Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Kỷ niệm sinh nhật Giám Mục Truyền Giáo Phạm Ngọc Chi (1909-1988)

§ Phạm Bá Nha

GIÁM MỤC TRUYỀN GIÁO PHÊRÔ MARIA PHẠM NGỌC CHI (1909-1988)

Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi lấy khẩu hiệu ‘‘Vâng lời Thày, con thả lưới’’ (In verbo tuo, laxabo rete). (Lc 5, 5). Đây là lời ‘‘vừa xin vâng lệnh vừa xin sự nâng đỡ’’ của Thánh Phêrô, quan thày Đức Cha, thưa với Chúa Giêsu khi không bắt được cá lúc thả lưới trên hồ Gennesaret. Vâng lệnh của Đức Cha rất hiệu nghiệm và đem lại kết quả đúng như sở nguyện, với những thuyền đầy khẳm cá. Suốt một đời dài 79 năm, Đức Cha đã chứng tỏ là một nhà truyền giáo nổi bật nhất, xứng đáng và đúng nghĩa với nhiệm vụ đổi mới trao phó ‘‘bắt cá người’’. Ngài đã ‘‘thả lưới’’ khi còn ở quê hương Phát Diệm, làm giám mục Bùi Chu, di cư vào Sàigòn, chủ chăn Qui Nhơn và nhận lãnh trách nhiệm coi sóc địa phận mới Đà Nẵng. Từ bắc vào nam rồi ra tận miền trung. Cẩm nang duy nhất mang theo trên đường truyền giáo là ‘‘Phúc Âm Dẫn Giải’’ (xb. Thánh Gia, 1952). Tấm gương hy sinh truyền giáo mà ĐC luôn ngưỡng mộ và noi theo là ‘‘Cha Đa Miêng, Tông Đồ Người Người Hủi’’ (xb. Ra Khơi, 1957).

Chúa cho thông minh, khôn ngoan, ăn nói hoạt bát, ngoại giao giỏi và biết dùng người. Ở đâu ngài vẫn tỏ ra người rành nghề, thạo việc, chuyên chăm và không thiếu xót. Nhưng cuối hành trình truyền giáo, ngư ông già vẫn chưa hài lòng với công việc và chưa cho là đủ, như thánh Phanxicô trước khi qua đời, nằm trên hòn đảo ngoài khơi hướng về Trung Hoa than thờ kêu lên : ‘‘Lạy Chúa, còn nữa’’ (Amplius Domine).

Quê hương Phát Diệm (1909-1950)

Đức Cha Phạm Ngọc Chi sinh ngày 14-5-1909, tại làng và giáo xứ Tôn Đạo, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm. Ngài thuộc dòng tộc ưu đãi có nhiều ơn gọi thiên triệu. Ngoài ngài là giám mục. Dòng tộc này còn cống hiến cho Giáo Hội VN nhiều linh mục, tu sỹ và thày giảng. Thân phụ là cụ Phêrô Phạm Xuân Quế. Một tông đồ giáo dân, từng làm phó trương, trưởng hội thánh Giuse và Hội Nghĩa Binh Thánh Thể. Cụ cố có công phát triển nghề đan ren (dentelles) toàn huyện, tạo công ăn việc làm cho nhiều gia đình. Cụ Bà Anna, thuộc Dòng Ba Phan Sinh. Di cư vào nam sinh sống tại Xứ An Lạc, Chí Hòa, Sàigòn, thọ đến 90 tuổi.

Tháng 8-1920, 11 tuổi, cậu Chi được cố Kim cho nhập học trường Thử Ba Làng, Thanh Hóa, sau đó năm 1921, chuyển về học Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc, Phát Diệm. Những năm học ở Phúc Nhạc, chú Phêrô Chi luôn đứng đầu lớp về học lực và hạnh kiểm. Vì thế, sau khi mãn tiểu chủng viện, năm 1927, ĐC Alexandre Marcou Thành (1857-1939) đã tuyển chọn thày Chi du học trường Truyền Giáo Roma. Thày thụ phong linh mục ngày 23-12-1933, năm 24 tuổi, tại thánh đường Laterano, do Đức Hồng Y Marchetti Sdraggiani, Giám mục phó giáo phận Roma chủ phong. Năm này là năm Thánh đặc biệt kỷ niệm 1900 năm ơn Cứu Chuộc (33-1933). Cùng chịu chức có 37 người. Ngày Lễ Giáng Sinh, tân linh mục dâng lễ đầu tay trên mộ thánh Phêrô trong hầm Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô.

