là lời cảnh báo nhiều người dưới hình thức đạo đức đã làm việc vì lợi lộc, vì danh vọng mà thôi. Tu sĩ là chứng nhân của Thiên Chúa tình yêu.

Ta hãy nhìn vào chính Chúa Giêsu như mô hình một người Con hoàn hảo nhất của Thiên Chúa. Tin Mừng (Mt 9,25-37) cho ta thấy Chúa vừa đi rao giảng vừa tỏ lòng xót xa của Ngài đối với lớp người nghèo đói, bệnh tật, bị quỷ ám, bị loại trừ. Sự quan tâm đó khiến Ngài dành một thời gian rất lớn cho việc chữa bệnh. Ngài không thuần túy rao giảng lời Lời Hằng Sống, chỉ dẫn người ta đi tìm con đường trở lại với hồng ân nguyên thủy Chúa dành cho. Nhưng đồng thời Ngài chia sẻ thực sự nỗi đau, sự thiệt thòi của nhân phẩm con người và ách nặng nề của tôn giáo đang áp đặt trên họ. Sự chia sẽ đi đến hành động và Giêsu trở thành một biến cố hiện sinh giữa thời đại Ngài. Ngài bị mang tiếng phá lề luật vì chữa bệnh ngày Sabat, mang tiếng là phường ăn nhậu vì đi lại với người tội lỗi để yêu thương hoán cải họ… Nói tóm lại, Ngài vừa rao giảng Thiên Chúa tình yêu, vừa hoạt động để những người bệnh tật, đau yếu, vừa giải phóng người tội lỗi cho họ thấy rõ con tim của Thiên Chúa.

Những dụ ngôn của Ngài là những giáo huấn nhằm vào hành động, lấy bối cảnh cuộc đời làm hiện trường hành động. Dụ ngôn người Samaritanô tốt lành nhằm giáo huấn ông luật sĩ và cả phe nhóm ông chỉ biết nói mà không biết làm: « Ông hãy về mà làm như vậy » (Lc 10,28). Dụ ngôn hai người con so sánh lời nói với việc làm (Mt 21,28-31). Dụ ngôn người giàu và ông Lazarô nghèo đói nói về tình liên đới (Lc 10,19-31). Dụ ngôn ngày phán xét chung nói về bác ái (Mt 25,31-46). Tất cả hướng về hành động mà là hành động bác ái.

Một mô hình cộng đoàn phục vụ của Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội

Tu Đoàn gồm hai ngành nam và nữ, tuy tổ chức biệt lập nhưng trong công tác phục vụ các tu sĩ phải cộng tác bổ túc cho nhau.

Lý tưởng cộng đoàn là Tình yêu Chúa Kitô phương châm hoạt động: “Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18) là chân đạo của tu đoàn.

Những hoạt động cụ thể:

A. Ngành nam gồm năm nhóm

1. Nhóm phát triển cộng đồng nhằm những công tác xóa đói giảm nghèo, thăng tiến văn hóa
2. Nhóm nhà tình thương cho người không nhà
3. Nhóm trồng và chế biến thuốc nam giúp cho bên nữ có thuốc chữa bệnh.
4. Nhóm ký túc xá từ thiện cho học sinh nghèo xa trường
5. Nhóm nước sạch cho những vùng nước ô nhiễm

B. Ngành nữ năm nhóm
1. Nhóm nuôi bò sữa, giúp người suy dinh dưỡng ở thôn quê, trẻ em người bệnh, người già.
2. Nhóm may mặc: sắm sữa những bộ đồ mới cho người nghèo mặt khác tổ chức trường học nghề may công nghiệp cho thiếu nữ thôn quê - nếu cần cho họ may gia công đồ các xí nghiệp.
3. Nhóm sức khỏe cộng đồng, săn sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo bằng y học cổ truyền và bằng cây thuốc nam.
4. Nhóm ký túc xá từ thiện cho trẻ em nữ.
5. Nhóm phục hồi giúp đỡ người khuyết tật trẻ em mồ côi, tàn tật, ma túy...

