Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lễ Khấn Dòng của các Nữ Tu Mến Thánh Giá Nha Trang

§ Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Hàng năm Dòng MTG Nha Trang tổ chức lễ khấn dòng vào dịp Lễ Thánh Giuse, bổn mạng Hội dòng.

Sáng 18.3, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Giám Mục Nha Trang chủ sự Thánh lễ. Cùng đồng tế có 80 linh mục trong và ngoài Giáo phận. Hội Dòng có thêm 4 Nữ Tu Khấn Trọn Đời và 24 Nữ Tu Khấn Lần Đầu. Cuối thánh lễ Chị Tổng Phụ trách Maria Cao Thị Bình chúc mừng Kim Khánh Linh Mục Đức Cha Phaolô.

90319kdmtg1.jpg

Khi tuyên khấn, người Nữ Tu muốn dâng hiến trọn đời mình cho Đức Kitô cả thể xác lẫn tâm hồn. Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí các Nữ Tu Mến Thánh Giá.

Đối với tôi, hình ảnh đẹp nhất ngày lễ khấn dòng là lúc người Nữ Tu quỳ gối trước mặt Đức Giám Mục, đặt tay trong tay Chị Tổng Phụ trách, đọc lời khấn hứa: Khó Nghèo, Khiết Tịnh, Vâng Phục.

Trong lời giáo huấn cho các tân khấn sinh, Đức Cha Phaolô nói về đau khổ và tình yêu, thánh giá và đời tu. Thập giá là đau khổ. Không ai chọn thập giá vì nó là sỉ nhục và đớn đau. Chúa Giêsu đã chọn thập giá. Chúa đem tình yêu vào đau khổ để thập giá trở thành thánh giá. Tình yêu làm cho đau khổ trở thành ân sủng. Như người mẹ khổ vì con, nhưng đó là hạnh phúc của tình mẫu tử. Như người lính gian khổ và hy sinh cho đất nước, đó là tình yêu cao cả vì giang sơm gấm vóc. Người Nữ tu từ bỏ tất cả vì tình yêu Chúa Kitô. Chọn thánh giá Chúa làm đối tượng tôn thờ, Nữ tu MTG thuỷ chung với lời giao ước tình yêu dâng hiến.

Lắng nghe lời giảng dạy của Đức Cha Phaolô, tôi nhớ đến một bài giảng của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc về đề tài “Thánh giá và đời tu”. Đời sống thánh hiến và mầu nhiệm thập giá có tương quan mật thiết.Theo Tông Huấn Vita Consecrata, mọi ơn gọi đời sống thánh hiến đều bắt nguồn từ Thập Giá Chúa Kitô ( số 23 ). Chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh là nguồn linh hứng cho mọi ơn gọi. Hồng ân Thánh Thần của Thập Giá là nguồn gốc mọi hồng ân, đặc biệt là hồng ân đời sống thánh hiến. Thập Giá Chúa Kitô là dấu chỉ Tình Yêu dư đầy của Thiên Chúa đối với nhân loại ( Ga 3,16 ). Thập Giá là dấu chỉ sự hiện diện cứu độ của Đức Kitô. Nói đến Thập Giá của Chúa là nói đến chính Chúa Giêsu chịu đóng đinh, nói đến cuộc Khổ Nạn của Chúa mà mỗi người kitô hữu đều thông phần khi chịu phép rửa. Người kitô hữu là con người của thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Con đường của người kitô hữu, của Giáo Hội chúng ta không là một giấc mơ về Đấng Messia trần thế. Vị Thiên Chúa đầy nhân tính, Chúa Giêsu của các sách Tin Mừng loại trừ hình ảnh Đấng Messia theo mơ ước quyền năng của con người. Thập giá đảo lộn các ước mơ của con người, những ước mơ bắt đầu bằng tội của Eva. Thập Giá là Lời Phản Kháng chống lại tội ác của thế gian. Thiên Chúa đã niêm ấn lời phản kháng ấy, khi đã cho Đấng Chịu đóng đinh chỗi dậy từ cõi chết. Theo nhà thần học Moltmann, muốn biết Thiên Chúa là ai, phải quỳ dưới chân thập giá và cùng lúc hướng về cánh cửa mà Phục Sinh mở ra. Tìm Thiên Chúa nơi nào khác là tư duy theo kiểu loài người, chứ không theo đường lối của Thiên Chúa. Theo trường phái tu đức Pháp ( Ecole francaise ), những người sống đời thánh hiến là thế hệ những người đi tìm Thiên Chúa. Thập Giá Chúa Kitô đối với họ hết sức quan trọng, vì họ chỉ có thể tìm thấy Thiên Chúa nơi mà Người tự mạc khải.