Chịu chức linh mục (năm 1933, kỷ niệm 1900 năm ơn Cứu Độ), thụ phong giám mục và kỷ niệm 50 năm linh mục (năm 1983, kỷ niệm 1950 năm ơn Cứu Độ) đều vào Năm Thánh. Nên ĐC quí mến những ngày kỷ niệm quí giá này.

Năm 1983, kỷ niệm kim khánh linh mục, trong bài giảng lễ tạ ơn, ĐC đã xin mọi người cảm tạ về những ơn lành Chúa đã ban cho ngài : « Từ nhỏ, tôi như tiên tri Jeremia. Tôi không biết gì. A A cũng không biết nói, Thế mà Chúa, trong ý Chúa đã chọn tôi làm linh mục của Ngài, dâng thánh lễ mỗi ngày. Cho đến hôm nay là lễ thứ 18. 598... Sau chức linh mục, Chúa còn lồng lên tôi chức linh mục của tôi chức giám mục, 33 năm. Ngài nhấn mạnh tinh thần con đường truyền giáo hằng đeo đuổi : Khẩu hiệu tôi chọn khi làm giám mục ‘‘Vâng lời Thày, con thả lưới’’. Chúng ta thấy rằng trong nước VN chúng ta số người theo đạo cũng khá đông, nhưng cũng như muối bỏ biển. Làm sao cho một khối người anh em chúng ta, những người có xác có linh hồn như chúng ta, được trở lại cùng Chúa. Đó là nhiệm vụ của chúng ta, nhất là nhiệm vụ của giám mục. Trong công đồng Vatican 2 đã nói rằng : ‘‘Giáo Hội theo bản tính là thừa sai nghĩa là truyền giáo.’’

Trong thời gian học đại học Apollinaire, ở Roma, Cha Chi đã đậu bằng tiến sỹ Triết, cử nhân Giáo Luật và Thần học. Năm 1935, qua Pháp học Luật tại Đại Học Công Giáo Paris và Sorbonne,

Năm 1936, do nhu cầu địa phận, ĐC Nguyễn Bá Tòng đã gọi Cha về nước. Cha dạy học cho Đại Chủng Viện Thượng Kiệm (1937) rồi làm phó giám đốc (1938), và trưởng ấn tòa án hôn phối của giáo phận, và thành viên Hội Đồng Địa Phận (1946). Cha cũng là cố vấn cho ĐC Từ về luật pháp và chính trị.

Tinh thần và hoạt động truyền giáo của ĐC Phạm Ngọc Chi được cụ thể qua từng giai đoạn: (giaoxuvnparis.org)

Mở đầu sứ vụ truyền giáo ở Bùi chu (1950-1954)

Ngày 27- 11-1948, ĐC Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn qua đời. Tòa thánh đặt cử ĐC Lê Hữu Từ, Giám Mục Phát Diệm làm giám quản Bùi Chu. Mãi đến ngày 3-2-1950, ĐGH Pio XII mới đặt cử Cha Phạm Ngọc Chi làm Giám Mục Bùi Chu, hiệu tòa Sozopolis. Tuy chưa thụ phong, thì ngày 21-3-1950, ĐC đã vội về nhậm chức, bằng tàu Hòa Bình. Vì Bùi Chu trống tòa đã lâu. Lễ tấn phong ngày 4-8-1950, nhằm lễ thánh Đa Minh, quan thày ĐC Hồ Ngọc Cẩn. Lễ tấn phong Giám mục tại lễ đài trước nhà thờ chính tòa Bùi Chu, do ĐC Lê Hữu Từ chủ phong, và ĐC Ngô Đình Thục phụ phong, với sự tham dự hàng ngàn quan khách và hơn 20.000 giáo dân.

