Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Phú Cường

§ GP Phú Cường

GP PHÚ CƯỜNG – Trong không khí se lạnh vào buồi sáng tinh mơ của những ngày cuối tháng 11, từng đoàn người trong 7 giáo hạt thuộc giáo phân lũ lượt tuôn về Nhà Chung, với khuôn mặt rạng rỡ in đậm niềm hân hoan hòa niềm vui chung của toàn thể Giáo Hội Việt Nam trong ngày lễ khai mạc năm thánh 2010 kỷ niệm 350 năm thành lập hai Giáo phận Tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài, 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960–2010).

91128phucuong1.jpg

6g30 ngày 28/11/2009 cả khuôn viên Nhà Chung giáo phận ngập tràn tiếng nói, tiếng cười, tiếng chào nhau của những người con trở về “Nhà Mẹ Giáo phận”, hòa lẫn trong dòng người này có đủ mọi thành phần Dân Chúa: linh mục, tu sĩ nam nữ, chúng sinh, giáo dân, có người khỏe mạnh đi bên cạnh những người ngồi trên xe lăn, có những em bé chạy tung tăng bên cạnh những cụ già chống gậy cố bước tới lễ đài cho kịp giờ khai mạc. Tất cả tạo nên một bức tranh sống động về Giáo Hội Chúa Kitô, một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, một Giáo Hội không phân biệt giai cấp xã hội, tình trạng cuộc sống, không phân biệt người nam hay người nữ, sang hay hèn... Vâng, Giáo Hội Chúa Kitô chì có một thân mình với Chúa Kitô là đầu và mọi tín hữu là chi thể của thân thề mầu nhiệm nầy.

Đoàn con cái trong giáo phận về đây không để tham dự một lễ hội, nhưng để cùng với Đức Giám mục giáo phận cử hành Thánh lễ khai mạc năm thánh để ghi nhớ một biến cố trọng đại, biến cố in đậm tình yêu của Thiên Chúa dành tặng cho con dân Việt Nam, đó chính là hồng ân đức tin. Hồng ân đó được trao tặng cho Dân Việt không là một chuyện ngẫu nhiên, nhưng được xuất phát “từ ý định ngàn đời đầy yêu thương của Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người. Chính Đức Kitô chứ không ai khác đã sai các sứ giả của Ngài đến vùng đất thân yêu này để loan truyền Tin Mừng cứu độ” (Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ, số 1). Thiên Chúa đã trao ban ân huệ lớn lao này qua những bước chân đầu tiên của các nhà Thừa sai vào năm 1533. Từ những bước chân đó Tin Mừng Chúa Kitô đã bắt đầu được loan báo trên mảnh đất quê hương chúng ta, “để rồi nhờ ơn Chúa, Tin Mừng ấy mỗi ngày mỗi lan rộng cho đến cách đây 350 năm, hai giáo phận Tông toà đầu tiên đã được thiết lập tại Việt Nam. Rồi theo dòng lịch sử, Giáo Hội ngày càng phát triển cho đến năm 1960, vào ngày 24-11, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII đã ký Tông sắc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội Chúa Kitô trên đất nước chúng ta.” (Đức cha Nguyễn văn Nhơn, Diễn văn khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện ngày 24/11/2009).