Thập giá là nơi Thiên Chúa nói bằng thinh lặng: mầu nhiệm Thập Giá là mầu nhiệm sự khổ đau và Tình Yêu của Thiên Chúa. Nơi Thập Giá, đau khổ và tình yêu là một: Thiên Chúa đau khổ vì Người yêu thương. Đức Giêsu bị đóng đinh là Đấng Thiên Chúa vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa hoàn toàn ra khỏi chính mình trong sự tha hóa của cái chết, để đón chúng ta vào trong sự sống. Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu đã chia sẻ đến cùng thân phận làm người của chúng ta: sự nghèo nàn, sự cô đơn và những phiền muộn của con người. Không chỉ một mình Chúa Giêsu, mà chính Chúa Cha cũng học đau khổ. Chúa Cha cũng đi vào lịch sử loài người nơi cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Ngài đau khổ vì Người Con hoàn toàn vô tội đã bị kết án cách bất công. Nhưng Ngài đã chấp nhận hy sinh để Tình Yêu được biểu lộ trong đau khổ của thập giá. Chúa Thánh Thần là Hơi Thở Sự Sống mà Đức Giêsu hấp hối trên thập giá đã trao lại cho Chúa Cha. Người là Tình Yêu hiệp thông, chấp nhận trở thành một sự chia lìa đau thương tách rời Cha khỏi Con của mình là Đức Giêsu. Đức Giêsu đã chết, Ngài trao hơi thở lại cho Chúa Cha. Chúa Thánh Thần, Hơi Thở Sự Sống chấp nhận lìa bỏ con người Giêsu để con người ấy chia sẻ thân phận làm người trong cái chết. Ngôn ngữ của Thập Giá bảo chúng ta hãy tìm gặp Thiên Chúa trong yếu đuối trong đau khổ và sự nghèo nàn của thế giới con người. Sự hoàn thiện của Thiên Chúa biểu lộ trong những bất toàn mà Người đảm nhận vì chúng ta: những giới hạn của khổ đau, sự chia lìa của cái chết, sự yếu đuối của nghèo khó, sự nặng nề và tăm tối của cuộc đời. Mọi người có thể nhận ra trong cuộc đời của mình Thập Giá của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong khổ đau, con người có thể cởi mở với Thiên Chúa, Đấng tự hiến cho loài người, để biến đổi thương đau thành tình yêu, khổ nạn thành lễ phẩm. Thần Khí của Đấng chịu đóng đinh mạc khải cho chúng ta sự biến đổi ấy. Cùng với chúng ta và trong chúng ta, Ngài chia sẻ những khổ nạn của cuộc đời Ngài cho chúng ta thông phần cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu và Chúa Cha, và mở ra cho chúng ta con đường sự sống. Giáo Hội dưới chân Thánh Giá là Cộng Đồng những tín hữu noi gương Chúa Kitô Giêsu, nỗ lực ra khỏi chính mình và đi vào chặng đường thương khó của tình yêu. Giáo Hội dưới chân thập giá là Giáo Hội được sống động, phong phú nhờ những khổ đau của các chi thể. Theo định nghĩa của Tông Huấn Vita Consecrata, người tu sĩ sống đời thánh hiến là người nghe tiếng gọi của Chúa Cha và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã chọn con đường đặc biệt bước theo Đức Kitô (sequela Christi ), để tự hiến cho Đức Chúa với một con tim không chia sẻ ( số 1 ). Bước theo Đức Giêsu là đi theo con đường khổ nạn của Thầy. Yêu mến Đức Giêsu và bước theo Ngài là góp phần làm dịu các nỗi khổ đau của loài người, là đấu tranh bằng lời nói và cuộc sống chống mọi nguồn gốc của sự dữ, của khổ đau. Thánh Giá Cứu Độ của Chúa Giê su đòi hỏi giải phóng khỏi mọi thứ thập ác của tội lỗi và sự chết. Bước theo Chúa Giêsu là biến các thập giá hằng ngày thành môi trường và cơ hội cho sự phục sinh, cho tình yêu và công lý. Người tu sĩ, muốn thông phần mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô, trước hết hãy để cho Chúa Thánh Thần, Đấng mình lãnh nhận trong phép rửa, tháp nhập chính mình vào cuộc khổ nạn của Chúa. Sống đời thánh hiến là sống ơn gọi phép rửa cách triệt để. Ơn gọi đời sống thánh hiến là đỉnh cao của ơn gọi phép rửa. Trong phép rửa, mỗi người chúng ta cùng chết với chúa Kitô để cùng sống lại với Người, chúng ta được thông phần mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa. Chúng ta nên một với Chúa Kitô Vượt Qua trong mầu nhiệm Thánh Thể. Cử hành và sống bí tích Thánh Thể là cách tốt nhất để chúng ta sống mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô ngày hôm nay. Thiên Chúa không bao giờ bảo Tu sĩ theo Ngài để đau khổ. Theo Ngài là để hạnh phúc. Chúa Giêsu nói với Phêrô: ‘Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13,70. Sau biến cố Phục Sinh, cái chết của Chúa mới mở ra một con đường mới. Đường hạnh phúc. Trước Phục sinh, Phêrô không thể hiểu được tại sai phải về Giêrusalem để bị đóng đinh. Sau này, Tông đồ Phêrô sẵn sàng dâng mạng sống vì Thầy, hiểu được con đường của Thầy.

