Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lá Thư Đầu Xuân Canh Dần của ĐGM Giáo Phận Kontum

§ +GM Micae Hoàng Đức Oanh

KontumLogo.jpg

Kontum, ngày 11 tháng 02 năm 2010

Kính gởi: Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ
và Anh chị em trong Giáo phận Kontum

Anh chị em rất thân mến,

Năm Mới Canh Dần đã tới. Xin mến chúc anh chị em ân sủng và bình an của Chúa Xuân. Hôm nay chúng ta cũng bước vào ngày thứ 80 (24.11.2009 - 11.02.2010) của Năm Thánh 2010. Trong tâm tình sám hối của Năm Thánh, chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em về mấy vấn đề đang ảnh hưởng lớn tới đời sống đạo của bản thân, gia đình cũng như Giáo phận với anh chị em trong lá thư Đầu Xuân này.

1. Vấn đề Hàmòng

Trước hết vấn đề Hàmòng. Hiện tượng Hàmòng đã nảy sinh từ năm 1998 tại làng Hàmòng Kơtu, huyện Đăk Hà, tỉnh Kontum. Một hôm, có tin đồn Đức Mẹ hiện ra với bà Gin tại đây. Nhiều người tuốn đến. Người thì với lòng tôn kính. Người thì vì óc tò mò. Người thì muốn tìm hiểu. Tới nay, sau nhiều ngày theo dõi, phân tích, điều tra, cầu nguyện, chúng tôi nhận thấy:

1) Nội dung sứ điệp: Sao chép chỗ này chỗ khác, không thống nhất, lộn xộn, có nhiều điều sai trái với giáo huấn của Hội Thánh.

2) Cách ứng xử của anh chị em liên hệ trong nhóm Hàmòng: Không thẳng thắn, luôn tránh né, có tính khích bác, gây chia rẽ trong gia đình ngoài xã hội. Thiếu bình an cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội.

Hiện có một số anh chị em đã xa lìa Giáo Hội, không còn tham dự các sinh hoạt trong xứ đạo. Chúng tôi có đủ bằng chứng để quả quyết: không có chuyện Đức Mẹ hiện ra ở Hàmòng. Tôi tha thiết kêu gọi anh chị em có dính dấp tới vấn đề này, hãy khiêm tốn quay về với Giáo Hội, để cùng nhau dồn tâm sức cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Xin các Cha tìm mọi cách đến thăm, an ủi và giải thích cho anh chị em với lòng kiên nhẫn, khiêm hạ của người mục tử nhân lành. Xin Thánh Thần Chúa soi dẫn chúng ta. Xin Mẹ Maria chữa lành vết thương Hàmòng này.

2. Vấn đề cơ sở vật chất

Vấn đề thứ hai được nhiều anh chị em trong Giáo Phận quan tâm là vấn đề các cơ sở của Giáo Phận cũng như của Giáo Hội Việt Nam hiện do Chính Quyền đang quản lý. Chuyện xảy ra ở đất Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm… càng làm cho anh chị em bức xúc hơn, đặc biệt sau khi hay tin có người đã xúc phạm đến Thánh Giá. Nhiều anh chị em không đồng tình với lối giải quyết của các cấp địa phương, nhưng lại rất cảm phục thái độ bất bạo động và đượm tình bác ái của những anh chị em đồng đạo tại các nơi có biến động. Lý do dễ hiểu vì tại ngay Giáo phận Kontum cũng đã từng xảy ra nhiều vụ tương tự như: vụ nhà thờ và nhà xứ Hiếu Đạo (1975), đất nhà thờ Ninh Đức (1982), đất nhà thờ Lệ Chí (1984), vụ Trường Yao Phu Cuénot (1986)… Phía Giáo phận đã có nhiều văn bản gửi Chính quyền địa phương, nhưng nhiều anh chị em vẫn chưa hài lòng, muốn kêu cứu lên Trung Ương. Chúng tôi tin rằng chính quyền địa phương có thừa khả năng giải quyết với tấm lòng “vì Dân vì Nước”. Chúng tôi biết anh chị em mong muốn có kết quả sớm. Xin anh chị em bình tĩnh, tiếp tục cầu nguyện và sống đạo tốt trong môi trường sống của mình (x. Mt 5-7). Chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày lên các cấp hữu trách nguyện vọng chính đáng của chúng ta theo cách thức tốt đẹp nhất cho mọi phía.