ĐC Phạm Ngọc Chi về địa phận trong tình hình chính trị và quân sự phức tạp và chiến tranh ngày càng ác liệt. Nhiều vùng ‘‘xôi đậu’’... Ngài khôn khéo đưa đời sống giáo dân vào trật tự và yên ấm. Trước hết là sắp xép lại nhân sự, rồi song song, liên tục và lâu dài là mở mang dòng tu.

Về mặt truyền giáo, ĐC đã tìm cách phát triển, gia tăng nếp sống đạo của giáo dân. Để giúp giáo dân sống đức tin, ĐC tổ chức tuần cấm phòng luân phiên tại các xứ. Do đoàn giảng phòng hướng dẫn và tổ chức, hàng năm hay các dịp đặc biệt. Kết quả rất tốt. Nhiều người khô khan trở lại sống đạo tốt. Tại nhà thờ chính tòa Bùi Chu, hàng tháng có tổ chức các buổi thuyết trình về Đức Mẹ. Lôi cuốn và gây thích thú cho nhiều người trí thức lẫn giáo dân. Từ đây, hội Mẫu Tâm được thành lập để cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ.

Chú trọng tới truyền giáo. ĐC thành lập ‘‘Đoàn Truyền Giáo’’ gồm những giáo dân trẻ thiện chí có khả năng dạy giáo lý. Họ được các linh mục chuyên môn hướng dẫn đem về các miền nhiều tân tòng, ở miền biển Hải Hậu. Từ 1950-1954, có 40.000 trở Iại.

Mở mang văn hóa. Từ 1949, Trung Học Hồ Ngọc Cẩn được thành lập, ĐC lo cho trường thành công lập. Dùng tiền nhà xứ để mở trường tiểu học cho giáo xứ. Từ 1950-1954, 50 trường tiểu học và 259 trường sơ cấp. Tuần báo ‘‘Thời Mới’’ phát hành năm 1950, cơ quan thông tin của giáo phận.

Những năm di cư chuyển tiếp ở Sài Gòn (1954-1957)

Hiệp định Genève tạo thành cuộc di cư vĩ đại. Gần một triệu người từ bắc di cư vào nam. Tại Sài gòn, Đức Khâm Sứ Dooley ủy thác cho Ngài việc coi sóc hàng giáo sỹ di cư. ĐC Cassaigne ủy toàn quyền cho ngài phụ trách di cư trong giáo phận Sàigòn. Thực tế, ngài phụ trách đồng bào di cư toàn miền nam. Chính phủ yêu cầu và đặt ĐC làm chủ tịch ủy ban Hỗ Trợ Định Cư, trực thuộc Tổng Ủy Di Cư. Công việc của UB này là liên lạc với cơ quan viện trợ công giáo Mỹ. Văn phòng này có linh mục Louis Trần Phúc Vỵ, giáo sư chủng viện Phát Diệm, cùng làm việc. Hai nhiệm vụ quan trọng là coi sóc hàng giáo sỹ di cư và định cư cho gần một triệu người từ Phú Quốc Cà Mau kéo dài tới Quảng Trị Bến Hải. Tìm đất định cư, cung cấp lương thực và phương tiện vật liệu xây dựng nhà cửa. Người ta thấy ĐC có mặt những nơi thăm dò tìm đất, hay khánh thành nhà thờ trường học.

Hết khó khăn này đến khó khăn khác. Toàn là bắt đầu. Ngày 5-1-1957, Thánh Bộ Truyền Giáo Tòa Thánh ủy nhiệm ĐC thành lập Công Giáo Tiến Hành. Ngày 18-1-1957, ĐC đã mua ngôi nhà bốn tầng làm trụ sở, ở số 72/12 Nguyễn Đình Chiểu, Tân Định. Mua ngôi nhà này do tài trợ của Tòa Thánh qua Đức Khâm Sứ Giuse Caprio, công giáo Tây Đức và công giáo Hoa Kỳ. Sau này đã trở thành Trung Tâm Công Giáo VN. Khi ĐC Chi đi Qui Nhơn, ĐC Lê Hữu Từ thay cho đến 1961. Sau này, lần lượt làm giám đốc là : Cha Nguyễn Viết Cư (gốc Vinh), Cha Nguyễn Quang Trọng (Cần Thơ). Trung tâm còn có ba sinh hoạt khác : Bác Ái, Giáo dục công giáo, và Thông Tin Báo Chí Công Giáo.