Theo Chúa Giêsu, người Nữ tu nhìn cuộc đời thênh thang trên trời cao mà tìm hạnh phúc. Con đường hẹp của Phúc Âm, con đường thánh giá là con đường “chiến đấu để vào” chứ không miễn cưỡng hay cưỡng chế. Con đường hẹp dẫn đến sự sống và ngập tràn niềm vui dâng hiến. Hương thơm của đời sống tu trì mang đến cho cuộc đời này một mùa xuân dịu mát trong những vẻ đẹp thanh cao nhất,biến đổi thế giới trong những ích kỷ chiếm đoạt của tình yêu đam mê, hướng nhân loại nhìn về Nước Trời mai sau trong hạnh hạnh phúc vĩnh cửu tuyệt mỹ.

Theo Chúa Giêsu, người Nữ tu từ bỏ tất cả để chỉ dâng tình yêu cho Thiên Chúa mà thôi. Chỉ yêu một mình Đức Kitô. Đó là động lức cơ bản khiến họ chỉ đi tìm Thiên Chúa và sống với Ngài, cảm nếm sự ngọt ngào vô biên, hạnh phúc diệu kỳ của tình yêu tuyệt đối họ đang tôn thờ.

Thánh Cả Giuse đã đi trọn con đường “thập giá và đời tu”. Trên tay Giuse, lúc nào cũng cầm cành huệ trắng. Cành huệ trắng biểu trưng cho tâm hồn thanh sạch. Thánh Giuse được trao ban đặc ân cao trọng là giữ gìn Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đức Giêsu Đấng Thánh Thiện. Thánh Giuse, đã đi trọn con đường của Chúa Giêsu “con tự hiến thánh con để họ cũng được thánh hiến” (Ga 17, 19).

Các Tân Khấn Sinh như những đoá huệ trắng thanh khiết tươi xinh kết nên lẵng hoa tuyệt đẹp dâng lên Thánh Giuse. Nguyện xin Thánh Cả luôn phù trợ và nâng đỡ để các Nữ Tu đi trọn con đường “thập giá và đời tu” như Ngài.

Cầu chúc các Tân Khấn Sinh luôn hạnh phúc trong đời dâng hiến.

Lễ Thánh Giuse 19.3.2009

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Đọc nhiều nhất Bản in 19.03.2009. 18:04