Việc cử hành này không đơn thuần để tưởng nhớ đến hồng ân đã lãnh nhận, nhưng còn là dịp để mọi người tín hữu cất vang tiếng tạ ơn Thiên Chúa vì tình yêu Ngài ban tặng. Dĩ nhiên lời tạ ơn luôn là hành vi được biểu tỏ mỗi giây phút trong cuộc sống, tuy nhiên khai mở Năm Thánh trong dịp kỷ niệm đặc biệt này, các vị chủ chăn muốn mọi tín hữu ý thức rằng: Năm Thánh là thời điểm ân sủng, thời điểm “mở ra cho các tín hữu Việt Nam một cơ hội thuận tiện để củng cố niềm tin của mình vào Thiên Chúa Tình yêu, để từ đó có thể cống hiến cho anh chị em của mình ‘kho tàng duy nhất và lớn lao nhất của mình là Đức Giêsu Kitô’. Đây chính là thời điểm để Giáo Hội tại Việt Nam làm toả sáng hình ảnh Nước Trời như kho tàng vô giá chất chứa mầu nhiệm cao vời của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, như viên ngọc quý mà những ai tìm thấy sẽ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được (x. Mt 13, 44-46). Như thế, trước khi giới thiệu và nói về Thiên Chúa cho người khác, chúng ta được mời gọi sống trọn vẹn căn tính đích thực của các môn đệ Chúa Kitô, những người đươc ủy thác sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ cho đến tận cùng thế giới… Đây cũng là thời điểm mà lời mời gọi nên thánh vang lên rõ ràng và thúc bách hơn bao giờ hết. Thiên Chúa muốn chúng ta sống thánh thiện (x. 1 Tx 4, 7; 1 Tx 3, 12; 1 Pr 2, 15), Đức Kitô muốn chúng ta phúc âm hóa chính cuộc sống mình trước khi loan báo Tin Mừng cho mọi người chung quanh… Vì thế, sống thánh thiện phải là mối quan tâm hàng đầu của mỗi người chúng ta, đó sẽ là nguồn khởi hứng sinh động cho toàn thể đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn của các môn đệ Đức Kitô trên đất nước Việt Nam này.” (Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ, số 1).

Khởi đầu thánh lễ khai mạc Năm Thánh, Đức Giám mục mời gọi mọi con cái của mình hướng tới công lao của các bậc tiền nhân đã đổ máu đào để làm chứng cho đức tin. Chính nhờ dòng máu các thánh Tử đạo đổ ra mà hạt giống đức tin đã đâm mầm nẩy lộc. Quả thật, Giáo Hội Chúa Kitô tại Việt Nam được lớn lên xinh đẹp chính nhờ máu của các thánh Tử Đạo tưới gội. Để tỏ bày lòng tri ân sâu xa đối các Thánh tử đạo Việt Nam, Đức Giám mục long trọng cử hành nghi thức tôn vinh các ngài qua cuộc rước kiệu trọng thể. Khuôn viên Nhà Chung giáo phận không thể thiết lập một được kiệu dài với hơn 3.600 tín hữu, 100 tu sĩ nam nữ, 50 chủng sinh và 70 linh mục. Vì thế đoàn kiệu chi có đại diện của 7 giáo hạt, tu sĩ nam nữ và tất cả các linh mục đồng tế. Tuy nhiên không vì sự hạn hẹp con số tham gia vào đoàn kiệu rước mà mất đi sự long trọng, trái lại sự trang trọng và vẻ uy nghi bao trùm lấy không gian Nhà Chung. Điều đó có được không do bởi đoàn trống phách, cờ xí, bởi trang phục của các tu sĩ nam nữ khiêng kiệu hay của các em tung hoa và tiến hương, nhưng do chính gương anh dũng của các Thánh Tử Đạo đã làm nức lòng các tín hữu và tất cả mọi con tim đều hướng về các ngài để tri ân và để cầu xin sao cho ngọn đuốc đức tin mà các ngài chuyển giao luôn được cẩn trọng gìn giữ và được thắp sáng chiếu dọi đến mọi người. Tất cả mọi người có mặt đều mở miệng hòa nhịp với ca đoàn cất cao tiếng hát tôn vinh các thánh Tử đạo, tạo nên bầu khi tôn nghiêm và sốt sắng. Có tận mắt chứng kiến khung cảnh này mới thấy được sức mạnh của đời sống đức tin được biểu lộ qua lòng đạo đức bình dân của người tín hữu. Chính lòng đạo đức bình dân này đã là nguồn động lực và thành lũy bảo vệ đức tin của tiền nhân. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam được viết bằng máu, nước mắt và khổ đau. Gần 300 năm bị bách hại một cách khủng khiếp và dã man, tưởng như hạt giống Phúc Âm không thể tồn tại trên mảnh đất Việt Nam được. Thế nhưng, nhờ đức tin đơn sơ chân thành của người tín hữu Việt Nam, một đức tin được nuôi dưỡng chăm bón bởi những lời kinh đơn sơ mộc mạc, đã giúp người tín hữu Việt Nam càng ngày càng gắn bó trung thành với Đức tin của mình, vượt qua được những thách đố, gian nan, để nhờ đó mà hôm nay Giáo Hội Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển thành “cây to lớn chim trời có thể đến ẩn náu được”. Quả thật lòng đạo đức bình dân đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa Giáo Hội Việt Nam bước tới chỗ trưởng thành.