Cánh Đồng truyền giáo ở Qui nhơn (1957-1963)

Ngày 5-7-1957, Tòa Thánh đặt Đức Cha Phạm Ngọc Chi làm giám quản giáo phận Qui Nhơn và năm 1960, trở thành giám mục chính tòa Qui Nhơn. Từ 1944, vì chiến tranh, ĐC Marcel Piquet Lợi quản nhiệm Qui Nhơn, nhưng Ngài luôn ở Nha Trang. Từ Sàigòn ra, ĐC Chi về nhậm chức, không có ai bàn giao, không có tiền bạc. Các chủng viện đóng cửa từ lâu. Tòa giám mục do Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến xử dụng. ĐC Chi tạm trú ở đại chủng viện bỏ trống. Nhiều linh mục, tu sỹ gốc Phát Diệm Bùi Chu xin theo làm việc với ĐC. Về tài chánh nhờ Tòa Thánh, Caritas quốc tế và ân nhân.

Có thể nói, Qui Nhơn mới là địa bàn đem lại kết quả nhiều nhất về truyền giáo.

Từ 1958, phong trào tòng giáo sâu rộng lớn mạnh, ước lượng từ 50. 000 lên đến 100.000 người. Qui Nhơn phải huy động đào tạo 200 giáo lý viên nhờ Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đồng Công và một số linh mục Phát Diệm cộng tác như Cha Lucas Mai Học Lý, cựu giám đốc Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc, cha Nguyễn Đức Nhung, cha Trần Văn Hòa.

Qua tài liệu di cảo của Cha Mai Học Lý, nhà văn Phạm Đình Khiêm ghi bút hiệu Đức Khiêm đã viết trong cuốn Thánh Giuse, ghi lại : Phong trào tân tòng ở địa phận Qui Nhơn hồi ấy phát triển kỳ diệu, riêng khu Đông Mỹ (Phù Mỹ) của cha chính Mai Học Lý với một số linh mục Phát diệm mở rộng tới 40 họ đạo mới.(trang 101)

Ba vùng truyền giáo lớn:

- Vùng Châu Ổ (Quảng Ngãi), do các cha DCCT đảm trách, có 26 địa điểm, với 2.300 dự tòng.

- Vùng Mỹ Chánh (Bình Định), do dòng Đồng Công, có 7 địa điểm, với 1.492 dự tòng

- Vùng Đông Mỹ (Phú Yên), do các cha Phát Diệm, có 40 địa điểm, với 3.200 dự tòng.

Kết quả thật bất ngờ, có lần rửa tội cho 1. 500 hay 3.000 người. ‘‘Mẻ cá rất lớn’’ không thể tưởng tượng. Hàng trăm nhà thờ được xây cất. Qui Nhơn quá rộng. Nên Đức Cha xin Tòa Thánh phân Qui Nhơn làm hai. Ngài xung phong đi địa phận mới Đà Nẵng.

Sứ vụ truyền giáo ở Đà nẵng (1963-1988)

Ngày 18-1-1963, thời ĐGH Gioan XXIII, Tòa Thánh tách địa phận Qui Nhơn làm hai, thiết lập Giáo phận Đà Nẵng, gồm tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Đức Cha không muốn gánh nặng địa phận mới cho ai. Nên đã tình nguyện xin Tòa Thánh nhận trách địa phận mới. ĐC là giám mục tiên khởi của Đà Nẵng.