Sau ba năm hoạt động ở Hàm Tân thấy kết quả rất khích lệ.

Tôi rất mong muốn Caritas Giáo phận nhiệt thành cùng làm việc để góp phần đem tình yêu Thiên Chúa chia sẽ cho mọi người.

Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết Phan thiết là giáo phận đầu tiên tổ chức lễ ra mắt Caritas, trong những tháng sắp tới đây một số giáo phận cũng sẽ ra mắt Caritas để chính thức đi vào hoạt động. Caritas Trung Ương đã đầu tư 1,6 tỉ đồng để thiết lập trang thiết văn phòng cho 26 Giáo phận.

Cha Tổng thư ký trình bày lưu loát lôi cuốn đề tài: Giáo hội Việt nam và sứ mạng phục vụ con người trong lĩnh vực bác ái xã hội 50 năm qua

Cha Tổng Thư ký cùng với các chuyên viên giới thiệu Caritas Việt nam về nội quy, cơ cấu tổ chức và đường hướng hoạt động theo cuốn « Cẩm nang Caritas Việt nam ». Caritas có nền tảng Linh đạo Bác ái: “Hội viên Caritas trước tiên là người được tình yêu Đức Kitô chinh phục. Khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, họ có thể trao ban tình yêu này cho những anh chị em đồng loại qua những việc bác ái... Họ phải luôn noi gương Đức Giêsu sống khiêm tốn “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10). Họ phải luôn xác tín rằng: khả năng giúp đỡ người khác là một hồng ân của Thiên Chúa, chứ không phải là công đức và sự nghiệp của bản thân (x. Tđ. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 35). Họ là những công cụ mà Thiên Chúa dùng để trao ban tình thương của Ngài. Muốn được như vậy, họ cần phải có một tâm hồn cầu nguyện liên lỉ, gắn bó với Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu dạy chúng ta là: “Luật căn bản để hoàn thiện con người và qua đó để biến đổi thế giới là điều răn mới về tình yêu” (x. Mt 22,40; Ga 15,12; CĐ. Vatican II, Gaudium et Spes, số 38). Hành vi cá nhân sẽ mang trọn tính người khi nó được phát sinh từ tình yêu, biểu lộ tình yêu và hướng về tình yêu. Trong phạm vi xã hội, sự thật này cũng y như vậy. Các Kitô hữu cần phải là những nhân chứng xác tín sâu xa về tình yêu, và qua cuộc sống của mình, họ cần chứng tỏ rằng tình yêu là động lực duy nhất (x. 1 Cr 12,31; 14,1) để dẫn đến sự hoàn thiện bản thân và xã hội (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội, số 580). Theo linh đạo này, mỗi hội viên caritas trở thành người xây dựng nền văn minh tình yêu.

Sau khi lắng nghe hai bài tham luận, các tham dự viên cùng thảo luận những thực tế trong hoạt động Caritas. Chúng ta nghĩ gì về Caritas? Ai là người nghèo để Caritas phục vụ? Mỗi đơn vị Caritas sẽ làm gì để thể hiện phục vụ đức ái?...

Cuối ngày gặp gỡ, Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, trưởng ban Caritas Phan thiết tường trình về các cơ sở bác ái xã hội trong giáo phận. Ngài đề nghị thành lập Caritas Giáo xứ trong tháng 4-5 tới đây. Kêu gọi nhiều thành phần dân Chúa tìm hiểu và gia nhập để trở nên hội viên Caritas.Những định hướng hoạt động thiết thực nhằm đem đến nhiều ích lợi cho người nghèo ngày càng nhiều trên quê hương thân yêu.

Với những hoạt động bác ái thắm đẫm Tin Mừng Chúa Giêsu, Caritas góp phần tạo nên nền văn hoá tình thương.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Đọc nhiều nhất Bản in 02.04.2009. 13:09