Nhưng cốt lõi vấn đề đã xảy ra những vụ tranh chấp là quyền tư hữu “bị từ chối”. Bao lâu quyền căn bản này chưa được công nhận, bấy lâu vẫn còn tranh chấp, vẫn còn bất ổn. Chính sách “xin cho” với những hậu kết đáng tiếc khôn lường cũng từ đấy mà ra. Điều mất mát to lớn nhất là “niềm tin” của người dân cứ bị xói mòn. Thấm thía bài học này, chính quyền Trung Quốc sau bao năm kinh nghiệm đắng cay dẫn đến cả 57,5 triệu người chết oan, đã phải quyết định trả lại quyền tư hữu cho người dân, nhờ đó đất nước Trung Quốc mới phát triển và theo kịp đà phát triển của thế giới như hiện nay(*). Hy vọng đây cũng là bài học quý giá cho đất nước chúng ta.

3. Vấn đề giáo dục

Nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn cả lại là vấn đề giáo dục. Phải công nhận đã có nhiều cố gắng từ mọi phía, nhưng hình như “chiếc xe giáo dục quá nặng tính vật chất” nên cứ tụt dốc mãi. Ở vùng sâu vùng xa thì học sinh mất căn bản; ở thành thị thì đạo đức sa sút. Báo chí đã và đang phơi bày thực trạng này. Nhìn chung, xem ra “bi đát” hơn “lạc quan”. Đâu là nguyên do sâu xa của nền giáo dục hiện nay? Phải chăng quá nặng tri thức mà nhẹ mặt đạo đức? Phải chăng đầu óc lớp trẻ bị nhồi nhét đủ thứ bạo động hận thù trong khi con tim không được giáo dục nhân ái đàng hoàng? Phải chăng thiếu gương sáng của các bậc cha anh đang bị sa lầy trong chế độ “xin cho”, trong khi thiếu sự hợp tác của mọi thành phần trong dân, nhất là từ các tôn giáo? Phải chăng hệ thống truyền thông xã hội một chiều đã đẩy người dân vào chỗ hụt hẫng? Thực hiện nghiêm túc chính sách xã hội hoá giáo dục - cũng có nghĩa là thực tâm trả lại quyền giáo dục cho các bậc cha mẹ, các tư nhân, các tôn giáo - chính là lối giải quyết vấn đề cách tốt đẹp nhất. Còn gì phi lý cho bằng tại đất nước Việt Nam hôm nay người nước ngoài được tự do mở trường còn các tôn giáo người Việt lại không có quyền đó? “Tôn giáo vẫn bị coi là thuốc phiện” chăng? Nhìn các nhà trẻ do các nữ tu, các ni cô đang điều khiển thu hút toàn “các con ông cháu cha” cũng đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Phần chúng ta trong giới hạn cho phép, chúng ta cần ưu tiên đầu tư và chăm sóc cho con em chúng ta có được một nền giáo dục đào tạo hài hoà, nhịp nhàng, thống nhất giữa khối óc và con tim.

4. Mục tiêu sống Năm Thánh

Sống Năm Thánh 2010, Giáo phận chúng ta đã chọn các mục tiêu: Phổ biến Lời Chúa và đẩy mạnh công cuộc đào tạo ơn gọi cho cánh đồng truyền giáo. Giáo phận đang tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh việc dịch Sách Thánh sang các tiếng bản địa như Bahnar, Jrai, Sêđăng và Rơngao. Riêng bản dịch các Sách phụng vụ Bahnar và Jrai đang chờ được Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích chuẩn y. Giáo phận cũng tha thiết kêu gọi mọi thành phần dân Chúa dồn công sức nâng đỡ, phát triển các gia đình ơn gọi, các gia đình Phanxicô Xaviê tại các xứ họ. Cần nhiều tay thợ thánh thiện lành nghề. Cần nhiều tay thợ lành nghề thánh thiện từ các dân tộc bản địa. Vì thế cần nhiều quan tâm và đầu tư hơn nữa trong lãnh vực này đặc biệt từ các xứ họ. Nhờ ơn Chúa giúp với quyết tâm cao của mỗi người, chúng ta ra sức thực hiện các mục tiêu này.

Anh chị em rất thân mến,

Mùa Chay cũng đã tới gần, Mùa ân sủng, Mùa canh tân đời sống và dấn thân hăng say loan báo Tin Mừng. Nguyện xin Mẹ Maria, Thánh cả Giuse và các cha anh tử đạo Việt Nam bầu cử và giúp mỗi người chúng ta sống Năm Thánh cách thiết thực.

Hiệp thông,

+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám mục Giáo phận Kontum

(*) Tân Tử Lang, Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công Tội, Nxb Thư Tác Phương, Hồng Kông 2008, tr. 319.

+ GM Micae Hoàng Đức Oanh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 15.02.2010. 16:17