91128phucuong2.jpg

Sau nghi thức tôn vinh các bậc tiền nhân anh dũng, Thánh lễ khai mạc Năm Thánh được bắt đầu. Trước tiên Cha Tổng đại diện công bố thư Năm Thánh của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, sau đó Đức Giám Mục long trọng tuyên bố khai mặc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Phú Cường. Lời công bố của Đức Giám mục được vang đi đến tận các giáo xứ thuộc giáo phận qua biểu tượng thả bong bóng. Những chiếc bóng bóng bay tỏa ra cả một vùng trời như muốn nhắn gởi tới mọi người thuộc giáo phận Phú Cường: Thờ gian ân sủng đã bắt đầu, hãy cất tiếng tạ ơn và sống trọn năm hồng phúc bằng cách canh tân đời sống và thắp sáng ngọn đuốc đức tin.

Khởi đầu Năm hồng ân, Đức cha đã thiết tha kêu gọi sám hối và tạ lỗi. Tạ lỗi với Chúa vì những hành vi cố tình hay vô ý đã làm rách nát chiếc áo “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” của Giáo hội; tạ lỗi với nhau và tạ lỗi với đồng bào, nhất là với những người nghèo, những người bất hạnh, với các tôn giáo bạn.

Điều này đã được Đức cha khai triển một cách chi tiết trong bài giảng. Đức cha nhấn mạnh đến hai điểm chính yếu phải thực thi trong Năm Thánh: tạ ơn và tạ lỗi. Tâm tình tạ ơn luôn gắn kết với hành trình đức tin: nhận lãnh – gìn giữ – rao truyền. Tạ ơn vì đức tin là một ân ban của Thiên Chúa, đức tin này được các bậc tiền bối, tổ tiên chuyển giao nên phải gìn giữ các cẩn trọng bằng đời sống chứng nhân và cuối cùng phải loan truyền đức tin bằng chính lối sống công chính của một người công giáo với lương tâm ngay thẳng. Hành vi tạ lỗi được thể hiện qua việc khiêm cung nhận ra những lỗi lầm trong quá khứ để thực thi một sự hòa giải (a) với Chúa qua việc nỗ lực bảo vệ dung mạo hiển thê của Chúa Kitô,tức Giáo Hội của Người, có nghĩa là phải sống sao để cho Giáo Hội luôn là Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, duy nhất và tông truyền; (b) với nhau qua việc xin lỗi nhau giữa mọi thành phần Dân Chúa vì những kỳ thị và loại trừ lẫn nhau, nỗ lực kiến tạo một bầu khí hòa thuận trong gia đình, trong các đoàn thể, trong giáo xứ…; (c) với đồng bào vì những lời nói và cử chỉ xúc phạm gây ra sự hiểu lầm, nhất là xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật, đau khổ vì những người tín hữu chúng ta chưa đủ quan tâm đến họ cách đầy đủ.

91128phucuong3.jpg

Kết thúc thánh lễ khai mạc là việc công bố chương trình Năm Thánh của giáo phận, bao gồm việc cử hành lễ Năm Thánh cấp giáo hạt, việc hành hương, chương trình sống Năm Thánh: học hỏi, góp ý, thực thi việc bác ái, gia tăng công việc truyền giáo.

Phép lành cuối lễ đã được Đức Giám mục trao ban, thế nhưng đoàn người như chưa muốn ra về, có một cái gì đó như cố níu kéo họ lại cho dẫu mặt trời đã bắt đầu lên cao. Một giáo dân tâm tình: “Sao con thấy lưu luyến chưa muốn về, chưa bao giờ con dâng lễ sốt sắng như hôm nay. Nơi đây con cảm nhận được sức sống của Giáo Hội. Con cám ơn Đức cha, cám ơn Ban tổ chức đã tạo cho chúng con có được cảm nhận này, và nhờ đó chúng con yêu mến Giáo Hội nhiều hơn, chúng con sẽ ra sức sống trọn ơn gọi của mình để Giao Hội luôn xinh đẹp như bài giảng Đức cha đã khuyên bảo”.

Vp TGM Phú Cường

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 30.11.2009. 09:25