Nhận chức ngày 1-5-1965. Chân ướt chân ráo về địa phận mới, chưa có tòa giám mục, ĐC phải tạm trú nhà xứ nhà thờ chính tòa Đà Nẵng hơn một năm. Năm 1966, xây xong tiểu chủng viện, ĐC mượn tạm lầu 2 để làm tòa giám mục. Đến 1970, ĐC mới thật sự có tòa giám mục để làm việc tại An Thượng.

Về nhân sự, địa phận mới chỉ có các nữ tu Dòng Thánh Phaolô, và một số ít cha Dòng Đa Minh. Đến 1974, ĐC đã mời đến làm việc trong giáo phận các cha Cha Xuân Bích, Dòng thánh Gioan Thiên Chúa, Dòng Don Bosco, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Dòng Đức Mẹ Đi Viếng, Dòng Nazaret.

Về cơ sở vật chất, trong thời gian ngắn, 10 năm, ĐC đã kiến thiết xong : Tiểu chủng Viện Đà Nẵng thánh Gioan, ở An Thượng, Đại chủng viện PhướcTường, Nhà hưu dưỡng cho các linh mục, tòa giám mục, Bệnh viện thánh Gioan Thiên Chúa. Đưa Dòng Chúa Cứu Thế vào hoạt động trong vùng truyền giáo Bến Đò Xu, ngoại ô Đà Nẵng.

Yểm trợ cho nhiều linh mục xây nhà thờ, trường học, cô nhi viện, nhà dưỡng lão... ĐC đang tiến hành lập trường Mỹ Thuật, mời Dòng Don Bosco điều khiển, thì bị ngưng vì tình hình đau thương của đất nước.

Trong điếu văn tạm biệt ĐC, ngày lễ an táng (23-1-1988), giới tu sỹ Đà Nẵng thương tiếc. Và toàn giáo dân tỏ lòng ghi ơn trước linh cữu Đức Cha : Về giáo phận Đà Nẵng, Bề trên đặt lên vai Cha một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Nhưng với lòng quả cảm, nhiệt tâm và với khối óc thông minh lỗi lạc và băng cả quyết tâm, Cha đã bắt đầu từ con số không để xây dựng giáo phận chúng con... Trong cương vị chủ chăn, Cha luôn nêu cao gương thánh thiện, hy sinh và cầu nguyện. Cha hiện thân của lòng bác ái vị tha, giúp đỡ người nghèo khổ, lắng nghe tiếng nói của con cái và sẵn sàng xoa dịu mọi khổ đau bằng tình thương của vị Hiền Phụ... Từ nay, Cha kính yêu không còn nữa. Nhưng di sản tinh thần Cha để lại thật vô giá. Chúng con biết lấy gì đền đáp cho cân xứng ?

Chân dung vị Giám mục Truyền giáo

Đức Cha khả ái Phạm Ngọc Chi đã qua đi, với bao luyến tiếc cho cả Giáo Hội VN. Nhưng sự nghiệp và chân dung người mục tử nhân hậu, khoan dung luôn sống động nơi người VN.

Con người văn hóa. Tới địa phận nào, ĐC cũng cho xuất bản ‘‘tờ thông tin của địa phận’’, mở thêm trường sở cho học sinh và cô nhi viện. Cuốn Phúc Âm Dẫn Giải, theo phương pháp mới, phân tích bình giải rõ ràng, in lại nhiều lần. Sách dày 559 trang cộng với nhiều trang phụ bản hình ảnh, được hoan ghênh và say mê đọc. Vào thập niên 50, có một tác phẩm như vậy là quí giá và công trình đáng cảm phục.

Qúi trọng và nâng đỡ ơn gọi. Từng là giáo sư, rồi phó giám đốc lên giám đốc Đại chủng viện. Nên ĐC thấu hiểu và quí trọng ơn gọi linh mục cũng như tu dòng. Mở ‘‘tu hội muộn’’ để có thêm linh mục. Nhiều chủng vì trở ngại tiến chức, đến gặp Ngài, Ngài đã nâng đỡ và cất nhắc lên chức linh mục. Số linh mục mà ngài đặt tay tuyền chức quá nhiều, tới cả 1000 vị.

Giám Mục truyền giáo. Hoạt động lớn và hiệu quả nhất của ĐC là phát triển và mở mang truyền giáo. Có những lần rửa tội cho tân tòng lên tới 5.000 hay 3.000 ngườI, ở Qui Nhơn. Đâu có thua gì thời các Tông Đồ. Có năm ĐC đã mỏi tay, phải nghỉ mới có sức tiếp tục đặt tay ban phép Thêm Sức cho 1.800 trẻ em. ĐC chú tâm xây thánh đường, mở thêm chủng viện và tu viện.

Qúi khách và biết dùng người. Không một ai đến với Ngài mà ra về mà không có gì an ủi, quà nho nhỏ mang về. Bất cứ thư nào cũng được Ngài trả lời. Khuyến khích, chọn nhiều người, kể cà giáo dân, đi du học. Mỗi ngành đều có ba người theo học. Và được đặt cử đúng khả năng và công việc. Một lần ở Sàigòn, dịp ‘‘cá tháng Tư, ngày 1-4-1955’’, một số linh mục bạn nói với một Cha, học trò của ĐC rằng : ĐC Chi cần gặp ngay. Cha này tưởng thật vội vàng lên văn phòng Di Cư gặp Ngài. Nhìn thấy cha này, ĐC cười và tặng cha này một ‘‘bao thơ tiền lễ’’. Trở về nhà, cha này mới biết mình mắc cắn câu do ‘‘cá tháng Tư’’.

Một khuôn mặt lớn của Giáo Hội VN. Đức Cha nổi tiếng ngoại giao giỏi và ăn nói hoạt bát, nên đã từng hướng dẫn các giám VN tham dự nhiều đại hội tôn giáo quốc tế và Tòa Thánh. Đức Cha thường được cử đón tiếp phái đoàn ngoại quốc đến thăm Hội Đồng Giám Mục VN.

Con người đầy tình yêu thương, lòng biết ơn và đức khiêm nhường, được ĐC ghi trong di chúc : Cả đời tôi là một chuỗi tình thương của Chúa, tôi ca ngượi không cùng. Tôi phải cám ơn cha mẹ đã sinh ra tôi. Dạy dỗ tôi. Tôi cám ơn các ân nhân các đấng bậc đã giùp đỡ tôi. Tôi không quên được các vị đầu tiên đã dẫn dắt tôi lên bàn thờ Chúa. Tôi cám ơn các cha giáo sư và người giúp việc, khi tôi làm giám đốc đại chủng viện Phát Diệm. Tôi cám ơn các cha và các người giúp tôi khi tôi làm giám mục Bùi Chu, Qui Nhơn và Đà Nẵng. Các dòng tu đã giúp tôi rất nhiều khi tôi còn sống, thì chắc bây giờ còn giúp tôi trong lời cầu nguyện. Trước khi ký tên chúc thư, ĐC viết : Đối với những người thù ghét tôi, làm khổ tôi, nếu có, tôi không buồn ai cả. Trái lại, tôi xin Chúa chúc lành cho họ, chúc lành cho gia đình họ.

Những ngày Cuối Đời

Sau 1975, Đức Cha phải đi học tập cải tạo tư tưởng, trong hai tháng, làm việc gặp riêng với phó trường ty công an tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Tháng đầu, mỗi ngày 8 tiếng từ sáng tới chiều. Tháng thứ hai, hai tuần đầu mỗi ngày 4 tiếng, hai tuần sau mỗi ngày hai tiếng. Sau hai tháng, ĐC được trả tự do.

Thế rồi, ngày 10-7-1084, bất ngờ, Tòa giám mục An Thượng bị bao vây, phòng Đức Cha và Cha Quản Lý bị phong tỏa và khám xét, không chừa một đồ vật nhỏ. Hôm sau, ĐC bị đi làm việc, và bị áp lực nhường Tòa giám mục, tiểu chủng viện Gioan và tu viện Gioan Thiên Chúa, cho nhà nước. Riêng ngài kể từ 20-7-1984, được đưa đi biệt giam tại Trà Kiệu cho đến ngày qua đời.

Ngày 6-6-1975, Đà Nẵng có ĐC Phó là ĐC FX. Nguyễn Quang Sách. Mãi đến ngày 10-7-1984, Đức Cha Chi mới trao quyền cho ĐC FX. Nguyễn Quang Sách.

Vừa do điều kiện tuổi tác, sức khỏe và như áp lực nói trên, sau một năm mừng Kim Khánh linh mục, tại tòa giám mục Đà Nẵng, Đức Cha về nghỉ hưu tại giáo xứ Trà Kiệu, do tay ngài xậy cất. Ở Trà Kiệu gần 4 năm, thời gian này coi như bị biệt giam. Rồi bất ngờ, ngày 19-10-1984, ngài bị bệnh đường ruột, được đưa vào điều trị tại bệnh viện Đa Khoa, Đà Nẵng. Từ đây, ngài yếu dần và nửa tỉnh nửa mê. Ngày 12-1-1988, ngài được xức dầu và rước Mình Thánh Chúa. Đến 21-1-1988, lúc 14g25, lễ thánh Agnès đồng trinh tử đạo, ngài ra đi bình an về nơi cõi phúc. Khoảng giờ Chúa Kitô hy sinh trên Thánh giá. Được biết, mấy ngày trước đó, 18-1-1988, tại nhà thờ chính tòa Đà Nẵng, giáo phận đã dâng lễ tạ ơn mừng kỷ niệm 25 năm thàng lập giáo phận, cũng là 25 năm ĐC là chủ chăn giáo phận. Thánh lễ an táng được cử hành ngày 23-1-1988, lúc 11giờ, tại nhà thờ Trà Kiệu do Đức do Đức TGM Huế Nguyễn Kim Điền, 5 giám mục và 40 linh mục đồng tế. Đông đảo tu sỹ và khoảng 5.000 giao dân tham dự tiễn đưa. Thi hài ĐC Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được chôn cất tại nghĩa trang các linh mục bên cạnh nhà thờ Trà Kiệu. Hưởng thọ 79 tuổi, làm linh mục 55 năm và giám mục 38 năm.

Quả thật, ít có giám mục nào mà đời sống có nhiều biến động như ĐC Phạm Ngọc Chi. Về Bùi Chu trong tình hình chính trị quân sự hết sức rối ren. Di cư vào nam, ĐC lặn lội với đồng bào di cư và đặc trách Công Giáo Tiến Hành. Nhận Qui Nhơn trong thiếu thốn đủ mặt mà nhiều việc. Tự nguyện làm giám mục Đà Nẵng. chức ba lần mà không được chấp nhận. Từ 1984, về hưu ‘‘trong tình trạng biệt giam, sống nửa tỉnh nửa mê cho tới ngày Chúa gọi ‘‘Phêrô, hãy theo Thầy’’.

Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi là một nhà truyền giáo có tầm vóc lớn, một ngư phủ biệt tài. Xứng đáng là ‘‘Tiểu Phêrô’’ của GH VN. Vì ĐC chọn khẩu hiệu ‘‘Vâng lời Thày, con thả lưới’’ đã thực hiện trọn vẹn hơn lòng mong ước. Tưởng là chỉ quăng lưới ở Bùi Chu, ai ngờ Chúa quan phòng, Ngài vung lưới khắp ba miền đất nước. Mẻ cá nào cũng đày ắp, thuyền gần chìm, phải có bạn bè đến kéo phụ. Công này thật to lớn, nhưng ngài khiêm nhường nói : ‘‘Tướng mạnh vì quân. Các cha và anh chị em giáo hữu làm nhiều, chứ tôi làm mấy tý’’. (giaoxuvnparis.org)

Tài Liệu tham khảo

- Cuộc Di Cư Lịch Sử tại Việt Nam. Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn. Công hòa VN.
- Hoàng Kim và Phạm Biển Thước. Đức Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi. CA. 1993.
- Lm. Trần Đức Huynh. Lịch Sử Địa Phận Bùi Chu. CA. 2000.

Phạm Bá Nha

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.06.2009. 16:52